TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 885/2023/HC-PT NGÀY 28/09/2023 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH
Ngày 28 tháng 9 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai, vụ án thụ lý số: 423/2023/TLPT-HC ngày 28 tháng 6 năm 2023 về “Khiếu kiện quyết định hành chính”.
Do Bản án hành chính sơ thẩm số 07/2023/HC-ST ngày 20 tháng 3 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố C bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 2179/2023/QĐ-PT ngày 18 tháng 8 năm 2023; Quyết định hoãn phiên tòa số: 203/2023/QĐ-PT ngày 08 tháng 9 năm 2023 và Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 2352/2023/QĐ-PT ngày 08 tháng 9 năm 2023, giữa các đương sự:
- Người khởi kiện: Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu N;
Trụ sở: Tổ 8, Quốc lộ 91B, khu vực T, phường T1, quận B, thành phố C.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Thu N1, sinh năm 1981 (có mặt);
Cư trú: Số 12D, tổ 6, khu vực T, phường T1, quận B, thành phố C.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Ông Trần Đình D– Luật sư Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Đ, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
- Người bị kiện: Giám đốc Công an thành phố C(yêu cầu xét xử vắng mặt);
Trụ sở nơi làm việc: Số 71, đường T2, phường C1, quận N2, thành phố C.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an thành phố C;
Người đại diện theo ủy quyền:
+ Ông Trương Thanh M, sinh năm 1977 – Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an thành phố C (có mặt);
+ Bà Nguyễn Thị Thu T3, sinh năm 1984 – Đội trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an thành phố C(có mặt).
2. Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu D1; Trụ sở: Số 92, đường T4, Phường 9, T5, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: Bà Lê Phượng T6(xin vắng mặt);
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Trần Thị Ngọc D2, sinh năm 1975 (xin vắng mặt);
Cư trú: Số 59, đường T7, Phường 4, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Công ty Cổ phần Vật tư D3;
Trụ sở: Số 1/2, đường Pasteur, phường N3, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Trung N4(xin vắng mặt);
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Trần Thị Ngọc D2, sinh năm 1975 (xin vắng mặt);
Cư trú: Số 59, đường T7, Phường 4, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Người kháng cáo: Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu N là người khởi kiện.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Phần trình bày của người khởi kiện theo đơn khởi kiện ngày 15 tháng 3 năm 2022 và trong quá trình tố tụng như sau:
Ngày 12/01/2022, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an thành phố C (sau đây gọi tắt là Phòng Cảnh sát kinh tế) đến kho chứa hàng – số 08, Quốc lộ 91B, khu vực T, phường T1, quận B, thành phố C của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu N (sau đây gọi tắt là Công ty N) để tiến hành khám xét và thu giữ, niêm phong nhiều hàng hóa của Công ty.
Đến ngày 17/02/2022, Giám đốc Công an thành phố C đã ra Quyết định số 2075/QĐ-XPHC (sau đây gọi tắt là Quyết định số 2075) xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty N về 02 (hai) hành vi là tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm và kinh doanh hàng hóa nhập lậu, cụ thể:
Hình phạt chính:
Phạt tiền 15.000.000 đồng (mười lăm triệu đồng) đối với hành vi tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm;
Phạt tiền 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng) đối với hành vi hàng hóa nhập lậu có giá trị 58.634.131 đồng.
Hình phạt bổ sung:
Tịch thu đồ chơi nguy hiểm bị cấm gồm 172 sản phẩm có hình dạng súng, kiếm, cung tên, dao;
Tịch thu hàng hóa nhập lậu gồm 123 xe đồ chơi trẻ em và 32 xe điện trẻ em (có tổng giá trị 58.634.131 đồng).
Người khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 2075/QĐ-XPHC ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Giám đốc Công an thành phố Cvà buộc giao trả toàn bộ hàng hóa đã tịch thu theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên.
Những căn cứ người khởi kiện yêu cầu hủy là:
Công ty N được thành lập vào ngày 10/01/2022, có trụ sở tại tổ 8, Quốc lộ 91B, khu vực T, phường T1, quận B, thành phố C nhưng ngày 09/01/2022 đã có đơn thư tố giác vô danh là vi phạm Luật Khiếu nại, tố cáo.
