Bản án về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 02/2021/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 02/2021/LĐ-PT NGÀY 01/12/2021 VỀ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Ngày 01 tháng 12 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án Lao động thụ lý số 03/2021/TLPT-LĐ ngày 16 tháng 8 năm 2021 về việc “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Do bản án lao động sơ thẩm số 05/2021/LĐ-ST ngày 05 tháng 7 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 05/2021/QĐ-PT ngày 13 tháng 10 năm 2021, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Trương B, sinh năm 1970.

Địa chỉ: Số 45, Lý Thái T, khóm 1, phường 2, Tp C, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trương L, sinh 1981 (Có mặt).

Địa chỉ: Số 20, đường Nguyễn B, Khu đô thị T, ấp B, xã L, Tp C, tỉnh Cà Mau.

- Bị đơn: Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M.

Địa chỉ: Số 61, Lý Thái T, khóm 1, phường 2, Tp C, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Lê Phương A, sinh năm 1984, chức vụ:

Chủ tịch Công ty kiêm giám đốc (Có mặt).

Người kháng cáo: Ông Trương B – là nguyên đơn; Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M – là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Nguyên đơn, ông Trương L là người đại diện theo ủy quyền của ông Trương B trình bày:

Ngày 01/01/2017 ông Trương B có ký hợp đồng lao động với Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ thực phẩm M (gọi tắt là Công ty M), thời gian từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2019, với mức lương 4.000.000đ/tháng. mức lương này là số tiền còn lại sau khi trừ đi tất cả các khoản tiền bảo hiểm, nhưng Công ty M chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho ông B từ tháng 4/2019 đến hết tháng 02/2020. Đến ngày 29/02/2020 ông B nhận được quyết định số 01/QĐ-CTY.MAN ngày 28/02/2020 về việc Công ty M đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông B mà không thông báo trước cho ông B biết. Nay ông B yêu cầu:

- Hủy quyết định số 01/QĐ-CTY.MAN ngày 28/02/2020 về việc đơn phương chấp dứt hợp đồng lao động và yêu cầu Công ty M nhận ông B trở lại làm việc.

- Trả lương trong những ngày ông B không làm việc từ ngày 29/02/2020 đến ngày 05/7/2021 (tạm tính) là 76.800.000đ.

- Đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội từ tháng 01/2017 đến hết tháng 03/2019, với số tiền là 34.560.000 đồng và tiếp tục đóng các khoản bảo hiểm trên cho ông B từ tháng 03/2020 cho đến khi Công ty nhận ông B trở lại làm việc.

- Trả tiền lương làm thêm giờ tính từ ngày 01/01/2017 đến ngày 28/02/2020 là 114.000.000 đồng.

- Trả tiền lương làm thêm vào các ngày nghỉ chủ nhật hàng tuần tính từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 28/02/2020 là 157 ngày, với số tiền 48.307.000 đồng.

- Tiền làm thêm nghỉ tết 36 ngày, số tiền 22.153.000 đồng.

- Tiền lương nghỉ hàng năm 38 ngày, số tiền 5.846.000 đồng.

Tổng cộng các khoản là 322.146.000 đồng.

- Bị đơn là Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M do bà Lê Phương A trình bày:

Bà nhận chuyển nhượng lại Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M của bà Võ Ngọc Tranh T vào ngày 15/8/2018 nên việc ký kết hợp đồng lao động với ông B trước đó bà không biết, khi bà tiếp nhận Công ty bà đã trả lương cho ông B 4.000.000 đồng/tháng, không có hợp đồng. Đến ngày 01/01/2019 bà mới ký hợp đồng với ông B thời hạn 01 năm, từ ngày 01/01/2019 đến ngày 31/12/2019 nhưng do khi ký hợp đồng đã ghi sai năm nên trong hợp đồng đã ghi là ngày 01/01/2017. Từ tháng 4/2019, Công ty bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho ông B. Do ông B làm việc tại Công ty ông B không hoàn thành nhiệm vụ, đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng ông B vẫn không sửa đổi, ông B thường đi trễ về sớm, tự bỏ việc không thông báo nên ngày 28/02/2020 bà đã ký Quyết định số 01/QĐ-CTY.MAN chấm dứt Hợp đồng lao động với ông B. Các khoản tiền lương và đóng bảo hiểm xã hội cho ông B bà đã thực hiện xong đến ngày 28/02/2020. Nay ông B yêu cầu Công ty nhận lại làm việc và yêu cầu trả lương, các khoản bảo hiểm với tổng số tiền là 322.146.000 đồng thì Công ty không đồng ý.

