TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 29/2022/HC-PT NGÀY 14/02/2022 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH CƯỠNG CHẾ CỦA CHỦ TỊCH UBND
Ngày 14 tháng 02 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính Thụ lý số 49/2021/TLPT-HC ngày 26 tháng 01 năm 2021 về việc “khiếu kiện quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND”.Do bản án hành chính sơ thẩm số 04/2020/HC-ST ngày 19 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên có kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 519/QĐPT-HC ngày 25/01/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội giữa các đương sự:
* Người khởi kiện: Ông Nguyễn Đình A, sinh năm 1968, có mặt;
Địa chỉ: Thôn B2, xã B1, huyện B, tỉnh Hưng Yên;
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện: Ông Lê Đình A1, Luật sư Công ty Luật TNHH A1, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, có mặt.
* Người bị kiện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân (sau đây gọi tắt là UBND) huyện B, tỉnh Hưng Yên;
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn B3, chức vụ: Phó Chủ tịch UBND huyện B (Văn bản ủy quyền số 2088/QĐ-UBND, ngày 05/8/2019) có đơn xin xét xử vắng mặt;
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: UBND xã B1, huyện B, tỉnh Hưng Yên;
Người đai diện theo pháp luật: Ông Trần Văn B4, chức vụ: Chủ tịch UBND xã B1, có đơn xin xét xử vắng mặt.
* Người kháng cáo: Ông Nguyễn Đình A, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo hồ sơ vụ án và bản án sơ thẩm, nội dung vụ án như sau:
Ngày 16/10/2018, Chủ tịch UBND huyện B, tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 4211/QĐ-UBND (sau đây gọi tắt là Quyết định 4211) về việc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết đơn đề nghị của ông Nguyễn Đình A2; địa chỉ: Thôn B2, xã B1, huyện B, tỉnh Hưng Yên; không đồng ý với quyết định nêu trên, ông A có đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên.
* Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, người khởi kiện trình bày như sau:
Ngày 21/01/2013, anh Nguyễn Đình A3 có lập biên bản đổi đất với gia đình ông Nguyễn Đình A với nội dung: Gia đình ông A2 đổi 31m2 đất (liền với đất nhà ông A) cho gia đình ông A để lấy diện tích đất tương ứng mở cổng đi qua đất ông A. Tuy nhiên, sau đó không hiểu lý do gì gia đình ông A2 (bố anh A3) không thực hiện theo thỏa thuận mà có đơn đề nghị UBND xã B1 và UBND huyện B giải quyết tranh chấp đối với ngõ đi. Ngày 24/3/2014, Chủ tịch UBND huyện B, tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 1223/QĐ-UBND (sau đây gọi tắt là Quyết định số 1223) xác định ngõ đi mà gia đình ông A2 đề nghị là ngõ đi chung do UBND xã B1 quản lý (mặc dù đó là đất của gia đình ông) và yêu cầu ông phải tháo dỡ các công trình trên đất để trả lại ngõ đi chung cho tập thể, nếu không tự tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế thu hồi; không đồng ý với quyết định này, ông A đã có đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, ngày 29/6/2015 Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 1159/QĐ-CTUBND, giải quyết đơn khiếu nại của ông, nhưng không chấp nhận đơn khiếu nại của ông, giữ nguyên Quyết định số 1223.
Ngày 16/10/2018, Chủ tịch UBND huyện B ban hành Quyết định 4211 để cưỡng chế thi hành Quyết định số 1223; ngày 26/10/2018, UBND huyện B cùng với UBND xã B1 đã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ ngôi nhà cấp 4, đồng thời thu giữ toàn bộ tài sản trong ngôi nhà của ông mang đi để lấy diện tích 31m2 đất của gia đình ông giao cho ông A2 để làm ngõ đi chung.
Nguồn gốc diện tích đất bị cưỡng chế trước đây là đất ao mà bố ông A sử dụng và nộp thuế hàng năm, đến năm 1979 ông A san lấp phần diện tích đất này; đến năm 1979 - 1980, gia đình ông đổi một phần đất ao cho gia đình cụ Đặng Quang A4. Diện tích đất này gia đình ông A đã sử dụng từ thời ông cha để lại không có tranh chấp, không phải là đất giao thông, thủy lợi.
