Bản án về đòi lại tài sản số 87/2020/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

BẢN ÁN 87/2020/DS-PT NGÀY 28/12/2020 VỀ ĐÒI LẠI TÀI SẢN

Ngày 28 tháng 12 năm 2020, tại Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 95/2020/TLPT-DS ngày 12 tháng 11 năm 2020 về việc “Đòi lại tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 12/2020/DS-ST ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện SH, tỉnh Phú Yên bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 163/2020/QĐ-PT ngày 04 tháng 12 năm 2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Trần Văn N, sinh năm 1975 và bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1975. Bà T ủy quyền cho ông Nguyễn Văn V, sinh năm 1957; Đều trú tại: Thôn Quang H, xã N, huyện H, tỉnh Phú Yên.Có mặt.

2. Bị đơn: Ông Hoàng Văn L, sinh năm 1974; NĐKHKTT: thôn X, xã N, Tiên Lãng, Hải Phòng. Nơi đăng ký tạm trú: Thôn SĐ, xã Phước T, huyện SH, tỉnh Phú Yên. Ông L ủy quyền cho ông Trần Ngọc L, sinh năm 1964; Trú tại: Khu phố H, thị trấn CS, huyện SH, tỉnh Phú Yên. Ông L có mặt, ông Liễu vắng mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông Lê Mo Th(Tên gọi khác: Ma Nháp), sinh năm 1957

- Bà La Lan Thị AB(Tên gọi khác: Mí Beng), sinh năm 1975 Đồng trú tại: Buôn G, xã Đất Bằng, huyện P, tỉnh Gia Lai. Đều vắng mặt.

4. Người làm chứng:

4.1 Ông Lê Văn L1, sinh năm 1979; Trú tại: Thôn Tân P, xã Suối Bạc, huyện SH, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.

4.2 Ông Ma V, sinh năm 1963; Trú tại: Thôn Đá B, xã Phước T, huyện SH, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.

4.3 Ông Nguyễn Ngọc L2, sinh năm 1988; Trú tại: Thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, huyện SH, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.

4.4 Ông Huỳnh Duy Tự Đ, sinh năm 1983 (Tên gọi khác: Tám); Trú tại: Phường 9, thành phố T, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.

4.5 Ông La O H, sinh năm 1990 (Tên gọi khác: Ma Linh Đa), sinh năm 1990. Vắng mặt.

4.6 Ông La Mo N1 (Tên gọi khác: Ma Tiền), sinh năm 1979. Vắng mặt.

4.7 Ông Sô Minh Đ2(Tên gọi khác: Ma Tú), sinh năm 1979. Vắng mặt. Đồng trú tại: Thôn SĐ, xã Phước T, huyện SH, tỉnh Phú Yên.

4.8 Ông Bùi Văn H1, sinh năm 1977; Trú tại: Thôn Định T, xã H, huyện H, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.

