Bản án về khiếu kiện yêu cầu huỷ quyết định hành chính số 175/2022/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 175/2022/HC-PT NGÀY 30/06/2022 VỀ KHIẾU KIỆN YÊU CẦU HUỶ QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH

Vào ngày 30 tháng 6 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 287/2021/TLPT- HC ngày 05 tháng 10 năm 2021; về “Khiếu kiện yêu cầu huỷ quyết định hành chính”. Do Bản án hành chính sơ thẩm số 05/2021/HC-ST ngày 20 tháng 8 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai bị kháng cáo.

Giữa các đương sự:

- Người khởi kiện: Ông Trần Duy A; địa chỉ: 1/1 Đường H, phường T, thành phố P, tỉnh Gia Lai; nơi cư trú: Số 32/1 đường P1, Phường 3, quận T1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện: Ông Nguyễn Văn H1 – 90 tuổi; địa chỉ: 1/1 Đường H, phường T, thành phố P, tỉnh Gia Lai (theo văn bản ủy quyền ngày 28/9/2020). Có mặt.

- Người bị kiện:

+ Bộ trưởng Bộ Xây dựng; địa chỉ: Bộ Xây dựng - số 37 phố L, quận H, thành phố Hà Nội. Có văn bản đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai; địa chỉ: Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai - số 02 đường T2, thành phố P, tỉnh Gia Lai. Có văn bản đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai; trụ sở tại 02 đường T2, thành phố P, tỉnh Gia Lai. Do ông Võ Ngọc Th, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai là người đại diện theo pháp luật. Có văn bản đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Bản án sơ thẩm, nội dung vụ án tóm tắt như sau 1. Người khởi kiện là ông Trần Duy A và người đại diện theo ủy quyền của ông A là ông Nguyễn Văn H1 trình bày:

Cụ Trần Duy Đ1 (chết năm 1996) và cụ Trần Thị D (chết năm 1974) là cha mẹ của ông Trần Duy A. Cụ Đ1 và cụ D là chủ sở hữu của căn nhà số 16 đường T2 và căn nhà số 05 đường N1(trước đây là số 02 và 04 Đường N1), thành phố P, tỉnh Gia Lai.

Đối với căn nhà số 05 Đường N1, thành phố P, tỉnh Gia Lai:

Trước năm 1975, cụ Đ1 và cụ D sử dụng căn nhà số 05 đường N1 làm nhà nghỉ (có tên là nhà ngủ ĐT).

Năm 1974, cụ Trần Duy Đ1 giao căn nhà này cho cụ Trần Ngọc C (em trai cụ Đ1) quản lý. Ngày 18/6/1975, cụ Trần Ngọc C tự ý ký “Biên bản bàn giao nhà ngủ ĐT” để tạm giao quyền sử dụng nhà ngủ ĐT cho Ty Tài chính tỉnh Gia Lai, nhưng thực tế là giao cho ông Lê Văn Ng, cán bộ Ty Tài chính tỉnh Gia Lai “mượn” với tư cách cá nhân để cho cán bộ cơ quan sử dụng làm chỗ ở.

Đến ngày 20/8/1992, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 139/QĐ-UB để “thu hồi căn nhà số 05 đường N1, giao cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai quản lý, sử dụng”. Ngày 14/4/2003, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai có Quyết định số 274/QĐ-UB điều chuyển đất và tài sản trên đất tại ngôi nhà số 05 đuờng N1 sang Đài truyền hình Đà Nẵng để làm Văn phòng thường trú tại tỉnh Gia Lai. Đài truyền hình đã đầu tư xây dựng mới một căn nhà 04 tầng, diện tích xây dựng 190,5m2, diện tích sàn 906,2m2. Căn nhà này hiện do Ban truyền hình tiếng dân tộc - Đài truyền hình Việt Nam sử dụng làm trụ sở Văn phòng cơ quan thường trú tại Tây Nguyên.

Ông A khiếu nại yêu cầu trả lại nhà thì ngày 03/8/1999, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ra Quyết định số 810/QĐ-UB với nội dung “không thừa nhận việc đòi lại căn nhà số 16 đường T2 và số 05 đường N1của ông Trần Duy A”.

Ông A tiếp tục khiếu nại đến Bộ Xây dựng. Ngày 19/6/2008, Bộ Xây dựng ra Quyết định số 851/QĐ-BXD công nhận quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai.

Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ Xây dựng, ông A tiếp tục khiếu nại.

Ngày 14 tháng 11 năm 2019, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 973/QĐ-BXD, nội dung không chấp nhận khiếu nại về việc đòi lại nhà số 05 đường N1của ông A, với lý do “mặc dù Nhà nước chưa có văn bản quản lý căn nhà số 05 Đường N1, nhưng thực tế Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng căn nhà này từ sau giải phóng đến nay. Theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội thì “Nhà nước không xem xét lại chủ trương chính sách và thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 01/07/1991. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất. Đối chiếu với quy định nói trên thì việc ông Trần Duy A đòi lại căn nhà số 05 đường N1là không có cơ sở để giải quyết trả lại và công nhận một phần Quyết định 810 của tỉnh Gia Lai”.

Bộ Xây dựng nhận định và quyết định như trên là trái pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông A và gia đình ông, vì:

Thứ nhất, ông Trần Ngọc C không phải là chủ sở hữu nhà số 05 đường N1nên không có quyền tự ý ký “Biên bản bàn giao Nhà ngủ ĐT”.

Thứ hai, chủ sở hữu căn nhà số 05 đường N1 là cha mẹ ông A, họ là Đảng viên của Đảng cộng sản Đông Dương không phải là “tư sản bỏ chạy trong ngày giải phóng”. Căn nhà số 05 đường N1 không phải là nhà vắng chủ, không thuộc diện cải tạo, nên không thuộc trường hợp điều chỉnh tại Điều 1 Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc Hội như Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã viện dẫn tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 973/QĐ-BXD ngày 14 tháng 11 năm 2019.

Thứ ba, tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 973/QĐ-BXD ngày 14 tháng 11 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu lý do để không trả lại nhà cho ông vì “mặc dù Nhà nước chưa có văn bản quản lý căn nhà số 05 đường N1, nhưng thực tế Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng căn nhà này từ sau giải phóng đến nay” là hoàn toàn trái pháp luật, theo Điều 4 của Nghị quyết số 755/2005/NQ- UBTVQH11 ngày 02/04/2005 của Ủy ban thuờng vụ Quốc hội khóa XI (có hiệu lực từ ngày 22/04/2005) quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991 quy định: “Đối với nhà đất mà chủ sở hữu tuy thuộc diện thực hiện các chính sách quy định tại Điều 2 của Nghị quyết số 23/2003/QH11 nhưng đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, cơ quan nhà nước chưa có văn bản quản lý, chưa bố trí sử dụng nhà đất đó thì Nhà nước không thực hiện việc quản lý theo quy định của các chính sách trước đây. Việc công nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Điều 3 của Nghị quyết này định nghĩa: “Các văn bản quản lý được áp dụng khi giải quyết các trường hợp quy định tại Nghị quyết này bao gồm quyết định, thông báo, công văn, văn bản kê biên, kiểm kê, danh sách kiểm kê và các giấy tờ khác liên quan đến việc quản lý, bố trí sử dụng nhà đất của Ủy ban hành chính, Ủy ban quân quản, Ủy ban nhân dân cách mạng, Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý nhà nước các cấp, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế nhà nước, tổ chức xã hội”.

Ngay tại Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã nêu rõ rằng, cho đến thời điểm hiện tại thì Nhà nước chưa có bất cứ văn bản nào để quản lý đối với nhà số 05 đường N1thì Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã thừa nhận sự việc Nhà nước không quản lý căn nhà số 05 N1, nên theo quy định nêu trên, Nhà nước phải trả lại nhà này cho chủ sở hữu hợp pháp là những người thừa kế của cụ Đ1 và cụ D, tức là ông Trần Duy A.

Thứ tư, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng có nội dung trái với chỉ đạo xuyên suốt của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo rằng “căn nhà số 05 đường N1được các bộ, ngành, trung ương và địa phương dự họp xác định có tình trạng pháp lý tương tự nhà số 16 đường T2 và chỉ là nhà tạm giao quyền sử dụng cần có phương thức giải quyết phù hợp, bảo đảm quyền lợi chính đáng của gia đình ông Trần Duy A, chưa có văn bản quản lý theo quy định của pháp luật”.

