Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính số 293/2021/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 293/2021/HC-PT NGÀY 10/12/2021 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH

Ngày 10 tháng 12 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 204/2021/TLPT-HC ngày 20 tháng 4 năm 2021 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính”.

Do Bản án hành chính sơ thẩm số: 03/2021/HC-ST ngày 05/01/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 9899/2021/QĐ-PT ngày 19 tháng 11 năm 2021 giữa các đương sự:

* Người khởi kiện: Bà Khúc Thị M - Sinh năm 1961; vắng mặt.

Địa chỉ: Thôn H, xã C, huyện K, tỉnh Thái Bình.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Khúc Thị M: Bà Lê Thị P - Sinh năm 1961; địa chỉ: Thôn X, xã Y, huyện K, tỉnh Thái Bình; có mặt nhưng sau đó đề nghị xét xử vắng mặt.

* Người bị kiện: Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Quốc T - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị Hồng N - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình; (Vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bảo hiểm xã hội huyện K, tỉnh Thái Bình.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Hoàng Nam G - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện K, tỉnh Thái Bình; (Vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, cùng các tài liệu chứng cứ đã xuất trình người khởi kiện là bà Khúc Thị M trình bày: Bà vào ngành giáo dục từ tháng 8/1988 và nhận nhiệm vụ là giáo viên Trường Mầm non xã Cộng Hòa, huyện K, tỉnh Thái Bình đến tháng 4/2016 thì về nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước.

Bà được đóng bảo hiểm truy thu theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình và Sở giáo dục tỉnh Thái Bình, thời gian truy thu từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001, đóng làm 2 lần theo hệ số 1.0, lần một vào năm 2006 và lần hai vào năm 2013. Quá trình đóng bảo hiểm xã hội của bà tổng là 20 năm 03 tháng.

Theo Bản quá trình đóng bảo hiểm xã hội theo số Sổ BHXH 2603002644 do Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình cấp cho bà khi nghỉ hưu thể hiện quá trình đóng bảo hiểm của bà từ tháng 01/1996 đến tháng 12/2001 (thời gian 06 năm) đóng làm 2 lần, lần 1 theo hệ số 1,0 vào năm 2006, lần 2 đóng bổ sung vào năm 2013. Tuy nhiên, khi Bảo hiểm xã hội tỉnh ra Quyết định số 251/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019 có gửi kèm theo 01 Bản quá trình đóng bảo hiểm xã hội theo số Sổ BHXH 2603002644 lại thể hiện quá trình đóng bảo hiểm của bà từ tháng 01/1996 đến tháng 12/2001 (thời gian 06 năm) quy ra tiền Việt Nam đồng từ tháng 01/1996 đến tháng 12/1996 là 120.000 đồng, từ tháng 01/1997 đến tháng 12/2001 là 350.000 đồng. Chính vì việc quy đổi của Bảo hiểm xã hội không đúng dẫn đến tỷ lệ lương hưu hàng tháng của bà bị giảm 285.013 đồng và truy thu 38 tháng = 11.551.310 đồng là không đúng. Việc Bảo hiểm xã hội tự điều chỉnh lương của bà từ hệ số sang tiền đồng Việt Nam mà không thông báo bà biết đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình căn cứ Công văn số 3085 ngày 16/8/2018 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Công văn số 227 ngày 28/3/2019 của liên ngành Sở giáo dục và đào tạo - Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình để ra quyết định điều chỉnh chế độ hưu trí của bà là không đúng vì Công văn số 3085 ngày 16/8/2018 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam không có quyền phủ nhận việc truy thu bảo hiểm xã hội đối với giáo viên mầm non. Theo Công văn số 2150 của Bộ giáo dục và đào tạo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 22/3/2004 tại mục 5 Công văn nêu rõ “Tất cả những người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp sổ bảo hiểm xã hội, phiếu khám chữa bệnh và được hưởng chế độ như công nhân viên chức Nhà nước”. Công văn số 227 ngày 28/3/2019 của liên ngành Sở giáo dục và đào tạo - Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình ban hành là công văn để báo cáo xin ý kiến của UBND tỉnh về việc giải quyết chế độ BHXH đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế Nhà nước không thể làm căn cứ, lý do ra quyết định điều chỉnh lương cho bà được.