Vì vậy, ông A khởi kiện đề nghị Tòa án hủy quyết định 4221 của Chủ tịch UBND huyện B và yêu cầu UBND huyện B bồi thường thiệt hại danh dự, tài sản và quyền lợi chính đáng cho ông tổng các khoản là 205.000.000đ.
* Người bị kiện là Chủ tịch UBND huyện B, tỉnh Hưng Yên trình bày như sau:
Năm 2014, ông Nguyễn Đình A2 có đơn khiếu nại, đề nghị UBND huyện B giải quyết việc ông Nguyễn Đình A xây dựng nhà cấp 4 trên diện tích đất là ngõ đi chung của tập thể, chặn lối đi vào nhà ông A2; Kiểm tra hồ sơ quản lý đất đai qua các thời kỳ, cũng như làm việc với UBND xã B1 và các đối tượng liên quan, xác định được ngõ đi gia đình ông Nguyễn Đình A2 đề nghị xem xét là tại thửa đất số 170, tờ bản đồ số 25, loại đất DGT (bản đồ đo đạc năn 2005) xã B1, huyện B là ngõ đi chung do UBND xã B1 quản lý. Việc gia đình ông A xây dựng các công trình trên thửa đất ngõ đi chung là do gia đình ông A tự xây. UBND huyện B đã làm việc với ông A, thông báo thực trạng đất của ông A đang sử dụng xây nhà cấp 4 là đất giao thông thuộc quyền quản lý của UBND xã và đề nghị ông A tự tháo dỡ. Tuy nhiên, ông A cho rằng đất đó là của gia đình ông sử dụng từ lâu và ông không tự tháo dỡ phần công trình xây dựng trên ngõ đi chung của tập thể. Do đó, Chủ tịch UBND huyện B đã ban hành Quyết định số 1223/QĐ-UBND ngày 24/3/2014 để giải quyết đơn đề nghị của ông Nguyễn Đình A2; sau đó ông A khiếu nại lên Chủ tịch UBND tỉnh. Sau khi kiểm tra, xác minh, thu thập tài liệu, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành quyết định số 1159/QĐ-CTUBND ngày 29/6/2015 với nội dung: Giữ nguyên Quyết định số 1223 của Chủ tịch UBND huyện B; theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên giao cho UBND huyện B chỉ đạo các phòng chức năng của huyện và UBND xã B1 tổ chức thực hiện Quyết định số 1223. UBND huyện B đã giao cho UBND xã B1 cùng các phòng, ban chức năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục ông A tự tháo dỡ công trình trên đất để trải lại ngõ đi chung, nhưng ông A vẫn không thực hiện. Vì vậy, Chủ tịch UBND huyện B đã ban hành Quyết định số 4211/QĐ-UBND ngày 16/10/2018 để cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết đơn đề nghị của ông A2 và ban hành kế hoạch cưỡng chế số 105/KH-UBND ngày 16/10/2018. Sau khi ban hành quyết định, UBND huyện B đã tiến hành giao quyết định cưỡng chế cho ông A và tuyên truyền, thuyết phục ông A tự nguyện thi hành, nhưng ông A không nhận quyết định và cũng không thực hiện việc tháo dỡ, nên UBND huyện B đã phối hợp với UBND xã B1 cùng các ngành chức năng tổ chức và thực hiện việc cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng của ông A để trả lại đất ngõ đi chung. Trong quá trình cưỡng chế, đoàn công tác đã tiến hành tháo dỡ công trình nhà cấp 4 do gia đình ông A xây dựng. Đối với đồ vật trong nhà cấp 4, đoàn cưỡng chế đã giải thích cho gia đình ông A chuyển ra, nhưng gia đình ông A không thu dọn chuyển ra ngoài, nên đoàn cưỡng chế đã tiến hành lập biên bản, thống kê các đồ vật có trong nhà cấp 4 và vận chuyển về trụ sở UBND xã B1 cất giữ, bảo quản. Từ đó đến nay, UBND huyện B cũng như UBND xã B1 không nhận được đề nghị hoặc yêu cầu nhận lại các đồ vật đã thu giữ. Nếu gia đình ông A có yêu cầu nhận lại thì sẽ được UBND huyện B trả lại cho gia đình ông A.
