TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 166/2024/HC-PT NGÀY 26/03/2024 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH
Ngày 26 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hành chính thụ lý số 911/2023/TLPT-HC ngày 25 tháng 12 năm 2023 về việc “Khiếu kiện Quyết định hành chính” do có kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Thanh A đối với Bản án hành chính sơ thẩm số 11/2023/HC-ST ngày 08 tháng 8 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh V.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 2842/2024/QĐ-PT ngày 08 tháng 3 năm 2024, giữa các đương sự:
* Người khởi kiện: Bà Nguyễn Thị B, sinh năm 1940; địa chỉ: Thôn C, xã C, huyện D, tỉnh V; vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện:
- Chị Cao Thị Kim H, sinh năm 1972; địa chỉ: Tổ 1, phường S, thành phố E, tỉnh T; có mặt.
- Anh Nguyễn Tuấn U, sinh năm 1972; địa chỉ: Khu 5, xã P, huyện D, tỉnh V; có mặt.
- Chị Nguyễn Thị T2, sinh năm 1976; địa chỉ: Thôn C, xã C, huyện D, tỉnh V; có mặt.
* Người bị kiện: Ủy ban nhân dân huyện D, tỉnh V; địa chỉ: thị trấn D, huyện D, tỉnh V; vắng mặt.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo:
- Ông Nguyễn Thanh A, sinh năm 1953; địa chỉ: Thôn O, xã G, huyện Y, tỉnh V; vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1944; địa chỉ: Tổ 10, phường M, thành phố E, tỉnh T; vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
- Bà Nguyễn Thị L1, sinh năm 1947; địa chỉ: Thôn K, xã P, huyện D, tỉnh V;
vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị B, quá trình tham gia tố tụng người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện - bà B là chị Cao Thị Kim H trình bày:
Bố mẹ của bà Nguyễn Thị B là cụ Nguyễn Văn R và cụ Lê Thị Q. Cụ R và cụ Q sinh được 4 người con gồm: Ông Nguyễn Văn C1 sinh năm 1928 (liệt sỹ - không có vợ con), bà Nguyễn Thị B, bà Nguyễn Thị L sinh năm 1944, bà Nguyễn Thị L1, sinh năm 1947. Khoảng năm 1953, cụ R và cụ Q đón ông Nguyễn Thanh A về làm con nuôi.
Sinh thời, cụ R và cụ Q tạo lập được 01 thửa đất số 156, tờ bản đồ 02, diện tích 324m2 tại thôn X, xã C, huyện A1, tỉnh V1 (nay là thôn C, xã C, huyện D, tỉnh V).
Năm 1960, cụ R chết. Năm 1988, cụ Q chết. Trước khi chết, cụ R và cụ Q đều không để lại di chúc gì về việc phân chia quyền sử dụng thửa đất nêu trên.
Khi cụ Q còn sống, bà B ở cùng cụ Q, chăm sóc cụ Q lúc già yếu, ốm đau. Sau khi cụ Q chết, bà B là người quản lý, sử dụng thửa đất và đóng thuế đất cho đến nay.
Năm 1991, gia đình bà B cũng như đồng loạt các gia đình khác trong xã được Nhà nước thực hiện kê khai sử dụng đất. Lúc đó, do bà B đang là người trực tiếp quản lý, sử dụng đất, đóng thuế đất nên bà B được Nhà nước kê khai và công nhận quyền sử dụng thửa đất số 156, tờ bản đồ 02, diện tích 324m2 tại thôn X, xã C, huyện A1, tỉnh V1 (nay là thôn C, xã C, huyện D, tỉnh V) của bố mẹ bà B để lại (thể hiện tại sổ mục kê đất thổ cư lưu giữ tại UBND xã C). Đến nay, bà B không nhớ chính xác đã được cấp những giấy tờ gì. Nhà bà B lúc đó tuềnh toàng, không có chỗ để giấy tờ chắc chắn nên bà B cũng không xác định giấy tờ đất đai thất lạc trong trường hợp nào và từ bao giờ, bà B ít hiểu biết nên cũng không quan tâm nhiều đến giấy tờ đó. Cũng năm 1991, gia đình có dỡ căn nhà cũ của cụ Q và cụ R để xây dựng lại nhà mới, ông A có đóng góp phần lớn tiền để làm lại nhà, phần còn lại do chị em bà B đóng góp.
