Bản án về khiếu kiện quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai; quyết định giải quyết khiếu nại đất đai; quyết định cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 122/2023/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 122/2023/HC-PT NGÀY 07/03/2023 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VPHC TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI; QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI ĐẤT ĐAI; QUYẾT ĐỊNH CƯỠNG CHẾ THỰC HIỆN BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Trong các ngày 28 tháng 02 và 07 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 533/2022/TLPT-HC ngày 03 tháng 10 năm 2022 về “Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; quyết định giải quyết khiếu nại về đất đai; quyết định cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả”.Do Bản án hành chính sơ thẩm số 10/2022/HC-ST ngày 08/7/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 15/2023/QĐ-PT ngày 30/01/2023, giữa các đương sự:

1. Người khởi kiện: Ông Kiều Quốc T, sinh năm 1985; (có mặt) Địa chỉ: Thôn T, xã P, huyện N, tỉnh N.

Người đại diện hợp pháp của ông T: Ông Đàm Văn H, sinh năm 1994 (có mặt) và bà Nguyễn Phan Huyền Tr, sinh năm 1993 (vắng mặt); Cùng địa chỉ: Tầng 6 tòa nhà S, số 5 đường Đ, phường 2, quận T, thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền (Theo văn bản ủy quyền ngày 12/4/2022).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Ông Lê Đình V – Luật sư Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn M– Chi nhánh Sài Gòn; Địa chỉ: Tầng 6 tòa nhà S, số 5 đường Đ, phường 2, quận T, thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

2. Người bị kiện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh N.

Người đại diện hợp pháp của người bị kiện: Ông Lê H1 – Phó Chủ tịch UBND tỉnh N là người đại diện theo ủy quyền (Theo giấy ủy quyền số 5936/UQ-CTUB ngày 29/10/2021, có đơn xin vắng mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Ông Hồ Xuân H2 – Trưởng Phòng quản lý đất đai, Sở tài nguyên và môi trường tỉnh N (có mặt).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. UBND huyện B, tỉnh N.

Người đại diện hợp pháp: Ông Hoàng Văn Đ – Trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện B, tỉnh N là người đại diện theo ủy quyền (Theo giấy ủy quyền số 01/GUQ-CTUBND ngày 24/02/2023, có mặt).

3.2. Hạt kiểm lâm huyện B, tỉnh N.

Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Xuân V1 – Kiểm lâm viên Tổ thanh tra – pháp chế – Hạt kiểm lâm huyện B, tỉnh N là người đại diện theo ủy quyền (có mặt).

3.3. Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Sắt – Sông Trâu huyện B, tỉnh N.

Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Văn H3 – Phó trưởng ban phụ trách công tác quản lý bảo vệ rừng là người đại diện theo ủy quyền (Theo giấy ủy quyền ngày 18/02/2022, có mặt).

3.4. UBND xã P, huyện B, tỉnh N.

Người đại diện hợp pháp: Bà Phạm Thị Ánh T – Cán bộ địa chính xã P, huyện B, tỉnh N là người đại diện theo ủy quyền (vắng mặt).

4. Người kháng cáo: Ông Kiều Quốc T là người khởi kiện.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Phía người khởi kiện ông Kiều Quốc T có ông Đàm Văn H là người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Người khởi kiện Kiều Quốc T yêu cầu Tòa án giải quyết:

1/ Hủy Quyết định số 387/QĐ-XPVPHC ngày 08/3/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh N về việc xử phạt vi phạm chính.

2/ Hủy Quyết định số 1146/QĐ-UBND ngày 24/6/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh N về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Kiều Quốc T (lần đầu).

3/ Hủy Quyết định số 2399/QĐ-CCXP ngày 25/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh N về việc buộc cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Lý do và căn cứ khởi kiện:

Vì cuộc sống mưu sinh, gia đình ông Kiều Quốc T không có đất canh tác, nên khi có người dân có nhu cầu sang nhượng đất nông nghiệp tại lô số 6, khoanh 11, tiểu khu 87a, thuộc thôn Chóa Mo, xã P, huyện B, tỉnh N nên ông T nhận sang nhượng lại từ năm 2007, với diện tích khoảng hơn 2,5 hecta đất nông nghiệp, xung quanh là đất rẫy của người dân.

Sau khi gia đình ông T nhận sang nhượng xong, trên cơ sở nền đất rẫy đã sạch, gia đình ông T không cầy xới hay san lấp trên đất rừng mà chỉ tiến hành cầy xới trên đất nông nghiệp, sau đó trồng trọt các loại cây ăn quả, cây hoa màu, lắp đặt hệ thống đường ống tưới nhỏ giọt cho cây, dựng chòi, dựng chuồng Dê, Cừu, Gà, sau một thời gian dài kiên trì dần dần đã hình thành trang trại, từ đó đến nay đã ổn định. Trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi và hình thành trang trại, không có ai khiếu nại hay tranh chấp. Cơ quan chức năng như: ngành Kiểm lâm, Ban quản lý rừng hay UBND xã hàng ngày đi tuần tra, kiểm tra nhưng không có ý kiến hay đến ngăn chặn, xử lý gì. Việc gia đình ông T lao động chân chính trên mảnh đất này là hoàn toàn chính đáng do nhu cầu làm ăn sinh sống thật sự, không trông chờ dự án nào hay mua đi bán lại...