Công ty N mua hàng hóa từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu D1 (sau đây gọi tắt là Công ty D1) và Công ty Cổ phần Vật tư D3 (sau đây gọi tắt là Công ty D3) có hợp đồng đầy đủ, có hóa đơn giá trị gia tăng, có các thủ tục thông quan tại Cảng Cát Lái – Thành phố Hồ Chí Minh, còn giấy chứng nhận hợp quy thì bên mua hẹn sau 15 ngày xuất hàng sẽ có.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố C xác định các hàng hóa bị thu giữ không có mã sản phẩm trùng khớp với hóa đơn giá trị gia tăng nên là hàng hóa nhập lậu là không đúng. Vì hiện nay, việc quy định dán mã sản phẩm lên từng hàng hóa nhập khẩu là không bắt buộc. Mã sản phẩm chỉ là thông số quy ước của nhà sản xuất để phân loại các mặt hàng với nhau và không bắt buộc phải đăng ký với Cơ quan Nhà nước.
Tại thời điểm kiểm tra, Công ty N không cung cấp kịp thời giấy chứng nhận kiểm định hợp quy bởi có lý do là Công ty D1 và Công ty D3 – là 02 (hai) Công ty trực tiếp nhập khẩu và cung cấp hàng hóa chịu trách nhiệm chứ không phải do Công ty N chịu trách nhiệm. Công ty N chỉ là mua lại hàng hóa và bán trên thị trường.
Phần trình bày của người bị kiện:
Ngày 12/01/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế thực hiện Quyết định số 192/QĐ-KNCG của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận B, thành phố C về việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở tại nhà không số, tổ 8, khu vực T, phường T1, quận B, thành phố C – là trụ sở của Công ty N.
Kết qua kiểm tra phát hiện 172 hàng hóa là đồ chơi trẻ em bằng nhựa hình dạng súng, hình dạng kiếm, hình dạng cung tên, hình dạng dao; 123 chiếc xe đồ chơi trẻ em và 32 chiếc xe điện trẻ em do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh hàng hóa nhập khẩu hợp pháp.
Đối với hành vi tàng trữ trái phép 172 hàng hóa là đồ chơi trẻ em bằng nhựa hình dạng súng, hình dạng kiếm, hình dạng cung tên, hình dạng dao đã vi phạm Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ và Quyết định số 464/QĐ ngày 27/12/1993 của Bộ Nội vụ.
Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu 123 chiếc xe đồ chơi trẻ em và 32 chiếc xe điện trẻ em do Trung Quốc sản xuất thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện nhưng lại không đáp ứng điều kiện là phải có giấy chứng nhận sản phẩm và hợp quy theo quy định tại Thông tư số 28/2014/TT- BVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch và theo quy định tại Nghị định số 69//2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ đã vi phạm Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 05/5/2015 của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng do “hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật”, “hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn chứng từ kèm theo quy định hoặc có hóa đơn chứng từ nhưng không hợp pháp theo quy định pháp luật”.
Ngày 26/01/2022, Công ty N có văn bản trình bày ý kiến về việc không thống nhất với việc xác định hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu 123 chiếc xe đồ chơi trẻ em và 32 chiếc xe điện trẻ em do Trung Quốc sản xuất vì hàng hóa có hóa đơn và có tem hợp quy. Phòng Cảnh sát kinh tế đã cho đối chiếu các hóa đơn do Công ty N cung cấp với các hàng hóa bị thu giữ xác định các hóa đơn này không phải là các hóa đơn của hàng hóa bị thu giữ và không có tem hợp quy.
Vì vậy, việc Giám đốc Công an thành phố C ban hành Quyết định số 2075/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính Công ty N có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm với số tiền phạt 65.000.000 đồng (sáu mươi lăm triệu đồng) là đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Phần trình bày của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Phòng Cảnh sát kinh tế:
Ngày 12/01/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế khám xét kho chứa hàng của Công ty N và niêm phong, tạm giữ nhiều hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 14/01/2022, Công ty N cung cấp hóa đơn, chứng từ cho Phòng Cảnh sát kinh tế. Tuy thời hạn tiếp nhận hóa đơn, chứng từ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng là 24 giờ nhưng Phòng vẫn tiếp nhận hóa đơn, chứng từ để kiểm tra, đối chiếu.
