Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai số 717/2023/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 717/2023/HC-PT NGÀY 22/08/2023 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Ngày 22 tháng 8 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 578/2021/TLPT-HC ngày 06 tháng 12 năm 2021 về việc: “Khiếu kiện quyết định hành chính về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai”.

Do Bản án hành chính sơ thẩm số: 18/2021/HC-ST ngày 26 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu bị kháng cáo, kháng nghị;

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 1997/2023/QĐPT-HC ngày 27 tháng 7 năm 2023 giữa các đương sự:

- Người khởi kiện: Bà Lê Thị P, sinh năm 1948 (xin vắng mặt).

Địa chỉ: Số 147, ấp Phước T2 T, xã Phước L, huyện Phước L, tỉnh Bạc Liêu.

Người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện: Ông Phan Văn S, sinh năm 1973 (có mặt) Địa chỉ: Ấp Long T, thị trấn Phước L, huyện Phước L, tỉnh Bạc Liêu.

- Người bị kiện:

1/ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phan Thanh D - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu (xin vắng mặt) Cùng địa chỉ: số 5 đường Nguyễn Tất T1, Phường 1, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu.

2/ Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước L, tỉnh Bạc Liêu (xin vắng mặt) Địa chỉ: Ấp Hành C, thị trấn Phước L, huyện Phước L, tỉnh Bạc Liêu - Người kháng cáo: Người bị kiện là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu.

- Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, biên bản lấy lời khai và tại phiên tòa, bà Lê Thị P và người đại diện theo ủy quyền của bà P là ông Phan Văn S thống nhất trình bày:

Nguồn gốc phần đất khoảng 500 công tầm lớn là do ông Lê Văn P1 (cha bà Lê Thị P) tự khai hoang vào năm 1965-1966. Ông P1 sử dụng đất đến năm 1972. Do ông P1 tham gia cách mạng, bị địch truy bắt nên chuyển vùng hoạt động đến tỉnh Long An. Đến năm 1975 (sau ngày 30/4/1975) ông P1 quay về phần đất nêu trên để tiếp tục sử dụng, canh tác vào mục đích sản xuất nông nghiệp và trồng cây. Ngày 19/5/1976, ông Lê Văn P1 chết, phần đất nêu trên ông P1 cho con ruột là bà Lê Thị P, nên bà P quản lý, sử dụng phần đất này, đến khoảng năm 1987 -1988 thì Ủy ban nhân dân huyện D, tỉnh Minh Hải (nay là Ủy ban nhân dân huyện Phước L, tỉnh Bạc Liêu) chiếm lấy phần đất có diện tích khoảng 500 công tầm lớn. Việc Ủy ban nhân dânhuyện Phước L lấy đất của bà P nhưng không thực hiện bồi thường, hỗ trợ là không đúng quy định pháp luật, nên bà P có làm đơn yêu cầu, khiếu nại gửi đến Ủy ban nhân dân huyện Phước L, thì ngày 16/9/2004 Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước L ban hành Quyết định số 3790/QĐ-CT về việc bác đơn yêu cầu đòi lại đất của hộ bà Lê Thị P.

Bà P không đồng ý với quyết định nêu trên, nên tiếp tục làm đơn khiếu nại đến Ủy ban nhân dân huyện Phước L, tỉnh Bạc Liêu thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Phước L ban hành Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 05/6/2007 về việc bác đơn khiếu nại của bà P nên bà P tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Ngày 26/02/2008, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành Quyết định số 405/QD-UBND về việc bác đơn khiếu nại của bà P, giữ nguyên Quyết định số 383/QD-UBND ngày 05/6/2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước L. Bà P không đồng ý, tiếp tục khiếu nại đến Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành Thông báo số 286/TB-UBND ngày 10/12/2019 về việc không thụ lý yêu cầu khiếu nại của bà P. Do đó bà P yêu cầu Tòa án hủy các Quyết định gồm: Quyết định số 3790/QĐ-CT ngày 16/9/2004; Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 05/6/2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước L, tỉnh Bạc Liêu; Quyết định số 405/QD-UBND, ngày 26/02/2008; Thông báo số 286/TB-UBND ngày 10/12/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu.

