Bản án về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 317/2024/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 317/2024/HC-PT NGÀY 22/04/2024 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Ngày 22 tháng 4 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 991/2023/TLPT-HC ngày 06/12/2023, về việc “Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả và quyết định giải quyết khiếu nại”.

Do Bản án hành chính sơ thẩm số 126/2023/HC-ST ngày 09/8/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh G bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 712/2024/QĐPT-HC ngày 22 tháng 3 năm 2024, giữa các đương sự:

- Người khởi kiện: Ông Phùng Thanh M, sinh năm 1992; Địa chỉ: Khu phố F, phường A, thành phố P, tỉnh G (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông M: Ông Trương Vĩnh Anh D; Địa chỉ: A.701 Tòa nhà V, N, Phường C, thành phố M, tỉnh Tiền Giang (có mặt).

- Người bị kiện:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh K; Địa chỉ: F N, phường V, thành phố R, tỉnh G (vắng mặt).

Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Thanh N; Chức vụ: Phó Chủ tịch (Văn bản uỷ quyền ngày 15/9/2022, có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Bà Lư Thị Trang Đ, chức vụ: Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh G (có mặt).

2. Bộ trưởng Bộ T3; Địa chỉ: A T, quận N, Thành phố H (có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Ông Vũ Ngọc A; Công tác tại Vụ Đất đai thuộc Bộ T3 (có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Vườn Quốc gia P; Địa chỉ ấp X, xã B, thành phố P, tỉnh G.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn T; Chức vụ: Giám đốc (có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt).

- Người kháng cáo: Ông Phùng Thanh M là người khởi kiện.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung và trong quá trình giải quyết vụ kiện, người khởi kiện ông Phùng Thanh M trình bày:

Diện tích 5.233m2 tại khu phố F, phường A, thành phố P, tỉnh G hiện do ông Phùng Thanh M đang sử dụng có nguồn gốc do bà Nguyễn Thị T1 (mẹ ông M) khai phá từ năm 1978, được ấp xác nhận tại văn bản ngày 10/9/2003. Phần đất này nằm ngoài rừng phòng hộ, nằm ngoài đất quản lý của quốc phòng.

Năm 2012 ông M được bà T1 tặng cho diện tích đất này để tiếp tục sử dụng trồng hoa màu, nuôi gà. Năm 2014 ông M nhập ngũ và đến năm 2015 thì xuất ngũ về tiếp tục sử dụng diện tích đất này.

Năm 2017 ông M làm nhà ở trên phần đất 5.233m2, từ thời điểm sử dụng đất đến khi bị xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, ông M đã sử dụng ổn định, liên tục, đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai năm 2013.

Việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh G xác định ông M chiếm đất rừng phòng hộ là không đúng với thực tế sử dụng đất, không đúng kết quả xác minh, biên bản làm việc của cơ quan chức năng: Đoàn xác minh của Thanh tra Bộ T3. Do đó Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1470/QĐ- XPVPHC ngày 25/6/2020 là không đúng về hình thức và nội dung.

Ông M có khiếu nại và được Chủ tịch UBND tỉnh K ban hành Quyết định số 3133/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 giải quyết khiếu nại giữ nguyên Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1470/QĐ-XPVPHC ngày 25/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh K.

Ông M tiếp tục khiếu nại đến Bộ T3 và được Bộ trưởng Bộ T3 ban hành Quyết định số số 1416/QĐ- BTNMT ngày 01/7/2022 giải quyết khiếu nại công nhận và giữ nguyên Quyết định số 3133/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh K.

Ngày 14/6/2022 ông M nhận được Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 1365/QĐ-CCKPHQ ngày 01/6/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh K, buộc ông M khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với diện tích 5.233m2 đất đã chiếm.

Ngày 28/6/2022 ông M khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1470/QĐ-XPVPHC ngày 25/6/2020 và hủy Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 1365/QĐ-CCKPHQ ngày 01/6/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh K.

Ngày 25/3/2023 ông M khởi kiện bổ sung yêu cầu hủy Quyết định số 3133/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh K về việc giải quyết khiếu nại đối với ông M (lần đầu) và hủy Quyết định số 1416/QĐ-BTNMT ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ T3 về việc giải quyết khiếu nại đối với ông M (lần hai).

Tại Văn bản số 1679/UBND-NC ngày 15/9/2022 và Văn bản số 698/UBND-NC ngày 21/4/2022 Chủ tịch UBND tỉnh K trình bày:

Chủ tịch UBND tỉnh K không đồng ý với nội dung khởi kiện của ông Phùng Thanh M, vì các lý do sau:

Quyết định số 1365/QĐ-CCKPHQ ngày 01/6/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh K là quyết định cưỡng chế buộc ông M phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đã được áp dụng tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1470/QĐ-XPVPHC ngày 25/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh theo đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Qua xác minh nội dung khiếu nại của ông M đã xác định nguồn gốc diện tích đất 5.233m2 ông M đang sử dụng có nguồn gốc trong tổng diện tích hơn 20.000m2 do mẹ ông M là bà Nguyễn Thị T1 chiếm của Ban Q1 (nay là Vườn Quốc gia P) tại khu vực B thuộc khu phố F, thị trấn A.