Sau khi được cưỡng chế, ngõ đi chung bị gia đình ông A chiếm dụng được giải tỏa và giao cho UBND xã B1 quản lý theo thẩm quyền để làm lối đi chung cho nhân dân.
Việc Chủ tịch UBND huyện B ban hành Quyết định số 1223 là căn cứ vào hồ sơ địa chính qua các thời kỳ tại xã B1 xác định diện tích đất ông A2 đề nghị là đất giao thông (ngõ đi chung) do UBND xã B1 quản lý và căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đất đai.
Đối với Quyết định số 4211 Chủ tịch UBND huyện ban hành để thực hiện Quyết định số 1159 của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và Quyết định số 1223 của Chủ tịch UBND huyện B theo đúng các quy định hiện hành. Sau khi tổ chức cưỡng chế, UBND huyện không nhận được đơn khiếu nại nào của ông Nguyễn Đình A. Chủ tịch UBND huyện B không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông A.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là UBND xã B1 trình bày:
Theo bản đồ 299 thì phần đất có công trình xây dựng của ông A bị cưỡng chế là đất ngõ đi chung của các hộ dân. Đến năm 2005, hồ sơ đo đạc thể hiện là ngõ đi chung tại thửa số 170, tờ bản đồ số 25 là đường giao thông (ngõ đi) do UBND xã B1 quản lý; hàng năm UBND xã không thu thuế đối với phần diện tích đất ngõ đi này; diện tích đất ở của ông A đã được UBND huyện B cấp GCNQSD đất từ năm 2006, thể hiện tại thửa số 164, tờ bản đồ số 25, diện tích 295m2. Đối với tài sản và đồ vật của gia đình ông A khi đoàn cưỡng chế yêu cầu ông A và gia đình thu dọn chuyển ra ngoài nhưng ông A và gia đình không thực hiện, nên đoàn cưỡng chế đã lập biên bản thống kê cụ thể gửi tại kho của UBND xã B1 trông giữ, bảo quản. Khi nào gia đình ông A có yêu cầu nhận lại tài sản, đồ vật thì UBND xã B1 báo cáo UBND huyện B để làm thủ tục giao lại cho ông A và gia đình.
Ngày 11/11/2021, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã có Công văn số 9717/CV-TA, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên có quan điểm về việc ban hành Quyết định số 1159/QĐ-CTUBND ngày 29/6/2015 về giải quyết khiếu nại đối với ông Nguyễn Đình A. Tại Công văn số 3170/UBND-KT2, ngày 10/12/2021 Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định việc ban hành Quyết định số 1159 là đúng quy định của pháp luật, nên giữ nguyên Quyết định số 1159.
Với nội dung trên tại Bản án hành chính sơ thẩm số 04/2020/HC-ST ngày 19/11/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã quyết định:
Căn cứ khoản 1 Điều 30; khoản 4 Điều 32; Điều 116; điểm a khoản 2 Điều 193; Điều 194; Điều 204; Điều 206; khoản 2 Điều 344; khoản 1 Điều 348 Luật tố tụng hành chính năm 2015;
Các Điều 24, 28, 29, 31, và 35 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Điều 38; Điều 64 Luật đất đai năm 2003;
Điều 12, khoản 1 Điều 16, Điều 22, Điều 23, Điều 71, Điều 100, Điều 108 Luật đất đai năm 2013;
Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều về Luật đất đai năm 2013;
Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Xử:
1. Bác yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đình A về đề nghị hủy Quyết định số 4211/QĐ-UBND ngày 16/10/2018 của Chủ tịch UBND huyện B, tỉnh Hưng Yên về việc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết đơn đề nghị của ông Nguyễn Đình A2; địa chỉ: Thôn B2, xã B1, huyện B, tỉnh Hưng Yên và các quyết định có liên quan (Quyết định số 1223/QĐ-CTUBND ngày 24/3/2014 của Chủ tịch UBND huyện B về việc giải quyết đơn đề nghị của ông Nguyễn Đình A2 và Quyết định số 1159/QĐ-CTUBND ngày 29/6/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên về giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình ông Nguyễn Đình A với hộ gia đình ông Nguyễn Đình A2).
2. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại 205.000.000đ của ông Nguyễn Đình A đối với UBND huyện B, tỉnh Hưng Yên.
Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 01/12/2020 ông Nguyễn Đình A có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án số 04/2020/HC-ST ngày 19/11/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên; đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm nêu trên.
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay ông A giữ nguyên nội dung kháng cáo và ông trình bày: Bản án sơ thẩm chưa xem xét khách quan, toàn diện vụ án; chưa xem xét hết các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nên đã quyết định không đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét để hủy bản án sơ thẩm, hoặc sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận đơn khởi kiện của ông A để hủy các quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, của Chủ tịch UBND huyện B và quyết định cưỡng chế số 4211 của Chủ tịch UBND huyện B; đồng thời bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của ông A. Bởi vì, ông A yêu cầu thẩm định, định giá tài sản cưỡng chế, tài sản thu giữ, giám định chữ ký trong tài liệu làm căn cứ cấp GCNQSD đất nhưng không được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận.
Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện trình bày:
Tòa án cấp sơ thẩm có sự vi phạm thủ tục tố tụng, chưa xem xét đánh giá hết các chứng cứ một cách khách quan, toàn diện; cụ thể: Trước năm 1979 không có tài liệu nào thể hiện diện tích đất đang tranh chấp là do UBND xã quản lý làm ngõ đi chung, mà là đất của cụ Nguyễn Đình A5 (là bố ông A); đến năm 1979 bố ông A đổi một phần đất ao cho cụ Đặng Quang A4 lấy một phần đất ao để làm ngõ đi chứ không phải cụ A5 và cụ A6 (bố ông A2) xin đất của cụ Đặng Phúc A7, nên ngoài gia đình ông A thì chỉ có gia đình ông Đặng Quang A8 (là con của cụ A4) được gia đình ông A cho đi nhờ, đến năm 2003 ông Trần Đình A9 mới có giấy xin đi nhờ ngõ. Đến đầu năm 2013 bố con ông A2 mới thương lượng đổi 31m2 đất cho ông A đi qua ngõ này, nên hai bên đã lập biên bản thỏa thuận.
Tòa án cấp sơ thẩm đang căn cứ việc gia đình ông A không nộp tiền thuế đất để xác định diện tích đất không phải của gia đình ông A là không có căn cứ.
Trên thực tế, ngõ đi này chỉ có gia đình ông A và hai hộ gia đình ông A cho đi nhờ (ông A8, ông A9) đi, còn những hộ khác có lối đi riêng; không có bản đồ năm 2005, không có sổ địa chính hoặc tài liệu nào thể hiện diện tích đất đang tranh chấp không phải đất của ông A.
Việc Tòa án cấp sơ thẩm dựa vào bản đồ năm 2005 xác định đó là ngõ đi chung do UBND xã B1 quản lý là không đúng. Vì bản đồ năm 2005 thể hiện ngõ đi chung thuộc thửa số 170, tờ bản đồ số 25 do UBND xã B1 quản lý là bản đồ trái pháp luật. Vì bản đồ năm 2005 trái với bản đồ 299 và bản đồ năm 1993 không có thửa đất nào là ngõ đi chung chứ chưa nói đó là ngõ đi chung tại thửa số 170 do UBND xã quản lý; bản đồ năm 2005 lập trên cơ sở biên bản xác định ranh giới, mốc giới mà UBND xã B1 lập ngày 14/7/2004 là biên bản ngụy tạo vì bố của ông A đã chết từ năm 2001, nhưng đến năm 2004 vẫn ký vào biên bản đó, còn ông A không hề biết; bản đồ năm 2005 do UBND huyện B cung cấp khác với bản đồ do Luật sư thu thập tại UBND xã B1.
