Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính số 63/2023/HC-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 63/2023/HC-PT NGÀY 10/02/2023 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH

Ngày 10 tháng 02 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hành chính thụ lý số 245/2022/TLPT-HC ngày 21 tháng 6 năm 2022 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính”.

Do Bản án hành chính sơ thẩm số 29/2020/HC-ST ngày 15 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Q bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 323/2023/QĐ-PT ngày 16 tháng 01 năm 2023, giữa:

* Người khởi kiện có kháng cáo:

1. Ông Lê Văn T; Địa chỉ: Tổ 2, khu H, phường P, TP U, tỉnh Q; có mặt.

2. Ông Nguyễn Đức D; Địa chỉ: Thôn N, xã T1, TP. U, tỉnh Q; có mặt.

3. Ông Vũ Văn V; Địa chỉ: Thôn C, xã C1, thị xã Q1, tỉnh Q; có mặt.

4. Ông Phạm Văn N1; Địa chỉ: Khu Đ, phường P, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

5. Ông Trần Xuân D1; Địa chỉ: Khu H, phường P, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

6. Ông Ngô Văn T2; Địa chỉ: Tổ 3, phường Q2, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

7. Ông Đặng Văn S; Địa chỉ: Khu H, phường P, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

8. Ông Trần Văn T3; Địa chỉ: Khu H, phường P, TP. U, tỉnh Q; có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của những người kháng cáo:

- Ông Nguyễn Đức D; Địa chỉ: Thôn N, xã T1, TP. U, tỉnh Q.

- Ông Lê Văn T; Địa chỉ: Tổ 2, khu H, phường P, TP. U, tỉnh Q.

- Ông Vũ Văn V; Địa chỉ: Thôn C, xã C1, thị xã Q1, tỉnh Q.

Đều có mặt tại phiên tòa.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện: Luật sư Nguyễn Viết Đ1 – Văn phòng luật sư T4, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; có mặt.

* Người bị kiện: Ủy ban nhân dân thành phố U, tỉnh Q.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Tuấn Đ2, chức vụ: Chủ tịch UBND TP U.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Bùi Văn T5, chức vụ: Phó Chủ tịch UBND TP U; có mặt.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị kiện:

- Ông Bùi Đức A, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường thành phố U; có mặt.

- Ông Đào Văn P1, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố U; có mặt.

- Ông Đặng Duy T6, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố U; có mặt.

- Ông Vũ Văn K, Phó phòng Tư pháp thành phố U; vắng mặt.

- Ông Hoàng Huy T7, Chủ tịch UBND phường Y, thành phố U; có mặt.

- Ông Hoàng Ngọc M, Công chức phòng Quản lý đô thị thành phố U; có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ủy ban nhân dân phường P, TP U, tỉnh Q.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Gia T8, chức vụ: Chủ tịch UBND phường P; vắng mặt.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp:

- Ông Nguyễn Văn D2, Phó chủ tịch UBND phường P; có mặt - Bà Nguyễn Kim D3, Công chức Địa chính – Xây dựng – Đô thị và môi trường phường P; có mặt.

3.2. Bà Dương Thị H1; Địa chỉ: Tổ 3, Bạch Đằng 1, phường P, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

3.3. Bà Đặng Thị L; Địa chỉ: Tổ 2, khu H, phường P, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

3.4. Bà Trương Thị P2; Địa chỉ: Thôn N, xã T1, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

3.5. Bà Đặng Thị M1; Địa chỉ: Thông C, xã C1, thị xã Q1, tỉnh Q; vắng mặt.

3.6. Bà Nguyễn Thị H2; Địa chỉ: Khu H, phường P, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

3.7. Bà Hoàng Thị H3; Địa chỉ: Khu II, phường T10, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

3.8. Bà Trần Thị T9; Địa chỉ: Thôn Đ3, xã T11, huyện T12, TP. H4; vắng mặt.

3.9. Bà Trần Thị N2; Địa chỉ: Khu Đ, phường P, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

3.10. Bà Phùng Thị H5; Địa chỉ: Khu H, phường P, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

3.11. Bà Dương Thị N3; Địa chỉ: Thôn D4, xã P3, huyện K1, tỉnh H6; Tạm trú: Khu H, phường P, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

3.12. Bà Nguyễn Thị T13; Địa chỉ: Tổ 3, phường Q2, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

3.13. Bà Bùi Thị D5; Địa chỉ: Khu H, phường P, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

3.14. Ông Nguyễn Văn H7; Địa chỉ: 33/26/73 L1, phường M2, quận N4, TP. H4; vắng mặt.

3.15. Bà Vũ Thị H8; Địa chỉ: Khu H, phường P, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

3.16. Bà Phạm Thị P4; Địa chỉ: Tổ 4, khu C2, phường P5, TP. U, tỉnh Q;vắng mặt.

3.17. Bà Dương Thị L2; Địa chỉ: Khu H, phường P, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

3.18. Bà Lê Thị L3; Địa chỉ: Khu H9, phường P, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

3.19. Bà Trần Thị T14; Địa chỉ: Khu H9, phường P, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

3.20. Bà Phạm Thị N5; Địa chỉ: Khu H9, phường P, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

3.21. Bà Trần Thị Thúy H10; Địa chỉ: Khu H9, phường P, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

3.22. Bà Đặng Thị P6; Địa chỉ: Khu H, phường P, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

3.23. Bà Trần Thị H11; Địa chỉ: Tổ 2, khu H12, phường P, TP. U, tỉnh Q; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Trong đơn khởi kiện và các bản tự khai, Người khởi kiện, người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện trình bày:

Thực hiện Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27/4/2015 của Bộ xây dựng về phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến 2030; Kế hoạch số 1460/KH-UBND ngày 22/3/2016 của UBND tỉnh Q về việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công trên địa bàn tỉnh Q; Nghị quyết số 146/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Q về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công trên địa bàn tỉnh Q. Ngày 28/12/2018 UBND thành phố U ban hành Quyết định số 8108/QĐ-UBND phê duyệt, điều chỉnh đề án: “Hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn thành phố U”.

Tổng số có 36 ống lò nằm trên địa bàn phường P, TP U, tỉnh Q thuộc diện phải giải tỏa theo Quyết định số 8108/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND thành phố U. Tất cả các lò vôi trên đều xây dựng trên phần đất hợp pháp của gia đình hoặc do nhận chuyển nhượng lại. Hoạt động xây dựng và sản xuất diễn ra công khai từ năm 2014 cho đến nay không có bất kỳ biên bản xử phạt hành chính nào từ chính quyền địa phương. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi đã làm đề án xin cấp phép, tuy chưa được cấp chính quyền thành phố U chấp thuận nhưng hàng năm hiệp hội những người sản xuất, kinh doanh vôi vẫn đóng góp vào các hoạt động kinh tế, xã hội chung của thành phố và nhiều năm liền được UBND thành phố U tặng bằng khen. Tính đến thời điểm này, các hộ dân đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn vay ngân hàng, người thân, vay lãi ngoài để đầu tư xây dựng lò vôi, nhà xưởng, băng chuyền, máy móc, nguyên nhiên vật liệu và các trang thiết bị khác với tổng chi phí trung bình một lò vôi là 2 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất của các lò vôi trong những năm gần đây bảo đảm công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương với thu nhập ổn định góp phần vào sự phát triển của phường P và thành phố U. Trong quá trình hoạt động sản xuất, các hộ sản xuất vôi luôn chấp hành tốt các quy định về thuế, đóng và nộp ngân sách đầy đủ. Các lò vôi đều nằm trong hành lang an toàn bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ và phần lớn các lò vôi mới đưa vào sản xuất (từ năm 2014).

