Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai (đất bị trưng dụng nhưng chưa được hỗ trợ) số 716/2022/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 716/2022/HC-PT NGÀY 31/08/2022 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Trong các ngày 29 tháng 8 năm 2022 và ngày 31 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số: 118/2022/TLPT-HC ngày 16 tháng 3 năm 2022 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai”.Do Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2022/HC-ST ngày 12 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh B bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 1429/2022/QĐ-PT ngày 25 tháng 7 năm 2022 giữa các đương sự:

1. Người khởi kiện: Ông Huỳnh Tấn H, sinh năm 1945 (vắng mặt); Địa chỉ: Khóm 5, Phường 5, thành phố M, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Huỳnh Tấn H:

+ Ông NUQ1, sinh năm 1967 (có mặt);

Địa chỉ: phường P1, quận Q1, thành phố Hồ Chí Minh.

+ Bà NUQ2, sinh năm 1973 (có mặt);

Địa chỉ: Ấp A1, thị trấn T1, huyện H1, tỉnh B.

(Văn bản ủy quyền ngày 21/10/2021)

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện: Luật sư Trương Hoài O – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

2. Người bị kiện:

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B;

Địa chỉ: Phường 1, thành phố B, tỉnh B.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Văn K, chức vụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B (vắng mặt).

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh B;

+ Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh B;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Tô Minh L, chứ vụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh B (có văn bản xin vắng mặt).

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Bà Trần Ngọc A, sinh năm 1946 (Vợ ông Huỳnh Tấn H);

Địa chỉ: Khóm 5, Phường 5, thành phố P, tỉnh Cà Mau (xin xét xử vắng mặt).

4. Người kháng cáo: người khởi kiện là ông Huỳnh Tấn H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 27/10/2020 và các đơn khởi kiện sửa đổi, bổ sung đề ngày 21/11/2020, ngày 25/12/2020 và ngày 30/12/2020 trình bày:

Năm 1977, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước (Huyện ủy và UBND huyện G cũ) khuyến khích người dân khai phá rừng ngập mặn để canh tác nâng cao đời sống cho người dân. Được sự cho phép của UBND thị trấn T2, ông Huỳnh Tấn H đã khai phá được 08ha đất rừng ngập mặn để làm muối.

Năm 1983 Nhà máy Đông lạnh T2 (Trực thuộc Sở thủy sản tỉnh Minh Hải) trưng dụng (Bằng miệng) của ông H 04ha đất để làm sân phơi hải sản. Năm 1984 Xí nghiệp liên hiệp thủy sản T2 tiếp tục trưng dụng (Bằng miệng) thêm 01ha đất của ông H để xây dựng nhà tập thể, căn tin, khu vui chơi giải trí và Hưng 01ha đất để xây dựng nhà tập thể cho cán bộ công nhân viên, nhà ăn tập thể, căn tin. Còn 03ha do không có đường mương dẫn nước biển vào để làm muối nên gia đình ông H đi nơi khác sinh sống, phần đất trống hiện nay các hộ dân đang lấn chiếm sử dụng.

Rất nhiều năm nay ông H nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu giải quyết: Phần đất nào hiện nay Nhà nước đã xây dựng các Cơ quan hành chính, công trình công cộng thì phải xem xét bồi thường cho ông H theo quy định của pháp luật; Phần đất nào còn lại Nhà nước chưa sử dụng thì xem xét giao trả lại cho ông H để ông H có đất sử dụng, nhưng đều bị bác khiếu nại, cụ thể:

Quyết định số 131/QĐ-UBND ngày 15/3/2006 của Ủy ban nhân dân huyện Đ. Về việc: bác đơn yêu cầu đòi lại đất và bồi thường đất.

Quyết định số 1158/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đ Về việc: bác đơn yêu cầu yêu cầu đòi lại đất và bồi thường đất của ông H (lần đầu);

Quyết định số 1073/QĐ-UBND ngày 22/5/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B. Về việc: bác đơn yêu cầu yêu cầu đòi lại đất và bồi thường đất của ông H (lần 2);

Văn bản số 5719/UBND – NC ngày 28/12/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B về việc trả lời yêu cầu của công dân trong đó có nội dung: bác đơn yêu cầu yêu cầu đòi lại đất và bồi thường đất của ông H.

Nên ông H khởi kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh B đề nghị hủy Toàn bộ các quyết định hành chính nêu trên.

