TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 793/2020/HC-PT NGÀY 30/12/2020 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ KHI THU HỒI ĐẤT
Ngày 30 tháng 12 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số số 05/2018/TLPT-HC ngày 05 tháng 03 năm 2018 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai đối với trường hợp bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất”.Do Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2018/HC-ST ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Toà án nhân dân tỉnh Ninh Thuận bị kháng cáo;
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 4115/2020/QĐPT-HC ngày 02 tháng 12 năm 2020 giữa các đương sự:
Người khởi kiện: Ông Lê Châu Ch, sinh năm 1948.
Địa chỉ: Khu phố 4, thị trấn Tân S, huyện Ninh S, tỉnh Ninh Thuận
Người bị kiện:
1. Ủy ban nhân dân huyện Ninh S, tỉnh Ninh Thuận (vắng mặt);
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ninh S, tỉnh Ninh Thuận (vắng mặt).
Người đại diện theo pháp luật của người bị kiện: Bà Hoàng Lê Ngọc A – Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Ninh S, tỉnh Ninh Thuận (vắng mặt);
Người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện: Ông Nguyễn Đức H – Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh S, tỉnh Ninh Thuận (Giấy ủy quyền số 274/UQ-UBND ngày 15/12/2020) (có đơn xin vắng mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện: Ông Đỗ Thanh L, sinh năm 1967 – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Ninh S, tỉnh Ninh Thuận (có mặt).
Người kháng cáo: Ông Lê Châu Ch.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Người khởi kiện –ông Lê Châu Ch trình bày:
Diện tích đất 377.891,3 m2 mà UBND huyện Ninh S ra 04 quyết định thu hồi nhưng không bồi thường, hỗ trợ về đất cho ông là hoàn toàn trái quy định pháp luật. Bởi lẽ, diện tích trên có nguồn gốc được UBND huyện Ninh S giao cho ông theo Nghị định 02 – CP ngày 15/01/1994. Ông và Chủ tịch UBND huyện Ninh S ký khế ước giao đất có rừng tự nhiên, có thảm thực vật cần bảo vệ thuộc rừng sản xuất ngày 21/02/1998. UBND huyện Ninh S đã ban hành Quyết định về việc giao đất sản xuất lâm nghiệp số 31/QĐ-KTUB ngày 24/02/1998 giao cho ông khu đất có diện tích 927.700 m2 và khai hoang thêm 2 ha. Như vậy tổng diện tích mà ông sử dụng là 947.700 m2.
Nghị định 02 – CP ngày 15/01/1994 về việc giao đất cho tổ chức hộ gia đình cá nhân sử dụng ổn định lâu dài…có quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 về thời hạn giao đất là 50 năm. Tại khoản 1 Điều 15 quy định người nhận đất theo Nghị định 02 – CP ngày 15/01/1994 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thực hiện Nghị quyết 03/2000/CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về phát triển Kinh tế trang trại. Năm 2000 ông đã lập phương án lập vườn rừng kinh tế xin chuyển đổi 52,27 ha để làm kinh tế trang trại, làm đường nội bộ, làm mương dẫn nước, đào 03 ao cá, trồng 17,77 ha đào, 05 ha xoài, 01 ha quýt hồng, 01 ha Sapoche, 01 ha nhãn tiêu trồng xen kẽ các loại cây ngắn ngày như bắp, chuối mốc….6,5 ha. Ngoài ra, ông còn trồng xen 42,27 ha me Thái trong rừng non và đã được Phòng Kinh tế và Chủ tịch UBND huyện Ninh S phê duyệt năm 2000.
Ngày 13/7/2000 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận có Công văn số 313/SNNPTNT-KH về việc thẩm định dự án vay vốn lập trang trại VACR, trồng cây ăn quả. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận có văn bản số 489/SKHĐT ngày 29/9/2000 giới thiệu liên hệ quỹ hỗ trợ và phát triển làm thủ tục vay vốn. Đồng thời Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận có Công văn số 279/SNNPTNT-NN ngày 17/5/2001 về việc xác nhận phương án kinh tế trang trại.
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 Luật Đất đai năm 2003 việc chuyển đổi đất rừng sản xuất sang đất trang trại thuộc trường hợp không phải xin phép. Tại khoản 3 Điều 82 Luật Đất đai năm 2003 quy định “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất làm kinh tế trang trại được chủ động chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất theo phương án sản xuất kinh doanh đã được UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xét duyệt”. Năm 2007 UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định số 241/2007/QĐ-UBND ngày 14/9/2007 về việc phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2007 – 2015 thì vùng đất này đã được đưa ra khỏi 3 loại rừng. Tại Công văn số 636/CCKL-QLBVR ngày 13/9/2012 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận do Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu H ký khẳng định “Đất của ông Lê Châu Ch đã đưa ra ngoài ba loại rừng, có sơ đồ và tọa độ X, Y”. Như vậy kể từ ngày 14/9/2007 đất của ông đã nằm ngoài đất lâm nghiệp. Sau khi được UBND tỉnh Ninh Thuận chuyển ra khỏi ba loại rừng, ông tiếp tục sản xuất ổn định không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch.
Căn cứ Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 đất của ông đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khi thu hồi đất theo Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 thì ông phải được bồi thường và hỗ trợ theo khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai năm 2013, Điều 25 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014. Việc Nhà nước thu hồi đất của ông để thực hiện dự án ông hoàn toàn đồng ý nhưng phải bồi thường và hỗ trợ theo quy định pháp luật; tuy nhiên UBND huyện Ninh S lại không xem xét bồi thường và hỗ trợ về diện tích đất bị thu hồi mà chỉ bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất.
Không đồng ý với các quyết định bồi thường, hỗ trợ của UBND huyện Ninh S ông đã làm đơn khiếu nại yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Ninh S hủy bỏ 04 quyết định trái pháp luật và tiến hành đo đạc lại, áp giá bồi thường, hỗ trợ cho ông theo Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Nghị định 47/2014/NĐ-CP đối với diện tích 377.891,3 m2 mà UBND huyện Ninh S ra quyết định thu hồi làm Kênh chính Đập dâng Tân M và tuyến đường TC2.
Ngày 31/7/2017 Chủ tịch UBND huyện Ninh S ban hành quyết định số 1534/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông, có nội dung giữ nguyên 04 quyết định thu hồi đất không bồi thường hỗ trợ và không chấp nhận nội dung khiếu nại của ông.
Đối với phần diện tích đất cũng như các tài sản, vật kiến trúc mà ông đã được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ trước đây thì ông không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Ông yêu cầu Tòa án giải quyết:
- Hủy một phần Quyết định số 4806/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND huyện Ninh S đối với diện tích đất 374.035,2 m2 không được bồi thường, hỗ trợ về đất cho hộ gia đình ông.
