Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính số 192/2021/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 192/2021/HC-PT NGÀY 14/10/2021 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH

Trong ngày 14 tháng 10 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 219/2021/TLPT- HC ngày 22 tháng 4 năm 2021 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính”.

Do Bản án hành chính sơ thẩm số 54/2020/HC-ST ngày 30/12/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh T bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 7840/2021/QĐ-PT ngày 30 tháng 9 năm 2021 giữa các đương sự:

1. Người khởi kiện: Bà Bùi Thị P, sinh năm 1960; địa chỉ: Thôn A, xã B, huyện C, tỉnh T; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Phạm Thị N, sinh năm 1961; địa chỉ: Thôn Đ, xã S, huyện C, tỉnh T; vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện: Luật sư Nguyễn Trác P – Văn phòng luật sư P thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; vắng mặt.

2. Người bị kiện: Bảo hiểm xã hội tỉnh T.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Quốc T – Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh T; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị Hồng Q – Phó Giám đốc; có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bảo hiểm xã hội huyện C, tỉnh T.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Văn V – Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện C, tỉnh T; vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện, bản tự khai và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án người khởi kiện là bà Bùi Thị P trình bày: Bà là giáo viên mầm non tại Trường Mầm non xã B, huyện C, tỉnh T liên tục từ năm 1975 đến khi nghỉ hưu. Năm 2002, trường mầm non dân lập chuyển đổi thành trường bán công, bà được hưởng mức lương theo hệ số 1,4. Ngày 01/7/2015, bà được nghỉ hưu theo Quyết định số 502/QĐ-UBND ngày 15/4/2015 của UBND huyện C, tỉnh T.

Quá trình tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và hưởng chế độ BHXH khi nghỉ hưu của bà như sau: Từ ngày 01/01/2002, bà được đóng BHXH theo Quyết định 81/QĐ-UB ngày 18/11/2002 của UBND tỉnh T và đã đóng BHXH liên tục từ năm 2002 trở đi cho đến khi nghỉ hưu. Năm 2006, bà được truy đóng BHXH nối tiếp từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 (đóng theo quy định tại Công văn số 2150/GDĐT-BHXH ngày 22/3/2004 của liên ngành Bộ Giáo dục & Đào tạo - Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hướng dẫn số 30/HD-LN ngày 11/01/2006 của liên ngành Sở Giáo dục & Đào tạo - Bảo hiểm xã hội tỉnh T hướng dẫn truy thu BHXH, BHYT đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế nhà nước). Tổng số tiền truy đóng là 6.174.000 đồng tính trên hệ số tiền lương của bà. Bà nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí từ tháng 7/2015; thời gian đóng BHXH là 20 năm 6 tháng, mức lương nghỉ hưu vào tháng 7/2015 là 1.604.278 đồng/tháng; đến tháng 5/2019, bà được hưởng mức lương hưu tăng lên là 2.277.500 đồng/tháng.

Ngày 31/5/2019, bà được giao Quyết định số 327/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019 của Bảo hiểm xã hội tỉnh T về việc điều chỉnh chế độ hưu trí của bà, cụ thể đã điều chỉnh: Giảm mức lương hưu của bà xuống còn 2.005.900 đồng/tháng và truy thu của bà 11.712.671 đồng. Bà không nhất trí nên đã khởi kiện, yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 327/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019 của BHXH tỉnh T.

Theo người đại diện của bà P trình bày: Căn cứ cho yêu cầu khởi kiện của bà P là Công văn số 2150/GDĐT-BHXH và thực tế quá trình đóng BHXH của bà P từ năm 1995 đến khi nghỉ hưu, đã được ghi cụ thể tại sổ BHXH của bà P (truy đóng và ghi sổ BHXH theo hệ số, theo đúng Nghị định số 73/1999/NĐ-CP, Công văn số 2150/GDĐT-BHXH và Hướng dẫn số 30/HD-LN (hướng dẫn đóng theo mục 1; 2; 4 tại Công văn số 61). Các văn bản đó không có nội dung nào quy định sổ BHXH phải ghi mức đóng bằng tiền đồng. Bảo hiểm xã hội huyện Thái Thụy đã tự ý điều chỉnh sổ BHXH của bà P, thu tiền không có biên lai chứng từ. Bảo hiểm xã hội tỉnh T không dân chủ trong điều chỉnh lương hưu của bà P; Bảo hiểm xã hội tỉnh T làm sai thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Theo người bị kiện Bảo hiểm xã hội tỉnh T trình bày: Bà Bùi Thị P là giáo viên mầm non trường mầm non xã B, huyện C, tỉnh T; được tham gia đóng BHXH từ tháng 01/2002 theo quy định tại Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính Phủ; Thông tư số 26/2000/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 20/10/2000 của liên Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ Tài chính; Quyết định số 81/2002/QĐ-UB ngày 18/11/2002 và Quyết định số 84/2002/QĐ-UB ngày 18/12/2002 của UBND tỉnh T. Mức tiền lương đóng BHXH của bà P theo hệ số 1,4.

