Bản án về chia tài sản chung và chia di sản thừa kế số 92/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 92/2021/DS-PT NGÀY 14/08/2021 VỀ CHIA TÀI SẢN CHUNG VÀ CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 14/8/2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 59/2020/TLPT- DS ngày 07/6/2021 về việc: “Chia tài sản chung và chia di sản thừa kế”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 13/2021/DS-ST ngày 30/3/2021 của Toà án nhân dân huyện L bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 85/2021/QĐ-PT ngày 28/7/2021 giữa:

Nguyên đơn: Bà Tạ Thị Đ1, sinh năm 1957, (có mặt).

Địa chỉ: Tổ dân phố Hoành S, thị trấn V, huyện L, tỉnh Bắc Giang

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà Đ1: Luật sư Phạm Xuân A- Văn phòng luật sư Phạm Xuân A, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang, (có mặt).

Bị đơn: Bà Tạ Thị Đ2, sinh năm 1960, (có mặt). Địa chỉ: Thôn H, xã M, huyện L, tỉnh Bắc Giang.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Tạ Thị T1, sinh năm 1964, (có mặt);

Địa chỉ: Thôn Th, xã Tân Th, huyện L, tỉnh Bắc Giang

2. Bà Tạ Thị Tr, sinh năm 1968, (có mặt);

Địa chỉ: Thôn H, xã M, huyện L, tỉnh Bắc Giang.

3. Ông Tạ Xuân T2, sinh năm 1952, (chồng bà Đ2, vắng mặt);

Địa chỉ: Thôn H, xã M, huyện L, tỉnh Bắc Giang.

4. Bà Tạ Thị Ch1, sinh năm 1970, (có mặt);

Địa chỉ: Thôn H, xã M, huyện L, tỉnh Bắc Giang.

5. Chị Tạ Thị H1, sinh năm 1994, (con bà Đ2, vắng mặt);

Địa chỉ: Tổ dân phố Hoành S, thị trấn V, huyện L, tỉnh Bắc Giang. có mặt.

6. UBND xã M, huyện L, tỉnh Bắc Giang, (xin vắng mặt);

7. UBND huyện L, tỉnh Bắc Giang - Do ông Nguyễn Khánh H2 - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện L là người đại diện theo ủy quyền, (xin vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn bà Tạ Thị Đ1 trình bày: Bố mẹ bà là cụ Tạ Quốc C (chết ngày 08/8/2000) và cụ Hà Thị L (chết ngày 25/10/2002) có 05 người con gồm: Bà là Tạ Thị Đ1, sinh năm 1957; bà Tạ Thị Đ2, sinh năm 1960; bà Tạ Thị T1, sinh năm 1964; bà Tạ Thị Tr, sinh năm 1968; bà Tạ Thị Ch1, sinh năm 1970. Sau khi cụ C, cụ L chết đều không để lại Di chúc và có để lại di sản hiện nay đang do bà Đ2 quản lý, sử dụng gồm:

- Phần đất ở và đất vườn là 1.543m2 (trong đó có 360m2 đất ở, 1.183m2 đất trồng cây lâu năm) tại thửa số 870, tờ bản đồ số 17 tại thôn H, xã M, huyện L, tỉnh Bắc Giang. Đất được UBND huyện huyện L cấp Giấy chứng nhận QSDĐ ngày 13/9/1996 mang tên cụ Tạ Quốc C. Trên đất có 04 gian nhà cấp 4 lợp ngói; 02 gian nhà ngang lợp ngói; 03 gian công trình phụ; giếng nước; cây cối lâm lộc trên đất;

01 con bò cái;

- Phần đất canh tác là 2.238m2 gồm các thửa sau: Thửa số 1001, tờ bản đồ số 18 diện tích 236m2; thửa số 216, tờ bản đồ số 18 diện tích 730m2; thửa số 90/2, tờ bản đồ số 17 diện tích 152m2; thửa số 71, tờ bản đồ số 18 diện tích 140m2; thửa số 923/1, tờ bản đồ số 18 diện tích 155m2; thửa số 439/1, tờ bản đồ số 18 diện tích 52m2; thửa số 2413, tờ bản đồ số 13 diện tích 146m2; thửa số 1061/1, tờ bản đồ số 18 diện tích 29m2; thửa số 792, tờ bản đồ số 17 diện tích 240m2; thửa số 2082, tờ bản đồ số 13 diện tích 22m2; thửa số 1561, tờ bản đồ số 13 diện tích 30m2; thửa số 280, tờ bản đồ số 17 diện tích 200m2; thửa số 598, tờ bản đồ số 17 diện tích 106m2 được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ ngày 13/9/1996 mang tên cụ Tạ Quốc C.

Tất cả những thửa đất canh tác trên đã được UBND xã M thực hiện việc dồn điền, đổi thửa vào năm 2017 và chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ mới. Trong số các thửa ruộng canh tác trên, năm 2019, Nhà nước đã thu hồi 1.139,4m2 và đã đền bù số tiền là 264.000.000đ, (bà Đ2 nhận tiền).

Năm 2010, bà Đ2 xuất trình Di chúc của cụ L lập ngày 15/9/2002 (có nội dung cụ L cho bà Đ2 toàn bộ thửa đất ở và đất vườn có diện tích 1.543m2) rồi bà Đ2 tự lập văn bản phân chia thừa kế có nội dung bà Đ2 được quản lý, sử dụng toàn bộ thửa đất trên. Văn bản này có tên và chữ ký “Tạ Thị Đ2”, “Tạ Thị Tr”, “Tạ Thị Đ1”, “Tạ Thị T1” nhưng chỉ có bà Tr thừa nhận chữ ký “Tr” là đúng, còn chữ ký “Đ1” và “T1” là do bà Đ2 giả mạo. Bà Ch1 không được tham gia ký tên vào biên bản. Ngày 15/12/2010, UBND huyện L cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số BĐ 310663 cho bà Tạ Thị Đ2 được quản lý, sử dụng đối với thửa đất ở và đất vườn của các cụ để lại. Như vậy, việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Đ2 đối với thửa đất số 870, tờ bản đồ số 17 là không đúng quy định của pháp luật.

Đối với Di chúc của cụ L lập ngày 15/9/2002 do bà Đ2 xuất trình do ông Hồng là chồng bà Tr viết hộ có chữ ký của bà Đ2 và chữ ký “Hà Thị L; Tạ Thị Ch1, Tạ Thị T1, Tạ Thị Đ1”. Theo bà thì Di chúc của cụ L là không hợp pháp vì bà Đ2 giả mạo chữ ký của cụ L, giả mạo chữ ký của bà, bà Ch1 và bà T1. Cụ L không biết chữ; bà, bà Ch1 và bà T1 không biết có việc cụ L lập Di chúc và không được tham gia ký vào Di chúc. Bà không yêu cầu giám định chữ ký, chữ viết của cụ L trong Di chúc ngày 15/9/2002 vì bà không thu thập được các tài liệu có chữ ký, chữ viết của cụ L để làm tài liệu so sánh nên không thể tiến hành giám định được.

Nay bà khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề sau:

- Đề nghị hủy Giấy chứng nhận QSDĐ số BĐ 310663 do UBND huyện L cấp cho bà Đ2 ngày 15/12/2010 đối với thửa đất số 870, tờ bản đồ số 17, diện tích 1.543m2.

- Đề nghị phân chia di sản thừa kế của cụ C và cụ L gồm: Thửa đất số 870, tờ bản đồ số 17, diện tích 1.543m2 và số tiền 264.000.000 đồng mà Nhà nước bồi thường khi thu hồi đất ruộng của cụ C và cụ L.

Đối với đất ở và đất vườn, bà đề nghị được hưởng bằng hiện vật là 1/5 phần diện tích đất tương ứng là 306,6m2. Bà đề nghị chia cho bà Đ2 1 phần đất tại vị trí có các tài sản của bà Đ2 đã kiến thiết.

Đối với số tiền Nhà nước đã đền bù khi thu hồi ruộng là 264.000.000đ, bà Đ1 ý chia cho bà Đ2 ½ số tiền trên (tương ứng với số tiền là 132.000.000đ); số tiền còn lại là 132.000.000đ, bà đề nghị chia đều cho 04 người gồm bà, bà T1, bà Tr và bà Ch1, mỗi người được hưởng số tiền là 33.000.000đ.

