Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính số 07/2024/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 07/2024/HC-PT NGÀY 19/01/2024 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH

Ngày 19 tháng 01 năm 2024 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số: 316/2023/TLPT- HC ngày 21 tháng 11 năm 2023 về “Khiếu kiện quyết định hành chính”. Do Bản án hành chính sơ thẩm số 09/2023/HC-ST ngày 07/9/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 555/2024/QĐXXPT-HC ngày 08 tháng 01 năm 2024 giữa các đương sự:

- Người khởi kiện: Công ty TNHH MTV N1; địa chỉ: khóm T, thị trấn L, huyện H, tỉnh Quảng Trị Người đại diện theo pháp luật: bà Trần Thị D - Giám đốc Công ty TNHH MTV N1. Có đơn xin xét xử vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền:

- Ông Nguyễn Đức T; địa chỉ: số B đường H, khu phố A, phường Đ, thành phố Đ, tỉnh Quảng Trị (văn bản ủy quyền ngày 21/01/2020). Có đơn xin xét xử vắng mặt.

- Ông Trương Bửu N; địa chỉ: KP P, Đ, thành phố Đ, tỉnh Quảng Trị (văn bản ủy quyền ngày 15/01/2024). Có mặt.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện: Luật sư Lê Văn C và Luật sư Trần Thị H, đều là Luật sư Công ty L4, Đoàn Luật sư thành phố Đ; địa chỉ: I N, quận H, thành phố Đà Nẵng. Có mặt.

- Người bị kiện: Tổng cục trưởng Tổng cục H5; địa chỉ: lô E, đường D, phường Y, quận C, thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp của người bị kiện: ông Lưu Mạnh T1 - Phó Tổng cục trưởng H5 (văn bản ủy quyền ngày 18/02/2020) Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện:

1. Ông Đặng Công T2 - Phó Cục trưởng, Cục Hải quan thành phố H, H5. Có mặt.

2. Ông Trần Việt H1 - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, H5. Có mặt.

3. Ông Nguyễn Thế V - Phó Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan. Có mặt.

4. Bà Tống Thị Hoa Q - Trưởng phòng Xử lý vi phạm, Cục Điều tra chống buôn lậu, H5. Có đơn xin xét xử vắng mặt.

5. Ông Phạm Văn T3 - Đội trưởng Đội quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ, Cục Điều tra chống buôn lậu, H5. Có mặt.

6. Bà Trần Thị T4 - Công chức Vụ Pháp chế, H5. Có mặt.

7. Ông Phạm Văn B - Công chức Phòng Tham mưu - Tổng hợp, Cục Điều tra chống buôn lậu, H5. Có mặt.

8. Ông Vũ Triều D1 - Công chức Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan. Có mặt.

9. Ông Phạm Văn T5 - Công chức Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền N, Cục điều tra chống buôn lậu, H5. Có mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. H5; địa chỉ: lô E, đường D, phường Y, quận C, thành phố Hà Nội. Người đại diện hợp pháp: ông Lưu Mạnh T1 - Phó Tổng cục trưởng H5 (văn bản ủy quyền ngày 05/11/2020). Có mặt.

2. Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Đ1, Cục Hải quan thành phố Đ; địa chỉ: phường T, quận S, thành phố Đà Nẵng. Có đơn xin xét xử vắng mặt.

3. Chi cục Hải quan Cửa khẩu L5, Cục Hải quan tỉnh Q; địa chỉ: thị trấn L, huyện H, tỉnh Quảng Trị. Người đại diện hợp pháp: ông Ngô Minh T6 - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu L5, Cục Hải quan tỉnh Q (văn bản uỷ quyền ngày 07/8/2023). Có mặt.

4. Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng C2, Cục Hải quan tỉnh Q; địa chỉ: xã G, huyện G, tỉnh Quảng Trị. Người đại diện hợp pháp: ông Trần Linh C1 - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng C2, Cục Hải quan tỉnh Q. Vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền: ông Nguyễn Mạnh H2 - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng C2, Cục Hải quan tỉnh Q (văn bản ủy quyền ngày 12/01/2024). Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Phía người khởi kiện trình bày:

Ngày 17/12/2011, tại Cửa khẩu L, Công ty TNHH MTV N1 (sau đây gọi tắt là Công ty N1) mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu số 1505/NK/KD/BO33, nhập khẩu 535,800 m3 gỗ trắc từ Lào vào Việt Nam, được Hải quan cửa khẩu L5 kiểm tra, xác nhận thông quan.

Ngày 19/12/2011, tại Cửa khẩu cảng C2, Công ty N1 mở tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 849/XK/C32D, xuất khẩu 535,800 m3 gỗ trắc nhập khẩu nói trên từ Việt Nam sang Hồ N, Trung Quốc, được Hải quan cửa khẩu cảng C2 kiểm tra, xác nhận thông quan, niêm 22 container hàng hóa bằng seal hải quan và lập biên bản bàn giao số 849/BBBG-CV ngày 20/12/2011 chuyển cửa khẩu đến cảng Đ để xuất khẩu.

Ngày 27/12/2011, Công an quận N kiểm tra, tạm giữ xe ô tô biển kiểm soát 43S-5142 chở container số hiệu GESU 6243717, sau đó chuyển cho Chi cục Hải quan cảng Đ1 xử lý theo quy định.

Ngày 29/12/2011, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Đ1 quyết định cho làm thủ tục xếp 21 container hàng hóa xuống tàu xuất khẩu (để lại container đã nêu chờ xử lý) và ban hành Công văn số 1753/HQCĐN thông báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng C2 về việc đã làm thủ tục cho xuất khẩu chuyển cửa khẩu đối với 21 container có số thứ tự từ 01 đến 21.

