Bản án về đòi bồi hoàn tiền bảo hiểm số 678/2023/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ H

BẢN ÁN 678/2023/KDTM-PT NGÀY 22/06/2023 VỀ ĐÒI BỒI HOÀN TIỀN BẢO HIỂM

Trong các ngày 22 tháng 6 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố H xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 21/2023/KDTM-PT ngày 16 tháng 02 năm 2023 về việc: “Đòi bồi hoàn tiền bảo hiểm” Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 3805/2022/KDTM-ST ngày 28 tháng 9 năm 2022 Tòa án nhân dân thành phố TD, Thành phố H bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 2247/2023/QĐPT-KDTM ngày 24 tháng 5 năm 2023 giữa các đương sự:

1. Ng đơn:Công ty TNHH Bảo hiểm Phi Nhân Thọ M Việt Nam Địa chỉ: Tầng 10 Tòa nhà Corner Stone số 16 Phan Chu Trinh, phường Phan Chu Trinh, quận H, Thành phố H1.

Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền: Ông Lê Công Tr (Thư ủy quyền số: C-CCD/2023/32 ngày 01/3/2023 và Giấy ủy quyền số:03.06.23/GUQ-InS ngày 22/6/2023) (Có mặt)

2. Bị đơn gồm:

2.1. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải X

Địa chỉ: 76 Đại lộ, phường Phước Bình, thành phố TD, Thành phố H.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Trương Xuân H. (Vắng mặt)

2.2. Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ du lịch Đ

Địa chỉ: 48 Bắc Sơn, phường Hòa An, quận C, Thành phố Đ1.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Đỗ Trần Ng. (Có mặt)

3.Người có quyền và nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH Y Việt Nam.

Địa chỉ: Xã Trung Giã, huyện S, Thành phố H1

Người đại diện ủy quyền: Ông Đậu Quang H (Có đơn xin vắng mặt).

Địa chỉ: Số 5 Ngõ 59 Chùa Bộc, phường Trung Liệt, quận Đ, Thành phố H1.

4. Người kháng cáo: Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ du lịch Đ.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tóm tắt nội dung vụ án và quyết định của bản án sơ thẩm như sau:

Ng đơn- Công ty Công ty TNHH Bảo hiểm Phi Nhân Thọ M Việt Nam (sau đây viết tắt là Công ty M) có đại diện theo ủy quyền trình bày:

Công ty TNHH Y Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty Y) có ký hợp đồng bảo hiểm hàng hóa số VN-C0214 với Công ty M với thời hạn từ 01/01/2012 đến khi hủy hợp đồng. Mức giới hạn trách nhiệm đối với hàng nội địa là 1.000.000 USD/tai nạn/vụ. Hàng hóa là 40 chiếc xe máy Y các loại.

Vào khoảng 15 giờ 42 phút ngày 24/04/2019, ông Trần Ngọc Ánh điều khiển xe ô tô BKS 50LD-X kéo theo xe sơ mi rơ mooc biển kiểm soát 51R- X lưu thông trên Quốc lộ 1A. Khi đi đến đoạn đường Km 948+500 QL 1A thuộc thôn Tân Mỹ, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thì xảy ra tai nạn với xe ô tô tải thùng biển kiểm soát 29LD-X chở 40 chiếc xe máy nhãn hiệu Y do ông Nguyễn Hữu Minh điều khiển đang lưu thông trên đường. Thời điểm xảy ra tai nạn, xe ô tô khách biển kiểm soát 43B-X do ông Nguyễn Thái P điều khiển đã không giữ khoảng cách an toàn nên tiếp tục đâm vào đuôi xe ô tô tải biển kiểm soát 29LD-X làm cho ông Hồ Văn Vĩnh (là phụ xe ô tô khách mang biển kiểm soát 43B-X) chết, các xe ô tô có liên quan đến vụ tai nạn giao thông và 40 chiếc xe máy trên xe ô tô tải biển kiểm soát 29LD-X bị hư hỏng nặng.

Theo biên bản Họp Hội Đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ngày 21/8/2018 thì 40 chiếc xe máy nhãn hiệu Y các loại bị hư hỏng có giá trị thiệt hại là 524.354.000 đồng. Theo Chứng thư giám định số 20180043/HAN của Công ty Asia control ngày 28/05/2019 thì giá trị hàng hư hỏng có giá trị là 1.126.146.818 đồng.

