TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 166/2023/HC-PT NGÀY 23/05/2023 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH, HÀNH VI HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI
Ngày 23 tháng 5 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 254/2022/TLPT-HC ngày 28 tháng 10 năm 2022 về “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai”.
Do Bản án hành chính sơ thẩm số 44/2022/HC-ST ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 2023/2023/QĐ-PT ngày 04 tháng 5 năm 2023, giữa các đương sự:
1. Người khởi kiện: ông Đào Văn Đ, sinh năm 1959; địa chỉ: B N, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có đơn xét xử vắng mặt.
2. Người bị kiện:
2.1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đ. Người đại diện theo ủy quyền: ông Võ Văn C, chức vụ: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đ, có đơn xét xử vắng mặt.
2.2. Ủy ban nhân dân huyện E, tỉnh Đắk Lắk.
Người đại diện theo ủy quyền: ông Lê Đình C1, chức vụ: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện E, có mặt tại phiên toà.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ủy ban nhân dân huyện E: ông Nguyễn Ngọc D, chức vụ: Trưởng phòng Phòng T4, có mặt tại phiên toà.
Người kháng cáo: Ủy ban nhân dân huyện E.
NỘI DUNG VỤ ÁN
1. Theo đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của người khởi kiện thể hiện:
Vào ngày 31/7/1993 tôi mua lô đất khoảng 07 sào (sau khi san ủi thì có diện tích 14.400m2 có xác nhận của Ban chỉ huy Đội 3) tọa lạc tại khu vực đồi C, xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk với giá 2.000.000 đồng của ông YD Ê (có tên thường gọi là A T là cán bộ hưu trí tại xã C, đã chết năm 2015) và đã được ông YK M là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) xã C ký xác nhận. Lô đất có tứ cận: phía Đông giáp đường đi vào nghĩa địa, phía Tây giáp sườn đồi, phía Nam giáp nghĩa địa, phía Bắc giáp đường mòn nhỏ dưới chân phía bắc đồi C.
Sau khi mua đất xong, tôi tiến hành san ủi mặt bằng để làm bãi tập kết vật liệu và xe máy thiết bị. Giá trị san ủi do đơn vị tư vấn công trình Công ty X Bộ G) xác định ngày 12/7/1998 là 193.600.000 đồng. Để sử dụng thửa đất này, tôi đã đầu tư làm 01km đường giao thông từ Quốc lộ B vào đồi C cho địa phương với kết cấu mặt bằng đường được rải bằng đất cấp phối đá dăm.
Ngày 20/01/1996 Chủ tịch UBND xã C xác nhận ½ đồi C trong đó có đất của tôi mua của A T đã đền bù giải phóng mặt bằng. Trong quá trình san ủi, tạo lập mặt bằng quản lý và sử dụng, không có một tổ chức hay cá nhân nào tranh chấp với tôi về lô đất này.
Từ năm 1998 đến năm 2002, Công ty X đã thuê lô đất này của tôi để sử dụng vào công việc.
Năm 2003 UBND huyện E đã lấy diện tích đất trên của tôi để thiết lập khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà không hề thông báo cho tôi, không tiến hành thu hồi, bồi thường theo quy định. Sau đó tôi đã khiếu nại thì UBND huyện E không chấp nhận nên tôi khiếu nại lên UBND tỉnh. Tại Điều 2 Quyết định 808/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 Chủ tịch UBND tỉnh Đ đã không công nhận nội dung khiếu nại của tôi về việc UBND huyện E lấy 14.400m2 của tôi đã mua từ ông A T. Do đó tôi khởi kiện đề nghị Tòa án:
- Hủy Điều 2 Quyết định 808/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Đ. - Buộc UBND huyện E, tỉnh Đắk Lắk phải ban hành quyết định thu hồi và phê duyệt phương án bồi thường đối với diện tích 14.400m2 mà tôi đã mua của ông A T, theo quy định của pháp luật.
