Bản án về khiếu kiện yêu cầu hủy quyết định hành chính số 149/2021/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 149/2021/HC-PT NGÀY 06/05/2021 VỀ KHIẾU KIỆN YÊU CẦU HỦY QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH

Ngày 06 tháng 5 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 128/2021/TLPT- HC ngày 07 tháng 01 năm 2021, về việc “Khiếu kiện yêu cầu hủy quyết định hành chính”.

Do Bản án hành chính sơ thẩm số 27/2020/HC-ST ngày 26/11/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1142/2021/QĐ-PT ngày 12 tháng 4 năm 2021, giữa các đương sự:

* Người khởi kiện: Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại H.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Võ Thị N, Chức vụ: Giám đốc. Địa chỉ trụ sở: Số 28 đường số 3, Cư xá C, phường 26, quận B, thành phố Hồ Chí Minh. Địa chỉ liên lạc: VP02, tầng 10, khu văn phòng 561A Đường Đ, phường 25, quận B, thành phố Hồ Chí Minh, có mặt.

Đại diện theo ủy quyền:

- Ông Nguyễn Thành Đ1, chức vụ : Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại H, Địa chỉ liên lạc: VP02, tầng 10, khu văn phòng 561A Đường Đ, phường 25, quận B, thành phố Hồ Chí Minh, có mặt.

- Bà Trần Thị H1, sinh năm 1993. Địa chỉ: số 99 Đường N1, quận H2, thành phố Đà Nẵng, vắng mặt.

- Bà Ngô Thị Mỹ Tr, sinh năm 1995. Địa chỉ số 99 Đường N1, quận H2, thành phố Đà Nẵng, vắng mặt.

* Người bị kiện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Địa chỉ: số 24 đường T, quận H2, thành phố Đà Nẵng.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Hồ Kỳ M - chức vụ: Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, có đơn xin xét xử vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị kiện: Ông Trần Phước Tr - Chức vụ: Quyền cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng, vắng mặt.

* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Công ty A Việt Nam. Địa chỉ: KCN B1, phường A, thành phố B1, tỉnh Đồng Nai, có đơn xin xét xử vắng mặt.

* Người giám định: Ông Phạm Đình Ch - Giám định viên của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: số 39 đường T2, quận H3, thành phố Hà Nội, vắng mặt.

* Người kháng cáo: Người khởi kiện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Tại đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung, trong quá trình tố tụng và tại phiên toà người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện trình bày:

Đối với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã vi phạm cụ thể như sau:

Về hình thức: Quyết định không thể hiện đầy đủ tên đơn vị bị xử phạt, không thể hiện tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ vì đây là một trong những nội dung bắt buộc phải có của quyết định.

Về nội dung: Chủ thể xử phạt trong Quyết định xử phạt phải là Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại H (gọi tắt là Công ty H) chứ không phải Chi nhánh Công ty H tại Đà Nẵng, không đúng chủ thể bị xử phạt, không có cơ sở pháp lý vì tổ chức chịu trách nhiệm trước pháp luật là Công ty H. Chi nhánh Công ty chỉ thực hiện theo ủy quyền của Công ty.

Việc xác định giá trị hàng hóa vi phạm là tang vật vi phạm bao gồm thành phẩm là mì chính đã được đóng gói tại nơi bán hàng và nơi đóng gói, bao bì, nguyên liệu dùng để thực hiện hành vi đóng gói mỳ chính mang dấu hiệu xâm phạm quyền nhãn hiệu để xác định mức xử phạt là không đúng.

Chúng tôi không hề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty A Việt Nam, không có đủ căn cứ để khẳng định Công ty chúng tôi xâm phạm bản quyền.

Kết luận giám định NH453 của Công ty H kết luận dấu hiệu trên gói bột ngọt A-T không gây nhầm lẫn với nhãn hiệu trên gói bột ngọt của A-N.

Ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ tại Văn bản số 8556/SHTT- TTKN ngày 10/9/2015 cho rằng có dấu hiệu tương tự là khập khiễng, bất nhất, không thỏa đáng.

Cả Kết luận của Viện khoa học SHTT và ý kiến chuyên môn của Cục SHTT đều không làm rõ dấu hiệu tương tự đến mức gây nhầm lẫn và việc sử dụng dấu hiệu có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

- Đối với Quyết định số 2555/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Phần nội dung yêu cầu hủy; Lý do hủy bỏ: Công ty H không xâm phạm bản quyền thì Ủy ban nhân dân mới hủy bỏ chứ không thể hủy bỏ Quyết định xử phạt vì tranh chấp giữa hai bên. Thật ra giữa Công ty H và Công ty A không hề có tranh chấp gì về nhãn hiệu nhưng lý do hủy bỏ lại là có tranh chấp. Vậy nên lý do này là không đúng.

