Bản án về chia di sản thừa kế số 31/2023/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TAM DƯƠNG, TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 31/2023/DS-ST NGÀY 28/12/2023 VỀ CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 28 tháng 12 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 06/2023/TLST- DS ngày 14 tháng 02 năm 2023 về việc tranh chấp chia di sản thừa kế, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 71/2023/QĐXXST-DS ngày 14 tháng 8 năm 2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Lê Bích N, sinh năm 1973.

Địa chỉ: T, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người đại diện theo ủy quyền của bà N: Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1980, có mặt.

Địa chỉ: Số 46, đường N, phường Đ, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Bị đơn:

- Ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1965, có mặt.

Địa chỉ: Tổ dân phố H, phường Đ, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1956, vắng mặt.

- Ông Nguyễn Văn T1 sinh năm 1958, vắng mặt.

Đều ở địa chỉ: Thôn T, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1979.

- Chị Nguyễn Thị V, sinh năm 1983.

- Anh Nguyễn Văn C, sinh năm 1985.

- Anh Nguyễn Văn Tr, sinh năm 1990.

Đều ở địa chỉ: Thôn T, xã huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1976.

Địa chỉ: Thôn H, xã Đ, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Chị Nguyễn Thị V, sinh năm 1980.

Địa chỉ: Tổ dân phố L, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người đại diện theo ủy quyền của chị H, chị H, chị V, chị V, anh T: Anh Nguyễn Văn C, sinh năm 1985, có mặt.

Địa chỉ: Thôn T, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Anh Nguyễn Văn C, sinh năm 1976, vắng mặt.

- Anh Nguyễn Văn K, sinh năm 1977, vắng mặt.

- Anh Nguyễn Văn Q, sinh năm 1980, vắng mặt.

- Anh Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1982, vắng mặt.

Đều ở địa chỉ: Thôn H, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Chị Nguyễn Thị Thu H, sinh năm 1993, có mặt.

Địa chỉ: Số nhà 11, khu hành chính 15, phường L, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc.

Phúc.

- Chị Nguyễn Thị Thúy H, sinh năm 1997, vắng mặt.

Địa chỉ: Thôn T, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Ủy ban nhân dân huyện Tam Dương; địa chỉ: Thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Quang N- chức vụ Chủ tịch.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Triệu K- Cán bộ Phòng Tài nguyên và môi trường huyện T, vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn cùng người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn thống nhất trình bày: Cụ Nguyễn Văn L (chết năm 1977), cụ Đào Thị V (chết năm 2021) là vợ chồng và sinh được 06 người con gồm: Ông Nguyễn Văn T (chết năm 2004), bà Nguyễn Thị L (chết năm 1985), ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T1, ông Nguyễn Văn Đ, ông Nguyễn Văn H (chết năm 2016). Ngoài ra cụ V và cụ L không có người con đẻ, con nuôi nào khác.

Ông Nguyễn Văn T có vợ là bà Đào Thị S. Ông T, bà S sinh được 06 người con là chị Nguyễn Thị H, chị Nguyễn Thị V anh Nguyễn Văn C, anh Nguyễn Văn Tr, chị Nguyễn Thị H và chị Nguyễn Thị V.

Bà Nguyễn Thị L có chồng là ông Nguyễn Xuân D. Bà L, ông D sinh được 04 người con là anh Nguyễn Văn C, anh Nguyễn Văn K, anh Nguyễn Văn Q và anh Nguyễn Văn Đ.

Bà Lê Bích N kết hôn với ông Nguyễn Văn H năm 1992, sau khi kết hôn bà N và ông H ở chung cùng cụ Đào Thị V trên thửa đất số 78.1, tờ bản đồ số 10; DT 372m2 ở thôn T, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc. Bà N và ông H sinh được 02 người con là chị Nguyễn Thị Thu H và Nguyễn Thị Thúy H1. Ngoài ra bà N và ông H không có người con đẻ, con nuôi nào khác. Trong quá trình chung sống bà N và ông H tạo lập được khối tài sản chung đều ở địa chỉ thôn T, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc gồm: 01 quyền sử dụng đất thửa đất số 78.1 tờ bản đồ số 10, diện tích 372m2 (đất ở 200m2, đất trồng cây lâu năm 172m2); thửa đất nông nghiệp số 49a.1 diện tích 216m2 cánh đồng C; thửa đất nông nghiệp số 288.3, diện tích 216m2 cánh Đồng M;

thửa đất nông nghiệp số 26, tờ số 9, diện tích 360m2 ở cánh đồng C cùng các tài sản trên đất. Ông H chết năm 2016, không để lại di chúc. Bà N làm thủ tục thừa kế quyền sử dụng đất nêu trên để thuận tiện cho việc sử dụng nhưng bà S, ông D, ông T1, ông Đ, ông T không tạo điều kiện, không cung cấp các giấy tờ liên quan và không đồng ý cho bà N làm giấy tờ sang tên thừa kế quyền sử dụng đất. Nay bà N khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đối với các tài sản nêu trên, cụ thể:

- ½ diện tích thửa đất số 78.1 tờ bản đồ số 10, diện tích 372m2 (đất ở 200m2, đất trồng cây lâu năm 172m2);

- Chia di sản thừa kế đối với thửa ruộng số 49a.1 diện tích 216m2; thửa ruộng số 288.3 diện tích 216m2; ½ thửa ruộng số 26, tờ số 9, diện tích 360m2 theo quy định của pháp luật và bà xin được nhận di sản thừa kế bằng hiện vật, nhất trí thanh toán chênh lệch bằng tiền cho các hàng thừa kế khác.

