Bản án về khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 991/2022/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 991/2022/HC-PT NGÀY 28/12/2022 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ VÀ QUYẾT ĐỊNH CƯỠNG CHẾ BUỘC THỰC HIỆN BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Ngày 28 tháng 12 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 444/2022/TLPT-HC ngày 04 tháng 8 năm 2022 về việc “Khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả”. Do Bản án hành chính sơ thẩm số 55/2022/HC-ST ngày 13 tháng 5 năm 2022 của Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 2161/2022/QĐ-PT ngày 26 tháng 10 năm 2022, giữa các đương sự:

1. Người khởi kiện: Ông Lê Văn H, sinh năm 1962 (vắng mặt) Địa chỉ: Ấp Hòa An, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Người đại diện theo ủy quyền của ông Lê Văn H gồm:

1. Ông Huỳnh Nhật Q, sinh năm 1995 (có mặt) Địa chỉ: Ấp Hiệp Phước, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

2. Bà Lâm Thị Cẩm Đ, sinh năm 1988 (vắng mặt) Địa chỉ: Ấp Hòa An, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

2. Người bị kiện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang Người đại diện theo ủy quyền: Ông Võ T, chức vụ: Phó Chủ tịch (có mặt).

Địa chỉ: Khu phố Nội Ô, thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

4. Người kháng cáo: Người khởi kiện ông Lê Văn H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, người khởi kiện và người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện trình bày:

Phần đất Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng múc kênh Ba Bé vị trí giáp ranh ấp Hòa An và ấp Hòa Kháng, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, có nguồn gốc là đất của gia đình ông H sử dụng trước năm 1980. Khoảng tháng 10/2016 ông H phát hiện chính quyền địa phương tiến hành cho xáng cạp múc một con kênh đi qua phần đất nên ông H có phản đối, ý kiến của ông H không được giải quyết, con kênh được múc hoàn thành. Sau đó ông H thuê người ban lấp, lấy lại hiện trạng như cũ để sử dụng.

Ngày 13/12/2017, ông H bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hành vi: Tự ý lấp công trình thủy lợi cấp II (kênh Ba Bé). Ông H khiếu nại thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng đã ban hành quyết định hủy bỏ.

Ngày 12/3/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng lại ban hành Quyết định số 1153/QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông H với lý do ông H đã có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Và xác định hậu quả do hành vi vi phạm gây ra là: Gây khó khăn cho việc bơm tát sản xuất của hai hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn. Từ đó áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc ông H phải khôi phục lại tình trạng ban đầu (múc lại kênh). Bản thân ông H nhận thấy nội dung của quyết định nói trên là không phù hợp nên không tự nguyện thi hành.

Ngày 11/8/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng tiếp tục ban hành Quyết định số 3908/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Sau đó các cơ quan chuyên môn được giao đã tự thực hiện việc khắc phục hậu quả (tự múc lại kênh).

Ngày 20/4/2021, Đoàn Cưỡng chế thuộc Ủy ban nhân dân huyện ban hành Thông báo số 08/TB-ĐCC về việc hoàn trả chi phí thực hiện cưỡng chế. Buộc ông H phải hoàn trả tổng số tiền 37.336.270 đồng.

Các quyết định bị kiện có những nội dung không phù hợp, cụ thể như sau:

+ Phần đất mà chính quyền tiến hành múc kênh thủy lợi thuộc thửa đất của gia đình ông H, lẽ ra khi thực hiện chủ trương múc kênh thì Nhà nước phải thực hiện thủ tục thu hồi đất, bồi thường cho gia đình ông H theo đúng quy định của pháp luật.

+ Theo biên bản vi phạm hành chính, hành vi vi phạm là tự ý lấp công trình thủy lợi cấp II đi ngang phần đất của ông Lê Văn H tại các thửa 38a, tờ bản đồ số 24, diện tích vi phạm ngang 4m x dài 75m = 300 m2. Nhưng khi ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì khôi phục lại tình trạng ban đầu của kênh Ba Bé (tên gọi khác là công trình thủy lợi cấp II), tổng diện tích khôi phục 392m2. Theo quy định tại Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2020 của UBND tỉnh Kiên Giang quy định phân cấp quản lý và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thì trên địa bàn tỉnh Kiên Giang nói chung và địa bàn huyện Giồng Riềng nói riêng không có tên (công trình thủy lợi cấp II và cũng không có tên kênh Ba Bé (tên gọi khác là công trình thủy lợi cấp II)), chỉ có Kênh Đòn Dông - 3 Bé với chiều dài 3,2 km và bắt nguồn từ sông Cái Bé (nhà của ông Ba Bé) và kết thúc tại kênh Đòn Dong.