Trong lúc gia đình ông T đang canh tác ổn định thì ngày 12/01/2021 lực lượng Kiểm lâm huyện B đến lập biên bản vi phạm hành chính với lý do lấn chiếm đất nông nghiệp của rừng phòng hộ trái phép, có nghĩa là từ năm 2007 đến ngày 12/01/2021 đã qua hơn 14 năm, lực lượng chức năng mới đến đất rẫy ông T và cho rằng gia đình ông T lấn chiếm đất nông nghiệp là quá phi lý, họ tự lập biên bản, tự ký với nhau, không có bằng chứng chứng minh việc ông T lấn chiếm đất nông nghiệp. Từ biên bản đó, Hạt Kiểm lâm huyện B tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh N ký ban hành Quyết định số 387/QĐ-XPVPHC ngày 08/03/2021 về việc xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 105.000.000đ, đồng thời yêu cầu tháo dỡ các công trình trên đất cũng như phá cây ăn quả, hoa màu, chuồng trại để giao lại cho Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Sắt huyện B quản lý.

Sau khi tiếp nhận quyết định nêu trên, gia đình ông T cảm thấy quá oan ức vì gia đình ông T đã đổ ra biết bao mồ hôi công sức để tìm kế sinh nhai nuôi sống gia đình. Số tiền xử phạt 105.000.000đ đối với hộ nông dân chân chính và nhất là đối với người đồng bào dân tộc thiểu số như ông T là quá lớn và quá vô lý, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông T.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện Luật sư Lê Đình V trình bày:

1. Chủ thể ban hành quyết định bị kiện là Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận – Lê H1 không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Theo quy định tại Điều 54 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ được thực hiện xử phạt vi phạm hành chính khi được Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao quyền xử phạt vi phạm hành chính bằng văn bản. Mặc dù, Quyết định xử phạt hành chính số 387/QĐ-XPVPHC của Phó Chủ tịch UBND tỉnh N có căn cứ vào Quyết định số 2339/QĐ-GQXP ngày 30/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính nhưng quá trình giải quyết vụ án, Người bị kiện đã không giao nộp cho Tòa án văn bản này nên không chứng minh được có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 387/QĐ-XPVPHC được ban hành dựa trên Biên bản vi phạm hành chính trái pháp luật.

Biên bản vi phạm hành chính số 01/BB-VPHC ngày 12/01/2021 đã không tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính, tức là không ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm xảy ra vi phạm, tức là không xác định được thời điểm xảy ra vi phạm hành chính nên không có giá trị pháp lý, không thể là cơ sở để xử phạt vi phạm hành chính.

3. Hết thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.

Biên bản vi phạm hành chính số 01/BB-VPHC được lập ngày 12/01/2021 nhưng đến ngày 08/3/2021, tức là 55 ngày sau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh N mới ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 387/QĐ-XPVPHC, như vậy việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này là trái với quy định tại Điều 65 (Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính) và Điều 66 (Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính) của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Mặc dù Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện B có Văn bản số 17/TNMT- TH ngày 08/02/2021 gửi Chủ tịch UBND huyện B xin gia hạn xử lý vi phạm hành chính và Chủ tịch UBND huyện B có Văn bản số 278/UBND-TH ngày 08/02/2021 đồng ý cho gia hạn thời gian giải quyết việc xử lý vi phạm hành chính nhưng việc gia hạn này là không có căn cứ pháp luật, trái với các quy định tại Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

4. Ông Kiều Quốc T không có hành vi “chiếm đất nông nghiệp là rừng phòng hộ”.

a) Nhận quyền sử dụng đất thông qua giao dịch dân sự - Giấy sang nhượng đất lập ngày 27/02/2007 giữa bên sang nhượng là ông Thành Văn Nhi và bên nhận sang nhượng là ông Kiều Quốc T.

