Bản án về chia thừa kế và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 138/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 138/2022/DS-PT NGÀY 07/06/2022 VỀ CHIA THỪA KẾ VÀ YÊU CẦU HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 07 tháng 06 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 62/TBTL-TA ngày 21 tháng 4 năm 2022 về việc:“Tranh chấp chia thừa kế và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2022/DS-ST ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1628/2022/QĐ-PT ngày 18 tháng 5 năm 2022, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

- Ông Nguyễn Văn C, sinh năm: 1969; địa chỉ: thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế; có mặt.

- Bà Nguyễn Thị Thúy V, sinh năm: 1956; địa chỉ: thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế; có mặt.

- Bà Nguyễn Thị C, sinh năm: 1963; địa chỉ: thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế; có mặt.

- Bà Nguyễn Thị C, sinh năm: 1965; địa chỉ: thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế; có mặt.

- Ông Nguyễn Song C, sinh năm 1949; địa chỉ: tỉnh Quảng Bình.

Người đại diện theo ủy quyền của ông C: Ông Đỗ Hồng C; địa chỉ: thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế; có mặt.

- Bà Nguyễn Thị C, sinh năm: 1953; địa chỉ: tỉnh Quảng Bình; có mặt.

2. Bị đơn: Bà Trần Thị M, sinh năm: 1966; địa chỉ: tỉnh Quảng Bình; có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Anh V, sinh năm 1995, địa chỉ:

tỉnh Quảng Bình; và bà Hoàng Thị Thu P, địa chỉ: tỉnh Quảng Bình; đều có mặt.

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

- Uỷ ban nhân dân huyện T, tỉnh Quảng Bình.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Hồ Duy I, chức vụ: Phó Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện T, tỉnh Quảng Bình; có đơn xin xét xử vắng mặt.

- Ủy ban nhân dân xã L, huyện T; người đại diện theo pháp luật: Ông Đậu Đình H, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, có đơn xét xử vắng mặt.

- Anh Nguyễn Thành H, sinh năm: 1990; địa chỉ: thôn Q, xã L, huyện T, tỉnh Quảng Bình; có đơn xin xử vắng mặt.

- Chị Nguyễn Thị Thu H, sinh năm: 1993; địa chỉ: thôn Q, xã L, huyện T, tỉnh Quảng Bình; có mặt.

- Chị Nguyễn Thị Thúy H, sinh năm: 1994; địa chỉ: thôn Q, xã L, huyện T, tỉnh Quảng Bình; có đơn xin xử vắng mặt.

- Anh Nguyễn Sỹ H, sinh năm: 2001; địa chỉ: thôn Q, xã L, huyện T, tỉnh Quảng Bình; có đơn xin xử vắng mặt.

4. Người kháng cáo: Bà Trần Thị M, bị đơn, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

[1] Nội dung vụ án được tóm tắt theo trình bày của đương sự như sau:

-Theo Đơn khởi kiện và quá trình tố tụng, đồng nguyên đơn cùng trình bày:

Bố mẹ các ông bà là cụ Nguyễn Văn T (chết năm 1983) và cụ Phạm Thị B (chết năm 2018), hai cụ qua đời không để lại di chúc. Hai cụ có 7 người con: Nguyễn Văn C, Nguyễn Song C, Nguyễn Thị C, Nguyễn Thị Thúy V, Nguyễn Thị C, Nguyễn Thị C, Nguyễn Văn C (đã chết tháng 8/2017). Lúc còn sống cụ T và cụ B khai hoang một thửa đất có diện tích 3.487m2 tại thôn Q, xã L, huyện T, tỉnh Quảng Bình, hai cụ dựng 01 ngôi nhà tạm, các anh chị em trong gia đình cùng sinh sống tại nhà đất đó. Năm 1985-1986 bà Nguyễn Thị Thúy V xây dựng nhà kiên cố cho Bố mẹ ở. Năm 1989 ông Nguyễn Thành C kết hôn với bà Trần Thị M và về ở chung với bố mẹ. Năm 1993 ông C, bà M chuyển ra ở riêng. Năm 1996, vì hoàn cảnh khó khăn nên các anh chị em trong gia đình bảo vợ chồng ông C, bà M về ở với bố mẹ từ đó đến nay. Quá trình chung sống với bố mẹ, ông C bà M tự ý kê khai để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc của bố mẹ mà không thông qua ý kiến của các ông bà trong gia đình. Năm 2018, sau khi cụ B mất, các anh chị em về họp gia đình để làm nhà thờ mới biết đất của bố mẹ đã được UBND huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông C, bà M vào ngày 21/12/2000 mà không có Hợp đồng tặng cho của bố mẹ, cũng không có văn bản thỏa thuận của các anh chị em trong gia đình về việc đồng ý cho ông C, bà M sử dụng thửa đất của Bố mẹ để lại. Nay các đồng nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ T và cụ B, đồng thời yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện T đã cấp cho ông Nguyễn Văn C, bà Trần Thị M; các nguyên đơn thống nhất yêu cầu bà Trần Thị M chia ½ diện tích đất phía Nam của thửa đất hiện nay bà M đang sử dụng để làm nhà thờ tổ tiên, quá trình sinh sống bà M đã chuyển nhượng một phần thửa đất thì các nguyên đơn không có ý kiến gì.

-Bị đơn bà Trần Thị M trình bày:

Năm 1989, bà Trần Thị M kết hôn với ông Nguyễn Văn C. Sau khi kết hôn thì Bà về chung sống với gia đình chồng, các anh chị em chồng đã thoát ly và xây dựng gia đình riêng. Sau khi cụ T mất chỉ còn lại vợ chồng ông C bà M và cụ B sinh sống trên thửa đất hiện nay đang có tranh chấp. Khoảng năm 1993-1995 vợ chồng bà có Sổ hộ khẩu thường trú tại xã L, huyện T. Năm 2000 khi nhà nước có chủ trương làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà M xuất trình các giấy tờ về đất đai và được sự đồng ý của cụ B nên trong năm 2000 ông C, bà M đã được UBND huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2006, năm 2008, năm 2009 do điều kiện hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng bà M đã tách thửa và chuyển nhượng cho 03 hộ gia đình ở liền kề là hộ ông Ngô Đức T và hộ ông Phạm Văn L, hộ ông Nguyễn Thanh T, việc chuyển nhượng này các đồng nguyên đơn đều biết và không có ý kiến phản đối, hiện nay diện tích còn lại của thửa đất là 1.682,3m2 vợ chồng bà sử dụng ổn định, tôn tạo thửa đất tới nay. Việc các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện T đã cấp cho ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị M bà đề nghị Tòa án không chấp nhận đơn khởi kiện của các nguyên đơn vì thửa đất của bà được cấp đúng quy định pháp luật. Mặt khác, bà cũng đề nghị Tòa án xem xét thời hiệu khởi kiện chia thừa kế của nguyên đơn.

- Đại diện Ủy ban nhân dân huyện T trình bày:

Ngày 25/12/2000 hộ gia đình ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị M được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số phát hành P923476, số vào sổ 00055 của thửa đất số 529, tờ bản đồ số 9, diện tích 3.487m2; trong đó đất ở 400m2, đất vườn 3.087m2 tại thôn Q, xã L, huyện T. Quy trình thực hiện đúng trình tự được quy định tại Thông tư số 346/1998/TCĐC ngày 16/3/1998 của Tổng cục địa chính về việc hướng dẫn thủ tục đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 27/4/2006 hộ ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị M làm đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho hộ ông Ngô Đức T và bà Lê Thị Hóa để chuyển nhượng một phần của thửa đất số 529, tờ bản đồ số 9, diện tích chuyển nhượng 1.228m2; trong đó đất ở 120m2, đất vườn 1.108m2, loại đất: đất ở và đất vườn, đã được UBND xã L chứng thực. Ngày 19/7/2006 hộ ông Ngô Đức T và bà Lê Thị Hóa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tại thửa đất số 529, tờ bản đồ số 9, diện tích 1.228m2, trong đó 120m2 đất ở, 1.108m2 đất trồng cây lâu năm. Ngày 02/4/2008 hộ ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị M chuyển nhượng một phần của thửa đất số 9, tờ bản đồ số 1 với diện tích 450m2; trong đó đất ở 150m2, đất vườn 300m2 cho hộ ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Đào, đã được UBND xã L chứng thực ngày 14/01/2018. Ngày 22/6/2008 hộ ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Đào được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tại thửa đất số 529, tờ bản đồ số 9, diện tích 450m2, trong đó 150m2 đất ở, 300m2 đất trồng cây lâu năm.

Ngày 16/4/2008 hộ ông Nguyễn Văn C làm đơn xin chuyển mục đích 150m2 từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở. Ngày 16/4/2008 UBND huyện T đã ban hành Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 16/4/2008 cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Năm 2016 hộ ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị M cấp đổi lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất số 42, tờ bản đồ số 11, diện tích 1.682,3m2, trong đó có 280m2 đất ở và 1.402,3m2 đất vườn. Quy trình cấp đất thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của chính phủ về thi hành Luật đất đaiNghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT ngày 02/8/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn lập hồ sơ, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính. Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 Quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Các người con của ông C, bà M: anh Nguyễn Thành H, chị Nguyễn Thị Thu H, chị Nguyễn Thị Thúy H, anh Nguyễn Sỹ H có ý kiến đồng ý với ý kiến của mẹ là bà Trần Thị M.

- Kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Ngày 02/12/2021, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tiến hành thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, kết quả như sau:

Thửa đất bà Trần Thị M đang sử dụng: Thửa đất số 42, tờ bản đồ số 11, diện tích 1.682,3m2, trong đó đất ở 280m2, đất trồng cây hằng năm 1.402,3m2; trị giá đất ở 280m2 x 276.000đ/m2 = 77.280.000 đồng, đất trồng cây hằng năm 1.402,3m2 x 20.000đ/m2 = 28.046.000 đồng.

Trên thửa đất có nhà chính (1 tầng) diện tích 67,5m2, trị giá 214.380.000 đồng; 01 nhà phụ (bếp) diện tích 35,4m2m, trị giá 39.648.000 đồng; 01 chuồng gà diện tích 7,5m2, trị giá 4.312.500 đồng; 01 chuồng bò diện tích 7m2, đơn giá 2.170.000 đồng; Sân và đường bê tông, diện tích 93,95m2, thành tiền 13.619.000 đồng; Ngoài ra trên đất còn có các cây ăn quả như cam, chanh, ổi, đào, chuối, … và cây trồng lấy gỗ như keo, xoan, mưng, … có trị giá toàn bộ là: 14.656.000 đồng.

Tổng giá trị nhà, công trình phụ, sân bê tông, …, đất và tài sản trên đất (cây cối khác) của bà Trần Thị M là: 394.111.500 đồng.

Số tài sản trên đất chủ yếu nằm tập trung ở phần đất phía Bắc (phần dự kiến chia cho ông C). Còn trên phần đất phía Nam (phần dự kiến phân chia thừa kế cho các nguyên đơn) chỉ có một số cây cối (cây keo, tràm, chanh, ổi, chuối, …) trị giá 8.413.900 đồng.