Tháng 4/2006 bà P được truy đóng BHXH cho thời gian làm việc từ 01/1995 đến hết tháng 12/2001 theo Công văn số 2150/GDĐT-BHXH. Bà P được trường mầm non xã B lập danh sách đề nghị truy đóng BHXH với mức tiền lương là hệ số 1,4 từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 (có xác nhận của UBND xã B, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện C, tỉnh T).

Cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện C đã tính số tiền truy đóng BHXH từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 đối với bà P là 6.174.000 đồng (1,4 x 350.000 đồng x 84 tháng x 15%), bà P đã đóng đủ. Bảo hiểm xã hội huyện C đã ghi sổ BHXH của bà P với mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo hệ số. Đây là sai sót về nghiệp vụ của cơ quan BHXH, do hiểu chưa đúng quy định của Công văn số 2150/GDĐT-BHXH.

Bà P được nghỉ việc theo Quyết định số 502/QĐ-UBND ngày 15/4/2015 của UBND huyện C và hưởng chế độ hưu trí từ tháng 7/2015. Ngày 15/6/2015, Bảo hiểm xã hội tỉnh T đã ban hành Quyết định số 1223/QĐ-BHXH về việc hưởng chế độ hưu trí hàng tháng đối với bà P. Bà P có tổng quá trình đóng BHXH là 20 năm 6 tháng; tỷ lệ hưởng lương hưu của bà P bằng 61,5%. (theo quy định tại Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và khoản 1, khoản 5 Điều 28 Nghị định số 152/2006 ngày 22/12/2006 của Chính Phủ). Bảo hiểm xã hội đã căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 59 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này (lương theo hệ số) thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu) để giải quyết lương hưu cho bà P. Do đó lương hưu của bà P được tính theo phương pháp bình quân lương hưu của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu là 1.604.279 đồng/tháng; sau đó được điều chỉnh tăng 8% theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 55/2016/NĐ-CP lên là 1.732.621 đồng/tháng, thời điểm hưởng từ tháng 7/2015.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam sau khi rà soát hồ sơ truy đóng BHXH thời gian từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001, phát hiện thấy sai sót do cách ghi sổ BHXH dẫn đến cách tính lương hưu cho người lao động. Vì vậy, ngày 16/8/2018 Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn số 3085/BHXH- CSXH về việc chấn chỉnh công tác giải quyết chế độ BHXH đối với giáo viên mầm non…, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội huyện C kiểm tra, rà soát, lập lại tờ rời sổ số 2603003462 của bà P theo đúng quy định của Công văn số 2150/GDĐT-BHXH; điều chỉnh mức tiền lương làm căn cứ đóng và ghi sổ BHXH của bà P đối với thời gian từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 từ hệ số sang mức tiền đồng Việt Nam là 490.000 đồng (cách tính: hệ số (1,4) x 350.000 đồng). Nếu quy ra tiền đồng Việt Nam thì số tiền phải truy đóng BHXH từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 của bà P không đổi, tổng số vẫn là 6.174.000 đồng (490.000 đồng/tháng x 84 tháng x 15%). Tuy nhiên, khi điều chỉnh lại cách ghi sổ BHXH về mức tiền lương đóng BHXH từ hệ số sang tiền đồng Việt Nam thì diễn biến tiền lương của bà P có 02 quá trình: Giai đoạn từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 là thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (tiền đồng Việt Nam); giai đoạn từ 01/01/2002 đến khi nghỉ hưu là thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (lương theo hệ số).

Do đó, việc giải quyết lương hưu đối với bà P phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian; trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này). Như vậy việc tính lương hưu đối với bà P bao gồm 02 quá trình:

- Một là: Thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001: Bà P có thời gian đóng là 84 tháng, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là 490.000 đồng (tiền đồng Việt Nam).

