Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính đối với trường hợp thu hồi đất, bồi thường, hồ trợ khi thu hồi đất và giải quyết khiếu nại đất đai số 693/2022/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 693/2022/HC-PT NGÀY 29/08/2022 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP THU HỒI ĐẤT, BỒI THƯỜNG, HỒ TRỢ KHI THU HỒI ĐẤT VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI ĐẤT ĐAI

Ngày 29 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 87/2022/HCPT-TL ngày 01 tháng 3 năm 2022 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai”. Do Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2022/HC-ST ngày 04 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1121/2022/QĐ-PT ngày 11 tháng 7 năm 2022, giữa các đương sự:

1. Người khởi kiện: Ông Dương Văn M, sinh năm 1962; Địa chỉ: Thị trấn Dương Minh C, huyện Dương Minh C, tỉnh Tây Ninh.

Người đại diện theo ủy quyền của ông M: Ông Lưu Văn C, sinh năm 1960, địa chỉ: xã Nhuận Đ, huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh (văn bản ủy quyền ngày 23/11/2021) (có mặt).

2. Người bị kiện:

2.1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân C, tỉnh Tây Ninh;

- Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị T – chức vụ: Chủ tịch.

- Người đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân C: Bà Nguyễn Thị P, chức vụ: Phó Chủ tịch (văn bản ủy quyền ngày 11/5/2021) (có đơn xin xét xử vắng mặt).

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân C, tỉnh Tây Ninh:

+ Ông Võ Văn Hoa V, chức vụ: Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh (vắng mặt).

+ Bà Trương Thị Thu T1, chức vụ: Phó Chánh văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Tân Châu (có mặt).

2.2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh (có đơn xin xét xử vắng mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh:

- Ông Nguyễn Đình X – Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có đơn yêu cầu vắng mặt).

- Bà Trần Thị Ngân H – Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm (có mặt).

- Bà Phan Thị D – Phó phòng quản lý bảo vệ và phát triển rừng (có mặt).

2.3. Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh (có đơn xin xét xử vắng mặt).

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Thanh N, chức vụ: Chủ tịch, (có văn bản yêu cầu vắng mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.

- Ông Trần Văn Q - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh (có đơn yêu cầu vắng mặt).

- Ông Lương Nguyễn Đăng D1 - Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh (có đơn yêu cầu vắng mặt).

- Ông Nguyễn Bảo C –Trưởng Phòng đăng ký và cấp Giấy chứng nhận thuộc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh (có đơn yêu cầu vắng mặt).

- Ông Nguyễn Hữu T2 – Viên chức Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Tây Ninh (có đơn yêu cầu vắng mặt).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Trần Thị Ngân H1, chức vụ: Giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đặng Quang T3, chức vụ: Chuyên viên Phòng Kế hoạch – Kỹ thuật (văn bản ủy quyền ngày 23/11/2021) (có mặt).

4. Người kháng cáo: Người khởi kiện ông Dương Văn M.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Người khởi kiện ông Dương Văn M và người đại diện theo ủy quyền của ông M là ông Lưu Văn C trình bày:

Năm 1980, ông M khai phá, sử dụng phần đất diện tích 6,9 ha, thời điểm khai phá không có rừng, chỉ có gốc le và gò mối, hiện trên đất có trồng khoảng 3.000 cây cao su ngoài ra không có nhà hay công trình gì khác. Theo ông M phần đất trên là đất sản xuất không phải đất lâm nghiệp vì từ ngày khai phá, sử dụng cho đến nay, chính quyền cũng như các cơ quan ban ngành không thông báo hay nhắc nhở ông là đất lâm nghiệp phải trồng rừng.

Ngày 19/6/2018, Ủy ban nhân dân (viết tắt là UBND) xã Tân Thành, huyện Tân Châu lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông M lấn chiếm phần đất có diện tích 6,9 ha.

Ngày 17/10/2018 Chủ tịch UBND huyện Tân Châu ban hành Quyết định số 4244/QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông M.

Ngày 20/9/2019, Chủ tịch UBND huyện Tân Châu ban hành Quyết định số 3381/QĐ-CCXP cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định số 4244/QĐ-KPHQ.

Không đồng ý với hai Quyết định trên, ông M đã khiếu nại đến Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Ngày 19/12/2019, Chủ tịch UBND huyện Tân Châu ban hành Quyết định số 4951/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông M, kết quả không công nhận toàn bộ nội dung khiếu nại.

Ông M tiếp tục khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.