Ngày 30/12/2011, H5 có Công văn số 103/TCHQ-VP yêu cầu Cục Hải quan thành phố Đ, Cục Hải quan tỉnh Q dừng làm thủ tục thông quan đối với lô hàng và giao toàn bộ hồ sơ cùng hàng hóa cho Cục Điều tra chống buôn lậu – H5 chủ trì khám xét.

Ngày 06/01/2012, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Đ1 ra Quyết định số 01/QĐ-HQCĐN, khám xét 22 container gỗ của Công ty N1 và ngày 14/3/2012 lập biên bản khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (VPHC) số 01/BB-HC4, kết luận lô hàng gỗ xuất khẩu của Công ty N1 gồm 453,104 m3, trong đó 431,598 m3 gỗ trắc, 21,506 m3 gỗ giáng hương và 867 sản phẩm gỗ.

Ngày 06/4/2012, Cục Điều tra chống buôn lậu ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 02/QĐ-ĐTCBL về tội “Buôn lậu” theo Điều 153 Bộ luật hình sự 1999; ngày 12/4/2012 ra tiếp Quyết định số 01/QĐ-ĐTCBL thu giữ toàn bộ số gỗ chứa trong 22 contianer thuộc tờ khai xuất khẩu số 849/XK/KD/C32D ngày 19/12/2011 của Công ty N1. Ngày 31/7/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ C3 ra Quyết định xử lý vật chứng số 21/C44-P4 và sau đó đã bán toàn bộ lô gỗ của Công ty N1 cho một doanh nghiệp ở Bắc Ninh, thu được 63.920.000.000 đồng.

Ngày 26/7/2019, tại Bản án số 187/2019/HSPT, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kết luận: “Do vật chứng của vụ án là lô gỗ xuất khẩu đã bị bán đấu giá trước khi xét xử sơ thẩm, nên số tiền bán đấu giá tài sản là 63.920.000.000 đồng, sau khi trừ chi phí bán đấu giá, còn lại 63.826.330.000 đồng, được coi là vật chứng của vụ án. Đối với khối lượng hàng buôn lậu là 78,872 m3 gỗ trắc và gỗ giáng hương, có giá trị là 4.136.254.000 đồng, Hội đồng xét xử sẽ tịch thu nộp ngân sách nhà nước. Số vật chứng được tính thành tiền còn lại là 59.690.076.000 đồng, do không có cơ sở để kết luận các bị cáo buôn lậu” nên Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định “chuyển cho H5 để xem xét, xử lý về hành vi VPHC do Công ty N1 khai sai với thực tế về tên hàng”.

Ngày 24/10/2019, công chức Đội 2 - Cục Điều tra chống buôn lậu lập Biên bản VPHC về hải quan số 01/BB-VPHC và ngày 05/11/2019, Tổng cục trưởng H5 ra Quyết định tịch thu tang vật VPHC số 3241/QĐ-TTTV tịch thu số tiền 59.690.076.000 đồng nói trên, là tài sản hợp pháp của Công ty N1. Công ty N1 thấy rằng: hình thức và nội dung của Quyết định tịch thu tang vật VPHC không đúng với Luật xử lý Vi phạm hành chính năm 2012 và quy định tại các Nghị định của Chính phủ về xử lý VPHC và cưỡng chế VPHC trong lĩnh vực hải quan; không phù hợp với kết luận và quyết định của Hội đồng xét xử phúc thẩm tại Bản án số 187/2019/HSPT ngày 26/7/2019 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng; không đúng với thực tế hoạt động xuất nhập khẩu lô gỗ trắc của Công ty N1. Đặc biệt Quyết định trái ngược hoàn toàn với nội dung Công văn số 1661/TCHQ-TXNK ngày 20/02/2014 của chính H5 trả lời Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ C3 về số tiền thuế GTGT mà Công ty N1 đã nộp vào Ngân sách nhà nước cho 535,800 m3 gỗ trắc nhập khẩu. Cụ thể:

a. Cục điều tra chống buôn lậu lập biên bản VPHC Công ty N1 về hành vi VPHC là trái quy định tại Điều 58 Luật xử lý VPHC năm 2012. Khoản 1 Điều 58 Luật xử lý VPHC năm 2012 quy định: “1. Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này”.

b. Về nội dung: Cục chống buôn lậu xác định Công ty N1 thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không có chứng từ hợp pháp trong địa bàn hoạt động hải quan, là tùy tiện, trái quy định pháp luật.

Tại Bản án phúc thẩm số 187/2019/HSPT của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã quyết định xử lý vật chứng: Chuyển 59.690.076.000, đồng cho H5 để xem xét, xử lý về hành vi VPHC do Công ty N1 khai sai với thực tế về tên hàng theo quy định (Nghị định 97/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ và Thông tư 93/2010/TT-BTC ngày 28/6/2010 của Bộ T7). Bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng trong biên bản VPHC Cục Điều tra chống buôn lậu không xác định Công ty N1 do khai sai với thực tế về tên hàng mà lại xác định Công ty N1 do mua bán, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu không có chứng từ hợp pháp, là vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 79 Luật tố tụng hành chính năm 2015. Điểm b khoản 1 Điều 79 Luật tố tụng hành chính quy định những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh: “b) Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

c. Cục Điều tra chống buôn lậu lập Biên bản VPHC mà không mô tả thời gian, địa điểm, tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ, lời khai của người vi phạm... mà liệt kê các kết luận trong Cáo trạng số 66/CT-VKSTC ngày 14/5/2018 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao đã bị HĐXX sơ thẩm TAND thành phố Đà Nẵng và HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại Đà Nẵng bác bỏ để làm căn cứ là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật xử lý VPHC năm 2012. Ngoài ra, Cục Điều tra chống buôn lậu căn cứ vào kết quả giám định số 783/STTNST ngày 26/11/2012 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật để xác định hành vi VPHC của Công ty N1 là không đúng quy định của pháp luật, vì kết luận 783 là kết luận giám định không hợp pháp mà Công ty N1 và những người liên quan đang khiếu nại.

d. Quyết định tịch thu tang vật VPHC của Tổng cục trưởng H5 đã quá thời hiệu ra quyết định xử phạt VPHC quy định tại Điều 63 Luật xử lý VPHC năm 2012. Đặc biệt Quyết định này trái với quy định tại Điều 65 Luật Xử lý VPHC năm 2012. Khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý VPHC quy định: “2. Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt VPHC nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật VPHC thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này”.