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn, khi giải quyết lương hưu mức tiền lương đóng BHXH của bà P (bằng tiền đồng Việt Nam) được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định tại Điều 61 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006; Điều 32 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ (hệ số điều chỉnh của năm 2015 quy định tại Thông tư số 03/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/01/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Tổng thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định: 84 tháng (07 năm). Tổng số tiền do người sử dụng lao động quy định: 131.535.600 đồng (cách tính: mức lương đóng BHXH x mức điều chỉnh x thời gian đóng BHXH).

- Hai là: Thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ tháng 01/2002 đến tháng 6/2015: (Mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của bà P theo hệ số thang bảng lương Nhà nước). Bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu của bà P là 2.608.583 đồng. Tổng thời gian công tác trong khối nhà nước là: 162 tháng. Tổng số tiền trong khối nhà nước: 2.608.583 x 162 = 422.590.500 đồng.

Lương bình quân (chung cả 2 quá trình) của bà P: (131.535.600 đồng + 422.590.500 đồng) : (84 tháng + 162 tháng) = 2.252.545 đồng.

Lương hưu hàng tháng của bà P sau điều chỉnh lần thứ hai là: 2.252.545 đồng x 61,5% = 1.385.315 đồng; sau đó được điều chỉnh tăng 8% theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 55/2016/NĐ-CP lên là 1.496.140 đồng; thời điểm hưởng từ tháng 7/2015.

Căn cứ hồ sơ giải quyết chế độ hưu trí của bà P, tờ rời sổ BHXH số 2603003462 do Bảo hiểm xã hội huyện C cấp ngày 25/4/2019. Bảo hiểm xã hội tỉnh T ban hành Quyết định số 327/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019 về việc điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà P với cách tính lương hưu cho bà P khi điều chỉnh như trên.

Như vậy, khi điều chỉnh lương hưu lần 2 thì tiền lương hưu hằng tháng của bà P bị giảm đi 236.481 đồng/tháng (từ mức 1.732.621 đồng/tháng, xuống mức 1.496.140 đồng/tháng); số tiền chênh lệch phải thu hồi từ tháng 7/2015 đến tháng 5/2019 do điều chỉnh lương hưu đối với bà P là 11.712.671 đồng, đến ngày 10/7/2020 bà P đã nộp được 7.901.770 đồng vào quỹ BHXH.

Việc người đại diện của người khởi kiện trình bày về việc BHXH tỉnh không dân chủ khi điều chỉnh và truy thu lương hưu của bà P là không đúng, vì Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội huyện, thành phố báo cáo Thành ủy, Huyện ủy, UBND huyện, thành phố và phối hợp với phòng Giáo dục và đào tạo, Hội giáo chức, các phòng liên quan tổ chức hội nghị để tuyên truyền, đối thoại, gặp gỡ, giải thích đối với các trường hợp phải điều chỉnh, thu hồi chênh lệch lương hưu nhằm tạo sự đồng thuận trong thực hiện; Bảo hiểm xã hội huyện C khi giao Quyết định số 327/QĐ-BHXH cho bà P đã giao kèm theo “Bản quá trình đóng BHXH” của bà P, trong đó thể hiện rõ nội dung đã điều chỉnh cách ghi từ hệ số sang tiền đồng Việt Nam đối với giai đoạn từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001. Mặt khác, thực hiện Công văn số 3085/BHXH- CSXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chủ động báo cáo và đề nghị UBND tỉnh T; Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo, tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc điều chỉnh lương hưu và thu hồi số tiền chênh lệch lương hưu của giáo viên mầm non; đã thực hiện linh hoạt mức truy thu hằng tháng với mức thu thấp nhất là 100.000 đồng/tháng cho đến khi thu đủ số tiền phải thu về quỹ BHXH sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng người nhằm giảm bớt khó khăn, bảo đảm cuộc sống của giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh, điều đó thể hiện Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện đúng quy định tại mục 3 Công văn số 3085/BHXH-CSXH “Việc khắc phục phải khẩn trương, đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, không đẩy trách nhiệm về phía người lao động hoặc đơn vị sử dụng lao động”.

