Bản án về khiếu kiện hủy quyết định hành chính số 263/2022/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 263/2022/HC-PT NGÀY 06/07/2022 VỀ KHIẾU KIỆN HỦY QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH

Ngày 06 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử công khai vụ án hành chính thụ lý số 93/2022/TLPT-HC ngày 26 tháng 3 năm 2022 về việc “Khiếu kiện hủy Quyết định hành chính”, do có kháng cáo của người khởi kiện đối với Bản án hành chính sơ thẩm số 16/2021/HC-ST ngày 23 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 5599/2022/QĐ-PT ngày 20 tháng 6 năm 2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, giữa các đương sự sau:

* Người khởi kiện: Bà Nguyễn Thị Thu A, sinh năm 1994; địa chỉ: Khu 3, xã X, huyện Y, tỉnh P. Vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện: Anh Nguyễn Bá A1, sinh năm 1979; địa chỉ: Số 30, ngõ 16, phố X1, phường Y1, quận Z1, thành phố Hà Nội. Có mặt.

* Người bị kiện: Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh P. Vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Người bị kiện: Ông Nguyễn Văn B - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh P.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Thanh tra Bộ lao động - Thương binh và xã hội.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Đàm Thị Minh C, Phó Chánh thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Có đơn xin xét xử vắng mặt.

- Ủy ban nhân dân tỉnh P.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Hoàng Quang D, Chánh thanh tra tỉnh P (Văn bản ủy quyền số 1960/UBND-TD ngày 31/5/2022); Có đơn xin xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Người khởi kiện và người đại diện trình bày:

Ngày 07/7/2003, Chủ tịch UBND tỉnh P ban hành Quyết định số 2012/QĐ-CT trợ cấp đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, trong đó chị Nguyễn Thị Thu A là người được hưởng. Việc xem xét cho hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được nhiều cơ quan và chính quyền thực hiện theo trình tự, thủ tục, hồ sơ do pháp luật quy định, còn tiến hành giám định y khoa để xác định tình trạng bệnh tật.

Ngày 30/6/2020, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh P có Quyết định số 2358/QĐ-SLĐTB XH(NCC) về việc đình chỉ và thu hồi trợ cấp hàng tháng đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Quyết định trên là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của chị A do:

Thứ nhất, tại Điều 1 Quyết định số 2358 không đưa ra bất cứ sai phạm nào trong quá trình xem xét, mà chỉ căn cứ vào lý do: “Ngày 01/10/2019, xác minh trực tiếp đối với chị Nguyễn Thị Thu A xác định: còn khả năng lao động, hiện nay đang làm kế toán Công ty M (Đống Đa - Hà Nội)” để quyết định đình chỉ và thu hồi trợ cấp hàng tháng là mang ý chí chủ quan, không có căn cứ pháp luật.

Thứ hai: Chế độ trợ cấp hàng tháng đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với không chỉ người bị nhiễm chất độc hóa học mà còn đối với con cái của họ nhằm giảm bớt phần nào những khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy số tiền hàng tháng mà chị A được nhận cũng chỉ dừng ở mức “hỗ trợ”, nó quá nhỏ so với yêu cầu cuộc sống hàng ngày. Chưa kể tới những khó khăn cũng như gánh nặng tâm lý, bệnh tật mà chị A phải mang là do con của người bị nhiễm chất độc hóa học để có thể hòa nhập vào cuộc sống xã hội, xây dựng gia đình. Cho nên việc chị A phải nỗ lực đi làm việc và trang trải cuộc sống là lẽ đương nhiên. Pháp luật cũng không có quy định nào về việc người được hưởng trợ cấp hàng tháng thì không được phép đi làm để đóng góp cho gia đình và xã hội.