Tại bản án lao động sơ thẩm số 05/2021/LĐ-ST ngày 05 tháng 7 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau đã quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Trương B - Hủy Quyết định số 01/QĐ.CTY.MAN ngày 28/02/2020 của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Trương B.

- Buộc Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M phải nhận ông Trương B trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết ngày 01/01/2017.

- Buộc Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M phải bồi thường cho ông B tổng số tiền 72.933.333 đồng.

Đồng thời Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M phải thanh toán cho ông B khoản tiền lương trong thời gian chưa bố trí được công việc theo bản ản, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi ông B được nhận trở lại làm việc.

- Buộc Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M phải có trách nhiệm truy đóng bảo hiểm xã hội cho ông B phần của Công ty theo quy định từ ngày 01/01/2017 đến tháng 3/2019 và tiếp tục đóng bảo hiểm cho ông B từ tháng 3/2020 đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 05/7/2021) .

2. Không chấp nhận yêu cầu của ông Trương B khởi kiện Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M đòi số tiền chênh lệch là 249.212.667 đồng.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ thi hành án, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 16/7/2021 Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M kháng cáo với nội dung yêu cầu cấp phúc thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Trương B và tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

Ngày 19/7/2021 ông Trương B kháng cáo với nội dung yêu cầu cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông B.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M và ông Trương B vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M. Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông Trương B, sửa bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau về trả tiền lương cho ông B những ngày không làm việc từ ngày 29/02/2020 đến ngày xét xử phúc thẩm; Buộc Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M phải có trách nhiệm truy đóng các khoản bảo hiểm cho ông B phần của Công ty theo quy định từ ngày 01/01/2017 đến tháng 3/2019 và từ tháng 3/2020 đến ngày xét xử phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Xét kháng cáo của Công ty M, Hội đồng xét xử xét thấy: Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh C đã chứng nhận cho Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 29/8/2017 do bà Võ Ngọc Trang T làm Chủ tịch kiêm Giám đốc và là chủ sở hữu Công ty (BL 87). Đến ngày 15/8/2018 được thay đổi giấy chứng nhận chủ sở hữu là bà Lê Phương A, làm Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty M (BL 111).

Theo hợp đồng lao động số 01/HĐLĐ- 2017 giữa Công ty M với ông B thể hiện hợp đồng được ký ngày 01/01/2017 thời hạn hợp đồng đến ngày 31/12/2019. Như vậy, tại thời điểm ký hợp đồng, bà Phương A chưa đăng ký doanh nghiệp và chưa làm Giám đốc Công ty. Đồng thời, bà Võ Ngọc Trang T cũng chưa thành lập Công ty. Ngày 29/8/2017 bà Trang T mới thành lập Công ty và được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo xác nhận số 40/XN-BHXH ngày 16/4/2021 của Bảo hiểm xã hội tỉnh C xác nhận Công ty M đã nộp bảo hiểm xã hội cho ông B từ tháng 4/2019 đến tháng 02/2020. Vì vậy, bà Phương A cho rằng Hợp đồng lao động do bà ký đã ghi sai năm, lẽ ra ngày 01/01/2019 nhưng ghi ngày 01/01/2017 là có cơ sở. Do đó, hợp đồng đã vô hiệu kể từ thời điểm các bên ký kết. Hiện nay, hợp đồng lao động số 01/HĐLĐ-2017 được xác định thời điểm chấm dứt hiệu lực của Hợp đồng vào ngày 31/12/2019, Công ty không ký lại hợp đồng với ông B nhưng vẫn trả lương cho ông B mỗi tháng 4.000.000 đồng đến ngày 28/2/2020 để ông B thực hiện việc giao hàng cho Công ty và Công ty chấm dứt hợp đồng lao động với ông B vào ngày 28/02/2020 được xác định thời gian từ tháng 01/2020 đến tháng 02/2020 là hợp đồng theo một công việc nhất định, mặc dù Công ty vẫn đóng bảo hiểm xã hội cho ông B từ tháng 01/2020 đến ngày 28/02/2020. Từ ngày 28/02/2020, Công ty không đồng ý ký hợp đồng lao động với ông B thì xem như hợp đồng lao động giữa Công ty và ông B chấm dứt. Do đó, không có cơ sở cho rằng Công ty không ký hợp đồng lao động với ông B thì hợp đồng lao động số 01/HĐLĐ-2017 giữa Công ty với ông B trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Vì vậy, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty về việc không đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông B là phù hợp.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của ông Trương B, Ông B cho rằng Hợp đồng lao động số 01/HĐLĐ-2017 được ký kết ngày 01/01/2017 đến đến ngày 31/12/2019 hết hạn hợp đồng nên đây là hợp đồng lao động xác định thời hạn, sau khi hợp đồng hết thời hạn, ông B vẫn làm việc nhưng hai bên không tiếp tục ký kết Hợp đồng mới thì hợp đồng này trở thành hợp đồng không xác định thời hạn.