Bị đơn ông T, ông T1 vắng mặt nhưng trước đó đã trình bày: Trước năm 1976, gia đình các ông ở khu L (Đ), do kế hoạch của xã phải di dời các hộ dân sinh sống ở đó để làm trụ sở UBND xã D, UBND xã D cắm đất cho mẹ con các ông lên thôn T, xã D với diện tích là 2 sào, thương đương với 720m2, trong đó có phần diện tích đất hiện tại đang có tranh chấp. Khi ở trên đất này có cụ V, ông T, ông T1, ông Đ, ông H sinh sống. Năm 1982, ông T và ông T1 lấy vợ ra ở riêng. Từ đó chỉ có cụ V, ông H, ông Đ ở trên đất này. Khoảng năm 1984-1985 ông Đ đi bộ đội, khi ra quân ông Đ lấy vợ ra ở riêng. Cụ V, ông H ở trên nhà đất này đến năm 1993 thì ông H kết hôn với bà N. Ông H, bà N chung sống cùng cụ V, năm 2016 ông H chết. Sau khi ông H chết, cụ V, bà N vẫn ở chung nhà. Trong thời gian chưa đầy 49 ngày ông H, thì bà N đã không quan tâm chăm sóc cụ V, không cho cụ V ăn uống nên cụ V hay đi lang thang ở ngoài, ông T, ông T1 có đón cụ V về ở cùng nhưng cụ V không về, sau đó ông Đ đón cụ V đến Vĩnh Yên ở cùng vợ chồng ông Đ, còn mẹ con bà N cũng chuyển về xã Đ ở từ đó cho đến nay. Năm 2021 cụ V chết, trước khi chết cụ V và ông H đều không để lại di chúc. Thửa đất hiện tại đang tranh chấp là của cụ V, việc ông H làm thủ tục và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, anh em các ông đều không được biết. Trong diện tích 720m2 đất mà gia đình các ông được cấp, bà N đã tự ý bán 300m2 cho một người ở V ông không biết tên tuổi, địa chỉ cụ thể. Thời điểm bán đất, ông H và cụ V vẫn còn sống. Sau đó 3 năm, ông T mua lại thửa đất của người ở V, lúc đó cụ V và ông H vẫn còn sống. Việc mua bán đất cụ thể như thế nào thì ông không biết. Ông khẳng định thửa đất hiện bà N đang đề nghị chia thừa kế là tài sản của cụ V và các anh chị em ông, việc bà N khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế thửa đất trên, các ông không đồng ý vì đây là đất hương hỏa. Nếu bà N về làm nhà và ở trên thửa đất này thì anh em các ông sẽ cho bà N. Đối với quyền sử dụng đất nông nghiệp là thửa 49a.1 diện tích 216m2, thửa 288.3 diện tích 216m2, thửa số 26 diện tích 360m2 mà bà N đang để nghị Tòa án chia thừa kế, các ông đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Ông T1, ông T đề nghị Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1570/QSDĐ do Ủy ban nhân dân huyện T cấp ngày 08/3/1993 đứng tên ông Nguyễn Văn H.

- Ông Nguyễn Văn Đ trình bày: Trước năm 1977 gia đình ông sinh sống ở khu vực trạm y tế của xã D, đến khoảng cuối năm 1977 đầu năm 1978 do yêu cầu của UBND xã D gia đình ông phải di dời để nhường đất cho việc xây dựng trụ sở UBND xã D hiện nay cùng 14 hộ gia đình khác, do đó gia đình ông được chuyển đến nơi ở mới được UBND xã D cấp đất thay thế nơi ở cũ, thửa đất đó là thửa số 78.1, tờ bản đồ số 10 ở địa chỉ thôn T, xã D, huyện T, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ bà Đào Thị V, khi đó cụ L (bố ông Đ) đã chết, chỉ còn lại cụ V và 6 anh chị em ông sinh sống trên thửa đất này cho đến khi trưởng thành và đi công tác xây dựng gia đình ra ở riêng. Năm 1992 ông H kết hôn với bà N, cuối năm 1992, vợ chồng ông Đ ra ở riêng tại phường Đ, thành phố V, chỉ còn lại cụ V và vợ chồng ông H ở trên thửa đất này. Do bất đồng với vợ chồng ông H bà N nên cụ V phải xuống ở với ông Đ ở Đ, V. Nhiều năm sau này khi tuổi cao cụ V trở về quê và sống ở ngôi nhà cũ trên thửa đất này đến năm 2016 thì ông H chết. Khi còn sống cụ V có mua thêm được một thửa đất khoảng 250m2 tại thôn T, xã D, năm 2022 bà N tự ý bán thửa đất trên mà không thông báo với anh em ông Đ. Sau khi ông H chết được khoảng 50 ngày thì bà N cùng hai con gái chuyển về xã Đ ở, để cụ V sống một mình trên thửa đất này, sau đó cụ V chuyển về ở với ông Đ. Đến nay bà N vẫn đang quản lý thửa đất. Ông Đ khẳng định thửa đất 78.1, tờ bản đồ số 10 ở địa chỉ thôn T, xã D là tài sản của cụ V. Nay ông Đ đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà N về việc chia di sản thừa kế đối với thửa đất số 78,1, tờ bản đồ số 10; hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Nguyễn Văn H. Trường hợp phải chia di sản thừa kế ông đề nghị nhận bằng hiện vật. Đối với 03 thửa ruộng gồm thửa 49a.1 diện tích 216m2, thửa 288.3 diện tích 216m2, thửa số 26 diện tích 360m2 đều ở địa chỉ thôn T, xã D, huyện T ông nhất trí chia theo quy định của pháp luật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

- Người đại diện theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân huyện T trình bày: Ủy ban nhân dân huyện T (nay là ủy ban nhân dân huyện T) thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1570/QSDĐ ngày 08/3/1993 đứng tên ông Nguyễn Văn H là đúng thẩm quyền quy định tại khoản 2 Mục IV quyết định 201-QĐ/ĐKTK ngày 14/7/1989 của Tổng cục quản lý ruộng đất. Yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các đương sự, ủy ban nhân dân huyện T đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định.