Thứ ba: Ngoài việc đình chỉ trợ cấp hàng tháng đối với chị A, Quyết định số 2358 còn thu hồi toàn bộ số tiền trợ cấp từ ngày 01/7/2003 đến ngày 31/12/2019. Như vậy, Quyết định này chỉ dựa vào việc chị A đi làm trong thời điểm hiện tại để xác định chị A có khả năng lao động trong toàn bộ thời gian trước, trong đó có thời gian chị A còn đi học, chưa làm được gì để có thu nhập. Như vậy là vô lý và không có căn cứ (BL 17-20).

Nay chị A đề nghị:

+ Hủy Quyết định số 2358/QĐ-SLĐTBXH (NCC) ngày 30/6/2020 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh P về việc đình chỉ và thu hồi trợ cấp hàng tháng đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (BL 10).

+ Buộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh P khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.

- Tại phiên đối thoại ngày 09/7/2021 người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện đã đưa ra các căn cứ để yêu cầu huỷ Quyết định số 2358:

+ Căn cứ Điều 42, Điều 44, Điều 45, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; quy định về điều kiện đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học là phải có Kết luận của Hội đồng giám định y khoa, phải là con đẻ của người hoạt động kháng chiến.

+ Việc người được hưởng chế độ đã được thẩm định, điều tra hợp lệ, hồ sơ hợp lệ để chị A được hưởng chế độ.

+ Theo Pháp lệnh số 26/2005/UBTVQH; Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH về ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2012 thì chị A không thuộc đối tượng bị thu hồi, dừng trợ cấp.

+ Hình thức và nội dung của Quyết định 2358 ngày 30/6/2020 là không đúng với quy định của pháp luật.

2. Người bị kiện trình bày Thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTr ngày 14/8/2019 của Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thanh tra thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh P, từ ngày 21/8/2019 đến ngày 18/10/2019, Đoàn thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành kiểm tra 6.624 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ đang hưởng chế độ chất độc hóa học. Ngày 21/11/2019 Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và xã hội ban hành Kết luận số 566/KL-TTr về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh P trong đó có nội dung kiến nghị Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh P ban hành quyết định đình chỉ trợ cấp và thu hồi chế độ con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học do kết quả xác minh trực tiếp đối tượng không bị dị dạng, dị tật hoặc dị dạng, dị tật mức độ nhẹ, còn khả năng lao động, đã lập gia đình và sinh con, hiện đang là lao động tự do tại địa phương hoặc làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động (bà Nguyễn Thị Thu A STT 14, Biểu 1.3). Ngày 10/01/2020, UBND tỉnh P ban hành Văn bản số 114/UBND-KGVX về việc thực hiện Kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong đó có yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành các quyết định đình chỉ trợ cấp, thu hồi trợ cấp đối với các trường hợp có tên trong Kết luận thanh tra số 566/KL-TTr.

Ngày 10/02/2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch số 18/KH-SLĐTBXH về thực hiện Kết luận thanh tra số 566/KL-TTr trong đó yêu cầu Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện thành thị tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các đối tượng bị đình chỉ trợ cấp.

Ngày 22/5/2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có Văn bản số 959/SLĐTBXH-NCC mời Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện thành thị phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở thẩm định lại hồ sơ, xem xét kiến nghị và các tài liệu bổ sung của các trường hợp con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thuộc diện đình chỉ và thu hồi trợ cấp theo Kết luận số 566/KL-TTr.

Trên cơ sở Kết luận thanh tra số 566/KL-TTr, kết quả thẩm định lại hồ sơ sau khi làm việc với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Y đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Thu A, Sở Lao động - Thương binh và xã hội đã ban hành Quyết định số 2358/QĐ-SLĐTBXH (NCC) ngày 30/6/2020 về việc đình chỉ và thu hồi trợ cấp hàng tháng đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đối với bà Nguyễn Thị Thu A, quyết định nêu trên được thực hiện đúng quy trình và quy định hiện hành (BL 26, 27, 70 -74).