Do thiệt hại này thuộc phạm vi bồi thường bảo hiểm nên Công ty M đã quyết định bồi thường cho Công ty Y với số tiền là 1.126.146.818 đồng. Sau đó, Công ty M đã chủ động liên hệ với Công ty TNHH TM DV Vận tải X (sau đây gọi là Công ty X) và Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ du lịch Đ (sau đây gọi là Công ty Đ) là hai chủ sở hữu của hai chiếc xe trong vụ tai nạn để yêu cầu hoàn trả khoản tiền bồi thường nhưng không được phản hồi. Nên Công ty M căn cứ Điểm e khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (đã sửa đổi bổ sung 2010 và 2019) để khởi kiện yêu cầu Công ty X và Công ty Đ cùng có nghĩa vụ liên đới bồi hoàn khoản tiền 524.354.000 đồng theo định giá của Hội Đồng định giá tài sản ngày 21/8/2018.

Bị đơn - đại diện Công ty X vắng mặt nhưng có văn bản trình bày như sau: Công ty X không có mối quan hệ về mua, bán bảo hiểm hay tranh chấp gì với Công ty M. Vì vậy Công ty X không có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty M. Vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 24/4/2018 đã được Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử vào ngày 26/6/2020 và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Bị đơn - Công ty Đ có đơn xin vắng mặt nhưng có bản tự khai trình bày: Vụ tai nạn xảy ra ngày 24/4/2028 đã được các cơ quan chức năng thẩm định và xác định thiệt hại. Các bị cáo Trần Ngọc Ánh và Nguyễn Thái P đã phải chịu trách nhiệm hình sự theo Bản án hình sự sơ thẩm số 26/2020/HSST ngày 26/6/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam. Ông Nguyễn Thái P là nhân viên lái xe của Công ty Đ nên mặc dù sự việc là tình huống bất ngờ xảy ra ngoài ý chí chủ quan nhưng Công ty Đ và ông Nguyễn Thái P đã bồi thường cho anh Hồ Văn Vĩnh. Nhận thấy sự việc đã được bản án ghi nhận đúng tình huống nhưng lỗi gây thiệt hại cho Công ty Y không phải lỗi của xe Công ty Đ gây ra. Do đó, Công ty Đ không đồng ý yêu cầu bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của Công ty MISG. Các quy định về bảo hiểm khi xảy ra sự cố đã có Luật Bảo hiểm quy định và bên tham gia bảo hiểm đã được Công ty MISG bồi thường.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Y có đơn xin vắng mặt nhưng có bản khai như sau: Công ty Y có ký hợp đồng bảo hiểm hàng hóa với Công ty M đúng như trình bày của Ng đơn.

Ngày 31/3/2018, Công ty Y ký kết hợp đồng vận chuyển số 03/2018/YMVN-LVC với Công ty TNHH LOGITEM Việt Nam để vận chuyển 40 chiếc xe gắn máy hiệu Y. Ngày 24/4/2018, Công ty TNHH LOGITEM Việt Nam đã bố trí xe Ô tô tải biể kiểm soát 29LD-X do anh Nguyễn Hữu Minh điều khiển để vận chuyển hoàng hóa và đã xảy ra tai nạn. Theo Bản kết luận điều tra vụ án hình sự số 50 ngày 22/4/2019 về việc đề nghị truy tố của Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Quảng Nam thì 40 chiếc xe máy nhãn hiệu Y trong vụ tai nạn bị hư hỏng phải tiêu hủy toàn bộ. Giá trị thiệt hại là 1.126.146.818 đồng. Công ty M đã bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Công ty Y. Công ty Y đã ký biên nhận và thế quyền để chuyển quyền đòi bồi thường sang cho Công ty M. Công ty Y không còn quyền lợi gì trong vụ án cũng như số tiền bồi thường thiệt hại.

Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. TD tại phiên tòa:

Về thủ tục tố tụng: Kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng chấp hành đúng quy định pháp luật.

Về nội dung vụ án: Đề nghị chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Ng đơn.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 3805/2022/KDTM-ST ngày 28 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố TD, Thành phố H đã quyết định:

Căn cứ vào:

- Khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 273 và Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Khoản 1 Điều 87, Điều 365, khoản 3 Điều 584, Điều 587, Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Điều 17, Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm;

- Nghị quyết 326/2016/UBTV-QH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Luật Thi hành án dân sự; Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - Công ty TNHH Bảo hiểm Phi Nhân Thọ M Việt Nam:

Buộc Công ty TNHH TM và DV Vận tải X và Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ du lịch Đ phải cùng có nghĩa vụ liên đới bồi hoàn khoản tiền 524.354.000 đồng cho Công ty TNHH Bảo hiểm Phi Nhân Thọ M Việt Nam. Thanh toán một lần ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

Các bên thi hành tại cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí quyền kháng cáo và nghĩa vụ chậm thi hành án của các đương sự.