- Hủy một phần Quyết định số 4822/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND huyện Ninh S đối với diện tích đất 3.854,2 m2 không được bồi thường, hỗ trợ về đất cho hộ gia đình ông.
- Hủy một phần Quyết định số 1534/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của Chủ tịch UBND huyện Ninh S về việc giải quyết khiếu nại của ông Lê Châu Ch, thường trú tại khu phố 4, thị trấn Tân S, huyện Ninh S, tỉnh Ninh Thuận liên quan đến phần diện tích đất không được bồi thường, hỗ trợ về đất tại Quyết định số 4806/QĐ-UBND và Quyết định số 4822/QĐ-UBND cùng ngày 30/12/2016 của UBND huyện Ninh S.
- Buộc UBND huyện Ninh S phải bồi thường, hỗ trợ diện tích đất đã thu hồi 377.889,4 m2 cho hộ gia đình ông.
Người bị kiện - UBND huyện Ninh S và Chủ tịch UBND huyện Ninh Strình bày:
Tổng diện tích thu hồi của ông Lê Châu Ch là 494.423,9 m2 (trong đó: Tuyến đường TC2 là 4.027,2 m2; tuyến kênh chính là 490.396,7 m2) - Đối với công trình TC2: Ông Ch khiếu nại đối với Quyết định thu hồi đất số 4416/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 và Quyết định bồi thường, hỗ trợ số 4822/QĐ-UBND ngày 30/12/2016; tại 04 thửa đất (140, 141, 144, 145; tờ bản đồ số 24) diện tích 3.854,2 m2, Nhà nước thu hồi nhưng không được bồi thường, hỗ trợ về đất. Ông Ch yêu cầu xem xét để bồi thường, hỗ trợ về đất đối với diện tích đất này.
- Đối với công trình tuyến Kênh chính: Ông Ch khiếu nại đối với Quyết định thu hồi đất số 4432/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 và Quyết định bồi thường, hỗ trợ số 4806/QĐ-UBND ngày 30/12/2016, tại 40 thửa đất trên diện tích thu hồi là 374.035,2 m2; ông Ch yêu cầu: Xác định lại vị trí của các thửa đất thu hồi tại các lô số 2, 3 theo Quyết định số 31 (quyết định giao đất của ông Ch); đồng thời yêu cầu Nhà nước xem xét để bồi thường, hỗ trợ về đất đối với toàn bộ diện tích này.
Việc xác định nguồn gốc và quá trình sử dụng đất:
Ngày 16/5/1996 hộ ông Lê Châu Ch có đơn xin nhận đất lâm nghiệp theo Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ và lập Phương án nhận đất lâm nghiệp để lập vườn hộ, vườn rừng và bảo vệ rừng.
Ngày 06/9/1996 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 291/CV-LN về việc đề nghị Chi cục Kiểm lâm, Sở địa chính và UBND huyện Ninh S tổ chức việc giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình để trồng rừng và sản xuất lâm nghiệp kết hợp.
Ngày 20/11/1996 Đoàn công tác gồm: Hạt Kiểm lâm, Phòng Địa chính, UBND xã Tân S và ông Lê Châu Ch kiểm tra, xác minh diện tích đất và hiện trạng rừng khu vực xin nhận đất lâm nghiệp thuộc thôn Ninh B, xã Tân S, huyện Ninh S với tổng diện tích 92,77 ha.
Vị trí lô đất tọa lạc tại khu vực Núi M, thôn Ninh B, thị trấn Tân S; Diện tích đất lâm nghiệp theo trạng thái rừng trước khi giao, được phân theo các lô như sau:
Lô số 1: diện tích 1,78 ha, trạng thái đất trống, cây bụi (IA);
Lô số 2: diện tích 7,68 ha, trạng thái đất trống, cây bụi rải rác (IC);
(IIB);
Lô số 3: diện tích 18,31 ha, trạng thái rừng non phục hồi (IIA);
Lô số 4: diện tích 24,5 ha, trạng thái rừng non phục hồi thuộc dạng da beo Lô số 5: diện tích 40,5 ha, trạng thái rừng non phục hồi (IIA).
Ngày 24/02/1998 Chủ tịch UBND huyện Ninh S ban hành Quyết định số 31/QĐ-KTUB v/v giao đất sản xuất nông nghiệp cho hộ ông Lê Châu Ch, diện tích 92,77 ha. Sau khi được giao đất lâm nghiệp, hộ ông Ch đã tiến hành quản lý và sử dụng cho đến khi có quyết định thu hồi (2013 và 2016).
Ngày 14/8/2012, UBND huyện Ninh S ban hành Quyết định số 2014/QĐ- UBND về việc thành lập đoàn công tác liên ngành, kiểm tra tình hình sử dụng đất lâm nghiệp đã giao cho hộ ông Ch, theo kết luận tại Báo cáo số 121/BC- UBND ngày 20/9/2012 cho thấy:
Về hiện trạng: Sau 14 năm (từ 1998 - 2012) hộ ông Ch nhận đất sản xuất lâm nghiệp để quản lý, bảo vệ và chăm sóc rừng; Thời gian mấy năm đầu ông Ch có đầu tư phát dọn thực bì, dây leo, cây bụi trên một số diện tích và đầu tư phục hóa đất trống để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế không chưa cao. Việc bảo vệ diện tích được giao tương đối tốt, không để hộ dân nào lấn, chiếm đất hoặc sang nhượng trên diện tích đất này. Diện tích đất có rừng tự nhiên hầu như chưa tác động gì để phát triển và tăng thêm vốn rừng, cây rừng phát triển chậm. Tuy nhiên do diện tích được giao đất sản xuất lâm nghiệp cho hộ ông Ch tương đối lớn, gần khu dân cư, khả năng quản lý bảo vệ đầu tư để phát triển vốn rừng có hạn, nên thời gian đầu không quản lý được còn để xảy ra cháy rừng và người dân chặt cây, phá rừng.