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày 3.1. Đại diện Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày: Hồ sơ hưởng chế độ con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học của chị Nguyễn Thị Thu A không đảm bảo quy định, cụ thể: Tại giấy khám, đánh giá và xác nhận tình trạng mắc bệnh....Trung tâm y tế huyện Y không kết luận tình trạng “khả năng lao động” của chị Nguyễn Thị Thu A, ông Nguyễn Văn A3 là bố chị A cho biết: Chị A có khả năng lao động, đang là kế toán tại Công ty M (quận Đống Đa, Hà Nội), đã lấy chồng. Căn cứ khoản 2 Điều 1 Quyết định 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/2/2000 và mục IV Thông tư liên tịch số 17/2000/TTLT/BLĐTBXH-BTC ngày 05/7/2000 chị A không đủ điều kiện hưởng chế độ con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tại Kết luận số 566/KL-TTr ngày 21/11/2019, Chánh Thanh tra Bộ lao động - Thương binh và Xã hội đã yêu cầu Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh P đình chỉ trợ cấp đối với chị Nguyễn Thị Thu A, thu hồi tiền đã hưởng sai nộp ngân sách nhà nước là đúng quy định pháp luật (BL 84,87,90).

3.2. Đại diện UBND tỉnh P trình bày: Việc lập hồ sơ cho bà Nguyễn Thị Thu A tháng 11/2002 theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ là đủ điều kiện do đáp ứng điều kiện: Có dị tật; không có khả năng lao động (khi xét duyệt bà A còn nhỏ, mới 08 tuổi). Các cơ quan chức năng kết luận trên cơ sở xác minh thực tế: Bà A có khả năng lao động. Việc kết luận “có khả năng lao động” tại thời điểm năm 2019, 2020 (sau thời điểm lập hồ sơ 17 năm) để quy kết UBND tỉnh xét duyệt, ban hành Quyết định 2012/QĐ-CT ngày 07/7/2003 không đúng là chưa chặt chẽ. Pháp luật hiện hành chưa quy định trường hợp tại thời điểm xét duyệt là “không có khả năng lao động”; nay xác minh đã xác định “có khả năng lao động” sẽ xử lý như thế nào? Tại Điều 43 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 quy định xử lý đối với những trường hợp khai man, giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi....Nhưng cơ quan chức năng chưa chứng minh, kết luận rõ ràng đối tượng có khai man, giả mạo hồ sơ hay không? nên việc ban hành quyết định đình chỉ chế độ, thu hồi quyền lợi đã hưởng sai cần được xem xét đảm bảo đúng quy định (BL 94, 95).

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 16/2021/HC-ST ngày 23 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh P đã quyết định:

- Căn cứ: Điểm a khoản 1 Điều 30; khoản 3 Điều 32; điểm a khoản 2 Điều 116; điểm b khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính; khoản 2 Điều 32 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án, Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị Thu A.

+ Hủy một phần Quyết định số 2358/QĐ-SLĐTBXH(NCC) ngày 30/6/2020 của Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh P.

+ Đình chỉ trợ cấp hàng tháng và các quyền lợi đối với chị Nguyễn Thị Thu A. Thời gian đình chỉ kể từ ngày 01/01/2019.

+ Thực hiện thu hồi trợ cấp đối với chị Nguyễn Thị Thu A từ tháng 7/2012 đến 31/12/2019 với tổng số tiền là 93.957.000đ (Chín mươi ba triệu chín trăm năm bảy nghìn đồng).