Ngày 17/01/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế làm việc với ông Phạm Thu N1 – Giám đốc Công ty N và thực hiện đối chiếu các hàng hóa đang tạm giữ với hóa đơn, chứng từ do Công ty cung cấp. Sau khi đối chiếu xác định hàng hóa trên hóa đơn không phải là hàng hóa bị tạm giữ và hàng hóa là đồ chơi trẻ em nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện là đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận hợp quy.
Như vậy, Công ty N đã cung cấp hóa đơn, chứng từ vào ngày 14/01/2022 là quá thời hạn 24 giờ liên tục kể từ thời điểm kiểm tra (ngày 12/01/2022) nên là hàng hóa nhập lậu và xử phạt theo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng và hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện là không có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm và hợp quy theo luật định nên là hàng hóa đồ chơi nguy hiểm bị cấm nên Giám đốc Công an thành phố C ban hành Quyết định số 2075 là có căn cứ.
Phần trình bày của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty D1:
Ngày 28/10/2022, Công ty D1 ký kết mua 60 xe hình dạng cẩu có mã hàng 518 và 80 xe chòi chân có mã hàng XH988 của Công ty Guangzhou W.Q.S International trading co.,ltd – Trung Quốc.
Sau đó, Công ty N đã đặt hàng thỏa thuận mua hàng - trước khi hoàn tất các thủ tục pháp lý về thành lập công ty - của Công ty D1 51 xe hình dạng cẩu có mã hàng 518 và 72 xe chòi chân có mã hàng XH988.
Ngày 01/12/2021, Công ty D1 thực hiện thủ tục nhập hàng và thuê kho tại khu vực T, phường T1, quận B, thành phố C – chính là kho bị Phòng Cảnh sát kinh tế thu giữ hàng hóa.
Ngày 13/01/2022, Công an thành phố C tiến hành kiểm tra kho và thu giữ tất cả các hàng hóa của Công ty N; trong đó có 51 xe hình dạng cẩu có mã hàng 518 và 72 xe chòi chân có mã hàng XH988 của Công ty D1 đang gửi giữ tại kho của Công ty N.
Công ty D1 đã nộp các chứng từ, tài liệu liên quan đến 51 xe hình dạng cẩu có mã hàng 518 và 72 xe chòi chân có mã hàng XH988 nhưng vẫn chưa được Công an thành phố C xem xét, giải quyết.
Tại phiên tòa, Công ty D1 cho rằng đã bán cho Công ty N 51 xe hình dạng cẩu có mã hàng 518 và 72 xe chòi chân có mã hàng XH988 có hóa đơn giá trị gia tăng đầy đủ.
Phần trình bày của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty D3:
Sau khi rà soát các hóa đơn, chứng từ xuất hàng, Công ty D3 xác định không có bán các hàng hóa đã bị Công an thành phố C thu giữ của Công ty N.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 07/2023/HC-ST ngày 20/3/2023 của Tòa án nhân dân thành phố C đã tuyên xử:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu N về việc yêu cầu hủy Quyết định số 2075/QĐ-XPHC ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Giám đốc Công an thành phố Cvà buộc giao trả toàn bộ hàng hóa đã tịch thu.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Ngày 28/3/2023 Tòa án nhân dân thành phố C nhận đơn kháng cáo của người khởi kiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu N ghi ngày 27/3/2023 kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đề nghị sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu N. Ngày 31/3/2023 ông Nguyễn Lâm Hoàng Sơn là người đại diện theo ủy quyền của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu N kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đề nghị hủy án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Phạm Thu N1 là người đại diện theo pháp luật của Công ty N rút lại một phần yêu cầu kháng cáo. Công ty N đồng ý Quyết định số 2075 của Giám đốc Công an thành phố C xử lý hành vi tàng trữ đồ chơi nguy hiểm bị cấm là 172 sản phẩm đồ chơi trẻ em bị cấm có hình dạng súng, hình dạng kiếm, hình dạng cung tên, dao. Công ty N chỉ kháng cáo yêu cầu hủy một phần Quyết định số 2075 về xử lý hàng nhập lậu là 123 chiếc xe đồ chơi trẻ em và 32 xe điện trẻ em.