Do Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình tự quy đổi thời gian đóng bảo hiểm của bà từ năm 1995 đến năm 2001 từ hệ số đóng bảo hiểm là 1,0 sang tiền đồng Việt Nam là không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của bà. Vì vậy, bà yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 251/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019 về việc điều chỉnh chế độ hưu trí của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình để bà được hưởng lại mức lương thực tế đã lĩnh đến tháng 5/2019.

* Tại đơn đề nghị ngày 06/01/2021, người đại diện theo ủy quyền của bà Khúc Thị M - Bà Lê Thị P trình bày: Giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2001, bảo hiểm của giáo viên mầm non thuộc loại hình bắt buộc, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình đã ghi sổ bảo hiểm bằng hệ số và thu đủ tiền của các giáo viên bằng hệ số. Các giáo viên được đóng tiền truy thu theo Điều 17 Nghị định số 73 của Chính phủ là đúng quy định. Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình đã thực hiện truy thu tiền của giáo viên theo Công văn số 2150/GDĐT-BHXH ngày 22/3/2004, Công văn số 3658/BHXH-BT ngày 17/9/2013, Hướng dẫn số 61/HD-LN ngày 20/02/2003 và Hướng dẫn số 30/HD-LN ngày 11/01/2006 là đúng không sai ở điểm nào. Bảo hiểm xã hội huyện K tự ý làm lại sổ bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của giáo viên là sai. Thu tiền của giáo viên không có biên lai, chứng từ là không đúng trình tự. Trong việc điều chỉnh lương hưu của giáo viên Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình không có dân chủ. Bảo hiểm xã hội tỉnh báo cáo do sai sót nghiệp vụ, hiểu văn bản không đúng dẫn đến ghi sổ bảo hiểm sai, vậy Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình sai thì phải bồi thường hoàn toàn không thể bắt giáo viên phải chịu trách nhiệm. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Khúc Thị M, hủy Quyết định số 251/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019 của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình.

* Người bị kiện Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình có ý kiến trình bày: Bà Khúc Thị M là GVMN Trường Mầm non Cộng Hòa, huyện K, được tham gia đóng BHXH từ tháng 01/2002 theo Quyết định số 81/2002/QĐ-UB và Quyết định số 84/2002/QĐ-UB của UBND tỉnh. Mức tiền lương đóng BHXH hệ số 1,0. Bà Khúc Thị M có quá trình truy thu BHXH như sau:

* Cách tính theo hệ số:

- Tháng 4/2006 thực hiện truy thu BHXH từ tháng 01/1997 đến tháng 12/2001, theo Công văn số 2150/GDĐT-BHXH Ngày 22/3/2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo và BHXH Việt Nam, số tiền truy đóng BHXH theo mức tiền lương và ghi sổ BHXH là hệ số 1,0 tính theo mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm thu nộp. Số tiền truy thu như sau:

Hệ số 1,0 x 350.000 đồng x 60 tháng x 15% = 3.150.000 đồng.

(Tại thời điểm tháng 4/2006 mức lương tối thiểu chung được quy định tại Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ là 350.000 đồng) - Tháng 6/2014 thực hiện truy thu từ tháng 01/1996 đến tháng 12/1996 theo hướng dẫn tại Công văn số 3658/BHXH-BT ngày 17/9/2013 của BHXH Việt Nam, theo đó mức tiền lương và ghi sổ BHXH là hệ số 1,0 và số tiền lãi theo quy định tại Điều 57 Quy định quản lý thu BHXH, BHYT, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cụ thể:

+ Từ tháng 01/1996 đến tháng 12/1996:

Hệ số 1,0 x 120.000 đồng x 12 tháng x 15% = 216.000 đồng; Số tiền lãi tính theo quy định là: 1.184.529 đồng Tổng số tiền truy đóng BHXH và tiền lãi từ 01/1996 - 12/1996 là:

216.000 đồng + 1.184.529 đồng = 1.400.529 đồng - Tổng số tiền truy thu theo quy định (trước khi điều chỉnh) là:

3.150.000 đồng + 1.400.529 đồng = 4.550.529 đồng * Cách tính theo tiền Việt Nam đồng:

Thực hiện Công văn số 3085/BHXH-CSXH, BHXH tỉnh đã kiểm tra, rà soát và điều chỉnh mức tiền lương làm căn cứ đóng và ghi sổ BHXH của bà M từ hệ số sang mức tiền đồng Việt Nam và số tiền phải truy đóng BHXH như sau:

Từ tháng 01/1997 - 12/2001 là 60 tháng, mức tiền lương bằng 350.000 đồng (hệ số 1,0 x 350.000 đồng). Số tiền truy đóng là:

350.000 đồng x 60 tháng x 15% = 3.150.000 đồng.

(Tại thời điểm tháng 4/2006 mức lương tối thiểu chung được quy định tại Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ là 350.000 đồng) Từ tháng 01/1996 đến tháng 12/1996 là 12 tháng, mức đóng tính theo mức tiền lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tương ứng với thời gian truy thu và tiền lãi theo quy định tại Điều 57 Quy định quản lý thu BHXH, BHYT, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cụ thể:

- Từ tháng 01/1996-12/1996, mức tiền lương bằng 120.000 đồng (hệ số 1,0 x 120.000 đồng). Số tiền truy đóng là:

120.000 đồng x 12 tháng x 15% = 216.000 đồng.

(Mức lương tối thiểu chung là 120.000 đồng theo quy định tại Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 26/01/1994 của Chính phủ) - Số tiền lãi tính theo quy định là: 1.184.529 đồng.

- Tổng số tiền truy thu theo quy định (sau khi điều chỉnh) là:

3.150.000 đồng + 216.000 đồng + 1.184.529 đồng = 4.550.529 đồng.

Như vậy, số tiền truy đóng BHXH và tiền lãi của bà Khúc Thị M tính theo mức tiền lương hệ số, quy đổi sang theo mức tiền đồng Việt Nam theo lương tối thiểu không thay đổi. Đến tháng 3/2016, bà M có tổng thời gian tham gia BHXH là 20 năm 03 tháng. Bà M được nghỉ việc hưởng hương hưu theo quy định từ tháng 4/2016.

Việc thu và ghi sổ BHXH đối với bà M giai đoạn từ tháng 01/1996 đến tháng 12/2001 theo mức tiền lương bằng hệ số 1,0 là do sai sót về nghiệp vụ, không đúng quy định tại Công văn số 2150/GDĐT-BHXH ngày 22/3/2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo và BHXH Việt Nam và Công văn số 3658/BHXH-BT ngày 17/9/2013 của BHXH Việt Nam dẫn đến việc giải quyết chế độ hưu trí chưa đúng quy định của Luật BHXH. Trường hợp của bà M khi giải quyết hưu trí theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật BHXH số 58/2014/QH13 là chưa đúng quy định mà phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật bảo hiểm xã hội mới đúng quy định.

- Ngày 16/8/2018 BHXH Việt Nam có Công văn số 3085/BHXH-CSXH về việc chấn chỉnh công tác giải quyết chế độ BHXH đối với GVMN, các bà mẹ, bà dì thuộc Làng trẻ em SOS Việt Nam, BHXH tỉnh đã ban hành Công văn số 1860/BHXH-QLT ngày 31/8/2018 chỉ đạo BHXH huyện, thành phố kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quá trình đóng BHXH của giáo viên mầm non và thực hiện điều chỉnh mức tiền lương ghi sổ BHXH đối với giáo viên mầm non đang tham gia BHXH từ mức lương theo hệ số sang mức lương theo tiền đồng Việt Nam đối với thời gian truy thu BHXH từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001.