+ Không chấp nhận yêu cầu của chị Nguyễn Thị Thu A: “Buộc Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh P khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

- Ngày 05/10/2021, đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện có đơn kháng cáo toàn bộ bản án.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Người đại diện của chị Nguyễn Thị Thu A trình bày như sau: Quyết định số 2012/QĐ-CT ngày 07/7/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh P trợ cấp đối với chị Nguyễn Thị Thu A là người được hưởng nhưng đến ngày 30/6/2020 Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh P có Quyết định số 2358/QĐ-SLĐTB XH(NCC) về việc đình chỉ và thu hồi trợ cấp hàng tháng đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, không đưa ra bất cứ sai phạm nào trong quá trình xem xét mà chỉ căn cứ vào lý do: “Ngày 01/10/2019, xác minh trực tiếp đối với chị Nguyễn Thị Thu A xác định: còn khả năng lao động, hiện nay đang làm kế toán Công ty M (Đống Đa - Hà Nội)”. Quyết định trên là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của chị A. Đề nghị Hội đồng xét xử hủy Quyết định số 2358/QĐ-SLĐTBXH (NCC) ngày 30/6/2020 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh P về việc đình chỉ và thu hồi trợ cấp hàng tháng đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

- Đại diện UBND tỉnh P là ông Hoàng Quang D, Chánh thanh tra tỉnh P có đơn xin xét xử vắng mặt nhưng có bản trình bày như sau:

Hồ sơ hưởng chế độ con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học của bà Nguyễn Thị Thu A được xác lập tháng 11/2002 theo quy định tại Khoản 2 Điều 1, Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ … Việc lập, xét duyệt hồ sơ được thực hiện theo quy định tại Phần IV Thông tư liên tịch số 17/2000/TTLT-BLDTBXH-BTC ngày 05/7/2000: Căn cứ vào hồ sơ do Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội chuyển đến, danh sách người bị nhiễm chất độc hóa học đã điều tra theo Quyết định số 74/1998/QĐ-TTg; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2012/QĐ-CT ngày 07/7/2003 về việc trợ cấp đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, trong đó có trường hợp Nguyễn Thị Thu A, con ông Nguyễn Văn A3.

Cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ của bà Nguyễn Thị Thu A; tiến hành gặp gỡ, xác minh trực tiếp đối với ông A3 xác định bà A còn khả năng lao động, hiện nay đang làm kế toán Công ty M. Chánh Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Kết luận số 566/KL-TTr ngày 21/11/2019, trong đó có nội dung kiến nghị Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh P ban hành quyết định đình chỉ trợ cấp và thu hồi chế độ con đẻ người HĐKC bị nhiễm CĐHH do kết quả xác minh trực tiếp đối tượng không bị dị dạng, dị tật hoặc dị dạng, dị tật mức độ nhẹ, còn khả năng lao động (trong đó bà Nguyễn Thị Thu A số thứ tự 14, Biểu 1.3, Kết luận số 566/KL-TTr ngày 21/11/2019).

Về quan điểm của UBND tỉnh P: Theo hồ sơ xét duyệt (xác lập tháng 11/2002 khi đó bà A 08 tuổi) gồm: Giấy khám đánh giá và xác nhận của Trung tâm Y tế huyện Y ngày 15/11/2002 xác định tình trạng dị tật: Sứt môi đã mổ; khả năng lao động: Nhỏ; khả năng tự lực trong sinh hoạt: Bình thường.

Như vậy, đối chiếu với quy định tại Điểm 2 Mục II Thông tư liên tịch số 17/2000/TTLT-BLĐTBXH-BTC nêu trên (“b, Bị dị dạng, dị tật, không có khả năng lao động nhưng còn tự lực được trong sinh hoạt”) thì tại thời điểm xác lập hồ sơ bà Nguyễn Thị Thu A đủ điều kiện do đáp ứng điều kiện: Có dị tật; không có khả năng lao động (khi xét duyệt, bà A còn nhỏ, mới 08 tuổi).

Các cơ quan chức năng kết luận trên cơ sở xác minh thực tế: Bà A có khả năng lao động. Việc kết luận “có khả năng lao động” tại thời điểm năm 2019, 2020 (sau thời điểm lập hồ sơ 17 năm) để quy kết việc UBND tỉnh xét duyệt, ban hành Quyết định số 2012/QĐ-CT ngày 07/7/2003 không đúng là chưa chặt chẽ.