2. Người bị kiện:
2.1. UBND tỉnh Đ trình bày:
- Nội dung đơn khiếu nại của công dân:
Ngày 20/8/2013 ông Đào Văn Đ có đơn khiếu nại gửi đến Chủ tịch UBND huyện E với 02 nội dung:
Khiếu nại UBND huyện E lấy 14.400m2 đất của ông để thiết lập dự án khu sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc mà không làm việc với ông và không ra quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật, chưa bồi thường cho ông, điều đó xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông.
Khiếu nại UBND xã C, huyện E chưa thanh toán 32.000.000 đồng số tiền mà ông đã làm 08 km đường cấp phối vào năm 1993 tại xã C. - Kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền:
Ngày 10/11/2014 Chủ tịch UBND huyện E ban hành Quyết định số 774/QĐ- UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Đào Văn Đ (lần đầu) với kết quả: không chấp nhận nội dung đơn khiếu nại của ông Đào Văn Đ. Không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại, ông Đào Văn Đ tiếp tục có đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND tỉnh.
Ngày 20/4/2018 Chủ tịch UBND tỉnh Đ ban hành Quyết định số 808/QĐ- UBND về việc giải quyết khiếu nại của ông Đào Văn Đ. Quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Không đồng ý với Điều 2 Quyết định số 808/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đào Văn Đ khởi kiện quyết định trên ra Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
- Quan điểm của UBND tỉnh về nội dung khởi kiện của ông Đào Văn Đ: Theo Quyết định số 808/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 về việc giải quyết khiếu nại của ông Đào Văn Đ, tại phần Kết luận có nêu: “Ông Đào Văn Đ cho rằng UBND huyện E lấy 14.400m2 đất của ông đã mua của ông A T từ năm 1993, đến năm 2002 để thiết lập dự án khu sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc không thông báo, không ban hành quyết định thu hồi đất, không bồi thường cho ông theo quy định, điều đó xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông là không có cơ sở, vì: Việc mua bán đất giữa ông Đào Văn Đ và ông A T thể hiện bằng Bản cam kết thỏa thuận ngày 31/7/1993 có sửa chữa và ghi thêm một số từ là không đúng quy định. Do vậy, UBND tỉnh không công nhận Bản cam kết thỏa thuận nêu trên.” Điều 2 của Quyết định có nội dung: “Không công nhận nội dung khiếu nại của ông Đào Văn Đ khiếu nại UBND huyện E lấy 14.400m2 đất của ông mua của ông A T từ năm 1993, đến năm 2002 để thiết lập dự án khu sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc mà không thông báo, không có quyết định thu hồi đất, không bồi thường cho ông theo quy định”.
Như vậy, toàn bộ nội dung khiếu nại của ông Đào Văn Đ đã được UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo đúng trình tự quy định của pháp luật tại Quyết định số 808/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 đã có hiệu lực thi hành. Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
2.2. UBND huyện E trình bày:
- Ngày 26/8/2014 Tổ xác minh tiến hành làm việc với ông Đào Văn Đ để xác minh theo nội dung đơn khiếu nại đề ngày 20/8/2013. Qua làm việc ông Đ trình bày như sau:
Về nguồn gốc: năm 1985 ông Đào Văn Đ là Kỹ sư trưởng của Công ty G1, qua quá trình nghiên cứu về lĩnh vực cầu đường thì ông phát hiện Đồi C đảm bảo các thông số kỹ thuật để thi công nền mặt đường. Thời điểm này vẫn còn bao cấp nên ông Đào Văn Đ tự bỏ tiền ra để nghiên cứu, khảo sát Đồi C với diện tích khoảng 05 ha.
Ngày 27/12/1991 UBND xã C và UBND huyện E tổ chức cuộc họp đã thống nhất để ông Đào Văn Đ vào sử dụng quy hoạch Đồi C và đền bù. Đồng thời, UBND xã C và UBND huyện E yêu cầu bắt buộc ông Đào Văn Đ phải làm cho xã 08 km đường trục chính từ Quốc lộ B đi T. Sau cuộc họp này ông Đào Văn Đ đã thuê máy thi công và hoàn thành nghiệm thu đạt chất lượng tốt đưa vào sử dụng ngày 20/02/1992. Sau khi hoàn thành, ông Đào Văn Đ đã lập hồ sơ trình UBND huyện. Ngày 07/4/1993 được UBND huyện ký sơ đồ cho phép ông Đào Văn Đ đền bù và khai thác được ông YD Ê A) ký xác nhận (sơ đồ kèm theo Tờ trình số 60/VPCT).