Đối với căn nhà số 16 đường T2, thành phố P, tỉnh Gia Lai:

Năm 1974, cụ Trần Duy Đ1 chuyển đến sinh sống tại Nha Trang và giao căn nhà này cho cháu là ông Trần Duy Kế quản lý, sử dụng. Ngày 14/12/1978, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai có Quyết định số 296/QĐ-UB thu hồi căn nhà số 16 đường T2 giao cho Phòng Quản lý nhà đất thị xã P quản lý, sử dụng với lý do“cụ Đ1 là tư sản bỏ chạy trong ngày giải phóng”. Ông A và gia đình khiếu nại nên Nhà nước đã có quyết định trả lại nhà 16 đường T2.

Nay, ông A khởi kiện và yêu cầu Tòa án giải quyết:

- Hủy Quyết định giải quyết khiếu nại số 973/QĐ-BXD ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Duy A.

- Hủy một phần Quyết định số 810/QĐ-UB ngày 03/8/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Duy A liên quan đến nhà số 05 N1, thành phố P, tỉnh Gia Lai.

2. Người bị kiện:

2.1. Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình bày:

Quyết định số 973/QĐ-BXD ngày 14/11/2019 của Bộ Xây dựng là đúng quy định pháp luật, bởi lẽ:

Mặc dù không có văn bản quản lý, nhưng thực tế, Ty Tài chính tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận nhà ngủ ĐT tại số 05 đường N1từ năm 1975. Thời điểm nhà nước tiếp nhận nhà, chủ sở hữu nhà là cụ Trần Duy Đ1 không có mặt ở Gia Lai. Sau khi tiếp nhận nhà, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã quản lý và bố trí sử dụng căn nhà nói trên. Hiện căn nhà này do Ban truyền hình tiếng dân tộc - Đài truyền hình Việt Nam sử dụng.

Căn cứ quy định tại Điều 1 Nghị quyết 23 “Nhà nước không xem xét lại chủ trương chính sách và việc thực hiện các chính sách quản lỷ nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất đã ban hành trước trước ngày 01/7/1991. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất” thì nay Nhà nước không xem xét lại việc quản lý căn nhà 05 N1; việc ông Trần Duy A đòi lại căn nhà này là không có cơ sở để giải quyết trả lại.

Trước khi ban hành Quyết định số 973/QĐ-BXD ngày 14/11/2019, Bộ Xây dựng đã có văn bản trao đổi hướng giải quyết với Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Gia Lai và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với việc xử lý đơn khởi kiện quyết định hành chính liên quan đến việc thực hiện chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991, Tòa án nhân dân tối cao đã có công văn số 45/TANDTC- PC ngày 13/3/2019 hướng dẫn các Tòa án nhân dân; các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, theo đó thì: “Trường hợp nhà đất đã được nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991 thì Tòa án căn cứ vào Nghị quyết số 23 của Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bác yêu cầu của người khởi kiện”.

Bộ Xây dựng đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử vắng mặt Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại các phiên tòa liên quan đến đơn khởi kiện của ông Trần Duy A.

2.1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai trình bày:

Quyết định số 810/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai là quyết định giải quyết khiếu nại xin lại nhà của công dân đối với nhà thuộc diện Nhà Nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991. Quá trình tham gia ý kiến với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành Trung ương để giải quyết đơn khiếu nại của ông Trần Duy A đối với Quyết định số 810/QĐ-UBND, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vẫn luôn có ý kiến đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng xem xét, giải quyết khiếu nại của ông Trần Duy A đối với cả hai căn nhà nêu trên để đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân. Đến nay, Quyết định số 810/QĐ-UBND đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng xem xét, giải quyết lại tại Quyết định số 110/QĐ- BXD ngày 04/02/2016 (liên quan căn nhà số 16 đường T2, thành phố P) và Quyết định số 973/QĐ-BXD ngày 14/11/2019 (liên quan căn nhà số 05 N1, thành phố P). Do đó, việc Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đề nghị xem xét Quyết định số 810/QĐ-UBND do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành có đúng quy định của pháp luật về quy trình, thủ tục, thẩm quyền hay không là không cần thiết vì không ảnh hưởng gì đến quyền lợi chính đáng của công dân tại thời điểm hiện nay.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai trình bày:

Yêu cầu này của ông A xuất phát từ việc khiếu nại đòi lại căn nhà số 05 N1, thành phố P đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai xem xét, giải quyết (lần đầu) tại Quyết định số 810/QĐ-UB ngày 03/8/1999 và Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải quyết (lần hai) tại Quyết định số 973/QĐ-BXD ngày 14/11/2019. Theo đó, cả hai Quyết định trên không công nhận việc ông A đòi lại căn nhà số 05 N1.