- Người bị kiện Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu trình bày nội dung như sau:

Khoảng năm 1965-1966, ông Lê Văn P1 (cha ruột bà P) có chiếm đất để sản xuất và đào ao nuôi cá nhưng không biết diện tích bao nhiêu. Năm 1969- 1970 bình định ác liệt, gia đình ông P1 bỏ đất đi nơi khác sinh sống. Năm 1976, Huyện đội D quản lý đất này để thành lập nông trường và đến năm 1988 giao lại cho Hợp tác xã 1/5 thuộc xã Phước Long quản lý, cấp đất cho những hộ dân không có đất để sản xuất, trong đó có hộ ông Lê Văn K, ông Lê Văn T2 (con ruột ông P1, em bà P) và họ đã quản lý, sử dụng một thời gian thì sang bán lại cho người khác sử dụng ổn định trên 20 năm nay.

Thời điểm Nhà nước quản lý đất để thành lập nông trường (năm 1976) cho đến khi Nhà nước cấp đất cho các hộ dân (năm 1988), bà P không có ở địa phương (có chồng ở nơi khác) và cũng không có làm đơn xin lại đất.

Mặc khác, qua kiểm tra xác định vị trí khu đất bà Lê Thị P đang yêu cầu nằm trong phạm vi hợp tác xã 1/5 (còn gọi là Hợp tác xã Tân Hoang trồng dừa) không nằm trong phạm vi “Nông trường rau đắng” mà Tỉnh ủy và Uỷ ban nhân dân tỉnh có chủ trương hỗ trợ cho dân.

Căn cứ khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2003 và khoản 5 Điều 26 Luật cà Đầt đai năm 2013 quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác, sử dụng trong quá trình thựchiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòạ miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Do đó, việc yêu cầu khiếu nại của bà Lê Thị P đòi lại đất là không có căn cứ để chấp nhận.

Quyết định số 405/QD-UBND ngàỵ 26/02/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu giải quyết bác đơn khiếu nại của bà P là đúng quy định pháp luật.

Từ những cơ sở trên, căn cứ khoản 7 Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Thông báo số 286/TB-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2019 về việc không thụ lý giải quyết yêu cầu, khiếu nại đối với bà Lê Thị P.

Người bị kiện Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Phước L, tỉnh Bạc Liêu có ý kiến như sau:

Phần đất bà P yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước giải quyết thì không có đo đạc, không xác định được vị trí đất. Đồng thời hồ sơ liên quan đến việc ban hành Quyết định số 3790/QĐ-CT ngày 16/9/2014 đã bị thất lạc.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 18/2021/HC-ST ngày 26 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị P về việc yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 3790/QĐ-CT ngày 16/9/2004; Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 05/6/2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước L, tỉnh Bạc Liêu; Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 26/02/2008; Thông báo số 286/TB-UBND ngày 10/12/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu.

Hủy Quyết định số 3790/QĐ-CT ngày 16/9/2004; Quyết định số 383/QĐ- UBND ngày 05/6/2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước L, tỉnh Bạc Liêu; Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 26/02/2008; Thông báo số 286/TB- UBND ngày 10/12/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, - Ngày 12/11/2021 người bị kiện Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu có đơn kháng cáo, đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

- Ngày 09/11/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu có Quyết định số 11/QĐ-VKS-HC kháng nghị bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

 Tại phiên toà phúc thẩm:

Người bị kiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu có đơn xin xét xử vắng mặt và có ý kiến vẫn giữ kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Người khởi kiện là bà Lê Thị P (có ông Phan Văn S đại diện theo ủy quyền) không đồng ý kháng cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu, yêu cầu Hội đồng xét xử bác kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm vì phần đất có diện tích khoảng 500 công tầm lớn tại xã Phước Long, huyện Phước L, tỉnh Bạc Liêu có nguồn gốc do cha bà P là ông Lê Văn P1 khai phá sử dụng từ năm 1965-1966, sử dụng đến năm 1972 thì chuyển đến tỉnh Long An. Sau ngày 30/4/1975, ông P1 quay lại canh tác, đến năm 1976 ông P1 chết để lại cho bà P quản lý, sử dụng. Năm 1987 – 1988, Uỷ ban nhân dân huyện D, tỉnh Minh Hải (nay là Uỷ ban nhân dân huyện Phước L, tỉnh Bạc Liêu) đã lấy phần đất trên nhưng không thực hiện việc bồi thường hỗ trợ là không đúng quy định pháp luật.