[2] Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2022/DS-ST ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã quyết định:

Căn cứ vào khoản 5 Điều 26, Điều 34, Điều 147, Điều 157 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 3 Điều 100, khoản 1 Điều 203 của Luật đất đai năm 2013; các Điều 609, 612, 623, 649, 650, 651 và Điều 652 của Bộ luật dân sự 2015; khoản 1, 2 Điều 26, khoản 7 Điều 27 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án. Tuyên xử:

Chấp nhận đơn khởi kiện của các nguyên đơn ông Nguyễn Song C, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị Thúy V, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị C và ông Nguyễn Văn C.

1. Huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: CB 464313, thửa đất số 42, tờ bản đồ số 11, địa chỉ: xã L, huyện T, tỉnh Quảng Bình do Ủy ban nhân dân huyện T cấp cho ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị M ngày 25/5/2016.

2. Chia di sản thừa kế cho các đồng thừa kế được hưởng như sau:

2.1. Giao cho các nguyên đơn (ông Nguyễn Song C, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị Thúy V, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị C và ông Nguyễn Văn C) được nhận phần đất có tổng diện tích 720,5 m2, trong đó đất ở 120 m2 và đất vườn 600,5 m2. Sơ đồ phần đất như sau:

+ Phía Đông Bắc giáp đường giao thông, từ điểm 2 đến điểm 3 = 7,18 m;

+ Phía Đông Nam giáp thửa đất số 57 (đất ông T), từ điểm 3 đến điểm 4 = 60,43 m;

+ Phía Tây Nam giáp đất hoang của xã, từ điểm 4 đến điểm 5 = 17,2 m;

+ Phía Tây Bắc giáp phần đất chia cho ông C (do bà M và các con nhận), từ điểm 5 đến điểm 2 = 59,55 m;

Trị giá phần đất mà các nguyên đơn được nhận là: 45.130.000 đồng.

Buộc các nguyên đơn (ông Nguyễn Song C, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị Thúy V, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị C và ông Nguyễn Văn C) phải liên đới bồi thường cho gia đình bà Trần Thị M số tiền trị giá cây cối trên đất 8.413.900 đồng. Theo phần mỗi người chịu 1.413.316 đồng.

2.2. Giao cho bà Trần Thị M cùng các con gồm: anh Nguyễn Thành H, chị Nguyễn Thị Thu H, chị Nguyễn Thị Thúy H và anh Nguyễn Sỹ H được nhận phần di sản của ông Nguyễn Văn C có diện tích 961,8 m2, trong đó đất ở 160 m2 và đất vườn 801,8 m2. Sơ đồ phần đất như sau:

+ Phía Đông Bắc giáp đường giao thông, từ điểm 1 đến điểm 2 = 11,81 m;

+ Phía Đông Nam giáp phần đất chia cho các nguyên đơn, từ điểm 2 đến điểm 5 = 59,55 m;

+ Phía Tây Nam giáp đất hoang của xã, từ điểm 5 đến điểm 6 = 14,57 m;

+ Phía Tây Bắc, từ điểm 6 đến điểm 7 (giáp thửa 56) = 28,37 m, từ điểm 7 đến điểm 8 (giáp thửa 21) = 10,27 m, từ điểm 8 đến điểm 9 (giáp thửa 22) = 3,60 m, từ điểm 9 đến điểm 1 (giáp thửa 22) = 35,56 m.

Trị giá phần đất mà bà M cùng các con được nhận là: 60.196.000 đồng.

Bà Trần Thị M cùng các con được nhận số tiền trị giá cây cối trên đất do các nguyên đơn bồi thường là: 8.413.900 đồng.

(Kèm theo Bản án này là sơ đồ thửa đất phân chia di sản thừa kế).

3. Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm: Bà Trần Thị M phải chịu 300.000 đồng - Án phí chia di sản thừa kế:

+ Bà Trần Thị M cùng các con là anh Nguyễn Thành H, chị Nguyễn Thị Thu H, chị Nguyễn Thị Thúy H và anh Nguyễn Sỹ H mỗi người phải chịu 601.960 đồng;

+ Đồng nguyên đơn (ông Nguyễn Song C, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị Thúy V, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị C và ông Nguyễn Văn C) mỗi người phải chịu 376.083 đồng.