Theo hồ sơ vụ việc, Quyết định số 810/QĐ-UB nêu trên của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã thụ lý, giải quyết không công nhận đối với khiếu nại của ông A đòi trả lại hai căn nhà số 05 N1, phường H2 và căn nhà số 16 đường T2, phường Y, thành phố P, tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, căn nhà số 16 đường T2 đã được xem xét, giải quyết trả lại cho ông Trần Duy A theo Quyết định số 110/QĐ-BXD ngày 04/02/2016 của Bộ Xây dựng. Riêng căn nhà số 05 đường N1không được công nhận, xem xét trả lại tại Quyết định số 973/QĐ-BXD ngày 14/11/2019 của Bộ Xây dựng.

Nay theo đơn yêu cầu thụ lý bổ sung của ông Trần Duy A với nội dung: Huỷ Quyết định giải quyết khiếu nại số 810/QĐ-UB ngày 03/8/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai sẽ đồng nghĩa với việc hủy nội dung đã giải quyết khiếu nại đối với cả hai căn nhà. Trong khi Quyết định số 973/QĐ-BXD ngày 14/11/2019 của Bộ Xây dựng mà ông A đang khởi kiện chỉ giải quyết đối với nội dung ông A đòi lại căn nhà số 05 N1.

Do đó, theo quan điểm của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, việc thụ lý bổ sung nội dung khởi kiện của ông A yêu cầu huỷ Quyết định giải quyết khiếu nại số 810/QĐ-UB ngày 03/8/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai là không phù hợp. Hơn nữa, việc tồn tại Quyết định số 810/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai không làm ảnh huởng đến quá trình ông A đang khởi kiện Quyết định số 973/QĐ-BXD ngày 14/11/2019 của Bộ Xây dựng.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 05/20210HC-ST ngày 20 tháng 8 năm 2021 của Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai đã quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 30; khoản 1, khoản 3 Điều 32; điểm a khoản 2 Điều 116; điểm a khoản 2 Điều 193; Điều 204; Điều 206; khoản 1 Điều 348 của Luật Tố tụng hành chính; khoản 1 Điều 32 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Áp dụng khoản 1 Điều 23 của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998; khoản 3 Điều 23 của Luật khiếu nại năm 2011; Điều 1 của Nghị quyết 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội về nhà đất do nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991.

Xử: Bác yêu cầu khởi kiện của ông Trần Duy A về việc yêu cầu Tòa án hủy Quyết định giải quyết khiếu nại số 973/QĐ-BXD ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và hủy một phần Quyết định số 810/QĐ-UB ngày 03/8/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Duy A liên quan đến nhà số 05 N1, thành phố P, tỉnh Gia Lai.

Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí hành chính sơ thẩm và quyền kháng cáo theo quy định.

Trong hạn luật định, ông Trần Duy A kháng cáo bản án sơ thẩm.

Tại phiên toà phúc thẩm người kháng cáo vẫn giữ nguyên kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng: Thẩm phán chủ toạ phiên toà và các thành viên Hội đồng xét xử chấp hành đúng các quy định của Luật Tố tụng hành chính, các đương sự thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình; về nội dung vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận đơn kháng cáo của ông A.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, lời trình bày của các đương sự và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét khách quan, toàn diện và đầy đủ chứng cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:

[1] Về tố tụng:

Tại phiên tòa, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều có văn bản đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt, nên Hội đồng xét xử căn cứ Điều 158 của Luật Tố tụng hành chính xét xử vắng mặt đương sự.

[2] Về nội dung vụ án:

Cụ Trần Duy Đ1 (chết năm 1996) và cụ Trần Thị D (chết năm 1974) là cha mẹ của ông Trần Duy A. Cụ Đ1 và cụ D là chủ sở hữu của căn nhà số 16 đường T2 và căn nhà số 05 đường N1(trước đây là số 02 và 04 N1), thành phố P, tỉnh Gia Lai.