+ Quyết định số 1153/QĐ-KPHQ không xác định cụ thể ông H đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính gì, mà chỉ nêu chung chung là: Có hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 5 Điều 17 của Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ.

Trong khi đó, Quyết định số 3908/QĐ-CCXP lại xác định ông H có hành vi tự ý lấp kênh thủy lợi Ba Bé (tên gọi khác là công trình thủy lợi cấp II). Điều đáng nói là Quyết định số 3908/QĐ-CCXP khi ban hành không căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính, chỉ căn cứ vào Quyết định số 1153/QĐ-KPHQ. Như vậy là chưa phù hợp.

Mặt khác, Quyết định số 3908/QĐ-CCXP còn có nội dung: Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cá nhân vi phạm có tên tại Điều này chi trả. Nội dung trên đây của Quyết định là không đúng quy định của pháp luật. Bởi như đã trình bày, việc xác định ông H có hành vi vi phạm tại Quyết định này là không phù hợp, thiếu căn cứ. Cho nên không thể buộc ông H phải chịu các chi phí như xác định của Ban Cưỡng chế.

+ Tại khoản 4 Điều 1 của Quyết định số 3908/QĐ-CCXP có nội dung gần như được sao chép từ khoản 5 Điều 1 của Quyết định số 1153/QĐ-KPHQ, vì đều có nội dung buộc người vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu. Trong trường hợp vụ việc này ông H không thống nhất với Quyết định số 1153/QĐ-KPHQ (không tự khắc phục) nên việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ban hành quyết định cưỡng chế nhưng lại tự thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (tự múc lại kênh) là không cần thiết. Hơn nữa Quyết định số 3908/QĐ-CCXP không nêu cụ thể điều kiện để Đoàn cưỡng chế tự cưỡng chế việc khắc phục hậu quả là chưa rõ ràng, không có giá trị để thi hành. Vì nội dung chính của Quyết định số 3908/QĐ-CCXP vẫn là buộc ông H phải tự khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Vì vậy cần thiết phải hủy bỏ các quyết định bị kiện.

Ông Lê Văn H yêu cầu Tòa án giải quyết: Hủy Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả số 1153/QĐ-KPHQ ngày 12/3/2020 và Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 3908/QĐ-CCXP ngày 11/8/2020 của Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng.

Văn bản số 1023/UBND-NN&PTNT ngày 14/12/2021 và trong quá trình giải quyết vụ án, người bị kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng và người đại diện theo ủy quyền ông Nguyễn Thái Đ1 trình bày:

Về nguồn gốc kênh thủy lợi (kênh Ba Bé) được hình thành vào năm 1980, do nhu cầu nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp và vận chuyển lúa trong tập đoàn 5 và tập đoàn 6. Kích thước con kênh: Bề mặt rộng 4m, hai bên bờ mỗi bên rộng 2m đến 3m. Đến năm 1987 do kênh bị bồi lắng và chưa thông thương nên ông Bùi Thanh L (nguyên Bí thư xã Hòa Thuận) chỉ đạo nạo vét và đào thêm nối dài con kênh từ giáp kênh Đòn Dông cho đến giáp ranh làng xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao. Con kênh thủy lợi trên gọi là kênh Ba Bé (kênh thủy lợi cấp II) và người dân sử dụng đến nay gần 30 năm nên có đoạn bị lắng cạn. Năm 2015 do nhu cầu của nhân dân trong hợp tác xã Tân Thuận Phát và hợp tác xã Hòa Tiến (hai hợp tác xã có 121 hộ với diện tích khoảng 247 ha) kiến nghị chính quyền cho nạo vét lại con kênh Ba Bé có chiều dài 1.040m để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng bờ bao bơm tác tập thể. UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm chủ đầu tư, tiến hành cho nạo vét kênh Ba Bé hoàn thành cuối tháng 10 năm 2016. Trước khi tiến hành nạo vét kênh, UBND xã Hòa Thuận có chỉ đạo cán bộ tổ chức họp dân thống nhất chủ trương trước khi thực hiện.

Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Năm 1993, tỉnh Kiên Giang thuê Đoàn đo đạc tỉnh Vĩnh Long xuống địa bàn các huyện trong đó có huyện Giồng Riềng đo đạc lập bản đồ địa chính, lúc này kênh Ba Bé đã có từ trước nên được thể hiện trong bản đồ địa chính. Đến năm 1995 UBND huyện Giồng Riềng tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì diện tích các thửa đất (liền kề với kênh Ba Bé) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không bao gồm diện tích lòng kênh và hai bên bờ kênh Ba Bé và được thể hiện cụ thể trong bản đồ giải thửa. Qua kiểm tra diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Phan Thị C có các thửa đất giáp kênh Ba Bé gồm thửa 38, 45, 46 với tổng diện tích là 18.830m2; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Lê Văn H có thửa 47 giáp kênh có diện tích là 2.470m2. Qua đo đạc thực tế 4 thửa đất số 38, 45, 46, 47 có tổng diện tích 25.580m2, thừa 4.280m2 so với diện tích thể hiện trên giấy CNQSDĐ đã cấp cho bà C và ông H (có bản vẽ kèm theo).

Tháng 3/2017, thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân 2016-2017, ông Âu Hùng K cùng ông Lê Văn H thuê xe cuốc ban lắp đoạn kênh thủy lợi 209,4m nêu trên. Việc tự ý lấp kênh thủy lợi 3 Bé làm ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân 02 hợp tác xã, làm mất kênh dẫn nước và bờ bao hợp tác.

Ngày 15/11/2017, UBND xã Hòa Thuận lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn H về hành vi tự ý lấp công trình thủy lợi. Chủ tịch UBND huyện ra Quyết định số 6013/QĐXP ngày 13/12/2017 về xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn H. Ông H không thống nhất với quyết định xử phạt vi phạm hành chính và làm đơn khiếu nại đến UBND huyện giải quyết theo thẩm quyền.

Ngày 12/3/2018, Chủ tịch UBND huyện ra Quyết định giải quyết khiếu nại số 515/QĐ-UBND đối với ông Lê Văn H với nội dung khẳng định việc UBND huyện ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông H là đúng quy định của pháp luật. Ông H không thống nhất với Quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện và tiếp tục khởi kiện đến Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang. Qua kiểm tra hồ sơ trong quá trình ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông H do sai sót trong khâu lập biên bản vi phạm hành chính chưa kịp thời, từ đó UBND huyện ban hành Quyết định số 6197/QĐ-XPVPHC ngày 05/12/2018 về việc hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông H, đến ngày 12/3/2020 UBND huyện ban hành Quyết định số 1153/QĐ-KPHQ về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông H.

UBND huyện cùng các ngành chức năng huyện và xã Hoà Thuận nhiều lần vận động ông H khắc phục hậu quả trả lại hiện trạng kênh Ba Bé nhưng ông H vẫn kiên quyết không thực hiện việc khắc phục hậu quả.

Ngày 11/8/2020 Chủ tịch UBND huyện ra Quyết định số 3908/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Lê Văn H. Ngày 25/9/2020 Chủ tịch UBND huyện ra Quyết định số 4295/QĐ-UBND về việc gia hạn Quyết định số 3908/QĐ-CCXP của Chủ tịch UBND huyện về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Âu Hùng K (có thông báo gia hạn tại địa phương).

Ngày 29/3/2021 Đoàn cưỡng chế có ban hành Thông báo số 05/TB-ĐCC, ngày 29/3/2021 của Đoàn cưỡng chế về việc cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều. Thông báo đến ông H được biết và có niêm yết theo quy định.

Ngày 14/4/2021 Đoàn cưỡng chế của huyện công bố các quyết định cưỡng chế đồng thời tiến hành nạo vét khôi phục hiện trạng kênh Ba Bé (kênh thủy lợi cấp II), vị trí tọa lạc tại ấp Hòa An và ấp Hòa Kháng, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng. Việc nạo vét không ảnh hưỡng đến việc sử dụng đất của ông Kiệt và ông H, cũng như các hộ xung quanh. Việc cưỡng chế nạo vét khôi phục lại hiện trạng kênh Ba Bé thực hiện xong, Đoàn cưỡng chế bàn giao lại phần đất kênh Ba Bé cho UBND xã Hòa Thuận và 02 hợp tác xã, HTX Hòa Tiến của ấp Hòa An và HTX Tân Thuận Tiến của ấp Hòa Kháng, xã Hòa Thuận quản lý theo quy định.

Ngoài ra, trên bản đồ giải thửa số 24, ngày 10/02/1995 thể hiện phần đất cưỡng chế của ông H nằm trong phạm vi 3,2km có điểm đầu Sông Cái Bé và điểm cuối giáp với huyện Gò Quao theo Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 20/11/2020 của UBND tỉnh Kiên Giang quy định về phân cấp quản lý và bảo vệ công trình thủy lợi chung và địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Ông Nguyễn Thái Đ1 khẳng định việc Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng thực hiện quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Lê Văn H là đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Tòa án không chấp nhận đơn khởi kiện của ông Lê Văn H.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 55/2022/HC-ST ngày 13 tháng 5 năm 2022 của Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tuyên xử:

- Căn cứ các Điều 30, 32, 116, 158, 164, 193, 194 của Luật Tố tụng hành chính.