Ngày 14/5/2020 Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 974/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại lần hai, không đồng ý khiếu nại của ông M.

Nay ông M khởi kiện, yêu cầu hủy bỏ các Quyết định sau:

+ Quyết định số 4244/QĐ-KPHQ ngày 17/10/2018 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh (gọi tắt là Quyết định 4244).

+ Quyết định số 3381/QĐ-CCXP ngày 20/9/2019 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh (gọi tắt là Quyết định 3381).

+ Quyết định số 4951/QĐ-UBND ngày 19/12/2019 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh (gọi tắt là Quyết định 4951).

+ Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày 14/5/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh (gọi tắt là Quyết định 974).

+ Hủy bỏ một phần diện tích 6,9 ha đất trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt là GCNQSDĐ) số phôi BM 189091 do UBND tỉnh Tây Ninh cấp cho Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng ngày 20/12/2013 và công nhận phần đất có diện tích 6,9 ha thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông M.

- Tại Văn bản số 2208/UBND ngày 21/5/2021, người bị kiện - Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh trình bày: Căn cứ Quyết định số 4244 và Quyết định số 3381, Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 4951 là đúng quy định của pháp luật. Quan điểm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Châu là giữ nguyên các quyết định trên.

* Tại Văn bản số 1630/UBND-TD ngày 27/5/2021, người bị kiện Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh trình bày: Các Quyết định 4244, Quyết định số 3381 và Quyết định 4951 là đúng quy định pháp luật, nên Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định 974 giải quyết khiếu nại lần 2 công nhận nội dung của Quyết định 4951. Nay Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông M.

* Tại Văn bản số 2392/UBND-TD ngày 19/7/2021, người bị kiện – UBND tỉnh Tây Ninh trình bày: Đối với yêu cầu khởi kiện của ông M yêu cầu tuyên bố hủy bỏ một phần diện tích 6,9 ha trong GCNQSDĐ mà UBND tỉnh Tây Ninh đã cấp cho Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng ngày 20/12/2013 và công nhận diện tích 6,9 ha thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông M, UBND tỉnh không chấp nhận vì:

Đất do Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đang quản lý được Nhà nước quản lý, sử dụng xuyên suốt từ năm 1979 đến nay, sau đó giao cho Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng quản lý tại Quyết định số 394/1997/QĐ-UB ngày 25/11/1997 của UBND tỉnh Tây Ninh.

Trên cơ sở đó, ngày 20/12/2013, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định số 2669/QĐ-UBND cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng với diện tích 326.998.045,1m2 (32.699,8 ha) đúng trình tự, thủ tục theo quy định, trong đó bao gồm diện tích đất ông M khởi kiện.

* Tại Văn bản số 285/KRDT ngày 17/5/2011 của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng trình bày: Diện tích đất 6,9 ha tại lô số 280, khoảnh 5, tiểu khu 61, Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng mà ông M khiếu nại có nguồn gốc là đất lâm nghiệp đã được UBND tỉnh Tây Ninh quy hoạch đất lâm nghiệp kể từ sau ngày 30/4/1975. Ngày 11/12/1989 UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 121/QĐ–UB về việc thành lập Ban quản lý xây dựng rừng phòng hộ lưu vực hồ nước Dầu Tiếng với nhiệm vụ xây dựng vốn rừng trên lưu vực hồ nước Dầu Tiếng để bảo vệ công trình.

Ngày 20/12/2013 UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 2669/QĐ - UBND cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng với diện tích đất 326.998.045,1m2 tại các xã Suối Ngô, Suối Dây, Tân Thành, Tân Hòa, huyện Tân Châu và xã Suối Đá, Huyện Dương Minh Châu. Riêng diện tích tại xã Tân Thành là 60.591.470,9m2 thuộc 16 tờ bản đồ gồm 3619 thửa đất trong đó: Đất rừng sản xuất 26.917.756,0m2, đất rừng phòng hộ 33.673.714,9m2. Phần đất ông M khiếu nại là thuộc một phần trong tổng diện tích 33.673.714,9m2 đất rừng phòng hộ tại xã Tân Thành do Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng quản lý.

