TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 195/2021/HC-PT NGÀY 14/10/2021 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH
Ngày 14 tháng 10 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 221/2021/TLPT-HC ngày 23 tháng 4 năm 2021 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính”.
Do Bản án hành chính sơ thẩm số 30/2020/HC-ST ngày 15/12/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh T bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 7838/2021/QĐ-PT ngày 30 tháng 9 năm 2021, giữa các đương sự:
1. Người khởi kiện: Bà Bùi Thị Hoàng O, sinh năm 1962; địa chỉ: Thôn X, xã M, huyện H, tỉnh T; có mặt.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Phạm Thị N, sinh năm 1961; địa chỉ: Thôn Đ, xã T, huyện Thái Thụy, tỉnh T; có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện: Luật sư Nguyễn Trác P – Văn phòng luật sư Hoàng Nguyên Phong thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; có mặt.
2. Người bị kiện: Bảo hiểm xã hội tỉnh T.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Quốc T – Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh T; vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị Hồng N – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh T; có mặt.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bảo hiểm xã hội huyện H, tỉnh T.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Hoàng Nam G - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện H, tỉnh T; vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, cùng các tài liệu chứng cứ đã xuất trình người khởi kiện là bà Bùi Thị Hoàng O trình bày: Bà vào ngành giáo dục từ tháng 02/1982 và nhận nhiệm vụ là giáo viên mầm non (GVMN) xã M, huyện H, tỉnh T tháng 01/2002, bà được bổ nhiệm làm hiệu phó tại trường, đến tháng 10/2005, bà được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường mầm non xã M và bà được nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ tháng 7/2017.
Quá trình đóng bảo hiểm của bà tổng là 22 năm 06 tháng theo bản quá trình đóng bảo hiểm xã hội: Từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001, bà đóng truy thu 07 năm theo hệ số 1,4. Tháng 01/2002, bà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội theo Quyết định số 81/QĐ-UBND của UBND huyện H. Từ tháng 10/2005 đến tháng 03/2007 bà đóng bảo hiểm xã hội theo hệ số 1,86; từ tháng 4/2007 đến tháng 9/2008 bà đóng theo hệ số 2,06; từ tháng 10/2008 đến tháng 9/2010, bà đóng theo hệ số 2,26; tháng 10/2010 bà đóng hệ số 2,46; từ tháng 11/2010 đến tháng 10/2013 bà đóng theo hệ số 2,67; từ tháng 11/2013 đến tháng 12/2014 bà đóng theo hệ số 3,0; từ tháng 01/2015 đến tháng 12/2016 bà đóng theo hệ số 3,33; từ tháng 01/2017 đến tháng 6/2017 bà đóng theo hệ số 3,66.
Trong bản quá trình đóng bảo hiểm xã hội theo sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH) số 2603002760 do Bảo hiểm xã hội tỉnh T cấp cho bà, khi nghỉ hưu thể hiện quá trình đóng bảo hiểm của bà từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 (thời gian 07 năm) theo mức lương hệ số 1,4 song Bảo hiểm xã hội tỉnh T lại tính cho bà đóng theo tiền Việt Nam đồng là 630.000 đồng là không đúng dẫn đến lương hưu hàng tháng của bà bị giảm 697.947 đồng (từ mức 3.646.728 xuống mức 2.948.781 đồng). Hàng tháng Bảo hiểm xã hội trừ lương trên tài khoản cá nhân của bà và không có hóa đơn, chứng từ. Việc Bảo hiểm xã hội tự điều chỉnh lương của bà từ hệ số sang tiền đồng Việt Nam và truy thu tiền hàng tháng của bà mà không thông báo cụ thể là trừ bao nhiêu phần trăm đã ảnh hưởng đến quyền lợi của bà.