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện trình bày: Đối với yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa Công ty rút 1 phần kháng cáo đề nghị xem xét phần xử phạt hành chính đối với hàng lậu không xem xét quyết định khác. Đối với xử lý hàng lậu Công an cho rằng có hai lý do xử lý hàng lậu: thứ nhất chậm cung cấp hóa đơn trong thời gian 24 giờ, thứ hai mã hàng hóa không trùng khớp. Thứ nhất Công ty N cấp phép hoạt động 01/01/2020 ngày 10/01/2020 ký hợp đồng mua hàng đầu tiên với Công ty D1. Tại thời điểm Công ty hoạt động có hộ kinh doanh cá thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Việc kiểm tra hàng hóa từ sáng ngày 12 vì kho chứa hàng rất lớn do đó Công an đưa hàng hóa về kho xử lý vi phạm. Công ty chứng kiến việc kiểm tra hàng hóa và niêm phong các giấy tờ. Biên bản lập 10 giờ 45 phút ngày 14/01/2022. Việc kiểm tra kéo dài việc cung cấp hóa đơn không vượt quá 24 giờ. Không quy định cung cấp bản hợp quy, chỉ cung cấp hóa đơn. 5 đến 6 ngày mới cung cấp bản hợp quy. Nếu sai hợp quy thì xử lý việc hợp quy chậm, chứ không phải hàng lậu. Xử lý hàng lậu công bố khắp nơi cổng thông tin điện tử thương hại đến uy tín của Công ty. Thứ hai Công an cho rằng không phù hợp hóa đơn chứng từ và mã hàng hóa, tất cả các biên bản làm việc biên bản thu giữ kiểm kê không ghi nhãn hàng hóa có mã số bao nhiêu. Nếu cho rằng không có mã hàng hóa trên hàng hóa. Các biên bản thống kê biên bản xử lý không ghi vào là không có mã hàng hóa. Đề nghị đánh giá không xác định N có hóa đơn chứng từ không phù hợp hàng hóa thu giữ. Đề nghị Hội đồng xét xử hủy 1 phần quyết định 2075 của Công an ngày 17/2/2022 phần xử lý đối với hàng lậu đối với Công ty.
Ông N1 trình bày: thống nhất ý kiến của người bảo vệ.
Bà T3 trình bày: Phòng Cảnh sát kinh tế căn cứ 3 cơ sở thứ nhất Thông tư liên tịch 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08/5/2015 quy định trong thời hạn 24 giờ phải chứng minh tính hợp pháp hàng hóa. Tại Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08/5/2015, khoản 1 Điều 6 quy định rõ về hàng hóa nhập khẩu được coi là hàng hóa nhập lậu. Thứ hai Phòng Cảnh sát căn cứ Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính Phủ tại Điều 3 có giải thích hàng hóa nhập lậu. Công ty N không có giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng không chứng nhận chứng từ hợp quy. Thứ ba điểm d quy định hàng hóa nhập khẩu lưu thông đối chiếu hóa đơn cung cấp không phải hóa đơn của hàng hóa tạm giữ. Quá thời hạn theo quy định, dù quá 24 giờ vẫn tiếp nhận hóa đơn trường hợp đầy đủ tham mưu xử phạt nhẹ nhất.
Ông M trình bày: Tại thời điểm kiểm tra đối chiếu hóa đơn ông N1 cung cấp. Khi tạm giữ có hướng dẫn ông N1 theo quy định được quyền cung cấp hóa đơn trong thời hạn 24 giờ. Tại thời điểm không có hóa đơn chứng minh. Ngày 13 mang hóa đơn kiểm tra đối chiếu không trùng khớp. Ngày 14 mang lên lần nữa kiểm tra thêm lần nữa cũng không trùng khớp. Khi mở niêm phong cũng có xác nhận của ông N1để đối chiếu hóa đơn đúng hay không.
Luật sư D trình bày: Lúc đó chưa có hồ sơ hợp quy ghi rõ mã hàng hóa. Hồ sơ hợp quy có mã hàng hóa cụ thể. Tại sơ thẩm lẽ ra C lập danh sách kê biên hàng hóa để xem có phù hợp mã hàng hóa sau này không. Đối với việc nộp hồ sơ hợp quy lúc đó Công ty D1 đang giữ là Công ty bán hàng chưa kịp mang sang. Sau đó mới mang sau. Đó là lỗi cung cấp chậm chứng từ hợp quy chứ không phải hàng lậu.
