Bản án về khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả số 537/2022/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ H

BẢN ÁN 537/2022/HC-PT NGÀY 31/08/2022 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Ngày 31 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố H xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 13/2022/TLPT-HC ngày 07 tháng 7 năm 2022 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính”.Do Bản án hành chính số 01/2022/HC-ST ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Tòa án nhân dân Quận M bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 4216/2022/QĐ-PT ngày 02 tháng 8 năm 2022 giữa các đương sự:

1. Người khởi kiện: Công ty TNHH B Địa chỉ trụ sở chính: Số B, ngõ H, đường H, phường H, quận H, Thành phố H.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị Thu H.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Thế T, sinh năm 1983.

Địa chỉ: Chi nhánh Công ty TNHH B, 781/A21 L, Phường M, Quận M, Thành phố H.

2. Người bị kiện: Chi cục thuế Quận M, Thành phố H Địa chỉ trụ sở: 3/1 T, Phường M, Quận M, Thành phố H.

Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Thanh H – Chi cục trưởng, là người đại diện theo pháp luật (có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Chi cục thuế Quận M: Ông Nguyễn Quang D - sinh năm: 1975.

3. Người kháng cáo: Công ty TNHH B - người khởi kiện.

4. Người kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân Quận M và Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nội dung vụ án, bản án sơ thẩm:

* Tại đơn khởi kiện ngày 05/11/2021 và quá trình giải quyết vụ án, đại diện người khởi kiện - ông Nguyễn Thế T trình bày:

Chi nhánh Công ty TNHH B (địa chỉ: 781/A21 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận M, Thành phố H) là đơn vị trực thuộc Công ty TNHH B , được thành lập ngày 20/04/2011, hoạt động kinh doanh theo ủy quyền của Công ty TNHH B và theo chế độ hạch toán kế toán phụ thuộc.

Ngày 03/11/2015, Chi nhánh Công ty TNHH B đã gửi công văn đến Chi cục thuế Quận M, Thành phố H về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh. Qua 06 năm, Doanh nghiệp đã có nhiều công văn, biên bản làm việc... Gần nhất là ngày 23/4/2021, Chi nhánh Công ty TNHH B gửi Công văn số 01/CT-CNBVN trả lời Quyết định số 112/QĐ-CCT-KT ngày 06/04/2021 của Chi cục thuế Quận M v/v kiểm tra giải thể doanh nghiệp (sẽ kiểm tra từ tháng 05/2011 đến quý 04/2015).

Tại công văn, Chi nhánh Công ty TNHH B đã trình bày: Thuế suất thuế GTGT đối với mặt hàng túi đặt ngực, chất làm đầy da thuộc đối tượng không chịu thuế.

Ngày 10/05/2021, Đoàn kiểm tra của Chi cục thuế Quận M tiến hành lập biên bản kiểm tra thuế Chi nhánh Công ty TNHH B . Biên bản kiểm tra có một số điểm như sau:

- Năm 2013: Chi nhánh Công ty TNHH B kê khai doanh thu không chịu thuế GTGT là 5.799.190.000 đồng (vì mặt hàng túi đặt ngực, chất làm đầy da thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT), nhưng đoàn kiểm tra cho rằng: trong đó có đến 5.214.780.000 đồng phải áp dụng mức thuế suất 5%, dẫn đến thuế GTGT chênh lệch và còn thiếu là 260.739.000 đồng.

Đoàn kiểm tra căn cứ vào:

+ Công văn 1989/BTC-TCT ngày 06/02/2013 của Bộ Tài chính về việc thuế GTGT đối với túi đặt ngực và chất làm đầy da áp dụng mức thuế suất 5% thuế GTGT;

+ Công văn 3987/ CT-TTHT ngày 04/05/2016 của Cục thuế Thành phố H về thuế suất thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, các công văn nêu trên đều không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 14/05/2021, Chi cục thuế Quận M ra Quyết định số 555/QĐ-CCT về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Chi nhánh Công ty TNHH B với lý do: “Đã có hành vi vi phạm hành chính: Kê khai áp dụng sai mức thuế suất thuế GTGT đầu ra đối với mặt hàng túi đặt ngực và chất làm đầy da theo quy định tại điểm 1 Khoản 2 Điều 8 Luật Thuế GTGT: điểm 2.11 Mục II Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính; Khoản 11 Điều 10 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính”.