Khi điều chỉnh lại mức tiền lương đóng BHXH từ hệ số sang tiền đồng Việt Nam ghi trên sổ BHXH thì diễn biến tiền lương của bà M có 02 quá trình: Vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (tiền đồng Việt Nam), vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (lương theo hệ số), thì việc giải quyết lương hưu đối với bà Khúc Thị M phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật BHXH số 58/2014/QH13 (tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chung của toàn bộ thời gian; trong đó thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian; thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân theo tiền lương tháng đóng BHXH của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu, có hồ sơ cách tính lương hưu kèm theo), tính bình quân tiền lương giải quyết hưu trí cho bà Khúc Thị M theo 02 quá trình:

+ Một là: Thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định từ tháng 01/1996 đến tháng 12/2001: Bà M có thời gian đóng là 72 tháng, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo 02 mức: từ tháng 01/1996 đến tháng 12/1996 là 120.000 đồng; từ tháng 01/1997 đến tháng 12/2001 là 350.000 đồng (tiền đồng Việt Nam).

Theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn, khi giải quyết lương hưu mức tiền lương đóng BHXH của bà M (bằng tiền đồng Việt Nam) được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định tại Điều 63 Luật BHXH số 58/2014/QH13; Điều 10 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ (hệ số điều chỉnh của năm 2016 quy định tại Thông tư số 58/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Tổng thời gian đóng BHXH và tổng mức tiền lương đóng BHXH của bà M được tính cụ thể như sau:

Mức lương đóng BHXH x Mức điều chỉnh x Thời gian đóng BHXH.

Từ 01/1996 đến 12/1996, Thời gian: 12 tháng - Mức lương: 120.000 đồng 120.000 x 3,44 x 12 = 4.953.600 đồng Từ 01/1997 đến 12/1997, Thời gian: 12 tháng - Mức lương: 350.000 đồng 350.000 x 3,33 x 12 = 13.986.000 đồng Từ 01/1998 đến 12/1998, Thời gian: 12 tháng - Mức lương: 350.000 đồng 350.000 x 3,09 x 12 = 12.978.000 đồng Từ 01/1999 đến 12/1999, Thời gian: 12 tháng - Mức lương: 350.000 đồng 350.000 x 2,96 x 12 = 12.432.000 đồng Từ 01/2000 đến 12/2000, Thời gian: 12 tháng - Mức lương: 350.000 đồng 350.000 x 3,01 x 12 = 12.642.000 đồng Từ 01/2001 đến 12/2001, Thời gian: 12 tháng - Mức lương: 350.000 đồng 350.000 x 3,02 x 12 = 12.684.000 đồng Tổng thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định: 72 tháng (06 năm).

Tổng số tiền do người sử dụng lao động quy định: 4.953.600 + 13.986.000 + 12.978.000 + 12.432.000 + 12.642.000 + 12.684.000 = 69.675.600 đồng.

+ Hai là: Thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ tháng 01/2002 đến tháng 03/2016: Mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của bà M theo hệ số thang bảng lương Nhà nước. Mức bình quân tiền lương của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu của bà M bằng 2.415.958 đồng.

Khi giải quyết lương hưu cho Bà M, trước hết phải tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu: Theo quy định tại Điều 20, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (Tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này được tính trên mức lương cơ sở tại thời điểm tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH).

Lương chính:

Hệ số lương chính x Mức lương cơ sở x Thời gian đóng BHXH.

(Mức lương cơ sở tại thời điểm là 1.150.000 đồng được quy định tại Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ) Từ 04/2010 đến 12/2011, Thời gian: 21 tháng - Mức lương: 1,4 1,4 x 1.150.000 x 21 = 33.810.000 đồng Từ 01/2012 đến 03/2012, Thời gian: 3 tháng - Mức lương: 2,06 2,06 x 1.150.000 x 3 = 7.107.000 đồng Từ 04/2012 đến 03/2014, Thời gian: 24 tháng - Mức lương: 2,26 2,26 x 1.150.000 x 24 = 62.376.000 đồng Từ 04/2014 đến 03/2015, Thời gian: 12 tháng - Mức lương: 2,46 2,46 x 1.150.000 x 12 = 33.948.000 đồng Từ 04/2015 đến 03/2016, Thời gian: 12 tháng - Mức lương: 2,66 2,66 x 1.150.000 x 12 = 36.708.000 đồng Tổng cộng là: 33.810.000 + 7.107.000 + 62.376.000 + 33.948.000 + 36.708.000 = 173.949.000 đồng Mức bình quân của 06 năm cuối là: 173.949.000/72 tháng = 2.415.958 đồng. Sau đó lấy mức lương bình quân của 06 năm cuối trên nhân với tổng số thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

Tổng thời gian công tác trong khối nhà nước: 171 tháng (14 năm 03 tháng). Tổng số tiền trong khối nhà nước: 2.415.958 x 171 = 413.128.875 đồng. Lương bình quân (chung cả 2 quá trình).

Tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chung của toàn bộ thời gian 243 tháng (20 năm 03 tháng), trong đó:

Tổng số tháng đóng BHXH theo mức tiền lương (tiền đồng Việt Nam) do người sử dụng lao động quyết định là 72 tháng (06 năm).

Tổng số tháng đóng BHXH theo hệ số lương do Nhà nước quy định là 171 tháng (14 năm 03 tháng).

Tổng số tiền lương do người sử dụng lao động quy định là:69.675.600 đồng.

Tổng số tiền lương thuộc đối tượng do Nhà nước quy định là:413.128.875 đồng.

(69.675.600 đồng + 413.128.875 đồng) : (72 tháng + 171 tháng) = 1.986.850 đồng.

Lương hưu hàng tháng sau điều chỉnh:

1.986.850 đồng x 61,5% = 1.221.913 đồng; sau đó được điều chỉnh tăng 8% và tăng thêm 250.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu từ 1.750.000 đồng/người/tháng trở xuống theo khoản 1 Điều 3 và điểm a, khoản 3 Điều 3 Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ (1.221.913 đồng x 1,08 + 250.000 đồng = 1.569.666 đồng); thời điểm hưởng từ tháng 4/2016.

Như vậy, khi điều chỉnh lương hưu theo các văn bản quy định nêu trên thì tiền lương hưu hằng tháng của bà Khúc Thị M bị giảm đi 285.013 đồng/01tháng (từ mức 1.854.679 đồng/tháng, xuống mức 1.569.666 đồng/tháng); trong đó số tiền chênh lệch phải thu hồi từ tháng 4/2016 đến tháng 5/2019 do điều chỉnh lương hưu đối với bà M là 11.551.310 đồng, đến ngày 10/7/2020 bà Khúc Thị M đã nộp được 6.551.310 đồng vào quỹ BHXH.

Ngày 28/3/2019, Liên ngành Sở Giáo dục và Đào tạo - BHXH tỉnh có Công văn số 227/LN-SGD&ĐT-BHXH báo cáo UBND tỉnh về việc giải quyết chế độ BHXH đối với GVMN ngoài biên chế Nhà nước trước khi triển khai thực hiện điều chỉnh lại tiền lương hưu hàng tháng và phương án thu hồi số tiền chênh lệch lương hưu đã hưởng về quỹ BHXH, vì điều kiện mức lương hưu của mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nên Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình điều chỉnh truy thu theo phương thức 1 lần hoặc thu 30% lương/tháng. Sau buổi tiếp dân UBND tỉnh chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh linh hoạt mức thu của giáo viên mầm non nên Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có văn bản chỉ đạo bảo hiểm các huyện mức truy thu tối thiểu là 100.000 đồng/tháng, nếu trường hợp nào có nguyện vọng nộp tiền truy thu 100% thì thu 100%. Do đó, ngày 10/01/2020, BHXH tỉnh có Công văn số 58/BHXH-CĐBHXH chỉ đạo BHXH huyện về việc thu tiền chênh lệch lương hưu của giáo viên mầm non, theo đó yêu cầu BHXH huyện tiếp tục gặp gỡ, tuyên truyền, đối thoại, giải thích các nội dung kiến nghị của giáo viên mầm non và thực hiện linh hoạt mức thu hàng tháng thấp nhất là 100.000 đồng/ tháng cho đến khi thu đủ số tiền phải thu về quỹ BHXH sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng người nhằm giảm bớt khó khăn, bảo đảm cuộc sống của giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh.