Nay Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng giữ nguyên quan điểm theo các Quyết định số 4244, Quyết định số 3381, Quyết định số 4951 và Quyết định số 974, không đồng ý hủy GCNQSDĐ do UBND tỉnh Tây Ninh cấp cho Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, không công nhận diện tích đất 6,9 ha thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông M.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2022/HC-ST ngày 04 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tuyên xử:

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 193 Luật tố tụng hành chính. Căn cứ Luật Đất đai năm 2013;

Căn cứ Luật Khiếu nại năm 2011;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012;

Căn cứ Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013;

Căn cứ Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

Bác yêu cầu khởi kiện của ông Dương Văn M.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 18/01/2022 người khởi kiện ông Dương Văn M có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Yêu cầu sửa án sơ thẩm theo hướng xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Dương Văn M.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện ông Dương Văn M có người đại diện theo ủy quyền là ông Lưu Văn C giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện là ông Lưu Văn C trình bày: Yêu cầu hủy Quyết định số 4244/QĐ-KPHQ ngày 17/10/2018 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, Quyết định số 3381/QĐ-CCXP ngày 20/9/2019 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu và Quyết định số 4951/QĐ-UBND ngày 19/12/2019 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, Quyết định số 974/QĐ- UBND ngày 14/5/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh; Hủy bỏ một phần diện tích 6,9 ha đất trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Ban quản lý rừng Dầu Tiếng do từ khi khai hoang năm 1980, xuyên suốt quá trình sử dụng đất thì ông M không vi phạm, không tranh chấp với ai. Theo quy định thì đất của ông M không đưa vào quy hoạch do ông M đã trồng rừng 15ha và xây dựng nhà kiên cố.

Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người bị kiện Chủ tịch UBND huyện Tân Châu là bà Trương Thị Thu T1 trình bày: Phần đất tranh chấp trong vụ án thuộc quản lý Nhà nước và đã được giao cho Ban quản lý rừng Dầu Tiếng quản lý, sử dụng hợp pháp, đúng quy trình. Qua tuyên truyền vận động nhiều lần gia đình ông M vẫn không chấp hành dù ông M đã thừa nhận đây là đất của Nhà nước quy hoạch. Các Quyết định, văn bản giải quyết khiếu nại đã ban hành là phù hợp với chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu: Về tố tụng: Từ khi thụ lý đến khi đưa vụ án ra xét xử Tòa án đã tiến hành đúng quy định của pháp luật tố tụng hành chính. Đơn kháng cáo trong hạn luật định và hợp lệ nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm. Về nội dung vụ án: Vị kiểm sát viên cũng phân tích toàn bộ các chứng cứ có thể hiện trong hồ sơ vụ án và xét yêu cầu kháng cáo của người khởi kiện ông Dương Văn M, tại phiên tòa phúc thẩm người có kháng cáo không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của người kháng cáo, giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, các quy định pháp luật, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của người khởi kiện trong hạn luật định nên đủ điều kiện để xem xét, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Xét kháng cáo của người khởi kiện:

[2.1] Thực trạng phần đất ông Dương Văn M đang quản lý, sử dụng:

Căn cứ bản đồ địa chính xã Tân Thành và biên bản thẩm định tại chỗ, phần đất liên quan đến các Quyết định hành chính bị khởi kiện có diện tích 6,9 ha tại lô số 280, khoảnh 5, tiểu khu 62, Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, có tứ cận:

Đông giáp thửa 286, tờ bản đồ số 17; Tây giáp đường đất, thửa 294, 326 tờ bản đồ số 17; Nam giáp đường đất; Bắc giáp thửa 229 và 274. Trên đất có cao su trồng từ năm 2003 đến năm 2006, ngoài ra không còn tài sản nào khác.

[2.2] Nguồn gốc, quá trình quản lý của Nhà nước đối với đất thuộc Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng:

Công trình hồ Dầu Tiếng được Chính phủ phê duyệt năm 1979, khởi công xây dựng từ năm 1981, đưa vào sử dụng từ năm 1985, là công trình thuỷ lợi đặc biệt cấp quốc gia, có tổng diện tích 27.000 ha đất bán ngập do Nhà nước quản lý.

Ngày 11/12/1989, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 121/QĐ - UB về việc thành lập Ban quản lý xây dựng rừng phòng hộ lưu vực hồ nước Dầu Tiếng với nhiệm vụ xây dựng vốn rừng trên lưu vực hồ nước Dầu Tiếng để bảo vệ công trình.

Ngày 27/7/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ban hành Quyết định số 229/CT về việc phê duyệt dự án tiền khả thi công trình xây dựng rừng phòng hộ khu vực hồ Dầu Tiếng Tây Ninh - Sông Bé, diện tích cần đảm bảo các yêu cầu phòng hộ là 60.600 ha.