- Chị H, chị V, anh Tr, chị H1, chị V và người đại diện theo ủy quyền là anh Nguyễn Văn C thống nhất trình bày: Về quan hệ huyết thống như bà N trình bày là đúng. Từ khi còn nhỏ đến khi hiểu biết anh đều thấy cụ Vậ sinh sống cùng các con trong ngôi nhà trên thửa đất số 78.1 tờ bản đồ số 10 thuộc thôn T, xã D. Sau này lớn lên mới được cụ V kể lại là thửa đất này của cụ V được nhà nước giao đất đền bù cho cụ V từ năm 1978. Trước đó cụ V kể có nhà đất ở trạm y tế xã D (hiện nay) nhưng vì nhà nước thu hồi đất để xây dựng trụ sở UBND xã D nên gia đình phải di dời đi nơi khác cùng 14 hộ gia đình khác. Vì thế cụ V được Nhà nước giao thửa đất số 78.1 tờ bản đồ số 10 thuộc thôn T, xã D và được cấp GCNQSDĐ cho hộ bà Đào Thị V khoảng năm 1978, sau đó cụ V làm nhà cùng các con sinh sống trên thửa đất này. Như vậy có thể khẳng định thửa đất số 78.1, tờ bản đồ số 10 có địa chỉ tại thôn T, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc là của cụ V chứ không phải đất của ông Nguyễn Văn H và bà Lê Bích N. Việc tự ý chuyển quyền sử dụng đất từ cụ V sang tên ông H mà không được sự đồng ý của cụ V và các con cụ V là trái quy định pháp luật. Anh C đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của bà N; đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Nguyễn Văn H đối với thửa đất số 78.1, tờ bản đồ số 10. Trường hợp phải chia di sản thừa kế anh và những người ủy quyền cho anh xin nhận bằng hiện vật. Đối với 03 thửa ruộng gồm thửa 49a.1 diện tích 216m2, thửa 288.3 diện tích 216m2, thửa số 26 diện tích 360m2 đều ở địa chỉ thôn T, xã Duy P, huyện T anh nhất trí chia theo quy định của pháp luật.

- Anh Nguyễn Văn Qvắng mặt tại phiên tòa nhưng trước đó đã trình bày: Thống nhất về quan hệ huyết thống như nguyên đơn trình bày. Đối với yêu cầu khởi kiện của bà N, anh đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu anh được hưởng di sản thừa kế thì anh cũng từ chối nhận, anh đề nghị Tòa án chia kỷ phần thừa kế di sản của anh cho những người thừa kế khác của bà L.

- Anh Nguyễn Văn C, anh Nguyễn Văn K, anh Nguyễn Văn Đ vắng mặt tại phiên tòa nhưng trước đó đã thống nhất trình bày: Toàn bộ diện tích đất gồm thửa đất số 78.1, tờ bản đồ số 10 diện tích 372m2 cùng tài sản trên đất và 03 thửa ruộng đều ở địa chỉ thôn T, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc mà bà N đề nghị chia thừa kế, là tài sản của cụ Vận. Không biết bằng cách nào mà ông H, bà N tự ý chuyển quyền sử dụng thửa đất từ cụ V sang ông H mà không được sự đồng ý của cụ V và các con cụ V. Các anh không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà N và đề nghị Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông H - Chị Nguyễn Thị Thúy H, Nguyễn Thị Thu H thống nhất trình bày: Chị Hvà chị H là con của ông H, bà N. Theo các chị được biết, hiện tại bà N đang có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế đối với đất ở, đất trồng cây lâu năm và đất nông nghiệp của ông H để lại, quan điểm của chị H, chị H đối với phần di sản thừa kế các chị được hưởng, các chị tự nguyện để lại cho bà N được hưởng toàn bộ, bà N không phải thanh toán tiền chênh lệch cho các chị.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về việc tuân theo các quy định tố tụng của Thẩm phán về quá trình nhận đơn, thụ lý vụ án, thu thập chứng cứ đã thực hiện đúng pháp luật tố tụng dân sự. Tại phiên tòa Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký tòa án, người tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Viện kiểm sát nhân dân huyện T không yêu cầu hay kiến nghị gì. Nguyên đơn bà N, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan anh C đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Bị đơn ông Đ, ông T, ông T, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh K, anh Đ, anh C, chị H không thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về đường lối giải quyết vụ án: Căn cứ Điều 147, khoản 1 Điều 227, khoản 1 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 612; Điều 613; Điều 649; Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật Dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Bích N. Xác định ½ diện tích thửa đất số 78.1 tờ bản đồ số 10 (trong đó đất ở 200m2, đất trồng cây lâu năm 216m2) cùng toàn bộ tài sản trên đất, địa chỉ thửa đất thôn T, xã D, huyện T; ½ diện tích thửa số 26 tờ bản đồ số 9 ở cánh đồng C; thửa số 49a.1, diện tích 216m2 ở cánh đồng C; thửa số 288.3 diện tích 216m2 ở cánh đồng M là di sản thừa kế của ông Nguyễn Văn H.

