TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 214/2023/DS-PT NGÀY 05/06/2023 VỀ ĐÒI TÀI SẢN
Trong các ngày 30 tháng 5 và 05 tháng 6 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 21/2023/TLPT-DS ngày 31 tháng 01 năm 2023 về việc “Đòi tài sản”.Do Bản án dân sự sơ thẩm số 105/2022/DS-ST ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 78/2023/QĐ-PT ngày 01 tháng 3 năm 2023, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thanh Kim T, sinh năm 1992, địa chỉ: số 7/11 khu phố T, phường V, thành phố T, tỉnh Bình Dương, có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Vũ Ngọc T1 – Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư T1và Cộng sự, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, có mặt.
- Bị đơn: Bà Huỳnh Thị Mỹ N, sinh năm 1970 và ông Trần Phi H, sinh năm 1964; cùng địa chỉ: số 128 đường P, tổ 94, khu phố 7, phường H, thành phố T, tỉnh Bình Dương, có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trần Phi H: Bà Lê Thị Mỹ H1– Luật sư thuộc Văn phòng V, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Phan Thanh H2, sinh năm 1975; địa chỉ: số 95 đường N, tổ 76, khu phố 11, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương, có mặt.
- Người kháng cáo: Bị đơn ông Trần Phi H.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Theo đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn bà Nguyễn Thanh Kim T và người đại diện theo ủy quyền trình bày:
Bà Huỳnh Thị Mỹ N, ông Trần Phi H và bà Phan Thị Kim D (mẹ ruột của bà Nguyễn Thanh Kim T) là chỗ quen biết trước đó. Hai bên có giao dịch vay mượn tiền nên khi ông H, bà N cần vay tiền thì bà D có đề nghị bà T cho ông H, bà N vay tiền. Do tin tưởng chỗ quen biết với gia đình của bà T nên bà T đã đồng ý cho ông H, bà N vay số tiền 14.500.000.000 đồng để ông H, bà N thanh toán các khoản nợ.
Ngày 27/10/2012, vợ chồng ông Trần Phi H, bà Huỳnh Thị Mỹ N vay số tiền 14.500.000.000 đồng của bà Nguyễn Thanh Kim T và cùng tiến hành ký kết hợp đồng vay tiền không có biện pháp bảo đảm tại trụ sở Văn phòng Công chứng T, tỉnh Bình Dương. Theo nội dung thỏa thuận trong hợp đồng thời hạn thanh toán là ngày 09/11/2012, về lãi suất thì hai bên không thỏa thuận. Ông H, bà N không có thế chấp cho bà T bất cứ tài sản nào. Ngày 28/10/2012, bà T đã trực tiếp giao cho ông Trần Phi H số tiền 14.500.000.000 đồng, thời điểm này không có mặt bà N. Sau đó, đến thời hạn thanh toán thì bà T có yêu cầu ông H, bà N thanh toán thì ông H trình bày lý do là bản thân đang bị ung thư vòm họng nên mong bà T thông cảm cho ông H thêm thời gian điều trị bệnh và sau đó sẽ thanh toán nợ cho bà T. Thời gian sau đó, bản thân bà T có nhiều công việc cá nhân nên cũng không nhớ đến khoản nợ này, đến khi bà T sửa nhà mới tìm thấy giấy nợ. Khi bà T liên hệ ông H đề nghị thanh toán thì ông H có viết giấy hẹn sẽ thanh toán nợ cho bà T. Bà T cũng tin tưởng nên chờ ông H, bà N thanh toán tiền nợ. Tuy nhiên, sau khi hứa thì ông H không thực hiện việc thanh toán nợ nên bà T mới tiến hành khởi kiện ông H, bà N tại Tòa. Yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà N, ông H thanh toán cho bà T số tiền gốc là 14.500.000.000 đồng và tiền lãi suất chậm trả theo lãi suất ngân hàng tạm tính từ ngày vay cho đến tháng 7/2021 là 12.760.000.000 đồng.