- Bản tường trình ngày 20/4/2022 của ông Trần Hổ thể hiện nguồn gốc của thửa đất tranh chấp là do ông Trần Hổ khai hoang, sử dụng từ năm 1985, đến năm 2005, ông Trần Hổ chuyển nhượng lại cho ông Thành Văn Nhi. Sau đó, ông Thành Văn Nhi chuyển nhượng lại cho ông Kiều Quốc T;

- Bản tường trình ngày 12/4/2022 của ông Thành Văn Nhi thể hiện nội dung: nguồn gốc của thửa đất tranh chấp là do ông Thành Văn Nhi nhận chuyển nhượng từ ông Trần Hổ (tên thường gọi là Tư Cục) từ năm 2005, ông Nhi sử dụng đến năm 2007 thì chuyển nhượng cho ông Kiểu Quốc T;

- Bản tường trình ngày 13/4/2022 của các ông Trương Thành, Trần Văn Chiên, Lương Kim Đồng đều xác định nguồn gốc thửa đất tranh chấp là do ông Trần Hổ (tức ông Tư Cục) khai phá và sử dụng tại thời điểm năm 1985, sau đó ông Trần Hổ chuyển nhượng cho ông Thành Văn Nhi, ông Thành Văn Nhi chuyển nhượng cho ông Kiều Quốc T;

- Bản tường trình ngày 13/4/2022 của ông Trần Văn Liêm, ông Tôn Thất Còn, ông Trương Văn Chín, ông Trần Văn Minh, bà Phạm Thị Ngọc Ánh, ông Vũ Văn Xuân, ông Châu Thành Thiện, ông Nguyễn Ngôn tại thời điểm lập bản tường trình đều là những người sử dụng đất tại xã P, huyện B gần với diện tích đất tranh chấp đều xác định nguồn gốc của thửa đất tranh chấp là do ông Trần Hổ (Tư Cục) sử dụng, sau đó chuyển nhượng cho ông Thành Văn Nhi, ông Kiều Quốc T mua lại của ông Thành Văn Nhi và sử dụng liên tục.

Như vậy, thửa đất đang tranh chấp có nguồn gốc do ông Trần Hổ khai hoang và sử dụng liên tục đến năm 2005. Năm 2005, ông Trần Hổ chuyển nhượng cho ông Thành Văn Nhi, ông Thành Văn Nhi sử dụng đến năm 2007 thì chuyển nhượng cho ông Kiều Quốc T. Từ thời điểm nhận chuyển nhượng (ngày 27/02/2007) đến thời điểm bị cưỡng chế khắc phục hậu quả, ông Kiều Quốc T sử dụng đất liên tục cho mục đích trồng trọt và chăn nuôi. Do đó, ông Kiều Quốc Thằng không có hành vi lấn chiếm trái phép đất rừng.

b) Quyết định phê duyệt kết quả quy hoạch 03 loại rừng tỉnh N giai đoạn 2016 – 2025 số 199/QĐ-UBND của UBND tỉnh N có nội dung thay đổi mục đích sử dụng đất.

Đối chiếu các tiêu chí tại Phụ lục I – Hiện trạng 03 loại rừng trước quy hoạch theo đơn vị hành chính và Phụ lục III – Quy hoạch 03 loại rừng giai đoạn 2016 – 2025 theo đơn vị hành chính, Phụ lục V – Quy hoạch chuyển ra ngoài 03 loại rừng giai đoạn 2016 – 2025, Phụ lục VI – Quy hoạch chuyển vào 03 loại rừng giai đoạn 2016 – 2025, Phụ lục VII Chuyển đổi chức năng trong quy hoạch 03 loại rừng giai đoạn 2016 – 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 199/QĐ-UBND; đã có việc chuyển mục đích sử dụng 2.453,28 ha đất từ đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp thành đất rừng phòng hộ (thuộc đất quy hoạch lâm nghiệp). Trong đó rất có thể có cả 25.690m2 đất tại lô số 6, khoảnh 11, tiểu khu 87a thuộc địa giới xã P, huyện B mà ông Kiểu Quốc T sử dụng.

c) Việc sử dụng đất của ông Kiều Quốc T được pháp luật bảo vệ khoản 2 Điều 21 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng quy định:

“2. Diện tích rừng, đất để phát triển rừng ghi trong quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của địa phương đã được công bố phải thu hồi mà Nhà nước chưa thực hiện việc thu hồi thì chủ rừng được tiếp tục sử dụng theo mục đích đã được xác định trước khi công bố quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Trường hợp chủ rừng không còn nhu cầu tiếp tục sử dụng thì Nhà nước thu hồi rừng, đất để trồng rừng và bồi thường hoặc hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Trường hợp sau ba năm không thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đó thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt phải hủy bỏ kế hoạch, điều chỉnh quy hoạch và công bố công khai”. Điều 53 Luật Đất đai năm 2013 quy định “Việc Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật này và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phải giải phóng mặt bằng”.

Điều 2 Quyết định số 199/QĐ-UBND ngày 28/6/2018 của UBND tỉnh N quy định người sử dụng đất nếu không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại khoản 7 Điều 20, điểm b khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì được tiếp tục sử dụng đất theo hiện trạng đến khi Nhà nước thu hồi đất.