Bản thân bà B nghĩ rằng bà chỉ có một người con gái nuôi và cũng không cần thiết phải dành riêng cho bản thân thứ gì, đất của bố mẹ để lại sau này sẽ đứng tên bốn chị em. Bởi vậy, đến tháng 4 năm 2021, gia đình có tổ chức họp thống nhất về việc thừa kế di sản của cụ R, cụ Q để lại, bà B có bàn bạc với các em trong gia đình tất cả các chị em đều đứng tên chủ sử dụng đất diện tích 324m2 để làm nơi thờ cúng bố mẹ nhưng ông A không đồng ý.
Ngày 25/4/2022, bà B đã gửi đơn yêu cầu UBND xã C giải quyết tranh chấp đất đai. Ngày 09/6/2022, UBND xã C tổ chức hòa giải giữa các bên. Tại buổi hòa giải, UBND xã C cung cấp thông tin thửa đất số 156, tờ bản đồ 02, diện tích 324m2 tại xã C, huyện A1, tỉnh V1 (nay là xã C, huyện D, tỉnh V) đã được UBND huyện A1 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B8171391 ngày 20/6/1995 đứng tên ông Nguyễn Thanh A và ông Nguyễn Thanh A xuất trình bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông A đối với thửa đất số 156, tờ bản đồ 02, diện tích 324m2 thì bà B và các em bà B mới biết.
Các chị em bà B và ông A chưa bao giờ họp gia đình thỏa thuận hay có văn bản thỏa thuận về việc cho ông A đứng tên thửa đất, bản thân bà B cũng không ký hay làm thủ tục gì để chuyển quyền sử dụng thửa đất cho ông A, việc thửa đất đứng tên ông A là do ông A tự đi kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chứ chị em bà B không biết gì.
Nay bà B khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng số B8171391 ngày 20/6/1995 của UBND huyện D cấp đứng tên ông Nguyễn Thanh A đối với thửa đất số 156, tờ bản đồ 02, diện tích 324m2 tại xã C, huyện A1, tỉnh V1 (nay là xã C, huyện D, tỉnh V).
Người đại diện của người bị kiện - UBND huyện D trình bày:
Qua kiểm tra, rà soát hồ sơ tài liệu tại kho lưu trữ của UBND huyện D, phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh D cho thấy: Hiện nay, tại kho lưu trữ hồ sơ của UBND huyện D không còn lưu trữ hồ sơ liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 156, tờ bản đồ số 02, diện tích 324,0m2 địa chỉ thửa đất: thôn C, xã C, huyện D cho ông Nguyễn Thanh A. Hiện nay, các hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1977 đến năm 2005 trên địa bàn huyện D đã lập biên bản và bàn giao cho Trung tâm lưu trữ lịch sử thuộc Sở Nội vụ tỉnh V lưu trữ theo quy định. Để đảm bảo vụ việc được giải quyết theo quy định, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh V liên hệ Sở Nội vụ tỉnh V để được cung cấp hồ sơ; đồng thời làm việc với UBND xã C để thu thập thêm hồ sơ địa chính có liên quan, xác định nguồn gốc đất làm cơ sở giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật. Đối với yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị B, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh V giải quyết theo quy định của pháp luật.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Thanh A trình bày:
Thửa đất số 156, tờ bản đồ 02, diện tích 324m2 tại thôn C, xã C, huyện D, tỉnh V nguồn gốc là của cụ Nguyễn Văn R và cụ Lê Thị Q (là bố mẹ nuôi của ông và là bố mẹ đẻ của bà Nguyễn Thị B). Năm 1953, cụ R và cụ Q đón ông về nuôi dưỡng. Ông được biết sau đó khoảng năm 1955, cụ R chết, khi đó ông mới được khoảng 2 tuổi, còn nhỏ nên không nhớ rõ. Năm 1988, cụ Q chết. Trước khi cụ R và cụ Q chết đều không để lại di chúc gì về việc phân chia quyền sử dụng thửa đất nêu trên. Theo sổ sách địa chính tại xã C, thửa đất nêu trên đến năm 1991 đứng tên bà Nguyễn Thị B, ông không biết tại sao đất lại đứng tên bà B.