Đối với căn nhà số 05 N1, thành phố P, tỉnh Gia Lai:

Trước năm 1975, cụ Đ1 và cụ D sử dụng căn nhà số 05 đường N1làm nhà nghỉ (có tên là nhà ngủ ĐT).

Năm 1974, cụ Trần Duy Đ1 giao căn nhà này cho cụ Trần Ngọc C (em trai cụ Đ1) quản lý. Ngày 18/6/1975, cụ Trần Ngọc C tự ý ký “Biên bản bàn giao nhà ngủ ĐT” để tạm giao quyền sử dụng nhà ngủ ĐT cho Ty Tài chính tỉnh Gia Lai, nhưng thực tế là giao cho ông Lê Văn Ng, cán bộ Ty Tài chính tỉnh Gia Lai “mượn ” với tư cách cá nhân để cho cán bộ cơ quan sử dụng làm chỗ ở.

Đến ngày 20/8/1992, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 139/QĐ-UB để “thu hồi căn nhà số 05 đường N1, giao cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai quản lý, sử dụng”. Ngày 14/4/2003, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai có Quyết định số 274/QĐ-UB điều chuyển đất và tài sản trên đất tại ngôi nhà số 05 đuờng N1 sang Đài truyền hình Đà Nẵng để làm Văn phòng thường trú tại tỉnh Gia Lai. Đài truyền hình đã đầu tư xây dựng mới một căn nhà 04 tầng, diện tích xây dựng 190,5m2, diện tích sàn 906,2m2. Căn nhà này hiện do Ban truyền hình tiếng dân tộc - Đài truyền hình Việt Nam sử dụng làm trụ sở Văn phòng cơ quan thường trú tại Tây Nguyên.

Ông A khiếu nại yêu cầu trả lại nhà thì ngày 03/8/1999, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 810/QĐ-UB với nội dung “không thừa nhận việc đòi lại căn nhà số 16 đường T2 và số 05 đường N1của ông Trần Duy A”.

Tuy nhiên, đến ngày 04/02/2016, Bộ Xây dựng lại ra Quyết định số 110/QĐ-BXD quyết định “Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh làm thủ tục trả lại căn nhà 16 đường T2 cho gia đình ông Trần Duy A”.

Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ Xây dựng, ông A tiếp tục khiếu nại.

Ngày 14 tháng 11 năm 2019, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 973/QĐ-BXD, nội dung không chấp nhận khiếu nại về việc đòi lại nhà số 05 đường N1của ông A.

[3] Xét kháng cáo của ông Trần Duy A, Hội đồng xét xử xét thấy:

- Tại Quyết định số 810/QĐ-UB ngày 03/8/1999, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã căn cứ Quyết định số 297/CT ngày 02/10/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng “về việc giải quyết một số vấn đề về nhà ở”, Thông tư số 383/BXD- ĐT ngày 05/10/1991 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành Quyết định số 297/CT ngày 02/10/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, để không chấp nhận việc đòi lại 2 căn nhà trên của ông A với lý do “các tài sản này đều thuộc sự quản lý của Nhà nước”.

- Tại Quyết định số 973/QĐ-BXD ngày 14/11/2019, Bộ trưởng Bộ Xây dựng không chấp nhận khiếu nại của ông A, công nhận một phần nội dung Quyết định số 810/QĐ-UB ngày 03/8/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, nội dung được công nhận là: Không thừa nhận việc ông Trần Duy A đòi lại căn nhà số 05 N1, phường H2, thành phố P, với lý do: “Mặc dù nhà nước chưa có văn bản quản lý căn nhà số 05 N1, nhưng thực tế Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng căn nhà này từ sau giải phóng cho đến nay, theo quy định tại Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội thì Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 1991. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất”.