Ông N1trình bày: Từ đầu tất cả mọi hóa đơn chứng từ ông đã đưa cơ quan chức năng kiểm tra, sau này ông vẫn nộp những hóa đơn này nhưng không chấp nhận. Mới nhập về ngày hôm qua thì Công an kiểm tra. 2500 thùng không thể nào có thời gian kiểm tra hết số lượng hàng. Ít nhất phải 1 tuần mới kiểm tra hết số hàng này. Kho ông lúc đó hiện tại hơn 10 cont hàng. 10 người cơ quan chức năng kiểm tra từ sáng tới tối. Hàng này dưới 1% nếu dưới 1% hàng lậu thì kinh doanh làm gì Công ty tôi mới thành lập. Công ty D1 mới nhập khẩu làm sao có được hóa đơn liền. Việc kiểm tra sau 24 giờ ông chỉ có mấy tờ hóa đơn. Khi kiểm tra từ sáng đến 6 giờ tối chỉ lấy 70 thùng không có mã trên thùng. 1 hóa đơn cont thể hiện rõ ràng. Mới thành lập Công ty được 2 ngày. Chỉ xê dịch thời gian, lỗi do trên thùng không có, lỗi do nhà sản xuất.
Luật sư D trình bày: Về việc áp dụng như thế nào hàng lậu. Công an áp dụng Thông tư liên tịch 64 tuy nhiên việc như thế nào xác định hàng lậu, Nghị định 98 có quy định không có phần nào mô tả cung cấp chậm hóa đơn 24 giờ là xem hàng lậu. Giữa Thông tư và Nghị định lệch nhau. Áp dụng như thế nào trong trường hợp này không thể áp dụng Thông tư 64 trong khi Nghị định 98 không quy định. Trường hợp này áp dụng Nghị định chứ sao áp dụng Thông tư.
Bà T3 trình bày: Về thời hạn hóa đơn Thông tư 64 quy định thời hạn 24 giờ. Quá 24 giờ vẫn tiếp nhận hóa đơn tiếp tục đối chiếu. Trường hợp này không hợp lệ. Phòng Cảnh sát đến xác minh tại Công ty D1 mang toàn bộ hồ sơ về. Tất cả các hóa đơn từ đầu tới cuối không hợp lệ nên có căn cứ xác định hàng lậu. Giấy chứng nhận hợp quy của Công ty D3 hóa đơn xuất cho hộ kinh doanh N không phải hóa đơn xuất cho Công ty. Từ đó đến giờ không cung cấp hàng đảm bảo chất lượng, giấy chứng nhận hợp quy.
Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; các đương sự tham gia tố tụng chấp hành đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Về nội dung: Xét kháng cáo của Công ty N thì căn cứ biên bản kiểm kho, kiểm định, Ngày 12/01/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế tiến hành khám và lập biên bản khám toàn bộ căn nhà không số, tại tổ 8, khu vực T, phường T1, quận B, thành phố C. Sau khi khám xét đã phát hiện và thu giữ 70 (bảy mươi) thùng carton bên trong chứa đồ chơi trẻ em các loại (chưa kiểm tra tình trạng, chất lượng, chủng loại hàng hóa bên trong) không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Sau đó, mới cung cấp hóa đơn chứng từ, quá thời hạn, Giám đốc Công an xử phạt là đúng. Bản án sơ thẩm xét xử là có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo, giữ y án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ ý kiến của các bên đương sự và quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về quan hệ pháp luật, thời hiệu khởi kiện:
Ngày 15 tháng 3 năm 2022, người khởi kiện Công ty N yêu cầu hủy Quyết định số 2075 và giao trả toàn bộ hàng hóa đã tịch thu.
Theo quy định tại Điều 116; Điều 30 và Điều 32 Luật Tố tụng hành chính, thời hiệu khởi kiện vẫn còn và Tòa án nhân dân thành phố C thụ lý và giải quyết là đúng thẩm quyền.