Bà không đồng ý vì với Công văn số 3085/BHXH-CSXH ngày 16/8/2018 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Công văn này không có quyền phủ nhận việc truy thu bảo hiểm xã hội đối với giáo viên mầm non. Theo Công văn số 2150/GDĐT-BHXH của Bộ Giáo dục và đào tạo và Bảo hiểm xã hội ngày 22/3/2004 tại mục 5 Công văn quy định “Tất cả những người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp sổ bảo hiểm xã hội, phiếu khám chữa bệnh và được hưởng chế độ như công nhân viên chức nhà nước”. Công văn số 227/LN-SGDĐT-BHXH ngày 28/3/2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T ban hành là Công văn báo cáo xin ý kiến của UBND tỉnh về việc giải quyết chế độ BHXH đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế Nhà nước, còn bà là giáo viên trong biên chế Nhà nước nên không thể làm căn cứ, lý do ra quyết định chỉnh lương của bà được.
Do việc quy đổi của Bảo hiểm xã hội không đúng dẫn đến tỷ lệ lương hưu hàng tháng của bà bị giảm 697.947 đồng (lương theo quyết định nghỉ hưu là 3.646.728 đồng - lương sau điều chỉnh là 2.948.781 đồng) và truy thu của bà 23 tháng là 16.584.071 đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà. Vì vậy, bà yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh T hủy Quyết định số 276/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019 của Bảo hiểm xã hội tỉnh T về việc điều chỉnh chế độ hưu trí để bà được hưởng lại mức lương thực tế đã lĩnh đến tháng 5/2019.
Tại đơn đề nghị ngày 12/12/2020 người đại diện theo ủy quyền của bà Bùi Thị Hoàng O - bà Phạm Thị N trình bày: Từ năm 1995 đến năm 2001, Bảo hiểm xã hội tỉnh T đã ghi sổ bảo hiểm bằng hệ số và thu đủ tiền của các giáo viên bằng hệ số. Các giáo viên được đóng tiền truy thu theo Điều 17 Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ là đúng quy định. Bảo hiểm xã hội tỉnh T đã thực hiện truy thu tiền của giáo viên theo Công văn số 2150/GDĐT-BHXH ngày 22/3/2004, Hướng dẫn số 61/HD-LN ngày 20/02/2003 và Hướng dẫn số 30/HD-LN ngày 11/01/2006 là đúng không sai ở điểm nào. Bảo hiểm xã hội huyện H tự ý làm lại sổ bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của giáo viên là sai; thu tiền của giáo viên không có biên lai, chứng từ là không đúng trình tự; trong việc điều chỉnh lương hưu của giáo viên Bảo hiểm xã hội tỉnh T không có dân chủ. Bảo hiểm xã hội tỉnh báo cáo do sai sót nghiệp vụ, hiểu văn bản không đúng dẫn đến ghi sổ bảo hiểm sai, vậy Bảo hiểm xã hội tỉnh T sai thì phải bồi thường hoàn toàn không thể bắt giáo viên phải chịu trách nhiệm. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Bùi Thị Hoàng O, hủy Quyết định số 276/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019 của Bảo hiểm xã hội tỉnh T.
Người bị kiện Bảo hiểm xã hội tỉnh T có ý kiến trình bày: Bà Bùi Thị Hoàng O là GVMN Trường Mầm non xã M, huyện H, được tham gia đóng BHXH từ tháng 01/2002 theo Quyết định số 81/2002/QĐ-UB và Quyết định số 84/2002/QĐ- UB của UBND tỉnh. Mức tiền lương đóng BHXH hệ số 1,4.