Theo nội dung Quyết định số 555/QĐ-CCT, Chi cục thuế Quận M buộc Chi nhánh Công ty TNHH B phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:

a) Số tiền thuế truy thu: Thuế GTGT (tiểu mục 1701): 260.739.000 đồng, số còn nộp bổ sung: 260.739.000 đồng.

b) Tiền chậm nộp tiền thuế: Tiền chậm nộp tiền thuế (tiểu mục 4931):

26.213.466 đồng tính đến ngày 14/5/2021.

Quyết định số 555/QĐ-CCT ngày 14/05/2021 của Chi cục thuế Quận M về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Chi nhánh công ty TNHH B là trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của Doanh nghiệp, cụ thể, bao gồm và không giới hạn các căn cứ pháp luật sau:

- Căn cứ Thông tư số 131/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 đến hết ngày 10/08/2014) quy định tại ví dụ 2, mục 3.1 Khoản 3 như sau: “... Riêng” thuộc nhóm 9021 áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 5%, các mặt hàng còn lại thuộc nhóm này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT”.

Ngày 24/5/2012, Bộ Tài chính cũng đã có Công văn số 6979/BTC-TCHQ V/v phân loại mặt hàng chất làm đầy da (restylane), trong đó Bộ Tài chính có ý kiến: “Nhất trí với đề nghị của Bộ Y tế, là Cơ quan quản lý chuyên ngành đối với mặt hàng chất làm đầy da (restylane), tại Công văn số 1405/BYT-TB-CT ngày 16/03/2012, để thống nhất về chính sách thuế, tạo sự ổn định cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực trang thiết bị y tế, áp dụng mã số và mức thuế suất của nhóm 90.21 cho mặt hàng chất làm đầy da (restylane), cho tới khi Bộ Tài chính có Thông tư mới hướng dẫn sửa đổi, bổ sung.” Do đó, căn cứ vào phân loại nhóm mặt hàng dựa trên Công văn số 6979/BTC-TCHQ và Bảng biểu thuế giá trị gia tăng theo danh mục hàng hóa của biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 131/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính thì “các bộ phận nhân tạo khác của cơ thể người thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT”.

- Căn cứ Khoản 24, Điều 4, Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính (có hiệu lực ngày 01/03/2012, hết hiệu lực từ ngày 01/01/2014) hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT có giải thích: “Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh, bao gồm cả sản phẩm là bộ phận cấy ghép lâu dài trong cơ thể người; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác dùng cho người tàn tật.” là đối tượng không chịu thuế GTGT.

Bên cạnh đó, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành theo Thông tư số 193/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính thì nhóm 9021 vẫn luôn được quy định thống nhất là: “Dụng cụ chỉnh hình...; các bộ phận nhân tạo của cơ thể người; máy trợ thính và dụng cụ khác được lắp hoặc mang theo hoặc cấy vào cơ thể để bù đắp khuyết tật hay sự suy giảm của một bộ phận cơ thể”.

Mặt khác, ngày 19/11/2012, tại Công văn số 7847/BYT/KHTC ngày 19/11/2012, Bộ Y tế có ý kiến: “Mặt hàng chất làm đầy da cũng như các mặt hàng túi đặt ngực, kem hỗ trợ, bảo vệ da, gel làm giảm sẹo là vật liệu cấy ghép lâu dài trong cơ thể, theo phân loại các nước trong khu vực và thế giới được gọi là trang thiết bị y tế”.

- Khoản 24 Điều 4, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 vẫn quy định cụ thể, rõ ràng: “Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh, bao gồm cả sản phẩm là bộ phận cấy ghép lâu dài trong cơ thể người, nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác dùng cho người tàn tật”.