Tại Văn bản ghi ý kiến số 950/UBND-NC ngày 18/3/2021 (Bút lục 343) người bị kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B trình bày nội dung như sau:

Nguồn gốc 08ha đất là đất rừng ngập mặn ven biển T2. Năm 1977, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện G (cũ) có chủ trương cho các xã, thị trấn cho các hộ nghèo không có đất sản xuất khai phá mở rộng để lấy đất để sản xuất cải thiện đời sống. Thực hiện chủ trương trên, Ủy ban nhân dân thị trấn T2 cho một số hộ dân khai phá đất rừng ngập mặn, trong đó có ông Huỳnh Tấn H khai phá được diện tích 08 ha, để làm muối.

Năm 1983, Nhà máy Đông Lạnh T2 Hào (Trực thuộc Sở thủy sản tỉnh Minh Hải) (do ông Trương Công Trình làm giám đốc) trưng dụng (Bằng miệng) 04ha đất của ông H để làm sân phơi hải sản. Đến năm 1984, Xí nghiệp liên hiệp thủy sản T2 tiếp tục trưng dụng 01 ha đất của ông H để xây dựng nhà tập thể, căn tin, khu vui chơi giải trí. Còn lại 03ha, do diện tích 05 ha bị trưng dụng nên không có đường dẫn nước biển vào làm muối nên gia đình ông H đi nơi khác sinh sống, bỏ phần đất này từ đó cho đến nay.

UBND Huyện và UBND Tỉnh đã xem xét thực tế, ông H đã có công khai phá và sử dụng liên tục trên phần đất này từ năm 1977 cho đến khi bị trưng dụng là năm 1983-1984, nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ gì đối với đất bị trưng dụng. Do đó, ngày 22/5/2008 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B ban hành Quyết định số 1073/QĐ-UBND về việc giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đ hỗ trợ công bồi đắp, khai phá cho ông H. Thực hiện Quyết định số 1073/QĐ-UBND ngày 22/5/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đ đã xem xét hỗ trợ công bồi đắp, khai phá cho ông H diện tích 05ha với tổng số tiền 33.895.000 đồng; Sau đó thấy, mức hỗ trợ cho ông H diện tích 05 ha là quá thấp nên Ủy ban nhân dân huyện đã hỗ trợ hết tổng diện tích 08ha, với tổng số tiền 74.980.000đ cho ông H, nhưng ông H vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu nại. Nên ngày 28/12/2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 5719/UBND-NC trả lời bác yêu cầu khiếu nại của ông H. Đồng thời yêu cầu ông H chấp hành Quyết định số 1073/QĐ-UBND ngày 22/5/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B.

Tại Văn bản ghi ý kiến số 598/UBND-NC ngày 25/02/2021 (Bút lục 71) người bị kiện Ủy ban nhân dân huyện Đ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh B trình bày:

Diện tích đất 08ha của ông Huỳnh Tấn H khiếu nại là Ủy ban nhân dân tỉnh Minh Hải giao cho Ty Hải Sản quản lý để xây dựng Xí nghiệp liên hiệp hải sản T2 theo Quyết định số 45/QĐ-UB ngày 31/5/1979 (Sau này là Xí nghiệp Đông lạnh T2), đến ngày 30/12/1992, Xí nghiệp Đông lạnh T2 được Ủy ban nhân dân tỉnh Minh Hải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 103.642m2. Xí nghiệp Đông lạnh T2 sử dụng đến năm 1999 giải thể nên năm 2002, Ủy ban nhân dân tỉnh B giao đất và vật kiến trúc trên đất cho Ủy ban nhân dân huyện Đ để thành lập Trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Đ khi chia tách từ huyện G (cũ) và đi vào hoạt động từ ngày 01/3/2002; phần đất còn lại thực hiện dự án xây dựng Trung tâm thương mại T2 và khu dân cư cho hộ dân sử dụng. Khu đất này được Ủy ban nhân dân tỉnh B ban hành Công văn số 890/UB ngày 24/6/2004 về việc chỉ đạo xử lý đối với khu đất Xí nghiệp Đông lạnh T2 (cũ) và Ủy ban nhân dân tỉnh B ban hành Quyết định số 190/QĐ-UBND ngày 08/11/2006 thu hồi quyền sử dụng đất của Xí nghiệp Đông lạnh T2 giao cho Ủy ban nhân dân huyện Đ quản lý và xử lý theo quy định.