- Bị đơn ông Trần Phi H và bà Huỳnh Thị Mỹ N trình bày:
Bà Phan Thị Kim D và vợ chồng ông Trần Phi H, bà Huỳnh Thị Mỹ N là chỗ quen biết và có giao dịch mua bán đất nhiều lần. Sau khi ông H làm ăn thất bại thì bà Phan Thị Kim D (là mẹ của bà T) có đề nghị con gái bà D là bà T có một phần đất đang thế chấp tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương chi nhánh Củ Chi ngày 26/9/2012. Ông H và bà D cùng thỏa thuận ông H sẽ nhận chuyển nhượng phần đất này rồi sau đó sẽ thế chấp ngân hàng để vay tiền. Đối với số tiền chuyển nhượng thì ông H và bà D thỏa thuận bằng lời nói “ông H, bà N chỉ thanh toán cho bà D ½ giá trị đất, còn ½ tiền chuyển nhượng còn lại bà D đồng ý cho ông H, bà N vay để kinh doanh”. Hai bên thỏa thuận xong việc vay mượn, chuyển nhượng thì ngày 26/10/2012 bà D, bà T xóa thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại ngân hàng. Ngày 27/10/2012, ông H cùng bà N và bà T cùng ký kết hợp đồng vay tiền tại Văn phòng Công chứng Tân Uyên thể hiện nội dung ông H, bà N có vay của bà T số tiền 14.500.000.000 đồng. Thời điểm này do ông H và bà N đang trong diện nợ xấu của ngân hàng nên ông H không thể đứng tên trong các hợp đồng tín dụng, do đó ông H có nhờ em vợ ông H (cùng cha khác mẹ) là Phan Thanh H2 đứng ra ký kết thỏa thuận với bà T. Cùng ngày 27/10/2012, ông H2 và bà T có ký kết Hợp đồng ủy quyền số công chứng 8675, quyển số 10TP/CC- SCC/HĐGD nhằm thỏa thuận nội dung bà T sẽ ủy quyền cho ông H2 được toàn quyền định đoạt phần diện tích đất 5.914m2 thửa số 2838, tờ bản đồ số 16, tọa lạc tại xã Tân Định, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BK 719496 số vào sổ cấp giấy chứng nhận CH 07605 do Ủy ban nhân dân huyện Bến Cát cấp ngày 20/7/2012. Thời hạn hai bên ủy quyền với thời hạn là 05 năm kể từ ngày ký hợp đồng ủy quyền. Tuy nhiên, sau khi ông H liên hệ ngân hàng để tiến hành thẩm định giá trị tài sản thế chấp thì kết quả số tiền vay lại không được cao như ông H dự đoán trước đó. Ngày 15/01/2013, thì ông H đã đề nghị bà D hủy bỏ hợp đồng vay tiền thì bà D có xác định với ông H sẽ tiến hành hủy bỏ hợp đồng vay tiền ngày 27/10/2012. Đối với nội dung mặt sau của hợp đồng vay tiền thể hiện nội dung “Ngày 28/10/2012 có nhận của bà Nguyễn Thanh Kim T đủ số tiền theo hợp đồng vay số công chứng 8674” thì ông H ký theo yêu cầu của bà D và ký cùng ngày 27/10/2012 nhưng bà D yêu cầu ký ghi ngày 28/10/2012 thì bà D mới đồng ý cho bà T và ông H2 ký kết hợp đồng ủy quyền. Nay trước yêu cầu khởi kiện của bà T thì ông H và bà N không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của bà T. Vì thực tế ông H và bà N không hề nhận số tiền 14.500.000.000 đồng. Ông H xác định trong tổng số tiền 14.500.000.000 đồng này thì ông H chỉ có nợ chưa trả ông Lý 100.000 USD tương đương số tiền Việt Nam tại thời điểm vay là 2.200.000.000 đồng. Số tiền còn lại ông H không có nhận do không cấn trừ việc mua bán đất với bà T. Ngày 29/4/2022 ông H có văn bản yêu cầu Tòa án áp dụng quy định tại Điều 472 Bộ luật Dân sự năm 2005 và khoản 2 Điều 184 Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản đã hết. Yêu cầu Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Trường hợp Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì ông H yêu cầu Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông H và bà T thông qua hình thức là hợp đồng ủy quyền của bà Nguyễn Thanh Kim T và ông Phan Thanh H2.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phan Thanh H2 trình bày: Ông Phan Thanh H2 là em của bà Huỳnh Thị Mỹ N. Do ông Trần Phi H yêu cầu ông H2 ký hợp đồng ủy quyền với bà Nguyễn Thanh Kim T đối với quyền sử dụng đất diện tích 5.914m2 thuộc thửa đất số 2838, tờ bản đồ số 15, tọa lạc tại phường Tân Định, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ CH07605, do Ủy ban nhân dân thị xã Bến Cát cấp ngày 20/7/2012 cho bà Nguyễn Thanh Kim T để hợp thức hóa thủ tục vay ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế là ông H, bà N thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất này, mặc dù ông H, bà N ký tên vào hợp đồng vay tiền nhưng không nhận đồng nào trong số tiền 14.500.000.000 đồng. Hiện nay, bà T khởi kiện yêu cầu ông H, bà N hoàn trả số tiền nêu trên là hoàn toàn không có căn cứ, đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thanh Kim T.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 105/2022/DS-ST ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương đã tuyên xử:
1. Đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện về yêu cầu thanh toán lãi suất chậm trả của nguyên đơn bà Nguyễn Thanh Kim T với bị đơn ông Trần Phi H, bà Huỳnh Thị Mỹ N.