[3.1] Xét, các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án thể hiện các căn cứ mà Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã viện dẫn để không chấp nhận khiếu nại về việc đòi lại tài sản của ông A đối với căn nhà 05 N1, là không đúng; bởi các căn cứ sau:

[3.1.1] Nhà, đất tại 05 N1, thành phố P có nguồn gốc là do cụ Trần Duy Đ1 và cụ Nguyễn Thị D (cha và mẹ của ông Trần Duy A) mua lại của bà Hồ Thị Thơm từ thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa, việc mua nhà có lập thành văn bản và được chính quyền Việt Nam Cộng hòa xác nhận (bút lục số 42), hai cụ sử dụng căn nhà trên làm nhà nghỉ với tên gọi là “Nhà ngủ ĐT”. Những sự kiện trên đều được người khởi kiện, người bị kiện thừa nhận, do đó căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 79 của Luật tố tụng hành chính, thì nhà đất tại 05 N1, thành phố P là tài sản của cụ Đ1 và cụ D là sự kiện không phải chứng minh. Vì vậy, cụ Đ1 và cụ D được quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với toàn bộ tài sản trên.

Năm 1974, cụ D chết, cụ Đ1 chuyển về sinh sống tại thành phố Nha Trang và giao lại tài sản trên cho cụ Trần Ngọc C (em ruột cụ Đ1) quản lý. Đây cũng là sự kiện được người bị kiện nhiều lần xác nhận là sự thật.

Ngày 18/6/1975, cụ Trần Ngọc C lập “Biên bản bàn giao nhà ngủ ĐT” để bàn giao nhà đất trên cho ông Lê Văn Ng (bút lục số 103). Tại Biên bản bản giao nhà ngủ ĐT”, thể hiện bên nhận bàn giao là “ông Lê Văn Ng – đại diện cho Ty Tài chánh”. Tại mục “Bên nhận” của văn bản chỉ có chữ ký và chữ viết ghi họ tên “Lê Văn Ng”, chứ không được đóng dấu của “Ty Tài chánh”; điều này cho thấy người nhận bàn giao tài sản là nhận với tư cách cá nhân chứ không đại diện cho cơ quan, tổ chức. Trên thực tế sau khi nhận bàn giao nhà thì sử dụng vào mục đích cho một số cán bộ của Ty tài chính sử dụng làm nhà ở.

Như vậy: do chỉ là người đại diện theo ủy quyền của cụ Đ1, được thay cụ Đ1 quản lý tài sản; nên sự việc ngày 18/6/1975, cụ Trần Ngọc C lập “Biên bản bản giao nhà ngủ ĐT” để bàn giao nhà và đất trên cho bên nhận là ông Lê Văn Ng chỉ là hình thức mà cụ C ủy quyền lại quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản cho người thứ ba là cá nhân. Sự việc này là phù hợp với nội dung thể hiện tại “Biên bản bản giao nhà ngủ ĐT”, bởi tại “Biên bản bản giao nhà ngủ ĐT”, cụ C chỉ “tạm giao” quyền sử dụng nhà ngủ ĐT chứ không “giao” hoặc chuyển nhượng, tặng cho tài sản này cho ông Lê Văn Ng. Do đó, ông Ng cũng chỉ được quyền quản lý tài sản chứ không thể định đoạt được tài sản này và ông Ng có được quyền đó là thông qua giao dịch ủy quyền lại của cụ C, với thời hạn ủy quyền là không xác định như hình thức cụ C đã nhận ủy quyền của cụ Đ1, nên ông Ng không có quyền định đoạt tài sản hay giao tài sản cho bên thứ ba.

Do trước khi đi vắng, cụ Đ1 đã ủy quyền hợp pháp để cụ C được trông coi, giữ gìn và sử dụng tài sản này, sau đó cụ C tiếp tục ủy quyền lại cho ông Ng để thực hiện các quyền về quản lý tài sản thay cụ C, nên đây là trường hợp thuộc quy định tại điều 10 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa X về “giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01 tháng 7 năm 1991”, chứ không phải nhà, đất vắng chủ thuộc trường hợp quy định tại Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Bộ trưởng và không thuộc diện phải thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991 quy định tại Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội về “nhà đất do nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991” như Quyết định số 973/QĐ-BXD ngày 14/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ghi.

Hơn nữa, tài sản trên không phải là nhà vắng chủ và không thuộc diện phải thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991, được chính Ủy Ban nhân dân tỉnh Gia Lai, Bộ Xây dựng thừa nhận. Trên thực tế đến ngày 20 tháng 8 năm 1992 UBND tỉnh Gia Lai có quyết định số 139/QĐ-UB về việc thu hồi ngôi nhà số 05 đường N1, thành phố P, giao cho Hội Chữ thập đỏ.

[3.1.2] Ngoài căn nhà tại 05 N1, thì cụ Đ1 còn là chủ sở hữu căn nhà tại 16 đường T2, thành phố P.