Năm 1993, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành các Quyết định về việc thành lập các Ban quản lý rừng phòng hộ trong đó có Quyết định số 77/QĐUB ngày 17/6/1993 về việc thành lập Ban quản lý dự án rừng phòng hộ Tân Thành – Suối Dây (bao gồm 6,9 ha đất ông M đang khiếu nại).

Từ năm 1994 - 1995, UBND tỉnh Tây Ninh tiến hành giao diện tích 40.160 ha đất lâm nghiệp thuộc huyện Tân Châu và Huyện Dương Minh Châu cho 05 Ban quản lý dự án rừng quản lý, trong đó có Ban quản lý dự án rừng phòng hộ Tân Thành - Suối Dây với diện tích 7.450 ha thuộc xã Tân Thành và Suối Dây, huyện Tân Châu tại Quyết định số 84/QĐ-UB ngày 28/6/1995 (trong đó có phần đất ông M đang khiếu nại).

Ngày 26/3/1996, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 30/QĐ-UB về việc thành lập Ban quản lý dự án rừng phòng hộ Dầu Tiếng, trực thuộc Sở Nông Lâm nghiệp trên cơ sở sáp nhập 05 Ban quản lý dự án rừng như đã nêu trên, với tổng diện tích là 33.107 ha.

Ngày 25/11/1997, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 394/1997/QĐ-UB về việc giao đất lâm nghiệp cho Ban quản lý dự án rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng với diện tích 33.107 ha đất lâm nghiệp để bảo vệ, phát triển vốn rừng hiện có, đồng thời từng bước tạo mới rừng phòng hộ để bảo đảm độ che phủ cần thiết theo yêu cầu của các cấp phòng hộ hồ Dầu Tiếng tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu và các xã Tân Hòa, Tân Thành, Suối Dây, huyện Tân Châu.

Ngày 21/6/2008, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 1360/QĐ UBND về việc thành lập Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng trên cơ sở Ban quản lý dự án rừng phòng hộ Dầu Tiếng được thành lập tại Quyết định số 77/QĐ-CT ngày 27/7/1999 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.

Ngày 20/12/2013, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 2669/QĐ UBND cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng với diện tích 326.998.045,1m2 (32.699,8 ha) trong đó có 6,9 ha mà ông M khiếu nại.

Như vậy, 6,9 ha đất do ông M đang quản lý, sử dụng được Nhà nước quản lý, sử dụng xuyên suốt từ năm 1979 đến nay.

[2.3] Về thực hiện mục đích sử dụng đất trồng rừng của ông Dương Văn M:

Thực hiện Quyết định số 1573/QĐ-UBND ngày 10/7/2017 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành kế hoạch xử lý vi phạm trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại Khu rừng Văn hóa – Lịch sử Chàng Riệc và khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng phối hợp UBND xã Tân Thành, huyện Tân Châu, các cơ quan đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra đất lâm nghiệp, thực hiện vận động các hộ dân cam kết thực hiện chuyển đổi cây trồng trái quy định trên đất lâm nghiệp, chuyển sang trồng rừng, bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh theo quy định.

Ngày 07/3/2018, Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra hiện trạng, ghi nhận ông M trồng cây cao su và đang khai thác mủ trên diện tích 6,9 ha. Ngày 30/3/2018, Tổ công tác vận động gia đình ông M thực hiện trồng rừng đúng theo sự hướng dẫn của Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, ông M cam kết từ ngày 30/3/2018 đến hết ngày 30/4/2018 sẽ chủ động thu hoạch cây trồng ra khỏi đất lâm nghiệp, đồng thời giao trả đất hoặc ký hợp đồng trồng rừng theo đúng sự chỉ dẫn của Ban quản lý. Tuy nhiên, sau đó ông M không thực hiện theo cam kết nên ngày 21/6/2018, UBND xã Tân Thành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông M.