Người bị kiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước L xin vắng mặt. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh trình bày quan điểm:

Về tố tụng, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật Tố tụng hành chính. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Về nội dung, khiếu nại yêu cầu đòi lại đất của bà Lê Thị P đã được giải quyết xong bằng các Quyết định 3790/QĐ-CT ngày 16/9/2004, 383/QĐ-UBND ngày 05/6/2007, 405/QĐ-UBND ngày 26/02/2008, bà P tiếp tục khiếu nại nên ngày 10/12/2019 Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu có Thông báo số 286/TB-UBND về việc không thụ lý giải quyết yêu cầu khiếu nại của bà P, thông báo này không phải là quyết định giải quyết khiếu nại nên không phải là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính. Đối với các Quyết định số 3790/QĐ- CT ngày 16/9/2004; Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 05/6/2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước L, tỉnh Bạc Liêu; Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 26/02/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, bà P đã biết các quyết định này từ năm 2009 nhưng đến ngày 09/12/2020 bà P mới khởi kiện là đã hết thời hiệu khởi kiện. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết yêu cầu khởi kiện của bà P là không đúng quy định pháp luật nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu, hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Tòa án đã triệu tập hợp lệ, người bị kiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước L, đều xin vắng mặt. Căn cứ Điều 225 Luật tố tụng hành chính, Tòa án tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án vắng mặt các đương sự này.

[2] Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của người khởi kiện thể hiện, bà Lê Thị P đã biết được các Quyết định số 3790/QĐ- CT ngày 16/9/2004, 383/QĐ-UBND ngày 05/6/2007 và 405/QĐ-UBND ngày 26/02/2008 từ năm 2009. Trong đó, Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 26/02/2008 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu là quyết định giải quyết khiếu nại lần 2. Sau khi được triển khai Quyết định số 405/QĐ-UBND, bà P không khởi kiện vụ án hành chính mà tiếp tục khiếu nại đến nhiều nơi thể hiện: Đơn yêu cầu ngày 25/11/2011 (BL 35), Đơn tố cáo năm 2012 (BL 37-39), Đơn yêu cầu xem xét và giải quyết ngày 09/12/2015 (BL 36), Đơn yêu cầu gửi Uỷ ban nhân tỉnh Bạc Liêu ngày 06/9/2019 (BL 34). Tại Báo cáo số 105/BC-TTT ngày 03/12/2012 của Thanh tra tỉnh Bạc Liêu (BL 125 – 126), Báo cáo số 290/BC-STNMT ngày 14/11/2013 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu (BL 123 – 124), Báo cáo số 2197/STNMT-Ttra ngày 21/11/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu (BL 122) đều xác định bà P liên tục có đơn yêu cầu khiếu nại từ năm 2009 đến nay.

[3] Ngày 10/12/2019, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu có Thông báo số 286/TB-UBND có nội dung: “Vụ việc khiếu nại của bà Lê Thị P đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Phước L ban hành Quyết định số 3790/QĐ- UBND ngày 16/9/2004 và Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 05/6/2007 (giải quyết khiếu nại lần đầu) bác đơn yêu cầu của bà Lê Thị P. Ngày 26/02/2008 Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 405/QĐ-UBND, giải quyết bác đơn khiếu nại (lần 2) của bà Lê Thị P, giữ nguyên Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 05/6/2007 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Phước L.

Thời gian qua, bà Lê Thị P tiếp tục khiếu nại, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã giao cơ quan chức năng kiếm tra, xác minh, đối thoại với bà Lê Thị P. Kết quả kiểm tra và đối chiếu với quy định của pháp luật thì việc khiếu nại của bà Lê Thị P đến thời điểm này không có phát sinh thêm tình tiết, chứng cứ gì mới để làm thay đổi nội dung bản chất sự việc; Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 26/02/2008 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã giải quyết đúng quy định pháp luật.

Từ những cơ sở trên, căn cứ khoản 7 Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thông báo đến bà Lê Thị P được biết việc yêu cầu, khiếu nại của bà là không có cơ sở xem xét và cũng không được thụ lý giải quyết”.

Xét, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã xem xét đơn yêu cầu của bà P theo quy trình giải quyết khiếu nại. Thông báo số 286/TB-UBND ngày 10/12/2019 là văn bản do cơ quan quản lý hành chính Nhà nước ban hành, áp dụng đối với đối tượng cụ thể, nội dung văn bản ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người bị áp dụng. Do vậy, căn cứ Điều 3 Luật tố tụng hành chính thì Thông báo số 286/TB- UBND ngày 10/12/2019 là quyết định hành chính.