- Tại Khoản 11 Điều 10, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 mới có dòng chữ quy định thêm “túi đặt ngực và chất làm đầy da” thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT là 5%: “11. Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế ...bao tay, bao chi dưới, bao giày, khăn, găng tay chuyên dùng cho y tế, túi đặt ngực và chất làm đầy da (không bao gồm mỹ phẩm).” Trước đó, Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính (có hiệu lực ngày 01/03/2012, hết hiệu lực từ ngày 01/01/2014) không có liệt kê “túi đặt ngực, chất làm đầy da” nằm trong các mặt hàng phải chịu thuế suất thuế GTGT 5%: “11. Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế...bao tay, bao chi dưới, bao giấy, khăn, găng tay chuyên dùng cho y tế.” Dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật trên, hoàn toàn có căn cứ cho rằng, trong năm 2013, Chi nhánh Công ty TNHH B kê khai thuế suất thuế GTGT đối với mặt hàng túi đặt ngực, chất làm đầy da thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là đúng với quy định của pháp luật và doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định 555/QĐ-CCT ngày 14/5/2021.

Do đó, Công ty TNHH B khởi kiện yêu cầu:

- Hủy bỏ Quyết định số 555/QĐ-CCT ngày 14/5/2021 của Chi cục thuế Quận M về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với Chi nhánh Công ty TNHH B ;

- Yêu cầu Chi cục thuế Quận M, Thành phố H đóng mã số thuế của Chi nhánh Công ty TNHH B .

* Tại Công văn số 1896/CCTQ10-KT3 ngày 09/12/2021, Công văn số 1953/CCTQ10-KT3 ngày 16/12/2021 của Chi cục thuế Quận M và quá trình giải quyết vụ án, đại diện người bị kiện - ông Nguyễn Thanh Hải; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện - ông Nguyễn Quang Dũng trình bày:

Qua kiểm tra thuế Chi nhánh Công ty TNHH B và căn cứ các quy định pháp luật về thuế GTGT, các văn bản hướng dẫn và trả lời, Chi cục thuế Quận M áp dụng thuế suất thuế GTGT là 5% đối với mặt hàng túi đặt ngực và chất làm đầy da từ ngày 06/02/2013 đến 31/12/2013, buộc Chi nhánh Công ty TNHH B phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nộp số tiền truy thu thuế GTGT là:

260.739.000 đồng, cụ thể như sau:

Theo quy định tại điểm 1 Khoản 2 Điều 8 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội; điểm 2.11 Mục II Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính; Khoản 11 Điều 10 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính.

Các văn bản hướng dẫn:

- Công văn số 1989/BTC-TCT ngày 06/02/2013 của Bộ Tài chính về việc Thuế GTGT đối với túi đặt ngực và chất làm đầy da áp dụng mức thuế suất 5%.

- Công văn số 3987/CT-TTHT ngày 04/5/2016 của Cục thuế Thành phố H về việc thuế suất thuế GTGT.

- Công văn số 3250/TCT-CS ngày 20/7/2016 của Tổng cục thuế về việc thuế GTGT.

- Công văn số 1224/BTC-CST ngày 24/01/2017 của Bộ Tài chính về việc chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng túi đặt ngực, chất làm đầy da.

Căn cứ các quy định và văn bản hướng dẫn nêu trên, thì mặt hàng túi đặt ngực và chất làm đầy da là trang thiết bị y tế, thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất là 5% từ ngày 06/02/2013.

Ngày 06/4/2021 Chi cục Thuế Quận M ban hành Quyết định số 112/QĐKT- CCT-KT về việc kiểm tra chấp hành luật thuế tại Chi nhánh Công ty TNHH B .

Ngày 10/5/2021, Đoàn kiểm tra cùng với đại diện Chi nhánh Công ty TNHH B ký Biên bản kiểm tra thuế.

Ngày 14/5/2021, Chi cục thuế Quận M ban hành Quyết định số 555/QĐCCT về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Về trình tự, thủ tục kiểm tra thuế và ban hành quyết định là đúng quy định. Do đó Chi cục thuế Quận M không chấp nhận thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 555/QĐ-CCT theo yêu cầu của Công ty TNHH B .