Như vậy, ông Kiều Quốc T sử dụng đất từ thời điểm ngày 27/02/2007 do nhận chuyển nhượng hợp pháp từ ông Thành Văn Nhi, mục đích sử dụng đất để trồng cây hàng năm, cây lâu năm và chăn nuôi. Tại thời điểm ban hành Quyết định số 199/QĐ-UBND (ngày 28/6/2018), ông Kiều Quốc T phải được xác định là chủ rừng đối với 25.690m2 đất tại lô số 6, khoảnh 11, tiểu khu 87a thuộc địa giới xã P, huyện B. Do Nhà nước chưa thực hiện thu hồi nên ông T tiếp tục được sử dụng theo mục đích trồng cây hoa màu và chăn nuôi. Ông Kiều Quốc T chưa bị thu hồi đất. Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt – Sông Trâu chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa phải là chủ sử dụng của 25.690m2 đất tại lô số 6, khoảnh II, tiểu khu 87a thuộc địa giới xã P.

d) Kết luận:

Việc sử dụng đất của ông Kiều Quốc T là hợp pháp, ngay tình, được pháp luật bảo vệ. Ông Kiều Quốc T không có hành vi chiếm đất rừng như nêu tại Biên bản vi phạm hành chính số 01/BB-VPHC ngày 12/01/2021 và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 387/QĐ-XPVPHC ngày 08/3/2021.

5. Quyết định số 199/QĐ-UBND ngày 28/6/2018 của UBND tỉnh Ninh Thuận là trái pháp luật.

Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 18 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng thì thẩm quyền phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, không thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Như vậy, Quyết định số 199/QĐ-UBND ngày 28/6/2018 phê duyệt kết quả quy hoạch 03 loại rừng tỉnh N giai đoạn 2016 – 2025 của UBND tỉnh N là trái pháp luật. Do Quyết định này là trái pháp luật nên không có giá trị thi hành.

Tù các nội dung trên, đề nghị Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Kiều Quốc T.

Phía người bị kiện Chủ tịch UBND tỉnh N trình bày:

Căn cứ vào các văn bản gửi Tòa án và ông Hồ Xuân H2 tại phiên tòa trình bày:

1. Nội dung đã giải quyết liên quan đến Quyết định số 387/QĐ XPVPHC ngày 08/3/2021 về xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Kiều Quốc T và Quyết định số 1146/QĐ-UBND ngày 24/6/2021 giải quyết đơn khiếu nại của ông Kiều Quốc T (lần đầu).

a) Về nguồn gốc đất:

Theo bản đồ quy hoạch ba loại rừng giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 199/QĐ-UBND ngày 28/6/2018 của UBND tỉnh, thể hiện: Diện tích 25.690m2 ông Kiều Quốc T chiếm và thực hiện san ủi, cày xới theo quy hoạch là đất DT2 (đất có cây gỗ tái sinh núi đất) thuộc lô 6, khoảnh 11 Tiểu khu 87a là đất do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Sông Sắt - Sông Trâu quản lý.

b) Việc kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền:

Thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra tại khu đất có tọa độ trung tâm X:

567034; Y: 1298743, thuộc lô 6, khoảnh 11 Tiểu khu 87a do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu quản lý. Phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, ngày 01/4/2020 Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Sông Sắt phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện B lập Biên bản kiểm tra số 003108/BB-KT, xác định: ông Kiều Quốc T san ủi diện tích 22.106m2; trên đất có cây bị cưa, đốt dọn.

Trên cơ sở báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Sông Sắt, ngày 13/4/2020 Hạt Kiểm lâm huyện B phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Sông Sắt và UBND xã P tiến hành kiểm tra, lập Biên bản xác minh, qua đó xác định: ông Kiều Quốc T chiếm diện tích 25.690m2 thuộc lô 6, khoảnh 11 Tiểu khu 87a là đất do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu quản lý. Hiện trạng đất đã san ủi, cày xới; trên đất có một số cây rừng bị cưa sát gốc, đốt cháy và 02 căn nhà tạm xây. Đồng thời, Hạt Kiểm lâm huyện B có Báo cáo số 66/BC-HKL ngày 23/4/2020 kiến nghị UBND huyện B tiếp nhận hồ sơ, củng cố chứng cứ và xử lý hành vi vi phạm của ông Kiều Quốc T. Ngày 20/8/2020, UBND huyện B ban hành Công văn số 1383/UBND-TH đề nghị Chi cục Kiểm lâm xác minh, làm rõ vi phạm của ông Kiều Quốc T để có cơ sở xử lý.

Ngày 31/8/2020, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với UBND huyện B, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu, Hạt Kiểm lâm huyện B và UBND xã P lập Biên bản kiểm tra, qua đó xác định: “tại thời điểm kiểm tra khu vực đất bị lấn, chiếm đã san ủi toàn bộ mặt đất, gốc cây bị cày xới, đất đã đổ hố bón phân để chuẩn bị trồng cây và đóng cọc rào bao lưới B40, trong khu vực có 02 căn nhà chòi bằng gỗ lợp mái tôn fibro ximăng và 01 chuồng gà trên đất. Hiện trạng đất đã bị tác động, cày xới nên không thể xác định được kiểu trạng thái tại thời điểm kiểm tra.

c) Việc xử lý vi phạm hành chính đối với ông Kiều Quốc T:

Do ông Kiểu Quốc T tiếp tục chiếm diện tích 25.690m2 do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu quản lý nên ngày 12/01/2021 Hạt Kiểm lâm huyện B đã lập Biên bản vi phạm hành chính số 01/BB-VPHC đối với ông Kiều Quốc T vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: “Chiếm đất rừng phòng hộ với diện tích 25.690m2 tại lô số 6, khoảnh 11, tiểu khu 87a thuộc địa giới hành chính xã P, huyện B, tỉnh N do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu quản lý”.