Diện được hưởng thừa kế của ông Hạnh ở hàng thừa kế thứ nhất gồm bà N, chị H, chị H, cụ V. Do vậy mỗi thừa kế được hưởng phần di sản của ông H là:

Về đất ở: 198,6m2 : 4 = 49,65m2 đất (trong đó có 25m2 đất ở và 24,65m2 đất trồng cây lâu năm).

Về đất nông nghiệp: tổng diện tích đất nông nghiệp là 727,65m2 : 4 = 181,9m2 đất.

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, chị H, chị H tự nguyện tặng toàn bộ kỷ phần thừa kế của mình được hưởng cho bà N. Xét thấy, đây là sự tự nguyện của các đương sự, không trái pháp luật, đạo đức xã hội nên cần được ghi nhận.

Cụ V được hưởng thừa kế của ông H 49,65m2 đất (trong đó có 25m2 đất ở và 24,65m2 đất trồng cây lâu năm). Do vụ V chết năm 2021, người thừa kế của cụ V là ông H, ông T, ông T, ông T, bà L và ông Đ. Do ông H, ông T, bà L chết trước cụ V, nên theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự thì người thừa kế thế vị là các con của ông H là Chị H, chị Hồ, con ông T là chị H, chị V, chị V, chị H, anh C, anh T và con bà L là: anh C, anh K, anh Q, anh Đ. Quá trình giải quyết vụ án, chị H, chị H, anh C đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của chị H, chị H, chị V, chị V, anh T đề nghị chia di sản của cụ V, K phần di sản thừa kế mà chị H, chị H được hưởng từ cụ V sẽ tặng cho bà N. Anh Q từ chối nhận di sản thừa kế, do vậy phần di sản thừa kế anh Q được hưởng sẽ chia đều cho những người được hưởng thừa kế còn lại của bà L.

Do kỷ phần di sản thừa kế cụ V được hưởng đối với đất ở là 49,65m2 đất (trong đó có 25m2 đất ở và 24,65m2 đất trồng cây lâu năm): 06 (người con được hưởng di sản thừa kế) = 8.275m2.

Quá trình giải quyết vụ án, ông T, ông T, anh C, anh K, anh Đ không lên làm việc để trình bày quan điểm về việc trường hợp phải chia di sản thừa kế thì nhận đất hay nhận tiền. Do phần di sản thừa kế mà ông T, ông T, ông Đ, anh T, anh K, anh Đ được hưởng không đảm bảo quy hoạch sử dụng đất tại địa phương nên giao cho bà N quản lý, sử dụng. Bà N có trách nhiệm thanh toán chênh lệch giá trị tài sản cho ông T, ông T, anh C, anh K, anh Đ.

Đối với anh C, anh T, chị H, chị V, chị V, chị H, đều xin được nhận kỷ phần di sản thừa kế bằng đất. Tuy nhiên phần di sản thừa kế của từng người được hưởng là 8,275 m2: 6 = 1,379 m2 không đảm bảo về quy hoạch sử dụng đất tại địa phương. Do vậy cần giao cho bà N quản lý, sử dụng, bà N có trách nhiệm thanh toán chênh lệch giá trị tài sản cho chị H, chị H, chị V, chị V, anh T, anh C.

Đối với giá trị di sản thừa kế là đất nông nghiệp mà cụ V được hưởng là 181,9m2 : 06 (người được hưởng di sản thừa kế từ cụ Vận) = 30,3m2/1 người. Như đã phân tích ở trên ông T, ông T, anh C, anh K, anh Đ không lên làm việc để trình bày quan điểm về việc hưởng di sản thừa kế. Do phần di sản thừa kế mà ông T, ông T, ông Đ, anh K, anh Đ, anh C được hưởng không đảm bảo quy hoạch sử dụng đất tại địa phương nên giao cho bà N quản lý, sử dụng. Bà N quản lý, sử dụng, bà N có trách nhiệm thanh toán chênh lệch giá trị tài sản ông T, ông T, anh C, anh K, anh Đ.

Kỷ phần di sản thừa kế đất nông nghiệp mà chị H, chị H được hưởng sẽ cộng vào phần diện tích mà bà N được chia.

Đối với anh C, anh T, chị H, chị V, chị V, chị H, đều xin được nhận kỷ phần di sản thừa kế bằng đất. Tuy nhiên diện tích đất nông nghiệp mà anh C, anh T, chị H, chị V, chị V, chị H được hưởng không đảm bảo về quy hoạch sử dụng đất tại địa phương. Do vậy cần giao cho bà N quản lý, sử dụng, bà N có trách nhiệm thanh toán chênh lệch giá trị tài sản cho chị H, chị H, chị V, chị V, anh T, anh C.

Về án phí: Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng:

- Quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết vụ án: Nguyên đơn bà Lê Bích N khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, vì vậy quan hệ pháp luật là “Tranh chấp chia di sản thừa kế” theo quy định tại Điều 26, Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự. Tài sản tranh chấp là bất động sản ở xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc nên căn cứ điểm a khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Thời hiệu khởi kiện: Ông H chết năm 2016, tháng 02/2023 bà N khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của ông H để lại là đảm bảo về thời hiệu khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 623 của Bộ luật dân sự.

- Về việc vắng mặt của bị đơn ông T, ông T và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Q, anh K, anh Đ, anh C, chị H: Tòa án đã tống đạt hợp lệ Thông báo về việc thụ lý vụ án cùng các thủ tục tố tụng khác cho các đương sự nêu trên nhưng các đương sự có tên nêu trên vắng mặt không lý do, nên căn cứ khoản 2 Điều 227, 228 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định.

