Bản án về khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực quản lý đất đai số 408/2022/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 408/2022/HC-PT NGÀY 31/05/2022 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Ngày 31 tháng 5 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số: 26/2022/TLPT-HC ngày 24 tháng 01 năm 2022 về việc “Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực quản lý đất đai”.

Do Bản án hành chính sơ thẩm số 24/2021/HC-ST ngày 29 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 568/2022/QĐPT-HC ngày 04 tháng 5 năm 2022 giữa các đương sự:

- Người khởi kiện: Ông Nguyễn Hữu Duy V, sinh năm 1979 (vắng mặt); Địa chỉ: Xóm 1, thôn T, xã C, huyện T, tỉnh Bình Thuận.

Đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện: ông Phan M, sinh năm 1958 (có mặt).

Địa chỉ: 7A/162 Thành T, Phường 14, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh (Văn bản ủy quyền ngày 27/02/2018)

- Người bị kiện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận (xin vắng mặt).

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị kiện:

- Ông Võ Văn L - Công chức Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận (có mặt);

- Ông Đỗ Minh Tr - Luật sư, Cộng tác viên Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh Bình Thuận (vắng mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1/ Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T (xin vắng mặt);

2/ Ủy ban nhân dân huyện T (xin vắng mặt);

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T: Ông Bùi Đắc Đ1 - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện T (có mặt)

3/ Ủy ban nhân dân xã C, huyện T, tỉnh Bình Thuận.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Trung H, sinh năm 1988 - Chức vụ: Công chức Địa chính - Xây dựng xã C, huyện T, tỉnh Bình Thuận (có mặt) (Văn bản ủy quyền ngày 28/10/2021)

4/ Bà Lê Thị Mỹ N1, sinh năm 1985 (vắng mặt) Địa chỉ Xóm 1, thôn L, xã C, huyện T, tỉnh Bình Thuận.

- Người kháng cáo: Người bị kiện là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 04/9/2017, đơn khởi kiện bổ sung ngày 16/12/2017 và quá trình giải quyết vụ án, người khởi kiện, đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện trình bày:

Ngày 26/9/2011, Ủy ban nhân dân huyện T ban hành Quyết định số 2328/QĐ-UBND thu hồi 8.755,5m2 đất nuôi trồng thủy sản của hộ ông Nguyễn Hữu Duy V để xây dựng công trình Khu sản xuất giống thủy sản tập trung tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong.

Ngày 19/12/2014, Ủy ban nhân dân huyện T ban hành Quyết định số 9894/QĐ-UBND về việc không bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông Nguyễn Hữu Duy V về đất và tài sản trên đất đối với phần đất thu hồi trên vì lý do toàn bộ diện tích thu hồi đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính năm 2001, không đủ điều kiện để bồi thường về đất.

Ngày 27/5/2015, Ủy ban nhân dân huyện T ban hành Quyết định số 2732/QĐ-UBND bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông Nguyễn Hữu Duy V với số tiền là 27.579.825 đồng; đây là khoản hỗ trợ 30% giá đất đối với diện tích 8766,5m2.

Ngày 07/8/2015, Ủy ban nhân dân huyện T ban hành Quyết định số 3892/QĐ-UBND về việc bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông Nguyễn Hữu Duy V với số tiền 185.713.200 đồng; đây là khoản hỗ trợ khác 30% công đào ao.

Không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ của Ủy ban nhân dân huyện T, ông V đã có đơn khiếu nại.

Ngày 26/02/2016, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T ban hành Quyết định số 386/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại lần đầu và ngày 14/8/2017, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 2343/QĐ- UBND về việc giải quyết khiếu nại lần hai đều bác khiếu nại của ông V.

Ông Nguyễn Hữu Duy V cho rằng quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có một phần nội dung trái pháp luật, bởi lẽ:

Về nguồn gốc đất: Diện tích đất bị thu hồi là do cha ông là ông Nguyễn Hữu Hồng nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Văn H1 bằng giấy viết tay vào năm 2000, trong diện tích này là của bà Phạm Thị M công dân xã C khai hoang làm nông nghiệp vào năm 1977 liền kề với đất ông Hai. Sau đó bà Mót không làm nữa mới cho ông Hai, ông Hai chuyển nhượng lại cho ông Hồng sau đó bà Mót nghe ông Hai bán lại cho ông Hồng nên bà Mót tranh chấp và khởi kiện ra Tòa án. Tòa án nhân dân huyện Tuy Phong đã xác minh và công nhận đất nông nghiệp cho bà Mót, tại Quyết định số 22/QĐ-HGT ngày 04/02/2003, Tòa án nhân dân huyện Tuy Phong công nhận sự thỏa thuận của ông Hồng về việc bồi thường tiền khai hoang đất cho bà Mót; đến năm 2006 thì ông Hồng tặng cho lại ông V để sử dụng vào mục đích nuôi tôm, quá trình ông V sử dụng đất không bị chính quyền xử phạt, không có ai tranh chấp, phù hợp quy hoạch; do đó, tại thời điểm Ủy ban thu hồi đất của ông V để thực hiện dự án thì diện tích đất của ông tuy không có giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 6 Điều 50 Luật đất đai năm 2003, khoản 3 Điều 48 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP. Cho nên, theo khoản 1 Điều 42 Luật đất đai năm 2003 và khoản 9 Điều 8 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP thì diện tích đất thu hồi của gia đình ông đủ điều kiện để bồi thường. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân huyện T chỉ hỗ trợ 30% giá đất là không có căn cứ.