Tang vật VPHC ở đây là 59.690.076.000 đồng, trị giá của 535,8 m3 gỗ trắc do Công ty N1 nhập khẩu từ Lào, không thuộc loại cấm lưu hành. Bởi Công văn số 1328/BCT-XNK ngày 08/02/2013 của Bộ C4 đã chỉ đạo hướng dẫn “Gỗ nhập khẩu, tạm nhập tái xuất từ các nước vào Việt Nam (trừ Campuchia) cũng như gỗ xuất khẩu có nguồn gốc từ nhập khẩu không thuộc danh mục cấm xuất khẩu, nhập khẩu”. Vì vậy Tổng cục trưởng H5 tịch thu tang vật VPHC không thuộc loại cấm lưu hành là trái pháp luật.

e. Tổng cục trưởng H5 ra Quyết định tịch thu tang vật VPHC số 3241/QĐ-TTTV ngày 08/11/2019 tịch thu của Công ty N1 59.690.076.000 đồng còn trái với Công văn số 1661/TCHQ-TXNK ngày 20/02/2014 của chính H5. Do đó, Quyết định tịch thu tang vật VPHC số 3241/QĐ-TTTV ngày 05/11/2019 của Tổng cục trưởng H5 trái với quyết định của bản án hình sự phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật và trái với quy định của pháp luật về xử phạt VPHC trong lĩnh vực hải quan.

Công ty N1 khẳng định: Hành vi nhập khẩu 535,800 m3 gỗ trắc từ Lào vào Việt Nam và xuất khẩu 535,800 m3 gỗ trắc từ Việt Nam sang Hồ N, Trung Quốc của doanh nghiệp là hoàn toàn hợp pháp, không VPHC trong lĩnh vực hải quan như cáo buộc của H5. Do đó, Công ty TNHH MTV N1 khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:

- Hủy bỏ Quyết định tịch thu tang vật VPHC số 3241/QĐ-TTTV ngày 05/11/2019 của Tổng cục trưởng H5.

- Huỷ Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định tịch thu tang vật VPHC số 2878/QĐ-SĐXPHC ngày 04/11/2020 của Tổng cục trưởng H5. - Yêu cầu H5 nhanh chóng trả lại số tiền 59.690.076.000 đồng cho Công ty TNHH MTV N1. - Yêu cầu H5 bồi thường thiệt hại cho Công ty N1 theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với số tiền 1.790.702.280 đồng do tạm giữ số tiền 59.690.076.000 đồng hơn 04 tháng (tính đến tháng 12/2019) theo mức lãi suất 9%/năm. Tại phiên toà sơ thẩm, Công ty N1 bổ sung yêu cầu khởi kiện, yêu cầu H5 bồi thường thiệt hại cho Công ty N1 số tiền 20.145.000.000 đồng (tính đến thời điểm mở phiên toà sơ thẩm).

2. Phía người bị kiện trình bày:

- Về căn cứ xác định hành vi vi phạm của Công ty N1: căn cứ các bản kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ C3, Bản án hình sự phúc thẩm số 187/2019/HSPT ngày 26/7/2019 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng; Công văn số 217/2019/CV-TA ngày 02/10/2019 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, các tài liệu do TAND cấp cao tại Đà Nẵng bàn giao H5 và các tài liệu liên quan đến hồ sơ vụ án, xác định:

Ngày 19/12/2011, Công ty N1 đã đăng ký tờ khai xuất khẩu số 849/XK/KD/C32D tại Chi cục Hải quan cảng C2 để xuất khẩu 535,800 m3 gỗ trắc các loại (trắc xẻ 180,380 m3, trắc tròn 39,964 m3, trắc tận dụng gốc cành ngọn 315,456 m3), đối tác mua hàng: Công ty E – do ông Zhang Chun H3 làm giám đốc (BL 46). Theo khai báo số gỗ xuất khẩu thuộc tờ khai xuất khẩu số 849/XK/KD/C32D có nguồn gốc từ tờ khai nhập khẩu số 1505/NK/KD/B033 ngày 17/12/2011.

Đối với tờ khai nhập khẩu 1505/NK/KD/B033 ngày 17/12/2011 (BL 54) là tờ khai nhập kinh doanh, phân luồng vàng (chỉ kiểm tra hồ sơ, không kiểm tra thực tế hàng hóa), số gỗ nhập khẩu chở trên 13 xe tải được thông quan ngày 17/12/2011. Cơ quan Hải quan không còn trách nhiệm giám sát kể từ thời điểm lô hàng được đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan.

Căn cứ kết quả giám định số 783/STTNSV ngày 26/11/2012 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thì thực tế hàng hóa không đúng về số lượng thanh, hộp lóng, tên gọi, khối lượng, trọng lượng như khai báo của doanh nghiệp trên tờ khai xuất khẩu số 849/XK/KD/C32D và tờ khai nhập khẩu 1505/NK/KD/B033 trên.