Trước năm 1993 khu đất này là đất trống không ai sử dụng, từ năm 1993 vẫn là đất trống không có hộ dân nào đăng ký đo đạc, kê khai trong Sơ đồ 14. Đến ngày 20/11/1996 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 872/TTg quy hoạch khu đất này là đất quốc phòng (giao cho Hải quân Vùng 5) quản lý. Đến ngày 18/6/1998, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2163/QĐ-UB giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Q1 để bảo vệ và phát triển rừng tại P. Đến ngày 06/3/2013, UBND tỉnh K cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Q1 quản lý, sau đó Ban Q1 giao khoán cho lực lượng Hải quân Vùng 5 chăm sóc bảo vệ rừng khu vực. Đến ngày 05/12/2019, Ban Q1 được xác nhập vào Vườn Quốc gia P theo Quyết định số 2752/QĐ-UBND của UBND tỉnh thì diện tích 5.233m2 đất ông M chiếm sử dụng thuộc Vườn Quốc gia P quản lý.

Tại các thời điểm như: Khi xác lập Sơ đồ 14 (năm 1993); khi Thanh tra tỉnh lập Biên bản xác minh nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của các hộ dân tại khu vực B (ban hành kèm theo Kết luận số 15/KL-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình quản lý sử dụng đất đai của Vùng 5 Hải quân trên địa bàn thị trấn A, năm 2008) và khi lập phương án bồi hoàn thực hiện Dự án B (năm 2014) thì cha, mẹ của ông M (ông Phùng Ngọc H và bà Nguyễn Thị T1) đều không có canh tác tại khu đất này nên không có làm thủ tục kê khai đăng ký, vì vậy mà họ không có tên trong Sơ đồ 14, không có tên trong danh sách bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất và không có tên trong danh sách các hộ dân canh tác sử dụng đất rừng ban hành kèm theo Kết luận số 15/KL-UBND.

Tháng 8/2015, khi Hạt Kiểm lâm huyện P tổ chức thực hiện kế hoạch tuần tra truy quét thì phát hiện bà T1 đang thực hiện hành vi chiếm đất nông nghiệp (đất rừng phòng hộ) với diện tích 20.420m2 do Ban Q1 quản lý, vị trí tại Tiểu khu H thuộc khu phố F, thị trấn A (trong đó có diện tích 5.233m2 đất ông M đang sử dụng do được bà T1 cho lại vào năm 2012). Do đó, ngày 01/9/2015 Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện P đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả số 03/QĐ-KPHQ buộc bà T1 di dời toàn bộ cây trồng, trụ rào xi măng, dây kẽm gai và 01 căn nhà diện tích 16,8m2 ra khỏi diện tích rừng vi phạm và trả lại diện tích 20.420m2 bị lấn, chiếm cho Ban Q1. Lý do không ra quyết định xử phạt là do hết thời hạn ra quyết định xử phạt.

Ngày 01/9/2015, Hạt Kiểm lâm huyện P đã tổ chức thực hiện việc giao Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả số 03/QĐ-KPHQ cho bà T1; do thấy bà T1 không khiếu nại quyết định này và đã bỏ đi nên Hạt Kiểm lâm huyện P không vào tháo dỡ nhà, hàng rào do bà T1 đã dựng lên trên diện tích đất 20.420m2 mà bà T1 đã chiếm của Ban Q1.

Sau khi bà T1 bỏ đi, vào năm 2018, qua tuần tra theo kế hoạch Hạt Kiểm lâm huyện P phát hiện trong khu vực đất bà T1 bao chiếm trước đây có người đang tập kết vật liệu và dọn đất để cất nhà nhưng không rõ là ai nên không xử lý được. Đến ngày 25/5/2020 UBND thị trấn A mới phát hiện được con của bà T1 là ông M đang chiếm 5.233m2 đất để cất nhà, làm chuồng gà và trồng cây ăn trái trong khu đất mà trước đây bà T1 đã bị Hạt Kiểm lâm huyện P ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục quả số 03/QĐ-KPHQ. Do đó UBND thị trấn A đã lập biên bản vi phạm hành chính và làm thủ tục đề nghị Chủ tịch UBND huyện P trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông M về hành vi chiếm đất nông nghiệp (loại đất rừng phòng hộ) là có căn cứ đúng pháp luật.

Về nội dung xác nhận thời điểm khai khẩn, sử dụng đất của ông M: Qua làm việc trực tiếp với những người ký tên vào giấy xác nhận ngày 25/10/2018 đều khẳng định: Bà T1 trước đây có vào khai thác một phần đất trên, nhưng làm không hiệu quả và bị Hải quân Vùng 5 ngăn cấm không cho vào phát rừng làm rẫy nên bà T1 đã bỏ đi. Đối với nội dung các giấy xác nhận đề ngày 25/10/2015 là do bà T1 nhờ người đánh máy sẵn rồi mang đến nhờ ký xác nhận dùm, vì không biết chữ và lúc ký tên không được nghe đọc lại nội dung giấy xác nhận nên các ông không biết nội dung trong giấy xác nhận ghi như thế nào. Riêng ông Nguyễn Xuân H1, nguyên Trưởng Ban N1 (nay là khu phố F), thị trấn A xác định: Từ năm 2001-2007 ông là Phó Trưởng ấp 6 xác định: Trường hợp đơn xác nhận nguồn gốc đất của bà T1 ông không ký xác nhận, nội dung đơn và chữ viết xác nhận trong đơn cũng không phải của ông, ông chỉ biết bà T1 là người dân địa phương; tuy nhiên ông không biết về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng, diện tích đất của bà T1 xin xác nhận.