Ngày 31/7/1993 ông Đào Văn Đ tiến hành bồi thường cho hộ gia đình ông A T với số tiền đền bù là 2.000.000 đồng theo Bản cam kết thỏa thuận ngày 31/7/1993 về việc bồi thường tiền hoa màu trên đồi C, thuộc HTX E, xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. Về thời gian khai thác: năm 1992 ông Đào Văn Đ sử dụng và khai thác được khoảng 7.500 khối đất để rải đường vào T. Năm 1996 ông Đ tiếp tục khai thác san ủi tạo mặt bằng và làm đường từ Quốc lộ B đến chân Đồi C (vòng đến nghĩa địa). Việc sử dụng đất cấp phối chủ yếu phục vụ cho các công trình của huyện. Khoảng năm 1999-2000 UBND xã C và UBND huyện E lấy khu đất này để thiết lập khu văn hóa cộng đồng cho đồng bào dân tộc. Từ khi thiết lập khu văn hóa cộng đồng cho đồng bào dân tộc thì ông Đào Văn Đ không được sử dụng nữa.
Phần diện tích ông Đào Văn Đ nhận chuyển nhượng của gia đình ông A T năm 1993 nằm dưới chân Đồi C chỉ sử dụng để trồng hoa màu. Sau khi mua ông Đ có hạ một phần diện tích phía trên sườn đồi cho bằng (do đất nghiêng) và không khai thác gì đến phần diện tích đất này do đất xấu. Khi mua bán đã cùng với hộ gia đình ông A T đo đạc thực tế, vị trí đất của ông A T nằm ở phía Đông chân Đồi C. Ngoài những nội dung trên ông Đ không có ý kiến gì thêm, đồng thời ông Đ đề nghị UBND huyện giải quyết quyền lợi cho ông theo đơn khiếu nại ngày 20/8/2013.
- Ngày 12/9/2014 Tổ xác minh số 591 tiến hành làm việc với những người nguyên là cán bộ các thời kỳ từ năm 1982 đến năm 1993, gồm: ông Y Hưn M1 (nguyên Phó Chủ nhiệm kiêm tài vụ HTX E - nay là Phó Chủ tịch hội người cao tuổi), ông Y B N (Chi hội người cao tuổi), ông Y Hin B (nguyên Kế toán E - nay là Chi hội trưởng hội N6’ Hăng), ông Y Mi N1 (Buôn trưởng), ông Y Sin B1 (Bí thư Chi bộ) để xác minh về nguồn gốc đất theo nội dung đơn khiếu nại ông Đào Văn Đ. Tại buổi làm việc, ông Y B N khẳng định vị trí đất tại nhà cộng đồng khoảng 3.000m2 do ông khai phá trên đất của HTX E quản lý từ năm 1986, đến năm 1998 thì ông trả lại cho xã để làm đường. Đất ông A T sử dụng nằm ở phía Đông đồi C cách diện tích ông Y B N khai phá là 30m. Qua làm việc các thành phần tham gia đều khẳng định phần diện tích đất ông A T sử dụng trồng hoa màu do HTX E cho mượn, vì tại thời điểm này ông A T đang có vợ ở huyện K nên ông A T không được chia đất theo diện định canh, định cư. Trước hoàn cảnh khó khăn được Nhà nước hỗ trợ dựng cho gia đình ông A T một ngôi nhà sàn tại Buôn M, xã C trên diện tích đất của bà HC N2. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ dựng cho một ngôi nhà tình nghĩa, ông A T không sử dụng và canh tác trên phần diện tích đất Đồi C và trả lại đất cho HTX E quản lý (có biên bản làm việc kèm theo).