Ngày 03/11/2022, Tòa án cấp sơ thẩm nhận đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm của Công ty Đ.

Nội dung kháng cáo: Người gây ra tai nạn và thiệt hại cho 40 chiếc xe gắn máy của Công ty Y là ông Trần Ngọc Ánh, tài xế của Công ty X. Còn xe của Công ty Đ do tài xế Nguyễn Thành P điều khiển đi phía sau và bị dồn ép mới va chạm vào xe chở 40 chiếc xe trên. Đây là trách nhiệm bồi thường của bi cáo Trần Ngọc Ánh. Do vậy Công ty Đ không có lỗi gây ra thiệt hại nên không đồng ý bồi thường thiệt hại. Đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm sửa toàn bộ bản án sơ thẩm. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty M đòi Công ty Đ phải bồi thường thiệt hại cho Công ty M. Ngoài ra đây là yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại nên bản án sơ thẩm xác định tranh chấp kinh doanh thương mại là không đúng.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

* Đại diện hợp pháp của Công ty Đ trình bày: Sửa lại yêu cầu kháng cáo là đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Lý do: Để xét xử lại vụ án đảm bảo công bằng cho Công ty Đ.

* Ng đơn trình bày: Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

* Đại diện Viện Kiểm Sát nhân dân TP. H phát biểu ý kiến:

- Về tố tụng: Tại phiên tòa, những người tiến hành tố tụng thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về nội dung: Theo quy định tại Điều 587 Bộ Luật dân sự thì trách nhiệm liên đới bồi trường thiệt hại trong vụ tai nạn nêu trên được xác định là bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc Công ty X và Công ty Đ phải liên đới trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Ng đơn nhưng bổ sung Quyết định về việc xác định cụ thể phần bồi thường theo đúng quy định tại Điều 587 Bộ Luật dân sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền: Ng đơn căn cứ hợp đồng bảo hiểm được ký kết giữa Công ty M với Công ty Y và văn bản thế quyền ngày 31/5/2019, ngày 01/4/2020 để khởi kiện tranh chấp yêu cầu Công ty X và Công ty Đ bồi hoàn tiền bảo hiểm. Do vậy đây là tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Các Bị đơn là Công ty X có trụ sở tại thành phố TD, Thành phố H và Công ty Đ có trụ sở tại quận C, Thành phố Đ1. Do vậy Tòa án nhân dân thành phố TD, Thành phố H căn cứ điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39, điểm h khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền.

[1.2] Về việc vắng mặt của Công ty Y và Công ty X: Tòa án đã tống đạt hợp lệ giấy triệu tập tham gia phiên tòa xét xử theo đúng quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 cho Công ty X nhưng Công ty X vẫn vắng mặt không có lý do. Về phía Công ty Y thì có đơn xin vắng mặt. Do vậy căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227 và Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử.

[1.3] Về xác định tư cách tham gia tố tụng của đương sự trong vụ án:

Trong đơn khởi kiện đề ngày 25/02/2021, Công ty M khởi kiện yêu cầu các bị đơn là ông Trần Ngọc Ánh; ông Nguyễn Thái P; Công ty X và Công ty Đ phải hoàn trả số tiền 1.126.146.818 đồng.

Tại đơn khởi kiện đề ngày 13/4/2021 về việc thay đổi nội dung khởi kiện thì Ng đơn xác định chỉ yêu cầu Công ty X và Công ty Đ phải liên đới bồi hoàn khoản tiền 524.354.000 đồng. Do đó, Bản án sơ thẩm không triệu tập ông Trần Ngọc Ánh và ông Nguyễn Thái P tham gia tố tụng với tư cách là Bị đơn trong vụ án là có cơ sở.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của Công ty Đ, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[2.1] Về hiệu lực của Hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty M và Công ty Y: Theo đơn bảo hiểm nguyên tắc hàng hóa vận chuyển số VN- C0214 ngày 09/01/2012 do Công ty M cấp cho lô hàng của Công ty Y ghi nhận nội dung cụ thể như sau: thời hạn hợp đồng từ 01/01/2012 đến khi hủy hợp đồng; mức giới hạn trách nhiệm đối với hàng nội địa là 1.000.000 USD/tai nạn/vụ; hàng hóa là xe máy Y các loại; Vận chuyển đường bộ/xe tải. Bản án sơ thẩm nhận định cho rằng Đơn bảo hiểm là căn cứ phát sinh giao dịch bảo hiểm về hàng hóa, giao dịch có nội dung không vi phạm điều cấm của pháp luật không trái đạo đức xã hội nên có giá trị pháp lý làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của các bên là có cơ sở.