Trả lại cho nguyên đơn ông Nguyễn Văn C 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp tại biên lai số Â/2020/0002447 ngày 09/7/2021 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình.

[3] Kháng cáo:

Ngày 17-3-2022 bà Trần Thị M kháng cáo toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm, lý do kháng cáo là thửa đất số 42, tờ bản đồ số 11 thuộc quyền sử dụng đất hợp pháp của vợ chồng ông C và bà M. Kèm theo đơn kháng cáo là bản sao Sổ tổng hợp diện tích ruộng đất theo NĐ64/CP của xã L, thể hiện ông C là người đứng tên kê khai đăng ký.

[4] Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người kháng cáo giữ nguyên kháng cáo, trình bày lý do kháng cáo là thửa đất tranh chấp từ năm 1993 đã được vợ chồng ông C bà M kê khai lần đầu; những người con khác của cụ T đã lập gia đình ra ở riêng, kê khai và được cấp đất ở những nơi khác; đến năm 2000 gia đình tiến hành đăng ký thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm, đề nghị xác định đúng việc giao đất lần đầu đối với hộ gia đình chúng tôi và xác định lại di sản thừa kế và hàng thừa kế của cụ B; bản án sơ thẩm không tính công sức quản lý di sản là chưa hợp lý.

Đại diện Viện kiểm sát cấp cao Đà Nẵng tham gia phiên tòa phúc thẩm phát biểu ý kiến: Thẩm phán, Thư ký Tòa án và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các chứng cứ tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Về yêu cầu khởi kiện: đồng nguyên đơn yêu cầu phân chia thừa kế là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 42, tờ bản đồ số 11, diện tích 1.682,3m2, trong đó có 280m2 đất ở và 1.402,3m2 đất vườn tại xã L, huyện T, tỉnh Quảng Bình; đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Nguyễn Thành C (Nguyễn Thành C) và bà Trần Thị M. Đồng nguyên đơn cũng đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Nguyễn Thành C (Nguyễn Văn C) và bà Trần Thị M đối với thửa đất chia thừa kế.

[2] Về nguồn gốc thửa đất đang tranh chấp:

Nguồn gốc nhà, đất tại thửa đất số 42, tờ bản đồ số 11, xã L, huyện T, tỉnh Quảng Bình là của cụ Nguyễn Văn T (chết năm 1983) và cụ Phạm Thị B (chết năm 2018) khai hoang, phục hóa và làm nhà ở từ năm 1974. Ngày 03-7-1993 cụ B đã có Tờ khai nhà đất, thể hiện diện tích xây dựng nhà ở 400m2, như vậy cụ B đã kê khai sử dụng đất hợp pháp từ trước khi vợ chồng ông C bà M kê khai theo NĐ 64/CP.

Cụ T và cụ B sinh được 07 người con gồm: ông Nguyễn Song C, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị Thúy V, ông Nguyễn Văn C (chết năm 2017), bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị C và ông Nguyễn Văn C.

Sau khi cụ Nguyễn Văn T chết thì cụ Phạm Thị B và 07 người con tiếp tục sinh sống trên thửa đất này, sau đó các con của cụ T và cụ B trưởng thành, lần lượt xây dựng gia đình ở riêng, chỉ còn vợ chồng ông Nguyễn Văn C sống với mẹ (ông C lập gia đình năm 1989, ở với mẹ đến đầu năm 1992 thì làm nhà ở riêng đến cuối 1993 thì quay về ở với mẹ cho đến nay). Năm 2000, vợ chồng ông C, bà M kê khai và ngày 21/12/2000 được Uỷ ban nhân dân huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số P 923476 đối với thửa đất số 529, tờ bản đồ số 9, địa chỉ: thôn Quảng hóa, xã L, huyện T, tỉnh Quảng Bình với diện tích 3.487 m2, trong đó 400 m2 đất ở và 3.087 m2 đất vườn mang tên vợ chồng ông Nguyễn Thành C (Nguyễn Văn C) và bà Trần Thị M.