Căn cứ pháp lý ban hành Quyết định số 327/QĐ-BHXH về việc điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà P: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006; Nghị định số 152/NĐ-CP ngày 22/12/2006; Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ; Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016; Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007; Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2008; Thông tư số 23/2012/TT- BLĐTBXH ngày 18/10/2012 của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội; Quyết định số 03/QĐ-TCCB ngày 15/6/1995 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Quyết định số 1414/QĐ-BHXH ngày 04/10/2016 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Công văn số 3085/BHXH-CSXH ngày 16/8/2018 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Hồ sơ giải quyết chế độ hưu trí đối với bà P và tờ rời sổ BHXH số 2603003462 do Bảo hiểm xã hội huyện C cấp ngày 25/4/2019.

Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành Quyết định số 327/QĐ-BHXH điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà P: Bảo hiểm xã hội tỉnh T đã thực hiện đúng quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 3; tiết 1.1.3, điểm 1.1, khoản 1 Điều 7 Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN.

Bảo hiểm xã hội tỉnh T khẳng định việc ban hành Quyết định số 327/QĐ- BHXH ngày 16/5/2019 về việc điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà P là đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, công bằng về quyền lợi hưởng BHXH của giáo viên mầm non trong cả nước. Bảo hiểm xã hội tỉnh đề nghị Tòa án bác đơn khởi kiện của bà Bùi Thị P.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – Bảo hiểm xã hội huyện C, tỉnh T trình bày: Thực hiện Quyết định số 81/2002/QĐ-UB ngày 18/11/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh T về việc thực hiện chế độ BHXH và BHYT đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế Nhà nước, Bảo hiểm xã hội huyện C đã hướng dẫn, đôn đốc đơn vị thực hiện lập hồ sơ thu BHXH, BHYT đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế Nhà nước vào năm 2002. Năm 2003, Bảo hiểm xã hội huyện đã hướng dẫn đơn vị, người lao động lập tờ khai cấp sổ BHXH chuyển BHXH tỉnh T để cấp và ghi sổ BHXH cho người lao động. Bà P được BHXH tỉnh T cấp sổ BHXH lần đầu với thời gian tham gia từ tháng 01/2002, hệ số lương là 1,4.

Tháng 4/2006, thực hiện Công văn số 2150/GDĐT-BHXH, bà P được trường mầm non xã B lập danh sách đề nghị truy đóng BHXH với mức tiền lương là hệ số 1,4 từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001, có xác nhận của UBND xã B, phòng Giáo dục và đào tạo huyện C. Cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện C đã tính số tiền truy đóng BHXH từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 của bà P: 1,4 x 350.000 đồng x 84 tháng x 15% = 6.174.000 đồng. (Tại thời điểm tháng 4/2006 mức lương tối thiểu chung được quy định tại Nghị định số 118/2005/NĐ- CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ là 350.000 đồng).

Bảo hiểm xã hội huyện đã hướng dẫn người lao động lập tờ khai cấp lại sổ cộng nối thời gian truy thu BHXH; bà P đã được Bảo hiểm xã hội tỉnh T cấp lại sổ BHXH cộng nối thời gian tham gia từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 với hệ số 1,4. Bà P được nghỉ việc vào tháng 7/2015, có thời gian tham gia BHXH là 20 năm 06 tháng, được chốt sổ BHXH và nghỉ hưu từ tháng 7/2015.

Ngày 16/8/2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Công văn số 3085/BHXH-CSXH về việc chấn chỉnh công tác giải quyết chế độ BHXH đối với giáo viên mầm non… Bảo hiểm xã hội huyện đã rà soát lại mức đóng BHXH của bà P và tiến hành điều chỉnh lại việc ghi sổ BHXH, cụ thể như sau:

Cách ghi sổ trước khi điều chỉnh: Thời gian truy đóng từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 là 84 tháng, mức đóng là 1,4 tương ứng với tổng số tiền là 6.174.000 đồng.

Cách ghi sổ BHXH sau khi điều chỉnh: Thời gian truy đóng từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 là 84 tháng, mức đóng là 490.000 đồng, tương ứng với số tiền truy đóng là: 490.000 đồng x 84 tháng x 15% = 6.174.000 đồng.

Tổng số tiền truy đóng BHXH trước và sau khi điều chỉnh không thay đổi, đều bằng 6.174.000 đồng.

Ngày 24/4/2019, Bảo hiểm xã hội huyện C thực hiện điều chỉnh nội dung ghi sổ BHXH thời gian từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 từ mức lương hệ số sang mức lương tiền đồng Việt Nam của bà P và chuyển về BHXH tỉnh làm căn cứ điều chỉnh lương hưu theo đúng quy định.