Nếu thửa đất đang tranh chấp là ngõ đi chung thì tại sao năm 1980 gia đình ông A làm cổng chắn bịt lối đi nhưng không ai có ý kiến gì; nếu gia đình ông A xây dựng nhà cấp bốn trên diện tích đất chung thì tại sao không bị xử lý.
Việc Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng sau khi được cấp GCNQSD đất gia đình ông A không có yêu cầu gì là hoàn toàn suy diễn, bởi: Gia đình ông A chưa kê khai để cấp GCNQSD đất, chưa biết được bản đồ năm 2005, chỉ sau khi có khiếu nại gia đình ông A mới biết được có bản đồ năm 2005, mới biết được biên bản lập ngày 14/7/2004 và dựa vào biên bản này cơ quan Nhà nước lập bản đồ năm 2005; ông A chưa bao giờ kê khai để xin cấp GCNQSD đất, cũng như chưa biết được mình được cấp GCNQSD đất.
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án ông A đã nhiều lần yêu cầu thẩm định, định giá tài sản và trưng cầu giám định biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất do UBND xã B1 lập ngày 14/7/2004 nhưng không được cấp sơ thẩm chấp nhận.
Đối với các tài sản khi cưỡng chế và bị thu giữ không phải là đối tượng bị cưỡng chế, nhưng UBND huyện B vẫn thu giữ tài sản của gia đình ông A, đến nay vẫn chưa trả lại cho gia đình ông A.
Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo hướng chấp nhận đơn khởi kiện của ông A để hủy các quyết định hành chính nêu trên, đồng thời bồi thường thiệt hại cho gia đình ông A.
Đại diện viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm:
- Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, Thẩm phán, Hội đồng xét xử tuân theo đúng các quy định pháp luật tố tụng hành chính; những người tham gia tố tụng ở giai đoạn phúc thẩm đã chấp hành đúng các quy định của Luật tố tụng hành chính.
- Về nội dung: Sau khi tóm tắt nội dung vụ án, phân tích đánh giá các chứng cứ cho rằng: Phía người khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 4211/QĐ- UBND ngày 16/10/2018, Quyết định số 1223/QĐ-UBND ngày 24/3/2014 của Chủ tịch UBND huyện B, tỉnh Hưng Yên; Quyết định số 1159/QĐ-UBND ngày 29/6/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên là không có căn cứ, Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật, tại cấp phúc thẩm không có thêm tình tiết gì mới, nên kháng cáo của ông A không có căn cứ để chấp nhận. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Đình A, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội; lời trình bày của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, Hội đồng xét xử thấy như sau:
* Về thủ tục tố tụng:
[1] Về thẩm quyền: Tòa án cấp sơ thẩm xác định đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính là Quyết định số 4211/QĐ-UBND ngày 16/10/2018 của Chủ tịch UBND huyện B, tỉnh Hưng Yên. Về việc Cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết đơn đề nghị của ông Nguyễn Đình A2; địa chỉ: Thôn B2, xã B1, huyện B, tỉnh Hưng Yên là có căn cứ. Vì đây là quyết định hành chính thuộc đối tượng giải quyết của Tòa án, người ban hành Quyết định hành chính là Chủ tịch UBND cấp huyện, nên thẩm quyền giải quyết theo trình tự sơ thẩm thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Ngày 16/10/2018, Chủ tịch UBND huyện B, tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định 4211, đến ngày 29/11/2018 ông Nguyễn Đình A có đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên là đang trong thời hạn một năm, nên đang trong thời hiệu khởi kiện theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Do đó, Tòa án nhân nhân tỉnh Hưng Yên thụ lý giải quyết theo