[4] Tại Quyết định kháng nghị số 11/QĐ-VKS-HC ngày 09/11/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho rằng căn cứ Văn bản số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao, thì Thông báo số 286/TB-UBND ngày 10/12/2019 không phải là quyết định hành chính, và việc khởi kiện của bà P đã quá thời hiệu khởi kiện. Nhưng theo nội dung Văn bản số 89/TANDTC-PC thì trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản bằng hình thức công văn, thông báo… có nội dung cho rằng việc khiếu nại đã hết thời hiệu theo quy định của pháp luật thì văn bản hành chính này không phải là quyết định giải quyết khiếu nại và không thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Trong khi đó, Thông báo số 286/TB-UBND ngày 10/12/2019 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu căn cứ khoản 7 Điều 11 Luật khiếu nại năm 2011 để trả lời không thụ lý giải quyết, là do yêu cầu của bà P đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2, nên không thuộc trường hợp áp dụng của Văn bản số 89/TANDTC-PC.

[5] Do đó, việc bà P khởi kiện vụ án hành chính vào ngày 09/12/2020 yêu cầu Tòa án hủy Thông báo số 286/TB-UBND ngày 10/12/2019 Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu là còn thời hiệu khởi kiện. Theo quy định tại khoản 1 Điều 193 Luật tố tụng hành chính thì các Quyết định số 3790/QĐ-CT ngày 16/9/2004; Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 05/6/2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước L, tỉnh Bạc Liêu; Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 26/02/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu được xem xét là các quyết định hành chính có liên quan.

[6] Người khởi kiện trình bày nguồn gốc đất là do cha bà P là ông Lê Văn P1 tự khai hoang năm 1965-1966, sử dụng đến năm 1972 thì chuyển đến tỉnh Long An. Sau ngày 30/4/1975 ông P1 quay lại canh tác, đến năm 1976 ông P1 chết để lại cho bà P quản lý, sử dụng. Năm 1987 – 1988 Uỷ ban nhân dân huyện D, tỉnh Minh Hải (nay là Uỷ ban nhân dân huyện Phước L, tỉnh Bạc Liêu) đã lấy phần đất trên.

Người bị kiện cho rằng năm 1965-1966 ông Lê Văn P1 có chiếm đất để sản xuất và đào ao nuôi cá, đến năm 1969 – 1970 ông P1 bỏ đi nơi khác. Năm 1976, phần đất do huyện đội D quản lý để thành lập nông trường, đến năm 1988 giao lại cho Hợp tác 1/5 thuộc xã Phước Long quản lý, cấp đất cho những hộ dân không có đất sản xuất, trong đó có hộ ông Lê Văn K, ông Lê Văn T2 (ông K, ông T2 đều là con của ông P1) quản lý, sử dụng.

Xét, căn cứ vào lời trình bày của các bên đương sự thì ông P1 (cha bà P) có quản lý, sử dụng đất từ năm 1965-1966, nhưng sau đó ông P1 đã bỏ đi nơi khác, từ năm 1976 phần đất do Nông trường của Huyện đội D, sau đó là Hợp tác xã 1/5 thuộc xã Phước Long quản lý, sử dụng. Như vậy, từ thời điểm năm 1976 thì phần đất trên đã do Nhà nước quản lý theo chính sách đất đai, nên ông P1 đã không còn quyền sử dụng đất.

[7] Năm 1988, Nhà nước có chủ trương cấp đất cho những hộ dân không có đất sản xuất. Theo trình bày của ông Lê Văn K (BL 167-168), bà Phạm Thị K1 (vợ ông Lê Văn T2) (BL 171-173) thì ông K, bà K1 xác định năm 1988 có làm đơn xin đất được Nhà nước cấp cho mỗi người trên 30 công tầm cấy, đồng thời ông K, bà K1 có thông tin cho bà P biết để làm đơn xin đất, nhưng thời điểm đó bà P không làm đơn. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà P trình bày: Thời điểm Nhà nước quản lý đất để thành lập Nông trường (1976) cho đến khi cấp đất cho hộ dân (1988), bà P có mặt ở địa phương và có gửi đơn xin lại toàn bộ diện tích đất nhưng không được chấp nhận. Tuy nhiên, theo văn bản số 1638/UBND ngày 19/6/2023 của Uỷ ban nhân dân huyện Phước L thì tại thời điểm năm 1988 (khi Nhà nước có chủ trương cấp đất), bà P không có đơn yêu cầu gì liên quan đến diện tích đất mà hiện tại bà P đang yêu cầu. Do vậy, không có căn cứ xác định bà P có làm đơn xin cấp đất tại thời điểm năm 1988.