- Về tư cách tham gia tố tụng trong vụ án: Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đưa bà Đào Thị S, ông Nguyễn Xuân D vào tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên khi xác định diện và hàng thừa kế của cụ V, cũng như tại phiên tòa ngày 08/12/2023, nguyên đơn đề nghị thay đổi tư cách tố tụng của bị đơn. Bà S, ông D không phải là người thừa kế theo pháp luật hay thừa kế thế vị. Do đó bà S không phải là bị đơn, ông D không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

[2] Về nội dung vụ án: Nguyên đơn bà Lê Bích N yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế cho bà N được hưởng theo quy định đối với ½ thửa đất số 78.1 tờ bản đồ số 10 diện tích 372m2 (trong đó 200m2 đất ở và 172m2 đất trồng cây lâu năm); thửa 49a.1 diện tích 216m2; thửa số 288.3, diện tích 216m2; ½ thửa số 26, diện tích 360m2 địa chỉ các thửa đất đều ở thôn T, xã Du, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc do Ủy ban nhân dân huyện T (cũ) nay là Ủy ban nhân dân huyện T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1570 QSDĐ ngày 08/3/1994 đứng tên ông Nguyễn Văn H. Bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đồng ý chia thừa kế đối với thửa đất số 78.1 tờ bản đồ số 10 và đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1570/QSDĐ ngày 08/3/1993 đứng tên ông Nguyễn Văn H.

2.1. Về yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1570/QSDĐ ngày 08/3/1993 đứng tên ông Nguyễn Văn H, Hội đồng xét xử thấy: Mặc dù hiện nay Ủy ban nhân dân huyện T không cung cấp được hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông H, tuy nhiên căn cứ vào thực tế, ông H đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1993, khi đó cụ V vẫn còn khỏe, minh mẫn. Trong suốt quá trình sử dụng đất cụ V và các anh chị em của ông H không ai ý kiến gì. Sau khi ông H chết, bà N quản lý sử dụng đất thổ cư và canh tác trên các thửa ruộng cho đến nay không có tranh chấp với ai. Kể từ sau khi bà N có đơn sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, Tòa án đã yêu cầu các đương sự trình bày quan điểm của mình đối với các yêu cầu của nguyên đơn, nhưng các đương sự không có ý kiến gì. Bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị Tòa án Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông H nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh. Phía Ủy ban nhân dân huyện T khẳng định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1570/QSDĐ ngày 08/3/1993 đứng tên ông Nguyễn Văn H là đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền, nên yêu cầu Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông H của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không được Hội đồng xét xử chấp nhận. Do đó Ủy ban nhân dân huyện T không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

2.2. Về nguồn gốc di sản thừa kế:

- Thửa đất số 78.1 tờ bản đồ số 10 diện tích 372m2 (trong đó 200m2 đất ở và 172m2 đất trồng cây lâu năm) tại thôn T, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, theo trình bày của các đương sự thửa đất trên có nguồn gốc là của cụ V để lại; theo nguyên đơn thửa đất trên cụ V đã cho ông H, bà N và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Hạ.

- Đối với 03 thửa đất nông nghiệp gồm: Thửa số 49a.1 diện tích 216m2 ở cánh đồng C; thửa số 288.3 diện tích 216m2 ở cánh đồng M; thửa số 26 diện tích 360m2 cánh đồng C cùng địa chỉ thôn T, xã D. Căn cứ vào lời khai của các đương sự, hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông H, xác minh tại chính quyền địa phương xác định: Năm 1993, khi chia lại ruộng đất, hộ cụ V có các khẩu được chia đất gồm: Cụ V, ông H đều được chia mỗi người 01 sào 03 thước= 432m2/1 người, ông Đ được chia 03 thước rau xanh =72m2. Thời điểm đó tổng diện tích đất ruộng hộ cụ V canh tác sử dụng là 1296m2, căn cứ theo diện tích đất ruộng được chia lại cho các khẩu thì hộ vụ V thừa ra 360m2 (1296m2 - 936m2 =360m2). Bà N trình bày do năm 1993 ông H, bà N mới sinh cháu H nên cháu H không được chia đất do đó ông H, bà N đã mua lại 360m2 của Ủy ban nhân dân xã D cho cháu H. Nội dung này là có cơ sở và phù hợp về phần diện tích đất thừa 360m2, phù hợp với quá trình canh tác sử dụng các thửa ruộng của gia đình bà N.

Tại phiên tòa ông Đ, anh C thì cho rằng thửa đất số 78.1 tờ bản đồ số 10 diện tích 372m2 là di sản của cụ V để lại không đồng ý chia. Đối với 03 thửa ruộng gồm thửa 49a.1 diện tích 216m2, thửa 288.3 diện tích 216m2, thửa số 26 diện tích 360m2 mà bà N đề nghị chia, ông Đ, anh C nhất trí là di sản của ông H để lại (trong đó thửa số 26 diện tích 360m2 là tài sản chung của ông H, bà N). Hai thửa đất còn lại gồm thửa 229.6 diện tích 144m2 và thửa 71.2 diện tích 360m2 bà N trả lại cho ông Đ và cụ V. Tại phiên tòa ông Đ và anh C nhất trí việc bà N trả lại 02 thửa đất nông nghiệp nêu trên.

Theo xác minh tại Ủy ban nhân dân xã D thể hiện:

Tại sổ Giải thửa không ghi ngày tháng năm thể hiện Nguyễn Văn H: Tờ số 10, thửa số 78.1 DT 672m2, trong đó 300m2 đất ở; 372m2 đất vườn; tờ số 8, thửa số 49a.1 DT 216m2 đất trồng lúa; tờ số 9, thửa số 229.6 DT 144m2 đất trồng lúa; tờ số 9, thửa số 26 DT 360m2 đất trồng lúa.