5. Người giám định: Ông Nguyễn Ngọc L3, sinh năm 1978; Chức vụ: Nhân viên Trạm chăn nuôi & thú y huyện SH. Vắng mặt.

6. Người kháng cáo: Đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Trần Ngọc L4.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện, tài liệu có tại hồ sơ vụ án và tại phiên tòa nguyên đơn trình bày: Nguyên trước đây, chúng tôi có nuôi 01 đàn trâu 65 con và cất trại trâu tại Trảng tranh bốn tiếng một phần thuộc địa phận huyện SH và một phần thuộc địa phận xã Phú M, huyện ĐX, tỉnh Phú Yên. Tôi trực tiếp chăn thả chăm sóc đàn trâu này đến ngày 15/4/2020, thì tôi phát hiện 03 con trâu bị thất lạc (mất) gồm 02 con trâu mẹ và 01 con trâu nghé. Đặc điểm 03 con trâu như sau: 01 con trâu cái màu da đen xám, cao khoảng 1.4m, sừng cúm dài khoảng 50cm (05 tất), chân phía trước bên trái bị dính bẩy còn sẹo trên móng đeo; 01 con trâu cái màu da đen xám, cao khoảng 1.4m, sừng cúm dài khoảng 50cm (05 tất), chân sau phía bên trái bị dính bẩy còn sẹo, có dấu bấm tai và 01 con trâu nghé cái màu da xám, chiều cao khoảng 1.1m sừng chấm tai, ngoài ra 03 con trâu này không có đặc điểm hình dạng nào khác. Trong ngày 15/4/2020, trên đường đi tìm trâu thì tôi có gặp anh Ma V tại khu vực rừng suối Sóc Bay thuộc địa phận xã Phước T, huyện SH thì Ma V hỏi tôi có phải đi tìm trâu không thì tôi trả lời là tôi có 03 con trâu bị mất thì ông Ma V bảo hôm bữa chúng tôi đi tuần tra rừng gồm có anh L1, anh Lai, anh Tám thì có bắt gặp nhóm người của ông L dắt 03 con trâu từ khu vực suối Sóc Bay xuống Đồng Tra. Nghe Ma V nói vậy nên tôi đi xuống hướng Đồng Tra tìm và có vào trại của ông Hoàng Văn L thì gặp anh L1 đang ngồi chơi tại trại của ông L và tôi nói đi tìm trâu thì anh L1 nói hôm bữa đi tuần ra rừng có thấy nhóm người của anh L dắt 03 con trâu từ khu vực rừng suối Sóc Bay xuống. Sau đó, anh L1 hỏi anh L anh cột trâu ở đâu thì dắt ra cho anh Năm nhận diện có đúng trâu của anh Năm không thì ông L cùng 02 anh em ông L dẫn tôi vào chuồng trâu. Ông L chỉ vào 05 con trâu đang nhốt trong chuồng, ông L nói ông chỉ trâu nào của ông, tôi chỉ 03 con trâu gồm 02 con trâu cái (trâu mẹ) và 01 con trâu nghé cái là trâu của tôi. Tôi chỉ xong các bên vào trại ông L, tôi có đề xuất với ông L là để phân biệt trâu của anh hay trâu của tôi thì sơn sừng trâu và dắt 03 con trâu lên khu vực bắt tại suối Sóc Bay thả 03 con trâu ra, nếu trâu đi về hướng khu vực Cầu Đau là trâu của tôi còn nếu trâu đi về hướng rừng Sốt Rét là trâu của ông L nhưng ông L không đồng ý. Ông L cho rằng bắt 03 con trâu rất khó nếu thả ra trâu thất lạc thì sao, tôi nói với ông L nếu trâu mất tôi chịu đền cho ông L 01 con trâu thành 02 con trâu, ông L cũng không đồng ý nên hai bên xảy ra tranh chấp. Hiện nay, 03 con trâu này tôi đang chăm sóc và có bản cam kết với UBND xã Phước T, huyện SH không buôn bán, không tặng cho hoặc giết mổ trong thời gian chờ Tòa giải quyết và 03 con trâu này hiện vẫn khỏe mạnh không ốm đau. Nay tôi yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn ông Hoàng Văn L phải trả lại cho tôi 03 con trâu gồm 02 con trâu mẹ và 01 con trâu nghé cái cho tôi và yêu cầu ông L bồi thường tiền công chăm sóc từ ngày 28/5/2020 đến ngày 09/7/2020 là: 150.000đ/ngày x 35 ngày = 5.250.000đồng và tính tiền công chăm sóc từ 09/7/2020 cho đến ngày xét xử sơ thẩm xong là 200.000đ/ngày.

Trong các tài liệu có tại hồ sơ vụ án và tại phiên tòa đại diện bị đơn trình bày:

Tôi không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Vì lý do như sau: Thứ nhất, bị đơn mua trâu có chủ có giấy mua bán đàng hoàng, nguồn gốc trâu là bị đơn ông L mua đàn trâu của ông Lê Mo Th(Ma Nháp) ở buôn G, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai với số lượng 21 con vào tháng 01/2020. Trong đó có 07 con trâu của bà Mí Beng là em dâu của ông Ma Nháp. Khi mua đàn trâu của ông Ma Nháp thì ông Ma Nháp có dẫn chúng tôi coi đàn trâu, đếm số lượng đàn trâu tại khu vực rừng Sốt Rét nhưng không có chuồng trại, đàn trâu thả rong trong rừng khu vực Sốt Rét. Trong 03 con trâu đang tranh chấp là trâu ông L mua trâu của ông Ma Nháp. Đặc điểm con trâu như sau: 01 con trâu cái màu da đen, cao khoảng 1.4m, sừng cúm dài khoảng 50cm (05 tất), chân phía trước bên trái bị dính bẩy còn sẹo; 01 con trâu cái màu da xám, cao khoảng 1.4m, sừng cúm dài khoảng 50cm (05 tất), chân sau phía bên trái bị dính bẩy còn sẹo, có dấu rách tai do va chạm gai trong rừng và 01 con trâu nghé cái, cao khoảng 1.1m, màu da xám sừng chấm tai. Thứ hai, chúng tôi bắt 03 con trâu đang tranh chấp tại khu vực rừng Sốt Rét chứ không phải bắt 03 con trâu trên Cầu Đau vì khu vực chăn thả của ông N là trên Cầu Đau chứ không phải rừng Sốt Rét nên không thể khẳng định là con trâu của ông N được. Vì những lý do trên nên tôi không đồng ý trả lại 03 con trâu như yêu cầu khởi kiện của ông N. Đối với yêu cầu bồi thường tiền công chăm sóc trâu như nói trên tôi không đồng ý. Vì lý do: Phía ông N xin UBND xã Phước T, huyện SH dắt 03 con trâu về chăm sóc chưa thông qua ý kiến của tôi. Trong thời gian xảy ra tranh chấp thì phía ông L đang chăm sóc nên yêu cầu bồi thường tiền công chăm sóc của ông N là không có căn cứ. Nay tôi có yêu cầu phản tố yêu cầu Tòa án xem xét trong trường hợp 03 con trâu thuộc quyền sở hữu của ông L thì yêu cầu phía ông N phải chịu chi phí vận chuyển 03 con trâu về Hải Phòng bán là 35.000.000đ.

Ngưi có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Ông Lê Mo Th(Ma Nháp) trình bày tại Biên bản hòa giải ngày 30/7/2020: Năm 1995 tôi (Lê Mo Thiệu) có nuôi 21 con trâu và cùng cả làng lên thả rong tại khu vực Đồng Tra, xã Phước T, huyện SH không có làm chuồng trại, lúc đầu tôi và 01 số người nuôi trâu có lên thăm đàn trâu nhưng không tiếp xúc được với trâu vì trâu có bản năng hoang dã do thả rong trong rừng quá lâu. Đến năm 2005 thì chúng tôi không có lên thăm đàn trâu nữa. Khoảng năm 2020 tôi có bán 03 con trâu cái thả rong tại khu vực Đồng Tra, xã Phước T, huyện SH cho ông Hoàng Văn L với giá 22.500.000đồng. Khi bán, chúng tôi không có đi coi đàn trâu chỉ nói bằng miệng là tôi có 03 con trâu tại khu vực Đồng Tra, xã Phước T và chúng tôi thỏa thuận là ông Hoàng Văn L có trách nhiệm bắt 03 con trâu tại khu vực Đồng Tra, còn bắt như thế nào là việc của ông L. Đặc điểm: 03 con trâu cái tôi bán cho ông L đều màu xám, có sừng dài, còn dài bao nhiêu thì tôi không biết, chiều cao của con trâu tôi cũng không biết vì không có đo do con trâu có bản năng hoang dã do thả rong đã lâu nên không tiếp xúc được với con trâu. Đối với 03 con trâu đang tranh chấp giữa ông Trần Văn N và ông Hoàng Văn L tôi có đi xuống trại trâu của ông L tại khu vực Đồng Tra (Suối Eamlá) nhận dạng 03 con trâu gồm: 02 con trâu cái, 01 con trâu nghé cái và tôi khẳng định đây đúng là trâu của tôi đã bán cho ông L. Đối với 01 con trâu nghé thì tôi không biết mẹ của nó là trâu nào, tôi khẳng định phải là mẹ của nó thì nó mới đi theo.