Về phần ruộng canh tác còn lại của cụ C và cụ L (sau khi Nhà nước thu hồi đất) hiện nay vẫn đang do bà Đ2 quản lý, sử dụng thì bà không yêu cầu chia thừa kế. Bà Đ1 ý để cho bà Đ2 tiếp tục quản lý, sử dụng.

Bị đơn là bà Tạ Thị Đ2 trình bày: Bà Đ1 ý với ý kiến của bà Đ1 về phần di sản của cụ C, cụ L để lại trước khi chết.

Đối với phần đất canh tác có diện tích là 2.238m2 và phần đất ở, đất trồng cây lâu năm được UBND huyện L cấp chung trong Giấy chứng nhận QSDĐ mang tên cụ Tạ Quốc C. Phần đất canh tác này là của cả hộ gia đình cụ C, khi đó hộ gia đình cụ C gồm có 4 thành viên gồm: Cụ C, cụ L, bà và con trai của bà là anh Tạ Văn Ch3, sinh năm 1990 (chết năm 1993). Trong đó, bố mẹ bà đã hơn 60 tuổi và hết tuổi lao động nên được chia 01 định suất, còn bà (đang trong tuổi lao động) được chia 01 định suất, anh Chung chưa đến tuổi lao động thì được chia 0,5 định suất. Giấy chứng nhận QSDĐ đã không ghi rõ cá nhân trong hộ gia đình được sử dụng những thửa ruộng nào.

Năm 2016, 2017, Nhà nước có chính sách dồn điền, đổi thửa. Gia đình bà có dồn 05 thửa ruộng tại xứ đồng Trên Đ nằm trong Giấy chứng nhận QSDĐ trên thành 01 thửa ruộng. Khoảng cuối năm 2018, đầu năm 2019, Nhà nước đã thu hồi 1 phần diện tích đất canh tác đối với các thửa ruộng đã dồn điền, đổi thửa của hộ gia đình bà, gia đình bà được Nhà nước bồi thường số tiền là 262.000.000đ, (bà là người nhận tiền). Nếu chia số tiền Nhà nước đền bù theo 2,5 định suất ruộng canh tác thì cụ C và cụ L (được 1 định suất) sẽ được hưởng số tiền là 104.800.000đ; còn bà và anh Ch3 (được 1,5 định suất) sẽ được hưởng số tiền là 157.200.000đ.

Cụ C chết năm 2000 không để lại Di chúc. Cụ L chết tháng 10/2002. Trước khi cụ L chết thì ngày 15/9/2002, cụ L nhờ ông Hà Văn H3 là con rể (chồng của bà Tr) viết Di chúc có nội dung để lại toàn bộ đất và tài sản trên đất cho bà quản lý, sử dụng. Khi ông Hồng viết Di chúc có bà Đ1, bà Ch1, bà T1, bà Tr và bà chứng kiến rồi cụ L, ông Hồng và các chị em bà đều ký vào bản Di chúc, (bà Tr không ký vào Di chúc do ông Hồng là chồng bà Tr đã ký vào Di chúc thay cho bà Tr rồi). Sau đó bà đem Di chúc đến gặp Trưởng thôn là ông Tạ Văn T2 xác nhận và bà đem đến UBND xã M chứng thực.

Năm 2010, cả 4 chị em bà gồm bà, bà Đ1, bà T1, bà Tr lập văn bản phân chia di sản thừa kế có nội dung: Các đồng thừa kế của cụ C đồng ý giao đất ở, đất vườn và các tài sản trên đất cho bà quản lý, sử dụng. Văn bản đã được UBND xã M chứng thực ngày 27/10/2010. Văn bản trên không có chữ ký của bà Ch1 vì khi đó bà Ch1 có mâu thuẫn với gia đình nên bà Ch1 đã không đồng ý ký vào văn bản. Ngày 15/12/2010, bà được UBND huyện L cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với thửa đất ở và đất vườn.

Nay, bà Đ1 khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Giấy chứng nhận QSDĐ mang tên bà thì bà không đồng ý. Bà khẳng định các chữ ký của cụ L, bà Đ1, bà T1, bà Ch1 trong Di chúc và các chữ ký của bà Đ1, bà T1, bà Tr trong văn bản phân chia di sản thừa kế là đúng.

Về việc bà Đ1 đề nghị phân chia di sản thừa kế của cụ C và cụ L, bà có ý kiến như sau:

Đối với phần đất ở và đất vườn có diện tích 1.543m2, tại thửa số 870, tờ bản đồ số 17 thì bà đề nghị phân chia theo Di chúc của cụ L. Bà đề nghị được hưởng phần di sản của cụ L là 1/2 diện tích đất trên (tức 180m2 đất ở và 591,5m2 đất trồng cây lâu). Còn phần di sản của cụ C là 180m2 đất ở và 591,5m2 đất trồng cây lâu năm thì bà đề nghị chia làm 07 phần. Trong đó bà đề nghị được hưởng 03 phần, 4 đồng thừa kế còn lại, mỗi người sẽ được hưởng 01 phần, do bà có công sức quản lý di sản sau khi cụ C và cụ L chết nên bà được trích chia nhiều hơn. Bà đề nghị được chia phần diện tích đất tại vị trí có các công trình của bà đã xây dựng. Phần đất còn lại chia cho các đồng thừa kế. Nếu các đồng thừa kế được nhận phần đất nào có tài sản của bà thì phải trả cho bà số tiền tương ứng với giá trị của tài sản đó.

Đối với số tiền 262.000.000đ mà bà đã nhận đền bù sau khi Nhà nước thu hồi đất canh tác, theo bà thì phần của cụ L và cụ C được hưởng sẽ là 104.800.000đ. Do cụ L viết Di chúc cho bà phần di sản của cụ L nên bà sẽ được hưởng số tiền của cụ L là 52.400.000đ. Phần tiền của cụ C là 52.400.000đ, bà đề nghị chia làm 07 phần, bà đề nghị được hưởng 03 phần, 4 đồng thừa kế còn lại sẽ được hưởng 4 phần.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

Bà Tạ Thị T1, bà Tạ Thị Tr, bà Tạ Thị Ch1 đều trình bày: Các bà là con của cụ C và cụ L, các bà Đ1 ý với yêu cầu khởi kiện của bà Tạ Thị Đ1, không đồng ý với các yêu cầu phản tố của bà Đ2. Di chúc của cụ L là không hợp pháp vì cụ L không biết chữ. Bà Đ2 đã giả mạo chữ ký của cụ L và giả mạo các chữ ký của các bà rồi tự mang đến Trưởng thôn và UBND xã xác nhận. Trong văn bản phân chia di sản thừa kế thì chỉ có bà Tr là người ký vào văn bản, chữ ký của những người khác là do bà Đ2 giả mạo. Bà Tr đã thừa nhận là khi bà Tr ký vào văn bản thì bà Tr đã không đọc nội dung. Nay, bà Đ1 khởi kiện đề nghị phân chia di sản thừa kế của cụ C và cụ L, các bà cũng đề nghị được hưởng di sản thừa kế của cụ C và cụ L. Đối với kỷ phần thừa kế mà các bà được hưởng thì các bà đề nghị giao cho bà Đ1 để các chị em bà làm nơi thờ cúng cho bố mẹ.

Ông Tạ Xuân T2 trình bày: Ông kết hôn và về chung sống cùng bà Tạ Thị Đ2 vào năm 2010. Vợ chồng ông có tạo lập một số tài sản trên diện tích đất 1.543m2 tại thửa số 870, tờ bản đồ số 17. Đối với các tài sản mà ông cùng bà Đ2 tạo lập trên phần diện tích đất tranh chấp nêu trên thì ông đề nghị Tòa án giao lại toàn bộ cho bà Đ2 sở hữu. Ông đề nghị được vắng mặt khi Tòa án giải quyết vụ án.

Chị Tạ Thị H1 trình bày: Chị là con bà Đ2. Hiện nay chị đã đi lấy chồng và chị không ở cùng bà Đ2 nữa. Trong thời gian chung sống cùng bà Đ2, chị không có công sức tôn tạo các tài sản trên đất. Chị xác định không liên quan gì đến các yêu cầu khởi kiện của bà Đ1. Chị đề nghị được vắng mặt khi Tòa án giải quyết vụ án.