Quan điểm của BHXH tỉnh đối với yêu cầu của người khởi kiện:

Căn cứ quy định Luật Bảo hiểm xã hội các văn bản quy định của pháp luật nêu trên, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình khẳng định việc ban hành Quyết định số 251/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019 của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình về việc điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà Khúc Thị M là đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, công bằng về quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội của giáo viên mầm non trong cả nước. Những sai sót của tập thể, cá nhân trong việc ghi sổ bảo hiểm và truy thu tiền của giáo viên mầm non bằng hệ số đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình xem xét, xử lý theo thẩm quyền, đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định. Bảo hiểm xã hội tỉnh đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xem xét bác đơn khởi kiện của bà Khúc Thị M theo quy định của pháp luật.

* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Bảo hiểm xã hội huyện K trình bày:Việc điều chỉnh cách ghi số tiền đóng bảo hiểm xã hội của bà Khúc Thị M giai đoạn từ tháng 01/1996 đến tháng 12/2001 là đúng quy định, trước đây do sai sót nghiệp vụ đã ghi sai nên nay điều chỉnh lại cho đúng, việc bà M yêu cầu hủy Quyết định số 251/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019, giữ nguyên mức lương hưu trước khi điều chỉnh là không có cơ sở. Bảo hiểm xã hội huyện K đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Khúc Thị M.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 03/2021/HC-ST ngày 05/01/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã:

Áp dụng: khoản 1 Điều 30, khoản 3 Điều 32, điểm a khoản 2 Điều 116, khoản 1, 2 Điều 158, điểm a khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính; điểm d khoản 1 Điều 4, Điều 5, khoản 3 Điều 23, Điều 54, Điều 56, khoản 3 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội; Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ; Quyết định số 03/QĐ-TCCB ngày 15/6/1995, Quyết định số 1414/QĐ-BHXH ngày 04/10/2016 và Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Công văn số 2150/GDĐT-BHXH ngày 22/3/2004 của Bộ giáo dục và đào tạo - Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Công văn số 3658/BHXH-BT ngày 17/9/2013, Công văn số 3085/BHXH-CSXH ngày 16/8/2018 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

1. Bác đơn khởi kiện của bà Khúc Thị M yêu cầu hủy Quyết định số 251/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019 về việc điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà Khúc Thị M của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 20/02/2021, người khởi kiện là bà Khúc Thị M có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người kháng cáo là bà Khúc Thị M vắng mặt, người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện đề nghị Hội đồng xét xử vắng mặt.

Đại diện người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có văn bản đề nghị không chấp nhận kháng cáo; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có quan điểm: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính bác kháng cáo của người khởi kiện; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả việc tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của kiểm sát viên, các quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

1. Về tố tụng:

 [1.1] Thẩm quyền của Tòa án: Bà Khúc Thị M khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 251/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019 của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình về việc điều chỉnh chế độ hưu trí, căn cứ khoản 1 Điều 30, khoản 3 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền.

[1.2] Việc vắng mặt của đương sự: Các đương sự có yêu cầu đề nghị xét xử vắng mặt hợp lệ. Căn cứ quy định của khoản 4 Điều 225 Luật Tố tụng hành chính, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án.

2. Xét kháng cáo của bà Khúc Thị M:

[2.1] Hình thức Quyết định số 251/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019 của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình được ban hành theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đúng quy định pháp luật.

Về nội dung Quyết định hành chính bị khiếu kiện, Hội đồng xét xử thấy: Thời điểm trước năm 2002, các giáo viên mầm non ngoài công lập được trả lương nhưng không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thực hiện chủ chương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế,...ngày 19/8/1999 Chính Phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP trong đó có chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập. Để tạo điều kiện cho giáo viên mầm non khi hết tuổi lao động có đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm theo năm công tác để được hưởng lương hưu, ngày 22/3/2004, Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 2150/GDDT- BHXH hướng dẫn truy thu trong trường hợp “ Những người lao động đã có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở mầm non từ trước hoặc sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 mà chưa tham gia đóng BHXH thì có thể đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian từ tháng 1/1995 đến khi đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Mức đóng bằng 15% mức tiền lương tính trên mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm thu nộp” và tại Công văn số 3658/BHXH-BT ngày 17/9/2013 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định mức truy thu như sau “Tính bằng 15% mức tiền lương tính trên mức tiền lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tương ứng với thời gian truy thu và tiền lãi theo quy định tại Điều 57 Quy định quản lý thu BHXH, BHYT, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam”.