- Căn cứ các Điều 38, 65, 86, 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Căn cứ Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Căn cứ Điều 32 của Nghị Quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của Tòa án.

1. Xử bác yêu cầu khởi kiện của Lê Văn H về việc yêu cầu hủy Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả số 1153/QĐ-KPHQ ngày 12/3/2020, Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 3908/QĐ-CCXP ngày 11/8/2020 và Quyết định số 4295/QĐ-UBND ngày 13/9/2020 về việc gia hạn Quyết định số 3908/QĐ-CCXP ngày 11/8/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 16/5/2022 người khởi kiện ông Lê Văn H có đơn kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ các Quyết định của UBND huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện ông Lê Văn H ủy quyền cho ông Huỳnh Nhật Q vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng yêu cầu cấp phúc thẩm hủy các Quyết định của UBND huyện Giồng Riềng. Ông Quang cho rằng nguồn gốc đất của ông H là do ông H khai phá. Khi tập đoàn giải thể, đất ai trả về cho người đó thì ông H đã quản lý sử dụng lại phần đất kênh cho đến nay. Ông H đủ điều kiện được hưởng quyền lợi theo quy định của pháp luật. Khi cải tạo thì Ủy ban cũng không ra văn bản thông báo cho ông H. Phần diện tích đất mà ông H được cấp giấy chứng nhận không bao gồm con kênh là không chính xác. Khi ông H phục hồi hiện trạng, UBND huyện Giồng Riềng ra văn bản khắc phục, ông H khó khăn không có khả năng để thực hiện. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng là ông Võ T trình bày: Con kênh đã tồn tại từ lâu, từ năm 1980 đến nay đã hơn 40 năm. Trước đây thì phục vụ tập đoàn nhưng sau này tập đoàn giải thể thì là kênh công cộng phục vụ 121 hộ dân trong khu vực nên không đồng ý hủy các Quyết định của UBND huyện Giồng Riềng, các Quyết định này ban hành là đúng quy định, trình tự thủ tục. Đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu kháng cáo của ông H, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu: Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng đã tiến hành đúng quy định của pháp luật tố tụng hành chính. Đơn kháng cáo trong hạn luật định và hợp lệ nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm. Về nội dung vụ án: Vị kiểm sát viên cũng phân tích toàn bộ các chứng cứ có thể hiện trong hồ sơ vụ án và xét yêu cầu kháng cáo của người khởi kiện ông Lê Văn H là không có cơ sở để chấp nhận, kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính, xử bác yêu cầu kháng cáo của ông Lê Văn H. Giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, các quy định pháp luật, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng:

- Đơn kháng cáo của người khởi kiện ông Lê Văn H trong hạn luật định nên đủ điều kiện để xem xét, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

- Về sự vắng mặt của đương sự: Người khởi kiện, người bị kiện vắng mặt nhưng có người đại diện theo ủy quyền có mặt tại phiên tòa. Căn cứ Điều 158 của Luật tố tụng hành chính, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt người khởi kiện, người bị kiện.

[2] Xét kháng cáo người khởi kiện ông Lê Văn H:

Người khởi kiện ông Lê Văn H cho rằng các Quyết định hành chính về cưỡng chế đã xâm phạm đến quyền lợi của mình, nên có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết hủy các quyết định lý do: Đất bị cưỡng chế múc kênh có nguồn gốc của gia đình sử dụng ổn định từ trước năm 1980, đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng, đến tháng 6/2016 chính quyền đưa phương tiện đào múc kênh trên đất này không bồi thường, ông có khiếu nại không được giải quyết, nên đã san lấp lại hiện trạng ban đầu thì bị xử phạt vi phạm hành chính.

Ông Lê Văn H có hành vi lấp kênh thủy lợi (người dân địa phương gọi kênh Ba Bé) đã bị lập biên bản vi phạm hành chính, nên Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này tại Quyết định số 6013/QĐ-XPVPHC ngày 13/12/2017. Không đồng ý ông H có đơn khiếu nại và được Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng giải quyết khiếu nại tại Quyết định số 315/QĐ-UBND ngày 12/3/2018 bác khiếu nại của ông H, nên ông H khởi kiện đến Tòa án tỉnh Kiên Giang yêu cầu giải quyết.

Qua kiểm tra lại trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với ông H, Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng thấy có sai sót trong việc lập biên bản vi phạm hành chính chưa kịp thời, nên đã ban hành Quyết định số 6197/QĐ-XPVPHC ngày 05/12/2017 hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, theo đó ông H rút đơn khởi kiện.