Nhìn chung hộ ông Ch chưa thực hiện đúng như Phương án nhận đất lâm nghiệp để lập vườn và bảo vệ rừng, chỉ đầu tư vào việc phục hóa đất trống, phát dọn cây bụi để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, diện tích đất có rừng tự nhiên chỉ tập trung vào bảo vệ để không bị lấn, chiếm đất, chưa đầu tư chăm sóc để phát triển và tăng vốn rừng hiện có. Mặt khác,ông Ch còn phát dọn, chặt cây rừng trên diện tích 323.747 m2 không xin phép cơ quan có thẩm quyền là không đúng quy định, vì theo Phương án sử dụng, diện tích đất có rừng tại các lô này ông Ch chỉ được phát dọn dây leo, cây bụi, cây cỏ….khoanh nuôi làm giàu rừng và quản lý bảo vệ vốn rừng hiện có kết hợp chăn nuôi bò, dê thả trong rừng. Theo ý kiến của ông Ch thì ông phát dọn đầu tư trồng cây Keo lá tràm để tăng hiệu quả kinh tế và phát triển trồng rừng, bảo đảm độ che phủ trên đất rừng.
Theo Quyết định số 31/QĐ-KTUB ngày 24/02/1998 của UBND huyện Ninh S xác định: Mục đích sử dụng là sản xuất lâm nghiệp; nhưng hiện trạng sử dụng đất qua kiểm tra có một số diện tích sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp (trồng cây hàng năm và cây ăn quả lâu năm). Đồng thời hộ ông Ch chưa thực hiện đúng như Phương án nhận đất lâm nghiệp để lập vườn và bảo vệ rừng. Ông Ch chưa được xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Năm 2013 khi thực hiện việc thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án thủy điện Thượng Sông Ô, hộ ông Ch không được bồi thường về đất trên diện tích 87.962,0 m2 do sử dụng đất không đúng mục đích theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Đất đai năm 2003. Đồng thời đối chiếu với Khế ước ký kết ngày 21/02/1998 và Phương án do ông Ch lập, kèm theo Quyết định số 31/QĐKT-UB ngày 24/02/1998, cho thấy ông Ch đã thực hiện sai nội dung Phương án, nghĩa vụ được giao theo Khế ước và thậm chí còn vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng. UBND huyện Ninh S đã có văn bản báo cáo cụ thể cho UBND tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh chỉ chấp thuận tính bồi thường hỗ trợ số lượng cây trồng trên đất trong phạm vi đất bị thu hồi thực hiện dự án. Tại thời điểm này, hộ ông Ch đã khởi kiện ra Tòa án và được TAND tỉnh Ninh Thuận xét xử theo bản án số 04/2016/HC-PT ngày 20/4/2016 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai đối với trường hợp nhà nước thu hồi đất”. Kết quả Tòa án đã bác đơn khởi kiện của ông Ch.
Năm 2016, UBND thị trấn Tân S xác nhận toàn bộ diện tích đất bị thu hồi do ông Ch đang sử dụng tại thị trấn Tân S 494.423,9 m2 (trong đó có diện tích 86.787 m2 nằm ngoài Quyết định số 31/QĐKT-UB); còn lại diện tích 407.636,9 m2 có nguồn gốc do UBND huyện Ninh S giao cho ông Ch để sản xuất lâm nghiệp năm 1998 theo Quyết định số 31/QĐKT-UB ngày 24/02/1998 của UBND huyện Ninh S.
Việc ban hành Quyết định thu hồi, bồi thường, hỗ trợ:
Thực hiện chủ trương Chính phủ, UBND tỉnh về việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng, thực hiện các hạng mục công trình thuộc dự án hệ thống thủy lợi Hồ Tân M; UBND huyện Ninh S đã ban hành Thông báo số 68/TB-UBND ngày 11/4/2016 và Thông báo số 192/TB-UBND ngày 03/8/2016 về việc thu hồi đất để thực hiện dự án trên địa bàn 04 xã (gồm Tuyến đường TC2, D1, Lòng hồ Đập dâng, Tuyến kênh chính, trên địa bàn các xã Lương Sơn, Quảng Sơn, Mỹ Sơn và thị trấn Tân S); trong đó có diện tích đất 494.027,9 m2 của hộ ông Ch đang sử dụng tại thị trấn Tân S.
Trên cơ sở các thông báo thu hồi đất của UBND huyện Ninh S và Bản tự kê khai hiện trạng đất của ông Ch; ngày 11/4/2016 và ngày 16/5/2016 Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ninh S tiến hành kiểm kê hiện trạng sử dụng và các tài sản khác gắn liền với đất trên diện tích đất thu hồi do hộ gia đình ông Ch và các con ông Ch (bà Lê Thị Ngọc B, Lê Thị Bích Ng, Lê Châu Cường….) đang sử dụng.
- Đối với diện tích đất hộ ông Lê Châu Ch đang có đơn khởi kiện:
+ Công trình đường TC2: Diện tích không đủ điều kiện bồi thường:
3.854,2 m2 (tại 04 thửa 140, 141, 144, 145 tờ bản đồ số 24; Quyết định thu hồi 4416/QĐ ngày 26/12/2016), toàn bộ diện tích của 04 thửa đất này nằm trong diện tích đất đã giao cho ông Ch tại lô số 3, 4 Quyết định số 31/QĐKT-UB ngày 24/02/1998 không đủ điều kiện bồi thường. Quyết định bồi thường số 4822/QĐ- UBND ngày 30/12/2016.
+ Công trình Kênh chính:
Diện tích 1,9 m2 tại thửa 152 tờ bản đồ số 17 – 3 (thuộc lô số 2 Quyết định 31); Quyết định thu hồi số 4432/QĐ-UBND ngày 26/12/2016, Quyết định bồi thường số 4806/QĐ-UBND ngày 30/12/2016, số tiền 129.580 đồng (tiền bồi thường, hỗ trợ đất). Hộ ông Ch đã nhận đủ tiền không có khiếu nại gì.
Diện tích 374.035,2 m2 của 40 thửa nằm trong lô số 3, 4 và 5 Quyết định giao đất cho ông Ch số 31/QĐKT-UB ngày 24/02/1998 nên không đủ điều kiện bồi thường mà chỉ hỗ trợ hoa màu, vật kiến trúc; Quyết định thu hồi số 4432/QĐ-UBND ngày 26/12/2016, Quyết định bồi thường số 4806/QĐ-UBND ngày 30/12/2016, số tiền 92.618.240 đồng (về tài sản). Hộ ông Ch đã nhận đủ tiền bồi thường, hỗ trợ hoa màu nhưng còn khiếu nại bồi thường đất.
Toàn bộ cây cối, hoa màu, vật kiến trúc trên diện tích 374.035,2 m2 tại 40 thửa đất nằm trong lô số 3, 4 và 5 thu hồi của hộ ông Ch, có tài sản cây cối, hoa màu, vật kiến trúc của bà Lê Thị Bích Ng, Lê Thị Ngọc B, ông Hồ Văn Kh, ông Lê Võ Phúc Ng, bà Ngô Thị Ánh Ng1 đã bồi thường, hỗ trọ với tổng số tiền là 1.494.998.560 đồng (các hộ đã nhận tiền và không có khiếu nại).