Việc yêu cầu của ông Huỳnh Tấn H đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đ giải quyết tại Quyết định số 1158/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B giải quyết khiếu nại tại Quyết định số 1073/QĐ-UBND ngày 22/5/2008 với nội dung: Bác đơn yêu cầu, khiếu nại đòi bồi thường giá trị đất. Tuy nhiên, ông Huỳnh Tấn H không đồng ý nên tiếp tục khiếu nại đến các cơ quan chức năng cấp Tỉnh, đã dược Ủy ban nhân dân tỉnh B trả lời tại Công văn số 5719/UBND-NC ngày 28/12/2018 với nội dung: Xét thấy việc khiếu nại của ông Huỳnh Tấn H không có tình tiết gì mới để làm thay đổi nội dung, bản chất vụ việc, Quyết định số 1073/QĐ-UBND ngày 22/5/2008 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh B đã giải quyết là đúng theo quy định của pháp luật.

Nên chúng tôi đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H, giữ nguyên kết quả giải quyết khiếu nại.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2022/HC-ST ngày 12 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh B đã quyết định như sau:

Bác yêu cầu khởi kiện của ông Huỳnh Tấn H về việc yêu cầu hủy các Quyết định số 131/QĐ-UBND ngày 15/3/2006 của Ủy ban nhân dân huyện Đ, Quyết định số 1158/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đ, Quyết định số 1073/QĐ-UBND ngày 22/5/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B và Công văn số 5719/UBND-NC ngày 28/12/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 17/01/2022 ông Huỳnh Tấn H có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, ông Huỳnh Tấn H giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo.

Luật sư O, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông H, cho rằng: Diện tích đất 8ha của ông H khai phá rừng ngập mặn, việc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do nhà nước trưng dụng 05ha, còn 03ha ông H không sử dụng được là do nguyên nhân khách quan, khi bị trưng dụng mất 05ha làm mất đường dẫn nước biển vào làm muối nên ông H không thể sử dụng nên để vậy, chứ không phải tự ông H bỏ đi không sử dụng. Việc này phía người bị kiện cùng thừa nhận và đã tính hỗ trợ toàn bộ diện tích 08ha cho ông H. Diện tích đất nêu trên của ông H khai phá và sử dụng hợp pháp bị trưng dụng, theo quy định của pháp luật đất đai các thời kỳ thì diện tích đất nào nhà nước trưng dụng luôn thì phải bồi thường theo quy định hiện hành, còn diện tích đất nào trưng dụng mà hiện nay không có nhu cầu trưng dụng nữa thì phải trả lại cho người dân, nhưng UBND huyện Đ và UBND tỉnh B chỉ hỗ trợ mà không bồi thường, cấp tái định cư đối với diện tích 05 và không trả lại cho ông H 03 ha hiện nay không còn sử dụng là trái pháp luật. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của ông H, sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông H.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến: Nguồn gốc đất là đất rừng ven biển T2. Năm 1977, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện G (cũ) có chủ trương cho các xã, thị trấn cho các hộ nghèo không có đất sản xuất khai phá mở rộng để lấy đất để sản xuất. Thực hiện chủ trương trên, Ủy ban nhân dân thị trấn T2 cho một số hộ dân khai phá đất rừng ngập mặn, trong đó có ông Huỳnh Tấn H khai phá được diện tích 08 ha, để làm muối.

Năm 1983, Nhà máy Đông Lạnh T2 (do ông Trương Công Trình làm giám đốc) trưng dụng (Bằng miệng) 04 ha đất của ông H. Đến năm 1984, Xí nghiệp liên hiệp thủy sản T2 tiếp tục trưng dụng 01 ha đất của ông H để xây dựng nhà tập thể, căn tin, khu vui chơi giải trí… còn 03 ha. Do diện tích 05 ha bị trưng dụng nên không có đường dẫn nước biển vào làm muối đối với 3 ha còn lại nên gia đình ông H đi nơi khác sinh sống, bỏ phần đất này từ đó cho đến nay. Như vậy, Ủy ban nhân dân huyện Đ đã hỗ trợ hết tổng diện tích 08ha, với tổng số tiền 74.980.000đ, là đảm bảo quyền lợi cho ông H. Nên đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu kháng cáo của ông H, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Trên cơ sở xem xét tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và ý kiến tranh luận của các dương sự, của luật sư và ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

* Về tố tụng:

[1] Ngày 12 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh B tuyên án, ngày 17/01/2022 ông Huỳnh Tấn H có đơn kháng cáo là trong hạn luật định.

[2] Tại thời điểm năm 1977, ông Huỳnh Tấn H có vợ là bà Trần Ngọc A có công sức cùng ông H khai phá diện tích đất 08 ha đang khiếu kiện trong vụ án, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa bà A vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là có thiếu sót. Tuy nhiên, ngày 29/8/2022 bà A có đơn trình bày: Bà A đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông H, đồng ý tham gia tố tụng ở cấp phúc thẩm và xin giải quyết vắng mặt, không khiếu nại gì. Do đó cần xác định bà Trần Ngọc A là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Như vậy, sai sót của Tòa cấp sơ thẩm đã được khắc phục nên không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm.