Do vụ việc có tính chất phức tạp nên ngày 08/02/2021, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện B ban hành Văn bản số 17/TNMT-TH xin gia hạn xử lý vụ việc đến ngày 09/3/2021 và được UBND huyện B chấp thuận tại Công văn số 278/UBND-TH ngày 08/02/2021. Trên cơ sở đề nghị của UBND huyện B tại Tờ trình số 15/TTr-UBND ngày 04/3/2021, ngày 08/3/2021 Phó Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 387/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Kiều Quốc T. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1103/QĐ-ĐCXPVPHC ngày 17/6/2021 đính chính Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, lý do: Quyết định số 387/QĐ-XPVPHC ngày 08/3/2021 ghi thiếu từ “đất” của hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều 1 của Quyết định; các nội dung khác của Quyết định XPVPHC vẫn giữ nguyên không thay đổi.

d) Việc giải quyết khiếu nại của ông Kiều Quốc T:

Sau khi nhận các quyết định nêu trên, ông Kiều Quốc T đã thực hiện khiếu nại đến UBND tỉnh N yêu cầu hủy bỏ Quyết định số 387/QĐ-XPVPHC.

Qua rà soát toàn bộ hồ sơ vụ việc và kết quả thẩm tra xác minh, xác định: Diện tích 25.690m2 do ông Kiều Quốc T chiếm là đất DT2 (đất có cây gỗ tái sinh núi đất) thuộc lô 6, khoảnh 11 Tiểu khu 87a do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu quản lý theo Quyết định số 199/QĐUBND ngày 28/6/2018 của UBND tỉnh N phê duyệt kết quả quy hoạch 03 loại rừng tỉnh N giai đoạn 2016-2025. Việc chiếm đất của ông T là hành vi vi phạm pháp luật, phải xử lý theo quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/20219 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Vì vậy, việc Phó Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 387/QĐXPVPHC ngày 08/3/2021 xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Kiều Quốc T (mức tiền phạt là 105.000.000đ theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã chiếm cho Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu quản lý theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP) và Quyết định số 1103/QĐ- ĐCXPVPHC ngày 17/6/2021 đính chính Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu trên là có cơ sở, đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật. Do vậy, ông Kiều Quốc T khiếu nại yêu cầu hủy bỏ Quyết định số 387/QĐ-XPVPHC ngày 08/3/2021 của Phó Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với ông là không có cơ sở.

Căn cứ Luật Khiếu nại năm 2011 và các quy định liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh đã thụ lý để giải quyết và tổ chức đối thoại vào ngày 03/6/2021 theo quy định. Căn cứ các quy định pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1146/QĐ-UBND ngày 24/6/2021 giải quyết đơn khiếu nại của ông Kiều Quốc T (lần đầu), có nội dung: “Không chấp thuận việc ông Kiều Quốc T yêu cầu hủy bỏ Quyết định số 387/QĐ XPVPHC ngày 08/3/2021 của Phó Chủ tịch UBND tỉnh; giữ nguyên Quyết định số 387/QĐ-XPVPHC ngày 08/3/2021 của Phó Chủ tịch UBND tỉnh về xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Kiều Quốc T”.

Do ông Kiều Quốc T không chấp hành, ngày 25/12/2021 Chủ tịch UBND tỉnh N ban hành Quyết định số 2399/QĐ-CCXP về việc buộc cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Quyết định được ban hành với hình thức và nội dung đúng quy định pháp luật. Yêu cầu khởi kiện của ông T về việc hủy Quyết định số 2399/QĐ-CCXP là không có cơ sở.

Chủ tịch UBND tỉnh N không đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của ông Kiều Quốc T. Người bị kiện giữ nguyên các quan điểm trình bày đã gửi Tòa án. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh N bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Kiều Quốc T.

Phía người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan UBND huyện B trình bày:

Ông Kiều Quốc T đã có hành vi chiếm và thực hiện san ủi, cày xới, sử dụng đất với diện tích 25.690m2 theo quy hoạch là đất DT2 (đất có cây gỗ tái sinh) tại lô 6, khoảng 11, tiểu khu 87a trên địa bàn xã P, huyện B do Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trầu quản lý. Hành vi vi phạm nêu trên, căn cứ điểm e, khoản 3 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/20219 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và khoản 4 Điều 23 Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 (mức trung bình khung). UBND huyện đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh N quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Kiều Quốc T với số tiền 105.000.000đ (Một trăm linh năm triệu đồng) theo thẩm quyền là đúng quy định pháp luật. Việc Ông Kiều Quốc T yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh hủy Quyết định số 387/QĐ-XPVPHC ngày 08/3/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh N về xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Kiều Quốc T là không có cơ sở. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh N bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Kiều Quốc T.