* Cách tính theo hệ số:
- Tháng 06/2007 thực hiện truy thu BHXH từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001, theo Công văn số 2150/GDĐT-BHXH Ngày 22/3/2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo và BHXH Việt Nam, số tiền truy đóng BHXH theo mức tiền lương và ghi sổ BHXH là hệ số 1,4 tính theo mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm thu nộp. Số tiền truy thu như sau:
Hệ số 1,4 x 450.000 đồng x 84 tháng x 15% = 7.938.000 đồng (Tại thời điểm tháng 6/2007 mức lương tối thiểu chung được quy định tại Nghị định số 94/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ là 450.000 đồng) - Tổng số tiền truy thu theo quy định (trước khi điều chỉnh) là 7.938.000 đồng. Cách tính theo tiền Việt Nam đồng:
Từ tháng 01/1995 - 12/2001 là 84 tháng, mức tiền lương bằng 630.000 đồng (hệ số 1,4 x 450.000 đồng). Số tiền truy đóng là: 630.000 đồng x 84 tháng x 15% = 7.938.000 đồng (tại thời điểm tháng 6/2007 mức lương tối thiểu chung được quy định tại Nghị định số 94/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ là 450.000 đồng). Tổng số tiền truy thu theo quy định (sau khi điều chỉnh) là:
7.938.000 đồng. Như vậy, số tiền truy thu BHXH của bà Bùi Thị Hoàng O tính theo mức tiền lương hệ số, quy đổi sang mức tiền đồng Việt Nam theo mức tiền lương tối thiểu, cũng đều bằng 7.938.000 đồng.
Việc thu và ghi sổ BHXH đối với bà O giai đoạn từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 theo mức tiền lương bằng hệ số 1,4 là do sai sót về nghiệp vụ, không đúng quy định tại Công văn số 2150/GDĐT-BHXH dẫn đến việc giải quyết chế độ hưu trí chưa đúng quy định của Luật BHXH. Trường hợp của bà O khi giải quyết hưu trí theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là chưa đúng quy định mà phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 mới đúng quy định.
Ngày 16/8/2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Công văn số 3085/BHXH-CSXH về việc chấn chỉnh công tác giải quyết chế độ BHXH đối với GVMN, các bà mẹ, bà dì thuộc Làng trẻ em SOS Việt Nam, BHXH tỉnh đã ban hành Công văn số 1860/BHXH-QLT ngày 31/8/2018 chỉ đạo BHXH huyện, thành phố kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quá trình đóng BHXH của giáo viên mầm non và thực hiện điều chỉnh mức tiền lương ghi sổ BHXH đối với giáo viên mầm non đang tham gia BHXH từ mức lương theo hệ số sang mức lương theo tiền đồng Việt Nam đối với thời gian truy thu BHXH từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001.
Đến tháng 6/2017, bà O có tổng thời gian tham gia BHXH là 22 năm 6 tháng; bà O được nghỉ việc hưởng lương hưu theo quy định từ tháng 7/2017. Lương bình quân chung của cả 02 quá trình của bà O như sau:
Tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chung của toàn bộ thời gian 270 tháng (22 năm 6 tháng), trong đó:
Tổng số tháng đóng BHXH theo mức tiền lương (tiền đồng Việt Nam) do người sử dụng lao động quyết định là 84 tháng (07 năm).
Tổng số tháng đóng BHXH theo hệ số lương do Nhà nước quy định là 186 tháng (15 năm 6 tháng).
Tổng số tiền lương do người sử dụng lao động quy định là: 174.636.000 đồng. Tổng số tiền lương thuộc đối tượng do Nhà nước quy định là: 1.004.876.470 đồng.
Như vậy tiền lương bình quân chung của cả 02 quá trình: (174.636.000 đồng + 1.004.876.470 đồng) : (84 tháng + 186 tháng) = 4.368.565 đồng.
Tỷ lệ % tính lương hưu hàng tháng: 67,5 %.
Lương hưu hàng tháng của bà O sau điều chỉnh: 4.368.565 đồng x 67,5% = 2.948.781đồng; thời điểm hưởng từ tháng 7/2017.
Như vậy, khi điều chỉnh lương hưu theo các văn bản quy định nêu trên thì tiền lương hưu hàng tháng của bà O bị giảm đi 697.947 đồng/01tháng (từ mức 3.646.728 đồng/tháng, xuống mức 2.948.781 đồng/tháng); trong đó số tiền chênh lệch phải thu hồi từ tháng 7/2017 đến tháng 5/2019 do điều chỉnh lương hưu đối với bà O là 16.584.071 đồng, đến ngày 10/7/2020 bà O đã nộp được 5.407.200 đồng vào quỹ BHXH.