Tại sổ mục kê đất không ghi ngày tháng năm quyển số 03 thể hiện tờ bản đồ số 10, trang 14: Thửa số 78.1 Nguyễn Văn H, DT 672m2, thổ cư 300m2, vườn 372m2.

Tại sổ theo dõi cấp GCNQSDĐ lập năm 1993-1994 đến nay thể hiện: Trang số 43 số thứ tự 1570, số phát hành 0039472 ngày tháng số QĐ cấp giấy 141 QĐ UBND 8/3/94 tên chủ hộ sử dụng ruộng đất Nguyễn Văn H- Duy P- xóm T- số tờ bản đồ 10, số thửa 78.1, đất ở 300m2, đất vườn 372m2. Đất canh tác theo QĐ 450 số tờ bản đồ 5, số thửa 8+9 DT 1080m2, trong đó đất 10% là 216m2, còn lại là đất quỹ I DT 864m2.

Theo bản đồ 299, thửa số 78, DT 1036m2, trong đó ông H 672m2, ông T 300m2.

Xét thấy, cụ L là chồng cụ V chết năm 1977, năm 1978 cụ V được Nhà nước cấp cho thửa đất số 78.1 tờ bản đồ số 10 diện tích theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 372m2 (trong đó 200m2 đất ở và 172m2 đất trồng cây lâu năm) tại thôn T, xã D, huyện T. Theo bà N, năm 1994 cụ V đã tặng cho vợ chồng ông H bà N. Ông H đã kê khai làm thủ tục và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Nguyễn Văn H. Ông H, bà N và cụ V chung sống từ đó cho đến năm 2016 sau khi ông H chết thì cụ V và bà N cùng các con của bà N ông H vẫn sinh sống trên nhà đất đó không ai ý kiến gì. Theo hồ sơ sổ sách lưu giữ tại Ủy ban nhân dân xã D đều thể hiện thửa đất số 78.1 tờ bản đồ số 10 diện tích 372m2; đứng tên ông Nguyễn Văn H. Mặt khác trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông H năm 1994 không thể hiện cụ V tặng cho riêng ông H thửa đất trên, do đó có căn cứ để xác định thửa đất số 78.1 tờ bản đồ số 10 diện tích 372m2 là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân giữa ông H và bà N, không phải là tài sản chung của các thành viên trong hộ gia đình, các thành viên trong hộ gia đình cũng không cung cấp được tài liệu chứng cứ thể hiện thửa đất trên đã được cấp giấy chứng nhận đứng tên hộ bà Đào Thị V vào năm 1978.

Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không chứng minh, không cung cấp tài liệu chứng cứ về việc trong 05 thửa đất nông nghiệp thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông H, thửa nào là của cụ V, thửa nào là của ông H, ông Đ, nên căn cứ vào lời khai của bà N và xác minh tại chính quyền địa phương xác định, tài sản chung của ông H, bà N là thửa ruộng số 26, tờ số 9, diện tích 360m2 còn thửa số 49a.1 diện tích 216m2 ở cánh đồng C; thửa số 288.3 diện tích 216m2 ở cánh đồng M là tài sản riêng của ông H. Do vậy xác định di sản thừa kế ông H để lại là ½ diện tích thửa đất số 78.1 tờ bản đồ số 10;

½ diện tích thửa số 26 tờ bản đồ số 9 ở cánh đồng C; thửa số 49a.1 diện tích 216m2 ở cánh đồng C; thửa số 288.3 diện tích 216m2 ở cánh đồng M.

Quá trình giải quyết vụ án, bà N đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế theo hiện trạng đo đạc thực tế.

Theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản:

- Thửa đất số 78.1 tờ bản đồ số 10 diện tích theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 372m2 (trong đó 200m2 đất ở và 172m2 đất vườn) và các công trình, cây cối trên đất. Kết quả đo đạc hiện trạng sử dụng, thửa đất trên có diện tích 397,2m2 (tăng 25,2m2), Tổng trị giá đất là 3.000.000đ/1m2 x 397,2m2 = 1.191.600.000 đồng.

Tài sản trên đất gồm: 01 ngôi nhà cấp bốn, trị giá 30.000.000 đồng; 01 nhà bếp, trị giá 12.000.000đồng. Tổng trị giá tài sản trên đất là 42.000.000 đồng.

Ngoài ra trên đất còn có 01 lán lợp Proximăng, 01 lán chuồng trại lợp Proximăng, 01 giếng khoan, 01 sân bê tông, 02 cánh cổng, 02 trụ cổng, 04 đoạn tường bao loan quanh thửa đất đã cũ và một số cây cối lâm lộc trên đất các đương sự không yêu cầu Tòa án định giá và chia, khi chia các tài sản này thuộc phần đất của ai thì người đó được hưởng.

- Thửa đất số 49a.1 tờ bản đồ số 8 diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 216m2; diện tích đo đạc hiện trạng sử dụng là 232,1m2, (tăng 16,1m2) . Tổng trị giá đất là 60.000/1m2 x 232,1m2 = 13.926.000đ.

- Thửa đất số 288.3 tờ bản đồ số 9 diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 216m2; diện tích đo đạc hiện trạng sử dụng là 348,4m2 (tăng 132,4m2). Tổng trị giá đất là 60.000/1m2 x 348,4m2 = 20.904.000đ.

- Thửa đất số 26 tờ bản đồ số 9, diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 360m2; diện tích đo đạc hiện trạng sử dụng là 294,3m2 (giảm 65,7m2). Tổng trị giá đất là 60.000/1m2 x 294,3m2 = 17.658.000đ.