Gia đình cũng không họp gì về việc cho bà B đứng tên đất. Cũng năm 1991, ông làm nhà trên đất, đến cuối năm 1991, thì làm nhà xong. Đến năm 1993, ông mới biết thửa đất của cụ R và cụ Q đứng tên chủ sử dụng đất là bà Nguyễn Thị B. Khi đó, ông không có ý kiến, khiếu nại gì. Vì cụ Q - mẹ nuôi ông khi còn sống đã dặn dò đất là để cho ông thờ cúng tổ tiên, bản thân ông cũng đã đóng góp rất nhiều tiền để xây lại nhà, sửa sang cải tạo lại đất cho bà B sử dụng và làm nơi thờ cúng. Cũng vì vậy mà ông đã không có ý kiến gì về việc bà B đứng tên đất.
Đến năm 1995, bà B đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà B cho ông để ông đi làm thủ tục kê khai sang tên quyền sử dụng đất từ bà B sang cho ông. Thời điểm đó thủ tục sang tên đất đơn giản, chỉ một mình ông lên UBND xã C làm thủ tục kê khai sang tên đất chứ bà B không lên UBND xã cùng ông, không ký vào hồ sơ sang tên đất cho ông. Gia đình cũng không họp thỏa thuận phân chia đất, không có văn bản thỏa thuận thống nhất cho ông đứng tên đất. Đến ngày 20/6/1995, thửa đất số 156, tờ bản đồ 02, diện tích 324m2 tại xã C, huyện A1, tỉnh V1 (nay là xã C, huyện D, tỉnh V) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông. Khi ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất bà B và các chị em gái trong gia đình đều biết.
Sinh thời bố mẹ tôi có xây 01 căn nhà đắp đất. Năm 1991, ông đứng ra dỡ bỏ nhà của bố mẹ để xây nhà mới, khi đó khoán thợ không nuôi cơm, làm nhà cho bà B ở nên việc bà B gánh việc này việc kia là do tự thân bà B chứ khi xây nhà không có chị em nào đóng góp công sức hay tiền, tài sản. Sau khi xây nhà mới, ông không ở mà để bà B ở. Khi nhà và đất xuống cấp, ông là người đứng ra sửa chữa, cải tạo, các chị em gái cũng không đóng góp gì. Năm 2020, ông về xin sửa chữa nhà cho bà B ở, bà B đồng ý, nhưng khi tập kết vật liệu thì bà B lại không cho xây. Khi đó xảy ra tranh chấp. Gia đình tổ chức họp, ông nói ông không bán, không cho đất chỉ để làm nhà thờ. Nhưng bà L1 và các bà khác lại nói đất để cả 04 người con đứng tên sử dụng đất nhưng ông không đồng ý. Lý do vì đất đứng tên ông, ông là người có quyền thờ cúng tổ tiên, liệt sỹ, bà B và các con, các cháu không có quyền thờ cúng.
Nay bà B yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất số 156, tờ bản đồ 02, diện tích 324m2 tại xã C, huyện A1, tỉnh V1 được Ủy ban nhân dân huyện D cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông ngày 20/6/1995, ông không nhất trí. Vì theo nguyện vọng của cụ R và cụ Q, thửa đất là để cho ông làm nơi thờ cúng tổ tiên, thờ cúng liệt sỹ. Ông đã đóng góp toàn bộ tiền, công sức để duy trì, cải tạo thửa đất. Gia tộc họ hàng hai bên của cụ R và cụ Q đều ghi nhận điều này.