Ngày 27/4/2006 ông C, bà M chuyển nhượng một phần thửa đất với diện tích 1.228 m2 cho hộ ông Ngô Đức T và bà Lê Thị Hóa; ngày 14/01/2008 vợ chồng ông C bà M chuyển nhượng một phần thửa đất với diện tích 450 m2 cho hộ ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Đào; ngày 05/9/2008 vợ chồng ông C bà M tiếp tục chuyển nhượng cho hộ ông Nguyễn Thanh T, bà Phạm Thị Luyến diện tích 141 m2 đất. Sau khi thực hiện 03 lần chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thực hiện chuyển mục đích đất ở, ngày 25/5/2016 ông C, bà M được Ủy ban nhân dân huyện Tuyên hóa cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CB 464313, thửa đất số 42, tờ bản đồ số 11, diện tích 1.682,3 m2, trong đó đất ở 280 m2 và 1.402,3 m2 đất vườn, địa chỉ: xã L, huyện T, tỉnh Quảng Bình.

Trong qúa trình giải quyết vụ án, bà M cho rằng cụ B và các anh chị, em trong gia đình đã đồng ý cho vợ chồng ông C, bà M thửa đất trên nên vợ chồng Bà mới kê khai làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hơn nữa vợ chồng bà M đã sinh sống ổn định thời gian dài nhưng không có ai tranh chấp. Tuy nhiên, xét thấy mặc dù vợ chồng ông C, bà M sinh sống ổn định trên thửa đất trong thời gian dài không có ai tranh chấp, khiếu nại gì, nhưng do trước lúc chết cụ T và cụ B không để lại di chúc và không có tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh cụ B và các anh, chị em trong gia đình đã đồng ý cho vợ chồng ông C, bà M thửa đất trên. Do đó, có cơ sở để xác định thửa đất số 529, tờ bản đồ số 9; nay là thửa 42, tờ bản đồ số 11, diện tích 1.682,3 m2, địa chỉ: xã L, huyện T, tỉnh Quảng Bình hiện mang tên ông Nguyễn Văn C, bà Trần Thị M có nguồn gốc của cụ Nguyễn Văn T và cụ Phạm Thị B để lại cho 07 người con của hai cụ (ông Nguyễn Song C, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị Thúy V, ông Nguyễn Văn C, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị C và ông Nguyễn Văn C).

[3] Về thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế:

Cụ T mất năm 1983, do đó thời điểm mở thừa kế đối với phần di sản của cụ T được tính từ ngày 10/9/1990, cụ B mất năm 2018 không để lại di chúc. Tại khoản 1 Điều 623 của Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế, hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế ngày 24/5/2021 nên thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ T đã hết, tuy nhiên thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ B vẫn còn trong hạn luật định.

[4] Về di sản thừa kế:

Các đồng nguyên đơn đều có chung ý kiến là không yêu cầu xem xét phân chia đối các diện tích đất mà vợ chồng ông C, bà M đã chuyển nhượng cho hộ ông Ngô Đức T bà Lê Thị Hóa, hộ ông Phạm Văn L bà Nguyễn Thị Đào và hộ ông Nguyễn Thanh T bà Phạm Thị Luyến trước đây. Đối với ngôi nhà của bố, mẹ để lại thì giao cho mẹ con bà M tiếp tục quản lý sử dụng. Các đồng nguyên đơn chỉ yêu cầu xem xét, phân chia đối với diện tích đất hiện nay còn lại tại thửa 42, tờ bản đồ số 11, diện tích 1.682,3 m2; yêu cầu được nhận phần đất còn trống ở phía Nam của thửa đất (mục đích là để xây một ngôi nhà hương khói ông bà chung cho cả gia đình). Do đó, Bản án sơ thẩm chỉ xem xét đối với di sản thừa kế là thửa đất số 42, tờ bản đồ số 11, diện tích 1.682,3 m2, trong đó đất ở tại nông thôn: 280 m2 và đất trồng cây lâu năm là: 1.402,3 m2, mang tên vợ chồng ông C, bà M, tại xã L, huyện T là có căn cứ.