Phía người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan UBND xã P, huyện B trình bày: Ông Kiều Quốc T đã có hành vi chiếm và thực hiện san ủi, cày xới, sử dụng đất với diện tích 25.690m2 theo quy hoạch là đất DT2 (đất có cây gỗ tái sinh) tại lô 6, khoảng 11, tiểu khu 87a trên địa bàn xã P, huyện B do Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt – Sông Trâu quản lý. Với hành vi nêu trên, căn cứ điểm e, khoản 3 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/20219 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và khoản 4 Điều 23 Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 (mức trung bình khung). Chủ tịch UBND tỉnh N quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Kiều Quốc T, sinh năm 1985, thường trú tại thôn T, xã P, huyện N, tỉnh N với số tiền 105.000.000đ (Một trăm linh năm triệu đồng) theo thẩm quyền là đúng quy định pháp luật. Việc ông Kiều Quốc T yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh hủy Quyết định số 387/QĐ-XPVPHC ngày 08/3/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh N về xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Kiều Quốc T là không có cơ sở. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh N bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Kiều Quốc T.

Phía người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Hạt kiểm lâm huyện B trình bày:

Thống nhất với quan điểm trình bày của phía Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, UBND huyện B và UBND xã P.

Yêu cầu khởi kiện của ông Kiều Quốc T là không có cơ sở. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh N bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Kiều Quốc T.

Phía Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Sắt - Sông Trâu huyện B trình bày:

Thống nhất với quan điểm trình bày của phía Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, UBND huyện B, UBND xã P và Hạt kiểm lâm huyện B.

Yêu cầu khởi kiện của ông Kiều Quốc T là không có cơ sở. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh N bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Kiều Quốc T.

Những người làm chứng bao gồm ông Trần Thanh Liêm, ông Tôn Thất Còn, ông Trương Văn Chín, ông Trần Văn Minh, bà Phạm Thị Ngọc Ánh, ông Vũ Văn Xuân, ông Châu Thiên Thành Thiện, ông Nguyễn Ngôn, ông Trương Thành, ông Trần Văn Chiên, ông Lương Kim Đồng, ông Trần Hổ, ông Thành Văn Nhi, trình bày:

Những người làm chứng làm chứng cho việc thửa đất đang khiếu kiện có nguồn gốc do ông Trần Hổ (tên thường gọi là Tư Cục) khai hoang sử dụng từ năm 1985. Đến năm 2005, ông Trần Hổ chuyển nhượng cho ông Thành Văn Nhi, ông Thành Văn Nhi sử dụng đến năm 2007 thì chuyển nhượng cho ông Kiều Quốc T. Từ thời điểm nhận chuyển nhượng (ngày 27/02/2007) đến thời điểm bị cưỡng chế khắc phục hậu quả, ông Kiều Quốc T sử dụng đất liên tục cho mục đích trồng trọt và chăn nuôi. Đề nghị Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Kiều Quốc T.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 10/2022/HC-ST ngày 08/7/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh N, đã căn cứ: Khoản 1 Điều 30, khoản 3 Điều 32, điểm a khoản 2 Điều 193, Điều 194, Điều 204, Điều 206, Điều 211, Điều 213 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Điều 6, khoản 3 Điều 38, Điều 57, Điều 66, Điều 86, Điều 87 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Điều 7, khoản 1 Điều 21 Luật khiếu nại năm 2011; Điều 4, khoản 3 Điều 38, khoản 3, khoản 7 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Khoản 1 Điều 32 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

Tuyên xử:

1. Bác yêu cầu khởi kiện của ông Kiều Quốc T về việc:

- Hủy Quyết định số 387/QĐ-XPVPHC ngày 08/3/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N về việc xử phạt vi phạm chính;

- Hủy Quyết định số 1146/QĐ-UBND ngày 24/6/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Kiều Quốc T (lần đầu);

- Hủy Quyết định số 2399/QĐ-CCXP ngày 25/12/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N về việc buộc cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

2. Không hủy Quyết định số 1103/QĐ-ĐCXPVPHC ngày 17/6/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N về việc đính chính Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn giải quyết các vấn đề liên quan đến án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Kiều Quốc T có làm đơn kháng cáo, nêu lý do: Bản án sơ thẩm không thỏa đáng, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông, đề nghị xét xử phúc thẩm lại theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người khởi kiện vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo.