Quyết định số 8108/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND thành phố U đã ảnh hưởng trực tiếp nghiêm trọng đến đời sống của hàng nghìn lao động, gây thiệt hại to lớn về mặt kinh tế cho những hộ sản xuất vôi. Quyết định số 8108/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND thành phố U chỉ xem xét hỗ trợ cho các hộ sản xuất kinh doanh vôi phần chi phí tháo dỡ và một số hỗ trợ về nhân công, lao động chứ chưa xem xét hỗ trợ phần thiệt hại mà các hộ sản xuất, kinh doanh vôi bỏ ra để đầu tư, xây dựng và vận hành lò vôi. Lộ trình xóa bỏ lò vôi của thành phố U theo Quyết định số 8108/QĐ-UBND là không hợp lý, không tính đến thiệt hại cho các hộ dân đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh vôi. Việc đưa ra một lộ trình quá ngắn vô hình chung đẩy các hộ sản xuất, kinh doanh vào bờ vực phá sản. Các đơn hàng lớn đồng loạt bị hủy bỏ... tình trạng giao nhận hàng bị đình trệ do vi phạm tiến độ thực hiện hợp đồng dẫn đến việc các hộ sản xuất, kinh doanh vôi bị đối tác phạt với số tiền nhiều tỷ đồng.

Hiện nay, các cấp, các ngành của UBND thành phố U đã chỉ đạo một cách quyết liệt gần như cô lập các hoạt động lưu thông hàng hóa của các hộ sản xuất kinh doanh vôi. Việc làm này đẩy các hộ sản xuất, kinh doanh vôi vào tình cảnh khó khăn. Ngay sau khi có quyết định, các cấp chính quyền đã đồng loạt vào cuộc tiến hành cắt điện, lập rào chắn ngăn không cho nguyên vật liệu vào sản xuất, không cho các chủ lò vôi được đốt lò. Động thái này của các ban ngành thành phố U đã gây thiệt hại rất lớn tới các hộ sản xuất kinh doanh vôi. Cho đến thời điểm này hàng nghìn tấn than đá còn tồn đọng, các đơn hàng đặt mua than đá buộc phải hủy bỏ và hợp đồng ký với các đối tác trước đó không thể triển khai và bị phạt vi phạm, các khoản đầu tư vay ngân hàng, vay lãi ngoài không thể trả được, nhân lực không có việc làm vẫn phải nuôi ăn, ở và trả lương, máy móc, phương tiện lao động han gỉ gần như không thể tiếp tục sử dụng.

Theo đánh giá sơ bộ của 22 chủ lò vôi thì tính đến thời điểm này, hậu quả do Quyết định số 8108/QĐ-UBND của UBND thành phố U ban hành gây ra cho 22 hộ lên đến 12.500.000.000 đồng (Mười hai tỷ năm trăm triệu đồng).

Qua xem xét và nghiên cứu các nội dung văn bản về lộ trình xóa bỏ lò vôi thủ công, xét về mặt chủ trương, chính sách Nhà nước là hết sức đúng đắn, các hộ dân hoàn toàn ủng hộ, chấp thuận chủ trương, cụ thể là Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27/4/2015 của Bộ xây dựng về việc phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, Quyết định số 8108/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND thành phố U đã quá cứng nhắc, không đặt lợi ích của các hộ sản xuất, kinh doanh vôi trực tiếp, không tính được những thiệt hại thực tế các hộ sản xuất, kinh doanh phải gánh chịu và trên hết không bám sát và triển khai theo đúng lộ trình của Bộ Xây dựng đưa ra. Theo Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27/4/2015 của Bộ xây dựng thì Bộ chủ trương chỉ đạo các tỉnh thành đến năm 2020 mới xóa bỏ toàn bộ lò vôi thủ công trên phạm vi toàn quốc. Trước khi tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các lò vôi thủ công trên toàn quốc thì các ban ngành trong tỉnh phải tư vấn và có cơ chế nhằm tạo điều kiện để các hộ sản xuất kinh doanh vôi thủ công chuyển đổi nghề nghiệp theo hướng sản xuất vôi theo công nghệ hiện đại, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về công nghệ và đảm bảo môi trường trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, UBND thành phố U không có bất kỳ sự tư vấn, hướng dẫn và định hướng cho những hộ sản xuất, kinh doanh vôi trong việc chuyển đổi sang sản xuất vôi theo công nghệ hiện đại, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về công nghệ và đảm bảo môi trường trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, UBND thành phố U lại không có bất kỳ sự tư vấn, hướng dẫn và định hướng cho những hộ sản xuất kinh doanh vôi trong việc chuyển đổi sang sản xuất vôi theo công nghệ hiện đại mà chỉ có động thái duy nhất vận động người dân xóa bỏ lò vôi. Như vậy, rõ ràng UBND thành phố U chưa nhận thức đầy đủ tinh thần và nội dung Quyết định 507/QĐ-BXD ngày 27/4/2015 của Bộ Xây dựng về phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Tất cả các lò vôi đều được xây dựng trên phần đất hợp pháp trước đó của gia đình hoặc do nhận chuyển nhượng lại. Hoạt động xây dựng và sản xuất diễn ra công khai từ năm 2014 đến nay không có bất kỳ một biên bản xử phạt vi phạm hành chính nào từ chính quyền địa phương. Trong quá trình hoạt động, các hộ dân đã làm đề án xin cấp phép, tuy chưa được các cấp chính quyền thành phố U chấp thuận nhưng hàng năm hiệp hội những người sản xuất, kinh doanh vôi vẫn đóng góp vào các hoạt động kinh tế, xã hội chung của thành phố và nhiều năm liền vẫn được UBND thành phố U tặng bằng khen. Tính đến thời điểm này, các hộ dân đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn vay của ngân hàng, người thân, ... để đầu tư xây dựng lò vôi, nhà xưởng, băng chuyền, máy móc.. với tổng chi phí trung bình một lò vôi khoảng 2 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất vôi của các hộ dân trong những năm gần đây đã đảm bảo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, góp phần vào sự phát triển của thành phố U. Trong quá trình hoạt động sản xuất, các hộ sản xuất vôi luôn chấp hành tốt các quy định về thuế, đóng và nộp ngân sách đầy đủ, luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo hộ lao động, luôn cải tiến và áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật để giảm thiểu đến mức thấp nhất các tác hại về môi trường. Toàn thể các lò vôi đều không nằm trong hành lang an toàn bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ và phần lớn các lò vôi mới được đầu tư và đưa vào sản xuất từ năm 2014. Việc xóa bỏ lò vôi thủ công gây thiệt hại quá lớn cho các chủ lò vôi, mức hỗ trợ là quá thấp so với mức hỗ trợ của UBND tỉnh Thái Bình là 440 triệu/ ống lò, đề nghị UBND thành phố U xem xét hỗ trợ thêm cho các chủ cơ sở sản xuất vôi theo mức 450 triệu/ống lò. Ngoài ra, mức độ thiệt hại từ Quyết định 8108/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND thành phố U do từng người khởi kiện thống kê:Ông Dương Mạnh C3: 402.600.000đ; Ông Lê Văn T: 560.000.000đ; Ông Nguyễn Đức D: 508.000.000đ; Ông Vũ Văn V: 673.500.000đ; Ông Phạm Văn P7: 826.000.000đ; Ông Nguyễn Văn T15: 349.000.000đ; Ông Nguyễn Văn H13: 410.000.000đ; Ông Phạm Văn N1: 663.000.000đ; Ông Trần Xuân D1: 1.844.000.000đ; Ông Vũ Văn H14: 813.000.000đ; Ông Ngô Văn T2: 380.000.000đ; Ông Lê Văn B: 374.000.000đ; Bà Nguyễn Thị Thanh M3: 265.000.000đ; Ông Đặng Văn S: 1.180.000.000đ; Ông Tống Đức V1: 830.000.000đ; Ông Trần Văn T3: 739.000.000đ; Ông Đặng Văn H15: 213.000.000đ; Ông Phùng Văn B1: 256.000.000đ; Ông Phùng Văn T16: 326.000.000đ; Ông Phạm Hữu H16: 286.200.000đ; Ông Vũ Văn L4: 211.000.000đ; Ông Lương Đình N6: 215.000.000đ.