Pháp luật hiện hành cũng chưa quy định trường hợp tại thời điểm xét duyệt là "không có khả năng lao động"; nay xác minh xác định "có khả năng lao động" sẽ xử lý như thế nào; theo quy định tại Điều 43 Thông tư số 05/2013/TT- BLĐTBXH ngày 15/5/2013 quy định thủ tục xử lý đối với những trường hợp khai man, giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi: “Trường hợp kết luận đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định đình chỉ chế độ, thu hồi quyền lợi đã hưởng sai, đề nghị cơ quan, đơn vị xác lập hồ sơ người có công thu hồi giấy tờ đã cấp và chuyển các cơ quan có liên quan để xử lý theo pháp luật hiện hành”. Như vậy, quy định của pháp luật hiện hành chỉ đặt vấn đề xử lý đối với trường hợp "đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ"; nhưng cơ quan chức năng chưa chứng minh, kết luận rõ ràng đối tượng có khai man, giả mạo hồ sơ hay không? nên việc ban hành quyết định đình chỉ chế độ, thu hồi quyền lợi đã hưởng sai cần được xem xét đảm bảo đúng quy định.

- Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội: Giám đốc Sở lao động - Thương binh và xã hội tỉnh P ban hành Quyết định số 2358/QĐ-SLĐTBXH(NCC) đình chỉ và thu hồi trợ cấp hàng tháng đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trong khi Quyết định số 2012/QĐ-CT ngày 07/3/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh P được UBND tỉnh P ban hành là đúng trình tự, thủ tục và hình thức theo quy định của pháp luật và đang có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên Sở Lao động - Thương binh và xã hội không viết giấy mời và niêm yết giấy mời làm việc với chị A mà chỉ làm việc với ông Nguyễn Văn A3 (bố đẻ chị A) và căn cứ vào lời khai của ông A3 để đánh giá sức khỏe của chị A “còn khả năng lao động, chị A bán hàng thuê cho Công ty tư nhân ở Hà Nội. Chị A có chồng, đang làm việc ở Hà Nội và có 01 con” trong khi chị A đã trên 18 tuổi không cần người giám hộ là không đảm bảo khách quan. Sở Lao động - Thương binh và xã hội không mời chị A đi giám định để xác định tình trạng nhiễm chất độc da cam và tình trạng sức khỏe của chị A. Trên cơ sở kết quả làm việc với chị A và kết quả giám định sức khỏe Sở Lao động - Thương binh và xã hội sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc có tiếp tục trợ cấp hay chấm dứt việc trợ cấp, truy thu tiền đã trợ cấp theo Quyết định số 2012/QĐ-CT ngày 07/3/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh P mà Sở Lao động thương binh và xã hội lại ban hành Quyết định số 2358/QĐ-SLĐTBXH (NCC) là không đúng quy định của pháp luật và không đảm bảo khách quan ảnh hưởng đến quyền lợi của chị A.

Bản án sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị A: Hủy một phần Quyết định số 2358/QĐ-SLĐTBXH ngày 30/6/2020 của Giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh P. Đình chỉ trợ cấp hàng tháng và các quyền lợi đối với chị A. Thời gian đình chỉ từ ngày 01/01/2020. Thực hiện thu hồi trợ cấp đối với chị Nguyễn Thị Thu A từ tháng 7/2012 đến 31/12/2019 với tổng số tiền là 93.957.000 đồng là không đúng bởi thẩm quyền của Tòa án cấp sơ thẩm chỉ được quyền tuyên chấp nhận hay không chấp nhận Quyết định số 2358/QĐ-SLĐTBXH ngày 30/6/2020 của Giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh P chứ không được sửa một phần Quyết định số 2358/QĐ- SLĐTBXH ngày 30/6/2020 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh P.