Căn cứ 02 văn bản Hải quan Lào trả lời Hải quan Việt Nam và căn cứ văn bản tương trợ tư pháp do Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện đều khẳng định: Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào không ký hợp đồng mua bán gỗ với Công ty N1. Căn cứ quy định tại Điều 22 Luật Hải quan năm 2001 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005), Điều 7 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP, Điều 11 Thông tư số 194/2010/TT-BTC thì hồ sơ hải quan nhập khẩu gồm: Tờ khai hải quan (bản chính), hợp đồng mua bán, hóa đơn (bản chính do nhà xuất khẩu phát hành), packing list (bản chính do nhà xuất khẩu phát hành), lý lịch gỗ, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (bản chính).

Căn cứ lời khai nhận của bị cáo Trương Huy L tại các Biên bản lấy lời khai của Cơ quan điều tra (C44) và trực tiếp qua phần xét hỏi tại phiên tòa hình sự phúc thẩm, ông Trương Huy L đã thừa nhận việc dùng các giấy khống chỉ (chỉ có chữ ký, con dấu của đối tác Lào) để lập bộ hồ sơ, chứng từ xuất khẩu, nhập khẩu gồm: Hợp đồng, invoice, packing list, lý lịch gỗ… là trái với quy định của Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành như đã nêu trên.

Công ty N1 đã sử dụng các Giấy kiểm dịch thực vật của Lào cấp cho Công ty T8, Công ty D2 hàng hóa là gỗ Lim, không phải là gỗ trắc để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khi làm thủ tục nhập khẩu gỗ. Việc cấp giấy kiểm dịch thực vật của cơ quan kiểm dịch thực vật Lao Bảo không đúng quy định của pháp luật.

Kết quả xác minh tại Hồ N: Công ty E (F) Co.ldt - bên mua hàng của Công ty N1 tại hợp đồng kinh tế số 83/HĐKT ngày 18/12/2011 có đăng ký kinh doanh tại Hồ N nhưng không có người đại diện nào tên là Zhang Chun H3 (là người ký trên hợp đồng mua bán gỗ với Công ty N1). Căn cứ tài liệu xác minh tại hãng tàu và lời khai của ông Lưu H4 (Trung Quốc) thì có 05 container (nằm trong 22 container gỗ xuất khẩu của Công ty N1) trên vận đơn VFDN111260 là của ông Lưu H4, không phải là Công ty E. Như vậy, 05 container này không phải bán cho East W như Công ty N1 khai, xuất trình hồ sơ xuất khẩu.

Căn cứ lời khai của ông Trương Huy L tại các biên bản lấy lời khai của cơ quan điều tra (C44) và qua phần xét hỏi tại phiên tòa hình sự phúc thẩm thì ông Trương Huy L thừa nhận không biết gì về Công ty E, hợp đồng số 83/HĐKT ngày 18/12/2011 được làm trên giấy khống chỉ (có chữ ký Zhang Chun Hai đóng dấu sẵn, do một người tên là A L1 đưa cho ông L). Theo quy định tại Điều 23 Luật Hải quan năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2005) thì người khai hải quan phải có trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình, về sự thống nhất nội dung giữa hồ sơ giấy lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ điện tử; không được thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận thuế, đưa hối lộ hoặc các hành vi khác nhằm mưu lợi bất chính và các nghĩa vụ khác.

Căn cứ tài liệu xác minh có trong hồ sơ vụ việc và quy định như đã nêu trên có cơ sở xác định toàn bộ các chứng từ có trong bộ hồ sơ hải quan nhập khẩu số 1505/NK/KD/B033 và bộ hồ sơ hải quan xuất khẩu số 849/XK/KD/C32D là không hợp pháp. Công ty N1 không xuất trình được chứng từ khác chứng minh cho nguồn gốc lô hàng.

Như vậy, Công ty N1 đã có hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp trong địa bàn hoạt động hải quan, vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, khoản 3 Điều 13 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ về xử lý VPHC và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18/02/2009 của Chính phủ).

- Về thẩm quyền ban hành Quyết định:

Theo quy định tại Điều 65 Luật Xử lý VPHC 2012 thì trường hợp hết thời hiệu xử phạt VPHC thì không ra quyết định xử phạt VPHC nhưng người có thẩm quyền có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật VPHC thuộc loại cấm lưu hành.

Căn cứ khoản 5 Điều 42 Luật Xử lý VPHC 2012, đối chiếu với vụ việc vi phạm của Công ty N1 thì Tổng cục trưởng H5 có thẩm quyền ra quyết định tịch thu toàn bộ số hàng VPHC bị tạm giữ, đã được bán đấu giá và được Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng chuyển cho Tổng cục Hải quan theo Bản án hình sự phúc thẩm số 187/2019/HSPT ngày 26/7/2019 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng với số tiền là 59.690.076.000 đồng.

Ngày 19/9/2019, Tổng cục trưởng H5 có quyết định số 2665/QĐ-GQXP giao đồng chí Nguyễn Công B1 - Phó Tổng cục trưởng H5 thực hiện các thẩm quyền của Tổng cục trưởng thực hiện xử phạt VPHC đối với Công ty N1. Như vậy, Quyết định tịch thu tang vật số 3241/QĐ-TTTV ngày 05/11/2019 (BL 67) được ban hành đúng thẩm quyền.

- Về trình tự, thủ tục ban hành Quyết định:

Thực hiện Bản án số 187/2019/HSPT ngày 26/7/2019 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, ngày 24/10/2019, H5 đã lập biên bản VPHC đối với Công ty N1. Ngày 05/11/2019, Tổng cục trưởng H5 ban hành Quyết định số 3241/QĐ- TTTV tịch thu tang vật VPHC.

Ngày 08/11/2019, H5 đã lập Biên bản tịch thu tang vật VPHC số 31/BB- TTTV.