Bà La Lan Thị AB(Mí Beng) trình bày: Trước kia khi chồng tôi còn sống thì chúng tôi có nuôi khoảng 14 con trâu và chồng tôi cùng anh Ma Nháp có lùa đàn trâu lên thả rong tại khu vực Đồng tra, xã Phước T, huyện SH, tỉnh Phú Yên. Còn việc lên thăm đàn trâu do chồng tôi trực tiếp chăm sóc nên tôi không biết đặc điểm hình dạng con trâu như thế nào. Sau khi chồng tôi chết vào cuối năm 2019 thì không có lên thăm đàn trâu nữa, khoảng năm 2020 thì anh Ma Nháp có bán dùm tôi 02 con trâu cho ông L và tôi đã nhận đủ tiền. Đối với trâu đang chấp này, tôi khẳng định có bán 02 con cho ông L và 01 con trâu là của anh Ma Nháp bán cho ông L. Ngoài ra, tôi không biết đặc điểm hình dạng con trâu thế nào.

Ngưi làm chng:

Ông Sô Minh Đ2(Ma Tú), ông La Mo Nẻo (Ma Tiền), ông La O H (Ma Linh Đa) trình bày: Năm 2020 còn ngày tháng không nhớ, chúng tôi 04 người gồm: tôi (La Mo Đ2), Ma Khánh, Sô Minh H2 (Ma Thư), Ma Tú đi thăm rừng (Chúng tôi là tổ bảo vệ rừng cấm) tại khu vực Sốt Rét, xã Phước T, huyện SH thì chúng tôi phát hiện 03 con trâu gồm: 02 con trâu cái và 01 con trâu nghé cái đang nằm dưới bùn nước tại khu vực Sốt Rét, xã Phước T, huyện SH. Sau đó, chúng tôi có báo cho ông Hoàng Văn L có 03 con trâu đang nằm dưới bùn nước tại khu vực Sốt Rét có phải trâu của ông hay không. Khi ông L lên coi 03 con trâu trên thì ông L nói đây đúng là 03 con trâu ông mua của buôn Ma Giai, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Coi trâu xong thì ông L có nhờ tôi và anh em của ông L khoảng 14 người vây bắt 03 con trâu, khi bắt được trâu ông L trả ngày công cho chúng tôi mỗi người 200.000đồng. Đối với 03 con trâu đang tranh chấp này thì chúng tôi khẳng định không biết trâu của ai, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định.

Ông Ma V, ông Lê Văn L1, ông Huỳnh Duy Tự Đ (tên gọi khác là Tám) và ông Nguyễn Ngọc L2 trình bày: Ngày 15/4/2020, một số anh em trong tổ bảo vệ rừng gồm có ông Ma V, ông L, ông L2 và ông Tám đi tuần tra rừng tại khu vực rừng suối Sóc Bay, có gặp một nhóm người của ông L dắt 03 con trâu xuống hướng Đồng Tra thuộc địa phận xã Phước T, huyện SH còn đặc điểm nhận dạng hình dạng con trâu thì các ông không nhớ và không biết trâu của ai, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 12/2020/DS-ST ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện SH, tỉnh Phú Yên đã quyết định: Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Văn N bà Nguyễn Thị T yêu cầu bị đơn ông Hoàng Văn L trả lại 03 con trâu.