Từ những phân tích và nhận định trên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của người khởi kiện bà Nguyễn Thị Thu A, tuyên hủy toàn bộ Quyết định số 2358/QĐ-SLĐTBXH ngày 30/6/2020 của Giám đốc Sở lao động - Thương binh và xã hội tỉnh P để Sở Lao động - Thương binh và xã hội giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục như đã nhận định nêu trên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện các chứng cứ, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát và các đương sự, các quy định pháp luật hiện hành. Hội đồng xét xử xét thấy:

[1]. Về thẩm quyền giải quyết: Việc Tòa án nhân dân tỉnh P xét xử yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thu A theo Khoản 3 Điều 32 của Luật Tố tụng hành chính là phù hợp.

[2]. Về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu kháng cáo: Đơn khởi kiện của bà A là trong thời hạn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 116 Luật tố tụng hành chính. Kháng cáo của bà A trong thời hạn luật định.

[3]. Xét kháng cáo của người khởi kiện Hội đồng xét xử thấy như sau:

[3.1]. Xét Quyết định số 2012/QĐ-CT ngày 07/7/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh P: Căn cứ giấy khám, đánh giá và xác nhận tình trạng mắc bệnh dị dạng, dị tật, khả năng lao động và tự lực trong sinh hoạt đối với bà Nguyễn Thị Thu A ngày 15/11/2002 của Trung tâm y tế huyện Y kết luận: “Tình trạng mắc bệnh hiện tại: Sứt môi đã mổ, sạm da nhiều nơi; khả năng lao động: còn nhỏ; khả năng tự lực trong sinh hoạt: Bình thường” (BL 38). Tại điểm 2 Điều 2 Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Con đẻ người tham gia kháng chiến được hưởng trợ cấp: “Con đẻ của người tham gia kháng chiến ...bị dị dạng; dị tật không có khả năng lao động và không thể tự lực được trong sinh hoạt hoặc không có khả năng lao động nhưng còn tự lực trong sinh hoạt...”. Đối chiếu với quy định trên, bà A tại thời điểm khám, đánh giá, xác nhận tình trạng bệnh tật, khả năng lao động của bà A ngày 15/11/2002, Trung tâm y tế huyện Tam Nông kết luận bà A: “Khả năng lao động: nhỏ” là ghi không rõ nhưng bà A tại thời điểm này mới 08 tuổi, đương nhiên không có khả năng lao động. Do đó Quyết định số 2012/QĐ-CT ngày 07/7/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh P là phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ban hành.

[3.2]. Xét Quyết định số 2358/QĐ-SLĐTB XH(NCC) về việc đình chỉ và thu hồi trợ cấp hàng tháng đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

- Quyết định 2358/QĐ-SLĐTBXH đưa ra lý do đình chỉ và thu hồi trợ cấp là do xác định bà A còn khả năng lao động, hiện đang làm việc cho Công ty M Đống Đa, Hà Nội dựa trên Kết luận số 566/KL-TTr ngày 21/11/2019 của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh P. Tuy nhiên, trên thực tế, thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Đoàn Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ dựa trên cơ sở làm việc với ông Nguyễn Văn A3 là bố bà A.

Trong quá trình giải quyết tại Tòa án nhân dân tỉnh P, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại tỉnh P mới đưa ra lý do khác đó là việc sai sót trong quá trình thẩm định hồ sơ từ những năm 2000. Tuy nhiên tại kết luận tại Giấy khám, đánh giá và xác nhận tình trạng mắc bệnh dị dạng, dị tật và khả năng lao động và tự lực trong sinh hoạt do hậu quả nhiễm chất độc hóa học của Trung tâm y tế huyện Y, tỉnh Z kết luận về khả năng lao động của bà A là: Sứt môi đã mổ, sạm da nhiều nơi và không kết luận khả năng lao động.