[2] Xét kháng cáo của Công ty N, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[2.1] Ông Phạm Thu N1 là người đại diện theo pháp luật của Công ty N rút lại một phần yêu cầu kháng cáo. Công ty N đồng ý Quyết định số 2075 của Giám đốc Công an thành phố C xử lý hành vi tàng trữ đồ chơi nguy hiểm bị cấm là 172 sản phẩm đồ chơi trẻ em bị cấm có hình dạng súng, hình dạng kiếm, hình dạng cung tên, dao, không kháng cáo phần này nữa. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận việc rút phần kháng cáo này và đình chỉ việc xét xử đối với việc Công ty N yêu cầu hủy Quyết định số 2075 của Giám đốc Công an thành phố C xử lý hành vi tàng trữ đồ chơi nguy hiểm bị cấm là 172 sản phẩm đồ chơi trẻ em bị cấm có hình dạng súng, hình dạng kiếm, hình dạng cung tên, dao.
[2.2] Đối với yêu cầu hủy Quyết định số 2075 của Giám đốc Công an thành phố C về xử lý 123 xe đồ chơi trẻ em và 32 xe điện trẻ em:
[2.2.1] Về trình tự, thủ tục ban hành: Ngày 09/01/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế nhận được đơn tố giác của công dân (không rõ họ tên) nêu rõ tại tổ 8, khu vực T, phường T1, quận B, thành phố C có chứa nhiều mặt hàng đồ chơi trẻ em với số lượng lớn, không rõ chất lượng.
Ngày 11/01/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận B, thành phố C ban hành Quyết định số 192/QĐ-KNCG quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại nhà không số, tại tổ 8, khu vực T, phường T1, quận B, thành phố C.
Ngày 12/01/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế tiến hành khám và lập biên bản khám toàn bộ căn nhà không số, tại tổ 8, khu vực T, phường T1, quận B, thành phố C. Sau khi khám xét đã phát hiện và thu giữ 70 (bảy mươi) thùng carton bên trong chứa đồ chơi trẻ em các loại (chưa kiểm tra tình trạng, chất lượng, chủng loại hàng hóa bên trong) không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Ngày 14/01/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế tiếp nhận 05 số hóa đơn số 17, 18, 19 là của Công ty D1 và số 0003114, 0003483 là của Công ty D3.
Ngày 26/01/2022, Công an thành phố C thành lập Hội đồng định giá tài sản số 336/QĐ-TLHĐĐGTS để định giá đối với những hàng hóa đã thu giữ 70 (bảy mươi) thùng carton bên trong chứa đồ chơi trẻ em các loại của Công ty N. Kết quả định giá hàng hóa gồm 123 xe đồ chơi trẻ em và 32 xe điện trẻ em có tổng giá trị 58.634.131 đồng.
Cùng ngày, Phòng Cảnh sát kinh tế lập Biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty N về 02 (hai) hành vi là tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm gồm 172 sản phẩm có hình dạng súng, kiếm, cung tên, dao và hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu gồm 123 xe đồ chơi trẻ em và 32 xe điện trẻ em theo quy định tại Điều 58 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Điều 79 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.
Ngày 27/01/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế ban hành Công văn số 126/TB- CSKT-DD2 có ý kiến đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu gửi Công ty N.
Ngày 28/01/2022, ông Phạm Thu N1 – Giám đốc Công ty N gửi đơn giải trình đến Phòng Cảnh sát kinh tế cho rằng các hàng hóa bị thu giữ không phải là hàng hóa nhập lậu.
Ngày 17/02/2022, Giám đốc Công an thành phố Cban hành Quyết định số 2075 là đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
[2.2.2] Về thời hạn ban hành:
Ngày 26/01/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế lập Biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty N về 02 (hai) hành vi là tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm và kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Do trường hợp này phải giải trình theo quy định tại Điều 61 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) nên ngày 28/01/2022, Công ty N đã có văn bản giải trình. Ngày 17/02/2022, Giám đốc Công an thành phố Cban hành Quyết định số 2075 là trong thời hạn ban hành theo điểm b khoản 1 Điều 66 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
[2.2.3] Về thẩm quyền ban hành:
Hành vi tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm có khung hình phạt từ 5.000.000 đồng – 10.000.000 đồng và hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có khung hình phạt từ 20.000.000 đồng – 30.000.000 đồng thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Giám đốc Công an cấp tỉnh theo quy định tại khoản 5 Điều 69 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ và khoản 5 Điều 83 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ nên Giám đốc Công an thành phố Cban hành Quyết định số 2075 là đúng thẩm quyền.