[3] Xét yêu cầu kháng cáo của người khởi kiện ông Dương Văn M yêu cầu hủy các quyết định hành chính của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu và của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Hội đồng xét xử xét thấy:

[3.1] Đối với Quyết định số 4244/QĐ-UBND ngày 17/10/2018 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và Quyết định 3381/QĐ-CCXP ngày 20/9/20219 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu về cưỡng chế buộc thực hiện khắc phục hậu quả:

Do ông M đã vi phạm về mục đích sử dụng đất trồng rừng nên ngày 21/6/2018 cán bộ địa chính xã Tân Thành đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai số 32/BB-VPHC đối với ông là có căn cứ. Trên cơ sở đó và do hết thời hạn xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, ngày 17/10/2018 Chủ tịch UBND huyện Tân Châu đã căn cứ Điều 28, khoản 2 Điều 65, Điều 75 và Điều 85 của Luật Xử lý vi phạm hành chính ban hành Quyết định số 4244 về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và sau đó, ngày 20/9/2019 Chủ tịch UBND huyện Tân Châu căn cứ Điều 28, Điều 86, Điều 87 của Luật xử lý vi phạm hành chính ban hành Quyết định số 3381/QĐ-CCXP về cưỡng chế buộc thực hiện khắc phục hậu quả đối với ông M là đúng quy định pháp luật.

[3.2] Xét Quyết định số 4951QĐ-UBND ngày 19/12/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Châu và Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày 14/5/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Quyết định số 4951 và Quyết định số 974 là các Quyết định giải quyết khiếu nại của ông M đối với Quyết định số 4244, 3381 và đề nghị công nhận quyền quản lý, sử dụng diện tích đất 6,9 ha, kết quả giải quyết khiếu nại là không công nhận toàn bộ yêu cầu khiếu nại của ông M. Về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu, giải quyết khiếu nại lần hai là đúng quy định tại các Điều 18, 27, 33, 36 của Luật khiếu nại.

[4] Xét yêu cầu hủy một phần GCNQSDĐ do UBND tỉnh Tây Ninh cấp cho Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng và công nhận phần đất có diện tích 6,9 ha thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông M.

Phần diện tích đất 6,9 ha mà ông M khiếu nại thuộc một phần trong diện tích 33.673.714,9m2 mà UBND tỉnh Tây Ninh đã cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Đầu Tiếng.

Thấy rằng, phần đất 6,9 ha ông M đang trồng cây cao su phải có đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ theo quy định tại Điều 99 của Luật Đất đai năm 2013 nhưng ông M không cung cấp được các điều kiện được cấp GCNQSDĐ.

Tại Điều 136 của Luật Đất đai năm 2013 quy định về đất rừng phòng hộ như sau:

"1. Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho tổ chức quản lý rừng phòng hộ để quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

2. Tổ chức quản lý rừng phòng hộ giao khoán đất rừng phòng hộ cho hồ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại đó để bảo vệ, phát triển rừng; Ủy ban nhân dân cấp huyện giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đó sử dụng." Xét thấy, trình tự thủ tục cấp GCNQSDĐ cho Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng là phù hợp pháp luật, nên cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông M về việc hủy một phần GCNQSDĐ mà UBND tỉnh Tây Ninh đã cấp cho Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng và không công nhận quyền sử dụng đất cho ông M là có căn cứ, đúng pháp luật.

[5] Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, người khởi kiện ông Dương Văn M có kháng cáo nhưng không có cung cấp hay bổ sung thêm tình tiết chứng cứ nào mới để làm cơ sở cho yêu cầu kháng cáo của ông.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người khởi kiện, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát là có căn cứ và phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về chi phí tố tụng, án phí sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[7] Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên người khởi kiện phải chịu án phí hành chính phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 241 của Luật tố tụng Hành chính năm 2015; Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người khởi kiện ông Dương Văn M. Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 01/2022/HC-ST ngày 04 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Tuyên xử:

1. Bác yêu cầu khởi kiện của ông Dương Văn M về việc yêu cầu hủy bỏ các Quyết định sau:

+ Quyết định số 4244/QĐ-KPHQ ngày 17/10/2018 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

+ Quyết định số 3381/QĐ-CCXP ngày 20/9/2019 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

+ Quyết định số 4951/QĐ-UBND ngày 19/12/2019 của Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

+ Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày 14/5/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.

+ Hủy bỏ một phần diện tích 6,9 ha đất trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số phôi BM 189091 do UBND tỉnh Tây Ninh cấp cho Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng ngày 20/12/2013 và công nhận phần đất có diện tích 6,9 ha thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông M.

2. Các quyết khác của bản án sơ thẩm về chi phí tố tụng, án phí sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

3. Án phí hành chính phúc thẩm: Ông Dương Văn M phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tiền án phí hành chính phúc thẩm được khấu trừ vào số tiền 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0000103 ngày 19/01/2022 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

96
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính đối với trường hợp thu hồi đất, bồi thường, hồ trợ khi thu hồi đất và giải quyết khiếu nại đất đai số 693/2022/HC-PT

Số hiệu:693/2022/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 29/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về