Như vậy, Quyết định tịch thu tang vật số 3241/QĐ-TTTV ngày 05/11/2019 được ban hành đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Việc Công ty N1 yêu cầu Tòa án tuyên hủy Quyết định tịch thu tang vật VPHC số 3241/QĐ-TTTV ngày 05/11/2019 của Tổng cục trưởng H5 là không có căn cứ, trái quy định của pháp luật. Đề nghị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của Công ty N1. 3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

- H5: đồng ý với ý kiến của người bị kiện.

- Chi cục Hải quan Cửa khẩu L5, Cục Hải quan tỉnh Q: đồng ý với ý kiến của người bị kiện.

- Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng C2, Cục Hải quan tỉnh Q: đồng ý với ý kiến của người bị kiện.

- Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Đ1, Cục Hải quan thành phố Đ: không có ý kiến gì.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 09/2023/HC-ST ngày 07/9/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã quyết định:

Căn cứ khoản 2 Điều 3, Điều 7, khoản 1 Điều 30, khoản 2 Điều 32, điểm a khoản 2 Điều 116, khoản 1 Điều 140, điểm a khoản 2 Điều 193, khoản 1 Điều 348 của Luật tố tụng hành chính;

Căn cứ các Điều 6, 18, 42, 54, 63, 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008); Điều 22, 23 Luật Hải quan năm 2001;

Căn cứ điểm a khoản 2, khoản 3 Điều 13 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan; điểm a mục 2, mục 4 khoản 7 Điều 1 Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 18/02/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 97/2007/NĐ-CP; khoản 16 Điều 2 Thông tư số 93/2010/TT-BTC của Bộ T7 hướng dẫn việc xác định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính là hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Điều 7 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; khoản 1, 2 Điều 11 Thông tư số 194/2010/TT-BTC về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; điểm s khoản 1 Điều 6a Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; khoản 8 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ- CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP; Điều 7, 8 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

Căn cứ khoản 1 Điều 26, khoản 1, 7 Điều 32 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:

Bác yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH MTV N1 về việc yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề sau:

- Hủy Quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính số 3241/QĐ- TTTV ngày 05/11/2019 của Tổng cục trưởng H5. - Huỷ Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính số 2878/QĐ-SĐXPHC ngày 04/11/2020 của Tổng cục trưởng H5. - Yêu cầu H5 nhanh chóng trả lại số tiền 59.690.076.000 đồng cho Công ty TNHH MTV N1. - Yêu cầu H5 bồi thường thiệt hại cho Công ty N1 theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước số tiền 20.145.000.000 đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về phần án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 18/9/2023, người khởi kiện Công ty TNHH MTV N1 kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do bản án sơ thẩm có nhiều sai sót trong việc áp dụng pháp luật tố tụng và áp dụng luật nội dung.

Tại phiên toà phúc thẩm, đại diện người khởi kiện Công ty TNHH MTV N1 giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo. Bổ sung kháng cáo yêu cầu bồi thường 22.621.721.131 đồng là tiền lãi phát sinh do việc giữ số tiền bán đấu giá hàng hóa của Công ty quá lâu.

Đại diện người bị kiện Tổng cục trưởng H5 đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm bác kháng cáo của người khởi kiện Công ty TNHH MTV N1 giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

[1] Về tố tụng:

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi xét xử sơ thẩm, người khởi kiện Công ty TNHH MTV N1 kháng cáo. Đơn kháng cáo trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 206 của Luật tố tụng hành chính, do đó Hội đồng xét xử quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Ngày 21/12/2023, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử phúc thẩm lần thứ nhất. Tuy nhiên, đại diện của người khởi kiện và người bị kiện đều có đơn xin hoãn phiên tòa nên căn cứ khoản 1 Điều 225, điểm a khoản 1 Điều 232 của Luật tố tụng hành chính, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm hoãn phiên tòa.

Tại Đơn kháng cáo người khởi kiện cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử, việc thay đổi Thẩm phán chưa đảm bảo nguyên tắc vô tư khách quan theo Điều 127 của Luật tố tụng hành chính; Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm về thẩm quyền xét xử khi phần nhận định bác bỏ nội dung của Bản án phúc thẩm hình sự số 187/HS-PT ngày 26/7/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà nẵng.

Xét thấy, sau khi thụ lý vụ án để giải quyết (Thông báo thụ lý số 22/2019/HC-ST ngày 02/12/2019), Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tiến hành các thủ tục thu thập tài liệu, chứng cứ (theo khoản 3 Điều 93 Luật TTHC năm 2015) để đảm bảo việc giải quyết vụ án. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định tạm đình chỉ để chờ các cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu chứng cứ làm căn cứ giải quyết vụ án. Sau khi thu thập được chứng cứ, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tiếp tục đưa vụ án ra xét xử là đúng quy định của Luật tố tụng hành chính. Người khởi kiện kháng cáo cho rằng việc thay đổi Thẩm phán trong quá trình xét xử sơ thẩm không khách quan, không vô tư nhưng lại không đưa ra được tài liệu, chứng cứ làm căn cứ chứng minh nên nội dung kháng cáo này cũng không được chấp nhận. Vì vậy, việc thay đổi Thẩm phán cũng như thẩm quyền xét xử vụ án của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã đúng quy định của Luật tố tụng hành chính.

[2] Về nội dung:

[2.1] Xét kháng cáo của Người khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính số 3241/QĐ-TTTV ngày 05/11/2019 của Tổng cục trưởng H5 và Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính số 2878/QĐ-SĐXPHC ngày 04/11/2020 của Tổng cục trưởng H5.