2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thanh Kim T với bị đơn ông Trần Phi H, bà Huỳnh Thị Mỹ N về việc kiện đòi tài sản.
Ông Trần Phi H, bà Huỳnh Thị Mỹ N có trách nhiệm liên đới hoàn trả cho bà Nguyễn Thanh Kim T số tiền gốc 14.500.000.000 đồng (mười bốn tỷ năm trăm triệu đồng).
Ngoài ra bản án còn tuyên về nghĩa vụ nộp án phí, trách nhiệm thi hành án và quyền kháng cáo cho các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 23 tháng 9 năm 2022, bị đơn ông Trần Phi H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; bị đơn xác định chỉ kháng cáo một phần bản án đối với nội dung chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, về phần đình chỉ yêu cầu tính lãi suất của nguyên đơn, bị đơn không kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày: Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm có những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như sau:
Thứ nhất, Tòa án ghi nhận sự có mặt của nguyên đơn nhưng các biên bản làm việc nguyên đơn hoặc đại diện nguyên đơn không có ký biên bản làm việc. Như vậy không có căn cứ xác định nguyên đơn đã có mặt tại buổi làm việc. Việc vắng mặt của nguyên đơn được thể hiện tại Biên bản hoãn đối chất, biên bản hoãn phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải ngày 24/11/2021 (bút lục 72, 73) Tòa án ghi nhận sự có mặt của nguyên đơn nhưng không hiểu lý do vì sao không ký tên vào biên bản nên theo quan điểm của Luật sư như vậy được xem là vắng mặt không có lý do. Ngày 02/12/2021, bà Nguyễn Thanh Kim T đã nhận giấy triệu tập phải có mặt vào lúc 14 giờ ngày 20/12/2021 để tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (bút lục 80) nhưng vào ngày 20/12/2021 bà T không có mặt, bà T đã ủy quyền cho bà D vào ngày 20/12/2021 (bút lục 83) nhưng bà D cũng vắng mặt không có lý do. Biên bản không đối chất được ngày 20/12/2021 và biên bản không tiến hành hòa giải được ngày 20/12/2021 nguyên đơn không có ký tên vào biên bản. Việc nguyên đơn không có mặt nhưng Tòa án ghi nhận sự có mặt của nguyên đơn là không đúng và thiếu khách quan.
Thứ hai, Kiểm sát viên Lê Thị H3 không được phân công giải quyết vụ án nhưng trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử (bút lục 94) Tòa án đưa Kiểm sát viên Lê Thị H3 tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng Dân sự. Biên bản phiên tòa ngày 25/5/2022 Kiểm sát viên tham gia phiên tòa là bà Nguyễn Thị H4 (bút lục 115) nhưng Quyết định hoãn phiên tòa Hội đồng xét xử ghi nhận người tham gia phiên tòa là Kiểm sát viên Lê Thị H3 (bút lục 112). Trong khi đó tại Quyết định số 50/QĐ-VKS-DS ngày 28/4/2022 Viện Kiểm sát nhân dân thành phố T phân công Kiểm sát viên Lê Thị T2 tham gia phiên tòa dân sự trong vụ án này không phải là kiểm sát viên Lê Thị H3. Ngày 20/5/2022 Viện Kiểm sát nhân dân thành phố T đã ban hành Quyết định số 51/QĐ-VKS-DS phân công Kiểm sát viên Nguyễn Thị H4 thay thế Kiểm sát viên Lê Thị T2 tham gia phiên tòa dân sự trong vụ án này chứ không phải là Kiểm sát viên Lê Thị H3 (bút lục 154).
Thứ ba, Bản án 105/2022/DSST ngày 22/9/2022 tại phần đầu bản án lại ghi xét xử theo vụ án thụ lý số 363/2020/TLST ngày 19/10/2020, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 29/2021/QĐST-DS ngày 29/3/2022 và quyết định hoãn phiên tòa số 27/2022/QĐST-DS ngày 26/4/2022 là không đúng theo số thụ lý, số quyết định xét xử và quyết định hoãn phiên tòa có trong hồ sơ vụ án, trong khi vụ án này được giải quyết theo Thông báo thụ lý số 115/2021/TLST-DS ngày 27/4/2021, Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 32/2022/QĐST-DS ngày 05/5/2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số 38/2022/QĐST-DS ngày 25/5/2022.