* Về nội dung:

Xét, tính hợp pháp của các quyết định hành chính bị kiện, Hội đồng xét xử thấy rằng:

[3] Quyết định số 131/QĐ-UBND ngày 15/3/2006 của Ủy ban nhân dân huyện Đ về việc: bác đơn yêu cầu yêu cầu đòi lại đất và bồi thường đất; Quyết định số 1158/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đ về việc: bác đơn yêu cầu yêu cầu đòi lại đất và bồi thường đất (lần đầu), Quyết định số 1073/QĐ-UBND ngày 22/5/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B, được Chủ tịch UBND huyện Đ và Chủ tịch UBND tỉnh B ban hành là đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định tại Điều 20 và Điều 23 của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998; Điều 1 của luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo 2004; Điều 1 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005.

[4] Riêng đối với Văn bản số 5719/UBND - NC ngày 28/12/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B về việc trả lời yêu cầu của công dân. Xét Văn bản số 5719 có nội dung: “Xét thấy, việc khiếu nại của ông Huỳnh Tấn H không có tình tiết gì mới để làm thay đổi nội dung, bản chất của vụ việc. Quyết định số 1073/QĐ-UBND ngày 22/5/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B đã giải quyết đúng theo quy định của pháp luật”. Như vậy, văn bản này chứa đựng các nội quy của một quyết định giải quyết khiếu nại, được Chủ tịch UBND tỉnh B ban hành là đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 21 của Luật Khiếu nại năm 2011, nhưng được ban hành dưới dạng công văn là không phù hợp về hình thức của quyết định giải quyết khiếu nại.

[5] Xét, nội dung của các quyết định hành chính bị kiện nêu trên có nội dung bác yêu cầu khiếu nại của ông Huỳnh Tấn H, thấy rằng:

[6] Tại Tòa án cấp sơ thẩm bên khởi kiện và bên bị kiện đều thừa nhận nội dung: Diện tích đất 08 ha ông Huỳnh Tấn H đang khởi kiện có nguồn gốc là đất rừng ven biển T2. Năm 1977, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện G (nay là huyện Đ) có chủ trương chỉ đạo các các xã, thị trấn cho các hộ nghèo không có đất sản xuất khai phá rừng ngập mặn ven biển để lấy đất để sản xuất, cải thiện đời sống. Thực hiện chủ trương trên Ủy ban nhân dân thị trấn T2 đã cho một số hộ dân khai phá đất rừng ngập mặn, trong đó có gia đình ông Huỳnh Tấn H khai phá được diện tích 08ha, để làm ruộng muối. Năm 1983, Nhà máy Đông Lạnh T2 (Trực thuộc Sở thủy sản tỉnh Minh Hải) (do ông Trương Công Trình làm giám đốc) trưng dụng (Bằng miệng) 04ha đất của ông H để làm sân phơi hải sản. Đến năm 1984, Xí nghiệp liên hiệp thủy sản T2 tiếp tục trưng dụng 01 ha đất của ông H để xây dựng nhà tập thể, căn tin, khu vui chơi giải trí. Diện tích còn lại của ông H là 03ha, nhưng do diện tích 05 ha bị trưng dụng nêu trên làm mất đi đường mương dẫn nước biển vào làm muối nên gia đình ông H đi nơi khác sinh sống, bỏ phần đất này từ đó cho đến nay. Nội dung nêu trên cũng đã được các báo cáo thanh tra của tỉnh B và những người làm chứng, trong đó có những cán bộ nguyên là cán bộ lãnh đạo của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn T2 xác nhận. Căn cứ vào Điều 79 của Luật tố tụng hành chính, Hội đồng xét xử xác định những tình tiết nêu trên là sự thật, các đương sự không phải chứng minh.