2. Buộc bị đơn ông Hoàng Văn L phải trả lại ba (03) con trâu có đặc điể m hình dạng như mô tả trong biên bản là: 01 con trâu cái màu da đen xám, cao khoảng 1.4m, sừng cúm dài khoảng 50cm (05 tất), chân phía trước bên trái bị dính bẩy còn sẹo trên móng đeo; 01 con trâu cái màu da đen xám, cao khoảng 1.4m, sừng cúm dài khoảng 50cm (05 tất), chân sau phía bên trái bị dính bẩy còn sẹo, có dấu bấm tai và 01 con trâu nghé cái màu da xám, chiều cao khoảng 1.1m sừng chấm tai cho nguyên đơn vợ chồng ông N bà T được quyền sở hữu. Hiện nay 03 con t râu do nguyên đơn đang trực tiếp quản lý chăm sóc theo bản cam kết ngày 08/6/2020 có xác nhận của UBND xã Phước T, huyệ n SH nên nguyên đơn được tiếp tục tạm giữ nuôi d ưỡng 03 con trâu này kể ngày tuyên án hôm nay (15/9/2020) cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật để đảm bảo cho việc xác định quyền sở hữu cũng như việc thi hành án (Khi bản án có hiệu lực pháp luật 03 con trâu trên thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn. Cơ quan thi hành án dân sự không phải thi hành án vì 03 con trâu đang do nguyên đơn quản lý sở hữu).

3. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại tiền công chăm sóc trâu của nguyên đơn vì nguyên đơn đã xác định là trâu của mình và tự nguyện cam kết nhận 03 con trâu về chăm sóc thì phải bỏ công sức chăm sóc 03 con trâu này nên HĐXX không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

4. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn phải xác định 03 con trâu thuộc quyền sở hữu của bị đơn và tiền vận chuyển trâu ra ngoài Bắc với chi phí 35.000.000đ vì không có cơ sở.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng và quy định về quyền kháng cáo của đương sự.

Ngày 26/9/2020 đại diện bị đơn ông Trần Ngọc Liễu kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo - cho rằng bắt ba con trâu ở khu vực rừng Sốt Rét cách xa trại trâu của nguyên đơn khoảng 15km đường núi nên việc ba con trâu lạc từ Phú M, ĐX đến Phước T, SH rất khó xảy ra, hơn nữa nguyên đơn có đến 65 con trâu chăn thả, thời gian kiểm đếm thấy mất trâu và đến trại bị đơn tìm trâu chỉ có trong một ngày là bất hợp lý. Đặc điểm của ba con trâu được nguyên đơn mô tả lại sau khi đã vào chuồng trại bị đơn xem trực tiếp ba con trâu là không còn giá trị. Trong ba con trâu có một con bấm lỗ tai, hai con còn lại không bấm mà Tòa án cấp sơ thẩm công nhận cả ba con của nguyên đơn là không khách quan. Bị đơn mua trâu của dân làng có giấy tờ và được chính quyền xác nhận chứ không phải trâu gian.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên phát biểu quan điểm: Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của đương sự trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án là đúng theo quy định của pháp luật. Về việc giải quyết vụ án: Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, ý kiến các bên đương sự, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn kháng cáo và nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trong thời hạn luật định là kháng cáo hợp lệ, được chấp nhận để xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Về nội dung kháng cáo của bị đơn:

Nguyên đơn ông Trần Văn N căn cứ vào đặc điểm của 03 con trâu “01 con trâu cái màu da đen xám, cao khoảng 1.4m, sừng cúm dài khoảng 50cm (05 tất), chân phía trước bên trái bị dính bẩy còn sẹo trên móng đeo; 01 con trâu cái màu da đen xám, cao khoảng 1.4m, sừng cúm dài khoảng 50cm (05 tất), chân sau phía bên trái bị dính bẩy còn sẹo, có dấu bấm tai và 01 con trâu nghé cái màu da xám, chiều cao khoảng 1.1m sừng chấm tai” và lời khai của những người làm chứng là các ông Ma V, Lê Văn L1, Huỳnh Duy Tự Đ, Nguyễn Ngọc L2 có nội dung “Vào tháng 4/2020, một số anh em trong tổ bảo vệ rừng gồm có ông Ma V, ông Lợi, ông Lai và ông Tám đi tuần tra rừng tại khu vực rừng suối Sóc Bay, có gặp một nhóm người của ông L dắt 03 con trâu xuống hướng Đồng Tra thuộc địa phận xã Phước T, huyện SH còn đặc điểm nhận dạng hình dạng con trâu thì các ông không nhớ và không biết trâu của ai”, để khởi kiện yêu cầu ông Hoàng Văn L trả lại 03 con trâu.