[8] Tại khoản 5 Điều 26 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

[9] Đối chiếu quy định pháp luật với phân tích trên, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Phước L ban hành Quyết định 3790/QĐ-CT ngày 16/9/2004 bác yêu cầu đòi lại đất của bà P là có căn cứ.

[10] Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm nhận định người bị kiện giải quyết yêu cầu đòi lại đất của bà P, nhưng không biết vị trí đất. Quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, cơ quan có thẩm quyền không tổ chức đối thoại trực tiếp với người khiếu nại.Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Phước L và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu không cung cấp được hồ sơ giải quyết khiếu nại của bà P cho Tòa án, để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà P là chưa đủ căn cứ, bởi lẽ:

- Tại văn bản số 1146/UBND-NC ngày 01/6/2021, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Phước L trình bày: “Ủy ban nhân dân huyện không tiến hành đo đạc đối với phần đất mà bà P yêu cầu, lý do: Bà P yêu cầu đòi lại 500 công đất của cha bà P khai phá nhưng bà P cũng không xác định được vị trí đất…”. Tại đơn khiếu nại, đơn khởi kiện và quá trình giải quyết, bà P cũng không nêu cụ thể vị trí, diện tích đất đòi lại. Hơn nữa, căn cứ vào lời trình bày của các bên đương sự nêu ở phần trên và tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án, có cơ sở xác định phần đất bà P đòi lại là phần đất được nêu trong Quyết định 3790/QĐ-CT ngày 16/9/2004.

- Đối với việc cơ quan có thẩm quyền không tổ chức đối thoại, không cung cấp được hồ sơ giải quyết khiếu nại thì đây là những thiếu sót trong trình tự, thủ tục của cơ quan Nhà nước. Nhưng trong lời trình bày bà P đã xác định phần đất đã do Nhà nước quản lý theo chính sách đất đai từ năm 1987 – 1988, căn cứ theo quy định của Luật đất đai thì Nhà nước không thừa nhận lại việc đòi đất trong trường hợp này. Do vậy, thiếu sót này của cơ quan có thẩm quyền không gây ảnh hưởng đến bản chất nội dung vụ việc, nên không là cơ sở để hủy quyết định hành chính bị kiện.

[11] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm chưa đánh giá đầy đủ tài liệu, chứng cứ khi giải quyết vụ án, từ đó xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà P là không đúng quy định của pháp luật nên chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu; Chấp nhận một phần Quyết định kháng nghị số 11/QĐ-VKS-HC ngày 09/11/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu; Sửa bản án hành chính sơ thẩm số 18/2021/HC-ST ngày 26/10/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị P.

[12] Án phí:

- Án phí hành chính sơ thẩm: Bà Lê Thị P, sinh năm 1948 là người cao tuổi nên được miễn; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Phước L không phải chịu, theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.

- Án phí hành chính phúc thẩm: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu không phải chịu.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 241 của Luật tố tụng hành chính;

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu; Chấp nhận một phần Quyết định kháng nghị số 11/QĐ-VKS-HC ngày 09/11/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Sửa bản án hành chính sơ thẩm số 18/2021/HC-ST ngày 26/10/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu.

Áp dụng Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998, được sửa đổi bởi Luật Khiếu nại, tố cáo sửa đổi năm 2005; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1/ Bác yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị P về việc: Hủy Quyết định số 3790/QĐ-CT ngày 16/9/2004; Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 05/6/2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước L, tỉnh Bạc Liêu; Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 26/02/2008; Thông báo số 286/TB-UBND ngày 10/12/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu.

2/ Về án phí hành chính sơ thẩm: Bà Lê Thị P được miễn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước L, tỉnh Bạc Liêu không phải chịu.

3/ Án phí hành chính phúc thẩm: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu không phải chịu. Hoàn trả cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu số tiền 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số 0000108 ngày 23/11/2021 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Bạc Liêu.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

179
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai số 717/2023/HC-PT

Số hiệu:717/2023/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành:
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành:22/08/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về