trình tự sơ thẩm là đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 30, 32 và Điều 116 Luật tố tụng hành chính. Quá trình giải quyết vụ án, ngày 14/10/2020 ông Nguyễn Đình A có đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện, mặc dù nội dung bổ sung vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu và lại thực hiện sau khi đã hoãn phiên tòa lần thứ nhất, nên theo quy định của Luật tố tụng hành chính thì nội dung bổ sung này không được chấp nhận. Tuy nhiên, ông A bổ sung nội dung khởi kiện là đề nghị xem xét hủy Quyết định số 1223/QĐ-UBND ngày 24/3/2014 của Chủ tịch UBND huyện B và quyết định số 1159/QĐ-UBND ngày 29/6/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên là những quyết định hành chính có liên quan với Quyết định 4211, nêp cấp sơ thẩm vẫn xem xét tính hợp pháp của hai quyết định nêu trên là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
[2] Xác định tư cách người tham gia tố tụng trong vụ án:
Tòa cấp sơ thẩm xác định tư cách người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đúng quy định của pháp luật. Quá trình giải quyết vụ án ông A bổ sung yêu cầu khởi kiện là xem xét thêm Quyết định số 1223/QĐ-UBND ngày 24/3/2014 của Chủ tịch UBND huyện B và Quyết định số 1159/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, nhưng cấp sơ thẩm không đưa Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu sót. Tuy nhiên, việc ông A bổ sung yêu cầu khởi kiện sau khi Tòa án cấp sơ thẩm hoãn phiên tòa lần thứ nhất, lẽ ra trong trường hợp này không được chấp nhận để xem xét giải quyết, vì vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu, nhưng vì đây là các quyết định hành chính có liên quan, nên Tòa án vẫn xem xét. Tại cấp phúc thẩm, Tòa án đã có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên có quan điểm về việc giải quyết vụ án, cũng như xem xét đến Quyết định 1159, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản phúc đáp khẳng định việc ban hành Quyết định 1159 là đúng quy định của pháp luật, đồng thời đề nghị được vắng mặt tại cấp phúc thẩm. Quá trình xem xét giải quyết vụ án cũng như tại cấp phúc thẩm thấy việc giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên là có căn cứ, đúng pháp luật nên không chấp nhận yêu cầu hủy Quyết định số 1159/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên. Do đó, mặc dù cấp sơ thẩm không đưa những người này vào tham gia tố tụng, nhưng cấp phúc thẩm đã khắc phục. Hơn nữa, việc này cũng không ảnh hưởng lớn đến quá trình giải quyết vụ án, vẫn đảm bảo được quyền lợi ích của đương sự, đã được cấp phúc thẩm khắc phục, nên không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm để gải quyết lại, nhưng cấp sơ thẩm cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt nhưng đã có đơn xin xét xử vắng mặt, hoặc đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai nên Tòa án quyết định xét xử vắng mặt họ là đúng quy định tại khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 158 Luật tố tụng hành chính.
* Về nội dung:
[3] Do có tranh chấp ngõ đi giữa gia đình ông Nguyễn Đình A2 và gia đình ông Nguyễn Đình A, nên Chủ tịch UBND huyện B, tỉnh Hưng Yên đã thụ lý giải quyết, quá trình giải quyết ngày 24/3/2014 Chủ tịch UBND huyện B ban hành Quyết định số 1223/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn đề nghị của ông Nguyễn Đình A2; trong đó xác định diện tích ngõ đi mà gia đình ông A2 đang đề nghị xem xét thuộc thửa đất số 170, tờ bản đồ số 25, loại đất DGT, nhưng gia đình ông Nguyễn Đình A tự ý xây dựng các công trình trên là vi phạm pháp luật đất đai, quyết định yêu cầu gia đình ông A tự tháo dỡ công trình xây dựng để trả lại lối đi chung cho tập thể; không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện B, ông Nguyễn Đình A đã có đơn khiếu nại tiếp gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu xem xét, giải quyết. Ngày 29/6/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 1159/QĐ-CTUBND, giữ nguyên Quyết định số 1223/QĐ-UBND. Sau khi có Quyết định số 1159 của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, UBND huyện B, UBND xã B1 tổ chức tuyên truyền, thuyết phục gia đình ông A thực hiện các quyết định của Chủ tịch UBND huyện B và Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, tháo dỡ công trình trên đất lấn chiếm để trả lại ngõ đi chung nhưng gia đình ông A vẫn không chấp hành, thực hiện các quyết định trên. Do đó, ngày 16/10/2018 Chủ tịch UBND huyện B, tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 4211/QĐ-UBND để cưỡng chế thi hành quyết định hành chính. Như vậy, xét về trình tự, thẩm quyền ban hành Quyết định số 4211 của Chủ tịch UBND huyện B là đúng quy định, đúng trình tự, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
[4] Xét tính hợp pháp của các quyết định có liên quan là Quyết định số 1223 và Quyết định số 1159, thấy: Căn cứ hồ sơ quản lý đất đai qua các thời kỳ thể hiện: Hồ sơ tài liệu đo đạc theo chỉ thị 229/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ thì diện tích đất đang có khiếu nại là ngõ đi chung vào các thửa đất số 377 do gia đình ông A6 (bố ông A2) sử dụng; thửa số 374, 378 do gia đình ông A5 (bố ông A) sử dụng; thửa số 379 do gia đình cụ A4 sử dụng; thửa số 380 do gia đình ông A10 sử dụng; thửa số 281 do gia đình ông A11 sử dụng; thửa số 282 do gia đình ông A9 sử dụng. Hồ sơ đo đạc năm 2005 và số mục kê tạm thời thể hiện phần đất này là ngõ đi chung vào các thửa: Thửa số 156 (Nguyễn Đình A5); thửa số 165 (Nguyễn Thị A12); thửa số 169 (Nguyễn Đình A2); thửa số 164 (Nguyễn Đình A); thửa số 171 (Đặng Quang A8) đều thuộc tờ bản đồ số 25, xã B1; thửa số 02 (Trần Đình A9); thửa số 07 (Đặng Phúc A11) thuộc tờ bản đồ số 27 xã B1, huyện B.
Căn cứ hồ sơ cấp GCNQSD đất của gia đình ông A, tại biên bản xác định ranh giới, mốc giới thể hiện có phần đất giáp ngõ đi chung của các hộ, năm 2006 hộ ông Nguyễn Đình A được cấp GCNQSD đất thuộc thửa số 164, tờ bản đồ số 25, diện tích 295m2, trên sơ đồ thửa đất có thể hiện giáp ranh với ngõ đi chung (đường 8.4) nhưng gia đình ông A cũng không khiếu nại, hay có ý kiến gì; hồ sơ nộp thuế đất ở của gia đình ông A từ năm 2009 đến năm 2013 thể hiện gia đình ông A cũng chỉ nộp tiền thuế sử dụng đất đối với diện tích 295m2 đất ở. Phần đất ngõ đi chung do UBND xã quản lý nên không có hộ gia đình nào nộp thuế sử dụng đất hàng năm.
Như vậy, theo hồ sơ quản lý đất đai thì phần đất đang có khiếu kiện thuộc thửa đất số 170, tờ bản đồ số 25, loại đất DGT do UBND xã B1 quản lý; ông A cho rằng diện tích đất này thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình nhưng không cung cấp được chứng cứ để chứng minh. Do đó, Chủ tịch UBND huyện B và Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã giải quyết khiếu nại, đều xác định diện tích đất này là ngõ đi chung thuộc quyền quản lý của UBND xã B1 là có căn cứ, đúng pháp luật, nên Quyết định số 1223 của Chủ tịch UBND huyện B và Quyết định số 1159 của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên là có căn cứ.