Căn cứ vào quy định của pháp luật, các tài liệu, hồ sơ liên quan đến việc giao đất, thu hồi đất lâm nghiệp và kết quả kiểm tra thực tế quá trình sử dụng, quản lý đất hộ ông Ch đã có những vi phạm: Không thực hiện đúng như Phương án nhận đất lâm nghiệp để lập vườn và bảo vệ rừng (theo phương án được duyệt năm 1997); Không đầu tư chăm sóc để phát triển và tăng vốn rừng hiện có; Chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định “Tự ý chặt cây rừng trên diện tích 323.747 m2 để trồng Keo lai”, không xin phép cơ quan có thẩm quyền, theo Phương án sử dụng, diện tích đất có rừng tại các lô này ông Ch chỉ được phát dọn dây leo, cây bụi, cây cỏ….khoanh nuôi làm giàu rừng và quản lý bảo vệ vốn rừng hiện có kết hợp chăn nuôi bò, dê thả trong rừng.
Việc UBND huyện Ninh S ban hành 02 Quyết định thu hồi đất số 4416/QĐ-UBND và Quyết định số 4432/QĐ-UBND cùng ngày 26/12/2016 là theo đúng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời, UBND huyện Ninh S ban hành Quyết định bồi thường, hỗ trợ số 4822/QĐ- UBND và Quyết định bồi thường, hỗ trợ số 4806/QĐ-UBND cùng ngày 30/12/2016 theo đúng quy định tại Điều 104 Luật Đất đai năm 2013. Khế ước ký ngày 21/02/1998 không thể tách rời với Quyết định số 31/QĐ-KTUB ngày 24/02/1998, hiệu lực của Khế ước và Quyết định nêu trên là 50 năm là đất lâm nghiệp và chỉ bị hủy bỏ khi Nhà nước Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo điểm c khoản 2 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 và phù hợp với Điều 4 Khế ước đã xác lập. Như vậy hộ ông Lê Châu Ch chỉ được bồi thường hoa màu, cây trồng, tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất lâm nghiệp (đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên) theo quy định của pháp luật. Do vậy, việc hộ ông Lê Châu Ch yêu cầu bồi thường về đất là trái quy định pháp luật, Từ những căn cứ trên, UBND huyện Ninh S giữ nguyên nội dung các Quyết định số 4822/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 và Quyết định số 4806/QĐ- UBND ngày 30/12/2016 không bồi thường về đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên đối với ông Lê Châu Ch, cũng như không chấp nhận nội dung ông Lê Châu Ch khởi kiện Quyết định giải quyết khiếu nại số 1534/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của Chủ tịch UBND huyện Ninh S. Đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Lê Châu Ch.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2018/HC-ST ngày 23/01/2018, Toà án nhân dân tỉnh Ninh Thuận quyết định:
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 30, khoản 4 Điêu 32, Điêu 164, khoản 2 Điều 173, điêm b khoan 2 Điêu 193, Điêu 194, Điêu 206, Điêu 213 Luật tố tụng hành chính năm 2015;
Căn cứ Điều 19, Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ;
Căn cứ khoản 2 Điều 32 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Lê Châu Ch về việc: Hủy một phần Quyết định số 4806/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND huyện Ninh S; Hủy một phần Quyết định số 4822/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND huyện Ninh S; Hủy một phần Quyết định số 1534/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của Chủ tịch UBND huyện Ninh S đối với yêu cầu hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; Buộc UBND huyện Ninh S phải hỗ trợ diện tích đất đã thu hồi 377.889,4 m2 2. Bác yêu cầu khởi kiện của ông Lê Châu Ch về việc: Hủy một phần Quyết định số 4806/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND huyện Ninh S; Hủy một phần Quyết định số 4822/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND huyện Ninh S; Hủy một phần Quyết định số 1534/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của Chủ tịch UBND huyện Ninh S đối với yêu cầu bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất; Buộc UBND huyện Ninh S bồi thường diện tích đất đã thu hồi 377.889,4 m2.
3. Buộc UBND huyện Ninh S phải thực hiện việc hỗ trợ đối với diện tích đất đã thu hồi 377.889,4 m2 cho hộ ông Lê Châu Ch.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 01/02/2018, người khởi kiện là ông Lê Châu Ch kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Người khởi kiện ông Lê Châu Chtrình bày: Thứ nhất, về chính sách bồi thường không thỏa đáng vì ông Ch được giao đất và sử dụng hợp pháp nên phải được bồi thường, hỗ trợ về đất, về công sức cải tạo làm tăng giá trị đất và về tài sản, cây trồng trên đất theo quy định của pháp luật. Thứ hai, UBND huyện Ninh S khi thu hồi đất thì không đo đạc cụ thể để xác định rõ diện tích thu hồi thuộc các lô nào mà ông Ch được giao trước đây theo Quyết định về việc giao đất sản xuất lâm nghiệp số 31/QĐ-KTUB ngày 24/02/1998 của UBND huyện Ninh S.Khi đo đạc không lập biên bản và gia định ông Ch không được chứng kiến việc đo đạc. Diện tích đất thu hồi 377.889,4m2 trong đó có cả diện tích đất thuộc lô số 2 theo Quyết định số 31/QĐ-KTUB ngày 24/02/1998, nhưng UBND huyện Ninh S lại xác định là lô số 3, 4, 5 là không hoàn toàn đúng. Việc đo đạc sai vị trí diện tích đất thu hồi cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của gia đình ông Ch. Thứ ba, tại lô số 3 khi giao là rừng phục hồi da beo, gia đình ông Ch đã tiến hành trồng xen cây tràm (loại cây trồng rừng), sau đó do rừng nghèo kiệt thì ông Ch mới phát dọn 3 lô (3, 4, 5) để trồng cây rừng mới theo chủ trương của Nhà nước đã loại ra khỏi 3 loại rừng đối với diện tích đất giao cho ông Ch. Đề nghị Hội đồng xét xửhủy một phần các quyết định về nội dung liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ về đất, về công sức, chi phí đầu tư vào đất và các hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật đối với hộ gia đình ông Ch gồm: Quyết định số 4806/QĐ-UBND ngày 30/12/2016;Quyết định số 4822/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND huyện Ninh S; Quyết định số 1534/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của Chủ tịch UBND huyện Ninh S về việc giải quyết khiếu nại. Các nội dung về phần bồi thường tài sản trên diện tích đất đã thu hồi của 03 quyết định này thì đã bồi thường xong, ông Ch không yêu cầu hủy nên đã có hiệu lực pháp luật.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện ông Đỗ Thanh L trình bày:Về nội dung các quyết định bị khởi kiện thì UBND huyện Ninh S và Chủ tịch UBND huyện Ninh S đã ban hành đúng quy định của pháp luật. Về việc vi phạm của ông Ch tự ý chặt phá rừng thìkhi cơ quan có thẩm quyền phát hiện có lập Biên bản ghi nhận, không lập biên bản vi phạm hành chính, không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm việc quản lý, sử dụng đất trồng rừng (phát dọn, chặt cây rừng, lập vườn trồng cây tràm trên đất rừng…) của ông Ch. Khi đó địa phương không đo đạc cụ thể để xác định chính xác phần diện tích đất rừng ông Ch vi phạm chặt phá là bao nhiêu, mà chỉ áng chừng. Về vị trí đất thu hồi do diện tích đất thu hồi rộng nên khi ban hành Quyết định thu hồi đất số 4416/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 với diện tích 3.854,2m2 và Quyết định thu hồi đất theo 4432/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 với diện tích 374.037,1m2 đất nêu trên thì không chồng ghép bản đồ cũ mà chỉ căn cứ theo bản đồ số thửa mới hiện nay. Để xác định diện tích đất thu hồi có nằm trong lô 2 theo Quyết định 31 hay khôngthì Ủy ban nhân dân huyện Ninh S cần phải có thời gian để chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trích lục, khảo sát đo đạc lại thì mới xác định chính xác diện tích đất 377.889,4m2 thuộc lô nào. Tuy nhiên, việc bồi thường, hỗ trợ cho gia đình ông Chlà thỏa đáng, đúng quy định của pháp luật nên đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của ông Ch, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minhtham gia phiên tòa:
- Việc chấp hành pháp luật: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng tuân thủ đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính.