[2.2] Về lỗi xảy ra thiệt hại và giá trị thiệt hại:

Tại Biên bản họp hội đồng định giá tài sản trong tố tụng Hình sự ngày 21/8/2018 và kết luận định giá tài sản số 2161/CV-HĐ ngày 14/9/2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Quảng Nam thuộc Sở tài chính tỉnh Quảng Nam đã xác định giá trị thiệt hại tài sản trong vụ tai nạn giao thông xảy ra vào thời điểm ngày 24/4/2018 tại KM984+500 Quốc lộ 1A thuộc thôn Tân Mỹ, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là 40 xe Mô tô Y của Công ty Y có giá trị 524.354.000 đồng.

Tại Bản án hình sự số 25/2020/HSST ngày 26/6/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam nhận định như sau: “Hàng hóa trên xe ô tô tải BKS 29LD-X (40 chiếc xe Y các loại) bị thiệt hại theo kết luận định giá là 524.354.000 đồng, nguyên nhân do các bị cáo Trần Ngọc Ánh điều khiển xe ô tô BKS 50LD-X kéo theo xe sơ mi rơ móc BKS 51R-X đi không đúng phần đường, lấn làn sang phần đường dành cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và bị cáo Nguyễn Thái P điều khiển xe ô tô khách BKS 43B- 0X không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe ô tô tải BKS 29LD- X. Theo Công văn số 244/C09C-DD3 ngày 17/12/2018 của Phân viện khoa học hình sự tại Đ1 xác định: không đủ cơ sở xác định chiều hướng và lực tác động giữa các xe dẫn đến hư hỏng 40 chiếc xe máy nhãn hiệu Y trên ô tô tải BKS 29LD-X, cũng không có cơ sở để làm rõ các dấu vết hư hỏng trên 40 chiếc xe máy là xe nào tác động gây ra. Trong trường hợp này, do không phân hóa được mức độ lỗi cũng như không xác định được cụ thể phần thiệt hại của từng bị cáo gây ra nên buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự chung đối với toàn bộ thiệt hại của 40 chiếc xe máy nêu trên...”.

Bản án hình sự số 25/2020/HSST ngày 26/6/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng xác định nguyên nhân gây ra thiệt hại đối với 40 chiếc xe gắn máy nêu trên là do lỗi của bị cáo Trần Ngọc Ánh điều khiển xe ô tô BKS 50LD-X và bị cáo Nguyễn Thái P điều khiển xe ô tô khách BKS 43B- 0X. Đồng thời quyết định tuyên mức án về trách nhiệm hình sự đối với hai bị cáo Trần Ngọc Ánh và bị cáo Nguyễn Thái P.

Như vậy có cơ sở xác định: thiệt hại là giá trị của 40 chiếc xe gắn máy với tổng số tiền là 524.354.000 đồng và thiệt hại xảy ra do lỗi của người điều khiển xe ô tô BKS 50LD-X và người khiển xe ô tô khách BKS 43B- 0X.

[2.3] Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đối chiếu với trình bày của các bên đương sự tại Tòa án đã thống nhất xác định: xe ô tô khách có số biển kiểm soát 43B- 0X thuộc sở hữu của Công ty Đ và xe ô tô có số biển kiểm soát 50LD-X thuộc sở hữu của Công ty X; ông Nguyễn Thái P là nhân viên lái xe của Công ty Đ và ông Trần Ngọc Ánh là nhân viên lái xe cho Công ty X.

Theo khoản 3 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “ Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại...”. Như vậy bản án sơ thẩm xác định tránh nhiệm bồi thường thiệt về tài sản trong vụ tai nạn nêu trên thuộc về Công ty X và Công ty Đ là có cơ sở. Trình bày tại đơn kháng cáo của Công ty Đ từ chối yêu cầu khởi kiện của M vì cho rằng quy định về bảo hiểm khi xảy ra sự cố đã có Luật Bảo hiểm quy định, Công ty Y tham gia bảo hiểm đã được Công ty MISG bồi thường và Công ty Đ không có lỗi gây ra thiệt hại nên không đồng ý bồi thường thiệt hại là không có căn cứ.