- Ngày 16/9/2014 và ngày 21/10/2014, Tổ xác minh số 591 tiến hành làm việc với từng người nguyên là cán bộ lãnh đạo trong nhiệm kỳ 1989-1994, nhiệm kỳ 1995-1999, gồm: ông YK M - Bí thư Đảng ủy xã C (nguyên Chủ tịch UBND xã C nhiệm kỳ 1989-1994, nhiệm kỳ 1994-1999); ông Y Y T1 M) nguyên Chủ nhiệm HTX E; ông Đặng Văn T2 nguyên Bí thư Đảng ủy xã C. Qua làm việc ông YK M, ông Y Y T1 và ông Đặng Văn T2 khẳng định: ông A T là người ở địa phương khác tới sinh sống tại địa bàn Buôn M, xã C lấy vợ là người Buôn Chàm, xã C, huyện K không thuộc diện định canh, định cư nên không có đất tại xã C. Do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn HTX E cho gia đình ông A T mượn đất tại khu vực chân Đồi C để sử dụng trồng hoa màu. Sau khi UBND xã có chương trình tu sửa đường trục chính của xã được UBND huyện cho chủ trương lấy đất cấp phối tại chân Đồi C (là diện tích đất trồng hoa màu của ông A Tôn m của HTX E). ông Đ có thỏa thuận trả tiền bồi thường hoa màu để khai thác đất cấp phối được thể hiện tại bản cam kết thỏa thuận ngày 31/7/1993 về việc bồi thường tiền hoa màu trên đất với hộ gia đình ông A T. - Kết quả làm việc với hộ gia đình ông Y D Ê1 A): ngày 24/9/2014 Tổ xác minh số 591 làm việc với ông YD Ê A). Tại buổi làm việc với gia đình ông A T và vợ là bà HB Ê2 có sự chứng kiến của chính quyền địa phương sở tại là ông A N3 - Chủ tịch xã C, huyện K và ông Y BLa Ê3 - cán bộ địa chính xã C, huyện K. ông A T trình bày toàn bộ nội dung tại buổi làm việc trong trạng thái tinh thần sức khỏe minh mẫn, cụ thể:
Năm 1982 ông A T cư trú tại xã E, huyện K (nay là xã C, huyện E) và phụ trách Đội du kích chống Fulro. Năm 1993 chuyển hẳn về xã C, huyện K (thời điểm này ông A T vẫn đi lại giữa xã C, huyện E và xã C, huyện K). Năm 1986 do hoàn cảnh khó khăn được HTX E cho mượn một phần diện tích đất khu vực đồi C (nay là nhà cộng đồng) xã C để sử dụng trồng hoa màu, gia đình ông A T sử dụng được khoảng 03 năm thì ông A T chuyển về xã C, huyện K không sử dụng nữa và trả lại phần diện tích đất trên cho HTX E quản lý. Đồng thời được Nhà nước hỗ trợ cất cho 01 ngôi nhà tình nghĩa trên phần diện tích đất nông nghiệp của bà HC N2, bà HC N2 chỉ cho gia đình ông A T mượn đất để cất nhà. Sau khi cất nhà gia đình ông A T ở được khoảng 07 năm thì chuyển hẳn về xã C sinh sống cùng gia đình vợ. Ngôi nhà trên ông A T để lại cho con trai là ông Y N4 sử dụng, thời gian sau ông Y N b nhà, còn đất thì trả lại cho bà HC N2. Sau khi ông A T chuyển về huyện K diện tích đất thuộc khu vực Đồi C, ông đã trả lại cho Nhà nước. ông A T không bán, chuyển nhượng cho ông Đào Văn Đ hay bất cứ ai đối với phần diện tích đất nói trên. Bản cam kết thỏa thuận ngày 31/7/1993 giữa ông A T và ông Đào Văn Đ là thỏa thuận bồi thường tiền hoa màu, chứ không bán đất cho ông Đ hay bất cứ ai.