Việc bà P yêu cầu hủy Quyết định số 327/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019, giữ nguyên mức lương hưu trước khi điều chỉnh là không có cơ sở. Bảo hiểm xã hội huyện C đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà P.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 54/2020/HC-ST ngày 30/12/2020, Tòa án nhân dân tỉnh T đã quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 30, khoản 3 Điều 32, điểm a khoản 2 Điều 116, Điều 158, Điều 164, Điều 168, điểm a khoản 2 Điều 193, Điều 204, Điều 206 và khoản 1 Điều 348 của Luật Tố tụng hành chính.

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 4, Điều 5, khoản 2, khoản 3 Điều 20, Điều 50, Điều 52, khoản 3 Điều 59 Luật BHXH năm 2006; Công văn số 2150/GDĐT-BHXH ngày 22/3/2004 của liên ngành Bộ Giáo dục & Đào tạo - Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ; Quyết định số 1414/QĐ-BHXH ngày 04/10/2016 và Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Bùi Thị P yêu cầu hủy Quyết định số 327/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019 của Bảo hiểm xã hội tỉnh T về việc điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà Bùi Thị P.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 15/01/2021, người khởi kiện là bà Bùi Thị P kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bà Bùi Thị P và bà Phạm Thị N (người đại diện theo ủy quyền của bà P) đã được triệu tập hợp lệ 2 lần; ngày 14/10/2021, bà P vắng mặt không có lý do; bà N và người bảo vệ quyền, lợi ích của bà P có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập và nộp giấy triệu tập cho thư ký phiên tòa. Khi Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án thì bà N và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà P tự ý bỏ về.

Bà Nguyễn Thị Hồng Q là người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bà Bùi Thị P; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có quan điểm: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính bác kháng cáo; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, ý kiến của đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy:

[1] Về tố tụng: Ngày 31/5/2019, bà Bùi Thị P nhận Quyết định số 327/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019 của Bảo hiểm xã hội tỉnh T. Ngày 20/5/2020, bà P khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 327/QĐ-BHXH; khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; Tòa án nhân dân tỉnh T thụ lý, giải quyết là đúng theo quy định tại Điều 30, Điều 32, Điều 116 Luật Tố tụng hành chính.

[2] Về nội dung: Xét tính hợp pháp của Quyết định số 327/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019 của Bảo hiểm xã hội tỉnh T.

[2.1] Về thẩm quyền ban hành Quyết định số 327/QĐ-BHXH: Bảo hiểm xã hội tỉnh T ban hành Quyết định số 327/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019 là đúng theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội; Quyết định số 1414/QĐ-BHXH ngày 04/10/2016 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội địa phương; Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả chế độ BHXH, BHTN.

[2.2] Về nội dung: Bà Bùi Thị P là giáo viên mầm non trường mầm non xã B, huyện C được tham gia đóng BHXH từ tháng 01/2002 theo quy định tại Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ (quy định giáo viên mầm non ngoài công lập có ký hợp đồng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc); Thông tư số 26/2000/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 20/10/2000 của liên Bộ Lao động - Thương binh & xã hội, Bộ Tài chính (hướng dẫn thực hiện chế độ BHXH đối với lao động làm việc trong các cơ sở ngoài công lập thuộc các ngành giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao); Quyết định số 81/2002/QĐ-UB và Quyết định số 84/2002/QĐ-UB của UBND tỉnh T. Mức tiền lương đóng BHXH của bà P theo hệ số 1,4.

Ngày 22/3/2004, liên ngành Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn số 2150/GDDT-BHXH hướng dẫn truy thu BHXH đối với các trường hợp “Người lao động đã có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở mầm non từ trước hoặc sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 mà chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì có thể đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian từ tháng 1/1995 đến khi đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Mức đóng bằng 15% mức tiền lương tính trên mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm thu, nộp”. Như vậy, mức tiền lương làm căn cứ truy đóng và ghi sổ BHXH đối với GVMN ngoài biên chế Nhà nước là mức lương bằng tiền đồng.