Vì vậy Công ty H yêu cầu Tòa án hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng; hủy một phần Quyết định số 2555/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Phần nội dung yêu cầu hủy: Lý do hủy bỏ.

* Trong quá trình tố tụng, người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng trình bày:

I. Đối với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng:

- Về hình thức ban hành Quyết định 7737:

Về việc Quyết định xử phạt không thể hiện đầy đủ tên đơn vị bị xử phạt (thiếu cụm từ “tại Đà Nẵng”):

Theo quy định tại Điều 41 của Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định việc đặt tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh:

“1. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt; các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

2. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện phải mang tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện.

3. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh, văn phòng đại diện phát hành” Theo quy định này việc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015 xử phạt đối với chủ thể vi phạm trong đó bao gồm tên đơn vị là Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại H, địa chỉ, lĩnh vực hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh là hoàn toàn đúng và không làm sai lệch hoặc nhầm lẫn đối tượng vi phạm.

Về việc Quyết định xử phạt không thể hiện tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ: Điều 32 Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định:

“Căn cứ vào mẫu biên bản, mẫu quyết định ban hành kèm theo Nghị định này, Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ban hành các mẫu biên bản, quyết định phù hợp để sử dụng trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình và quy định việc quản lý và sử dụng các mẫu biên bản, quyết định trong xử phạt & vi phạm hành chính”. Theo quy định này thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể tự biên soạn những mẫu quyết định hành chính cho phù hợp với ngành, địa phương và đối với vụ việc này không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ nên việc không thể hiện hình thức tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong quyết định xử phạt là không sai về thể thức của quyết định xử phạt.

Về việc vi phạm thời hạn giao nhận Quyết định xử phạt:

Quyết định số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng được ban hành ngày 19/10/2015 và đã gửi cho giám đốc Chi nhánh Công ty H qua đường bưu điện vào ngày 30/10/2015. Trong thời gian từ ngày 19/10/2015 đến ngày 21/10/2015, Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã đến địa điểm trụ sở Chi nhánh 883 Ngô Quyền, Đà Nẵng để gửi Quyết định 7737 theo quy định tại Điều 70 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Tuy nhiên tại thời điểm này trụ sở Chi nhánh Công ty liên tục đóng cửa. Sau đó Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã liên lạc bằng điện thoại với giám đốc Chi nhánh Công ty là ông Nguyễn Thành Đ1 nhưng đại diện doanh nghiệp không đến nhận. Đến ngày 03/11/2015 mới giao được cho nhân viên của Chi nhánh. Với những tình tiết nêu trên, việc Công ty H khởi kiện đối với nội dung này là không đúng.

- Về nội dung Quyết định 7737: Về chủ thể bị xử phạt:

Chi nhánh doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định tại Điều 45 và Điều 46 Luật doanh nghiệp 2014. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Chi nhánh doanh nghiệp được cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền nơi doanh nghiệp đăng ký chi nhánh cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh. Khoản 10 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: “Tổ chức là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật”. Với quy định này thì Chi nhánh doanh nghiệp là một tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 1 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008; Điều 2 quy định về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 là văn bản quy phạm pháp luật có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung.

Tại điểm b khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về đối tượng bị xử lý hành chính; Điều 2 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về đối tượng áp dụng; Điều 2 Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp quy định về mức tiền phạt tối đa, thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân, tổ chức.

Căn cứ quy định nêu trên thì việc xác định chủ thể vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt đối với Chi nhánh Công ty H là hoàn toàn đúng quy định.

- Việc ban hành Quyết định xử phạt số tiền phạt 500.000.000 đồng đối với Chi nhánh Công ty H căn cứ vào việc xác định giá trị hàng hóa vi phạm được thể hiện tại Biên bản vi phạm hành chính số 0044483/BB-VPHC ngày 19/8/2015 do Đội QLTT số 8 lập không đúng quy định.

Trên cơ sở đề nghị của Sở khoa học và Công nghệ thành phố, Sở Công thương và Chi cục QLTT thành phố Đà Nẵng và qua nghiên cứu hồ sơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kết luận việc Chi cục QLTT kiểm tra, xử lý và xác định hành vi vi phạm hành chính, xác định giá trị hàng hóa vi phạm là tang vật vi phạm bao gồm thành phẩm là mì chính đã được đóng gói tại nơi bán hàng và nơi đóng gói, bao bì, nguyên liệu dùng để thực hiện hành vi đóng gói mỳ chính mang dấu hiệu xâm phạm quyền nhãn hiệu để xác định mức xử phạt là hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật. Vì vậy việc ban hành Quyết định xử phạt số tiền là 500.000.000 đồng đối với Chi nhánh Công ty H là đúng theo quy định của pháp luật.