Người ký quyết định xử phạt tại Quyết định số 2075 không phải do Giám đốc Công an thành phố Cký xử phạt nhưng căn cứ vào Quyết định số 02/QĐ- GQXP ngày 01/01/2022 về việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Phó Giám đốc ông Hồ Trung Lập nên được xác định là đúng người có thẩm quyền ban hành.
[2.2.4] Về nội dung ban hành:
Hành vi kinh doanh hàng hóa là 123 chiếc xe đồ chơi trẻ em và 32 xe điện trẻ em có tổng giá trị 58.634.131 đồng:
Từ ngày bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính (ngày 12/01/2022) đến ngày Công ty N nộp các hóa đơn, chứng từ (ngày 14/01/2022) là đã quá thời hạn nộp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 của Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường: “cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu phải xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ bản chính chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định của pháp luật và Thông tư này...”.
Tuy nhiên, lúc thì Công ty N trình bày đây là hàng hóa do Công ty D1 thuê để làm kho chứa hàng hóa, lúc thì Công ty N cho rằng đây là hàng hóa của hộ kinh doanh N, lúc thì cho rằng đây là hàng hóa của Công ty N đang cất trữ trong kho chưa bán ra thị trường.
123 xe đồ chơi trẻ em và 32 xe điện trẻ em vẫn không có hóa đơn, chứng từ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT- BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định: “hàng hóa nhập khẩu của cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì hàng hóa nhập khẩu bị coi là hàng hóa nhập lậu: a) hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển; đang bày bán; để tại kho, bến, bãi, điểm tập kết mà cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp trong thời hạn quy định tại Điều 3 Thông tư này”.
Ngoài ra, theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Ngoại thương và điểm đ khoản 6 Điều 3 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: “hàng hóa nhập khẩu theo quy định pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán và hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng” nên phải xác định đó là hàng hóa nhập lậu.
Mức phạt tiền được áp dụng đối với Công ty N gấp hai lần mức tiền đối với cá nhân là đúng theo quy định tại Điều 78 của Nghị định số 144/2021/NĐ- CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ và điểm b khoản 4 Điều 4 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hàng hóa của Công ty N bị tịch thu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện nhưng không đáp ứng được điều kiện là phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm và hợp quy.
[3] Từ những phân tích và nhận định nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử đúng pháp luật. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu N kháng cáo không đưa ra được chứng cứ để làm thay đổi nội dung vụ án. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu N, giữ nguyên án sơ thẩm.
[4] Về án phí hành chính phúc thẩm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu N phải chịu án phí do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 229 Luật Tố tụng hành chính năm 2015;
Chấp nhận việc rút phần kháng cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu N và đình chỉ việc xét xử đối với việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu N yêu cầu hủy Quyết định số 2075/QĐ-XPHC ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Giám đốc Công an thành phố Cxử lý hành vi tàng trữ đồ chơi nguy hiểm bị cấm là 172 sản phẩm đồ chơi trẻ em bị cấm có hình dạng súng, hình dạng kiếm, hình dạng cung tên, dao.
Căn cứ các Điều 30; 32; 116; Điều 193; khoản 1 Điều 241; Điều 348 và Điều 349 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án;
Không chấp nhận kháng cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu N. Giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 07/2023/HC- ST ngày 20/3/2023 của Tòa án nhân dân thành phố C, cụ thể như sau:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu N về việc yêu cầu hủy Quyết định số 2075/QĐ-XPHC ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Giám đốc Công an thành phố Cvà buộc giao trả toàn bộ hàng hóa đã tịch thu.
2. Về án phí hành chính sơ thẩm:
Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu N phải chịu 300.000 đồng, được trừ vào số tiền 300.000 đồng (ba trăm ngàn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0000203 ngày 30/3/2022 tại Cục Thi hành án dân sự thành phố C.
3. Về án phí hành chính phúc thẩm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu N phải chịu 300.000 đồng, được trừ vào số tiền 300.000 đồng (ba trăm ngàn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0001713 ngày 27/3/2023 tại Cục Thi hành án dân sự thành phố C.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính số 885/2023/HC-PT
Số hiệu: | 885/2023/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 28/09/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về