Tuy nhiên, ngày 11/01/2006 liên ngành Giáo dục & Đào tạo - Bảo hiểm xã hội tỉnh ban hành Văn bản hướng dẫn số 30/HD-LN, hướng dẫn việc truy thu BHXH, BHYT đối với GVMN ngoài biên chế, theo đó quy định mức tiền lương làm căn cứ truy đóng và ghi sổ BHXH đối với GVMN ngoài biên chế Nhà nước là mức lương bằng hệ số. Bảo hiểm xã hội tỉnh T thực hiện truy thu và ghi sổ BHXH đối với GVMN ngoài biên chế Nhà nước theo mức lương bằng hệ số; số tiền truy đóng BHXH = Hệ số lương x tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm truy đóng x 15% x tổng số tháng truy đóng. Trường hợp của bà P, Bảo hiểm xã hội tỉnh ghi mức tiền lương làm căn cứ truy đóng và ghi sổ BHXH theo hệ số 1,4 và số tiền truy đóng BHXH của bà P = 6.174.000 đồng.

[2.3] Quá trình điều chỉnh lương hưu đối với bà P: Thực hiện Công văn số 3085/BHXH-CSXH ngày 16/8/2018 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về chấn chỉnh công tác giải quyết chế độ BHXH đối với GVMN... Bảo hiểm xã hội tỉnh T tổ chức kiểm tra, rà soát việc truy thu, giải quyết chế độ BHXH đối với GVMN ngoài biên chế Nhà nước, phát hiện có 2.591 trường hợp ghi mức tiền lương truy đóng trên sổ BHXH không đúng quy định tại Công văn số 2150/GDĐT-BHXH nêu trên (ghi mức tiền lương làm căn cứ truy đóng BHXH bằng hệ số mà không ghi bằng tiền đồng) nên đã thực hiện điều chỉnh lại mức tiền lương làm căn cứ truy đóng BHXH trên sổ BHXH đối với 2.591 trường hợp (trong đó 1.617 người đang công tác, 974 người đã nghỉ hưu trong đó có bà P). Đối với trường hợp của bà P, phải điều chỉnh lại cách ghi sổ BHXH theo mức tiền lương làm căn cứ truy đóng BHXH, từ hệ số lương 1,4 sang tiền đồng là:

490.000 đồng (mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm thu nộp là 350.000 đồng); số tiền truy đóng BHXH của bà P sau khi điều chỉnh = 6.174.000 đồng (không thay đổi).

Khi điều chỉnh lại tiền lương ghi trên sổ BHXH (đối với thời gian truy đóng BHXH) của GVMN thì dẫn đến việc giải quyết lương hưu thay đổi. Vì theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, cách tính lương hưu được thực hiện trên cơ sở mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động: Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo mức tiền lương bằng hệ số thì khi giải quyết chế độ hưu trí thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 59 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Người lao động có thời gian đóng BHXH vừa theo mức tiền lương bằng hệ số vừa theo mức tiền lương bằng tiền đồng thì khi giải quyết chế độ hưu trí thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.

Vì vậy, trường hợp của bà P khi điều chỉnh lại mức tiền lương ghi trên sổ BHXH thì toàn bộ thời gian đóng BHXH của bà P có 02 quá trình lương: Một là thời gian truy đóng BHXH (từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001) mức tiền lương làm căn cứ truy đóng BHXH bằng tiền đồng; hai là thời gian đóng BHXH (từ tháng 01/2002 đến tháng 6/2015) mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bằng hệ số. Do đó, việc giải quyết chế độ hưu trí đối với bà Bùi Thị P phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Bảo hiểm xã hội tỉnh T đã ban hành Quyết định số 327/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019, điều chỉnh lương hưu cho bà P. Tiền lương hưu hàng tháng của bà P bị giảm đi 236.481 đồng/tháng (từ mức 1.732.621 đồng/tháng, xuống mức 1.496.140 đồng/tháng); số tiền chênh lệch phải thu hồi từ tháng 7/2015 đến tháng 5/2019 là 11.712.671 đồng, đến ngày 10/7/2020 bà P đã nộp được 7.901.770 đồng vào quỹ BHXH. Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của bà P là có cơ sở; Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bà P.

[3] Về án phí: Bà Bùi Thị P là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí; căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án, miễn án phí hành chính phúc thẩm cho bà P.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận kháng cáo của bà Bùi Thị P; giữ nguyên quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 54/2020/HC-ST ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh T.

Án phí: Bà Bùi Thị P không phải chịu án phí hành chính phúc thẩm.

Bản án hành chính phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

655
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính số 192/2021/HC-PT

Số hiệu:192/2021/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 14/10/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về