[2.1.1] Về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính:

Công ty N1 đã có hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp trong địa bàn hoạt động hải quan nên căn cứ điểm a khoản 2, khoản 3 Điều 13 của Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan thì phải bị xử phạt vi phạm hành chính và bị tịch thu tang vật vi phạm. Nếu tang vật vi phạm không còn thì bị buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm.

Do thời điểm H5 nhận được hồ sơ vụ vi phạm theo Bản án hình sự phúc thẩm số 187/2019/HS-PT của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng chuyển đến thì đã quá 02 năm kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm nên hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính. Do đó, Tổng cục trưởng H5 không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 65 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định đối với trường hợp hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước và trong quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, ngày 05/11/2019 Tổng cục trưởng H5 ban hành Quyết định tịch thu tang vật VPHC số 3241/QĐ-TTTV, là có căn cứ.

[2.1.2] Về thẩm quyền ban hành Quyết định:

Tại điểm b, c khoản 5 Điều 42 của Luật Xử lý VPHC năm 2012 quy định Tổng cục trưởng H5 có quyền phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Do số hàng hóa vi phạm đã được bán đấu giá với số tiền 59.690.076.000 đồng nên Tổng cục trưởng H5 là người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu đối với số tang vật này.

Căn cứ Điều 54 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 5 Điều 42 của Luật Xử lý VPHC có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, Phó Tổng cục trưởng H5 ký Quyết định số 2665/QĐ- GQXP ngày 19/9/2019 với tư cách là người được giao quyền xử lý vi phạm hành chính là đúng quy định.

[2.1.3] Về trình tự, thủ tục ban hành Quyết định:

Sau khi Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng giải quyết xong vụ án hình sự theo trình tự phúc thẩm đã gửi hồ sơ vụ vi phạm cho H5 xem xét, xử lý hành vi vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Và tại Bản án hình sự phúc thẩm số 187/2019/HS-PT của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cũng không kết luận về hành vi vi phạm hành chính của Công ty N1 đối với số gỗ đã bán. Nên ngày 24/10/2019, H5 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty N1 để làm căn cứ xử lý vi phạm.

Trên cơ sở Biên bản vi phạm hành chính ngày 24/10/2019 đến ngày 05/11/2019 (BL 65), Tổng cục trưởng H5 ban hành Quyết định số 3241/QĐ- TTTV tịch thu tang vật vi phạm hành chính của với Công ty N1. Ngày 08/11/2019, H5 đã lập Biên bản số 31/BB-TTTV tịch thu tang vật VPHC.

Theo quy định tại Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì trường hợp Tổng cục trưởng H5 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến.

Do đó, trình tự, thủ tục ban hành Quyết định tịch thu tang vật số 3241/QĐ-TTTV ngày 05/11/2019 của Tổng cục trưởng H5 là đúng quy định của pháp luật.

[2.1.4] Về nội dung của Quyết định:

a. Về hồ sơ nhập khẩu:

Ngày 17/12/2011, tại Cửa khẩu L, Công ty N1 mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu số 1505/NK/KD/BO33, nhập khẩu 535,800 m3 gỗ trắc từ Lào vào Việt Nam, được Hải quan cửa khẩu L5 kiểm tra, xác nhận thông quan. Tờ khai nhập khẩu 1505/NK/KD/B033 ngày 17/12/2011 là tờ khai nhập kinh doanh, phân luồng vàng, số gỗ nhập khẩu chở trên 13 xe tải được thông quan chỉ kiểm tra hồ sơ, không kiểm tra thực tế hàng hóa.

Trong vụ án hình sự về tội “Buôn lậu”, ông Trương Huy L khai: ông Kham P - Giám đốc nhà máy C5 gỗ nội thất Lào nói với ông L do cùng ngày phải lập rất nhiều bộ hồ sơ xuất khẩu gỗ cho các doanh nghiệp Việt Nam, không có thời gian hoàn tất bộ hồ sơ nên đưa cho ông L 01 tập giấy khổ A4 (có sẵn chữ ký của ông Kham P, có đóng dấu của Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào) nhưng chưa có nội dung (giấy khống chỉ) và bản viết tay lý lịch gỗ rồi nhờ ông L làm bộ hồ sơ xuất khẩu gỗ cho nhà máy. Ông Trương Huy L thừa nhận việc dùng các giấy khống chỉ (chỉ có chữ ký, con dấu của đối tác Lào) để lập bộ hồ sơ, chứng từ nhập khẩu gồm: Hợp đồng, Vận đơn (I), Phiếu đóng gói hàng (Packing list), Lý lịch gỗ (Loading list), Bảng kê chi tiết… Căn cứ 02 văn bản mà Cơ quan Hải quan Lào trả lời Hải quan Việt Nam và căn cứ văn bản tương trợ tư pháp do Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện đều khẳng định: Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào không ký hợp đồng mua bán gỗ với Công ty N1. Việc thanh toán cho Hợp đồng kinh tế số 35/2011/HĐKT do Công ty N1 thực hiện cũng chỉ là hợp thức hóa, cụ thể: Công ty N1 làm 09 giấy yêu cầu chuyển tiền của Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào, sau đó sử dụng các giấy tờ này thực hiện 09 lệnh chuyển tiền từ tài khoản ngoại tệ Đô la Mỹ số 390122137071322B của Công ty N1 tại Ngân hàng A sang Lào; trong đó có 08 lệnh chuyển tiền vào tài khoản của Trương Thị Thu Đ, mở tại Ngân hàng P1 – V - Lào với số tiền 1.409.844 USD; 01 lệnh chuyển tiền vào tài khoản của anh Boun L2 mở tại Ngân hàng L6 – V, với số tiền 150.000 USD. Sau khi nhận tiền, chị Đ đã rút tiền từ tài khoản của mình trả lại cho ông Trương Huy L. Như vậy, thực chất số tiền mà Công ty N1 đã chuyển đều được trả lại cho ông Trương Huy L, không có việc chuyển trả tiền cho Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào để thanh toán Hợp đồng kinh tế số 35/2011/HĐKT nên hoạt động mua bán gỗ giữa Công ty N1 và Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào là không có thật.