Từ những phân tích trên Hội đồng xét xử thấy: Trong quá trình xem xét, thẩm định hồ sơ xét duyệt cho hưởng hay điều chỉnh mức trợ cấp, phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan chuyên môn y tế trong hồ sơ. Kết quả giám định y khoa giám định mức độ bệnh, dị dạng, dị tật và tổn hại sức khỏe của đối tượng dựa trên thực chứng hiện tại, kết luận khả năng lao động của từng người. Trong trường hợp điều chỉnh chế độ, pháp luật cũng quy định rõ yêu cầu phải có ý kiến của cơ quan y tế chuyên môn, cụ thể là "Biên bản giám định của Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền" và "Giấy chứng nhận dị dạng, dị tật do ảnh hưởng của chất độc hóa học của Giám đốc Sở Y tế".

Hơn nữa tại Văn bản số 114/UBND-KGVX ngày 10/01/2020 của UBND tỉnh P về việc thực hiện kết luận thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có yêu cầu:

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh P thực hiện việc tiếp tục xác minh đối tượng là con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được Thanh tra Bộ mời xác minh trực tiếp nhưng vì lý do cá nhân không đến. Tổ chức kiểm tra, thực chứng và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đối với 270 trường hợp hồ sơ còn thiếu theo quy định của pháp luật.... Tổng hợp, báo cáo Thanh tra Bộ Lao động và UBND tỉnh kết quả thực hiện kết luận.

- Sở Y tế chỉ đạo cơ quan chuyên môn và Hội đồng giám định Y khoa tỉnh xem xét lại kết quả giám định, kết luận đối tượng mắc bệnh, xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể đúng theo quy định của pháp luật, thực hiện thu hồi và thay thế Biên bản giám định y khoa đối với các đối tượng quy định tại tiết 1.2.2, điểm 1.2 khoản 1, Mục IV kết luận thanh tra. Tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các đối tượng cần xác định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể phải điều chỉnh biên bản giám định của Hội đồng giám định Y khoa tỉnh.

Việc UBND tỉnh P đưa ra các yêu cầu trên là cần thiết nhằm đảm bảo không có sự sai sót trong khi ra quyết định hành chính và phù hợp với quy định của pháp luật.

Từ các phân tích trên thấy Quyết định 2358/QĐ-SLĐTBXH (NCC) của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh P không chỉ vi phạm quy định của pháp luật hiện hành mà còn trái với chỉ đạo của UBND tỉnh P trong việc xem xét, thẩm định trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Với những sai sót nêu trên Tòa án cấp sơ thẩm không hủy Quyết định 2358/QĐ-SLĐTBXH (NCC) của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh P để thực hiện lại theo đúng trình tự pháp luật quy định mà lại sửa Quyết định theo hướng cho bà A được hưởng trợ cấp đến ngày 13/06/2012 (khi đủ 18 tuổi) là không đúng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính. Do đó, Hội đồng xét xử thấy cần thiết hủy Quyết định 2358/QĐ- SLĐTBXH (NCC) của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh P để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh P thực hiện lại nhiệm vụ, công vụ theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của người khởi kiện, sửa bản án sơ thẩm.

Các quyết định khác của bản án hành chính sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, Hội đồng xét xử không xem xét.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 241; Điều 348 Luật Tố tụng hành chính;

1. Chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị Thu A; sửa Bản án hành chính sơ thẩm số 16/2021/HC-ST ngày 23 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh P. Cụ thể như sau:

- Hủy Quyết định 2358/QĐ-SLĐTBXH (NCC) ngày 30 tháng sáu năm 2020 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh P.

- Buộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh P thực hiện nhiệm vụ, công vụ về việc “Đình chỉ và thu hồi trợ cấp hàng tháng đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học”, đối với bà Nguyễn Thị Thu A theo đúng quy định của pháp luật.

2. Về án phí:

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 về mức thu, miễn giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội: Bà Nguyễn Thị Thu A không phải chịu án phí hành chính phúc thẩm, hoàn trả cho bà A số tiền 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu số: 0000034 ngày 21/10/2021 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh P.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

230
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện hủy quyết định hành chính số 263/2022/HC-PT

Số hiệu:263/2022/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 06/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về