Để đảm bảo cho việc quản lý Nhà nước, Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng ban hành Quyết định số 1153/QĐ-KPHQ, Quyết định số 3908/QĐ-CCXP và Quyết định số 4295/QĐ-UBND nhưng ông H không tự nguyện thực hiện, nên đến ngày 14/4/2021 bị cưỡng chế và đã thực hiện xong.

Người bị kiện cho rằng ông H có hành vi san lấp kênh thủy lợi (kênh Ba Bé) nên mới bị cưỡng chế buộc khôi phục lại hiện trạng. Đoạn kênh ông H san lấp nó đã hình thành từ năm 1980 để phục vụ sản xuất nông nghiệp và vận chuyển lúa trong tập đoàn 5 và tập đoàn 6, quá trình sử dụng do bị bồi lắng. Năm 2015 do nhu cầu của nhân dân trong khu vực nên đã tiến hành cho nạo vét và hoàn thành cuối tháng 10 năm 2016, kênh này được thể hiện trên bản đồ địa chính. Thửa đất của ông H liền kề với kênh này được UBND huyện Giồng Riềng cấp giấy CNQSD đất năm 1995 không bao gồm diện tích lòng kênh và hai bên bờ kênh và được thể hiện cụ thể trong bản đồ giải thửa. Kiểm tra diện tích đất thực tế của ông H nhiều hơn so với trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp.

Như vậy cho thấy, đoạn kênh mà ông H có hành vi san lấp và bị lập biên bản vi phạm hành chính thuộc hệ thống kênh thủy lợi (người dân địa phương gọi kênh Ba Bé) đã có từ những năm 1980 với mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhiều hộ dân có đất trong khu vực này, kênh này được thể hiện trên bản đồ địa chính, không nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông H, quá trình sử dụng do bị bồi lắng nên mới cải tạo theo yêu cầu của người dân đã được tổ chức họp lấy ý kiến, về nguồn gốc hình thành kênh đã được Tòa án xác minh, đo đạc, xem xét thẩm định tại chổ thể hiện rõ kênh có điểm đầu bắt nguồn từ sông Cái Bé huyện Giồng Riềng kết nối với kênh ranh của huyện Gò Quao, có điểm đầu từ sông Cái Bé đến điểm đầu nơi vi phạm hành chính là 1.950 m, nên việc ông H cho rằng việc múc kênh trên phần đất của gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xâm hại đến quyền lợi của ông H là không có cơ sở.

Về trình tự, thủ tục thực hiện các Quyết định buộc thực hiện khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế và gia hạn cưỡng chế người bị kiện đã thực hiện đầy đủ các thủ tục như thông báo về việc cưỡng chế, trước đó tổ chức đối thoại, gặp gỡ vận động, thuyết phục nhưng ông H đều vắng mặt, không tự nguyện khắc phục, nên bị cưỡng chế thi hành và đã thực hiện xong là đúng với quy định tại các Điều 33, 34, 35 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm xử bác yêu cầu khởi kiện của ông H là có căn cứ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện ông Lê Văn H có kháng cáo nhưng không có cung cấp hay bổ sung thêm tình tiết chứng cứ nào mới so với các tình tiết đã được cấp sơ thẩm xem xét để làm cơ sở cho yêu cầu kháng cáo.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét đơn kháng cáo của người khởi kiện ông Lê Văn H là không có cơ sở để chấp nhận. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận. Giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang.

[3] Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[4] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên người khởi kiện ông Lê Văn H phải chịu án phí hành chính phúc thẩm. Tuy nhiên ông H sinh năm 1962 là người cao tuổi nên được miễn nộp án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 241 của Luật tố tụng Hành chính năm 2015; Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

- Không chấp nhận kháng cáo của người khởi kiện ông Lê Văn H. Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 55/2022/HC-ST ngày 13 tháng 5 năm 2022 của Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang.

Tuyên xử:

1. Bác yêu cầu khởi kiện của Lê Văn H về việc yêu cầu hủy Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả số 1153/QĐ-KPHQ ngày 12/3/2020, Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 3908/QĐ-CCXP ngày 11/8/2020 và Quyết định số 4295/QĐ-UBND ngày 13/9/2020 về việc gia hạn Quyết định số 3908/QĐ-CCXP ngày 11/8/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

2. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

3. Án phí hành chính phúc thẩm: Ông Lê Văn H được miễn nộp án phí. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

254
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 991/2022/HC-PT

Số hiệu:991/2022/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 28/12/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về