Còn bị đơn ông Hoàng Văn L căn cứ vào lời xác nhận của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (người bán trâu) ông Lê Mo Th(Ma Nháp), bà La Lan Thị AB(Mí Beng) xác nhận 03 con trâu đang tranh chấp là trâu của ông Ma Nháp và Mí Beng bán cho ông L và lời khai của những người làm chứng, gồm Lê O Hoan, Lê Mo Nẻo, Sô Minh Đeo: “Năm 2020 ngày tháng nào không nhớ, chúng tôi 04 người gồm: tôi (La Mo Nẻo), Ma Khánh, Sô Minh H2 (Ma Thư), Ma Tú đi thăm rừng (Tổ bảo vệ rừng cấm), phát hiện 03 con trâu gồm: 02 con trâu cái và 01 con trâu nghé cái đang nằm dưới bùn nước tại khu vực Sốt Rét, xã Phước T, huyện SH. Sau đó, báo cho ông Hoàng Văn L, ông L nói đây đúng là 03 con trâu ông mua của buôn Ma Giai, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Ông L có nhờ chúng tôi và anh em của ông L khoảng 14 người vây bắt 03 con trâu, khi bắt được trâu ông L trả ngày công cho chúng tôi mỗi người 200.000đồng. Đối với 03 con trâu đang tranh chấp này thì chúng tôi khẳng định không biết trâu của ai”.

Trong khi đó, người bán trâu cho ông Hoàng Văn L là ông Lê Mo Th(Ma Nháp) có nhiều lời khai mâu thuẫn nhau, tại lời khai ngày 12/5/2020 (bút lục số 36, 37) thì: “Năm 1981, tôi (Ma Nháp) cùng với anh họ Ra Lan Piêu (Oi Khánh), xuống An Ninh, Tuy An mỗi người mua 01 con trâu, tôi mua con trâu cái, còn Oi Khánh mua con trâu đực. Đến năm 1995 con trâu phát triển thành đàn với tổng đàn trâu là 14 con. Thời gian này thường xuyên chăm sóc tại khu vực “Lơ Toong” (Đồng Tra). Đến năm 1998, đàn trâu xa dần với sự chăm sóc của con người, cho đến thời điểm bán cho ông L là năm 2019… Khi bán cho ông L không xác định được tổng đàn trâu là bao nhiêu. Việc mua bán đôi bên chỉ là thỏa thuận “Bán độ”. Thấy dấu đi của con trâu và khu vực ... Việc mua bán không được thỏa đáng thấy nhiều người (chủ trâu) bán buộc bán theo. Hơn nữa số lượng con trâu của 10 chủ không xác định được tổng đàn. Vì số lượng con trâu này như là “Hoang dã” không tiếp xúc được người như bỏ chạy hoặc là có tính “Hung dữ”… Việc tranh chấp tài sản con trâu của ông L, hoàn toàn tôi (Ma Nháp) không biết. Vào khoảng 8 giờ ngày tháng không nhớ rõ, ông L chở Ma Khen, còn tôi tự đi bằng xe máy. Trả công cho 03 người 300.000đ/người để nhìn nhận con trâu… Việc nhìn nhận con trâu là dựa vào số người săn bắt trâu. Con trâu của tôi (Ma Nháp) nói riêng và số chủ có trâu nói chung không có đặc điểm gì cả. Chỉ dựa vào lời nói của số người săn bắt. Số người này chỉ khu vực bên rừng “Sốt rét”. Đó là cơ sở khu vực mà đàn trâu của buôn Ma Giai thường ăn đi lại… Trong việc nhìn nhận con trâu tranh chấp của ông L là một việc làm hoàn toàn sai của bản thân tôi (Ma Nháp), thiếu suy nghĩ, không nhận định được con trâu tranh chấp này ở khu vực nào, chỉ dựa vào lời nói của người săn bắt mà thôi, ngoài ra không có cơ sở gì, hoặc đặc điểm gì cả”. Còn lời khai của bà La Lan Thị AB(Mí Beng) ngày 30/4/2020 thì “Tôi lúc mua bán trâu tôi không có đến tại địa điểm bán trâu ở khu vực Cổng Trời và tôi không biết rõ đặc điểm của trâu nhà mình là như thế nào, tôi chỉ nghe ông Lê Mo Th(Ma Nháp) có kể lại là trâu của chị còn hai con.”.