Ngày 28/3/2019, Liên ngành Sở Giáo dục và Đào tạo - BHXH tỉnh có Công văn số 227/LN-SGD&ĐT-BHXH báo cáo UBND tỉnh về việc giải quyết chế độ BHXH đối với GVMN ngoài biên chế Nhà nước trước khi triển khai thực hiện điều chỉnh lại tiền lương hưu hàng tháng và phương án thu hồi số tiền chênh lệch lương hưu đã hưởng về quỹ BHXH, vì điều kiện mức lương hưu của mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nên Bảo hiểm xã hội tỉnh T điều chỉnh truy thu theo phương thức 1 lần hoặc thu 30% lương/tháng. Sau buổi tiếp dân UBND tỉnh chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh linh hoạt mức thu của giáo viên mầm non nên Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có văn bản chỉ đạo bảo hiểm các huyện mức truy thu tối thiểu là 100.000 đồng/tháng, nếu trường hợp nào có nguyện vọng nộp tiền truy thu 100% thì thu 100%. Do đó, ngày 10/01/2020 BHXH tỉnh có Công văn số 58/BHXH-CĐBHXH chỉ đạo BHXH huyện về việc thu tiền chênh lệch lương hưu của giáo viên mầm non, theo đó yêu cầu BHXH huyện tiếp tục gặp gỡ, tuyên truyền, đối thoại, giải thích các nội dung kiến nghị của giáo viên mầm non và thực hiện linh hoạt mức thu hàng tháng thấp nhất là 100.000 đồng/ tháng cho đến khi thu đủ số tiền phải thu về quỹ BHXH sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng người nhằm giảm bớt khó khăn, bảo đảm cuộc sống của giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ quy định Luật bảo hiểm xã hội các văn bản quy định của pháp luật nêu trên, Bảo hiểm xã hội tỉnh T khẳng định việc ban hành Quyết định số 276/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019 của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh T về việc điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà O là đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, công bằng về quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội của giáo viên mầm non trong cả nước. Những sai sót của tập thể, cá nhân trong việc ghi sổ bảo hiểm và truy thu tiền của giáo viên mầm non bằng hệ số đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh T xem xét, xử lý theo thẩm quyền, đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định. Bảo hiểm xã hội tỉnh đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh T xem xét bác đơn khởi kiện của bà O theo quy định của pháp luật.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Bảo hiểm xã hội huyện H trình bày: Việc điều chỉnh cách ghi số tiền đóng bảo hiểm xã hội của bà Bùi Thị Hoàng O giai đoạn từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 là đúng quy định, trước đây do sai sót nghiệp vụ đã ghi sai nên nay điều chỉnh lại cho đúng, việc bà O yêu cầu hủy Quyết định số 276/QĐ-BHXH, giữ nguyên mức lương hưu trước khi điều chỉnh là không có cơ sở. Bảo hiểm xã hội huyện H đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Bùi Thị Hoàng O.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 30/2020/HC-ST ngày 15/12/2020, Tòa án nhân dân tỉnh T đã quyết định:
Áp dụng: khoản 1 Điều 30, khoản 3 Điều 32, điểm a khoản 2 Điều 116, khoản 1, 2 Điều 158, điểm a khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính; điểm d khoản 1 Điều 4, Điều 5, khoản 3 Điều 23, Điều 54, Điều 56, khoản 3 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội; Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ; Quyết định số 03/QĐ-TCCB ngày 15/6/1995, Quyết định số 1414/QĐ- BHXH ngày 04/10/2016 và Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Công văn số 2150/GDĐT-BHXH ngày 22/3/2004 của Bộ giáo dục và Đào tạo - Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Công văn số 3085/BHXH-CSXH ngày 16/8/2018 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Bác đơn khởi kiện của bà Bùi Thị Hoàng O yêu cầu hủy Quyết định số 276/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019 về việc điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà Bùi Thị Hoàng O của Bảo hiểm xã hội tỉnh T.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, trong hạn luật định, người khởi kiện là bà Bùi Thị Hoàng O kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Người kháng cáo là bà Bùi Thị Hoàng O đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm.