- Về nội dung:Năm 2016, UBND huyện Ninh S ban hành các quyết dịnh thu hồi số 4432/QĐ-UBND ngày 26/12/2016; Quyết định bồi thường số 4806/QĐ-UBND ngày 30/12/2016; Quyết định thu hồi số 4416/QĐ ngày 26/12/2016;Quyết định số 4822/QĐ-UBND ngày 30/12/2016. Không đồng ý với các quyết định trên ông Chkhởi kiện ra Tòa án.
Hợp đồng ký kết 50 năm nhưng do ông Ch không thực hiện đúng cam kết, tại địa phương thực hiện nội dung cam kết có lập văn bản xác định số diện tích cây trồng không thực hiện đúng cam kết. Tuy nhiên, không thể hiện rõ loại cây trồng, diện tích về các loại cây trồng, diện tích đất vi phạm cam kết.Tại phiên tòa phúc thẩm và trong hồ sơ vụ án cũng không thể hiện việc xử phạt hành chính đối với ông Ch. Do đó, chưa đủ căn cứxác định ông Ch vi phạm khế ước. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của ông Lê Châu Ch, sửa một phần bản án sơ thẩm, hủy 03 Quyết định đối với phần nội dung ông Ch khởi kiện nêu trên.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến trình bày và kết quả tranh tụng của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng:
[1.1] Đơn kháng cáo, nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm đã được đương sự thực hiện đúng quy định của pháp luật.
[1.2] Tại phiên toà phúc thẩm người bị kiện vắng mặt, nhưng đã có đơn xin xét xử vắng mặt, do đó Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án.
[1.3]Tòa án cấp sơ thẩm xác định yêu cầu khởi kiện của ông Lê Châu Ch vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện là đúng quy định của pháp luật.
[2] Về nội dung:
[2.1] Ông Lê Châu Ch khởi kiện yêu cầu hủy bỏ một phần các quyết định sau:
Quyết định số 4806/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND huyện Ninh S về việc không bồi thường, hỗ trợ về đất đối với diện tích 374.035,2m2.
Quyết định số 4822/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND huyện Ninh Svề việc không bồi thường, hỗ trợ về đất đối với diện tích 3.854,2m2.
Quyết định số 1534/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của Chủ tịch UBND huyện Ninh S về việc giải quyết khiếu nại đối với Quyết định số 4086/QĐ- UBND và Quyết định số 4822/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND huyện Ninh S.
Ngoài ra, ông Lê Châu Ch còn yêu cầu buộc UBND huyện Ninh S phải bồi thường, hỗ trợ diện tích đã thu hồi 377.889,4m2.
[2.2] Những căn cứ xác định nội dung tranh chấp của các bên đương sự:
Căn cứ Khế ước giao đất có rừng tự nhiên, có thảm thực vật cần bảo vệ thuộc rừng sản xuất lập ngày 21/02/1998, giữa UBND huyện Ninh S với ông Lê Châu Ch, có nội dung quy định về quyền của người được giao đất như sau:
Bên A là UBND huyện Ninh S, bên B là ông Lê Châu Ch.
Bên B được giao diện tích đất 92,77ha tại Khu 3, Ninh B, xã Tân S, huyện Ninh S, tỉnh Ninh Thuận, có quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được sử dụng đất thời hạn là 50 năm, được để thừa kế, chuyển nhượng thế chấp, chuyển đổi quyền sử dụng đất lâm nghiệp trong thời hạn được giao đất theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Quyết định số 31/QĐ-KTUB ngày 24/02/1998 của UBND huyện Ninh S có nội dung:
UBND huyện Ninh S giao cho ông Lê Châu Ch diện tích đất 92,77ha để sản xuất lâm nghiệp, Phòng Địa chính cùng UBND xã Tân S và hộ ông Ch tiến hành đo đạc, cắm mốc, lập biên bản bàn giao thực địa, hộ ông Ch được đăng ký quyền sử dụng đất tại UBND xã Tân S theo quy định của pháp luật đất đai.
Căn cứ Quyết định thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ của UBND huyện Ninh S về việc thu hồi diện tích 494.423,9m2 gồm các phần sau:
Công trình đường TC2 diện tích 3.854,2m2ông Ch không đủ điều kiện bồi thường.
Công trình Kênh chính diện tích 1,9m2 số tiền bồi thường, hỗ trợ đất là 129.580 đồng (tiền bồi thường, hỗ trợ đất).
Diện tích 374.035,2m2 không đủ điều kiện bồi thường mà chỉ hỗ trợ hoa màu, vật kiến trúc với số tiền 92.618.240 đồng.
Ngoài ra, toàn bộ cây cối, hoa màu, vật kiến trúc trên diện tích đất 374.035,2m2 có tài sản cây cối, hoa màu, vật kiến trúc của bà Lê Thị Bích Ng, bà Lê Thị Ngọc B, ông Hồ Văn Kh, ông Lê Võ Phúc Ng, bà Ngô Thị Ánh Ng1 đã bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền 1.494.998.560 đồng.