Thứ tư, tại biên bản hòa giải ngày 25/5/2021 ông H khai nhận số tiền 14.500.000.000 đồng thật sự không có nhận nhưng trong số tiền này có 100.000 USD là vay của ông L và bà D. Vào ngày 07/11/2013 bà T đã nhận của ông H số tiền 70.000.000 đồng để đưa cho ông Nguyễn Thanh L là cha ruột của bà T với nội dung:“Có nhận của chú H Trung Hậu tại Becamex 2 lần 70.000.000 đồng (bảy mươi triệu) cho ba là Nguyễn Thanh L”, đồng thời tại phiên tòa hôm nay nguyên đơn trình bày trong đó tiền cho bị đơn mượn có tiền của bà D và bà D là người chứng kiến việc hai bên ký hợp đồng cũng như giao nhận tiền, nhưng Tòa án không triệu tập ông Nguyễn Thanh Lvà bà D tham gia tố tụng trong vụ án là thiếu sót người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ sự liên quan giữa Hợp đồng vay tiền và hợp đồng ủy quyền. Trong khi trong hồ sơ vụ án thể hiện chính bà Nguyễn Thanh Kim T là người yêu cầu công chứng hai hợp đồng này, cả hai hợp đồng chỉ có duy nhất 01 phiếu yêu cầu công chứng, trong ngày 27/10/2012 tại Văn phòng Công chứng T, hai số công chứng này liền nhau, số 8674 và 8675 nên có cơ cở xác định hai hợp đồng này có liên quan mật thiết với nhau. Nếu chỉ nhờ bán đất giùm thì không nhất thiết phải ủy quyền toàn bộ cho ông H2. Mối liên hệ giữa hai giao dịch này còn được thể hiện rõ tại lời trình bày của ông H tại biên bản hòa giải ngày 25/5/2021, tại biên bản này ông H đã khai nhận việc vào thời điểm ngày 26/9/2012 bà T có phần đất đang thế chấp tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần C Việt Nam chi nhánh C, sau khi thỏa thuận việc cho vay và nhận chuyển nhượng đất ngày 26/10/2012 bà T đã xóa thế chấp và thực hiện các giao dịch với ông H vào ngày 27/10/2012 như hồ sơ đã thể hiện. Nếu giữa ông H, bà T và bà D không có sự thỏa thuận với nhau như vậy thì làm sao ông H có thể biết chính xác được điều này.
Mặt khác, sau khi ký hợp đồng vay tài sản với vợ chồng ông H và ký hợp đồng ủy quyền với ông Phan Thanh H2, thật sự bà T không đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản chính nêu trên cho ông H mà chỉ đưa bản photo, bà T, bà D xác định chỉ khi nào Ngân hàng đồng ý cho vay tiền thì khi đi ký thế chấp thì bà D, bà T mới đưa bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cho ông H, ông H2. Sau đó ông H và bà T đã liên hệ Ngân hàng K vay tiền. Để thực hiện được vay tiền này, bà T cùng ông H đã tự liên hệ định giá tài sản thông qua đơn vị thẩm định giá độc lập vào ngày 09/01/2013 nhằm xác định giá trị tài sản trước khi làm thủ tục xin vay tại Ngân hàng Kiên Long. Vì vậy, lời khai của bà T xác định không biết Công ty TNHH MTV T của ông H là không đúng.
Tại biên bản hòa giải ngày 25/5/2021, bà T khai là “Bản thân tôi có nhiều công việc cá nhân nên cũng không nhớ đến khoảng vay này, đến khi tôi sửa nhà mới tìm thấy giấy nợ và cho rằng có liên hệ tôi để trả nợ và tôi có viết giấy hẹn” nhưng tại phiên tòa hôm nay lại xác định là có đến nhà ông H đòi nợ nhiều lần và lời khai trên là do người đại diện theo ủy quyền không thể hiện đúng ý chí của nguyên đơn là mâu thuẫn vì thời điểm đó bà T trực tiếp tham gia tố tụng, chỉ có sự thật là bà T không cho vay nên không nhớ. Bà T không phải là người giàu có đến mức có thể quên một số tiền 14.500.000.000 đồng hơn 10 năm không đi khởi kiện, thời hạn vay có 15 ngày, suốt 10 năm dài ông H không trả bất kỳ khoản tiền nào mà bà T không có ý kiến là hết sức vô lý.
Tại phiên tòa hôm nay có tình tiết mới do nguyên đơn trình bày là giao nhận tiền làm 2 lần, lần 1 vào ngày 27/10/2012, lần 2 vào ngày 28/10/2012 đều ở Văn phòng công chứng là không đúng với sự thật khách quan, bất hợp lý. Lời khai của bà T rất mâu thuẫn, có thể nhớ số tiền giao lần 1 là nhiều hơn lần 2 nhưng lại không nhớ tiền của mình là bao nhiêu và tiền vay của mẹ là bao nhiêu là điều bất hợp lý.