Đại diện người bị kiện đề nghị không chấp nhận kháng cáo; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có quan điểm: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính bác kháng cáo; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, ý kiến của các bên đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy:
[1] Về tố tụng: Ngày 29/5/2019, bà Bùi Thị Hoàng O nhận được Quyết định 276/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019 của Bảo hiểm xã hội tỉnh T. Ngày 20/5/2020, bà O khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 276/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019 của Bảo hiểm xã hội tỉnh T về việc điều chỉnh chế độ hưu trí. Khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; Tòa án nhân dân tỉnh T thụ lý, giải quyết là đúng theo quy định tại Điều 30, Điều 32, Điều 116 Luật Tố tụng hành chính.
[2] Về nội dung: Xét tính hợp pháp của Quyết định số 276/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019 của Bảo hiểm xã hội tỉnh T.
[2.1] Về thẩm quyền ban hành Quyết định số 276/QĐ-BHXH: Bảo hiểm xã hội tỉnh T ban hành Quyết định số 276/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019 là đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; Quyết định số 03/QĐ-TCCB ngày 15/6/1995 của Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
[2.2] Về nội dung Quyết định số 276/QĐ-BHXH: Bà O là giáo viên mầm non trường mầm non xã M, huyện H, được tham gia đóng BHXH từ tháng 01/2002 theo quy định tại Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ (quy định giáo viên mầm non ngoài công lập có ký hợp đồng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc); Thông tư số 26/2000/TTLT-BLĐTBXH- BTC ngày 20/10/2000 của liên Bộ Lao động - Thương binh và xã hội - Bộ Tài chính (hướng dẫn thực hiện chế độ BHXH đối với lao động làm việc trong các cơ sở ngoài công lập thuộc các ngành giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao); Quyết định số 81/2002/QĐ-UB và Quyết định số 84/2002/QĐ-UB của UBND tỉnh T. Mức tiền lương đóng BHXH của bà O theo hệ số 1,4.
Ngày 22/3/2004, Liên ngành Bộ Giáo dục và Đào tạo-Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn số 2150/GDĐT-BHXH hướng dẫn truy thu BHXH đối với các trường hợp “Người lao động đã có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở mầm non từ trước hoặc sau khi Chính phủ ban hành nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 mà chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì có thể đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian từ tháng 1/1995 đến khi đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Mức đóng bằng 15% mức tiền lương tính trên mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm thu, nộp”. Như vậy, mức tiền lương làm căn cứ truy đóng và ghi sổ BHXH đối với GVMN ngoài biên chế Nhà nước là mức lương bằng tiền đồng.
Tuy nhiên, ngày 11/01/2006 liên ngành Giáo dục và Đào tạo - Bảo hiểm xã hội tỉnh ban hành Văn bản số 30/HD-LN, hướng dẫn việc truy thu BHXH, BHYT đối với GVMN ngoài biên chế, theo đó quy định mức tiền lương làm căn cứ truy đóng và ghi sổ BHXH đối với GVMN ngoài biên chế Nhà nước là mức lương bằng hệ số. Bảo hiểm xã hội tỉnh T thực hiện truy thu và ghi sổ BHXH đối với GVMN ngoài biên chế Nhà nước theo mức lương bằng hệ số; số tiền truy đóng BHXH = Hệ số lương x tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm truy đóng x 15% x tổng số tháng truy đóng. Trường hợp của bà O, Bảo hiểm xã hội tỉnh ghi mức tiền lương làm căn cứ truy đóng và ghi sổ BHXH theo hệ số 1,4 và số tiền truy đóng BHXH của bà O = 7.938.000 đồng.