- Tại quyết định số 296/QĐ-UB ngày 14/12/1978, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai quyết định thu hồi căn nhà số 16 đường T2 để quản lý theo chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa do cụ Đ1 là tư sản và bỏ chạy trong ngày giải phóng, sau đó ngôi nhà này cũng đã được bố trí cho cơ quan Nhà nước sử dụng.

- Tại Quyết định số 810/QĐ-UB ngày 03/8/1999, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã quyết định không thừa nhận việc ông A đòi lại căn nhà 16 đường T2 với lý do tài sản này thuộc sự quản lý của Nhà nước.

- Tại Quyết định số 851/QĐ-BXD ngày 19/6/2008 (quyết định giải quyết khiếu nại lần 2), Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã quyết định công nhận Quyết định số 810/QĐ-UB ngày 03/8/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Duy A xin lại các ngôi nhà số 16 đường T2 và nhà số 05 N1.

Khi giải quyết khiếu nại lần 2 đối với Quyết định số 810/QĐ-UB ngày 03/8/1999 trên, thì tại Quyết định số 851/QĐ-BXD ngày 19/6/2008, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã quyết định công nhận Quyết định số 810/QĐ-UB ngày 03/8/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai (không chấp nhận khiếu nại của ông A về việc đòi lại nhà 05 đường N1và nhà 16 đường T2) với lý do các ngôi nhà trên Nhà nước đã có văn bản quản lý, bố trí sử dụng ổn định.

Thấy rằng:

Nhà 05 đường N1và nhà 16 đường T2 đều là tài sản của cụ Đ1, đều bị Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ra quyết định thu hồi và đều đã bố trí cho cơ quan nhà nước sử dụng, trong các quyết định giải quyết khiếu nại của ông A về việc đòi lại 2 tài sản này, thì các cơ quan có thẩm quyền đều lấy lý do “tài sản thuộc sự quản lý của nhà nước” và “Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 1991. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất” để không chấp nhận khiếu nại đòi lại tài sản của ông A.

Tuy nhiên, đến ngày 04/02/2016, Bộ Xây dựng lại ra Quyết định số 110/QĐ-BXD quyết định “Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh làm thủ tục trả lại căn nhà 16 đường T2 cho gia đình ông Trần Duy A”.

Như vậy, nếu Bộ xây dựng đã quyết định buộc Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phải trả lại căn nhà 16 đường T2 thì việc Bộ Xây dựng không chấp nhận trả lại nhà số 05 đường N1là không đúng, bởi lẽ hai căn nhà trên có cùng chủ sở hữu và có tình trạng pháp lý là như nhau, việc chấp nhận trả lại nhà 16 đường T2 mà không chấp nhận trả lại nhà 05 đường N1là việc áp dụng pháp luật không nhất quán.

[3.1.3] Theo quy định trên thì, nhà nước chỉ không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất. Do đó, nếu nhà đất mà nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng nhưng không phải và không thuộc diện trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất, thì không thuộc trường hợp quy định tại Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội.

Người khởi kiện trình bày năm 1974 cụ Đ1 chuyển về sinh sống tại Nha Trang, Khánh Hòa, sự việc chứng tỏ cụ Đ1 không phải bỏ chạy trong ngày giải phóng. Tại văn bản số 228/BXD-TTr ngày 17/2/2003 của Bộ Xây dựng cũng nêu: “Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai-Kon Tum quản lý ngôi nhà này (nhà 16 đường T2) với lý do ông Đào là tư sản đã bỏ chạy trong ngày giải phóng là không có cơ sở, bởi lẽ:

“Không có văn bản nào của tỉnh xác định ông Đào thuộc thành phần tư sản và cũng không có biên bản kiểm kê tài sản, hàng hóa và xử lý nhà số 16 đường T2 diện cải tạo tư sản.

- Ông Đào không bỏ chạy trong ngày giải phóng mà thực tế ông chuyển về sống với vợ kế tại Nha Trang từ năm 1974”.