Căn cứ vào kết quả xác minh nội dung khiếu nại của ông M như đã nêu trên, tại Quyết định số 3133/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh K về việc giải quyết khiếu nại đối với ông M (lần đầu) đã xác định: “Việc UBND thị trấn A lập biên bản vi phạm hành chính và đề nghị Chủ tịch UBND huyện P trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phùng Thanh M về hành vi chiếm đất nông nghiệp (loại đất rừng phòng hộ) là có căn cứ, đúng pháp luật; không thừa nhận nội dung khiếu nại của ông Phùng Thanh M.

Tại Quyết định số 1416/QĐ-BTNMT ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ T3 về việc giải quyết khiếu nại của ông M đã kết luận, diện tích đất 5.233m2 ông M khiếu nại trước năm 1993 là rừng, thuộc quy hoạch đất quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1996 và nằm trong diện tích đất rừng phòng hộ do Ban Q1 (nay là Vườn Quốc gia P) quản lý và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1998. Đơn xin xác nhận nguồn gốc đất đề ngày 02/02/2003 của bà T1 không phải là một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; hơn nữa, theo trình bày của ông Nguyễn Xuân H1 (nguyên Phó Trưởng ban N1, thị trấn A) thì ông không xác nhận vào Đơn xin xác nhận nguồn gốc đất nêu trên của bà T1, đồng thời ông M cũng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Diện tích 5.233m2 đất nêu trên nằm trong diện tích 20.420m2 rừng bà T1 chiếm, đã bị Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm P ban hành Quyết định số 03/QĐ-KPHQ ngày 01/9/2015 áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc bà T1 di dời toàn bộ cây trồng, tài sản ra khỏi diện tích rừng vi phạm, trả lại diện tích rừng đã chiếm. Năm 2020, ông M tự ý sử dụng 5.233m2 đất (thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Vườn Quốc gia P) để cất nhà cấp 4, chuồng nuôi gà, trồng cây mà không được Vườn Quốc gia P cho phép là hành vi chiếm đất theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai… Nội dung khiếu nại của ông M không có căn cứ pháp luật để xem xét, giải quyết.

Tại Điều 1 Quyết định số 1416/QĐ-BTNMT ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ T3 đã công nhận và giữ nguyên Quyết định số 3133/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh K về việc giải quyết khiếu nại đối với ông M; yêu cầu ông M và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện Quyết định số 1470/QĐ- XPVPHC ngày 25/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh K về xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phùng Thanh M về hành vi chiếm đất nông nghiệp (loại đất rừng phòng hộ) diện tích 5.233m2.

Chủ tịch UBND tỉnh K căn cứ vào Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1470/QĐ-XPVPHC ngày 25/6/2020 để ra Quyết định cưỡng chế khắc phục hậu quả số 1365/QĐ-CCKPHQ ngày 01/6/2022 đối với ông M là đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính, được sửa đổi bổ sung tại khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả”.

Từ những nội dung trên, việc ông M khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy các quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh K liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và giải quyết khiếu nại là không có cơ sở xem xét, đề nghị bác các yêu cầu khởi kiện của ông M.

Tại Văn bản số 3182/BTNMT-TTr ngày 05/6/2023, người bị kiện Bộ trưởng Bộ T3 trình bày:

1. Nội dung khiếu nại: Ông M khiếu nại Quyết định số 1470/QĐ-XPVPHC ngày 25/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh K về xử phạt vi phạm hành chính đối với ông về hành vi chiếm đất nông nghiệp (loại đất rừng phòng hộ), diện tích 5.233m2.

2. Kết quả xác minh nội dung khiếu nại và việc giải quyết khiếu nại:

- Về việc xác nhận của ông Nguyễn Xuân H1 ngày 10/9/2003 đối với đơn xin xác nhận nguồn gốc đất của bà T1 đề ngày 02/02/2003; xác nhận của ông Nguyễn Văn Q, ông Nguyễn Tấn Đ1 và ông Nguyễn Văn R ngày 25/10/2018:

Ông H1 khẳng định tại thời điểm năm 2003, ông H1 là Phó ban nhân dân ấp 6, không phải là Trưởng ban, chữ ký và chữ viết ghi tại phần xác nhận trong Đơn xin xác nhận nguồn gốc đất đề ngày 02/02/2003 của bà T1 không phải của ông H1.

Ông Q và ông Đ1 xác định giấy xác nhận đề ngày 25/10/2018 nội dung được đánh máy sẵn, các ông có ký xác nhận chứ không rõ nội dung vì không đọc lại và cũng không được nghe đọc lại.