Vì Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng, xác minh thu thập chứng cứ không đầy đủ nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét hủy bản án sơ thẩm.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Trong vụ án, các đương sự trình bày ý kiến khác nhau nhưng thực chất chỉ các bên nguyên đơn, bị đơn biết rõ nhất. Hợp đồng vay tiền rất rõ ràng, được công chứng chứng thực theo đúng quy định. Ông H đã ký nhận số tiền vay nên Hợp đồng vay tiền có đủ căn cứ để xem xét. Việc giao nhận tiền được chia làm 2 lần nhưng nguyên đơn không nhớ cụ thể số tiền như thế nào là điều rất bình thường, vì thời gian quá lâu rồi. Hợp đồng vay được công chứng chứng thực và ông H, bà N tự nguyện ký, không bị lừa dối ép buộc. Ý kiến quên số tiền vay là do lu bu quên là do người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn khai không đúng ý chí của nguyên đơn nên nguyên đơn mới hủy ủy quyền và trực tiếp tham gia tố tụng.
Hai hợp đồng vay và ủy quyển không liên quan gì với nhau. Hợp đồng vay giữa bà T và ông H, còn hợp đồng ủy quyền là giữa bà T và ông H2. Hợp đồng ủy quyền chỉ là bán đất giùm nên không cần thiết phải cầm sổ đỏ. Hai hợp đồng không liên quan gì với nhau do hai chủ thể khác nhau. Vấn đề hai hợp đồng ký cùng ngày và liền số: Đó là điều bình thường và không thể hiện mối liên quan của hai hợp đồng. Cách giải thích của ông H về mối liên quan của 2 hợp đồng thì Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu bị đơn cung cấp chứng cứ để chứng minh lời khai của mình nhưng không cung cấp được, nên Tòa án sơ thẩm không xem xét.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng thì nguyên đơn không có ý kiến gì nhưng ý kiến không đưa bà D vào tham gia tố tụng là không cần thiết vì bà D là mẹ bà T đưa thêm tiền cho bà T, là người làm chứng cũng không cần thiết vì hợp đồng được công chứng, chứng thực, bị đơn đã ký và chưa thanh toán thì phải chịu trách nhiệm.
Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ý kiến của Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa:
Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại phiên tòa phúc thẩm.
Về nội dung: Hai bên xác định hai bên không có mối quan hệ với nhau, chỉ quen biết qua mẹ nguyên đơn. Nguyên đơn có khai nhận việc giao nhận tiền làm 2 lần, có tiền của bà D. Bà D có mặt khi hai bên ký kết hợp đồng vay và giao tiền. Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập bà D tham gia phiên tòa để làm rõ hợp đồng ký kết giữa hai bên như thế nào là thiếu sót. Nguyên đơn trình bày không nhớ được số tiền của mình là bao nhiêu và số tiền vay của mẹ là bao nhiêu thì không chứng minh khả năng tài chính của nguyên đơn. Hai hợp đồng được ký kết trong khi đó ông H2 và bà T không có mối quan hệ với nhau, chỉ thông qua bà D nên bị đơn cho rằng cho mượn đất để vay tiền. Lời khai của bị đơn có căn cứ vì bà T là người yêu cầu thẩm định giá và đã tiến hành thẩm định tại Ngân hàng. Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập chứng cứ là hồ sơ thẩm định giá. Nếu bà T là người đứng ra yêu cầu thẩm định và yêu cầu vay thì không phù hợp với thực tế vì đang nợ mà cho vay số tiền lớn mà không có yêu cầu về tài sản đảm bảo không lãi suất. Vì Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ nên đề nghị Hội đồng xét xử hủy một phần bản án sơ thẩm, trừ phần đình chỉ do đương sự rút kháng cáo.
Sau khi nghiên cứu các chứng cứ có tại hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Luật sư và Kiểm sát viên;
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng:
[1.1] Tại phiên tòa phúc thẩm, ông H rút một phần kháng cáo đối với phần đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện về yêu cầu thanh toán lãi suất chậm trả của nguyên đơn bà Nguyễn Thanh Kim T với bị đơn ông Trần Phi H, bà Huỳnh Thị Mỹ N, giữ nguyên yêu cầu kháng cáo đối với phần chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thanh Kim T với bị đơn ông Trần Phi H, bà Huỳnh Thị Mỹ N về việc kiện đòi tài sản, do đó, Hội đồng xét xử xem xét trong phạm vi kháng cáo của ông H theo quy định tại Điều 293 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[1.2] Tại Quyết định số 50/QĐ-VKS-DS ngày 28/4/2022 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố T đã phân công Kiểm sát viên Lê Thị T2 tham gia phiên tòa dân sự (bút lục số 155). Ngày 20/5/2022, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố T đã ban hành Quyết định số 51/QĐ-VKS-DS phân công Kiểm sát viên Nguyễn Thị H4 thay thế Kiểm sát viên Lê Thị T2 tham gia phiên tòa (bút lục số 154). Kiểm sát viên H3 đã tham gia phiên tòa và thực hiện