b.Về hồ sơ xuất khẩu:

Ngày 19/12/2011, Công ty N1 đã đăng ký tờ khai xuất khẩu số 849/XK/KD/C32D tại Chi cục Hải quan cảng C2 để xuất khẩu 535,800m3 gỗ trắc các loại, đối tác mua hàng là Công ty E - do ông Zhang Chun H3 làm giám đốc. Theo khai báo, số gỗ xuất khẩu thuộc tờ khai xuất khẩu số 849/XK/KD/C32D có nguồn gốc từ tờ khai nhập khẩu số 1505/NK/KD/B033 ngày 17/12/2011.

Tại phần nhận định của Bản án hình sự phúc thẩm số 187/HS-PT của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, có nội dung: ông Trương Huy L khẳng định ngày 18/12/2011 có 02 người đàn ông Trung Quốc đến Công ty N1, một người xưng tên Zhang Chun H3 đại diện cho Công ty E (F) Co., L3, Hồng K và một người giúp việc cho Li Zhen Z (A L1). Người tên Zhang Chun H3 đã ký và đóng dấu Công ty E (giấy khống chỉ) vào phía cuối bên phải của 02 tờ giấy khổ A4 trước mặt ông Trương Huy L. Ông L giao cho chị Lê Thị Ái M lập Hợp đồng kinh tế số 83/HĐKT ngày 18/12/2011 mua bán gỗ với Công ty E. Sau đó, chị M căn cứ vào hồ sơ nhập khẩu mở Tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 849/XK/KD/C32D ngày 19/12/2011 và ông L cũng thừa nhận Công ty N1 không biết gì về Công ty E và ông Zhang Chun H3. Theo kết quả trả lời của Cục Đ2 - Bộ C3 xác minh tại Hồ N thì Công ty E (bên mua hàng trong Hợp đồng kinh tế số 83/HĐKT) có đăng ký kinh doanh tại Hồ N nhưng không có người đại diện nào là Zhang Chun H3 (là người ký trên hợp đồng mua bán gỗ với Công ty N1); 05 trong số 22 container gỗ xuất khẩu của Công ty N1 đã được Công ty V1 cấp Vận đơn vận tải số VFDN 111250 cho ông Lau F (Lưu H4) là giám đốc Công ty H6, T - Trung Quốc, chứ không phải bán cho Công ty E như trong hồ sơ xuất khẩu của Công ty N1. Do đó, có cơ sở xác định: Công ty N1 không có hoạt động mua bán gỗ trên thực tế với Công ty E mà chỉ dùng các giấy khống chỉ (chỉ có chữ ký, con dấu của Công ty E) để lập bộ hồ sơ, chứng từ xuất khẩu.

c. Đối chiếu giữa Tờ khai nhập khẩu, xuất khẩu với lô hàng thực tế:

Căn cứ kết quả giám định số 783/STTNSV ngày 26/11/2012 của V2 (được nhận định đảm bảo về tư cách pháp lý và đúng về phương pháp giám định, được sử dụng làm căn cứ để giải quyết vụ án) thì thực tế hàng hóa không đúng về số lượng thanh, hộp lóng, tên gọi, khối lượng, trọng lượng như khai báo của doanh nghiệp trên tờ khai xuất khẩu số 849/XK/KD/C32D và tờ khai nhập khẩu 1505/NK/KD/B033. Cụ thể:

+ Gỗ trắc xẻ theo khai báo hải quan là 180,38m3, nhưng theo Kết luận giám định số 783 là 405,3m3.

+ Gỗ trắc tròn theo khai báo hải quan là 39,964m3, nhưng theo Kết luận giám định số 783 là 39,366m3.

+ Gỗ trắc tròn tận dụng cành, gốc, ngọn theo khai báo hải quan là 315,456m3, nhưng theo Kết luận giám định số 783 là 144,749m3.

d. Về giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật:

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 02/2007/NĐ-CP ngày 05/01/2007 của Chính phủ quy định về điều kiện nhập khẩu thì lô gỗ nhập khẩu của Công ty N1 bắt buộc phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp hoặc giấy xác nhận có giá trị tương đương. Tuy nhiên, Công ty N1 khi làm thủ tục hải quan đã sử dụng 03 giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Trạm kiểm dịch thực vật Cửa khẩu D3 - Lào cấp cho 02 công ty khác (Công ty cổ phần D2; địa chỉ: thành phố V, tỉnh Nghệ An và Công ty TNHH T8; địa chỉ: thành phố Đ, tỉnh Quảng Trị) để đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho lô gỗ của Công ty N1; trong nội dung không có loại gỗ trắc và gỗ giáng hương. Trạm kiểm dịch thực vật Lao Bảo căn cứ vào biển kiểm soát của 13 xe ô tô ghi tại mặt sau của 03 Giấy chứng nhận này trùng khớp với biển kiểm soát của 13 xe ô tô chở gỗ cho Công ty N1, từ đó đã cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật số 03008/KDTV ngày 17/12/2011 cho lô gỗ của Công ty N1 là không đúng quy định.

e. Về nguồn gốc lô gỗ:

Tại Công văn số 211/KL-TTPC ngày 24/4/2013 của Cục K1 thuộc T9 - Bộ N2 thể hiện: quan sát trên bản ảnh thấy không có hình ảnh nào là ảnh chụp dấu búa của Kiểm lâm Việt Nam; không nhận biết được dấu búa kiểm lâm hay dấu búa đặc biệt của quốc gia nào.