UBND huyện L do ông Nguyễn Khánh H2 - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện L là người đại diện theo ủy quyền đã trình bày:

1. Về nguồn gốc sử dụng đất đối với thửa đất số 870, tờ 17, diện tích 1.543m2:

- Qua kiểm tra hồ sơ địa chính lập năm 1993 (gồm sổ địa chính, sổ mục kê và bản đồ địa chính), đất ở và đất vườn của hộ cụ Tạ Quốc C được thể hiện tại thửa đất số 870, tờ 17, diện tích 1.543m2, đất đã được UBND huyện L cấp Giấy chứng nhận QSDĐ ngày 13/9/1996 mang tên hộ cụ Tạ Quốc C. Việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ cụ Tạ Quốc C đảm bảo đúng với quy định tại Luật đất đai năm 1993 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Năm 2000, cụ Tạ Quốc C chết không để lại Di chúc; năm 2002 cụ Hà Thị L chết. Trước khi chết cụ Hà Thị L đã lập Di chúc để lại QSDĐ và tài sản trên đất cho bà Đ2 quản lý, sử dụng. Di chúc của cụ L đã được UBND xã M chứng thực ngày 27/9/2002.

Do các chị em bà Đ2 đã lập văn bản phân chia tài sản thừa kế của hộ cụ Tạ Quốc C, cụ Hà Thị L cho bà Tạ Thị Đ2 quản lý, sử dụng. Ngày 27/10/2010, UBND xã M đã chứng thực văn bản phân chia tài sản thừa kế. Ngày 15/12/2010, UBND huyện L đã cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Tạ Thị Đ2. Việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Tạ Thị Đ2 là chưa đúng quy định của Luật đất đai năm 1993 và các văn bản hướng dẫn thi hành nên cần phải hủy bỏ vì: Bà Ch1 là đồng thừa kế nhưng bà Ch1 đã không ký vào văn bản phân chia tài sản thừa kế năm 2010.

Theo kết quả đo đạc ngày 15/5/2020, thửa đất số 870, tờ 17 có diện tích là 1.764,5m2 là tăng 221,5m2 (so với diện tích 1.543m2 đã cấp trong Giấy chứng nhận QSDĐ cho cụ C năm 1996). Diện tích đất tăng thêm là do sai số khi đo đạc vì: Thửa đất trên đã được chủ sử dụng đất ổn định, đất có ranh giới, mốc giới cụ thể, không có tranh chấp QSDĐ với các hộ liền kề. Đối với phần đất dôi dư, UBND huyện L đề nghị Tòa án tạm giao cho các đồng thừa kế quản lý, sử dụng. Các đồng thừa kế có quyền đề nghị UBND cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với phần đất được tạm giao theo quy định.

Đối với diện tích đất canh tác là 2.238m2 được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ mang tên cụ Tạ Quốc C là thuộc quyền quản lý, sử dụng của hộ cụ C. Thời điểm giao ruộng (năm 1992) hộ gia đình cụ C có 4 thành viên gồm: Cụ Tạ Quốc C, cụ Hà Thị L, bà Tạ Thị Đ2, anh Tạ Văn Ch3. Theo đó cụ Tạ Quốc C được giao 0,5 định suất, cụ Hà Thị L được giao 0,5 định suất, bà Tạ Thị Đ2 được giao 01 định suất, anh Tạ Văn Ch3 được giao 0,5 định suất. Như vậy mỗi định suất trong hộ gia đình cụ Tạ Quốc C được 895,2m2 đất nông nghiệp. Việc giao đất canh tác cho hộ cụ C là giao chung cho các thành viên trong hộ, không tách rời từng thửa cho từng cá nhân. Vì vậy, số tiền 263.647.540 đồng mà hộ cụ C được Nhà nước bồi thường khi thu hồi ruộng canh tác là của cả hộ gia đình cụ C theo định suất ruộng nêu trên.

UBND xã M do ông Nguyễn Văn M là Chủ tịch xã là người đại diện đã trình bày (tại Văn bản số 30/UBND ngày 02/3/2020, BL 74).

1. Di chúc của cụ L ngày 15/9/1996 được UBND xã M chứng thực ngày 27/9/20002 là do ông Hoàng Anh Ch2 - Chủ tịch UBND xã M ký chứng thực. Văn bản phân chia thừa kế của các con của cụ L được UBND xã M do ông Hoàng Ngọc B Phó chủ tịch xã chứng thực. Hiện nay ông B đã chết. Nhưng bà Tạ Thị Ch1 là hàng thừa kế thứ nhất của cụ C và cụ Liên đã không ký vào văn bản phân chia di sản thừa kế nên văn bản này là không có giá trị pháp lý.

Đối với diện tích đất canh tác là 2.238m2 được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ mang tên cụ Tạ Quốc C là thuộc quyền quản lý, sử dụng của hộ cụ C (được Nhà nước giao năm 1992). Khi đó hộ gia đình cụ C có 4 thành viên là: Cụ Tạ Quốc C, cụ Hà Thị L, bà Tạ Thị Đ2, anh Tạ Văn Ch3. Theo đó cụ Tạ Quốc C được giao 0,5 định suất, cụ Hà Thị L được giao 0,5 định suất, bà Tạ Thị Đ2 được giao 01 định suất, ông Tạ Văn Ch3 được giao 0,5 định suất. Như vậy mỗi định suất trong hộ gia đình cụ Tạ Quốc C được 895,2m2 đất nông nghiệp.

Hiện nay, UBND xã không lưu trữ được tài liệu về việc chia ruộng, định suất giao ruộng của các hộ gia đình. Năm 2018, 2019 thực hiện dự án xây dựng con đường từ thị trấn V đi đến xã Phi Mô và đến xã M. Hộ bà Tạ Thị Đ2 đã bị Nhà nước thu hồi thửa đất số 63, tờ bản đồ số 77, diện tích đất là 1139,4m2. Số tiền được Nhà nước bồi thường là 263.647.540 đồng.

Thửa đất bị Nhà nước thu hồi là sau khi UBND xã, thôn H thực hiện dồn điền, đổi thửa năm 2016. Trong đó có 03 thửa nằm trong Giấy chứng nhận QSDĐ của cụ Tạ Quốc C gồm các thửa 730, 923, 1001 với tổng diện tích là 607m2. Còn lại 03 thửa đất bị Nhà nước thu hồi là không nằm trong Giấy chứng nhận QSDĐ của cụ Tạ Quốc C mà do bà Tạ Thị Đ2 quản lý, sử dụng gồm các thửa số 842, 834, 1176 với tổng diện tích là 452m2.

Như vậy, diện tích đất canh tác của cụ C đã bị Nhà nước thu hồi chỉ là 607m2. Các thửa ruộng còn lại nằm trong Giấy chứng nhận QSDĐ của hộ cụ Tạ Quốc C không liên quan đến các thửa đất đã bị Nhà nước thu hồi.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Đ1 đã thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, bà Đ1 đề nghị chia di sản thừa kế theo diện tích đất được đo thực tế là 1.764,5m2 (trong đó có 360m2 đất ở, 1.404,5m2 đất trồng cây lâu năm) tại thửa số 870, tờ bản đồ số 17 thuộc thôn H, xã M. Bà Đ1 đề nghị Tòa án giao cho bà Đ2 một phần diện tích đất tại vị trí có các công trình của bà Đ2. Bà Đ1 và các đồng thừa kế gồm bà T1, bà Tr, bà Ch1 được quản lý, sử dụng chung phần diện tích đất còn lại mà không cần phân chia cụ thể cho từng người. Ranh giới đất phân chia giữa đất của bà Đ2 với đất của bà Đ1, bà T1, bà Tr, bà T1 là đường thẳng nằm phía dưới từ tường hoa trước nhà của bà Đ2 kéo dài đến hết đất.

- Số tiền mà cụ C và cụ L được hưởng khi Nhà nước đền bù là 105.000.000đ thì bà Đ1 đề nghị được làm 05 phần, mỗi kỷ phần được hưởng số tiền là 21.000.000đ.

Do có nội dung trên, bản án sơ thẩm đã áp dụng các Điều 26, 35, 39, 91, 92, 147, 157, 165, 227, 228, 235, 271, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 636, 637, 638, 649, 654, 655, 660, 661, 662, 677, 678, 679, 688, 738 và 739 của Bộ luật dân sự năm 1995; các Điều 357, 468, 623, 688 của Bộ luật dân sự 2015; các Điều 12, 26, 27 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tạ Thị Đ1 về việc chia di sản thừa kế theo pháp luật. Không chấp nhận yêu cầu hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện L đã cấp cho bà Tạ Thị Đ2.

Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bà Tạ Thị Đ2 về trích chia công sức tôn tạo, duy trì, phát triển thửa đất và đề nghị trích trả bằng tiền đối với các tài sản của bà Đ2 trên phần đất giao cho người khác. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Đ2 về việc yêu cầu chia thừa kế theo Di chúc đối với di sản của cụ Hà Thị L.

1. Tuyên bố Di chúc của cụ Hà Thị L lập ngày 15/9/2002 là vô hiệu.

2. Xác nhận phần diện tích đất 1.764,5m2 (trong đó có 360m2 đất ở, 1.404,5m2 đất trồng cây lâu năm) tại thửa số 870, tờ bản đồ số 17 tại thôn H, Mỹ Thái, Lạng Giang, Bắc Giang có trị giá 307.389.000 đồng và số tiền 105.000.000 đồng được đền bù, bồi thường khi Nhà nước giải phóng mặt bằng ruộng canh tác là di sản thừa kế của cụ Tạ Quốc C và cụ Hà Thị L, các đồng thừa kế được chia di sản theo pháp luật.

Các đồng thừa kế gồm: Bà Tạ Thị Đ1, bà Tạ Thị T1, bà Tạ Thị Tr, bà Tạ Thị Ch1 mỗi người được hưởng di sản thừa kế là 60m2 đất ở và 184,5m2 đất trồng cây lâu năm (có giá trị 49.163.700 đồng) và được hưởng số tiền Nhà nước đền bù là 21.000.000 đồng. Tổng giá trị tài sản mà mỗi người được hưởng là 70.163.700 đồng (bẩy mươi triệu một trăm sáu mươi ba nghìn bẩy trăm đồng).

Bà Tạ Thị Đ2 được hưởng phần di sản thừa kế là 120m2 đất ở và 591,3m2 đất trồng cây lâu năm có trị giá là 107.643.600 đồng và được hưởng số tiền Nhà nước đền bù là 21.000.000 đồng. Tổng giá trị tài sản mà bà Đ2 được hưởng là 128.643.600 đồng.

3. Chia di sản thừa kế:

- Phần đất được ký hiệu S1 có diện tích 73,8m2 thuộc loại đất trồng cây lâu (có sơ đồ kèm theo bản án) thuộc quản lý, sử dụng chung của các đồng thừa kế gồm: Bà Đ1, bà Đ2, bà T1, bà Tr, bà Ch1.

Phần đất có ký hiệu là S1 có tứ cận: Phía Bắc giáp đất giao cho bà Đ2; phía Đông giáp đất chia cho bà Đ1; phía Nam giáp đất ông Tạ Xuân Hồng; phía Tây giáp đất nhà bà Tạ Thị Ch1 và đường thôn là đường đi chung; các tài sản trên đường đi chung gồm: Tường bao xây cay diện tích 23,46m2; đường bê tông diện tích 4,5m2 thuộc sở hữu chung của các đồng thừa kế gồm: Bà Đ1, bà Đ2, bà T1, bà Tr, bà Ch1.

- Giao cho bà Tạ Thị Đ2 được quản lý sử dụng phần đất có ký hiệu S2, có diện tích đất 711,3m2 (trong đó có 120m2 đất ở và 591,3m2 đất trồng cây lâu năm) có trị giá là 107.643.600 đồng, (theo sơ đồ kèm theo bản án). Phần đất có ký hiệu là S2 có tứ cận: Phía Bắc giáp đất mương nước; phía Đông giáp đất giao cho bà Đ1, phía Nam giáp đường đi chung, phía Tây giáp đất nhà bà Tạ Thị Ch1. Bà Đ2 được hưởng số tiền Nhà nước đền bù là 21.000.000 đồng tiền. Nhưng bà Đ2 phải trả cho các đồng thừa kế khác do bà Đ1 nhận với tổng số tiền là 84.000.000 đồng.

- Giao cho bà Tạ Thị Đ1, bà T1, bà Tr, bà Ch1 được quản lý, sử dụng phần đất được ký hiệu S3 có diện tích đất 979,4m2 (trong đó có 240m2 đất ở và 739,4m2 đất trồng cây lâu năm) có trị giá là 196.654.800 đồng, (theo sơ đồ kèm theo bản án). Phần đất có ký hiệu là S3 có tứ cận: Phía Bắc giáp đất mương nước; phía Đông giáp đất nhà bà Tạ Thị Ch1; phía Nam giáp đất nhà ông Tạ Quang L1 và ông Tạ Xuân H4; phía Tây giáp đất giao cho bà Đ2, đường đi chung và được nhận số tiền 84.000.000đ do bà Đ2 trích trả.

Bà Đ1 bà T1, bà Tr, bà Ch1 được sở hữu các tài sản gắn liền đất gồm: 01 nhà chăn nuôi loại B diện tích 15,6m2; 01 bán mái prôximăng diện tích 14,3m2; tường bao xây cay diện tích 50,8m2; 02 cây na mới trồng; 06 cây bưởi mới trồng;

03 cây bưởi đường kính gốc từ 02-03 cm; 01 cây sấu đường kính gốc 15cm; 02 cây khế đường kính gốc từ 10-12cm; 03 cây mít mới trồng; 01 cây xoài đường kính gốc 20cm; 01 cây nhãn mới trồng; 01 khóm chuối.

Nhưng bà Đ1 bà T1, bà Tr, bà Ch1 phải có nghĩa vụ trích trả cho bà Đ2 giá trị các tài sản của bà Đ2 (trên đường đi chung và trên phần diện tích đất được giao) với tổng số tiền là 10.626.000 đồng (mười triệu sáu trăm hai mươi sáu ngàn đồng chẵn).

4. Buộc bà Đ2 phải tháo dỡ trụ cổng xây gạch diện tích 0,97m2; mái cổng bằng tôn có diện tích 6,4m2; cánh cổng làm bằng tôn có diện tích 5,3m2; lưới B40 có diện tích 15,6m2 trên phần diện tích đất có ký hiệu S1 để làm đường đi chung.

Buộc bà Đ2 phải tháo dỡ các tài sản trên phần đất có ký hiệu S3 đã giao cho bà Đ1, bà T1, bà Tr, bà Ch1 gồm: Lưới B40 có diện tích 48m2; bán mái tôn trước bếp, nhà tắm có diện tích 6,29m2.

Bà Đ2 phải trích chia phần đất có diện tích đất 979,4m2 (được ký hiệu S3) cho bà Đ1, bà T1, bà Tr, bà Ch1. (Có sơ đồ kèm theo bản án).

Các đương sự được giao đất theo bản án có quyền đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định của pháp luật về đất đai.

5. Về chi phí định giá, thẩm định tài sản:

Bà Đ1, bà Đ2, bà T1, bà Tr, bà Ch1 mỗi người phải chịu 2.400.000 đồng tiền chi phí định giá, thẩm định tài sản.

Do bà Đ1 đã tạm ứng chi phí thẩm định nên bà Đ2, bà T1, bà Tr, bà Ch1 mỗi người phải hoàn trả cho bà Tạ Thị Đ1 số tiền là 2.400.000 đồng.

6. Về án phí DSST:

Bà Tạ Thị Đ1, bà Tạ Thị Đ2 được miễn toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Bà T1, bà Tr, bà Ch1 mỗi người phải chịu 3.519.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 13/4/2021, bà Đ2 nộp đơn kháng cáo không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm đã xử.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn là bà Đ1 không rút đơn khởi kiện, bà Đ2 không rút đơn kháng cáo. Các đương sự không thể thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

+ Bà Đ2 đã trình bầy: Di chúc của cụ L là hợp pháp, bà đề nghị được chia ½ diện tích đất theo Giấy chứng nhận QSDĐ của cụ C tức là 1.543m2 /2 = 771,5m2 đất. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ giao cho bà 711m2 là không đúng quy định của pháp luật. Bà đề nghị được chia thêm phần đất có khu chăn nuôi và giếng khoan vì Hội đồng định giá khu chăn nuôi với giá 2.371.000 đồng là thấp. Nếu giao đất cho bà Đ1 phần đất này và bà Đ1 phải trả tiền cho bà giá trị của khu chăn nuôi theo mức giá như vậy là không đảm bảo quyền lợi cho bà. Theo bản án sơ thẩm thì bà phải tháo dỡ phần cổng chung, để đảm bảo giá trị tài sản, bà đề nghị giữ lại chiếc cổng này để sử dụng chung.