Các đương sự không đối thoại thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện cho rằng Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 387 ban hành không đúng quy định của pháp luật vì Quyết định này dựa vào Biên bản vi phạm hành chính trái pháp luật, không ghi ngày, tháng lập, không có hành vi vi phạm hành chính, hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính; mặc dù cơ quan có thẩm quyền có yêu xin gia hạn thời hạn xử lý vi phạm hành chính và được chấp thuận nhưng vẫn trái quy định pháp luật. Về nội dung ông Nhi chuyển nhượng đất cho ông T thì đã có sẵn hoa lợi cũng như vật kiến trúc nên ông T không có hành vi lấn chiếm đất rừng, nếu có cho rằng hành vi lấn chiếm thì chỉ xử lý ông Nhi và ông Hổ là những người canh tác trước đây chứ không thể xử lý ông T được. Tuy nhiên, nguồn gốc đất do ông Trần Hổ khai hoang và sử dụng liên tục nên sau đó chuyển nhượng cho ông Nhi và ông T thì không có gì sai trái và ông T đã sử dụng đất hợp pháp không tranh chấp. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người khởi kiện hoặc hủy bản án sơ thẩm để thu thập lại chứng cứ cho đầy đủ.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị kiện trình bày: Theo các văn bản người bị kiện gởi cho Tòa án về nguồn gốc đất, sự phát hiện vi phạm hành chính của người khởi kiện, củng cố các chứng cứ theo thủ tục pháp luật quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh N đã ban hành các quyết định xử lý vi phạm là đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của người khởi kiện, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm cho rằng: Quá trình thụ lý giải quyết vụ án Tòa án cấp phúc thẩm đã thực hiện đúng quy định của pháp luật. Những người tham gia phiên tòa cũng đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo luật định. Về nội dung: Tại phiên tòa phúc thẩm người khởi kiện kháng cáo nhưng không cung cấp được những chứng cứ mới. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính không chấp nhận kháng cáo của người khởi kiện, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục kháng cáo:

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 05 tháng 8 năm 2022 người khởi kiện ông Kiều Quốc T làm Đơn kháng cáo đúng theo trình tự, thủ tục quy định tại các Điều 55, Điều 204, Điều 205, Điều 206, Điều 209 của Luật Tố tụng hành chính nên được xem xét, xét xử theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết:

Căn cứ yêu cầu khởi kiện của ông Kiều Quốc T thì vụ án có quan hệ tranh chấp: “Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; quyết định giải quyết khiếu nại về đất đai; quyết định cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả”.

Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng quan hệ tranh chấp và giải quyết đúng thẩm quyền được pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 3; khoản 1 Điều 30; khoản 3 Điều 32; điểm a khoản 2 Điều 116 của Luật Tố tụng Hành chính.

[3] Về nội dung giải quyết yêu cầu kháng cáo:

[3.1] Các Quyết định số 387/QĐ-XPVPHC ngày 08/3/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N về việc xử phạt vi phạm chính; Quyết định số 1146/QĐ-UBND ngày 24/6/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Kiều Quốc T (lần đầu) và Quyết định số 2399/QĐ-CCXP ngày 25/12/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N về việc buộc cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được ban hành đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

[3.2] Về nội dung của Quyết định số 387/QĐ-XPVPHC ngày 08/3/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N về việc xử phạt vi phạm chính, Hội đồng xét xử xét thấy:

Về nguồn gốc đất phần đất vi phạm: Theo Bản đồ quy hoạch 03 loại rừng giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 199/QĐ-UBND ngày 28/6/2018 của UBND tỉnh N thể hiện: Diện tích 25.690m2 ông Kiều Quốc T chiếm và thực hiện san ủi, cày xới theo quy hoạch là đất DT2 (đất có cây gỗ tái sinh) thuộc lô số 6, khoảnh 11 tiểu khu 87a, là đất do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu quản lý; theo Quyết định số 199/QĐ-UBND ngày 28/6/2018 của UBND tỉnh N phê duyệt kết quả quy hoạch 03 loại rừng tỉnh N giai đoạn 2016-2025.

Ông Kiều Quốc T trình bày có nhận chuyển nhượng của các hộ dân thửa đất này nhưng bằng giấy viết tay, không được công chứng, chứng thực hợp pháp. Các hộ dân này cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc chuyển nhượng đất đai là không đúng quy định pháp luật. Ông Kiều Quốc T cũng không có các giấy tờ để được công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp quy định tại Điều 100, Điều 101 của Luật Đất đai năm 2013.

Tại Biên bản vi phạm hành chính số 01/BB-VPHC ngày 12/01/2021 của Hạt Kiểm lâm huyện B phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt – Sông Trâu và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện B lập thể hiện ông Kiều Quốc T đã có hành vi chiếm diện tích 25.690m2 thuộc lô 6, khoảnh 11 tiểu khu 87a là đất do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt – Sông Trâu quản lý. Hiện trạng đất: “Phần lớn mặt đất bị cày xới và trồng một số cây Chanh ăn trái, có 02 căn nhà mới xây dụng bằng gỗ rừng tự nhiên, vách và mái lợp tol quy cách 2.5m x 4m và 5.3m x 5m; 01 chuồng nuôi nhốt Gà 5m x 10m và đào 01 cái ao có quy cách 12m x 35m x 2m. Xung quanh khu đất rào bao lưới B40”. Như vậy đã có hành vi vi phạm hành chính của ông Kiều Quốc T khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện là ngày 12/01/2022.