Tổng diện tích của cả ba thửa đất nông nghiệp là 874,8m2 (tăng 82,8m2). Diện tích đo đạc hiện trạng sử dụng đối với đất thổ cư và 03 thửa đất nông nghiệp có sự thay đổi, theo Ủy ban nhân dân xã D là do phương pháp đo đạc, trước đây đo bằng tay hiện nay đo bằng máy nên có sự sai số. Các hộ giáp ranh với thửa đất không có tranh chấp hay khiếu nại gì liên quan đến mốc giới. Hiện nay, bà N đang quản lý toàn bộ những thửa đất này theo đúng thực trạng và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Ngoài ra trên đất còn có một số cây hoa màu, các đương sự không yêu cầu Tòa án định giá và chia, khi chia các tài sản này thuộc phần đất của ai thì người đó được hưởng.

2.3. Phân chia di sản thừa kế Xác định di sản thừa kế của ông Nguyễn Văn H để lại là quyền sử dụng 198,6m2 đất (trong đó có 100m2 đất ở và 98,6m2 đất vườn) thuộc một phần thửa đất số 78.1 tờ bản đồ số 10 địa chỉ thửa đất tại thôn T, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc trị giá 595.800.000đồng, giá trị tài sản trên đất là 21.000.000 đồng và quyền sử dụng 727,65m2 đất nông nghiệp trị giá 43.659.000đồng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 66 của Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi. Phần tài sản của vợ, chồng chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế. Ông Nguyễn Văn H chết không để lại di chúc nên căn cứ điểm a khoản 1 Điều 650 của Bộ luật dân sự, di sản của ông H được chia theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào biên bản xác minh tại Ủy ban nhân dân xã D và lời khai của các đương sự trong vụ án đều thống nhất về quan hệ huyết thống của ông H; năm 2016 ông H chết, diện được hưởng thừa kế của ông H ở hàng thừa kế thứ nhất gồm bà N, chị H, chị H, cụ V.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 651 của Bộ luật dân sự quy định những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau, do vậy mỗi thừa kế được hưởng phần di sản của ông H là:

Về đất ở: 198,6m2 : 4 = 49,65m2 đất (trong đó có 25m2 đất ở và 24,65m2 đất vườn), tương đương 148.950.000 đồng và giá trị tài sản trên đất là: 21.000.000 đồng : 4 = 5.250.000 đồng. Tổng trị giá tài sản mỗi thừa kế được hưởng là 154.200.000 đồng.

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, chị H, chị H tự nguyện tặng toàn bộ kỷ phần thừa kế của mình được hưởng cho bà N. Anh Q tự nguyện tặng toàn bộ kỷ phần thừa kế của mình cho những người thừa kế của bà L. Xét thấy, đây là sự tự nguyện của các đương sự, không trái pháp luật, đạo đức xã hội nên cần được ghi nhận.

Hiện nay trên đất có 01 ngôi nhà cấp bốn, 01 nhà bếp, để đảm bảo quá trình sử dụng đất và tài sản trên đất, cần chia cho bà N phần diện tích đất có nhà cấp 4 và chia cho các hàng thừa kế còn lại phần diện tích đất không có nhà, cụ thể:

Chia cho bà N 148,95m2 (trong đó có 75m2 đất ở và 73,95m2 đất vườn) trên đất có 01 ngôi nhà cấp 4, 01 bếp, 01 lán lợp Proximăng cùng cây cối lâm lộc trên đất.

Chia cho cụ V 49,65m2 đất (trong đó có 25m2 đất ở và 24,65m2 đất vườn), trên đất có 01 phần sân bê tông, 01 lán lợp Proximăng, 01 giếng khoan cùng cây cối lâm lộc trên đất.

Do cụ V chết năm 2021, chị H, chị H đề nghị chia thừa kế đối với suất thừa kế của cụ V được hưởng trong cùng vụ án. Anh C, ông Đ đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông H, trường hợp phải chia di sản thừa kế của cụ V thì ông Đ và anh C cũng đồng ý, nên Tòa án chia suất thừa kế của cụ V như sau:

+ Xác định người thừa kế của cụ V là ông H, ông T, ông T, ông T, bà L và ông Đ. Ông H, ông T, bà L chết trước cụ V, nên theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự thì người thừa kế thế vị là các con của ông H gồm: chị H, chị H; các con ông T gồm: chị H, chị V, chị V, chị H, anh C, anh T; các con bà L gồm: anh C, anh K, anh Q, anh Đ (do anh Q từ chối nhận di sản nên phần di sản thừa kế bà L được hưởng sẽ chia đều cho anh K, anh C, anh Đ).

Kỷ phần di sản thừa kế cụ V được hưởng đối với đất thổ cư là 49,65m2 (trong đó có 25m2 đất ở và 24,65m2 đất vườn) x 3.000.000đ = 148.950.000đ, giá trị tài sản trên đất 5.250.000đ. Tổng giá trị tài sản là 154.200.000 : 6 = 25.700.000đ/1 suất thừa kế.

+ Kỷ phần di sản thừa kế mà chị H, chị H được hưởng từ cụ V là: 8,275m2 x3.000.000đ = 24.825.000đ + 875.000đ (giá trị tài sản trên đất) = 25.700.000đ (sẽ cộng vào phần diện tích mà bà N được chia).

+ Kỷ phần di sản thừa kế anh K, anh Đ, anh C được hưởng tương đương 8,275m2 x 3.000.000đ = 24.825.000đ + 875.000đ (giá trị tài sản trên đất)= 25.700.000đ : 3 = 8.567.000đ/1 người (do anh Q từ chối nhận di sản thừa kế được hưởng).