Chính vì Chi nhánh Công ty TNHH B chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế nên Chi cục thuế Quận M chưa thể đóng mã số thuế của Chi nhánh Công ty theo quy định.

Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2022/HC-ST ngày 05/5/2022 của Tòa án nhân dân Quận M đã quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH B về việc hủy bỏ Quyết định số 555/QĐ-CCT ngày 14/5/2021 của Chi cục thuế Quận M và yêu cầu Chi cục thuế Quận M đóng mã số thuế của Chi nhánh Công ty TNHH B .

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo.

* Tại Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 300/QĐ-VKS-HC ngày 18/5/2022 và Quyết định số 301-a/QĐ-VKS-HC ngày 20/5/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Quận M có nội dung:

Theo đơn khởi kiện của Công ty TNHH B yêu cầu hủy Quyết định số 555/QĐ-CCT ngày 14/5/2021 về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế của Chi cục trưởng Chi cục thuế Quận M và yêu cầu Chi cục thuế Quận M đóng mã số thuế của Chi nhánh Công ty TNHH B . Bản án sơ thẩm không xác định tư cách người bị kiện đối với Chi cục trưởng Chi cục thuế Quận M tham gia tố tụng là vi phạm Khoản 9 Điều 3, Điều 53, Điều 57 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

Do đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Quận M quyết định: Kháng nghị toàn bộ Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2022/HC-ST ngày 05/5/2022 của Tòa án nhân dân Quận M; đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố H xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm.

* Tại Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 2276/QĐ-VKS-HC ngày 30/5/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H có nội dung: Theo yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH B thì đối tượng khởi kiện trong vụ án là quyết định hành chính của Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M và hành vi hành chính của Chi cục Thuế Quận M. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm không đưa Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M tham gia tố tụng với tư cách người bị kiện là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm xác định loại khiếu kiện là “Khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả” là chưa chính xác. Cần phải xác định loại khiếu kiện là “Khiếu kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế” Do đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H quyết định: Kháng nghị toàn bộ Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2022/HC-ST ngày 05/5/2022 của Tòa án nhân dân Quận M; đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố H xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

* Tại Đơn kháng cáo của Công ty TNHH B kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện gồm:

- Hủy bỏ Quyết định số 555/QĐ-CCT ngày 14/5/2021 của Chi cục thuế Quận M về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với Chi nhánh Công ty TNHH B ;

- Yêu cầu Chi cục thuế Quận M sớm hoàn tất thủ tục đóng mã số thuế của Chi nhánh Công ty TNHH B , để Công ty TNHH B sớm hoàn tất thủ tục giải thể chi nhánh theo quy định.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện trình bày: Vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện trình bày: Người bị kiện vẫn giữ nguyên ý kiến đã trình bày trong quá trình giải quyết vụ án.

* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H phát biểu ý kiến:

Về việc chấp hành pháp luật tố tụng trong giai đoạn phúc thẩm: Từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm mở phiên tòa, Thẩm phán, Thư ký Tòa án đã thực hiện đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính. Tại phiên tòa phúc thẩm cho đến trước khi nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tiến hành đúng trình tự thủ tục theo quy định của Luật Tố tụng hành chính; các đương sự trong vụ án đã chấp hành đúng quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của mình.

Về nội dung vụ án: Căn cứ khoản 3 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ Quyết định thay đổi (bổ sung) Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 301-a/QĐ-VKS-HC ngày 20/5/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Quận M và Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 2276/QĐ-VKS-HC ngày 30/5/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H; hủy Bản án sơ thẩm số 01/2022/HC-ST ngày 05/5/2022 của Tòa án nhân dân Quận M và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Quận M xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả việc tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính thấy:

[1] Về thủ tục tố tụng: Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của người bị kiện vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt, căn cứ khoản 4 Điều 225 của Luật Tố tụng hành chính, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt đương sự này.