Do thửa đất số 42 tờ bản đồ số 11 được xem là di sản để xét phân chia thừa kế cho nhiều người, nên cần phải hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: CB 464313, ngày 25/5/2016, thửa đất số 42, tờ bản đồ số 11, địa chỉ: xã L, huyện T, tỉnh Quảng Bình do Ủy ban nhân dân huyện T cấp cho ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị M.

[6] Người được hưởng thừa kế:

Cụ Nguyễn Văn T và cụ Phạm Thị B chết không để lại di chúc, nên theo quy định của pháp luật thì cả 07 người con của hai cụ (ông Nguyễn Song C, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị Thúy V, ông Nguyễn Văn C, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị C và ông Nguyễn Văn C) thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản của hai cụ để lại.

Ông Nguyễn Văn C (đã chết năm 2017), có vợ là bà Trần Thị M và có 04 người con gồm: anh Nguyễn Thành H, chị Nguyễn Thị Thu H, chị Nguyễn Thị Thúy H và anh Nguyễn Sỹ H. Do ông C đã chết nên vợ và 04 người con của ông C được nhận phần di sản của ông C; hiện tại chưa có yêu cầu phân chia riêng nên bản án giao chung phần di sản thừa kế của ông C là hợp lý.

[5] Kỷ phần của từng người được hưởng thừa kế:

Tổng diện tích đất được xác định để chia di sản thừa kế cho các đương sự là 1.682,3 m2. Do xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản của cụ T đã hết, và vợ chồng ông C là người trực tiếp quản lý di sản của ông T, nên ½ diện tích thửa đất (1.682,3 m2: 2 = 841,15 m2) là phần di sản của ông T thuộc về ông C. Sau khi xác định phần đất của ông C thì diện tích đất còn lại để chia thừa kế cho các người con của cụ T và cụ B là 841,15 m2. Cách chia như sau: 841,15 m2: 7 kỷ phần = 120,16 m2/1 kỷ phần (trong đó diện tích đất ở được chia tương ứng với tỷ lệ của các kỷ phần).

Các nguyên đơn có yêu cầu được chia quyền sử dụng đất chung (thành một phần) để thuận tiện cho việc xây dựng sử dụng chung sau này. Xét thấy yêu cầu nhận chung kỷ phần là hợp lý nên được chấp nhận. Căn cứ vào sơ đồ thực địa của thửa đất thì chia phần đất có nhà và các công trình phụ khác cho bà M và các con để sử dụng, còn phần đất phía Nam còn trống thì chia cho các nguyên đơn là phù hợp. Cụ thể các nguyên đơn được nhận diện tích đất chung là: 6 kỷ phần x 120,16 m2/kỷ phần = 720,9 m2, trong đó đất ở: 120 m2 và đất vườn: 600,9 m2. Do sơ đồ đo đạc không thể tính toán được 720,9m2, nên làm tròn số là 720,5m2. Sơ đồ phần đất của các nguyên đơn cụ thể như sau:

+ Phía Đông Bắc giáp đường giao thông, từ điểm 2 đến điểm 3 = 7,18 m;

+ Phía Đông Nam giáp thửa đất số 57 (đất ông T), từ điểm 3 đến điểm 4 = 60,43 m;

+ Phía Tây Nam giáp đất hoang của xã, từ điểm 4 đến điểm 5 = 17,2 m;

+ Phía Tây Bắc giáp phần đất chia cho ông C, từ điểm 5 đến điểm 2 = 59,55 m;

Trị giá phần đất mà các nguyên đơn được nhận là: (120 m2 đất ở x 276.000đ/m2 = 33.120.000 đồng) + (600,5 m2 đất trồng cây x 20.000đ/m2 = 12.010.000 đồng) = 45.130.000 đồng.