Tại Văn bản số 899/UBND-NC ngày 26/4/2019 (BL 38), Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai xác định “Đối chiếu với quy định tại Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ v/v ban hành chính sách quản lý và cải tạo XHCN đối với nhà đất cho thuê ở các đô thị của các tỉnh phía Nam; Thông tư số 201-BXD-TT ngày 23/6/1978 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc quản lý nhà đất vắng chủ ở các tỉnh phía Nam, thì 2 căn nhà số 16 đường T2 và 05 đường N1nêu trên không thuộc diện nhà phải giao nhà nước quản lý” và “Không có tài liệu nào xác định ông Đào thuộc thành phần tư sản, đồng thời không có hồ sơ cải tạo công thương nghiệp tư doanh đối với ông Đào”.

Tại văn bản số 28/TBVPCP ngày 05/3/2019 về việc thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ (BL 14) cũng kết luận nhà số 05 đường N1có tình trạng pháp lý tương tự nhà số 16 đường T2 và nhà số 16 đường T2 không thuộc diện cải tạo vắng chủ.

Các tình tiết và ý kiến xác nhận trên chứng tỏ cụ Đ1 không phải là đối tượng thuộc diện cải tạo xã hội chủ nghĩa hay thuộc diện phải cải tạo công thương nghiệp tư doanh, nhà đất tại 05 đường N1cũng không thuộc diện nhà đất vắng chủ và như đã phân tích trên. Việc Nhà nước quản lý nhà số 05 đường N1là do nhận ủy quyền của chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền, tức là không phải trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất được quy định tại Điều 1 của Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội.

Vì vậy, lý do mà Bộ Xây dựng đã nêu là không phù hợp với quy định tại Điều 1 của Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội.

Từ những nhận định và phân tích trên thấy rằng, yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện là có căn cứ; do vậy cần phải hủy Quyết định số 973/QĐ-BXD ngày 14/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và hủy Quyết định số 810/QĐ-UB ngày 03/8/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, buộc Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai thực hiện chức trách công vụ trong việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Duy A về việc đòi lại căn nhà số 05 N1, để trả lại căn nhà nêu trên cho ông A theo quy định của pháp luật. Hiện nay nhà đất nêu trên đã giao cho cơ quan, đơn vị quản lý sử dụng, do vậy việc trao trả lại nhà sẽ bằng nhà khác có giá trị ngang nhau hoặc bằng giá trị tương đương. Vì vậy kháng cáo của ông A có cơ sở được chấp nhận.

[4] Về án phí sơ thẩm và phúc thẩm: Do yêu cầu khởi kiện được chấp nhận, nên người khởi kiện không phải chịu án phí sơ thẩm. Và người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm. Người bị kiện phải chịu án phí sơ thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính.

Chấp nhận đơn kháng cáo của ông Trần Duy A Sửa Bản án hành chính sơ thẩm số 05/2021/HC-ST ngày 20 tháng 8 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai.

Căn cứ khoản 1 Điều 30; khoản 1, khoản 3 Điều 32; điểm a khoản 2 Điều 116; điểm b khoản 2 Điều 193; Điều 204; Điều 206; khoản 1 Điều 348 của Luật Tố tụng hành chính; khoản 1 Điều 32 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Áp dụng khoản 1 Điều 23 của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998; khoản 3 Điều 23 của Luật Khiếu nại năm 2011; Điều 1 của Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội về nhà đất do nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991.

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Duy A.

Hủy Quyết định giải quyết khiếu nại số 973/QĐ-BXD ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và hủy một phần Quyết định số 810/QĐ- UB ngày 03/8/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Duy A liên quan đến nhà số 05 N1, thành phố P, tỉnh Gia Lai.

2. Buộc Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai thực hiện chức trách công vụ trong việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Duy A về việc đòi lại căn nhà số 05 N1, thành phố P, tỉnh Gia Lai, để trả lại căn nhà nêu trên cho ông A theo quy định của pháp luật.

3. Về án phí hành chính sơ thẩm và phúc thẩm:

- Ông Trần Duy A không phải chịu án phí hành chính sơ thẩm và án phí hành chính phúc thẩm. Trả lại cho ông A số tiền đã nộp tạm ứng án phí theo Biên lai thu tạm ứng án phí số 0008146 ngày 21/8/2020 và 0001775 ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai.

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Xây dựng mỗi bên phải chịu 300.000 đồng tiền án phí hành chính sơ thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

639
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện yêu cầu huỷ quyết định hành chính số 175/2022/HC-PT

Số hiệu:175/2022/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành:30/06/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về