Trên cơ các hồ sơ tài liệu có liên quan, căn cứ quá trình thẩm tra, xác minh, làm việc và đối thoại với ông Đào Văn Đ, UBND huyện nhận thấy:
Thứ nhất: căn cứ Tờ trình số 60/VPCT ngày 07/4/1993 về việc xin khai thác đất khu vực Đồi C, xã C, huyện E của Công ty TNHH MTV X thì Công ty X xin khai thác đất cấp phối. Người lập sơ đồ là ông Đào Văn Đ được UBND huyện E cho phép Công ty lấy đất cấp phối để đắp đường. Mặt khác, Công ty X không xin giao đất và UBND huyện E cũng không đề nghị UBND tỉnh Đ giao đất cho Công ty X. Hơn nữa, vào ngày 05/05/2011 Công ty X làm Tờ trình gửi đến UBND huyện E về việc xin tiếp tục sản xuất tại cơ sở Đ1. UBND huyện E đã có Công văn số 271/CV- UBND ngày 21/6/2011 và Thông báo số 79/TB-UBND ngày 29/6/2012 không giải quyết cho Công ty X tiếp tục khai thác đất Đồi C; đồng thời, không giải quyết hỗ trợ tiền bồi thường đường giao thông công trình do Công ty mở tuyến đường vào khai thác đất Đồi C, điều này thể hiện mối quan hệ pháp luật giữa một bên là Công ty X xin khai thác đất và một bên là ông Đào Văn Đ đề nghị bồi thường.
Thứ hai: căn cứ vào bản cam kết thỏa thuận đề ngày 31/7/1993 do ông Đ cung cấp (bản sao) thì người thỏa thuận bồi thường 2.000.000 đồng tiền hoa màu cho gia đình ông A T là ông Trần Văn T3 đứng tên. Nội dung thỏa thuận chủ yếu là bồi thường về hoa màu để khai thác đất làm nền đường mà không phải là bồi thường để ông Đ lấy diện tích này sản xuất và canh tác.
Thứ ba: diện tích đất đã được san ủi bằng phẳng để xây dựng nhà cộng đồng và làm sân bóng hiện nay với diện tích 9.102m2, thực chất phần đất này được cắt ra một phần từ đất nghĩa địa với diện tích 3.154m2 (trong diện tích 7.750m2 đất nghĩa địa được HTX E sử dụng từ năm 1983). Diện tích được bằng phẳng như hiện nay để xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng và sân bóng đá là do UBND xã C hợp đồng với ông L san gạt (thửa đất số 24, tờ bản đồ số 41, diện tích 9.102m2). Diện tích còn lại 61.206m2 là đất đồi. Do đó, ông Đ cho rằng ông đã mua đất của ông A T và san gạt bằng phẳng 1,44 ha là không có cơ sở.
Thứ tư: ông A T không thừa nhận bán đất cho ông Đào Văn Đ với diện tích 1,44 ha, mà ông chỉ công nhận ông có nhận 2.000.000 đồng tiền bồi thường hoa màu trên diện tích khoảng 8.000m2.
Thứ năm: tại Biên bản làm việc ngày 05/6/2015 ông Đ thừa nhận Bản cam kết thỏa thuận đề ngày 31/7/1993 có ghi thêm một số chữ (đã nêu tại Quyết định số 744/QĐ-UBND ngày 10/11/2014 của UBND huyện E). Ngoài ra, ông còn ký và ghi thêm tên Đào Văn Đ vào cuối bản cam kết theo yêu cầu của Luật sư để bản thỏa thuận cam kết ngày 31/7/1993 trở thành bản chính chủ mới khiếu nại được.
Thứ sáu: tại buổi đối thoại ngày 07/11/2014, UBND huyện đề nghị ông Đào Văn Đ cung cấp bản gốc Bản cam kết thỏa thuận đề ngày 31/7/1993 để trưng cầu giám định. Tuy nhiên, ông Đào Văn Đ không đề nghị trưng cầu giám định những nội dung trên vì bản thân ông thừa nhận đã viết thêm vào Bản cam kết thỏa thuận.