Về nội dung áp đặt kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ để kết luận hành vi xâm phạm quyền: Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Nghị định 105/2006/NĐ-CP, các văn bản trả lời ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Sở Khoa học và Công nghệ thành phố là một nguồn chứng cứ, thông tin để xác định phạm vi bảo hộ và xác định yếu tố xâm phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Nghị định 99/2015/NĐ-CP. Vì vậy, việc kết luận dấu hiệu xâm phạm quyền gắn trên thành phẩm, bao bì mì chính do Chi nhánh Công ty H là hoàn toàn có cơ sở pháp lý.

2. Đối với nội dung liên quan đến Quyết định số 2555/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015:

Căn cứ Điều 18 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Điều 27 Nghị định 99/2013/NĐ-CP vì lý do vụ việc thuộc trường hợp có xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ nên Chủ tịch UBND đã ban hành Quyết định số 2555/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015 là đúng quy định.

* Tại các văn bản thể hiện trong quá trình tố tụng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty A Việt Nam trình bày như sau:

Công ty A Việt Nam cung cấp thông tin có liên quan đến quyền sở hữu và quyền sử dụng nhãn hiệu…..theo Văn bản bảo hộ số 169 của Tập đoàn A và Công ty A Việt Nam, cụ thể:

Công ty A Việt Nam là bên được sử dụng hợp pháp duy nhất các nhãn hiệu mà Tập đoàn A và Công ty A Việt Nam đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, bao gồm nhãn hiệu ….theo Văn bản bảo hộ số 169.

Về hiệu lực của Văn bằng bảo hộ số 169, việc sử dụng nhãn hiệu ….của Công ty và tính hợp pháp của việc gia hạn Văn bằng bảo hộ này được thể hiện rõ ở các điều khoản của pháp luật liên quan như Điều 94, 95 Luật Sở hữu trí tuệ... Văn bằng bảo hộ số 169 cho nhãn hiệu …. của Công ty không thuộc trường hợp chấm dứt hiệu lực nên Tập đoàn A và Công ty A Việt Nam đã thực hiện đúng các thủ tục theo Luật định để tiếp tục sở hữu và gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ số 169 cho nhãn hiệu ….tại Cục Sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, nhãn hiệu …. của Công ty được đăng ký dưới dạng chữ, không phải hình.

Tại công văn số 2210/CV-AJ-2019 ngày 23/12/2019, Công ty A Việt Nam trả lời Công văn số 19/CV-TA ngày 03/12/2019 của Tòa án (sau khi HĐXX tạm ngưng phiên tòa):

1. Về việc Công ty TNHH SX-TM H vi phạm quyền nhãn hiệu của Công ty A: Căn cứ vào kết luận giám định số NH348 ngày 17/10/2014 của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ kết luận: Dấu hiệu “Ba chữ tượng hình ……. gắn trên sản phẩm bột ngọt (mỳ chỉnh) A-T như được thể hiện trên mẫu vật giám định là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu …..được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169 của Công ty A; căn cứ vào Kết luận giám định số NHI 50-15TC/KLGĐ ngày 04/5/2015 của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của Cơ quan quản lý thị trường tp. Đà Nẵng; căn cứ vào Công văn số 8556 ngày 10/9/2015 của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời cho Cơ quan quản lý thị trường tp. Đà Nẵng đã cho thấy Công ty TNHH SX-TM H vi phạm quyền nhãn hiệu của Công ty A với yếu tố “Ba chữ tượng hình ….” được đăng ký theo “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169“ 2. Về việc xử lý vi phạm của Công ty TNHH SX-TM H: Căn cứ Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 quy định các biện pháp mà Công ty A Việt Nam có quyền áp dụng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, quy định tại Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ. Do đó, Công ty A Việt Nam đã tiến hành thực hiện biện pháp theo điểm c khoản 1 Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ. Vì vậy, sau khi có Kết luận giám định ngày 17/10/2014 của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ về việc Công ty TNHH SX-TM H vi phạm quyền nhãn hiệu của Công ty A, Công ty A Việt Nam đã gửi Công văn đến cơ quan Quản lý thị trường Đà Nẵng là cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật tại Đà Nẵng và yêu cầu cơ quan quản lý thị trường Đà Nẵng xem xét và xử lý vi phạm của Công ty TNHH SX-TM H đối với quyền nhãn hiệu của Công ty A Việt Nam. Trên cơ sở đó, cơ quan Quản lý thị trường tp. Đà Nẵng đã thực hiện xử lý vi phạm của Công ty TNHH SX-TM H đối với quyền nhãn hiệu của Công ty A Việt Nam.