- Theo báo cáo và tài liệu do chính quyền địa phương và cơ quan có liên quan của tỉnh G cung cấp:

Diện tích 5.233m2 đất ông M đang khiếu nại tại B thuộc khu phố F, phường A, thành phố P, trước năm 1993 là rừng. Năm 1993, Ủy ban nhân dân tỉnh K lập dự án Lâm nông công nghiệp, phòng hộ môi sinh bảo vệ nguồn nước P được Bộ L thẩm định tại Văn bản số 2995/KH ngày 29/12/1993. Ngày 08/01/1994, UBND tỉnh K ban hành Quyết định số 19/UB-UD phê duyệt dự án rừng phòng hộ bảo vệ nguồn nước P thuộc 23 tiểu khu, trên các xã tại huyện đảo P. Ngày 20/11/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 827/TTg phê duyệt quy hoạch đất quốc phòng trên địa bàn Quân khu IX, khu đất khiếu nại nằm trong quy hoạch đất quốc phòng. Căn cứ Quyết định số 19/QĐ-UB phê duyệt dự án rừng phòng hộ bảo vệ nguồn nước P nêu trên, ngày 18/6/1998 UBND tỉnh K ban hành Quyết định số 2163/QĐ-UB giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Q1 (sau này là Ban Q1 và đến năm 2019 sáp nhập vào Vườn quốc gia P) để bảo vệ và phát triển rừng, với diện tích 33.307,82ha. Diện tích đất ông M đang khiếu nại nằm trong diện tích cấp Giấy chứng nhận nêu trên.

Ngày 22/12/2008, UBND tỉnh K ban hành Kết luận thanh tra số 15/KL- UBND về tình hình quản lý, sử dụng đất đai của Vùng 5 Hải quân trên địa bàn thị trấn A, huyện P, kết quả thanh tra cho thấy: Theo quy hoạch đất quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 827/TTg năm 1996, trên địa bàn thị trấn A có 10 vị trí với tổng diện tích 884,32ha. Từ năm 2000 đến năm 2002, UBND tỉnh K đã ban hành quyết định giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho V 5 Hải quân với diện tích 173,69ha, còn lại diện tích 710,61ha chưa giao, trong đó có một phần diện tích đất rừng phòng hộ UBND tỉnh giao và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Q1 tại Quyết định số 3163/QĐ-UB ngày 18/6/1998. Đối với diện tích quy hoạch đất quốc phòng tại khu vực B và Thao trường có 159 hộ sử dụng đất với diện tích 103,03ha (trong 159 hộ không có tên hộ bà Nguyễn Thị T1), nhưng ngoài ra còn có 8,64ha có dấu hiệu bị lấn, chiếm như phát rừng, trồng tràm bông vàng, hoa màu ngắn ngày nhưng không có ai đứng ra nhận.

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh K về việc di dời ranh rừng phòng hộ P theo quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18/9/2012 Ban Q1 có Tờ trình đề nghị cấp Giấy giấy chứng nhận theo kết quả đo đạc cắm mốc ranh rừng phòng hộ. Ngày 06/3/2013, UBND tỉnh K cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BL 609250 cho Ban Q1 với diện tích 1.987.327,1m2, tại tiểu khu H, thị trấn A. Diện tích đất ông M đang khiếu nại nằm trong diện tích cấp Giấy chứng nhận nêu trên.

Ngày 27/8/2015, khi tuần tra rừng, Hạt kiểm lâm huyện P phát hiện bà T1 lấn chiếm rừng, đã phối hợp với Ban Q1 đo đạc, xác định diện tích bà T1 lấn chiếm là 20.420m2 tại tiểu khu H rừng phòng hộ P, thuộc khu phố F, thị trấn A.

Ngày 31/8/2015, Hạt Kiểm lâm huyện P đã lập Biên bản vi phạm hành chính số 14/BB-XPHC về lĩnh vực quản lý rừng, phát triển, bảo vệ rùng và quản lý lâm sản đối với bà T1 về hành vi lấn chiếm rừng diện tích 20.420m2, trên diện tích này bà T1 đã trồng một số cây như tràm bông vàng, đào, xà cừ, mãng cầu, chôn trụ rào xi măng, kẽm gai và cất một căn nhà lắp ráp, diện tích 16,8m2; qua kiểm tra xác minh và căn cứ Biên bản ghi lời khai diện tích 20.420m2 bà T1 lấn chiếm vào năm 2001.

Ngày 01/9/2015, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện P, tỉnh G hành Quyết định số 03/QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc bà T1 đi dời toàn bộ cây trồng, trụ rào xi măng, kẽm gai và 01 căn nhà 16,8m2 ra khỏi diện tích rừng vi phạm, trả lại diện tích rừng đã chiếm cho Ban Q1, lý do không ra quyết định xử phạt vì hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Ngày 12/3/2019, bà T1 có Đơn đề nghị xem xét lại nguồn gốc đất để cấp quyền sử dụng đất. Ngày 21/3/2019, Hạt Kiểm lâm huyện P có Văn bản số 50/KL trả lời bà T1 với nội dung: Việc Hạt kiểm lâm huyện P ban hành Quyết định số 03/QĐ-UBND ngày 01/9/2015 về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là đúng quy định của pháp luật.