quyền kiểm sát công tác xét xử theo quy định tài Điều 21, 57, 58, 60, 62 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử (bút lục 94) và Quyết định hoãn phiên tòa (bút lục số 112) thể hiện tên Kiểm sát viên tham gia phiên tòa là Kiểm sát viên Lê Thị H3. Luật sư của bị đơn cho rằng Kiểm sát viên trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử và Quyết định hoãn phiên tòa không đúng với quyết định phân công kiểm sát viên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tung. Xét thấy, theo nội dung biên bản phiên tòa ngày 25/5/2022 (bút lục 115) thể hiện thành phần những người tiến hành tố tụng trong đó ghi nhận Kiểm sát viên tham gia phiên tòa là Nguyễn Thị H4. Như vậy, bà H3 thực hiện nhiệm vụ theo đúng sự phân công của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố T tại Quyết định số 51/QĐ-VKS-DS ngày 20/5/2022. Theo biên bản xác minh ngày 31/5/2023 đối với Thẩm phán Phạm Thị Hồng P – Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm xác định: “Bà ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử và Quyết định hoãn phiên tòa ghi Kiểm sát viên là Lê Thị H3. Có sự sai sót trên là do lỗi nhầm lẫn khi đánh máy “Lê Thị T2” thành “Lê Thị H3”. Như vậy, việc ghi nhận tên Kiểm sát viên trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử và Quyết định hoãn phiên tòa có sự nhầm lẫn của Thẩm phán trong khi đó Quyết định phân công và quyết định thay đổi Kiểm sát viên vẫn đúng Kiểm sát viên tham gia phiên tòa. Lỗi này của Thẩm phán không phải là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trường hợp Kiểm sát viên H3 hoặc Kiểm sát viên H4 tham gia phiên tòa mà trong hồ sơ không có quyết định phân công Kiểm sát viên hoặc quyết định thay đổi Kiểm sát viên thì mới vi phạm Điều 57, 58, 60, 62 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[1.3] Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 105/2022/DS-ST ngày 22/9/2022 của TAND thành phố T, phần đầu bản án lại ghi xét xử theo vụ án thụ lý số 363/2020/TLST ngày 19/10/2020, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 29/2021/QĐST-DS ngày 29/3/2022 và quyết định hoãn phiên tòa số 27/2022/QĐST-DS ngày 26/4/2022 là không đúng theo số thụ lý, số quyết định xét xử và quyết định hoãn phiên tòa có trong hồ sơ vụ án, trong khi vụ án này được giải quyết theo Thông báo thụ lý số 115/2021/TLST-DS ngày 27/4/2021, Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 32/2022/QĐST-DS ngày 05/5/2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số 38/2022/QĐST-DS ngày 25/5/2022. Đây là sai sót thuộc trường hợp quy định tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng dân sự do ghi sai số quyết định và ngày tháng, còn các nội dung liên quan đến quan hệ pháp luật tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn thì đúng với tranh chấp mà các bên đương sự tham gia nên không vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm cần ban hành quyết định sửa chữa, bổ sung bản án theo Điều 268 Bộ luật Tố tụng dân sự để khắc phục sai sót này.
[1.4] Về việc đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng: Nguyên đơn xác định trong số tiền cho bị đơn vay có tiền của bà D và bà D là người chứng kiến việc nguyên đơn và bị đơn ký hợp đồng và giao nhận tiền. Xét thấy, hợp đồng vay tiền giữa nguyên đơn và bị đơn đã được công chứng theo quy định của pháp luật, bị đơn ông H đã ký nhận số tiền vay theo đúng hợp đồng vay tiền. Trong suốt quá trình tham gia tố tụng bị đơn ông H vẫn thừa nhận ông H là người ký nhận tiền vào mặt sau “hợp đồng vay tiền không có biện pháp bảo đảm” được công chứng ngày 27/10/2012 nên việc có đưa bà D tham gia tố tụng hay không để chứng minh quan hệ vay nợ trong trường hợp này là không cần thiết.
[1.5] Đối với yêu cầu đưa ông L tham gia tố tụng: Nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận ông H có nợ ông L khoản tiền 100.000 USD và bà T là người nhận giùm 2 lần tiền của ông H trả cho ông Lý. Ông H xác định đã trả hết nợ cho ông L, do đó không liên quan đến hợp đồng giữa ông H và bà T nên không cần thiết đưa ông L tham gia tố tụng. Trường hợp ông H và ông L có tranh chấp thì khởi kiện nhau trong vụ kiện khác nếu các bên có yêu cầu.
[1.6] Đối với việc ghi nhận có mặt nguyên đơn trong các lần làm việc, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trong biên bản trong khi nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền không có mặt, không có ký tên là sai sót của Thẩm phán, tuy nhiên không làm thay đổi bản chất của vụ việc, không làm ảnh hưởng đến quá trình tham gia tố tụng và quyền lợi của các bên đương sự.