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã nhiều lần triệu tập Công ty A Việt Nam (viết tắt A) nhưng Công ty đều xin vắng mặt.

* Ý kiến của Giám định viên ông Phạm Đình Chưởng trả lời Công văn:

1. Về giải thích rõ nội dung các Kết luận giám định trong vụ án để xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

Dấu hiệu “Ba chữ tượng hình” chỉ đề cập tới trong bản Kết luận giám định số NH291-15YC/KLGĐ ngày 29/7/2015 và bản kết luận giám định số NHI 50 -15TC/KLGĐ ngày 04/5/2015. Các bản kết luận còn lại có nội dung liên quan đến các dấu hiệu khác chứ không phải dấu hiệu “Ba chữ tượng hình”.

Cụ thể, các kết luận liên quan như sau: Kết luận giám định số NH291- 15YC/KLGĐ: “Dấu hiệu “Ba chữ tượng hình” gắn trên sản phẩm mỳ chính như thể hiện tại Mẫu vật giám định là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Ba chữ tượng hình” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169 của A CO., Inc, ” và kết luận giám định số NHI 50 - 15TC/KLGĐ: “Dấu hiệu “Ba chữ tượng hình ” gắn trên sản phẩm mỳ chính (bột ngọt) như được thể hiện trên Mẫu vật giám định là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Ba chữ tượng hình” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169 của A CO., Inc.

Các căn cứ pháp luật và cơ sở lý luận để thực hiện giám định và đưa ra kết luận giám định đều đã được nêu rõ trong các bản kết luận giám định.

Như đã thấy, các kết luận giám định nói trên chỉ đề cập tới Công ty A., Inc Nhật Bản chứ không đề cập tới Công ty A Việt Nam. Tuy nhiên, vì Công ty A Việt Nam được Công ty A., Inc Nhật Bản cho phép sử dụng (cấp li-xăng) nhãn hiệu “Ba chữ tượng hình” (số đăng ký: 169), cho nên có thể coi nhãn hiệu đó cũng là của Công ty A Việt Nam. Với lý do đó, câu trả lời là: “Ba chữ tượng hình” gắn trên sản phẩm mỳ chính (bột ngọt) của Công ty TNHH SX-TM H là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Ba chữ tượng hình” gắn trên sản phẩm mỳ chính (bột ngọt) của Công ty A Việt Nam.

2. Về tính khách quan của các Kết luận giám định: Ông thực hiện việc giám định với tư cách là Giám định viên về nhãn hiệu được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 105/2006/NĐ- CP sửa đổi.

- Trong số 05 bản Kết luận giám định thì có 04 được thực hiện theo yêu cầu của Công ty TNHH SX-TM H (mỗi bản kết luận về 01 đối tượng giám định) và 01 bản (NHI 50 - 15TC/KLGĐ ngày 04/5/2015) được thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định của Đội quản lý thị trường số 8, Chi cục QLTT thành phố Đà Nẵng (kết luận về cả 04 đối tượng giám định trùng với 04 đối tượng nêu trong 04 kết luận theo yêu cầu của Công ty TNHH SX-TM H).

- Việc ông thực hiện cả hai loại kết luận giám định (một loại theo yêu cầu, một loại theo trưng cầu) với cùng các đối tượng không ảnh hưởng gì đến tính khách quan của kết luận giám định vì tôi không có “Quyền, lợi ích liên quan đến đối tượng giám định hoặc có lý do khác ảnh hưởng đến tính khách quan của kết luận giám định” (Điều 44.4.d Nghị định số 105/2006/NĐ-CP sửa đổi).

Việc ông thực hiện cả hai loại kết luận giám định (một loại theo yêu cầu, một loại theo trưng cầu) với cùng các đối tượng cũng không trái pháp luật vì pháp luật không quy định người đã thực hiện giám định theo yêu cầu thì không được thực hiện giám định theo trưng cầu (và ngược lại) với cùng một đối tượng, cùng một nội dung nhằm phục vụ cho việc giải quyết cùng một vụ việc.