Phần đất mà ông C được nhận gồm: 841,15 m2 (phần di sản của ông T đã hết thời hiệu khởi kiện) + 120,16 m2 (một kỷ phần) = 961,31 m2, trong đó đất ở 160 m2 và đất vườn 801,31 m2. Do sơ đồ đo đạc không thể tính toán được 961,31m2, nên làm tròn số là 961,8m2. Sơ đồ phần đất cụ thể như sau:

+ Phía Đông Bắc giáp đường giao thông, từ điểm 1 đến điểm 2 = 11,81 m + Phía Đông Nam giáp phần đất chia cho các nguyên đơn, từ điểm 2 đến điểm 5 = 59,55 m;

+ Phía Tây Nam giáp đất hoang của xã, từ điểm 5 đến điểm 6 = 14,57 m;

+ Phía Tây Bắc, từ điểm 6 đến điểm 7 (giáp thửa 56) = 28,37 m, từ điểm 7 đến điểm 8 (giáp thửa 21) = 10,27 m, từ điểm 8 đến điểm 9 (giáp thửa 22) = 3,60 m, từ điểm 9 đến điểm 1 (giáp thửa 22) = 35,56 m.

Trị giá phần đất mà gia đình ông C được nhận là: (160 m2 đất ở x 276.000đ/m2 = 44.160.000 đồng) + (801,8 m2 đất trồng cây x 20.000đ/m2 = 16.036.000 đồng) = 60.196.000 đồng.

(Có sơ đồ phân chia thừa kế quyền sử dụng đất kèm theo bản án sơ thẩm).

Trên phần đất chia cho các nguyên đơn hiện nay ông C, bà M đã trồng các loại cây như: cây keo, cây ăn quả (cam, chanh, ổi, ...), có tổng giá trị 8.413.900 đồng. Do đó cần buộc nguyên đơn phải bồi thường lại số tiền trị giá các loại cây cối, hoa màu trên cho gia đình bà M.

[6] Vợ chồng ông C, bà M là người trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất từ lâu. Quá trình sử dụng đất hai vợ chồng đã có công sức giữ gìn, kê khai hợp pháp làm tăng giá trị sử dụng của nhà, đất. Lẽ ra, ông C bà M sẽ được tính công sức để hưởng một phần di sản. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng đất thì vợ chồng ông C, bà M đã chuyển nhượng nhiều phần diện tích đất trong thửa đất gốc cho nhiều người khác lấy tiền sử dụng riêng; hơn nữa ngôi nhà của bố mẹ để lại thì các nguyên đơn cũng đồng ý cho bà M mà không yêu cầu phân chia. Như vậy, quyền lợi của ông C, bà M đã đảm bảo. Bản án sơ thẩm đã nhận định rõ và không trích thêm một phần di sản để tính công sức cho gia đình ông C, bà M là hợp lý.

[7] Từ những nhận định trên, xét thấy Bản án sơ thẩm mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm không có tài liệu chứng cứ gì mới làm thay đổi nội dung vụ án, nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo. Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình.

Về án phí phúc thẩm: do kháng cáo không được chấp nhận, nên bà Trần Thị M phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 300.000 đồng.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; không chấp nhận kháng cáo của bà Trần Thị M; giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2022/DS-ST ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình.

2. Về án phí dân sự phúc thẩm:

Bà Trần Thị M phải chịu nộp án phí dân sự phúc thẩm là 300.000 đồng, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng tại Biên lai số 0004935 ngày 29-3-2022 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

559
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về chia thừa kế và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 138/2022/DS-PT

Số hiệu:138/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:07/06/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về