Bà Nguyễn Thị L1 trình bày: Bà thừa nhận bà B và ông A trình bày về nguồn gốc đất, gia cảnh gia đình là đúng. Năm 1991, bà B kê khai được đứng tên thửa đất của bố mẹ, khi đó gia đình cũng không họp và không có thỏa thuận gì nhưng chị em bà đều biết và đều không có ý kiến gì, bản thân ông A cũng không có ý kiến gì. Năm 1995, ông A tự ý đi kê khai chuyển quyền sử dụng đất từ bà B sang cho ông A đứng tên quyền sử dụng đất, việc này bà và các chị em đều không biết gì. Chỉ khi xảy ra tranh chấp đất vào năm 2022 thì các chị em bà mới biết ông A được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 20/6/1995. Năm 1995, gia đình bà không tổ chức họp thỏa thuận về phân chia đất, không thỏa thuận, thống nhất và không có văn bản thỏa thuận gì về việc cho ông A đứng tên thửa đất của bố mẹ bà.
Bà Nguyễn Thị L trình bày: Bà thừa nhận bà B và ông A trình bày về nguồn gốc đất, gia cảnh gia đình là đúng. Năm 1991, bà B kê khai được đứng tên thửa đất của bố mẹ, khi đó gia đình cũng không họp và không có thỏa thuận gì nhưng chị em bà đều biết và đều không có ý kiến gì, bản thân ông A cũng không có ý kiến gì. Năm 1995, ông A tự ý đi kê khai chuyển quyền sử dụng đất từ bà B sang cho ông A đứng tên quyền sử dụng đất, việc này bà và các chị em đều không biết gì. Chỉ khi xảy ra tranh chấp đất vào năm 2022 thì các chị em bà mới biết ông A được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất ngày 20/6/1995. Năm 1995, gia đình bà không tổ chức họp thỏa thuận về phân chia đất, không thỏa thuận, thống nhất và không có văn bản thỏa thuận gì về việc cho ông A đứng tên thửa đất của bố mẹ bà.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 11/2023/HC-ST ngày 08 tháng 8 năm 2023, Tòa án nhân dân tỉnh V đã quyết định:
Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 193 Luật tố tụng hành chính; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử:
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị B về việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B8171391 ngày 20/6/1995 của Ủy ban nhân dân huyện A1 đối với thửa đất số 156, tờ bản đồ 02, diện tích 324m2 tại xã C, huyện A1, tỉnh V1 (nay là thôn C, xã C, huyện D, tỉnh V) cấp cho ông Nguyễn Thanh A.
Kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện D, tỉnh V cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đương sự theo đúng quy định của pháp luật, khi có yêu cầu.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Ngày 15/8/2023, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Thanh A có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Thanh A vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Chủ tọa công bố đơn kháng cáo của ông A có nội dung:
Thửa đất số 156, tờ bản đồ 02, diện tích 324m2 tại thôn C, xã C, huyện D, tỉnh V nguồn gốc là của cụ Nguyễn Văn R và cụ Lê Thị Q để lại để ông xây dựng làm nơi thờ tự các cụ. Năm 1991 bà B tự ý kê khai đứng tên bà Nguyễn Thị B không được sự đồng ý của ông trong khi ông đã làm nhà trên đất. Năm 1995, bà B đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà B để ông đi làm thủ tục kê khai sang tên quyền sử dụng đất từ bà B sang cho ông. Đến ngày 20/6/1995, thửa đất số 156, tờ bản đồ 02, diện tích 324m2 tại xã C, huyện A1, tỉnh V1 (nay là xã C, huyện D, tỉnh V) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông. Khi ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất bà B và các chị em gái trong gia đình đều biết nhưng không khiếu nại gì. Việc ông đứng tên thửa đất là hợp pháp. Tòa án sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị B, tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 1995 đứng tên ông là không khách quan, không đúng quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông.
Do đó, ông kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy Bản án hành chính sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà B.