[2.3] Từ những căn cứ trên có cơ sở xác định:
Năm 1998 ông Lê Châu Ch và Chủ tịch UBND huyện Ninh S ký khế ước giao đất, sau đó ông Ch được UBND huyện Ninh S giao đất để sản xuất lâm nghiệp theo Quyết định số 31/QĐ-KTUB ngày 24/02/1998 diện tích 92,77ha, trong đó: Lô 1 diện tích 17.800m2trạng thái đất trống, cây bụi; Lô 2 diện tích 76.800m2 trạng thái đất trống, cây bụi rải rác; Lô 3 diện tích 180.310m2trạng thái rừng non phục hồi;Lô 4 diện tích 245.000m2trạng thái rừng non phục hồi dạng da beo;Lô 5 diện tích 405.000m2trạng thái rừng non phục hồi; sau khi nhận đất ông Ch quản lý sử dụng cho đến khi có quyết định thu hồi đất vào năm 2016.
Năm 2016 Dự án xây dựng công trình tuyến CT, tuyến kênh và đập nước đi qua đất của ông Ch bị ảnh hưởng thu hồi diện tích 494.423.9m2trong đó có các phần đất sau:
Thu hồi theo Quyết định số 4416/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 với diện tích 3.854,2m2 và quyết định bồi thường, hỗ trợ số 4822/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất số tiền 22.928.100 đồng, không bồi thường về đất.
Thu hồi theo Quyết định số 4432/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 với diện tích 374.037,1m2 và Quyết định số 4806/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 bồi thường, hỗ trợ về tài sản trên đất số tiền 92.747.820 đồng, không bồi thường về đất.
[2.4]Phía UBND huyện Ninh S cho rằng ông Ch vi phạm về sử dụng đất đai, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không đủ điều kiện bồi thường về đất.
[2.5]Ông Ch kháng cáo cho rằng: Thứ nhất,về chính sách bồi thường không thỏa đáng vìông Ch được giao đất và sử dụng hợp pháp nên phải được bồi thường, hỗ trợ về đất, về công sức cải tạo làm tăng giá trị đất và về tài sản, cây trồng trên đất theo quy định của pháp luật. Thứ hai, UBND huyện Ninh S khi thu hồi đất thì không đo đạc cụ thể để xác định rõ diện tích thu hồi thuộc các lô nào mà ông Ch được giao trước đây theo Quyết định về việc giao đất sản xuất lâm nghiệp số 31/QĐ-KTUB ngày 24/02/1998 của UBND huyện Ninh S.Khi đo đạc không lập biên bản và gia định ông Ch không được chứng kiến việc đo đạc. Diện tích đất thu hồi 377.889,4m2 trong đó có cả diện tích đất thuộc lô số 2 theo Quyết định số 31/QĐ-KTUB ngày 24/02/1998, nhưng UBND huyện Ninh S lại xác định là lô số 3, 4, 5 là không hoàn toàn đúng. Việc đo đạc sai vị trí diện tích đất thu hồi cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của gia đình ông Ch.Thứ ba, tại lô số 4 khi giao trạng thái là rừng phục hồi da beo, gia đình ông Ch đã tiến hành trồng xen cây keo lá tràm (loại cây trong danh mục trồng rừng), sau đó do rừng nghèo kiệt thì ông Ch mới phát dọn 3 lô (3, 4, 5) để trồng cây mới trong đó có cây rừng theo chủ trương của Nhà nước đã loại ra khỏi 3 loại rừng đối với diện tích đất giao cho ông Ch. Ông Ch yêu cầu hủy một phần các quyết định về nội dung liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ về đất, về công sức, chi phí đầu tư vào đất và các hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật đối với hộ gia đình ông Lê Châu Ch.
[2.6] Xétviệc ông Lê Châu Ch cho rằng chính sách bồi thường không thỏa đáng:
[2.6.1]Điều luật áp dụng:
Theo khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai năm 2013 được quy định như sau:
“Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất”.
Theo Điều 82 Luật Đất đai năm 2013 quy định về thu hồi đất không bồi thường về đất trong các trường hợp sau đây:
“1. Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 76 của Luật này;
2. Đất được Nhà nước giao để quản lý;
3. Đất thu hồi trong các trường hợp quy định tại Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật này;
4. Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này”.
Theo khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai quy định:
“Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật này”.
Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ quy định người sử dụng đất lâm nghiệp có các quyền lợi sau:
“a) Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
b) Được Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp trên diện tích đất lâm nghiệp được giao;
c) Được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên diện tích đất lâm nghiệp được giao theo luận chứng kinh tế kỹ thuật, phương án quản lý, dự án đầu tư hoặc theo khế ước, theo hợp đồng khoán;
d) Được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc bảo vệ và phát triển rừng;
e) Được đền bù, bồi hoàn thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất lâm nghiệp được giao theo thời giá thị trường và hiện trạng của rừng, đất trồng rừng trong trường hợp bị thu hồi theo quy định của pháp luật;
g) Được để thừa kế, chuyển nhượng, thế chấp, chuyển đổi quyền sử dụng đất lâm nghiệp được giao theo quy định của pháp luật;
h) Được miễn hoặc giảm thuế trong trường hợp gây trồng rừng trên đất trống, đồi, núi trọc theo quy định của pháp luật”.
[2.6.2]Đối chiếu với trường hợp khởi kiện của ông Lê Châu Ch thì thấy:
Ông Ch được giao đất sử dụng và sản xuất theo quyết định giao đất của UBND huyện Ninh S đúng với quy định của Luật Đất đai.Ông Ch đã có phương án nhận đất rừng và Phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất được UBND huyện và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt.
Phía UBND huyện Ninh S cho rằng ông Ch chưa thực hiện đúng phương án nhận đất theo khế ước về bảo vệ rừng, mà phát dọn, chặt cây rừng, lập vườn không xin phép cơ quan có thẩm quyền, nên đã vi phạm quy định của Luật Đất đai.Tuy nhiên, theo Quyết định số 241/QĐ-UBND ngày 14/9/2007 của UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành về việc phê duyệt quy hoạch lại 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2007-2015 và Công văn số 636/CCKL-QLBVR ngày 13/9/2012 về việc xác định vị trí đất quy hoạch rừng phòng hộ trên địa bàn thị trấn Tân S thì khu đất 92,77ha ông Ch được giao theo Khế ước ngày 21/02/1998 và Quyết định giao đất số 31/QĐ-KTUB ngày 24/02/1998 không còn là đất rừng. Theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật bảo vệ và phát triển rừng quy địnhquyền chung của Chủ rừng“Được sản xuất lâm nghiệp - nông nghiệp - ngư nghiệp kết hợp theo quy chế quản lý rừng, trừ rừng đặc dụng; Được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên diện tích được giao, được thuê; bán thành quả lao động, kết quả đầu tư cho người khác ; ...”.