Về vị trí đất: Các quyết định bồi thường, hỗ trợ của Ủy ban nhân dân huyện T đều xác định vị trí đất thu hồi của gia đình ông là vị trí 5, trên cơ sở đó, áp dụng giá bồi thường theo giá đất tại vị trí này là không đúng, trong khi vị trí đất của hộ ông V đủ các tiêu chí để xác định vị trí 1 vì đất tiếp giáp đường nhựa ven biển; chủ động 100% nước tưới vì đất nuôi trồng thủy sản; đất trải bạc nuôi tôm nên không cần độ phì; cách khu dân cư Gành Rái chỉ 150m.

Do vậy, ông Nguyễn Hữu Duy V khởi kiện yêu cầu Tòa án: hủy một phần Quyết định số 2343/QĐ-UBND ngày 14/8/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Hữu Duy V trú tại xóm 1, thôn Thanh Lương, xã Chí Công, huyện Tuy Phong (lần hai); đồng thời xem xét hủy Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 26/02/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Hữu Duy V trú tại xóm 1, thôn Thanh Lương, xã C (lần đầu); Buộc Ủy ban nhân dân huyện T thực hiện hành vi bồi thường đối với diện tích đất đã thu hồi của gia đình ông theo quy định của pháp luật.

Quá trình giải quyết quyết vụ án, người bị kiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có văn bản đề nghị vắng mặt và không có ý kiến đối với yêu cầu của người khởi kiện. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của người bị kiện, ngày 05/02/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận có Văn bản số 505/STNMT-TTr cho rằng: Việc ông Nguyễn Hữu Duy V khiếu nại đối với Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 26/02/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tiến hành xác minh, làm việc, thu thập tài liệu, giao cho cơ quan tài nguyên môi trường thực hiện báo cáo xác minh; tổ chức đối thoại với người khiếu nại, ban hành Thông báo Kết luận số 346/TA-UBND ngày 25/11/2016 và Công văn số 2741/UBND-ĐTQH ngày 12/6/2018; trên cơ sở đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 2343/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của ông V là đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và có nội dung đúng quy định của pháp luật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T trình bày:

Thống nhất với Quyết định số 2343/QĐ-UBND ngày 14/8/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Hữu Duy V (lần 2) Người khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 26/02/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T về việc giải quyết khiếu nại lần đầu của ông liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông để giải tỏa thi công công trình Khu sản xuất giống tập trung tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong là không có căn cứ, bởi lẽ: Phần diện tích 8.755,5m2 của hộ ông Nguyễn Hữu Duy V không đủ điều kiện để được nhà nước bồi thường về đất, toàn bộ diện tích đất thu hồi của hộ ông V thuộc vị trí 5. Việc nâng mức chi hỗ trợ khác theo Công văn số 2174/UBND-ĐTQH ngày 12/6/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc hỗ trợ khác đối với các hộ dân có đất thu hồi nhưng không đủ điều kiện bồi thường tại dự án xuất giống thủy sản tập trung xã Chí Công, huyện Tuy Phong là do Ủy ban nhân dân tỉnh đã vận dụng pháp luật hết mức cho phép, hết sức quan tâm đến quyền, lợi ích của người bị thu hồi đất.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân xã C trình bày: Thống nhất với ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện, ý kiến của Ủy ban nhân dân huyện T, đề nghị bác yêu cầu của người khởi kiện.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 24/2021/HC-ST ngày 29 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã quyết định:

1. Hủy Điều 1 của Quyết định số 2343/QĐ-UBND ngày 14/8/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Hữu Duy V (lần 2);

2. Hủy Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 26/02/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Hữu Duy V (lần đầu);

3. Hủy Quyết định số 9894/QĐ-UBND ngày 19/12/2014 của Ủy ban nhân dân huyện T về việc không bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông Nguyễn Hữu Duy V thuộc công trình: Khu sản xuất giống thủy sản tập trung tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong;