Luật BHXH số 71/2006/QH11 có hiệu lực từ ngày 01/01/2007 và Luật BHXH số 58/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 (khoản 1 và khoản 3 Điều 62), đều quy định có sự phân biệt 2 trường hợp tính lương hưu:

+ Trường hợp 1: Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo mức tiền lương bằng hệ số, chế độ hưu trí thực hiện theo qu y định tại Khoản 1, Điều 59 Luật số 71/2006 (khoản 1 Điều 62 Luật số 58/2014);

+ Trường hợp 2: Người lao động có thời gian đóng BHXH vừa theo mức tiền lương bằng hệ số vừa theo mức tiền lương bằng tiền đồng, chế độ hưu trí thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật số 71/2006 (Khoản 3 Điều 62 Luật số 58/2014).

Theo các quy định nêu trên, thì trường hợp của bà M có 02 quá trình đóng bảo hiểm: Vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (đóng bằng tiền đồng Việt Nam) vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (lương theo hệ số) nên khi giải quyết chế độ hưu trí đối với bà M phải thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 62 Luật BHXH số 58/2014/QH13.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện BHXH tỉnh Thái Bình đã xác định mức tiền lương làm căn cứ truy đóng tính theo hệ số; ghi sổ BHXH cả bằng tiền đã truy đóng (đồng Việt Nam) và mức lương theo hệ số làm căn cứ tính tiền truy đóng , từ đó khi giải quyết chế độ hưu trí đối với bà M theo quy định tại khoản 1, Điều 62 Luật BHXH số 58/2014/QH13 là không đúng.

Qua kiểm tra, rà soát việc truy thu, giải quyết chế độ BHXH trên nhiều tỉnh thành theo thẩm quyền, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát hiện có sai sót và đã có Công văn số 3085/BHXH-CSXH ngày 16/8/2018 chấn chỉnh công tác giải quyết chế độ BHXH đối với giáo viên Mầm non. Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình đã thực hiện việc rà soát và phát hiện ghi mức tiền lương truy đóng trên sổ BHXH không đúng quy định (ghi mức tiền lương làm căn cứ truy đóng BHXH bằng hệ số mà không ghi bằng tiền) nên đã thực hiện điều chỉnh lại mức tiền lương làm căn cứ truy đóng mức tiền lương làm căn cứ truy đóng bảo BHXH trên sổ BHXH đối với 2.591 trường hợp (trong đó 1.617 trường hợp đang công tác và 974 trường hợp đã nghỉ hưu, trong đó có bà M).

Từ những phân tích trên cho thấy: Giám đốc BHXH tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 251/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019 về việc điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà Khúc Thị M là có căn cứ.

[2.2]. Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành Quyết định hành chính bị khiếu kiện.

Quyết định số 251/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019 của Giám đốc BHXH tỉnh Thái Bình được ban hành đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 20 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006; khoản 3 Điều 23 Luật BHXH năm 2014; Quyết định số 1414/QĐ-BHXH ngày 04/10/2016 của BHXH Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH địa phương; Quyết định số 03/QĐ-TCCB ngày 15/6/1995 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc thành lập BHXH tỉnh Thái Bình và Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của BHXH Việt Nam ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả chế độ BHXH.

Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà M, nên giữ nguyên các quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm.

Các quyết định khác của bản án hành chính sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[3]. Về án phí: Bà Khúc Thị M là người cao tuổi, người lao động khởi kiện và có đơn xin miễn án phí; căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án, miễn án phí hành chính phúc thẩm cho bà M.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính;khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

QUYẾT ĐỊNH

1. Bác kháng cáo của người khởi kiện là bà Khúc Thị M; giữ nguyên quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 03/2021/HC-ST ngày 05/01/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình.

2. Về án phí: Bà Khúc Thị M không phải chịu án phí hành chính phúc thẩm. Hoàn trả lại bà Khúc Thị M 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng tiền tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 000 5019 ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình.

3. Các quyết định khác của bản án hành chính sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

47
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính số 293/2021/HC-PT

Số hiệu:293/2021/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 10/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về