Việc UBND huyện Ninh Scho rằng ông Ch chưa thực hiện đúng phương án nhận đất theo khế ước về bảo vệ rừng, mà phát dọn, chặt cây rừng, lập vườn không xin phép cơ quan có thẩm quyền, nhưng chỉ lập biên bản với nội dung ghi chung chung đối với hành vi này của ông Ch, mà không thực hiện các bước tiếp theo như đo đạc xác định cụ thể diện tích ông Ch phát dọn, diện tích trồng mới… , ban hành quyết định xử phạt hành hành chính vi này của ông Ch là chưa đủ căn cứ để xác định ông Ch vi phạm Khế ước giao đất rừng ngày 21/02/1998 và Quyết định giao đất số 31/QĐ-KTUB ngày 24/02/1998.Tuy nhiên, UBND huyện Ninh S lại lấy chính lý do này để không thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Ch là không đúng với quy định của pháp luật, không đúng với nội dung Khế ước ngày 21/02/1998 và Quyết định số 31/QĐ- KTUB ngày 24/02/1998.Vì vậy, có căn cứ xác định, do việc không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất rừng được giao, nên ông Ch không thể thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp theo như chủ trương của địa phương(đã đưa diện tích đất giao cho ông Ch ra khỏi 3 loại rừng), từ đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình ông Ch.
[2.6.3] Hơn nữa, tại Biên bản làm việc ngày 14/01/2013, ông Đặng Hữu Th là Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ninh S có ý kiến “Qua theo dõi của địa phương, từ khi được giao đất đến nay, ông Ch đã đầu tư rất nhiều công sức và kinh phí để chăm sóc, bảo vệ, phân lô để chống cháy rừng đối với diện tích có rừng tự nhiên ở lô 3, 4, 5. Mặt khác ông quản lý tốt không để lấn chiếm trên diện tích đã giao. Tôi đề nghị xem xét thu hồi phải xét đến yếu tố, kể cả những gì ông đã đầu tư, nhằm hạn chế thiệt thòi cho người dân và thấu tình đạt lý” (BL 147). Tại Báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh nội dung đơn khiếu nại của ông Lê Châu Ch số 71/BC-TTT ngày 12/5/2014 của Thanh tra tỉnh Ninh Thuận có nội dung “Kết luận: Ngày 16/5/1996 ông Lê Châu Ch có đơn xin nhận đất lâm nghiệp, đến ngày 24/02/1998,Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ninh S ban hành Quyết định số 31/QĐKT.UB giao đất sản xuất lâm nghiệp theo Nghị định số 02- CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ cho hộ ông Lê Châu Ch với diện tích 927.700m2 để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp tại khu vực Núi M, thị trấn Tân S, huyện Ninh S, thời gian giao đất là 50 năm, có phương án được phê duyệt… ... Bởi lẽ, từ năm 1998 đến năm 2011 ông thực hiện đúng theo phương án đã được giao ban đầu theo quy định tại Nghị định 02/1994/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/01/1994 “quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp”. Từ khi có Quyết định số 241/2007/QĐ-UBND ngày 14/9/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận “về việc phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2007-2015” và Công văn số 636/CCKL-QLBVR ngày 13/9/2012 của Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận đưa toàn bộ diện tích 927.700m2 đất của ông Ch được giao ra ngoài ba loại rừng. Chính vì vậy, năm 2001 ông Ch có trồng cây keo lá tràm trên diện tích 323.747m2. Việc trồng cây Keo lá tràm trên diện tích đất của ông Ch được giao là đúng. Vì vậy áp dụng điểm e, khoản 1, Điều 15 của Nghị định số 02/1994/NĐ-CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ được đền bù, bồi hoàn thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất lâm nghiệp được giao theo thời giá thị trường và hiện trạng của rừng, đất trồng rừng trong trường hợp bị thu hồi theo quy định của pháp luật…”.Mặt khác, theo Khế ước giao đất rừng ngày 21/02/1998 và Quyết định giao đất số 31/QĐ- KTUB ngày 24/02/1998 thì Nhà nước giao đất cho hộ ông Ch thời gian 50 năm, nhưng mới được 14 năm đã thu hồi. Do đó, ông Ch cho rằng khi thu hồi đất, UBND huyện Ninh S chưa bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng cho hộ gia đình ông Ch là có cơ sở.
[2.7]Xét việc ông Ch cho rằng các Quyết định thu hồi 377.889,4m2 đất nêu trên xác định vị trí đất toàn bộ thuộc các lô 3, 4, 5 là không Ch xác:
[2.7.1]Theo ông Ch trình bày thì diện tích đất thu hồi 377.889,4m2 bao gồm cả diện tích đất thuộc lô số 2 theo Quyết định số 31/QĐ-KTUB ngày 24/02/1998. Tuy nhiên, khi UBND huyện Ninh S ban hành các Quyết định thu hồi 377.889,4m2 đất nêu trên lại không chồng ghép để xác định rõ diện tích đất bị thu hồi 377.889,4m2 thuộc những lô nào theo Quyết định số 31/QĐ-KTUB ngày 24/02/1998 của UBND huyện Ninh S; Khi đo đạc đất thì gia định ông Ch không được chứng kiến. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Ch cũng có yêu cầu đo đạc lại để xác định vị trí đất thu hồi để bồi thường đúng cho ông Ch, nhưng không được chấp nhận. Do đó, chưa đủ căn cứ xác định tòan bộ diện tích đất 377.889,4m2 thu hồi thuộc lô số 3, 4, 5 theo Quyết định số 31/QĐ-KTUB ngày 24/02/1998 của UBND huyện Ninh S.
[2.7.2]Tòa án cấp phúc thẩm đã hoãn phiên tòa và yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện thông báo cho người bị kiện cung cấp chứng cứ xác định 43 thửa đất có diện tích 377.889,4m2 theo Trích lục bản đồ thửa đất do Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Ninh Thuận – Chi nhánh Ninh S lập năm 2016 kèm theo Quyết định thu hồi đất theo 4432/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 và Quyết định thu hồi đất số 4416/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 của Ủy ban nhân dân huyện Ninh S có đúng với vị trí thuộc các lô 3, 4, 5 theo Quyết định số 31/QĐ-KTUB ngày 24/02/1998nêu trên hay không? Nhưng Ủy ban nhân dân huyện Ninh S vẫn không cung cấp.