Tại phiên tòa phúc thẩm ông T thừa nhận đã có cải tạo lại đất từ khi chuyển nhượng từ ông Nhi. Vì vụ việc phức tạp cần phải có ý kiến chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp có thẩm quyền nên các cơ quan quản lý nhà nước huyện B xin gia hạn thời hạn để xử lý cũng không làm thay đổi bản chất vụ việc vi phạm hành chính.

Hành vi trên của ông Kiều Quốc T đã vi phạm Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Do đó, việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N ban hành Quyết định số 387/QĐ-XPVPHC ngày 08/3/2021 là đúng với quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục và nội dung ban hành.

[3.3] Về nội dung Quyết định số 1146/QĐ-UBND ngày 24/6/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Kiều Quốc T (lần đầu), Hội đồng xét xử nhận định:

Từ phân tích ở mục [3.1], [3.2] thấy rằng, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 387/QĐ-XPVPHC ngày 08/3/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh N là đúng pháp luật, do đó Quyết định số 1146/QĐ-UBND ngày 24/6/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh N giải quyết không chấp nhận khiếu nại của ông Kiều Quốc T là có cơ sở, nên không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T đối với việc hủy quyết định này.

[3.4] Về nội dung Quyết định số 2399/QĐ-CCXP ngày 25/12/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N về việc buộc cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, xét thấy:

Do ông T không thực hiện Quyết định số 387/QĐ-XPVPHC ngày 08/3/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N ban hành Quyết định số 2399/QĐ-CCXP ngày 25/12/2021 về việc buộc cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là đúng với quy định tại Điều 86, điều 87 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

[3.5] Ngoài ra, Quyết định số 1103/QĐ-ĐCXPVPHC ngày 17/6/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N về việc đính chính Quyết định xử phạt vi phạm hành chính chỉ đính chính Quyết định số 387/QĐ-XPVPHC ngày 08/3/2021 ghi thiếu từ “đất” của hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều 1 của Quyết định; các nội dung khác của Quyết định XPVPHC vẫn giữ nguyên không thay đổi nên Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không hủy Quyết định số 1103/QĐ-ĐCXPVPHC ngày 17/6/2021 là có căn cứ.

[4] Từ những phân tích trên, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T là có căn cứ, đúng pháp luật. Tại cấp phúc thẩm, người khởi kiện kháng cáo nhưng cũng không cung cấp được tài liệu chứng cứ gì đặc biệt mới để chứng minh cho yêu cầu của mình, nên không có cơ sở chấp nhận. Ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[5] Về án phí hành chính phúc thẩm: Do không chấp nhận kháng cáo nên ông T phải chịu án phí theo luật định.

[6] Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật thi hành.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Kiều Quốc T.

Giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 10/2022/HC-ST ngày 08/7/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh N.

Áp dụng: Khoản 1 Điều 30, khoản 3 Điều 32, điểm a khoản 2 Điều 193, Điều 194, Điều 204, Điều 206, Điều 211, Điều 213 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Điều 6, khoản 3 Điều 38, Điều 57, Điều 66, Điều 86, Điều 87 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Điều 7, khoản 1 Điều 21 Luật khiếu nại năm 2011; Điều 4, khoản 3 Điều 38, khoản 3, khoản 7 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Khoản 1 Điều 32 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

Tuyên xử:

1. Bác yêu cầu khởi kiện của ông Kiều Quốc T về việc:

- Hủy Quyết định số 387/QĐ-XPVPHC ngày 08/3/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N về việc xử phạt vi phạm chính;

- Hủy Quyết định số 1146/QĐ-UBND ngày 24/6/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Kiều Quốc T (lần đầu);

- Hủy Quyết định số 2399/QĐ-CCXP ngày 25/12/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N về việc buộc cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

2. Không hủy Quyết định số 1103/QĐ-ĐCXPVPHC ngày 17/6/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N về việc đính chính Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

3. Về án phí hành chính phúc thẩm: Ông Kiều Quốc T phải chịu 300.000đ, được khấu trừ 300.000đ số tiền tạm ứng án phí ông T đã nộp theo Biên lai thu số 0000540 ngày 16/8/2022 tại Cục Thi hành án Dân sự tỉnh N. Như vậy, ông T đã nộp xong án phí hành chính phúc thẩm.

4. Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật thi hành.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

138
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai; quyết định giải quyết khiếu nại đất đai; quyết định cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 122/2023/HC-PT

Số hiệu:122/2023/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 07/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về