- Người khởi kiện của bà Nguyễn Thị B vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện là chị Cao Thị Kim H, anh Nguyễn Tuấn U và chị Nguyễn Thị T2 không đồng ý với kháng cáo của ông Nguyễn Thanh A, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông A, giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm:
Về tố tụng: Người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Đơn kháng cáo của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Thanh A trong hạn luật định nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
Về nội dung kháng cáo: Quá trình giải quyết vụ án, tất cả các đương sự đều xác định thửa đất số 156, tờ bản đồ 02, diện tích 324m2 tại thôn C, xã C, huyện D, tỉnh V là di sản của cụ Nguyễn Văn R và cụ Lê Thị Q để lại chưa chia nên Bản án sơ thẩm quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị B tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 1995 đứng tên ông Nguyễn Thanh A là có căn cứ, đúng pháp luật. Tại cấp phúc thẩm, ông A không cung cấp được tài liệu chứng minh cho đơn kháng cáo nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của ông A. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, bác kháng cáo của ông Nguyễn Thanh A, giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm.
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của các bên đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, sau khi thảo luận và nghị án;
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Bà Nguyễn Thị B khởi kiện đề nghị Toà án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B8171391 ngày 20/6/1995 của ủy ban nhân dân huyện A1, tỉnh V1 (nay là huyện D, tỉnh V) cấp đứng tên ông Nguyễn Thanh A đối với thửa đất số 156, tờ bản đồ 02, diện tích 324m2 tại xã C, huyện A1, tỉnh V1 (nay là thôn C, xã C, huyện D, tỉnh V). Mặc dù giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được UBND huyện A1 cấp cho ông A từ năm 1995 nhưng theo người khởi kiện khẳng định đến khi bà Nguyễn Thị B và ông Nguyễn Thanh A xảy ra tranh chấp đất thì ngày 09/6/2022 bà B mới biết đến giấy chứng nhận số B817139 đứng tên ông A. Ngày 23/8/2022 bà B có đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân tỉnh V yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B8171391 ngày 20/6/1995 nêu trên nên thời hiệu khởi kiện vẫn còn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính. Toà án nhân dân tỉnh V thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm là đúng thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 3, khoản 1 Điều 30; khoản 4 Điều 32 Luật tố tụng hành chính.
[2] Đơn kháng cáo của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Thanh A trong hạn luật định và hợp lệ nên được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[3] Mặc dù người kháng cáo là ông Nguyễn Thanh A vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm nhưng ngày 20/3/2024, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã nhận được đơn xin xét xử vắng mặt của ông A nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử phúc thẩm vắng mặt đương sự theo quy định tại khoản 4 Điều 225 Luật tố tụng hành chính.
[4] Các đương sự đều thống nhất khai nhận nguồn gốc thửa đất số 156, tờ bản đồ sổ 02, diện tích 324m2 tại thôn C, xã C, huyện A1, tỉnh V1 (nay là thôn C, xã C, huyện D, tỉnh V) là của cụ Nguyễn Văn R và cụ Lê Thị Q tạo lập. Vợ chồng cụ R, cụ Q sinh được 04 người con chung là ông Nguyễn Văn C1 đã hy sinh; bà Nguyễn Thị B, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị L1 và nhận ông Nguyễn Thanh A làm con nuôi. Cụ R mất sớm, cụ Q mất năm 1988; các cụ không để lại di chúc. Sau khi cụ Q chết, bà B sinh sống trên thửa đất này và đóng thuế đất hàng năm, ông A đi công tác và có nhiều lần sửa chữa ngôi nhà cho bà B ở. Như vậy, có cơ sở để khẳng định diện tích 324m2 đất thuộc thửa số 156 nêu trên là di sản của cụ Nguyễn Văn R và cụ Lê Thị Q để lại.
[5] Quá trình Tòa án giải quyết vụ án, người khởi kiện bà Nguyễn Thị B cũng như người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị L1 đều khẳng định năm 1991 các đồng thừa kế của cụ Nguyễn Văn R và cụ Lê Thị Q đều đồng ý cho bà B đứng tên diện tích 324m2 đất thuộc thửa số 156 của bố mẹ để lại nhưng không được người đồng thừa kế là ông A thừa nhận.