Ngày 25/5/2020, UBND thị trấn A phát hiện ông M đang sử dụng 5.233m2 đất tại tiểu khu H, thuộc khu phố F, thị trấn A, cất nhà cấp 4, chuồng nuôi gà, trồng cây (trên phần đất bà T1 chiếm trước đây), nằm trong diện tích Vườn Quốc gia P quản lý. Ngày 26/5/2020, UBND thị trấn A đã lập Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với ông M về hành vi chiếm đất nông nghiệp (loại đất rừng phòng hộ), diện tích 5.233m2.

Ngày 25/6/2020, Chủ tịch UBND tỉnh K ban hành Quyết định số 1470/QĐ- XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với ông M về hành vi chiếm đất nông nghiệp (loại đất rừng phòng hộ) diện tích 5.233m2 quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hình thức xử phạt chính: Phạt tiền 100.000.000 đồng theo quy định tại điểm đ khoản 3, khoản 5 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP và khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã chiếm theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ.

Ông M không đồng ý Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 25/6/2020 xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, đã khiếu nại đến UBND tỉnh K.

Ngày 29/12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh K ban hành Quyết định số 3133/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại (lần đầu) với nội dung: Giữ nguyên Quyết định số 1470/QĐ-XPVPHC ngày 25/6/2020 về xử phạt vi phạm hành chính đối với ông M là đúng quy định của pháp luật; không thừa nhận nội dung khiếu nại của ông M.

Không đồng ý, ông M khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ T3.

Ngày 01/7/2022, Bộ trưởng Bộ T3 ban hành Quyết định số 1416/QĐ- BTNMT giải quyết với nội dung: công nhận và giữ nguyên Quyết định số 3133/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh K giải quyết khiếu nại của ông M.

- Ý kiến của Bộ T3:

Diện tích đất mà ông M khiếu nại trước năm 1993 là rừng, thuộc quy hoạch đất quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1996 và nằm trong diện tích đất rừng phòng hộ do Ban Q1 (nay là Vườn quốc gia P) quản lý và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1998. Đơn xin xác nhận nguồn gốc đất đề ngày 02/02/2003 của bà T1 (mẹ ông M) không phải là một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; hơn nữa theo trình bày của ông H1 (nguyên Phó trưởng ban N1, thị trấn A) thì ông không xác nhận vào Đơn xin xác nhận nguồn gốc đất nêu trên của bà T1, đồng thời ông M cũng không có giấy tờ chứng minh việc được bà T1 cho đất và việc cho đất (nếu có) cũng là không hợp pháp. Như vậy, ông M không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Diện tích đất nêu trên nằm trong diện tích 20.420m2 rừng mà bà T1 chiếm, đã bị Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện P ban hành Quyết định số 03/QĐ-KPHQ ngày 01/9/2015 áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc bà T1 di dời toàn bộ cây trồng, tài sản ra khỏi diện tích rừng vi phạm, trả lại diện tích rừng đã chiếm. Năm 2020, ông Phùng Thanh M tự ý sử dụng 5.233m2 đất (thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Vườn quốc gia P) để cất nhà cấp 4, chuồng nuôi gà, trồng cây mà không được Vườn quốc gia P cho phép là hành vi chiếm đất theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Do đó, việc Chủ tịch UBND tỉnh K ban hành Quyết định số 1470/QĐ-XPVPHC ngày 25/6/2020 xử phạt vi phạm hành chính đối với ông M về hành vi chiếm đất là phù hợp với quy định của pháp luật. Nội dung khiếu nại của ông M không có căn cứ pháp luật để xem xét, giải quyết.

Từ nội dung nêu trên, việc Bộ trưởng Bộ T3 ban hành Quyết định số 1416/QĐ-BTNMT ngày 01/7/2022 giải quyết khiếu nại của ông M là đúng quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ T3 giữ nguyên Quyết định số 1416/QĐ-BTNMT ngày 01/7/2022 về việc giải quyết khiếu nại của ông M.

Tại Văn bản số 307/QG-DLST-CHSV ngày 05/6/2023, Vườn Quốc gia P trình bày:

Căn cứ Quyết định số 2163/QĐ-UB ngày 18/6/1998 của UBND tỉnh K về việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Q1 (nay là Vườn Quốc gia P) để bảo vệ và phát triển rừng tại huyện P, thì toàn bộ diện tích 8.200m2 nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số K 475649 ngày 18/6/1998.

Căn cứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng phòng hộ số được UBND tỉnh cấp ngày 06/3/2013 cho Ban Q1 (nay là Vườn quốc gia P) tại khu vực nêu trên thì diện tích 5.233m2 ông M bị xử phạt vi phạm thuộc rừng phòng hộ P.

Diện tích đất ông M bị xử phạt vi phạm hành chính, nằm trong diện tích đất do bà T1 thực hiện hành vi lấn, chiếm rừng bị Hạt Kiểm lâm huyện P (nay là thành phố P) xử lý áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (do hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính) tại Quyết định số 03/QĐ- KPHQ ngày 01/9/2015.