Phần đất ruộng canh tác bà có ý kiến như sau: Thửa đất bị Nhà nước thu hồi là sau khi UBND xã, thôn H thực hiện dồn điền, đổi thửa 6 thửa đất của hộ gia đình bà từ năm 2016. Trong đó có 03 thửa nằm trong Giấy chứng nhận QSDĐ của cụ Tạ Quốc C gồm các thửa 730, 923, 1001 với tổng diện tích là 607m2. Còn lại 03 thửa đất gồm các thửa số 842, 834, 1176 với tổng diện tích là 452m2 là không nằm trong Giấy chứng nhận QSDĐ của cụ Tạ Quốc C mà là 3 thửa đất này là của bà Tr và bà Ch1 nhưng bà Tr, bà Ch1 đã đổi cho bà. Bà Tr và bà Ch1 đã lấy các thửa ruộng khác của bà để sử dụng. Tại thời điểm Nhà nước đền bù tiền giải phóng mặt bằng thì bà Tr và bà Ch1 vẫn đang sử dụng các thửa ruộng khác của bà nên bà là người nhận tiền đền bù. Do phần diện tích ruộng bị thu hồi của cụ C, cụ L chỉ là 607m2 nên số tiền ruộng được nhận đền bù của cụ C và cụ L chỉ là 122.850.000 đồng. Số tiền trên được chia cho 2,5 định suất ruộng thì cụ C và cụ L chỉ được hưởng số tiền bồi thường là 49.140.000 đồng. Đề nghị Hội đồng xét xử xém xét chia đều số tiền trên cho các đồng thừa kế. Tại Tòa án cấp sơ thẩm, bà không khai về các nội dung trên vì việc thu hồi ruộng đã lâu nên bà không nhớ.

+ Bà Ch1 và bà Tr đã trình bầy: Các bà không đồng ý với nội dung kháng cáo của bà Đ2. Đúng là các bà có đổi ruộng canh tác cho bà Đ2. Nhưng bà Đ2 đã nhận tiền đền bù của Nhà nước đối với các thửa ruộng của cụ C và cụ L đã bị dồn điền, đổi thửa vào thửa đất số 63, tờ bản đồ số 77, diện tích là 1139,4m2. Bà Đ2 trình bầy như vậy nhưng bà Đ2 cũng không có chứng cứ chứng minh. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Đ2 đã thừa nhận tất cả các thửa ruộng bị thu hồi là có nguồn gốc là ruộng của cụ C và cụ L đã bị dồn vào thửa đất số 63, tờ bản đồ số 77. Hiện nay các bà không nhớ là 03 thửa ruộng canh tác của các bà mà các bà đã đổi cho bà Đ2 có phải là các thửa ruộng số 842, 834, 1176 với tổng diện tích là 452m2 hay không? Nếu đúng như bà Đ2 trình bầy thì bà Đ2 còn phải trả cho các bà tiền đền bù của Nhà nước sau khi thu hồi ruộng. Nhưng nay các bà chỉ đề nghị chia thừa kế đối với số tiền mà bà Đ2 đã nhận khi Nhà nước thu hồi các thửa ruộng của bố mẹ các bà.

+ Bà Đ1, bà T1 Luật sư Pham Xuân A bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Đ1 đã trình bầy: Bà Đ2 kháng cáo là không có căn cứ. Di chúc của cụ L là không hợp pháp. Di chúc lập ngày 15/9/2002 do ông Hồng là chồng bà Tr viết hộ có chữ ký của bà Đ2 và các chữ ký “Hà Thị Ly; Tạ Thị Ch1, Tạ Thị T1 và Tạ Thị Đ1”. Cụ L không biết chữ; bà Đ1, bà Ch1 và bà T1 không thừa nhận chữ ký của mình trong Di chúc. Sau đó bà Đ2 đã tự mang Di chúc đi xin xác nhận của Trưởng thôn là ông Tạ Văn Túy và chứng thực của UBND xã M. Nhưng ngày xác nhận của Trưởng thôn và ngày xác nhận của UBND xã vào Di chúc là không trùng khớp với ngày lập Di chúc. Về ruộng canh tác: Bà Ch1 và bà Tr có thừa nhận có việc đổi ruộng canh tác cho bà Đ2. Nhưng ở Tòa án cấp sơ thẩm, bà Đ2 đã thừa nhận về việc bà Đ2 đã nhận tiền đền bù của Nhà nước đối với các thửa ruộng của cụ C và cụ L đã bị dồn điền đổi thửa vào thửa đất số 63 mà Nhà nước đã thu hồi. Nay, bà Đ2 lại kháng cáo cho rằng phần đất bị thu hồi có nguồn gốc là đất của bà Đ2 do bà Đ2 đã đổi ruộng cho bà bà Ch1 và bà Tr nhưng bà Đ2 cũng không có chứng cứ để chứng minh. Nếu đúng như bà Đ2 trình bầy thì bà Đ2 còn phải trả cho bà Ch1 và bà Tr số tiền Nhà nước đã đền bù cho bà Đ2 khi Nhà nước thu hồi ruộng có nguồn gốc là của bà Ch1 và bà Tr. Nhưng trong vụ án này, bà Tr và bà Ch1 chỉ đề nghị chia thừa kế đối với số tiền mà bà Đ2 đã nhận khi Nhà nước thu hồi các thửa ruộng của cụ C và cụ L. Đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bà Đ2, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã xử.

Đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang phát biểu quan điểm:

- Về tố tụng: Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang và các đương sự đã chấp hành đầy đủ các trình tự, thủ tục của BLTTDS.

- Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang áp dụng khoản 1, Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự không kháng cáo của bà Đ2, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã xử.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

Cụ Tạ Quốc C (chết ngày 08/8/2000) và cụ Hà Thị L (chết ngày 25/10/2002) có 05 người con gồm: Bà Tạ Thị Đ1, sinh năm 1957; Tạ Thị Đ2, sinh năm 1960; bà Tạ Thị T1, sinh năm 1964; bà Tạ Thị Tr, sinh năm 1968; bà Tạ Thị Ch1, sinh năm 1970.

Sau khi cụ C và cụ L chết, bà Đ2 quản lý, sử dụng các tài sản do cụ C và cụ L để lại gồm:

- Phần đất ở và đất vườn có diện tích 1.543m2 (trong đó có 360m2 đất ở, 1.183m2 đất trồng cây lâu năm) tại thửa số 870, tờ bản đồ số 17 tại thôn H, xã M, huyện L, tỉnh Bắc Giang. Đất được UBND huyện huyện L cấp Giấy chứng nhận QSDĐ ngày 13/9/1996 mang tên cụ Tạ Quốc C. Trên đất có 04 gian nhà cấp 4 lợp ngói; 02 gian nhà ngang lợp ngói; 03 gian công trình phụ; giếng nước; cây cối lâm lộc trên đất; 01 con bò cái;

- Phần đất canh tác có diện tích là 2.238m2 gồm: Thửa số 1001, tờ bản đồ số 18 diện tích 236m2; thửa số 216, tờ bản đồ số 18 diện tích 730m2; thửa số 90/2, tờ bản đồ số 17 diện tích 152m2; thửa số 71, tờ bản đồ số 18 diện tích 140m2; thửa số 923/1, tờ bản đồ số 18 diện tích 155m2; thửa số 439/1, tờ bản đồ số 18 diện tích 52m2; thửa số 2413, tờ bản đồ số 13 diện tích 146m2; thửa số 1061/1, tờ bản đồ số 18 diện tích 29m2; thửa số 792, tờ bản đồ số 17 diện tích 240m2; thửa số 2082, tờ bản đồ số 13 diện tích 22m2; thửa số 1561, tờ bản đồ số 13 diện tích 30m2; thửa số 280, tờ bản đồ số 17 diện tích 200m2; thửa số 598, tờ bản đồ số 17 diện tích 106m2 được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ ngày 13/9/1996 mang tên cụ Tạ Quốc C. Tất cả những thửa đất canh tác trên đã được UBND xã M thực hiện việc dồn điền, đổi thửa vào năm 2017 và chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ mới. Năm 2019, Nhà nước đã thu hồi 1 phần diện tích đất canh tác là 1.139,4m2 và đã đền bù số tiền là 264.000.000đ, (số tiền được Nhà nước đền bù đang do bà Đ2 quản lý).