Ông A cho rằng năm 1991 ông đã tháo dỡ nhà đất của bố mẹ để xây dựng nhà kiên cố làm nơi thờ tự theo ý nguyện của bố mẹ. Do bà B ly hôn chồng không có chỗ ở nên ông để bà ở để trông coi nhà, đất. Bà B tự ý kê khai đứng tên nhà đất là di sản của bố mẹ để lại không được sự đồng ý của ông nên năm 1995 bà B đã đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà B cho ông để ông đi làm thủ tục kê khai sang tên quyền sử dụng đất từ bà B sang cho ông. Khi ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất, bà B và các chị em gái trong gia đình đều biết và đồng ý. Việc ông đứng tên thửa đất là hợp pháp.
Các đương sự không thống nhất xác định quyền sử dụng đất nhưng đều không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho nội dung trình bày.
[6] Tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ thể hiện: Tại Sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất huyện X - tờ bản đồ số 4 (đo đạc 1991) do Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh V cung cấp thể hiện số thứ tự 152 - Nguyễn Thị B - số thửa 156 - diện tích đất ở 200m2, đất vườn 124m2 - số giấy chứng nhận 846138. Ngày 20/6/1995, Ủy ban nhân dân huyện A1 cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B8171391 đứng tên ông Nguyễn Thanh A đối với thửa đất số 156, tờ bản đồ số 4 nêu trên.
[7] Tòa án đã tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ nhưng không thu thập được hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1991 cho bà Nguyễn Thị B cũng như không thu thập được hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 1995 cho ông Nguyễn Thanh A nên không có cơ sở để xem xét, đánh giá về trình tự, thủ tục, căn cứ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B8171391 đứng tên ông Nguyễn Thanh A cũng như trình tự, thủ tục, căn cứ của quyết định hành chính có liên quan là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà Nguyễn Thị B.
[8] Các đồng thừa kế của cụ Q đều khẳng định từ sau khi cụ Q chết năm 1988, toàn bộ tài sản chung của cụ R, cụ Q chưa được các đồng thừa kế của các cụ phân chia, chưa thống nhất trao quyền quản lý, sử dụng nhà, đất cho bất kỳ người thừa kế nào. Năm 1991, ông A là người đã tháo dỡ ngôi nhà đắp đất của cụ R, cụ Q để sửa chữa, xây dựng ngôi nhà trên đất và cho bà B ở. UBND huyện A1, tỉnh V1 cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà Nguyễn Thị B (năm 1991) hay cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Nguyễn Thanh A (năm 1995) là còn trong thời hạn 10 (Mười) năm kể từ thời điểm mở thừa kế của cụ Q quy định tại Điều 36 Pháp lệnh thừa kế đang có hiệu lực nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của bà B hay ông A đối với nhà, đất nêu trên nên đều không đảm bảo quy định tại Luật Đất đai năm 1987, Nghị định 30-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và hướng dẫn tại Thông tư 302/TT/ĐKTK ngày 28/10/1989 của Tổng cục quản lý ruộng đất về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
[9] Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 846138 năm 1991 đứng tên bà B đã bị UBND huyện A1, tỉnh V1 thu hồi hủy bỏ khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 20/6/1995 cho ông A theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B8171391 ngày 20/6/1995 của Ủy ban nhân dân huyện A1 đối với thửa đất số 156, tờ bản đồ 02, diện tích 324m2 tại xã C, huyện A1, tỉnh V1 (nay là thôn C, xã C, huyện D, tỉnh V) đứng tên ông Nguyễn Thanh A là không đúng quy định như đã phân tích nên Tòa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà B, hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Hội đồng xét xử phúc thẩm không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông A, giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm.
[10] Kháng cáo không được chấp nhận nhưng ông Nguyễn Thanh A là người cao tuổi và có yêu cầu nên được miễn án phí hành chính phúc thẩm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.
Vì các lẽ trên;
Căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
QUYẾT ĐỊNH
1. Không chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Thanh A; giữ nguyên quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 11/2023/HC-ST ngày 08 tháng 8 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh V.
2. Vê án phí: Miễn án phí hành chính phúc thẩm cho ông Nguyễn Thanh A. Bản án hành chính phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên án.
Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính số 166/2024/HC-PT
Số hiệu: | 166/2024/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 26/03/2024 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về