Vì vậy, những người khởi kiện yêu cầu hủy một phần Quyết định số 8108/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND thành phố U về việc phê duyệt điều chỉnh đề án “Hỗ trợ chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn thành phố U” liên quan đến 22 hộ dân; Buộc UBND thành phố U bồi thường thiệt hại 12.500.000.000đ (Mười hai tỷ năm trăm triệu đồng) cho 22 hộ dân.

* Người bị kiện có quan điểm:

Trên địa bàn thành phố U có tổng số 51 cơ sở; 68 lò (115 ống lò) thuộc địa bàn phường P5 và phường P; Các cơ sở sản xuất vôi được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp (đất trồng lúa, đất nuôi trồng thủy sản, đất khai hoang…) do các hộ gia đình tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, san gạt tạo mặt bằng và xây dựng. Các cơ sở sản xuất vôi đều xây dựng khi không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, không có quy hoạch xây dựng, không có giấy phép xây dựng; sản xuất theo công nghệ lò thủ công; không có thiết kế, tiêu chuẩn, kiểm soát chất lượng; không có cam kết bảo vệ môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm môi trường, an toàn lao động và cháy nổ; Không thực hiện đóng góp nghĩa vụ cho ngân sách về thuế, phí đối với địa phương.

Cụ thể đối với 22 cơ sở sản xuất vôi thủ công có đơn khởi kiện như sau:

(1) Ông Dương Mạnh C3: Xây dựng trên đất NTTS; Đất của ông Dương Thành Đ4 (bố đẻ); Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2014.

(2) Ông Lê Văn T: Xây dựng trên đất nuôi trồng thủy sản (NTTS); Đất thuê của ông Dương Thành Đ4; Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2012.

(3) Ông Nguyễn Đức D: Xây dựng trên đất NTTS; Đất mua lại của ông Đỗ Văn C4; Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2014.

(4) Ông Vũ Văn V: Xây dựng trên đất NTTS; Đất của của ông Đặng Văn D6 (ông nội của vợ); Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2015.

(5) Ông Phạm Văn P7: Xây dựng trên đất nông nghiệp; Đất của ông Đăng Văn H17; Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2012.

(6) Ông Nguyễn Văn T15: Xây dựng trên đất NTTS; Đất mua lại của ông Đỗ Văn C4; Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2014.

(7) Ông Nguyễn Văn H13: Xây dựng trên đất NTTS; Đất thuê của ông Dương Mạnh C3; Lò thuê lại của ông ĐLương Huy K2; Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2012.

(8) Ông Phạm Văn N1: Thuê đất của Công ty cổ phần Phương Mai;

Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2013.

(9) Ông Trần Xuân D1: Có 02 lò vôi xây dựng trên đất NTTS; Đất của ông Phùng Văn T17 (bố vợ); Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng từ năm 2012 đến năm 2014.

(10) Ông Vũ Văn H14: Mượn đất của Công ty cổ phần P (đất GPMB để thực hiện dự án khai thác đá của Công ty); Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2012.

(11) Ông Ngô Văn T2: Mượn đất của Công ty cổ phần P (đất GPMB để thực hiện dự án khai thác đá của Công ty); Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2012 (Lò do ông Đoàn Như Hai xây dựng).

(12) Ông Lê Văn B: Xây dựng trên đất NTTS; Đất thuê lại của ông Đỗ Văn C4; Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2012.

(13) Bà Nguyễn Thị Thanh M3: Xây dựng trên đất NTTS; Đất thuê của ông Đặng Văn S; Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2015.

(14) Ông Đặng Văn S: Xây dựng trên đất NTTS; Đất của ông Đặng Văn D6; Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2011. (15) Ông Tống Đức V1: Xây dựng trên đất NTTS; Đất thuê của ông Đỗ Văn C4; Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2014.

(16) Ông Trần Văn T3: Mượn đất của Công ty cổ phần P (đất GPMB để thực hiện dự án khai thác đá của Công ty); Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2012.

(17) Ông Đặng Văn H15: Xây dựng trên đất nông nghiệp của gia đình;

Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2012.

(18) Ông Phùng Văn B1: Xây dựng trên đất NTTS; Đất của ông Phùng Văn T17 (anh trai); Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2014.

(19) Ông Phùng Văn T16: Xây dựng trên đất NTTS; Đất của ông Phùng Văn T17 (anh trai); Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2014.

(20) Ông Phạm Hữu H16: Xây dựng trên đất NTTS; Đất của ông Sáng đã được Công ty cổ phần P đền bù, GPMB; Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2012.

(21) Ông Vũ Văn L4: Xây dựng trên đất NTTS; Mua lại đất của ông Đặng Văn S; Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2014.

(22) Ông Lương Đình N6: Xây dựng trên đất NTTS (do ông ĐLương Huy K2 xây); Đất mua lại của ông Dương Thành Đ4; Không có Giấy phép xây dựng, thời điểm xây dựng xong trước năm 2009.