4. Hủy Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 27/5/2015 của Ủy ban nhân dân huyện T về việc bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông Nguyễn Hữu Duy V để giải tỏa thi công công trình: Khu sản xuất giống thủy sản tập trung tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong;

5. Buộc Ủy ban nhân dân huyện T phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 26/11/2021 người bị kiện Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận kháng cáo bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người bị kiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có văn bản xin vắng mặt và vẫn giữ kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Hữu Duy V.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện là ông Võ Văn L phát biểu ý kiến: diện tích đất của ông V có liên quan đến khiếu kiện trước đây đã bị xử phạt vi phạm hành chính nên không đủ điều kiện được bồi thường. Mặt khác, Ủy ban xác định đất của ông V có vị trí 5 là đúng quy định pháp luật vì đất thu hồi của hộ ông V gần khu vực các hộ dân xây dựng nhà trái phép và tự phát, khu mép biển, khu vực này không đáp ứng nguồn nước tưới tiêu, người dân tự cải tạo, bơm nước biển và làm giếng để trung hòa nuôi tôm, không có quy hoạch và không được công nhận là khu dân cư. Vị trí đất của hộ ông V cách khu dân cư A3 Chí Công khoảng 1.500m nên không đủ điều kiện để nâng vị trí đất. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của người bị kiện.

Người khởi kiện là ông Nguyễn Hữu Duy V (có ông Phan M đại diện theo ủy quyền) không đồng ý kháng cáo của người bị kiện và yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm bác kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm vì đất có nguồn gốc sử dụng ổn định, liên tục từ năm 1977, không có ai tranh chấp, phù hợp quy hoạch nên ông V đủ điều kiện được bồi thường. Ngoài ra, đất của hộ ông V tiếp giáp đường nhựa ven biển, chủ động 100% nước tưới tiêu vì là đất nuôi trồng thủy sản, đất trải bạc nuôi tôm nên không cần độ phì, và cách khu dân cư Gành Rái chỉ 150m nên Ủy ban xác định vị trí 5 là không đúng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân xã C (có ông Nguyễn Trung H1đại diện theo ủy quyền) yêu cầu Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người bị kiện.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân huyện T, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T, đều xin vắng mặt; bà Lê Thị Mỹ N1 vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T là ông Bùi Đắc Đ1 phát biểu ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

Về tố tụng, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng hành chính. Các đương sự thực hiện quyền, nghĩa vụ theo đúng quy định pháp luật.

Về nội dung, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử là có căn cứ và đúng quy định pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị kiện kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh nên đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo và giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Tòa án triệu tập hợp lệ, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân huyện T, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T, đều xin vắng mặt; bà Lê Thị Mỹ N1 vắng mặt. Căn cứ Điều 225 Luật tố tụng hành chính, Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt những đương sự này.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị kiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận xin vắng mặt nhưng vẫn giữ kháng cáo và có người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp phát biểu ý kiến: Phần diện tích đất ông V đang quản lý sử dụng đã bị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Tuy Phong xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lấn chiếm đất của Nhà nước quản lý vào năm 2001. Căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 7 Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 thì ông V không đủ điều kiện được bồi thường với phần đất này. Mặt khác, vị trí đất thu hồi của hộ ông V gần khu vực các hộ dân xây dựng nhà trái phép và tự phát, khu mép biển, khu vực này không có quy hoạch và không được công nhận là khu dân cư. Vị trí đất của hộ ông V được tính cách khu dân cư A3 Chí Công khoảng 1.500m nên không đủ điều kiện để nâng vị trí đất. Do đó, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm, bác các yêu cầu khởi kiện của ông V.

[3] Người khởi kiện là ông Nguyễn Hữu Duy V (có ông Phan M đại diện theo ủy quyền) cho rằng, nguồn gốc đất là do bà Phạm Thị M khai hoang năm 1977, sau đó cho lại ông Nguyễn Văn H1. Năm 2000, ông Hai chuyển nhượng lại cho cha của ông V là ông Nguyễn Hữu Hồng. Năm 2000, diện tích đất này nằm trong tổng diện tích đất 13.007m2 bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lấn chiếm đất theo Quyết định số 353/QĐ-CTUBTP ngày 27/4/2001. Sau khi xử lý vi phạm hành chính, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không thu hồi diện tích đất lấn chiếm nên ông Hồng tiếp tục sử dụng để nuôi trồng thủy sản và sau đó cho ông V sử dụng cho đến khi có quyết định thu hồi đất.