Tóm lại, việc ông thực hiện việc giám định với cả 05 hồ sơ giám định vẫn bảo đảm tính khách quan và phù hợp với quy định của pháp luật.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 27/2020/HC-ST ngày 26/11/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã quyết định:

Căn cứ các Điều 30, 32, 158, 193, 204 và Điều 206 của Luật tố tụng hành chính; Điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính; Điều 18 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Điều 27 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; khoản 9 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính; Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14. ngày 30/12/2016 của UBTVQH về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Bác yêu cầu khởi kiện Công ty TNHH Sản xuất thương mại H đối với yêu cầu hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Sản xuất thương mại H hủy một phần Quyết định 2555/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về phần lý do hủy bỏ.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 10/12/2020, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại H kháng cáo một phần bản án hành chính sơ thẩm số 27/2020/HC-ST ngày 26 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng; yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm:

1. Tuyên hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng; 2.

Buộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng sửa đổi nội dung Quyết định số 2555/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 ở phần lý do hủy bỏ, theo đó phải thể hiện rõ nội dung thu hồi, hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ- XPVPHC ngày 19/10/2015 do quyết định này được ban hành trái pháp luật, gây thiệt hại cho Công ty H.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại H do ông Nguyễn Thành Đ1 đại diện theo ủy quyền giữ nguyên nội dung Đơn khởi kiện và yêu cầu kháng cáo. Ông Nguyễn Thành Đ1 yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng sửa đổi nội dung Quyết định số 2555/QĐ-UBND ở phần lý do hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng, về phần thủ tục tố tụng ở giai đoạn xét xử phúc thẩm đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của người khởi kiện Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại H và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa; Căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa; Hội đồng xét xử nhận định:

1. Về phần thủ tục tố tụng: Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn xin xét xử vắng mặt. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị kiện vắng mặt. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và Người khởi kiện đề nghị Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án. Đây là phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai nên căn cứ điểm b khoản 2, khoản 4 Điều 225 Luật tố tụng hành chính, Hội đồng xét xử quyết định tiến hành xét xử vụ án.

2. Về phần nội dung: Tại Quyết định số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc xử phạt vi phạm hành chính Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại H đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính là đóng gói hàng hóa (mỳ chính) mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, với hình thức xử phạt chính: Phạt tiền 500.000.000 đồng; hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa dịch vụ vi phạm 03 tháng; biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm. Ngày 11/5/2017, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2555/QĐ-UBND về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đối với Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại H tại Đà Nẵng, địa chỉ: 883 Ngô Quyền, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng về hành vi đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Người khởi kiện cũng đồng ý với việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nói trên nên tại Quyết định số 2555/QĐ-UBND người khởi kiện chỉ yêu cầu hủy phần lý do hủy bỏ.

Như vậy, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ- XPVPHC đã bị Quyết định số 2555/QĐ- UBND hủy toàn bộ nên không còn tồn tại. Do đó, bản án hành chính sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng bác yêu cầu của người khởi kiện Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại H về việc hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nói trên là có cơ sở.

Đối với Quyết định số 2555/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định xử phạt hành chính. Tại phần lý do hủy bỏ có nêu: Theo quy định tại Điều 18 Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 và Điều 27 của Nghị đinh số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Người khởi kiện cho rằng, phần lý do hủy bỏ không đúng nên yêu cầu Tòa án hủy bỏ phần này đã được thể hiện tại nội dung vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm. Tòa án cấp sơ thẩm xét thấy phần lý do hủy bỏ của Quyết định số 2555/QĐ-UBND không đúng nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện hủy phần lý do hủy bỏ là phù hợp với yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện nên bác kháng cáo của người khởi kiện Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại H và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

3. Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên người khởi kiện Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại H phải chịu án phí hành chính phúc thẩm.

4. Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên không xét.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính.

1. Bác kháng cáo của người khởi kiện Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại H và giữ nguyên quyết định bản án sơ thẩm.

Áp dụng các Điều 30, 32, 158, 193, 204, 206 Luật tố tụng hành chính; Điều 18 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Điều 27 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; Khoản 9 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuyên xử:

- Bác yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại H đối với yêu cầu hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại H hủy một phần Quyết định số 2555/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 của Chủ tịch UBND thành phố về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ-XPVPHC ngày 19/10/2015 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về phần lý do hủy bỏ.

2. Về án phí: Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại H phải chịu 300.000 đồng án phí hành chính phúc thẩm, được khấu trừ 300.000 đồng đã nộp tại biên lai thu tiền số 0002783 ngày 29/12/2020 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về phần án phí không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

475
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện yêu cầu hủy quyết định hành chính số 149/2021/HC-PT

Số hiệu:149/2021/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 06/05/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về