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Căn cứ Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Căn cứ Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27/4/2015 của Bộ Xây dựng phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2016, loại bỏ ít nhất 50% số lò thủ công gián đoạn trên cả nước; đến năm 2020, xóa bỏ toàn bộ các lò thủ công gián đoạn và thủ công liên hoàn trên phạm vi toàn quốc.

Ngày 22/3/2016, UBND tỉnh Q đã ban hành Kế hoạch số 1460/KH- UBND về chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công trên địa bàn tỉnh Q. Trong đó, lộ trình giảm dần và đến hết năm 2018, chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất vôi bằng các loại lò nung thủ công trên địa bàn tỉnh, đảm bảo kiểm soát an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, giảm thiểu các tác động ô nhiễm môi trường (khói, bụi, tiếng ồn…) do các lò nung vôi thủ công gây ra.

Trên cơ sở Kế hoạch số 1460/KH-UBND ngày 22/3/2016 của UBND tỉnh Q. Ngày 30/8/2016 UBND thành phố U đã ban hành Kế hoạch số 164/KH- UBND về chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công trên địa bàn thành phố U. Bên cạnh đó, UBND thành phố U đề nghị UBND tỉnh có phương án hỗ trợ và chuyển đổi nghề nghiệp cho cơ sở sản xuất vôi thủ công và người lao động.

Căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo Kết luận số 69/TB-UBND ngày 17/3/2017 của đồng chí Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình hoạt động của các lò vôi thủ công trên địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu UBND các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương trình các Sở, ngành có liên quan thẩm định báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến trược khi phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Q, UBND thành phố U đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn thành phố U” được các Sở, ngành tham gia, thẩm định và UBND tỉnh Q đồng ý tại văn bản số 7246/UBND-XD4 ngày 28/9/2017 “V/v Đề án hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn thành phố U”.

Ngày 27/10/2017, UBND thành phố U ban hành Quyết định số 6208/QĐ- UBND về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn thành phố U”, với tổng kinh phí hỗ trợ là 11.720.420.000đ từ nguồn ngân sách thành phố Tuy nhiên, sau khi ban hành Quyết định số 6208/QĐ-UBND ngày 27/10/2017, quá trình triển khai thực hiện còn gặp vướng mắc (các cơ sở chưa dừng hoạt động theo tiến độ đề ra; việc xác định công suất lò khó khăn do các lò hoạt động tự phát, không theo tiêu chuẩn; các cơ sở còn có ý kiến về mức hỗ trợ; chính sách hỗ trợ chưa được HĐND tỉnh thông qua).

Để giảm bớt khó khăn cho các cơ sở sản xuất vôi thủ công và người lao động, trên cơ sở đề nghị của UBND thành phố U và các địa phương có lò vôi thủ công, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở và các địa phương xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động của các lò vôi thủ công để UBND tỉnh Q trình HĐND tỉnh Q.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở ban ngành và UBND các địa phương xây dựng cơ chế chính sách, báo cáo UBND tỉnh, UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND) khóa XIII - Kỳ họp thứ 9 thông qua về cơ chế chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động của các lò vôi thủ công trên địa bàn tỉnh Q đảm bảo đúng trình tự và thủ tục.

Ngày 07/12/2018, HĐND tỉnh Q ban hành Nghị quyết số 146/2018/NQ- HĐND về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn tỉnh Q. Trong đó quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nội dung chính sách hỗ trợ (gồm hỗ trợ chi phí tháo dỡ, khôi phục mặt bằng; hỗ trợ người lao động; hỗ trợ dừng sản xuất chuyển đổi nghề; hỗ trợ vay vốn để chuyển đổi nghề) với lộ trình chấm dứt hoạt động hoàn thành trước ngày 31/01/2019 và hoàn thành việc tháo dỡ, khôi phục lại mặt bằng trước ngày 31/3/2019.

Trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành, ngày 28/12/2018, UBND thành phố U ban hành Quyết định số 8108/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Đề án “Hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn thành phố U” với tổng kinh phí thực hiện Đề án là 25.868.736.800 đồng từ nguồn ngân sách thành phố (tăng 14.148.316.800 đồng so với Đề án hỗ trợ tại Quyết định số 6208/QĐ-UBND ngày 27/10/2017) đảm bảo đúng các quy định tại Nghị quyết số 146/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh Q.

Từ những phân tích nêu trên khẳng định: Trình tự, thủ tục ban hành Quyết định số 8108/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND thành phố U về việc phê duyệt điều chỉnh Đề án “Hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn thành phố U” là đúng trình tự thủ tục và đúng quy định của pháp luật. Việc triển khai thực hiện Đề án, UBND thành phố U thực hiện đảm bảo đúng các quy định.

Yêu cầu khởi kiện của 22 chủ cơ sở sản xuất vôi thủ công, yêu cầu hủy một phần Quyết định số 8108/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND thành phố U về việc phê duyệt điều chỉnh Đề án “Hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn thành phố U” và yêu cầu bồi thường thiệt hại là không có căn cứ.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ủy ban nhân dân phường P, TP U có quan điểm: Thống nhất với quan điểm của UBND thành phố U.

- Các ông (bà) Dương Thị H1, Bà Đặng Thị L, Bà Trương Thị P2, Bà Đặng Thị M1, Bà Nguyễn Thị H2, Bà Hoàng Thị H3, Bà Trần Thị T9, Bà Trần Thị N2, Bà Phùng Thị H5, Bà Dương Thị N3, Bà Nguyễn Thị T13, Bà Bùi Thị D5, Ông Nguyễn Văn H7, Bà Vũ Thị H8, Bà Phạm Thị P4, Bà Dương Thị L2, Bà Lê Thị L3, Bà Trần Thị T14, Bà Phạm Thị N5, Bà Trần Thị Thúy H10, Bà Đặng Thị P6, Bà Trần Thị H11: Tòa án đã có văn bản yêu cầu giao nộp tài liệu chứng cứ nhưng các ông (bà) trên đã không thực hiện nghĩa vụ cung cấp bản tự khai và các tài liệu, chứng cứ. Tuy nhiên quá trình triệu tập đều vắng mặt và không giao nộp quan điểm cùng các tài liệu chứng cứ.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 29/2020/HC-ST ngày 15 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Q đã quyết định:

Căn cứ vào điểm a, khoản 2, Điều 193 của Luật tố tụng hành chính năm 2015. Căn cứ vào khoản 1, Điều 32 của Nghị quyết số 326/2016/UBNTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Xử. Bác yêu cầu khởi kiện của các ông (bà): Ông Dương Mạnh C3, ông Lê Văn T, ông Nguyễn Đức D, ông Vũ Văn V, ông Phạm Văn P7, ông Nguyễn Văn T15, ông Nguyễn Văn H13, ông Phạm Văn N1, ông Trần Xuân D1, ông Vũ Văn H14, ông Ngô Văn T2, ông Lê Văn B, Bà Nguyễn Thị Thanh M3, ông Đặng Văn S, ông Tống Đức V1, ông Trần Văn T3, ông Đặng Văn H15, ông Phùng Văn B1, ông Phùng Văn T16, ông Phạm Hữu H16, ông Vũ Văn L4, ông Lương Đình N6 về việc Yêu cầu hủy một phần Quyết định số 8108/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND thành phố U về việc phê duyệt điều chỉnh Đề án “Hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn thành phố U” và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 29/6/2020, những người khởi kiện là ông Lê Văn T, Nguyễn Đức D, Vũ Văn V, Phạm Văn N1, Trần Xuân D1, Ngô Văn T2, Đặng Văn S, Trần Văn T3 có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện, hủy các quyết định hành chính bị khiếu kiện.

Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người bị kiện đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội: Sau khi đánh giá tính hợp pháp của các quyết định hành chính bị khiếu kiện, phân tích tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính, bác kháng cáo của người khởi kiện, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của các bên đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự, sau khi thảo luận và nghị án;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về pháp luật tố tụng: Căn cứ vào đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo của người khởi kiện Yêu cầu hủy một phần Quyết định số 8108/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND thành phố U về việc phê duyệt điều chỉnh Đề án “Hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn thành phố U” (Sau đây gọi tắt là Quyết định số 8108/QĐ- UBND ngày 28/12/2018 của UBND thành phố U) và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đây là Quyết định hành chính và là Quyết định hành chính bị kiện, việc khởi kiện còn trong thời hiệu, Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án đã đảm bảo đúng quy định tại khoản 2, Điều 3; Điều 32 và Điều 116 của Luật tố tụng hành chính.

Đối với các Quyết định số 1460/KH-UBND ngày 22/3/2016 của UBND thành phố U “về việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công trên địa bàn tỉnh Q”; Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 30/8/2016 của UBND thành phố U “về việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung vôi thủ công trên địa bàn thành phố U”; Quyết định số 6208/QĐ-UBND ngày 27/10/2017 của UBND thành phố U về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn thành phố U” (Sau đây gọi tắt là Quyết định số 1460/KH-UBND ngày 22/3/2016, Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 30/8/2016, Quyết định số 6208/QĐ-UBND ngày 27/10/2017) không bị khiếu kiện nhưng là các quyết định có liên quan đến quyết định bị khởi kiện nên Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm xem xét tính hợp pháp của các Quyết định này theo quy định của Luật tố tụng hành chính là phù hợp.

[1.1]. Sau khi xét xử sơ thẩm có 11 người khởi kiện có đơn kháng cáo. Tuy nhiên trong đó có ông Lê Văn B không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm; ông Tống Đức V1 và bà Nguyễn Thị Thanh M3 nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm không đúng thời hạn. Tại Quyết định số 40/2020/QĐ-PT ngày 07/10/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã không chấp nhận kháng cáo quá hạn của các ông bà có tên trên.

[1.2]. Tại phiên tòa phúc thẩm một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Căn cứ Điều 225 Luật tố tụng hành chính, Hội đồng xét xử quyết định tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.

[2]. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét tính hợp pháp của Quyết định số 8108/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND thành phố U. Theo đó các Quyết định số 8108/QĐ-UBND ngày 28/12/2018; Quyết định số 1460/KH-UBND ngày 22/3/2016; Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 30/8/2016; Quyết định số 6208/QĐ-UBND của UBND thành phố U được ban hành đúng trình tự, thủ tục và đúng thẩm quyền quy định tại Điều 28, 52, 56 Luật tổ chức chính quyền địa phương.

[3]. Về nội dung:

Theo Quyết định số 8108/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND thành phố U thì tổng kinh phí thực hiện Đề án là 25.868.736.800đ từ nguồn ngân sách thành phố (tăng 14.148.316.800 đồng so với Đề án hỗ trợ tại Quyết định số 6208/QĐ-UBND ngày 27/10/2017). Trong đó nội dung hỗ trợ cụ thể như sau:

- Hỗ trợ chi phí tháo dỡ, khôi phục mặt bằng:

+ Đối tượng và điều kiện: Chủ cơ sở, doanh nghiệp có lò sản xuất vôi thủ công phải chấm dứt hoạt động trước ngày 31/01/2019 và hoàn thành việc tháo dỡ, khôi phục mặt bằng trước ngày 31/3/2019 trên địa bàn thành phố U.

+ Đơn giá hỗ trợ: Đơn giá bằng 165.000 đồng/m3 thể tích lò (Đơn giá này đã bao gồm chi phí tháo dỡ lò, thiết bị, nhà xưởng, khôi phục mặt bằng, vận chuyển phế thải và các chi phí liên quan khác).

+ Mức hỗ trợ: Mức hỗ trợ được tính bằng thể tích toàn khối (nổi) của lò nhan (x) với đơn giá hỗ trợ. Thể tích toàn khối của lò được tính bằng tiết diện trung bình của vỏ lò nhân (x) với chiều cao trung bình của lò.

+ Phương thức và thời điểm hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp cho chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất vôi bằng lò nung thủ công sau khi đã hoàn thành việc tháo dỡ, khôi phục mặt bằng và vận chuyển phế thải đúng nơi quy định.

- Hỗ trợ dừng sản xuất để chuyển đổi nghề:

+ Điều kiện hỗ trợ: Chủ cơ sở, doanh nghiệp đồng thời là người trực tiếp lao động tại các cơ sở sản xuất chấm dứt hoạt động.

+ Mức hỗ trợ: Mức hỗ trợ bằng 03 tháng lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định số 141/2017/NĐ-CP ngày 07/12/2017 của Chính phủ (Tại thời điểm phê duyệt Đề án điều chỉnh, lương tối thiểu vùng trên địa bàn thành phố U là 3,530 triệu đồng/tháng).

+ Phương thức hỗ trợ: Mỗi cơ sở sản xuất chỉ được hỗ trợ 01 lần, 01 người đối với các chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất.

- Hỗ trợ vay vốn để chuyển đổi nghề:

+ Điều kiện hỗ trợ: Chủ cơ sở, doanh nghiệp có hộ khẩu thường trú tại Q; Người lao động có hộ khẩu thường trú tại Q trực tiếp làm việc tại các cơ sở sản xuất.

+ Phương thức hỗ trợ: Chủ cơ sở, doanh nghiệp có cơ sở sản xuất và người lao động được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Q.

+ Thời gian thực hiện: Việc vay vốn chỉ được thực hiện trong năm 2019.

+ Nguồn vốn cho vay: Ngân sách tỉnh bố trí vốn năm 2019 để uỷ thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Q triển khai cho vay.

- Hỗ trợ đối với người lao động:

+ Điều kiện hỗ trợ: Người lao động ký kết hợp đồng lao động với cơ sở, có bảng chấm công, trả lương, xác nhận của chủ lò và xác nhận của UBND phường quản lý.