Thứ bảy: tại Quyết định số 808/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh đã công nhận một phần nội dung đơn khiếu nại của ông Đào Văn Đ về việc ông có thi công hoàn thành 8km (đường cấp phối) dọc đường trục chính và một số đoạn đường rẽ của xã C, huyện E với số tiền 32.000.000 đồng (thời điểm 1992) là đúng. Không công nhận nội dung khiếu nại của ông Đào Văn Đ khiếu nại UBND huyện E lấy 14.400m2 đất của ông đã mua của ông A T. Thực hiện Quyết định số 808/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện E đã phê duyệt phương án hỗ trợ (làm con đường 8km đường cấp phối cho xã C năm 1992) cho ông Đào Văn Đ với số tiền 535.015.000 đồng.
Từ những nội dung trên, UBND huyện E đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk bác yêu cầu khởi kiện của ông Đào Văn Đ. 3. Người làm chứng là bà HB Ê2 (là vợ của ông A T) trình bày:
Chồng tôi là ông A T (tên thật là Y D Ê1) có quen biết ông Đ là bạn của chồng tôi từ ngày xưa. Chúng tôi tự khai hoang đất rồi dựng một chòi rẫy và canh tác hoa màu, cây mì, cây chuối tại đồi C. Sau đó, vì chồng tôi là người có công cách mạng nên được Nhà nước làm cho một căn nhà tình nghĩa thì chúng tôi ở tại nhà tình nghĩa này, còn chòi rẫy là để đi làm hàng ngày, trông coi rẫy. Sau đó, vào năm 1993 ông Đ vào muốn mua phần đất này nên gia đình tôi đã thống nhất bán cho ông Đ toàn bộ đất và cây cối hoa màu trên đất với giá 2.000.000 đồng, ông Đ đã giao toàn bộ tiền cho chúng tôi. Diện tích canh tác thời điểm đó là khoảng 07 sào, sau đó ông Đ san ủi lại. Sau đó gia đình chúng tôi chuyển về sinh sống và canh tác rẫy tại Buôn C, xã C, huyện K, tỉnh Đắk Lắk để lại căn nhà sàn cho các con trai sử dụng, sau đó các con tôi đã bán nhưng không thông báo cho chúng tôi. Đối với yêu cầu khởi kiện của ông Đ thì tôi biết ông Đ đã kiện nhiều năm, vì đất đó là ông Đ nhận chuyển nhượng từ gia đình tôi nên đề nghị Nhà nước trả lại cho ông Đ. Với nội dung nêu trên, tại Bản án hành chính sơ thẩm số 44/2022/HC-ST ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:
Căn cứ khoản 1 Điều 30; khoản 4 Điều 32; khoản 1 Điều 158; điểm b khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính. Các điều 21, 36, 38, 39, 40 Luật Khiếu nại. Khoản 1 Điều 38; khoản 1 Điều 44 Luật Đất đai năm 2003. Điều 100; Điều 101 Luật Đất đai năm 2013. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đào Văn Đ. - Hủy Điều 2 Quyết định số 808/QD-UBND ngày 20/4/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Đ về việc giải quyết khiếu nại của ông Đào Văn Đ. - Buộc UBND huyện E phải ban hành quyết định thu hồi và phê duyệt phương án bồi thường đối với diện tích 14.400m2 đất mà ông Đ đã mua của ông A T tại khu vực đồi C, xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về phần án phí hành chính sơ thẩm và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 03 tháng 8 năm 2022 UBND huyện E kháng cáo bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Người kháng cáo không rút đơn kháng cáo.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị kiện trình bày: ông Đào Văn Đ là người đại diện Công ty X, đồng thời ông Đ tự thừa nhận ông tự viết thêm lên bản cam kết. Đề nghị Tòa án chấp nhận kháng cáo và bác toàn bộ đơn khởi kiện của ông Đào Văn Đ. ông C1 bổ sung: tôi đề nghị Tòa án xem xét bản chất cùng tờ giấy cam kết nhưng đã bị sửa nên không có cơ sở để xem xét bồi thường. Đề nghị chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm và bác toàn bộ đơn khởi kiện của ông Đào Văn Đ. Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm:
Về tố tụng: từ khi thụ lý vụ án theo trình tự phúc thẩm đến trước nghị án, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng các quy định của Luật Tố tụng hành chính. Kháng cáo của UBND huyện E là trong thời hạn luật định.