Buộc bà Nguyễn Thị T1 di dời toàn bộ cây trồng, vật kiến trúc ra khỏi diện tích rừng vi phạm và trả lại diện tích rừng vi phạm.

Từ cơ sở trên, các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh K là phù hợp, đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị ông Phùng Thanh M phải chấp hành quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh và đề nghị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của ông M.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 126/2023/HC-ST ngày 09/8/2023, Tòa án nhân dân tỉnh G đã quyết định:

Căn cứ các Điều 30, 32, 116, 158, 164, 193, 194 của Luật Tố tụng hành chính;

Căn cứ các Điều 38, 58, 66, 74, 86, 87 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Căn cứ các Điều 21, 23, 27, 29, 30, 31, 32, 36, 37, 38, 39, 40, 41 của Luật Khiếu nại;

Căn cứ các Điều 3, 4, 5, 6, 14, 40 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

Căn cứ Điều 32 của Nghị Quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của Tòa án, Bác yêu cầu khởi kiện của ông Phùng Thanh M:

- Không chấp nhận hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1470/QĐ- XPVPHC ngày 25 tháng 6 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh K;

- Không chấp nhận hủy Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 1365/QĐ-CCKPHQ ngày 01 tháng 6 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh K;

- Không chấp nhận hủy Quyết định số 3133/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh K về việc giải quyết khiếu nại đối với ông Phùng Thanh M (lần đầu);

- Không chấp nhận hủy Quyết định số 1416/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ T3 về việc giải quyết khiếu nại đối với ông Phùng Thanh M (lần hai).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 10/8/2023, ông Phùng Thanh M kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Đề nghị Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông.

Diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm:

Ông Phùng Thanh M không thay đổi, bổ sung, không rút đơn khởi kiện; không thay đổi, bổ sung và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo ban đầu. Người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên toà nên không thể hiện ý kiến. Các đương sự không cung cấp thêm tài liệu chứng cứ mới và không tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Trong phần tranh luận, các đương sự trình bày như sau:

1. Ông Phùng Thanh M và ông Trương Vĩnh Anh D (là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông M):

Tại Đơn xin xác nhận nguồn gốc của bà Nguyễn Thị T1 đề ngày 02/02/2003, được ông Nguyễn Xuân H1 là Trưởng ban N1 xác nhận ngày 10/9/2003 xác định nguồn gốc đất do bà T1 khai phá, sử dụng từ năm 1978. Mặt khác, tại biên bản áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia P xác định bà T1 lấn chiếm đất từ năm 2001. Như vậy, ít nhất là bà T1 đã sử dụng phần đất này từ năm 2001. Ông M chỉ biết ông H1 là lãnh đạo của ấp, còn ông H1 giữ chức trưởng hay phó ấp thì ông M không biết. Ông M không yêu cầu giám định chữ ký, chữ viết của ông H1. Sau khi được mẹ là bà T1 cho, ông M sử dụng phần đất này để trồng cây, nuôi gà, có cơ sở sản xuất nước đá và được cấp hộ khẩu tại mảnh đất này. Hai nhân chứng mà người bị kiện tiến hành xác minh là ông Dương Đình T2 và ông Bùi H2 không ai biết và không phải là người ở địa phương nên không có giá trị. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của ông M, sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông M.

2. Bà Lưu Thị Trang Đ2:

Bản thân ông H1 không thừa nhận chữ viết, chữ ký trong Đơn xin xác nhận nguồn gốc của bà T1. Việc xác nhận của ông H1 nếu có thì cũng không có giá trị pháp lý, vì ông H1 không có chức năng, nhiệm vụ này. Phần đất mà ông M sử dụng là một phần trong tổng số hơn 20.000m2 mà bà T1 bị xử phạt hành chính vào năm 2015. Việc bà T1 xác định chiếm đất năm 2001 là không có căn cứ, mà chính xác là bà T1 chiếm từ năm 2015. Khi xử lý ông M, qua kiểm tra không có cơ sở sản xuất nước đá nào và hộ khẩu của ông M ở nơi khác, không phải tại khu đất vi phạm. Do đó, UBND và Chủ tịch UBND tỉnh K ban hành Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 25/6/2020 và Quyết định số 1365/QĐ-UBND ngày 01/6/2022 là có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông M và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

3. Ông Vũ Ngọc A: Bảo lưu toàn bộ ý kiến đã trình bày và được bản án sơ thẩm ghi nhận. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông M và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến như sau:

1. Việc tuân theo pháp luật: Thẩm phán chủ toạ phiên toà, các thành viên Hội đồng xét xử, thư ký phiên toà và những người tham gia tố tụng đã tuân thủ và chấp hành đúng các quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 trong giai đoạn xét xử phúc thẩm.

2. Về tính hợp lệ của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của ông M làm trong hạn luật định, đúng hình thức. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận về mặt hình thức.