+ Mức hỗ trợ: Đối với người lao động có thời gian làm việc tại các lò vôi trên địa bàn thành phố trên 36 tháng và liên tục tại 01 cơ sở trên 12 tháng: Mức hỗ trợ bằng 03 tháng lương tối thiểu vùng (10,590 triệu đồng/01 lao động). Đối với người lao động có thời gian làm việc tại các lò vôi trên địa bàn thành phố trên 36 tháng và liên tục tại 01 cơ sở trên 6 tháng: Mức hỗ trợ bằng 1,5 tháng lương tối thiểu vùng (5,295 triệu đồng/01 lao động).

+ Phương thức hỗ trợ: Mỗi lao động chỉ được hỗ trợ 01 lần, do không còn làm việc tại các cơ sở sản xuất vôi thủ công dừng hoạt động để chuyển đổi ngành nghề khác.

Cụ thể:

[3.1]. Cơ sở Ông Lê Văn T:

- Hỗ trợ tháo dỡ, khôi phục mặt bằng: Căn cứ Biên bản kiểm đếm xác định khối lượng tháo dỡ lò vôi ngày 24/12/2018; Phương án hỗ trợ chi phí tháo dỡ lò vôi thủ công do Trung tâm phát triển quỹ đất lập ngày 23/01/2019; Tờ trình phê duyệt phương án hỗ trợ tháo dỡ lò vôi thủ công tại Tờ trình số 35/TTr- TTĐ ngày 31/01/2019 (Tổ Thẩm định thành lập theo Quyết định số 95/QĐ- UBND ngày 08/01/2019 ngày 08/01/2019 của UBND thành phố); Quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ chi phí tháo dỡ, khôi phục mặt bằng số 613/QĐ- UBND ngày 31/01/2019 của UBND thành phố cho cơ sở ông Lê Văn T, số tiền là: 167.805.000đ - Hỗ trợ vận chuyển đá, than xít còn tồn: Đã kiểm đếm xác định khối lượng đá, than xít còn tồn. Hiện đang lập phương án hỗ trợ theo quy định. [3.2]. Cơ sở ông Nguyễn Đức D:

- Hỗ trợ tháo dỡ, khôi phục mặt bằng: Căn cứ Biên bản kiểm đếm xác định khối lượng tháo dỡ lò vôi ngày 24/12/2018 và 19/02/2019; Phương án hỗ trợ chi phí tháo dỡ lò vôi thủ công do Trung tâm phát triển quỹ đất lập ngày 23/01/2019 và ngày 25/02/2019; Tờ trình phê duyệt phương án hỗ trợ tháo dỡ lò vôi thủ công tại Tờ trình số 25/TTr-TTĐ ngày 31/01/2019 và Tờ trình số 65/TTr-TTĐ ngày 14/03/2019 (Tổ Thẩm định thành lập theo Quyết định số 95/QĐ-UBND ngày 08/01/2019 ngày 08/01/2019 của UBND thành phố); Quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ chi phí tháo dỡ, khôi phục mặt bằng số 603/QĐ-UBND ngày 25/01/2019 và số 1092/QĐ-UBND ngày 14/03/2019 của UBND thành phố; Biên bản xác nhận hoàn thành tháo dỡ xong lò vôi ngày 30/3/2019;

Ngày 25/4/2019 UBND thành phố đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ tháo dỡ, khôi phục mặt bằng cho cơ sở ông Nguyễn Đức D, số tiền là: 253.979.000đ.

- Hỗ trợ vận chuyển đá, than xít còn tồn: Đã kiểm đếm xác định khối lượng đá, than xít còn tồn. Hiện đang lập phương án hỗ trợ theo quy định. [3.3]. Cơ sở ông Vũ Văn V:

- Hỗ trợ tháo dỡ, khôi phục mặt bằng: Căn cứ Biên bản kiểm đếm xác định khối lượng tháo dỡ lò vôi ngày 24/12/2018; Phương án hỗ trợ chi phí tháo dỡ lò vôi thủ công do Trung tâm phát triển quỹ đất lập ngày 23/01/2019; Tờ trình phê duyệt phương án hỗ trợ tháo dỡ lò vôi thủ công tại Tờ trình số 39/TTr- TTĐ ngày 31/01/2019 (Tổ Thẩm định thành lập theo Quyết định số 95/QĐ- UBND ngày 08/01/2019 ngày 08/01/2019 của UBND thành phố); Quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ chi phí tháo dỡ, khôi phục mặt bằng số 617/QĐ- UBND ngày 31/01/2019 của UBND thành phố; Biên bản xác nhận hoàn thành tháo dỡ xong lò vôi ngày 22/4/2019.

Ngày 22/4/2019 UBND thành phố đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ tháo dỡ, khôi phục mặt bằng cho cơ sở ông Vũ Văn V, số tiền là: 171.055.000đ.

- Hỗ trợ vận chuyển đá, than xít còn tồn: Căn cứ Biên bản kiểm đếm xác định khối lượng đá, than xít còn tồn ngày 05/3/2019; Phương án hỗ trợ thực hiện bốc xúc, vận chuyển đá than xít còn tồn do Trung tâm phát triển quỹ đất lập ngày 22/4/2019; Tờ trình phê duyệt phương án hỗ trợ bốc xúc, vận chuyển đá than xít còn tồn tại Tờ trình số 87/TTr-TTĐ ngày 23/4/2019; UBND thành phố U đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ bốc xúc, vận chuyển đá than xít còn tồn số 2433/QĐ-UBND ngày 23/4/2019 cho cơ sở ông Vũ Văn V, số tiền là: 48.892.000đ;

[3.4]. Cơ sở ông Phạm Văn N1:

- Hỗ trợ tháo dỡ, khôi phục mặt bằng: Căn cứ Biên bản kiểm đếm xác định khối lượng tháo dỡ lò vôi ngày 24/12/2018 và 19/02/2019; Phương án hỗ trợ chi phí tháo dỡ lò vôi thủ công do Trung tâm phát triển quỹ đất lập ngày 23/01/2019 và ngày 25/02/2019; Tờ trình phê duyệt phương án hỗ trợ tháo dỡ lò vôi thủ công tại Tờ trình số 37/TTr-TTĐ ngày 31/01/2019 và Tờ trình số 64/TTr-TTĐ ngày 14/03/2019 (Tổ Thẩm định thành lập theo Quyết định số 95/QĐ-UBND ngày 08/01/2019 ngày 08/01/2019 của UBND thành phố); Quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ chi phí tháo dỡ, khôi phục mặt bằng số 615/QĐ-UBND ngày 31/01/2019 và số 1091/QĐ-UBND ngày 14/03/2019 của UBND thành phố; Biên bản xác nhận hoàn thành tháo dỡ xong lò vôi ngày 22/3/2019.

Ngày 25/3/2019 UBND thành phố đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ tháo dỡ, khôi phục mặt bằng cho cơ sở ông Phạm Văn N1, số tiền là: 96.127.000đ.