[7] Như vậy, diện tích đất 08 ha của ông H khai phá và sử dụng, mặc dù chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đã được được kê khai tại “Sổ mục kê ruộng đất” năm 1883 (Bút lục 23) là hoàn toàn hợp pháp. Riêng đối với 03ha còn lại, không bị trưng dụng nhưng khi bị nhà nước trưng dụng mất 05ha, làm mất đường dẫn nước biển vào làm muối nên ông H không thể sử dụng, đây là nguyên nhân khách quan. Điểm c khoản 3 mục V của Quyết định số: 201-CP ngày 01-7-1980 Về việc: Thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước của Hội đồng Chính phủ, quy định: “Nếu việc thu hồi không phải là do lỗi của người sử dụng đất hoặc bị trưng dụng đất thì giải quyết như sau: Trường hợp người có đất bị thu hồi hoặc bị trưng dụng cần phải có đất để sử dụng thì được cấp đất khác. Nếu trên khoảnh đất bị thu hồi hoặc bị trưng dụng có nhà cửa, công trình xây dựng khác, hoặc trồng cây lâu năm hoặc trồng cây ngắn ngày chưa kịp thu hoạch đã phải phá bỏ, thì được bồi thường thích đáng…”. Khoản 2 và khoản 3 Điều 42 của Luật đất đai năm 2003 quy định: “Người bị thu hồi loại đất nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi” (Khoản 2 Điều 42); “Trường hợp thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất mà không có đất để bồi thường cho việc tiếp tục sản xuất thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền, người bị thu hồi đất còn được Nhà nước hỗ trợ để ổn định đời sống, đào tạo chuyển đổi ngành nghề, bố trí việc làm mới” (Khoản 4, Điều 42). Lẽ ra, UBND huyện Đ phải xem xét diện tích đất nào đã sử dụng vào mục đích công cộng hoặc đã có quy hoạch để sử dụng vào mục đích công cộng mà không thể bồi thường bằng đất sản xuất khác thì phải bồi thường giá trị đất bằng tiền cho gia đình ông H. Còn diện tích đất nào chưa cấp cho đối tượng nào khác và không có quy hoạch sử dụng vào mục đích công cộng thì phải xem xét giao trả lại cho ông H. Nhưng Chủ tịch UBND huyện Đ chỉ hỗ trợ công khai phá, bồi đắp tổng diện tích 08ha với số tiền hỗ trợ là 74.980.000đ cho ông H là trái với các quy định của pháp luật về đất đai đã viện dẫn trên.

[8] Căn cứ vào quy định nêu trên, việc Chủ tịch UBND huyện Đ, UBND huyện Đ và Chủ tịch UBND tỉnh B, bác yêu cầu giải quyết khiếu nại của ông Huỳnh Tấn H; Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng các quy định của Luật đất đai năm 2013; Nghị định 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ; Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc Hội về nhà đất do nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991, để bác yêu cầu khởi kiện của ông Huỳnh Tấn H là áp dụng pháp luật không phù hợp với thời điểm đất bị trưng dụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông H, nên kháng cáo của ông H được chấp nhận.

[9] Án phí hành chính sơ thẩm Chủ tịch UBND huyện Đ, UBND huyện Đ và Chủ tịch UBND tỉnh B phải chịu.

[10] Án phí hành chính phúc thẩm: Ông Huỳnh Tấn H là người cao tuổi và kháng cáo của ông H được chấp nhận nên không khải chịu.

[11] Quan điểm của Luật sư đề nghị chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông H, sửa bản án sơ thẩm là có căn cứ.

[12] Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát, đề nghị bác yêu cầu kháng cáo của ông H, giữ nguyên bản án sơ thẩm là không có căn cứ nên không được chấp nhận.

[13] Các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 193; Khoản 2 Điều 241 của Luật tố tụng hành chính năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

2. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của ông Huỳnh Tấn H.

3. Sửa Bản án hành chính sơ thẩm số: 02/2022/HC-ST ngày 12 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh B.

Căn cứ Điểm c khoản 3 mục V của Quyết định số: 201-CP ngày 01-7-1980 Về việc: Thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước của Hội đồng Chính phủ ; Khoản 2 và khoản 3 Điều 42 của Luật đất đai năm 2003; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

4. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Huỳnh Tấn H.

Hủy Quyết định số 131/QĐ-UBND ngày 15/3/2006 của Ủy ban nhân dân huyện Đ về việc: bác đơn yêu cầu của ông Huỳnh Tấn H.

Hủy Quyết định số 1158/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đ về việc: bác đơn yêu cầu của ông Huỳnh Tấn H.

Hủy Quyết định số 1073/QĐ-UBND ngày 22/5/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B về việc: giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính.

Hủy Văn bản số 5719/UBND – NC ngày 28/12/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B về việc trả lời yêu cầu của công dân.

5. Án phí hành chính sơ thẩm: Chủ tịch UBND huyện Đ phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng); UBND huyện Đ phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) và Chủ tịch UBND tỉnh B phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng).

6. Án phí hành chính phúc thẩm: Ông Huỳnh Tấn H không phải chịu.

7. Các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

268
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai (đất bị trưng dụng nhưng chưa được hỗ trợ) số 716/2022/HC-PT

Số hiệu:716/2022/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 31/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về