[2] Về yêu cầu kháng nghị:

[2.1] Xét tính hợp lệ của quyết định kháng nghị:

Ngày 18/5/2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Quận M ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 300/QĐ-VKS-HC là phù hợp quy định tại Điều 212 và khoản 1 Điều 213 Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Ngày 20/5/2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Quận M ban hành Quyết định thay đổi (bổ sung) Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 301-a/QĐ-VKS-HC, nội dung thay đổi không vượt quá kháng nghị ban đầu là phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 218 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

Ngày 30/5/2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 2276/QĐ-VKS-HC là phù hợp quy định tại Điều 212, khoản 1 Điều 213 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

[2.2] Về nội dung quyết định kháng nghị:

Xét nội dung kháng nghị tại Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 300/QĐ- VKS-HC ngày 18/5/2022 và Quyết định thay đổi (bổ sung) Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 301-a/QĐ-VKS-HC ngày 20/5/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Quận M; Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 2276/QĐ-VKS-HC ngày 30/5/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H.

Căn cứ vào Khoản 9 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính, Điều 2 Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao xác định người bị kiện trong vụ án hành chính căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền ban hành quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính bị khiếu kiện. Công ty TNHH B khởi kiện yêu cầu:

+ Hủy Quyết định 555/QĐ-CCT ngày 14/5/2021 của Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Căn cứ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại điểm d khoản 4 Điều 14 Nghị định 129/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế chậm nộp vào ngân sách Nhà nước thuộc thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M.

+ Yêu cầu Chi cục Thuế Quận M đóng mã số thuế của Chi nhánh Công ty B. Căn cứ vào Điều 16 Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính và điểm a khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý Thuế năm 2019 thì thẩm quyền đóng mã số thuế đối với Chi nhánh Công ty B là Chi cục Thuế Quận M.

Như vậy đối tượng bị kiện là quyết định hành chính của Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M và hành vi hành chính của Chi cục Thuế Quận M. Tuy nhiên, tại bản án sơ thẩm chỉ xác định người bị kiện là Chi cục Thuế Quận M là thiếu người tham gia tố tụng với tư cách là người bị kiện - Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M, là vi phạm nghiêm trọng tố tụng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.

Bản án sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “Khiếu kiện quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả” là chưa đầy đủ. Do đó, cần xác định lại quan hệ pháp luật tranh chấp là “Khiếu kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế”.

Từ những phân tích nêu trên nhận thấy, Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Quận M đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Quận M và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H là có cơ sở.

[3] Về yêu cầu kháng cáo:

[3.1]Xét tính hợp lệ của kháng cáo:

Ngày 16/5/2022, Tòa án nhận được đơn kháng cáo của người khởi kiện Công ty TNHH B còn thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và nội dung phù hợp với Điều 205 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

[3.2] Về nội dung kháng cáo:

Công ty TNHH B kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH B .

Nhận thấy, Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2022/HC-ST của Tòa án nhân dân Quận M ngày 05/5/2022 đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như phân tích, cần thiết hủy án sơ thẩm nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét về nội dung vụ án. Nội dung kháng cáo của Công ty TNHH B sẽ được cấp sơ thẩm xem xét khi giải quyết lại vụ án.

Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy nội dung kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Quận M và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H là có căn cứ. Căn cứ khoản 3 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, cần hủy Bản án sơ thẩm số 01/2022/HC-ST ngày 05/5/2022 của Tòa án nhân dân Quận M và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Quận M xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Về án phí hành chính phúc thẩm: Công ty TNHH B không phải chịu án phí phúc thẩm.

Từ phân tích trên thấy đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H là phù hợp.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính năm 2015;

Tuyên xử:

1. Hủy Bản án sơ thẩm số 01/2022/HC-ST ngày 05/5/2022 của Tòa án nhân dân Quận M. Giao hồ sơ vụ án về cho Tòa án nhân dân Quận M để giải quyết lại theo quy định.

2. Về án phí sơ thẩm: Sẽ được xác định lại khi giải quyết sơ thẩm lại vụ án.

3. Về án phí phúc thẩm: Công ty TNHH B không phải nộp. Hoàn trả cho Công ty TNHH B 300.000 (ba trăm nghìn) đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu số AA/2021/0018645 ngày 16/5/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận M.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

372
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả số 537/2022/HC-PT

Số hiệu:537/2022/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 31/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về