- Hỗ trợ vận chuyển đá, than xít còn tồn: Căn cứ Biên bản kiểm đếm xác định khối lượng đá, than xít còn tồn ngày 05/3/2019; Phương án hỗ trợ thực hiện bốc xúc, vận chuyển đá than xít còn tồn do Trung tâm phát triển quỹ đất lập ngày 12/4/2019; Tờ trình phê duyệt phương án hỗ trợ bốc xúc, vận chuyển đá than xít còn tồn tại Tờ trình số 79/TTr-TTĐ ngày 23/4/2019; UBND thành phố U đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ bốc xúc, vận chuyển đá than xít còn tồn số 2425/QĐ-UBND ngày 23/4/2019 của UBND thành phố cho cơ sở ông Phạm Văn N1, số tiền là: 97.302.000đ.

[3.5]. Cơ sở ông Trần Xuân D1:

- Hỗ trợ tháo dỡ, khôi phục mặt bằng: Căn cứ Biên bản kiểm đếm xác định khối lượng tháo dỡ lò vôi ngày 19/02/2019 và 01/4/2019; Phương án hỗ trợ chi phí tháo dỡ lò vôi thủ công do Trung tâm phát triển quỹ đất lập ngày 25/02/2019 và ngày 09/4/2019; Tờ trình phê duyệt phương án hỗ trợ tháo dỡ lò vôi thủ công tại Tờ trình số 72/TTr-TTĐ ngày 17/4/2019 và Tờ trình số 55/TTr- TTĐ ngày 14/03/2019 (Tổ Thẩm định thành lập theo Quyết định số 95/QĐ- UBND ngày 08/01/2019 ngày 08/01/2019 của UBND thành phố); Quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ chi phí tháo dỡ, khôi phục mặt bằng số 1694/QĐ- UBND ngày 17/4/2019 và số 1081/QĐ-UBND ngày 14/03/2019 của UBND thành phố; Biên bản xác nhận hoàn thành tháo dỡ xong lò vôi ngày 31/3/2019;

Ngày 25/4/2019 UBND thành phố đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ tháo dỡ, khôi phục mặt bằng cho cơ sở ông Trần Xuân D1, số tiền là: 328.330.000đ.

- Hỗ trợ vận chuyển đá, than xít còn tồn: Đã kiểm đếm xác định khối lượng đá, than xít còn tồn. Hiện đang lập phương án hỗ trợ theo quy định. [3.6]. Cơ sở ông Ngô Văn T2:

- Hỗ trợ tháo dỡ, khôi phục mặt bằng: Căn cứ Biên bản kiểm đếm xác định khối lượng tháo dỡ lò vôi ngày 24/12/2018; Phương án hỗ trợ chi phí tháo dỡ lò vôi thủ công do Trung tâm phát triển quỹ đất lập ngày 23/01/2019; Tờ trình phê duyệt phương án hỗ trợ tháo dỡ lò vôi thủ công tại Tờ trình số 42/TTr- TTĐ ngày 31/01/2019 (Tổ Thẩm định thành lập theo Quyết định số 95/QĐ- UBND ngày 08/01/2019 ngày 08/01/2019 của UBND thành phố); Quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ chi phí tháo dỡ, khôi phục mặt bằng số 620/QĐ- UBND ngày 31/01/2019 của UBND thành phố; Biên bản xác nhận hoàn thành tháo dỡ xong lò vôi ngày 14/3/2019;

Ngày 26/3/2019 UBND thành phố đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ tháo dỡ, khôi phục mặt bằng cho cơ sở ông Ngô Văn T2, số tiền là: 255.745.000đ.

- Hỗ trợ vận chuyển đá, than xít còn tồn: Đã kiểm đếm xác định khối lượng đá, than xít còn tồn. Hiện đang lập phương án hỗ trợ theo quy định. [3.7]. Cơ sở ông Đặng Văn S:

- Hỗ trợ tháo dỡ, khôi phục mặt bằng: Căn cứ Biên bản kiểm đếm xác định khối lượng tháo dỡ lò vôi ngày 28/02/2019 và ngày 24/12/2018; Phương án hỗ trợ chi phí tháo dỡ lò vôi thủ công do Trung tâm phát triển quỹ đất lập ngày 23/01/2019 và ngày 01/3/2019; Tờ trình phê duyệt phương án hỗ trợ tháo dỡ lò vôi thủ công tại Tờ trình số 60/TTr-TTĐ ngày 14/3/2019 và Tờ trình số 32/TTr- TTĐ ngày 31/01/2019 (Tổ Thẩm định thành lập theo Quyết định số 95/QĐ- UBND ngày 08/01/2019 ngày 08/01/2019 của UBND thành phố); Quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ chi phí tháo dỡ, khôi phục mặt bằng số 610/QĐ- UBND ngày 31/01/2019 và số 1086/QĐ-UBND ngày 14/03/2019 của UBND thành phố; Biên bản xác nhận hoàn thành tháo dỡ xong lò vôi ngày 30/3/2019;

Ngày 11/4/2019 UBND thành phố đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ tháo dỡ, khôi phục mặt bằng cho cơ sở ông Đặng Văn S, số tiền là: 168.057.000đ.

- Hỗ trợ vận chuyển đá, than xít còn tồn: Đã kiểm đếm xác định khối lượng đá, than xít còn tồn. Hiện đang lập phương án hỗ trợ theo quy định. [3.8]. Cơ sở ông Trần Văn T3:

- Hỗ trợ tháo dỡ, khôi phục mặt bằng: Căn cứ Biên bản kiểm đếm xác định khối lượng tháo dỡ lò vôi ngày 24/12/2018; Phương án hỗ trợ chi phí tháo dỡ lò vôi thủ công do Trung tâm phát triển quỹ đất lập ngày 23/01/2019; Tờ trình phê duyệt phương án hỗ trợ tháo dỡ lò vôi thủ công tại Tờ trình số 23/TTr- TTĐ ngày 31/01/2019 (Tổ Thẩm định thành lập theo Quyết định số 95/QĐ- UBND ngày 08/01/2019 ngày 08/01/2019 của UBND thành phố); Quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ chi phí tháo dỡ, khôi phục mặt bằng số 601/QĐ- UBND ngày 31/01/2019 của UBND thành phố; Biên bản xác nhận hoàn thành tháo dỡ xong lò vôi ngày 21/3/2019;

Ngày 25/3/2019 UBND thành phố đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ tháo dỡ, khôi phục mặt bằng cho cơ sở ông Trần Văn T3, số tiền là: 142.543.000đ.

- Hỗ trợ vận chuyển đá, than xít còn tồn: Căn cứ Biên bản kiểm đếm xác định khối lượng đá, than xít còn tồn ngày 05/3/2019; Phương án hỗ trợ thực hiện bốc xúc, vận chuyển đá than xít còn tồn do Trung tâm phát triển quỹ đất lập ngày 12/4/2019 Tờ trình phê duyệt phương án hỗ trợ bốc xúc, vận chuyển đá than xít còn tồn tại Tờ trình số 78/TTr-TTĐ ngày 23/4/2019; UBND thành phố U đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ bốc xúc, vận chuyển đá than xít còn tồn số 2424/QĐ-UBND ngày 23/4/2019 của UBND thành phố cho cơ sở ông Trần Văn T3, số tiền là: 119.692.000đ.