Về nội dung vụ án: đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính bác kháng cáo của UBND huyện E, giữ nguyên quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 44/2022/HC-ST ngày 30/6/2022 của Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
Sau khi nghe đương sự trình bày, ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên; căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án; sau khi thảo luận, nghị án.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: ngày 03 tháng 8 năm 2022 UBND huyện E kháng cáo Bản án hành chính sơ thẩm số 44/2022/HC-ST ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Như vậy, kháng cáo của UBND huyện E là trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Tố tụng hành chính, do đó Hội đồng xét xử quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
[2] Về đối tượng khởi kiện, thẩm quyền giải quyết và thời hiệu khởi kiện: Ngày 20/4/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Đ ban hành Quyết định số 808/QĐ- UBND (Quyết định số 808/QĐ-UBND) về việc giải quyết khiếu nại của ông Đào Văn Đ. Không đồng ý với Điều 2 của Quyết định số 808/QĐ-UBND, ông Đào Văn Đ khởi kiện yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk hủy Điều 2 Quyết định số 808/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của ông Đào Văn Đ và buộc UBND huyện E phải ban hành quyết định thu hồi và phê duyệt phương án bồi thường đối với diện tích 14.400m2 cho ông. Như vậy quyết định hành chính nêu trên được ban hành trong quá trình quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai, là đối tượng khởi kiện. Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk thụ lý, giải quyết là đúng thẩm quyền và trong thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 30; Điều 32; Điều 116 Luật Tố tụng hành chính.
[3] Xét kháng cáo của UBND huyện E: [3.1] Theo bà HB Ê2 (là vợ của ông A T) trình bày cho rằng: ông A T Y D Ê1) và bà tự khai hoang khoảng 1,4 ha đất rồi dựng một chòi rẫy và canh tác hoa màu, cây mì, cây chuối tại đồi C. Quá trình sử dụng liên tục, không có tranh chấp. Chồng tôi là người có công cách mạng nên được Nhà nước làm cho một căn nhà tình nghĩa và chúng tôi ở tại nhà tình nghĩa này. Còn chòi rẫy nhượng lại cho ông Đào Văn Đ năm 1993 với giá 2.000.000 đồng, ông Đ đã giao đủ tiền cho chúng tôi.
Trước khi ông A T chết có Tờ trình đề ngày 20/7/1993 có xác nhận của ông A B2 – Đội trưởng Đội 3 buôn M ngày 26/7/1993 với nội dung: “... Vào năm 1985, theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước kêu gọi và khuyến khích người nông dân tăng gia sản xuất. Vì vậy, gia đình tôi có khai hoang vỡ hoá một số diện tích đất để trồng hoa màu và cây công nghiệp như Cà phê, cây ăn trái... v/v. Tổng diện tích gia đình khai hoang là 0,7 ha...”.
[3.2] Tại Bản tự khai và Biên bản lấy lời khai ngày 19/4/2022 của Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đối với bà HB Ê2 (là vợ của ông A T), thể hiện nội dung trình bày: “ … ông Đ là bạn của ông A T. Vợ chồng bà khai hoang canh tác hoa màu tại đồi C khoảng 07 sào. Năm 1993 ông Đ mua đất rẫy của gia đình bà với giá 2.000.000đ. Sau đó gia đình bà chuyển về canh tác rẫy tại C A năm 1996…”. Phù hợp với nội dung tại Giấy xác nhận ngày 30/5.2017 của bà H1 (vợ của ông A T) có xác nhận của chính quyền địa phương.