3. Về nội dung kháng cáo: Các Quyết định số 1470/QĐ- XPVPHC ngày 25/6/2020, Quyết định số 1365/QĐ-CCKPHQ ngày 01/6/2022, Quyết định số 3133/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh K và Quyết định số 1416/QĐ-BTNMT ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ T3 được ban hành đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và có nội dung phù hợp với các vi phạm của ông Phùng Thanh M. Bản án sơ thẩm tuyên xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông M là có căn cứ, đúng pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông M và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của ông Phùng Thanh M làm trong hạn luật định và đã nộp tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm nên đủ điều kiện để thụ lý và xét xử theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về sự vắng mặt của đương sự: Chủ tịch UBND tỉnh K và Bộ trưởng Bộ T3 tham gia tố tụng với tư cách là người bị kiện; Vườn quốc gia P tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, những người này đã có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Do đó, Toà án tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự này theo quy định tại khoản 4 Điều 225 Luật Tố tụng hành chính.

[3] Về đối tượng khởi kiện, thời hiệu khởi kiện và thẩm quyền giải quyết vụ án: Quyết định số 1470/QĐ-XPVPHC của Chủ tịch UBND tỉnh K được ban hành ngày 25/6/2020, có nội dung xử phạt vi phạm hành chính đối với ông M; Quyết định số 1365/QĐ-CCKPHQ của Chủ tịch UBND tỉnh K được ban hành ngày 01/6/2022, có nội cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông M; Quyết định số 3133/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh K được ban hành ngày 29/12/2020, có nội dung giải quyết khiếu nại lần đầu đối với ông M (lần đầu) và Quyết định số 1416/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ T3 được ban hành ngày 01/7/2022, có nội giải quyết khiếu nại lần hai đối với ông M (sau đây viết tắt là Quyết định số 1470/QĐ-UBND, Quyết định số 1365/QĐ- UBND, Quyết định số 3133/QĐ-UBND và Quyết định số 1416/QĐ-BTNMT) là các quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại. Ông M khởi kiện yêu cầu huỷ các quyết định nêu trên vào ngày 28/6/2022. Do đó, Toà án nhân dân tỉnh G thụ lý, xét xử vụ án là đúng quan hệ pháp luật, đúng thẩm quyền và còn thời hiệu khởi kiện, phù hợp với các quy định tại Điều 30, 32, khoản 2 Điều 116 của Luật Tố tụng hành chính.

[4] Xét kháng cáo của ông M và các Quyết định số 1470/QĐ-UBND, Quyết định số 1365/QĐ-UBND, Quyết định số 3133/QĐ-UBND, Quyết định số 1416/QĐ-BTNMT, nhận thấy:

[4.1] Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành: Các Quyết định số 1470/QĐ-UBND, Quyết định số 1365/QĐ-UBND, Quyết định số 3133/QĐ- UBND, Quyết định số 1416/QĐ-BTNMT được ban hành đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, đúng thẩm quyền, phù hợp với các quy định tại khoản 3 Điều 38, Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính; khoản 1 Điều 21, Điều 23 của Luật Khiếu nại.

[4.1] Về nội dung các quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện:

[4.1.1] Đối với Quyết định số 1470/QĐ-UBND:

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của các đương sự, có đủ căn cứ để kết luận:

Phần đất có diện tích 5.233m2 mà ông M bị xử phạt vi phạm hành chính trước đây nằm trong diện tích đất được quy hoạch là đất quốc phòng theo Quyết định số 872/QĐ-TTg ngày 20/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 18/6/1998 UBND tỉnh K ban hành Quyết định số 2163/QĐ-UB, giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Q1 (nay là Vườn Quốc gia P) để bảo vệ và phát triển rừng. Đến ngày 06/3/2013, UBND tỉnh K cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó Vườn Quốc gia P giao khoán cho lực lượng Hải quân Vùng 5 chăm sóc bảo vệ rừng khu vực.

Năm 2015, bà Nguyễn Thị T1 (mẹ của ông M) chiếm sử dụng diện tích 20.420m2 (trong đó có diện tích đất ông M bị xử phạt) đã bị Hạt Kiểm lâm huyện (nay là thành phố) Phú Quốc lập biên bản, do hết thời hạn không ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với bà T1, nên đã ban hành Quyết định số 03/QĐ-KPHQ ngày 01/9/2015 áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, với nội dung buộc bà T1 di dời toàn bộ cây trồng, trụ rào xi măng, dây kẽm gai và một căn nhà diện tích 16,8m2 ra khỏi diện tích rừng vi phạm và trả lại diện tích 20.420m2 bị lấn, chiếm.

Ngày 25/5/2020, UBND thị trấn A phát hiện ông M đang chiếm 5.233m2 đất để cất nhà, làm chuồng gà trong khu đất mà trước đây bà T1 đã bị áp dụng biện pháp khắc phục quả, do đó UBND thị trấn A lập Biên bản vi phạm hành chính số 04/BB-VPHC. Việc UBND thị trấn A lập biên bản vi phạm hành chính nêu trên là đúng thẩm quyền, đúng quy định tại Điều 58 Luật Xử lý phạm hành chính và khoản 2 Điều 40 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ.

Trên cơ sở biên bản vi phạm hành chính nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh K ban hành Quyết định số 1470/QĐ-UBND có nội dung xử phạt ông M 100.000.000 đồng và buộc khắc phục hậu quả là phù hợp với quy định tại Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính và điểm đ khoản 3, khoản 5 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP.