* Về công tác hỗ trợ chuyển đổi nghề: Theo quy định tại Nghị quyết số 146/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 và Nghị quyết số 199/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh Q thời gian hỗ trợ cho vay vốn để chuyển đổi nghề đối với chủ cơ sở và người lao động có thời hạn trong năm 2019.

Tuy nhiên, hiện nay một số cơ sở sản xuất vôi chưa được cấp phép hành nghề và phê duyệt Đề án chuyển đổi nên chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, bởi có những cơ sở sản xuất vôi thủ công có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề tại chỗ, tại vị trí sản xuất vôi thủ công đã tháo dỡ, khôi phục mặt bằng khu Vành Kiệu 1, phường P nằm trong vị trí dự kiến Quy hoạch tiểu khu G1 thuộc phân khu G chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương, phê duyệt Quy hoạch (hiện nay UBND tỉnh có chủ trương nghiên cứu Tuyến đường ven sông đoạn từ đường cao tốc Hạ Long - H4 đến đường dẫn Cầu Triều để kết nối giao thông giữa các địa phương: Hạ Long, Q1, U, Đông Triều. Dự kiến hướng tuyến nghiên cứu có đi qua khu vực Quy hoạch tiểu khu G1. Do đó, UBND tỉnh, Sở Xây dựng và các Sở ngành đang xem xét cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch cho phù hợp với thực tế nên chưa phê duyệt Quy hoạch tiểu khu G1). Hiện đang đề nghị với Sở XD, Sở Tài chính, UBND tỉnh Q: Gia hạn thời gian hỗ trợ cho vay vốn để chuyển đổi nghề đến ngày 30/9/2020.

Bên cạnh việc hỗ trợ theo đúng Đề án “Hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn thành phố U”, căn cứ vào tình hình điều kiện thực tế, để giảm bớt khó khăn cho các chủ cơ sở sản xuất vôi thủ công, UBND thành phố đã thực hiện nhiều các nội dung khác để hỗ trợ tối đa cho các cơ sở sản xuất, cụ thể:

- Ngày 30/7/2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 199/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm 2019, trong đó có nội dung: “Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 146/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với các lò vôi đã dừng hoạt động và phá dỡ trước thời điểm ngày 15/5/2019 trên địa bàn tỉnh theo Báo cáo số 130/BC-UBND ngày 18/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh”.

- Báo cáo Tỉnh cho phép hỗ trợ chi phí vận chuyển đá, than xít còn tồn của các cơ sở sau khi chấm dứt hoạt động từ nguồn ngân sách thành phố.

Sau khi được UBND tỉnh đồng ý, ngày 01/4/2019, UBND thành phố U ban hành Quyết định số 1466/QĐ-UBND ngày 01/4/2019 về việc phê duyệt điều chỉnh bổ sung Đề án “Hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn thành phố U” theo Quyết định số 8108/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND thành phố U, với tổng kinh phí điều chỉnh là 27.439.000.000đ. Trong đó, bổ sung hỗ trợ vận chuyển đá, than xít còn tồn của các cơ sở với mức hỗ trợ 60.000đ/m3; kinh phí hỗ trợ vận chuyển là 3.690.000.000đ.

Trên cơ sở xác định nguồn gốc, quá trình xây dựng và sản xuất vôi của các hộ: Các cơ sở sản xuất vôi được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp (đất trồng lúa, đất nuôi trồng thủy sản, đất khai hoang…) do các hộ gia đình tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, san gạt tạo mặt bằng và xây dựng. Các cơ sở đều xây dựng khi không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, không có quy hoạch xây dựng, không có giấy phép xây dựng; sản xuất theo công nghệ lò thủ công; không có thiết kế, tiêu chuẩn, kiểm soát chất lượng; không có cam kết bảo vệ môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm môi trường, an toàn lao động và cháy nổ. Và đều không thực hiện đóng góp nghĩa vụ cho ngân sách về thuế, phí đối với địa phương.

Căn cứ Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 507/QĐ- BXD ngày 27/4/2015 của Bộ Xây dựng phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, UBND thành phố U đã ban hành các Quyết định số 1460/KH-UBND ngày 22/3/2016 “Về việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công trên địa bàn tỉnh Q”; Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 30/8/2016 “về việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung vôi thủ công trên địa bàn thành phố U”; Quyết định số 6208/QĐ-UBND ngày 27/10/2017 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn thành phố U” của UBND thành phố U đúng quy định của pháp luật.

Người khởi kiện không đưa ra được các căn cứ để chứng minh Quyết định số 8108/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 và các quyết định hành chính có liên quan của UBND thành phố U ban hành là trái pháp luật. Mặt khác, những người khởi kiện yêu cầu UBND thành phố U phải bồi thường thiệt hại do Quyết định số 8108/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND thành phố U gây ra nhưng cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho thiệt hại thực tế của mình.

Từ các phân tích trên Hội đồng xét xử xét thấy các Quyết định số 8108/QĐ-UBND ngày 28/12/2018; Quyết định số 1460/KH-UBND ngày 22/3/2016; Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 30/8/2016; Quyết định số 6208/QĐ-UBND ngày 27/10/2017 của UBND thành phố U là đúng quy định của pháp luật nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của những người khởi kiện, ý kiến của người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện về việc hủy một phần Quyết định số 8108/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND thành phố U và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

[4] Về án phí: Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên những người khởi kiện là ông Lê Văn T, Nguyễn Đức D, Vũ Văn V, Phạm Văn N1, Trần Xuân D1, Ngô Văn T2, Đặng Văn S, Trần Văn T3 phải chịu án phí hành chính phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, Căn cứ vào khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính; Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, án phí và lệ phí Tòa án.

QUYẾT ĐỊNH

1. Bác kháng cáo của những người khởi kiện là ông Lê Văn T, Nguyễn Đức D, Vũ Văn V, Phạm Văn N1, Trần Xuân D1, Ngô Văn T2, Đặng Văn S, Trần Văn T3; giữ nguyên các quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 29/2020/HC-ST ngày 15 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Q.

2. Về án phí: Các ông Vũ Văn V, Trần Xuân D1, Lê Văn T, Nguyễn Đức D, Phạm Văn N1, Trần Văn T3, Ngô Văn T2, Đặng Văn S mỗi ông phải chịu 300.000 đồng án phí hành chính phúc thẩm, được đối trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp lần lượt theo các biên lai thu số 0002187, 0002188, 0002190, 0002193, 0002194, 0002195, 0002196, 0002197 cùng ngày 08/07/2020 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Q.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

185
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính số 63/2023/HC-PT

Số hiệu:63/2023/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 10/02/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về