[3.3] Tại Bản cam kết thoả thuận ngày 31/7/1993 có ông Trần Văn T3 là cán bộ đơn vị Công ty 507 do ông Đào Văn Đ quản lý và ông Đặng Văn C2 là người chứng kiến có nội dung: “... Hôm nay ngày 31/7/1993 tại gia đình ông A T, chúng tôi gồm: Trần Văn T3-CB đơn vị ông Đào Văn Đ, Đặng Văn C2-người chứng kiến buổi thoả thuận, ông A T-người chủ gia đình, bà H1-vợ ông A T đã thống nhất đi đến thoả thuận bán đất, việc đền bù hoa màu trên diện tích đất đồi C như sau: ông Đào Văn Đ đồng ý và gia đình ông A T đồng ý việc bồi thường công khai phá và bồi thường hoa màu với số tiền 2.000.000đ...”.
Tại Giấy xác nhận của Công ty X do ông Trần N5 (GĐ Công tyXDCT 507) được UBND phường T chứng thực ngày 18/7/2012 có nội dung: “... Vào đầu năm 1993 do nhu cầu xây dựng cơ bản Quốc lộ B được Bộ G2 thông vận tải giao Công ty X đã được UBND xã C và UBND huyện E cho phép đầu tư khai thác đất để làm đường giao thông tại đồi C, xã C. Vào thời điểm đó, do Công ty mới thành lập nên còn nhiều khó khăn, nên đã giao cho đồng chí Đào Văn Đ tự xoay sở bỏ tiền ra đầu tư vào cơ sở sản xuất đồi Đ1 nói trên. Công ty X xác nhận các hạng mục do ông Đ đã làm được như sau: ông Đ đã mua và san ủi xong lô đất dưới chân đồi C...”.
[3.4] Theo kết quả xác minh của UBND huyện E cho rằng: diện tích 14.400m2 tại khu vực đồi C thuộc các thửa đất số 20, 21, 34, 35, 46, 64, 66, 67, tờ bản đồ số 10 là đất chuyên dùng của HTX E1 (bút lục số 45). Năm 2005 UBND xã C sử dụng một phần diện tích đất này để xây dựng Nhà cộng đồng cho 3 buôn tại Buôn M, xã C mà không có quyết định thu hồi một phần diện tích đất của HTX E1 quản lý để giao cho UBND xã C là trái với quy định tại khoản 1 Điều 38; khoản 1 Điều 44 Luật Đất đai năm 2003. Hơn nữa, không có tài liệu, chứng cứ thể hiện HTX E1 được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao quản lý diện tích 14.400m2 tại khu vực đồi C.
[4] Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm hôm nay, các đương sự không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ mới. Căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của đương sự và nội dung đã được phân tích tại mục [1], [2] và [3] nêu trên, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm thấy rằng: Bản án hành chính sơ thẩm số 44/2022/HC-ST ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã quyết định: chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Đào Văn Đ là có căn cứ. Bác kháng cáo của UBND huyện E, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
[5] Án phí hành chính phúc thẩm: UBND huyện E phải chịu theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Áp dụng khoản 1 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính. Bác kháng cáo của UBND huyện E, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
2. Áp dụng khoản 1 Điều 30; khoản 4 Điều 32; khoản 1 Điều 158; điểm b khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính. Điều 21; Điều 36; Điều 38; Điều 39; Điều 40 Luật Khiếu nại. Khoản 1 Điều 38; khoản 1 Điều 44 Luật Đất đai năm 2003. Điều 100; Điều 101 Luật Đất đai năm 2013. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đào Văn Đ. - Hủy Điều 2 Quyết định số 808/QD-UBND ngày 20/4/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Đ về việc giải quyết khiếu nại của ông Đào Văn Đ. - Buộc UBND huyện E phải ban hành quyết định thu hồi và phê duyệt phương án bồi thường đối với diện tích 14.400m2 đất mà ông Đ đã mua của ông A T tại khu vực đồi C, xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk theo đúng quy định của pháp luật.
3. Án phí hành chính phúc thẩm: UBND huyện E phải chịu 300.000đ, được trừ vào số tiền đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Toà án số 0021866 ngày 11/8/2022 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án hành chính phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai số 166/2023/HC-PT
Số hiệu: | 166/2023/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 23/05/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về