Tại Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm, ông M và người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông M căn cứ vào Đơn xin xác nhận nguồn gốc đất của bà T1, có xác nhận của ông Nguyễn Xuân H1 là Trưởng ban nhân dân ấp 6, cho rằng phần đất của ông M bị xử phạt vi phạm có nguồn gốc do bà T1 khai phá, sử dụng liên tục từ năm 1978 nên đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 là không có căn cứ để chấp nhận. Bởi, bản thân ông H1 không thừa nhận chữ viết, chữ ký trong tài liệu nêu trên là của ông; mặt khác, chính quyền địa phương xác định tại thời điểm ký xác nhận, ông H1 là Phó ban nhân dân ấp, không phải là Trưởng ban. Trường hợp nếu có xác nhận của ông H1 như ông M đã nêu thì cũng không có giá trị pháp lý, vì tài liệu này không phải là một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Điều này đã được Chủ tịch UBND tỉnh K, Bộ trưởng Bộ T3 tiến hành xác minh, tổ chức đối thoại làm rõ trong quá trình giải quyết khiếu nại của ông M.

[4.1.2] Đối với Quyết định số 1365/QĐ-CCXP: Phần trên đã nhận định Quyết định số 1470/QĐ-UBND được ban hành đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, có nội dung phù hợp với vi phạm của ông M và các quy định của pháp luật. Quyết định số 1470/QĐ-UBND xử phạt bằng hình thức phạt chính đối với ông M là 100.000.000 đồng và biện pháp khắc phục hậu quả. Đã quá thời hạn một năm nhưng ông M vẫn không chấp hành hình thức phạt chính nên đã hết thời hiệu. Riêng đối với biên pháp khắc phúc hậu quả không tính thời hiệu, nên Chủ tịch UBND tỉnh K ban hành Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 1365/QĐ-UBND là có căn cứ, phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi bổ sung năm 2022.

[4.1.3] Đối với Quyết định số 3133/QĐ-UBND: Như mục [4.1.1] đã nhận định, Quyết định số 1470/QĐ-UBND được ban hành đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, có nội dung phù hợp với vi phạm của ông M và các quy định của pháp luật nên khi ông M khiếu nại quyết định này, Chủ tịch UBND tỉnh K ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 3133/QĐ-UBND có nội dung không chấp nhận khiếu nại của ông M, giữ nguyên Quyết định số 1470/QĐ-UBND là có căn cứ, đúng pháp luật.

[4.1.4] Đối với Quyết định số 1416/QĐ-BTNMT: Tương tự như trên, Quyết định số 3133/QĐ-UBND là có căn cứ, đúng pháp luật, do đó khi ông M tiếp tục khiếu nại, Bộ trưởng Bộ T3 ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 số 1416/QĐ-BTNMT, có nội dung không chấp nhận khiếu nại của ông M, giữ nguyên Quyết định số 3133/QĐ-UBND là có căn cứ, đúng pháp luật.

[5] Từ những phân tích nêu trên, nhận thấy bản án sơ thẩm tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông M là có căn cứ, đúng pháp luật. Tại phiên toà phúc thẩm, ông M và người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông M không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào mới so với cấp sơ thẩm. Do đó, kháng cáo của ông M là không có căn cứ để chấp nhận. Cần giữ nguyên bản án sơ thẩm theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên toà.

[6] Về án phí hành chính phúc thẩm: Ông M phải nộp 300.000 đồng.

[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính, Không chấp nhận kháng cáo của ông Phùng Thanh M. Giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 126/2023/HC-ST ngày 09/8/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh G.

Căn cứ các Điều 30, 32, 116, 158, 164, 193, 194 của Luật Tố tụng hành chính;

Căn cứ các Điều 38, 58, 66, 74, 86, 87 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Căn cứ các Điều 21, 23, 27, 29, 30, 31, 32, 36, 37, 38, 39, 40, 41 của Luật Khiếu nại;

Căn cứ các Điều 3, 4, 5, 6, 14, 40 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

Căn cứ Điều 32 của Nghị Quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của Tòa án,

[1] Bác yêu cầu khởi kiện của ông Phùng Thanh M, về việc huỷ các quyết định hành chính sau đây:

- Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1470/QĐ-XPVPHC ngày 25 tháng 6 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh K;

- Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 1365/QĐ-CCKPHQ ngày 01 tháng 6 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh K;

- Quyết định số 3133/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh K về việc giải quyết khiếu nại đối với ông Phùng Thanh M (lần đầu);

- Quyết định số 1416/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ T3 về việc giải quyết khiếu nại đối với ông Phùng Thanh M (lần hai).

[2] Về án phí hành chính phúc thẩm: Ông Phùng Thanh M phải nộp 300.000 (ba trăm ngàn) đồng. Được trừ vào 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số 1440 ngày 29/8/2023 của Cục Thi hành án tỉnh G. Ông M đã nộp đủ án phí hành chính phúc thẩm.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[4] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

230
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 317/2024/HC-PT

Số hiệu:317/2024/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành:22/04/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về