[5] Đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do việc thực hiện quyết định cưỡng chế gây nên, Hội đồng xét xử thấy: Như đã phân tích trên thì các quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện B và Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên có căn cứ, đúng pháp luật; khi các quyết định này có hiệu lực pháp luật, gia đình ông A không tự giác thi hành buộc Chủ tịch UBND huyện B phải ban hành Quyết định số 4211 để cưỡng chế thi hành Quyết định số 1223, sau khi có quyết định cưỡng chế, UBND huyện B đã tiến hành giao cho gia đình ông A, nhưng gia đình ông A không nhận quyết định, cũng không tự giác tháo dỡ công trình xây dựng trên diện tích đất là ngõ đi chung buộc phải cưỡng chế tháo dỡ; quá trình thực hiện việc cưỡng chế thực hiện đúng quy định của pháp luật, các tài sản phải di dời Đoàn cưỡng chế đã yêu cầu gia đình ông A tự chuyển ra, di dời đi nơi khác nhưng gia đình ông A không chấp hành nên Đoàn cưỡng chế đã thống kê, lập biên bản các đồ vật chuyển về giao cho UBND xã B1 quản lý. Như vậy, việc cưỡng chế đã thực hiện đúng quy định, quá trình cưỡng chế không làm thiệt hại đến tài sản gì của gia đình ông A, nên việc ông A yêu cầu được bồi thường là không có căn cứ, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của ông A là đúng quy định của pháp luật. Đối với những tài sản là vật dụng, phương tiện kinh doanh hiện đang được bảo quản tại UBND xã B1, huyện B nên gia đình ông A có quyền liên hệ để nhận lại.
[6] Xét kháng cáo của ông A về việc yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm thẩm định, định giá tài sản và giám định chữ ký, chữ viết của ông tại hồ sơ cấp GCNQSD đất, thấy: Quá trình giải quyết vụ án, theo yêu cầu của ông A ngày 05/12/2019 Tòa án đã tiến hành xem xét, thẩm định theo yêu cầu của ông A, quá trình thẩm định đã lập biên bản, vẽ sơ đồ hiện trường. Đối với việc định giá tài sản qua thẩm định thì căn nhà cấp 4 đã bị tháo dỡ không còn nên việc định giá không thể thực hiện được, hơn nữa đây là nhà xây dựng không phép, trên đất lấn chiếm nên không được bồi thường nên việc định giá căn nhà là không cần thiết; đối với những tài sản vật dụng khác như đã phân tích trên không bị thiệt hại, hiện đang được bảo quản tại UBND xã B1, nên gia đình ông A có quyền liên hệ để nhận lại. Đối với yêu cầu giám định chữ ký tại biên bản xác định mốc giới trong hồ sơ cấp GCNQSD đất là không cần thiết. Bởi vì, đây là tài liệu phục vụ cho việc cấp GCNQSD đất, Tòa án đang giải quyết vụ án theo yêu cầu của người khởi kiện là đề nghị hủy quyết định cưỡng chế, nên việc giám định biên bản này không ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án; hơn nữa, người khởi kiện yêu cầu giám định nhưng không cung cấp được bản gốc biên bản xác định mốc giới để làm căn cứ giám định, nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu này của người khởi kiện.
Tổng hợp các phân tích trên thấy rằng: Quá trình giải quyết vụ án cấp sơ thẩm tuy có sai sót trong việc xác định người tham gia tố tụng, nhưng đã giải quyết vụ án đúng trình tự, quy định của pháp luật; đảm bảo được quyền lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, vi phạm của cấp sơ thẩm đã được cấp phúc thẩm khắc phục; ông A kháng cáo nhưng không cung cấp thêm được tình tiết gì mới để chứng minh cho yêu cầu của mình, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của người khởi kiện; đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên Bản án sơ thẩm là có căn cứ.
[7] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nên người kháng cáo phải nộp án phí hành chính phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 241, Luật tố tụng hành chính.
1. Bác kháng cáo của ông Nguyễn Đình A; giữ nguyên quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 04/2020/HC-ST ngày 19/11/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên.
2. Về án phí: ông Nguyễn Đình A phải chịu 300.000đ án phí hành chính phúc thẩm, nhưng được khấu trừ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai số 0000338 ngày 17/12/2020 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên, xác nhận ông A đã nộp đủ án phí phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về khiếu kiện quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND số 29/2022/HC-PT
Số hiệu: | 29/2022/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 14/02/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về