Theo bà Đ2 trình bầy: Trước khi cụ L chết, cụ L gọi ông Hà Văn H3 là con rể (chồng của bà Tr) viết Di chúc ngày 15/9/2002 có nội dung: “Giao cho con gái thứ hai là bà Tạ Thị Đ2 sử dụng và quản lý gia sản là đất thổ cư và đất vườn 1543m2, một nhà bốn gian cấp 4 và các công trình xây dựng trên diện tích đất trên cùng số diện tích đất canh tác được Nhà nước chia, (có Giấy chứng nhận QSDĐ mang tên cụ C)”. Di chúc được ông Hồng, cụ C và các chị em trong gia đình bà Đ2 ký xác nhận. Năm 2010, cả 4 chị em bà Đ2 gồm bà Đ2, bà Đ1, bà T1, bà Tr lập văn bản phân chia di sản thừa kế có nội dung: Các đồng thừa kế của cụ C đồng ý giao đất ở, đất vườn và các tài sản trên đất cho bà Đ2 quản lý, sử dụng. Văn bản đã được bà Đ2, bà Đ1, bà T1, bà Tr ký và được UBND xã M chứng thực ngày 27/10/2010. Do bà Ch1 khi đó có mâu thuẫn với gia đình nên bà Ch1 đã không đồng ý ký vào văn bản phân chia thừa kế. Ngày 15/12/2010, UBND huyện L đã cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Tạ Thị Đ2 được quản lý sử dụng đối với phần đất ở và đất vườn nói trên.

Theo kết quả đo đạc ngày 15/5/2020, thửa đất số 870, tờ 17 có diện tích là 1.764,5m2 là tăng 221,5m2 so với diện tích 1.543m2 đã cấp trong Giấy chứng nhận QSDĐ cho cụ C năm 1996.

Nay, bà Đ1 đề nghị chia di sản thừa kế đối với phần diện tích đất thực tế của cụ C và cụ L và số tiền mà bà Đ2 đã nhận đền bù (khi Nhà nước thu hồi ruộng canh tác) theo pháp luật vì bà Đ1 cho rằng: Di chúc của cụ L năm 2002 và văn bản phân chia tài sản thừa kế của cụ Tạ Quốc C, cụ Hà Thị L năm 2010 là không hợp pháp nên Giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Tạ Thị Đ2 cũng không hợp pháp.

Những người liên quan gồm: Bà T1, bà Tr và bà Ch1 đều đồng ý với đề nghị của bà Đ1 và đề nghị Tòa án giao kỷ phần thừa kế của các bà cho bà Đ1 làm nơi thờ cúng bố mẹ.

Bản án sơ thẩm đã chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện của bà Đ1 phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.

Sau khi xét xử bà Đ2 kháng cáo không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm đã xử.

Xét kháng cáo của bà Đ2, Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Về đất ở và đất vườn, bà Đ2 kháng cáo đề nghị được chia ½ diện tích đất ở và đất vườn theo diện tích đã ghi trong Giấy chứng nhận QSDĐ vì bà Đ2 cho rằng cụ L đã viết Di chúc cho bà Đ2 được quản lý sử dụng toàn bộ thửa đất. Về nội dung này thì thấy:

+ Về Di chúc của cụ L:

Bà Đ2 xuất trình Di chúc của cụ L do ông Hà Văn H3 là con rể (chồng của bà Tr) viết ngày 15/9/2002 có chữ ký của ông H3. Bên dưới có chữ ký người lập Di chúc là “Hà Thị L” và các chữ ký là “Tạ Thị Ch1, Tạ Thị T1 và Tạ Thị Đ1”. Di chúc được chứng thực của Chủ tịch UBND xã M là ông Hoàng Anh Ch2 vào ngày 27/9/2020 và xác nhận của Trưởng thôn là ông Tạ Văn T2 vào ngày 30/9/2020, (BL 288-289, 124).

Các đương sự đều thừa nhận cụ L không biết chữ. Theo khoản 3, Điều 655 BLDS năm 1995 đã quy định: “Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có chứng nhận của Công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn”.

Di chúc của cụ L được ông Hồng lập ngày 15/9/2002 nhưng bà Đ2 đã trình bầy tại Biên bản ghi lời khai ngày 06/11/2020 như sau: “Về chữ ký của mẹ tôi Hà Thị L bên người Di chúc là do mẹ tôi không biết chữ, không biết viết nên tôi là người bắt tay mẹ tôi ký vào bên “Người Di chúc” trước mặt mọi người. Đến ngày 30/9/2002 thì tôi có mang Di chúc của mẹ tôi ra cho ông Tạ Văn T2 là trưởng thôn ký chứng thực trong bản Di chúc. Ngoài ra tôi còn mang bản Di chúc ra UBND xã M để chứng thực (tôi cũng không nhớ rõ là ngày nào và cũng không nhớ trong khoảng thời gian là bao lâu).” Ông H3 đã trình bầy tại Biên bản lấy lời khai ngày 22/9/2020: “Bản Di chúc ngày 15/9/2002 do tôi lập tại nhà cụ L, khi đó chỉ có ông Tạ Văn Th là Trưởng chi (hiện đã chết), bà Tạ Thị Đ2, ngoài ra không có ai khác” “Toàn bộ nội dung trong Di chúc là do bà Đ2 và ông Th đọc cho tôi viết. Còn cụ L khi đó thì ốm mệt không nói được. Tuy nhiên cụ L vẫn rất tỉnh táo, vẫn nhận biết được những người xung quanh. Sau khi tôi viết Di chúc xong thì có ký vào bên “người chắp bút” rồi đi về. Còn phần ký của “người Di chúc”, “người thừa kế” và những người khác ký vào Di chúc như thế nào thì tôi không nắm được. Cụ L và những người còn lại có trực tiếp ký vào Di chúc hay không thì tôi không biết. Khi tôi viết xong Di chúc thì có nói lại cho cụ L biết về các ý trong Di chúc là cho bà Đ2 toàn bộ tài sản là diện tích đất và tài sản trên đất như trong Di chúc chứ không đọc lại toàn bộ nội dung Di chúc cho cụ L biết”, (BL 169).

Như vậy cụ L không ký vào Di chúc trước mặt của người làm chứng và ký trước UBND xã M khi UBND xã chứng thực vào Di chúc. Sau ngày ông H3 viết Di chúc, bà Đ2 đã tự đi xin xác nhận của Trưởng thôn và chứng thực của UBND xã.

Các con của cụ C là bà Tạ Thị Ch1 bà Tạ Thị T1, bà Tạ Thị Đ1 đều không thừa nhận chữ ký của mình trong Di chúc của cụ L nhưng không có ai đề nghị giám định chữ ký. Nếu đúng là bà Ch1, bà T1, bà Đ1 đã ký tên vào Di chúc thì sau khi cụ C chết, khối tài sản là QSDĐ và tài sản trên đất phải là tài sản chung của cụ C và cụ L, nhưng cụ L đã định đoạt cho bà Đ2 mà không hỏi ý kiến của bà Tr là không đúng quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, (Di chúc thiếu chữ ký của bà Tr).

Theo sự phân tích nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định Di chúc của cụ L là không hợp pháp là đúng quy định của pháp luật. Nay, bà Đ2 kháng cáo về nội dung trên là không có cơ sở chấp nhận.

+ Về văn bản phân chia di sản thừa kế:

Năm 2010, bà Đ2, bà Đ1, bà T1, bà Tr lập văn bản phân chia di sản thừa kế có nội dung: Các đồng thừa kế của cụ C đồng ý giao đất ở, đất vườn và các tài sản trên đất cho bà Đ2 quản lý, sử dụng. Văn bản đã được bà Đ2, bà Đ1, bà T1, bà Tr ký và được UBND xã M chứng thực ngày 27/10/2010. Nhưng văn bản trên không có chữ ký của bà Ch1 nên cũng không hợp pháp.

[1.1] Bà Đ2 kháng cáo đề nghị được trích chia thêm phần đất có khu chăn nuôi và các tài sản khác của bà Đ2 trên đất, bà Đ2 không đồng ý tháo dỡ cổng mà đề nghị được sử dụng chung, về nội dung này thì thấy:

Theo kết quả đo đạc ngày 15/5/2020, thửa đất số 870, tờ 17 có diện tích thực tế là 1.764,5m2, là tăng 221,5m2 so với diện tích 1.543m2 đã cấp trong Giấy chứng nhận QSDĐ mang tên cụ C năm 1996.