[2] Về nội dung:
[2.1] Bị đơn ông H, bà N thừa nhận có ký hợp đồng vay tiền theo Hợp đồng vay tiền không có biện pháp bảo đảm ngày 27/10/2012 tại Văn phòng Công chứng Tân Uyên (bút lục số 04 - 06). Theo hợp đồng vay tiền thể hiện: ngày 27/10/2012, vợ chồng bị đơn ông H, bà N và bà T ký kết Hợp đồng vay tiền không có biện pháp bảo đảm được công chứng số 8674, quyển số 10TP/CC-SCC/HĐGD tại Văn phòng Công chứng T với nội dung hợp đồng có ghi nhận bị đơn vay bà T số tiền 14.500.000.000 đồng với mục đích bổ sung vốn kinh doanh, thời hạn vay là 15 ngày kể từ ngày 26/10/2012, phương thức cho vay một lần bằng tiền mặt, thời hạn trả tiền là ngày 09/11/2012. Tuy nhiên, ông H cho rằng vợ chồng ông không nhận số tiền 14.500.000.000 đồng mà trong tổng số tiền này thì ông H và bà D đã tổng hợp số tiền nợ 100.000 USD của ông L, giá trị phần đất do bà T đứng tên thành số tiền 14.500.000.000 đồng và chốt bằng hợp đồng vay tiền nêu trên. Thời điểm này do ông H và bà N đang trong diện nợ xấu của ngân hàng nên ông H không thể đứng tên trong các hợp đồng tín dụng, do đó ông H có nhờ em vợ ông H (cùng cha khác mẹ) là ông Phan Thanh H2 đứng ra ký kết thỏa thuận với bà T. Cùng ngày 27/10/2012, ông H2 và bà T có ký kết hợp đồng ủy quyền số công chứng 8675, quyển số 10TP/CC-SCC/HĐGD nhằm thỏa thuận nội dung bà T sẽ ủy quyền cho ông H2 được toàn quyền định đoạt phần diện tích đất 5.914m2 thửa số 2838, tờ bản đồ số 16, tọa lạc tại xã T, thị xã B, tỉnh Bình Dương theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BK 719496, số vào sổ cấp giấy chứng nhận CH 07605 do Ủy ban nhân dân huyện B cấp ngày 20/7/2012 cho bà Nguyễn Thanh Kim T với thời hạn là 05 năm kể từ ngày ký hợp đồng ủy quyền.
[2.2] Xét thấy, theo chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện hợp đồng vay tiền giữa vợ chồng ông H, bà N với bà T vào ngày 27/10/2012 được công chứng số 8674, quyển số 10 và Hợp đồng ủy quyền giữa bà T với ông H2 được công chứng số 8675, quyển số 10 tại Văn phòng Công chứng T. Tại phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng (bút lục số 62), bà T là người yêu cầu công chứng hai hợp đồng này và hai hợp đồng này được công chứng số liền nhau là số 8674 và 8675 là đúng với trình bày của bị đơn. Tuy nhiên, nguyên đơn không thừa nhận lời trình bày của bị đơn về việc giữa hợp đồng vay tiền và hợp đồng ủy quyền có mối quan hệ với nhau và theo yêu cầu của bị đơn nếu bị đơn phải trả 14.500.000.000 đồng cho nguyên đơn thì nguyên đơn phải giao quyền sử dụng đất theo hợp đồng ủy quyền số công chứng 8675 cho bị đơn. Lời trình bày của bị đơn không được nguyên đơn chấp nhận và ngoài lời trình bày thì phía bị đơn không có chứng cứ chứng minh mối quan hệ giữa 2 giao dịch trên nên Hội đồng xét xử không có cơ sở xem xét.
[2.3] Mặt khác, theo lời khai của bị đơn sau khi ký kết các hợp đồng với bà T, hai bên liên hệ ngân hàng để thẩm định giá trị tài sản thế chấp vào ngày 09/01/2013. Tại “Tờ trình thẩm định giá bất động sản” (bút lục số 101-104) thì khách hàng vay là Công ty TNHH MTV T (tên công ty của vợ chồng ông H) nhưng chủ sở hữu tài sản là bà Nguyễn Thanh Kim T và bà T chính là người yêu cầu thẩm định (bút lục số 100). Lời khai này mâu thuẫn với lời khai của ông H trong quá trình tham gia tố tụng, theo đó, ông H xác định do thời điểm năm 2012, vợ chồng ông có nhiều khoản vay tại Ngân hàng, nếu thế chấp vào Ngân hàng để vay tiền thêm thì không thể vay được nên có nhờ ông Phan Thanh H2 là em cùng cha khác mẹ của vợ ông là bà N đứng tên nhận chuyển nhượng giúp vợ chồng ông H để sau này thay mặt vợ chồng ông vay tiền. Trình bày của ông H mâu thuẫn với chứng cứ nêu trên, bởi lẽ nếu vợ chồng ông H nhờ ông H2 đứng tên để đi vay tiền thì khách hàng vay trong “Tờ trình thẩm định giá bất động sản” phải là ông H2 chứ không phải là Công ty TNHH MTV T. Mặt khác, theo trình bày của ông H2 thì ông H2 chỉ làm theo lời ông H còn mọi việc sau đó ông H2 không biết cũng không có giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản chính. Ngoài ra, thời hạn vay 14.500.000.000 đồng trong hợp đồng vay không có thế chấp cũng không trùng với khoảng thời gian thực hiện thủ tục thẩm định giá, do đó bị đơn cho rằng 2 hợp đồng có liên quan với nhau là không có cơ sở.