Tại Điều 587 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định:“Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây ra thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo từng phần bằng nhau”. Theo nhận định của Bản án hình sự số 25/2020/HSST ngày 26/6/2020 về mức độ lỗi của các bị cáo Nguyễn Thái P và Trần Ngọc Ánh thì do không phân hóa được mức độ lỗi cũng như không xác định được cụ thể phần thiệt hại của từng bị cáo gây ra nên buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự chung đối với toàn bộ thiệt hại của 40 chiếc xe máy nêu trên. Như vậy đây là trường hợp thiệt hại do nhiều người cùng gây ra nhưng không xác định được mức độ lỗi của từng người nên việc bồi thường thiệt hại được áp dụng theo quy định tại Điều 587 Bộ Luật dân sự năm 2015 viện dẫn nêu trên. Trong trường hợp này phải xác định cụ thể nghĩa vụ Công ty X bồi hoàn số tiền là 262.177.000 đồng và Công ty Đ bồi hoàn số tiền là 262.177.000 đồng. Bản án sơ thẩm buộc nghĩa vụ liên đới là đúng nhưng không xác định cụ thể phần nghĩa vụ của mỗi người là không áp dụng đầy đủ quy định của pháp luật.

[3] Về khởi kiện của Công ty M yêu cầu Công ty X và Công ty Đ bồi thường thiệt hại. Xét thấy:

Công ty M là pháp nhân kinh doanh bảo hiểm và có giao dịch bảo hiểm tài sản với Công ty Y. Thiệt hại xảy ra trong vụ tai nạn nêu trên thuộc phạm vi bảo hiểm. Công ty M đã bồi thường thiệt hại cho Công ty Y. Tại điểm e Khoản 1 Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010) quy định:“Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền: Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm do người thứ ba gây ra đối với tài sản và trách nhiệm dân sự”. Theo Giấy Biên nhận và thế quyền ngày 31/5/2019, ngày 01/4/2020 thể hiện Y đã chuyển toàn bộ quyền và lợi ích của Y cho M trong việc truy đòi trách nhiệm của bên thứ ba tương ứng với số tiền Y đã nhận từ M, việc chuyển quyền này phù hợp quy định tại Điều 365 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó M khởi kiện Công ty X và Công ty Đ là chủ sở hữu của tài sản gây ra thiệt hại phải bồi thường thiệt hại là có cơ sở phù hợp với quy định điểm e Khoản 1 Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm viện dẫn nêu trên.

Từ những phân tích trên, căn cứ khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng bổ sung như đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tại phiên tòa. Trình bày kháng cáo của Công ty Đ đề nghị hủy bản án sơ thẩm nhưng không chứng minh được thuộc trường hợp phải hủy theo Điều 310 Bộ Luật tố tụng Dân sự nên không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

[4] Về án phí:

[4.1] Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty X và Công ty Đ phải chịu án phí tính trên nghĩa vụ đối với số tiền mà mỗi bên phải thanh toán cho Ng đơn.

[4.2] Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

[5] Về nghĩa vụ chậm thi hành án: Được áp dụng theo điểm b Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 và Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ du lịch Đ. Sửa một phần bản án sơ thẩm như sau:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty TNHH Bảo hiểm Phi Nhân Thọ M Việt Nam:

Buộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải X và Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ du lịch Đ phải có nghĩa vụ liên đới bồi hoàn tiền bảo hiểm cho Công ty TNHH Bảo hiểm Phi Nhân Thọ M Việt Nam số tiền 524.354.000 đồng là khoản tiền mà Công ty TNHH Bảo hiểm Phi Nhân Thọ M Việt Nam đã bồi thường cho người được bảo hiểm là Công ty TNHH Y Việt Nam. Cụ thể: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải X bồi hoàn số tiền là 262.177.000 đồng và Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ du lịch Đ bồi hoàn số tiền là 262.177.000 đồng .

2. Về án phí:

2.1. Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải X phải chịu là 13.108.850 đồng. Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ du lịch Đ phải chịu là 13.108.850 đồng.

Công ty TNHH Bảo hiểm Phi Nhân Thọ M Việt Nam được trả lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 22.892.202 đồng theo Biên lai thu tiền số AA/2018/0028678 ngày 13/4/2021 của Chi cục thi hành án dân sự Thành phố TD.

2.2. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

Số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm là 2.000.000 đồng theo biên lai thu tiền số AA/2022/006791 ngày 11/11/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố TD, TP. H được trả lại cho Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ du lịch Đ.

Các bên thi hành tại cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.

3. Về nghĩa vụ chậm thi hành án: Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, quyền tự nguyện thi hành án, hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

140
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về đòi bồi hoàn tiền bảo hiểm số 678/2023/KDTM-PT

Số hiệu:678/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:22/06/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về