Theo sự phân tích đã nêu ở phần trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã trích chia cho bà Đ2 711,3m2 đất (gồm 120m2 đất ở và 591,3m2 đất vườn) còn bà Đ1, bà Ch1, bà T1, bà Tr chỉ được trích chia 979,4m2 (gồm 240m2 đất ở và 793,4m2 đất vườn) là đã đảm bảo quyền lợi cho bà Đ2. Nay, bà Đ2 đề nghị được trích chia 771,5m2 đất bao gồm cả khu chăn nuôi vì lý do khu chăn nuôi được định giá thấp. Sau khi Tòa án giải thích cho bà Đ2 biết về việc bà Đ2 có quyền được đề nghị định giá lại tài sản, nhưng bà Đ2 đã không yêu cầu định giá lại. Cần giữ nguyên bản án sơ thẩm về việc phân chia di sản thừa kế đối với phần đất ở và đất vườn cho các đồng thừa kế.

Đối với phần đất dôi dư là 221,5m2 so với diện tích ghi trong Giấy chứng nhận QSDĐ, Tòa án cấp sơ thẩm đã giao phần đất dôi dư này cho các đương sự quản lý, sử dụng là không đúng, cần phải sửa lại bản án sơ thẩm về cách tuyên án về việc tạm giao phần dất dôi dư cho các đương sự. Sau này các đương sự có quyền đề nghị UBND cấp Giấy chứng nhận đối với phần đất tạm giao này. Phần diện tích đất dôi dư là 221,5m2 nên mỗi người sẽ được tạm giao phần diện tích đất là 221,5m2 : 5= 44,3m2. Như vậy, bà Đ2 được tạm giao 44,3m2 đất; còn bà Đ1, bà Ch1, bà T1, bà Tr sẽ được tạm giao tổng số diện tích đất là 177,2m2.

[1.2] Đối với tài sản của bà Đ2 là cổng ra vào thì thấy:

Bản án sơ thẩm đã buộc bà Đ2 phải trích chia 1 phần đất cho các đồng thừa kế để làm lối đi chung, trên phần lối đi chung này có cổng ra vào của bà Đ2. Bản án sơ thẩm đã buộc bà Đ2 phải tháo dỡ cổng, nay bà Đ2 kháng cáo đề nghị giữ lại chiếc cổng này để sử dụng chung. Việc đề nghị này của bà Đ2 không được các đồng thừa kế khác đồng ý. Để thuận tiện cho việc sử dụng đất của các bên, cần giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về nội dung này.

[2] Về đất canh tác:

Ban đầu bà Đ2 thừa nhận di sản của cụ C và cụ L để lại là các thửa ruộng khác nhau có tổng diện tích là 2.238m2. Năm 2019, Nhà nước đã thu hồi phần diện tích đất canh tác của cụ C và cụ L là 1.139,4m2. Bà Đ2 đã nhận số tiền Nhà nước đền bù là 264.000.000đ.

Tòa sơ thẩm xác định xác định cụ C và cụ L có 1 định suất ruộng nên di sản của cụ C và cụ L để lại là: 105.000.000 đồng, mỗi đồng thừa kế được hưởng số tiền là 21.000.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Đ2 đã trình bầy: Thửa đất bị Nhà nước thu hồi là sau khi UBND xã, thôn H thực hiện dồn điền, đổi thửa 6 thửa đất của hộ gia đình bà từ năm 2016. Trong đó có 03 thửa nằm trong Giấy chứng nhận QSDĐ của cụ Tạ Quốc C gồm các thửa 730, 923, 1001 với tổng diện tích là 607m2. Còn lại 03 thửa đất gồm các thửa số 842, 834, 1176 với tổng diện tích là 452m2 là không nằm trong Giấy chứng nhận QSDĐ của cụ Tạ Quốc C mà là 3 thửa đất này là của bà Tr và bà Ch1 nhưng bà Tr, bà Ch1 đã đổi cho bà Đ2. Bà Tr và bà Ch1 đã lấy các thửa ruộng khác của bà Đ2 để sử dụng. Tại thời điểm Nhà nước đền bù tiền giải phóng mặt bằng thì bà Tr và bà Ch1 vẫn đang sử dụng các thửa ruộng khác của bà Đ2 nên bà Đ2 là người nhận tiền đền bù. Do phần diện tích ruộng bị thu hồi của cụ C, cụ L chỉ là 607m2 nên số tiền ruộng được nhận đền bù của cụ C và cụ L chỉ là 122.850.000 đồng. Số tiền trên được chia cho 2,5 định suất ruộng thì cụ C và cụ L chỉ được hưởng số tiền bồi thường là 49.140.000 đồng, các đồng thừa kế chỉ được 1/5 số tiền trên.

Về nội dung kháng cáo này thì thấy:

+ Bà Ch1 và bà Tr đã trình bầy: Bà Ch1 và bà Tr có đổi ruộng canh tác cho bà Đ2. Nhưng số tiền mà bà Đ2 đã nhận là 264.000.000 đồng là do Nhà nước đền bù khi Nhà nước thu hồi toàn bộ 1.139,4m2 đất ruộng canh tác có nguồn gốc của cụ C và cụ L đã dồn điền đổi thửa vào thửa số 63. Phần ruộng của bà Ch1 và bà Tr đã đổi cho bà Đ2 là không liên quan đến các thửa ruộng của cụ C và cụ L.

Bà Đ2 cho rằng: Phần đất mà Nhà nước thu hồi có nguồn gốc từ 3 thửa ruộng của cụ C và thu hồi 3 thửa ruộng của bà Đ2 đã dồn vào thành thửa đất số 63. Trong đó 3 thửa đất của bà Đ2 có nguồn gốc là của bà Ch1 và bà Tr đã đổi ruộng cho bà Đ2. Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, bà Đ2 đã thừa nhận tất cả các thửa ruộng bị Nhà nước thu hồi có nguồn gốc là của của cụ C và cụ L. Tại Công văn số 30/UBND ngày 02/3/2020 của UBND xã M có nội dung: Hộ bà Đ2 bị thu hồi thửa số 63, tờ bản đồ số 77, diện tích 1139,4m2. Phần đất thu hồi trên là sau dồn điền, đổi thửa của thôn H năm 2016. Trong đó có 3 thửa ruộng có tên trong Giấy chứng nhận QSDĐ của cụ L còn 3 thửa ruộng chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đang do bà Đ2 quản lý, (BL 73,74).

Tại bảng danh sách các chủ sử dụng đất bị Nhà nước thu hồi ruộng canh tác do UBND xã M cung cấp cho Tòa án đã ghi: Thửa ruộng bị thu hồi là thửa số 63, tờ bản đồ số 77, diện tích 1139,4m2, (BL 70).

Do bà Đ2 không có chứng cứ về việc 3 thửa ruộng chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đã bị dồn vào thửa số 63, tờ bản đồ số 77, diện tích 1139,4m2 là của cá nhân bà Đ2. Hội đồng xét xử xét thấy: Không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà Đ2, cần giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về việc chia thừa kế đối với di sản thửa kế của cụ C và cụ L đối với số tiền đền bù ruộng canh tác là 264.000.000 đồng. Nếu sau này bà Đ2 có căn cứ chứng minh về việc Nhà nước đã thu hồi 3 thửa ruộng có nguồn gốc là của cá nhân bà Đ2 (do bà Đ2 đã đổi ruộng cho bà Ch1 và bà Tr) và các bên có tranh chấp về Hợp đồng đổi ruộng thì bà Đ2 quyền khởi kiện bằng vụ án dân sự khác.

Trong vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm cũng cần rút kinh nghiệm về những nội dung sau:

+ Bà Đ1 là nguyên đơn đề nghị chia thừa kế được miễn tiền tạm ứng án phí do bà Đ1 đã trên 60 tuổi. Bà T1, bà Tr, bà Ch1 đều là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (đều dưới 60 tuổi) đều có yêu cầu độc lập, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu bà T1, bà Tr, bà Ch1 nộp tiền tạm ứng án phí là không đúng quy định của khoản 2, Điều 73, khoản 1, Điều 146 BLTTDS.

+ Đối với số tiền chậm thi hành án, Tòa sơ thẩm đã tuyên: “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất 10%/năm tương ứng với thời gian chưa thi hành án”.

Việc tuyên án như vậy là không đúng hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao cần sửa lại cách tuyên như sau: “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự”.