[3] Như đã nêu tại mục [2.1] bị đơn ông H, bà N thừa nhận có ký kết hợp đồng vay tiền có công chứng ngày 27/10/2012 và ông H thừa nhận có viết nội dung đã nhận đủ tiền của bà T theo hợp đồng vay tiền. Đây là tình tiết không cần phải chứng minh theo quy định theo Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự. Mặt khác, tại thời điểm giao kết hợp đồng vay tiền không có biện pháp bảo đảm các bên hoàn toàn tự nguyện, tinh thần minh mẫn sáng suốt, không bị ép buộc, nội dung hợp đồng được công chứng viên xác thực và bản thân ông Trần Phi H đã viết nội dung nhận đủ số tiền theo hợp đồng vay là 14.500.000.000 đồng nên có đủ cơ sở xác định vợ chồng ông H, bà N có nhận số tiền 14.500.000.000 đồng của bà T. Đến thời hạn trả tiền là ngày 09/11/2012 nhưng ông H, bà N không trả là vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự. Bị đơn cho rằng nguyên đơn không nhớ rõ khoản nợ lớn và không nhớ rõ các lần giao dịch tiền là điều vô lý. Tuy nhiên, như đã phân tích trên ông H không có chứng cứ phản bác lại chứng cứ nguyên đơn đưa ra và cũng không có chứng cứ đã thanh toán nợ, do đó cấp sơ thẩm xét xử buộc bị đơn phải trả nợ cho nguyên đơn là phù hợp quy định tại Điều 280 Bộ luật Dân sự.
[4] Đối với nghĩa vụ liên đới mà Luật sư bị đơn có đề cập trong phần phát biểu tranh tụng tại Tòa án cấp phúc thẩm, do bị đơn bà N không hiểu biết pháp luật nên mặc dù không đồng ý bản án sơ thẩm nhưng không kháng cáo vì cho rằng ông H đã kháng cáo là được rồi. Bà N xác định có ký hợp đồng vay công chứng nhưng không có nhận tiền nên đề nghị chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chồng bà là ông H. Xét thấy, bà N và ông H là người ký tên vào hợp đồng công chứng, bà N biết rõ nội dung hợp đồng nên bà N phải chịu trách nhiệm liên đới thực hiện nghĩa vụ đối với bên cho vay là bà T. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử buộc bà N liên đới cùng ông H thanh toán cho bà T 14.500.000.000 đồng là phù hợp với quy định tại Điều 288 Bộ luật Dân sự.
[5] Từ những phân tích trên, xét thấy bị đơn ông H kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu kháng cáo là có cơ sở, do đó, Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là phù hợp nên Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm. Phần yêu cầu thanh toán lãi chậm trả của nguyên đơn đã đình chỉ do nguyên đơn đã rút yêu cầu, bị đơn rút kháng cáo nên Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần đã rút kháng cáo. Đối với các sai sót về tố tụng chưa đến mức vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, Tòa án cấp sơ thẩm cần khắc phục, rút kinh nghiệm như đã phân tích tại các tiểu mục của mục [1].
[6] Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn là phù hợp, ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn là không phù hợp.
[7] Ý kiến của Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương tại phiên tòa là phù hợp một phần.
[8] Về án phí dân sự phúc thẩm: Người kháng cáo phải chịu. Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 148; Điều 289, khoản 1 Điều 308; Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, 1. Đình chỉ một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Trần Phi H đối với đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện về yêu cầu thanh toán lãi suất chậm trả của nguyên đơn bà Nguyễn Thanh Kim T với bị đơn ông Trần Phi H, bà Huỳnh Thị Mỹ N.
2. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Trần Phi H đối với phần chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thanh Kim T với bị đơn ông Trần Phi H, bà Huỳnh Thị Mỹ N về việc kiện đòi tài sản.
3. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 105/2022/DS-ST ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương.
4. Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Trần Phi H phải chịu 300.000 đồng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0000219 ngày 12/10/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T, tỉnh Bình Dương.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 05/6/2023)./.
Bản án về đòi tài sản số 214/2023/DS-PT
Số hiệu: | 214/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 05/06/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về