[2.3] Quá trình điều chỉnh lương hưu đối với bà O: Thực hiện Công văn số 3085/BHXH-CSXH ngày 16/8/2018 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về chấn chỉnh công tác giải quyết chế độ BHXH đối với GVMN... Bảo hiểm xã hội tỉnh T tổ chức kiểm tra, rà soát việc truy thu, giải quyết chế độ BHXH đối với GVMN ngoài biên chế Nhà nước, phát hiện có 2.591 trường hợp ghi mức tiền lương truy đóng trên sổ BHXH không đúng quy định tại Công văn số 2150/GDĐT-BHXH (ghi mức tiền lương làm căn cứ truy đóng BHXH bằng hệ số mà không ghi bằng tiền đồng) nên đã thực hiện điều chỉnh lại mức tiền lương làm căn cứ truy đóng BHXH trên sổ BHXH đối với 2.591 trường hợp (có 1.617 người đang công tác, 974 người đã nghỉ hưu trong đó có bà O). Đối với trường hợp của bà O, phải điều chỉnh lại cách ghi sổ BHXH theo mức tiền lương làm căn cứ truy đóng BHXH, từ hệ số lương 1,4 sang tiền đồng là 630.000 đồng (mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm thu nộp là 450.000 đồng); số tiền truy đóng BHXH của bà O sau khi điều chỉnh = 7.938.000 đồng (không thay đổi).
Khi điều chỉnh lại tiền lương ghi trên sổ BHXH (đối với thời gian truy đóng BHXH) của GVMN thì dẫn đến việc giải quyết lương hưu thay đổi. Vì: Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, cách tính lương hưu được thực hiện trên cơ sở mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động: Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo mức tiền lương bằng hệ số thì khi giải quyết chế độ hưu trí thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Người lao động có thời gian đóng BHXH vừa theo mức tiền lương bằng hệ số vừa theo mức tiền lương bằng tiền đồng thì khi giải quyết chế độ hưu trí thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Vì vậy, trường hợp của bà O khi điều chỉnh lại mức tiền lương ghi trên sổ BHXH thì toàn bộ thời gian đóng BHXH của bà O có 02 quá trình lương: Một là thời gian truy đóng BHXH (từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001) mức tiền lương làm căn cứ truy đóng BHXH bằng tiền đồng; hai là thời gian đóng BHXH (từ tháng 01/2002 đến tháng 6/2017) mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bằng hệ số. Do đó, việc giải quyết chế độ hưu trí đối với bà O phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Bảo hiểm xã hội tỉnh T đã ban hành Quyết định số 276/QĐ-BHXH ngày 11/5/2019, điều chỉnh lương hưu của bà O là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Tiền lương hưu hàng tháng của bà O bị giảm đi 697.947 đồng/tháng (từ mức 3.646.728 đồng/tháng, xuống mức 2.948.781 đồng/tháng); số tiền chênh lệch phải thu hồi từ tháng 7/2017 đến tháng 5/2019 là 16.584.071 đồng, đến ngày 10/7/2020 bà O đã nộp là 5.407.200 đồng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Tòa án cấp sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của bà O là có cơ sở; Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bà O.
[3] Về án phí: Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án, miễn án phí hành chính phúc thẩm cho bà O.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính; khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Không chấp nhận kháng cáo của bà Bùi Thị Hoàng O; giữ nguyên quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 30/2020/HC-ST ngày 15 tháng 12 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh T.
Về án phí: Bà Bùi Thị Hoàng O không phải chịu án phí hành chính phúc thẩm; hoàn trả số tiền 300.000 đồng cho bà O (Phạm Thị H nộp thay) đã nộp tạm ứng án phí theo Biên lai số 0005014 ngày 15 tháng 3 năm 2021 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh T.
Bản án hành chính phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án
Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính số 195/2021/HC-PT
Số hiệu: | 195/2021/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 14/10/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về