Hội đồng xét xử xét thấy cần sửa lại quyết định của bản án sơ thẩm về cách tuyên án theo sự phân tích đã nêu ở trên.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng khoản 1, Điều 308 BLTTDS không chấp nhận kháng cáo của bà Đ2, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã xử:

Áp dụng các Điều 26, 35, 39, 91, 92, 147, 157, 165, 227, 228, 235, 271, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 636, 637, 638, 649, 654, 655, 660, 661, 662, 677, 678, 679, 688, 738 và 739 của Bộ luật dân sự năm 1995; các Điều 357, 468, 623, 688 của Bộ luật dân sự 2015; các Điều 12, 26, 27 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tạ Thị Đ1 về việc chia di sản thừa kế theo pháp luật. Không chấp nhận yêu cầu hủy Giấy chứng nhận QSDĐ do UBND huyện L đã cấp cho bà Tạ Thị Đ2.

Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bà Tạ Thị Đ2 về việc bà Đ2 đề nghị trích chia công sức tôn tạo, duy trì, phát triển di sản thừa kế. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Đ2 về việc yêu cầu chia thừa kế theo Di chúc của cụ Hà Thị L.

1. Tuyên bố Di chúc của cụ Hà Thị L lập ngày 15/9/2002 là vô hiệu.

2. Xác nhận phần diện tích đất là 1.764,5m2 (trong đó có 360m2 đất ở, 1.404,5m2 đất trồng cây lâu năm) tại thửa số 870, tờ bản đồ số 17 tại thôn H, xã M, huyện L, tỉnh Bắc Giang có trị giá 307.389.000 đồng và số tiền 105.000.000đ được Nhà nước bồi thường khi Nhà nước thu hồi phần ruộng canh tác là di sản thừa kế của cụ Tạ Quốc C và cụ Hà Thị L. Các đồng thừa kế được chia di sản thừa kế theo pháp luật.

Các đồng thừa kế gồm: Bà Tạ Thị Đ1, bà Tạ Thị T1, bà Tạ Thị Tr, bà Tạ Thị Ch1 mỗi người được hưởng di sản thừa kế là: 60m2 đất ở và 184,5m2 đất trồng cây lâu năm (có giá trị 49.163.700 đồng) và được hưởng số tiền Nhà nước đền bù khi giải phóng mặt bằng là 21.000.000 đồng. Tổng giá trị tài sản mà mỗi người được hưởng là 70.163.700 đồng (bẩy mươi triệu một trăm sáu mươi ba nghìn bẩy trăm đồng).

Bà Tạ Thị Đ2 được hưởng phần di sản thừa kế là 120m2 đất ở và 591,3m2 đất trồng cây lâu năm có trị giá là 107.643.600 đồng và được hưởng số tiền Nhà nước đền bù khi giải phóng mặt bằng là 21.000.000 đồng. Tổng giá trị tài sản mà bà Đ2 được hưởng là 128.643.600 đồng.

3. Chia di sản thừa kế.

Thửa số 870, tờ bản đồ số 17 tại thôn H, xã M, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang được chia làm 3 phần có ký hiệu là S1, S2, S3.

- Phần đất được ký hiệu S1 có diện tích 73,8m2 (thuộc loại đất trồng cây lâu) thuộc quyền quản lý, sử dụng chung của các đồng thừa kế gồm: Bà Đ1, bà Đ2, bà T1, bà Tr, bà Ch1.

Phần đất có ký hiệu là S1 có tứ cận: Phía Bắc giáp đất giao cho bà Đ2; phía Đông giáp đất chia cho bà Đ1; phía Nam giáp đất ông Tạ Xuân H4; phía Tây giáp đất nhà bà Tạ Thị Ch1 và đường thôn là đường đi chung; các tài sản trên đường đi chung gồm: Tường bao xây cay có diện tích 23,46m2; đường bê tông có diện tích 4,5m2 thuộc sở hữu chung của các đồng thừa kế gồm: Bà Đ1, bà Đ2, bà T1, bà Tr, bà Ch1.

- Bà Tạ Thị Đ2 được quản lý, sử dụng phần đất có ký hiệu S2 có diện tích là 711,3m2 (trong đó có 120m2 đất ở và 547m2 đất trồng cây lâu năm và 44,3m2 đất được tạm giao) có trị giá là 107.643.600 đồng. Phần đất có ký hiệu là S2 có tứ cận: Phía Bắc giáp đất mương nước; phía Đông giáp đất giao cho bà Đ1, phía Nam giáp đường đi chung, phía Tây giáp đất nhà bà Tạ Thị Ch1. Bà Đ2 được hưởng số tiền Nhà nước đền bù là 21.000.000 đồng tiền. Nhưng bà Đ2 phải trả cho các đồng thừa kế khác do bà Đ1 nhận với tổng số tiền là 84.000.000 đồng.

- Bà Tạ Thị Đ1, bà T1, bà Tr, bà Ch1 được quản lý, sử dụng phần đất có ký hiệu S3, có diện tích đất 979,4m2 (trong đó có 240m2 đất ở; 562,2m2 đất trồng cây lâu năm và 177,2m2 đất được tạm giao) có trị giá là 196.654.800 đồng, (theo sơ đồ kèm theo bản án). Phần đất có ký hiệu là S3 có tứ cận: Phía Bắc giáp đất mương nước; phía Đông giáp đất nhà bà Tạ Thị Ch1; phía Nam giáp đất nhà ông Tạ Quang L1 và ông Tạ Xuân H4; phía Tây giáp đất giao cho bà Đ2, đường đi chung và được nhận số tiền 84.000.000 đồng do bà Đ2 trích trả.

Bà Đ1 bà T1, bà Tr, bà Ch1 được sở hữu các tài sản gắn liền đất gồm: 01 nhà chăn nuôi loại B diện tích 15,6m2; 01 bán mái prôximăng diện tích 14,3m2; tường bao xây cay diện tích 50,8m2; 02 cây na mới trồng; 06 cây bưởi mới trồng;

03 cây bưởi đường kính gốc từ 02-03 cm; 01 cây sấu đường kính gốc 15cm; 02 cây khế đường kính gốc từ 10-12cm; 03 cây mít mới trồng; 01 cây xoài đường kính gốc 20cm; 01 cây nhãn mới trồng; 01 khóm chuối.

Nhưng bà Đ1 bà T1, bà Tr, bà Ch1 phải có nghĩa vụ trích trả cho bà Đ2 giá trị các tài sản của bà Đ2 (trên đường đi chung và trên phần diện tích đất được giao) với tổng số tiền là 10.626.000 đồng (mười triệu sáu trăm hai mươi sáu ngàn đồng chẵn).

4. Buộc bà Đ2 phải tháo dỡ trụ cổng xây gạch diện tích 0,97m2; mái cổng bằng tôn có diện tích 6,4m2; cánh cổng làm bằng tôn có diện tích 5,3m2; lưới B40 có diện tích 15,6m2 trên phần diện tích đất có ký hiệu S1 để làm đường đi chung.

Buộc bà Đ2 phải tháo dỡ các tài sản trên phần đất có ký hiệu S3 đã giao cho bà Đ1, bà T1, bà Tr, bà Ch1 gồm: Lưới B40 có diện tích 48m2; bán mái tôn trước bếp, nhà tắm có diện tích 6,29m2.

Bà Đ2 phải trích chia phần đất có diện tích đất 979,4m2 (được ký hiệu S3) cho bà Đ1, bà T1, bà Tr, bà Ch1. (Có sơ đồ kèm theo bản án).

Các đương sự được giao đất theo bản án có quyền đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định của pháp luật về đất đai.

5. Về chi phí định giá, thẩm định tài sản:

Bà Đ1, bà Đ2, bà T1, bà Tr, bà Ch1 mỗi người phải chịu 2.400.000 đồng tiền chi phí định giá, thẩm định tài sản.

Do bà Đ1 đã tạm ứng chi phí thẩm định nên bà Đ2, bà T1, bà Tr, bà Ch1 mỗi người phải hoàn trả cho bà Tạ Thị Đ1 số tiền 2.400.000 đồng.

6. Về án phí DSST:

Bà Tạ Thị Đ1, bà Tạ Thị Đ2 được miễn toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm.

thẩm.

Bà T1, bà Tr, bà Ch1 mỗi người phải chịu 3.519.000 đồng án phí dân sự sơ 7. Về án phí DSPT: Bà không Điền phải nộp tiền án phí dân sự phúc thẩm. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6; 7, 7a, 7b và 9 của Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án xử phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

290
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về chia tài sản chung và chia di sản thừa kế số 92/2021/DS-PT

Số hiệu:92/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 14/08/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về