[2.7.3]Tại phiên tòa phúc thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện có ý kiến xác định khi các cơ quan có thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm việc quản lý, sử dụng đất trồng rừng (phát dọn, chặt cây rừng, lập vườn trồng cây Keo lá tràm trên đất rừng…) của ông Ch thì địa phương không đo đạc cụ thể để xác định chính xác phần diện tích đất rừng ông Ch vi phạm chặt phá là bao nhiêu, mà chỉ áng chừng và không ra quyết định xử phạt hành chính để xử lý hành vi này của ông Ch. Ông L cũng thừa nhận do diện tích đất thu hồi rộng nên khi ban hành Quyết định thu hồi đất số 4416/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 với diện tích 3.854,2m2 và Quyết định thu hồi đất theo 4432/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 với diện tích 374.037,1m2 đất nêu trên thì không chồng ghép mà chỉ căn cứ theo bản đồ số thửa mới hiện nay. Ông Liêm đề nghị để làm được việc này thì Ủy ban nhân dân huyện Ninh S cần phải có thời gian để khảo sát đo đạc lại thì mới xác định chính xác diện tích đất 377.889,4m2 thuộc lô nào theo Quyết định số 31/QĐ-KTUB ngày 24/02/1998 của UBND huyện Ninh S giao đất cho ông Ch trước đây.
[2.7.4]Do đó, việc chưa xác định chính xác diện tích đất bị thu hồi thuộc vị trí nào như nội dung nêu trên cũng ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của gia đình ông Ch, bởi lẽ:
Theo Quyết định số 31/QĐ-KTUB ngày 24/02/1998 thì hộ gia đình ông Ch được giao diện tích 92,77ha, trong đó: Lô 1 diện tích 17.800m2 trạng thái đất trống, cây bụi; Lô 2 diện tích 76.800m2 trạng thái đất trống, cây bụi rải rác; Lô 3 diện tích 180.310m2 trạng thái rừng non phục hồi; Lô 4 diện tích 245.000m2 trạng thái rừng non phục hồi dạng da beo; Lô 5 diện tích 405.000m2 trạng thái rừng non phục hồi. Như vậy, khi Nhà nước thu hồi đất thì chính sách bồi thường về đất, về công sức cải tạo, chi phí đầu tư vào đất và tài sản trên đất của lô số 2 khác lô số 4 và khác lô 3, lô 5, nhưng Quyết định thu hồi đất số 4416/QĐ- UBND ngày 26/12/2016 và Quyết định thu hồi đất theo 4432/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 của UBND huyện Ninh S lại xác định toàn bộ diện tích đất thu hồi thuộc các lô 3, 4, 5 là thiệt hại cho gia đình ông Ch.
[2.8]Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy có căn cứ chấp nhận kháng cáo và chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Lê Châu Ch. Sửa một phần bản án sơ thẩm. Hủy một phầncác quyết định về nội dung liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ về đất, về công sức, chi phí đầu tư vào đất và các hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật đối với hộ gia đình ông Lê Châu Ch gồm: Quyết định số 4806/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND huyện Ninh Sđối với diện tích đất 374.035,2m2;Quyết định số 4822/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND huyện Ninh S đối với diện tích đất 3.854,2 m2; Quyết định số 1534/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của Chủ tịch UBND huyện Ninh S về việc giải quyết khiếu nại đối với Quyết định số 4086/QĐ-UBND và Quyết định số 4822/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND huyện Ninh S. Các nội dung về phần bồi thường tài sản trên diện tích đất đã thu hồi của 03 quyết định nàythì đã bồi thường xong, ông Ch không yêu cầu hủy nên đã có hiệu lực pháp luật.
[3] Về án phí:
[3.1] Về án phí hành chính sơ thẩm: Ông Lê Châu Ch không phải chịu án phí hành chính sơ thẩm. Ủy ban nhân dânhuyện Ninh S, Chủ tịch Ủy ban nhân dânhuyện Ninh S phải chịu án phí hành chính sơ thẩm.
[3.2] Về án phí hành chính phúc thẩm: Do kháng cáo của ông Lê Châu Ch được chấp nhận nên ông Lê Châu Chkhông phải chịu.
Vì các lẽ trên.
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Căn cứ Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 02/1994/NĐ-CP ngày 15/01/1994 của Chính phủphủ; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Lê Châu Ch, sửa bản án sơ thẩm. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Châu Ch.
2. Hủy một phần các quyết định về nội dung liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ về đất, về công sức, chi phí đầu tư vào đất và các hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật đối với hộ gia đình ông Lê Châu Ch gồm: Quyết định số 4806/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của Ủy ban nhân dân huyện Ninh S, tỉnh Ninh Thuận đối với diện tích đất 374.035,2m2; Quyết định số 4822/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của Ủy ban nhân dân huyện Ninh S, tỉnh Ninh Thuận đối với diện tích đất 3.854,2m2; Quyết định số 1534/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ninh S, tỉnh Ninh Thuận về việc giải quyết khiếu nại đối với Quyết định số 4086/QĐ-UBND và Quyết định số 4822/QĐ- UBND ngày 30/12/2016 của UBND huyện Ninh S.
3. Phần các nội dung về bồi thường tài sản trên diện tích đất 377.889,4m2 đã thu hồi theo 03 quyết định nêu trên thì đã bồi thường xong, ông Ch không yêu cầu giải quyết nên đã có hiệu lực pháp luật.
4. Ủy ban nhân dân huyện Ninh S, tỉnh Ninh Thuận và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ninh S, tỉnh Ninh Thuận thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật về việc giải quyết bồi thường hỗ trợ cho hộ ông Lê Châu Ch đối với diện tích đất 377.889,4m2 nêu trên.
5. Về án phí:
5.1. Ủy ban nhân dânhuyện Ninh S, tỉnh Ninh Thuận và Chủ tịch Ủy ban nhân dânhuyện Ninh S, tỉnh Ninh Thuận mỗi đương sựphải chịu300.000 đồng án phí hành chính sơ thẩm.
5.2. Ông Lê Châu Chkhông phải chịu án phí hành chính sơ thẩm và án phí hành chính phúc thẩm. Trả lại cho ông Lê Châu Ch600.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số 0013804 ngày 15 tháng 8 năm 2017 và Biên lai thu số 0013957 ngày 07/02/2018 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Thuận.
6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai đối với trường hợp bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất số 793/2020/HC-PT
Số hiệu: | 793/2020/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 30/12/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về