Hội đồng xét xử xét thấy: Hợp đồng lao động số 01/HĐLĐ-2017 được bà Phương A ký thể hiện thời gian hợp đồng từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2019, nhưng tại thời điểm ngày 01/01/2017, bà Phương A chưa là chủ sở hữu Công ty và cũng chưa làm Giám đốc Công ty nên Hợp đồng đã có sự nhầm lẫn về thời gian khi các bên ký kết hợp đồng. Do đó, Hợp đồng đã bị vô hiệu tại thời điểm ký kết, tuy nhiên các bên không chấm dứt hợp đồng mà ông B vẫn làm việc đến ngày 31/12/2019, hợp đồng đương nhiên hết thời hạn. Do đó, Công ty và ông B không ký kết hợp đồng mới thì Hợp đồng lao động số 01/HĐLĐ-2017 không thể trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012.

[3] Tại phiên tòa, ông B cho rằng trong suốt quá trình ông B làm việc tại Công ty từ ngày 01/01/2017 đến ngày 28/02/2020 ông B không biết ai làm Giám đốc Công ty, đến khi ông B nhận Quyết định số 01/QĐ.CTY.MAN ngày 28/02/2020 của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông B thì ông B mới biết bà Phương A là Giám đốc. Ông B không chứng minh được ông B làm việc tại Công ty từ ngày 01/01/2017 đến ngày 15/8/2018 là Công ty nào, ai làm giám đốc. Trong khi đó theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh C đã chứng nhận cho Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 29/8/2017 do bà Võ Ngọc Trang T làm Chủ tịch kiêm Giám đốc và là chủ sở hữu Công ty. Đến ngày 15/8/2018 được thay đổi giấy chứng nhận chủ sở hữu là bà Lê Phương A, làm Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty M. Do đó, hiện nay ông B yêu cầu Công ty M truy đóng các khoản bảo hiểm cho ông từ ngày 01/01/2017 đến tháng 4/2019 và tiếp tục đóng bảo hiểm từ tháng 3/2020 đến khi Công ty nhận ông trở lại làm việc và trả lương, bồi thường thiệt hại cho ông B do Công ty chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật là không có cơ sở nên Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông B.

Cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của ông B và cho rằng hợp đồng lao động số 01/HĐLĐ-2017 là đúng quy định là không phù hợp. Vì vậy, cần sửa án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông B.

[4] Tại phiên tòa, ông Trương L đề nghị ngừng phiên tòa để xác minh thời gian làm việc của ông B để tính thêm số tiền làm ngoài giờ của ông B. Xét thấy như nhận định trên do không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông B nên không chấp nhận yêu cầu ngừng phiên tòa để thu thập thêm chứng cứ.

[5] Xét đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tại phiên tòa là không phù hợp nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[6] Về án phí phúc thẩm: Ông B được miễn nộp theo quy định. Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M không phải chịu án phí.

[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của ông Trương B.

Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ thực phẩm M.

Sửa bản án Lao động sơ thẩm số 05/2021/LĐ-ST ngày 05 tháng 7 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau.

- Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện ông Trương B về việc: Hủy Quyết định số 01/QĐ.CTY.MAN ngày 28/02/2020 và buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ thực phẩm M phải nhận ông Trương B trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết ngày 01/01/2017 và buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ thực phẩm M phải trả lương, bồi thường thiệt hại cho ông Trương B tổng số tiền 322.146.000 đồng và truy đóng các khoản tiền bảo hiểm cho ông Trương B.

- Án phí lao động sơ thẩm: Ông Trương B và Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ thực phẩm M không phải chịu.

- Án phí phúc thẩm: Ông Trương B được miễn nộp theo quy định. Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ thực phẩm M không phải chịu án phí, ngày 23/7/2021 Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm M có dự nộp số tiền tạm ứng án phí 300.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí số 0001319 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau được nhận lại.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1436
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 02/2021/LĐ-PT

Số hiệu:02/2021/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành:01/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về