Tại Bản kết luận giám định số 6627/C54-P5 ngày 16/12/2014 của V3 Bộ C3 kết luận: không xác định được ký hiệu trong các hình ảnh trên 05 bản ảnh dấu búa đóng trên gỗ là ký hiệu dấu búa kiểm lâm hay dấu hiệu đặc biệt đóng trên gỗ của quốc gia nào. Công ty N1 thừa nhận có biết sự việc này nhưng không quan tâm đến việc lô gỗ có được đánh dấu búa hải quan hay không.

Như vậy, trong toàn bộ lô gỗ, có một số kiện hàng không đóng dấu búa và một số kiện hàng đóng dấu búa, hình ảnh chụp trên lô gỗ không xác định được là dấu ký hiệu của quốc gia nào. Do đó, chưa đủ cơ sở để khẳng định lô gỗ của Công ty N1 nhập khẩu từ Lào về Việt Nam là có nguồn gốc.

f. Về việc phát hiện vi phạm:

Theo quy định tại Điều 23 Luật Hải quan năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2005) thì người khai hải quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình, về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ giấy lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ điện tử. Khi số gỗ của Công ty N1 làm thủ tục nhập khẩu tại Cửa khẩu L, cơ quan hải quan chưa phát hiện sai phạm do tờ khai của Công ty N1 thuộc “luồng vàng” (chỉ kiểm tra hồ sơ, không kiểm tra thực tế hàng hóa). Khi phát hiện vụ việc vi phạm xảy ra, qua hoạt động điều tra, xác minh và quá trình tiến hành tố tụng vụ án hình sự “Buôn lậu” mới xác định được hồ sơ xuất nhập khẩu của Công ty N1 là không hợp pháp, hợp lệ từ đó H5 mới xử lý vi phạm.

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy việc Tổng cục trưởng H5 xác định Công ty N1 có hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không có chứng từ hợp pháp trong địa bàn hải quan, vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, khoản 5 Điều 13 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ về xử lý VPHC và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18/02/2009 của Chính phủ) là có căn cứ.

Như vậy, Quyết định tịch thu tang vật VPHC số 3241/QĐ-TTTV ngày 05/11/2019 của Tổng cục trưởng cục H ban hành là đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục và phù hợp thực tế vi phạm trong lĩnh vực hải quan của Công ty N1. Do đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của người khởi kiện Công ty TNHH MTV N1 đề nghị hủy Quyết định tịch thu tang vật VPHC số 3241/QĐ-TTTV ngày 05/11/2019 của Tổng cục trưởng cục H ban hành.

[2.2] Quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính số 3241/QĐ-TTTV ngày 05/11/2019 của Tổng cục trưởng cục H đã ban hành đúng quy định pháp luật. Nên căn cứ Điều 7 của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu của người khởi kiện Công ty N1 buộc H5 bồi thường thiệt hại số tiền 20.145.000.000 đồng là có cơ sở, đúng pháp luật.

[2.3] Đối với kháng cáo bổ sung của người khởi kiện Công ty N1 yêu cầu người bị kiện bồi thường số tiền 22.621.721.131 đồng do tạm giữ số tiền 59.690.076.000 đồng làm phát sinh tiền lãi. Xét thấy, đây là kháng cáo bổ sung của người khởi kiện tại phiên tòa phúc thẩm yêu cầu Tổng cục trưởng cục H bồi thường và số tiền này không được thụ lý giải quyết từ giai đoạn sơ thẩm nên cấp phúc thẩm không xem xét.

[3] Về án phí: do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên người khởi kiện Công ty TNHH MTV N1 phải chịu án phí hành chính phúc thẩm.

[4] Những phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xét.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính.

1. Bác kháng cáo của người khởi kiện Công ty TNHH MTV N1 và giữ nguyên quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 09/2023/HC-ST ngày 07/9/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị.

2. Căn cứ các Điều 6, 18, 42, 54, 63, 65 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008); Điều 22, 23 của Luật Hải quan năm 2001; Điều 7, 8 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

Căn cứ điểm s khoản 1 Điều 6a Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ; khoản 8 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; điểm a khoản 2, khoản 3 Điều 13 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan; điểm a mục 2, mục 4 khoản 7 Điều 1 Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 18/02/2019 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 97/2007/NĐ-CP); Điều 7 của Nghị định số 154/2005/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;

Căn cứ khoản 16 Điều 2 Thông tư số 93/2010/TT-BTC của Bộ T7 hướng dẫn việc xác định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính là hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; khoản 1, 2 Điều 11 Thông tư số 194/2010/TT-BTC về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

Căn cứ khoản 1 Điều 26, khoản 1, 7 Điều 32 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Bác yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH MTV N1 về việc yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề sau:

- Hủy Quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính số 3241/QĐ- TTTV ngày 05/11/2019 của Tổng cục trưởng H5. - Huỷ Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính số 2878/QĐ-SĐXPHC ngày 04/11/2020 của Tổng cục trưởng H5. - Yêu cầu H5 nhanh chóng trả lại số tiền 59.690.076.000 đồng cho Công ty TNHH MTV N1. - Yêu cầu H5 bồi thường thiệt hại cho Công ty N1 theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số tiền 20.145.000.000 đồng.

3. Về án phí hành chính phúc thẩm: Công ty TNHH MTV N1 phải chịu 300.000 đồng án phí hành chính phúc thẩm. Được trừ 300.000 đồng Công ty TNHH MTV N1 đã nộp tại biên lai thu tiền số 0000441 ngày 26/9/2023 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị.

4. Các quyết định khác còn lại của bản án hành chính sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.  

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

477
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính số 07/2024/HC-PT

Số hiệu:07/2024/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành:19/01/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về