[4] Xét, thời điểm Uỷ ban nhân dân huyện Tuy Phong ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ đối với phần đất của ông V, Luật đất đai năm 2013 đã có hiệu lực pháp luật. Căn cứ Điều 210 Luật đất đai năm 2013, Điều 34 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và Điều 72 Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận áp dụng chính sách pháp luật tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ để tính toán bồi thường, hỗ trợ cho ông V.

Diện tích đất của gia đình ông V bị xử phạt vi phạm hành chính năm 2001, trước ngày 01/7/2004, sau khi xử lý cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, mà ông V vẫn tiếp tục sử dụng đất. Do đó, căn cứ theo khoản 2 Điều 77 Luật đất đai năm 2013, ông V đủ điều kiện được bồi thường khi thu hồi đất.

[5] Mặt khác, hồ sơ vụ án thể hiện, diện tích đất thu hồi của hộ ông V là đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản, thực tế ông V sử dụng đất vào mục đích nuôi tôm nên phải chủ động nước tưới tiêu 100%. Theo Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 11/9/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận thì vị trí đất thu hồi của hộ ông V cách khu vực Gành Rái không quá 250m. Khu vực dân sinh này có tập hợp nhiều hộ gia đình sinh sống (hơn 20 hộ, nhiều hộ sống trên 40 năm), đủ điều kiện xác định là khu dân cư theo khoản 1 Điều 3 Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 5 Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quy định về phân loại vị trí đất đối với đất nuôi trồng thủy sản thì diện tích đất thu hồi của hộ ông V đáp ứng đủ các tiêu chí để xác định vị trí 3 là: (i) Có khoảng cách tính theo đường vận chuyển tới khu dân cư hoặc điểm dân cư tập trung không quá 500m, (ii) chủ động được nước tưới tiêu (nuôi trồng thủy sản) từ 70% trở lên. Do đó, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm xác định phần đất ông V bị thu hồi có vị trí 3 là có cơ sở.

[6] Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện cho rằng khu vực dân sinh gần vị trí đất bị thu hồi là khu vực các hộ dân xây dựng trái phép, không có quy hoạch là khu dân cư, nên không thể căn cứ vào khu dân sinh này để tính khoảng cách xác định vị trí đất thu hồi. Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2012/TT-BCA thì khu dân cư được định nghĩa là: “Khu dân cư là nơi tập hợp người dân, hộ gia đình cư trú tập trung trong phạm vi một khu vực nhất định, bao gồm: Thôn, xóm, làng, bản, ấp, buôn, phum, sóc, khóm, tổ dân phố và đơn vị dân cư tương đương”. Theo quy định này, khu dân cư có thể là một tập thể tồn tại lâu đời hoặc đang được hình thành, quy hoạch từ chính sách phát triển của địa phương. Việc không nằm trong quy hoạch không có ý nghĩa chứng minh khu dân sinh này không được xác định là khu dân cư. Do vậy, nội dung trình bày này của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện là không có cơ sở chấp nhận.

[7] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông V là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị kiện kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ nào mới chứng minh cho yêu cầu kháng cáo nên bác kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa là có căn cứ chấp nhận.

[8] Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[9] Án phí hành chính phúc thẩm: Người bị kiện là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận phải chịu theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 241 của Luật tố tụng hành chính;

Bác kháng cáo của người bị kiện là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận. Giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm số 24/2021/HC-ST ngày 29/10/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Áp dụng vào khoản 2 Điều 77, Điều 100, 101, khoản 6 Điều 210 Luật đất đai năm 2013; khoản 2 Điều 21, Điều 38, Điều 39, Điều 40 Luật khiếu nại; Điều 25, Điều 34 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ; khoản 1 Điều 3 Thông tư số 23/2012/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ công an; Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND, Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND và Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

I. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Hữu Duy V.

1. Hủy Điều 1 của Quyết định số 2343/QĐ-UBND ngày 14/8/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Hữu Duy V (lần 2);

2. Hủy Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 26/02/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Hữu Duy V (lần đầu);

3. Hủy Quyết định số 9894/QĐ-UBND ngày 19/12/2014 của Ủy ban nhân dân huyện T về việc không bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông Nguyễn Hữu Duy V thuộc công trình: Khu sản xuất giống thủy sản tập trung tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong;

4. Hủy Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 27/5/2015 của Ủy ban nhân dân huyện T về việc bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông Nguyễn Hữu Duy V để giải tỏa thi công công trình: Khu sản xuất giống thủy sản tập trung tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong;

5. Buộc Ủy ban nhân dân huyện T phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

II. Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

III. Án phí hành chính phúc thẩm: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận phải chịu 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng, nhưng được cấn trừ vào số tiền 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0008171 ngày 21/12/2021 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

829
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực quản lý đất đai số 408/2022/HC-PT

Số hiệu:408/2022/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành:31/05/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về