Qua lời khai của ông Lê Mo Th(Ma Nháp) và bà La Lan Thị AB(Mí Beng) thì hai người này không xác định được trâu đang tranh chấp là của mình. Ông Thiệu (Ma Nháp) và những người làm chứng khác của ông L vì nhận tiền của ông L mà khai báo không khách quan. Án sơ thẩm đã căn cứ vào những đặc điểm từng con trâu do ông N cung cấp và lời khai của các ông Ma V, Lê Văn L1, Huỳnh Duy Tự Đ, Nguyễn Ngọc L2 chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông L trả lại 03 con trâu cho ông N và bác yêu cầu phản tố của ông L là có căn cứ đúng pháp luật. Xét lời đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn.

[2] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm và án dân sự sơ thẩm, nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu không được chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Hoàng Văn L. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Áp dụng các Điều 147, Điều 148, Điều 165 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 166 của Bộ luật Dân sự 2015; Điều 26 và Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Văn N và bà Nguyễn Thị T yêu cầu bị đơn ông Hoàng Văn L trả lại ba con trâu.

2. Buộc ông Hoàng Văn L phải trả lại ba (03) con trâu có đặc điểm hình dạng: 01 con trâu cái màu da đen xám, cao khoảng 1.4m, sừng cúm dài khoảng 50cm (05 tất), chân phía trước bên trái bị dính bẩy còn sẹo trên móng đeo; 01 con trâu cái màu da đen xám, cao khoảng 1.4m, sừng cúm dài khoảng 50cm (05 tất), chân sau phía bên trái bị dính bẩy còn sẹo, có dấu bấm tai và 01 con trâu nghé cái màu da xám, chiều cao khoảng 1.1m sừng chấm tai cho nguyên đơn vợ chồng ông N và bà T được quyền sở hữu. Hiện nay 03 con trâu do nguyên đơn đang trực tiếp quản lý chăm sóc.

3. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại tiền công chăm sóc trâu của nguyên đơn vì nguyên đơn đã xác định là trâu của mình và tự nguyện cam kết nhận 03 con trâu về chăm sóc.

4. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn đòi nguyên đơn trả tiền vận chuyển trâu ra ngoài Bắc bán với chi phí 35.000.000đồng vì không có cơ sở.

5. Về chi phí định giá tài sản: Bị đơn ông Hoàng Văn L phải chịu và phải hoàn trả lại cho nguyên đơn ông Trần Văn N số tiền 2.500.000đ (Hai triệu năm trăm nghìn đồng).

6. Về án phí:

Bị đơn ông Hoàng Văn L phải chịu án phí dân sự sơ thẩm số tiền 5.000.000đ và án phí dân sự phúc thẩm số tiền 300.000đ nhưng được trừ vào số tiền 875.000đ và 300.000đ mà ông L đã nộp tại các Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0006189 ngày 04/9/2020 và 0006210 ngày 09/10/2020 đều của Chi cục Thi hành án dân sự huyện SH. Ông L còn phải nộp số tiền 4.125.000đ (Bốn triệu một trăm hai mươi lăm nghìn đồng).

Nguyên đơn ông Trần Văn N và bà Nguyễn Thị T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu bồi thường tiền công chăm sóc không được chấp nhận số tiền 932.500đ, được khấu trừ vào số tiề n 300.000đ mà ông N đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0006103 ngày 05/6/2020 của Chi cục Th i hành án dân sự huyện SH. Ông N, bà T còn phải nộp số tiền 632.500đ (Sáu trăm ba mươi hai nghìn năm trăm đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thi hành xong khoản tiền phải thi hành án thì phải chịu thêm khoản lãi suất theo Điều 357 và khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành xong.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

706
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về đòi lại tài sản số 87/2020/DS-PT

Số hiệu:87/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Phú Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:28/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về