+ Kỷ phần di sản thừa kế ông T, ông T, ông Đ được hưởng là 24,825m2 x 3.000.000đ =74.475.000đ + 2.625.000đ (giá trị tài sản trên đất) = 77.100.000đ : 3 = 25.700.000đ/1 người .

+ Kỷ phần di sản thừa kế anh C, anh T, chị H, chị V, chị V, chị H được hưởng là 8,275m2 x 3.000.000đ = 24.825.000đ + 875.000đ (giá trị tài sản trên đất) = 25.700.000đ : 6 = 4.283.000đ/1 người.

Quá trình giải quyết vụ án, ông T, ông T, anh C, anh K, anh Đ có trình bày quan điểm về việc không đồng ý chia di sản thừa kế và đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông H. Tòa án đã báo gọi ông T, ông T, anh C, anh K, anh Đ lên làm việc và trình bày quan điểm đối với yêu cầu chia di sản thừa kế của bà N nhưng các ông bà có tên nêu trên chỉ trình bày việc không nhất trí chia di sản thừa kế và đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông H, không trình bày quan điểm của mình trong trường hợp phải chia di sản thừa kế thì nhận hiện vật hay nhận tiền. Do phần di sản thừa kế là đất mà ông T, ông T, anh C, anh K, anh Đ được hưởng không đảm bảo về quy hoạch sử dụng đất tại địa phương nên sẽ chia cho bà N quản lý, sử dụng. Bà N có nghĩa vụ thanh toán chênh lệch giá trị tài sản cho ông Tành, ông T, anh Cung, anh K, anh Đ bằng tiền là phù hợp.

Đối với ông Đ, anh C (đồng thời là đại diện theo ủy quyền của chị H, chị H, chị V, chị V, anh T), tại phiên tòa xin được hưởng di sản thừa kế bằng hiện vật. Tuy nhiên phần di sản thừa kế của từng người được hưởng không đảm bảo về quy hoạch sử dụng đất tại địa phương. Do vậy cần chia cho bà N quản lý, sử dụng, bà N có trách nhiệm thanh toán chênh lệch giá trị tài sản cho ông Đ là 25.700.000đ; chị H, chị H, chị V, chị V, anh T, anh C mỗi người 4.283.000đ là phù hợp.

Như vậy, tổng diện tích đất ở bà N được chia là 198,6m2 (trong đó có 100m2 đất ở và 98,6m2 đất vườn) tương đương 595.800.000đ và toàn bộ tài sản trên đất, trị giá 21.000.000đ.

Về đất nông nghiệp: Di sản thừa kế là đất nông nghiệp ông H để lại là 232,1m2 + 348,4m2 + ½ diện tích thửa đất số 26 tương đương 147,1m2 =727,6m2 : 4 =181,9m2 /1 người x 60.000đ = 10.914.000đ/1 người.

Giá trị di sản thừa kế là đất nông nghiệp mà cụ Vận được hưởng từ ông H là 181,9m2 : 06 (người được hưởng di sản thừa kế từ cụ Vận) = 30,3m2/1 người. Do đó:

+ Kỷ phần di sản thừa kế là đất nông nghiệp anh C, anh T, chị H, chị V, chị V, chị H được hưởng là 30,3m2 : 6 = 5,05m2/1 người, không đảm bảo về quá trình canh tác, sử dụng đất tại địa phương. Do vậy cần chia cho bà N quản lý, sử dụng, bà N có trách nhiệm thanh toán chênh lệch giá trị tài sản cho chị H, chị H, chị V, chị V, anh T, anh C mỗi người 303.000đ là phù hợp.

+ Kỷ phần di sản thừa kế đối với đất nông nghiệp mà anh Q được hưởng chia đều cho anh K, anh Đ, anh C. Do đó kỷ phần di sản thừa kế mà anh K, anh Đ, anh C được hưởng là tương đương 30,3m2 :3 = 10,1m2 x 60.000đ =606.000đ/1 người.

+ Kỷ phần di sản thừa kế là đất nông nghiệp mà ông T, ông T được hưởng là 30,3m2/1 người tương đương 1.818.000đ/1 người.

Như đã phân tích ở trên ông T, ông T, anh C, anh K, anh Đ không trình bày quan điểm về việc hưởng di sản thừa kế bằng hiện vật hay bằng tiền. Do phần di sản thừa kế của ông T, ông T, anh K, anh Đ, anh C được hưởng không đảm bảo về quy hoạch sử dụng đất tại địa phương nên sẽ chia cho bà N quản lý, sử dụng. Bà N có nghĩa vụ thanh toán chênh lệch giá trị tài sản bằng tiền cho ông T, ông T (mỗi người 1.818.000đ), anh C, anh K, anh Đ (mỗi người 606.000đ) là phù hợp.

+ Kỷ phần di sản thừa kế đất nông nghiệp mà chị H, chị H được hưởng từ cụ V là: 30,3m2 x 60.000đ = 1.818.000đ (và sẽ cộng vào phần diện tích mà bà N được chia).

+ Kỷ phần di sản thừa kế đối với đất nông nghiệp mà ông Đ được chia là 30,3m2 x 60.000đ = 1.818.000đ. Do ông Đ đang sinh sống tại phường Đ, thành phố V, mặt khác tại phiên tòa, ông Đ cũng không đề nghị được nhận đất ở thửa ruộng nào, vì vậy để đảm bảo quá trình canh tác sử dụng đất nên cần chia cho bà N quản lý, sử dụng phần diện tích đất mà ông Đ được chia, bà N có trách nhiệm thanh toán chênh lệch giá trị tài sản cho ông Đ 1.818.000đ.

Như vậy diện tích đất nông nghiệp bà N được hưởng + phần diện tích đất nông nghiệp chị H, chị Hng tặng cho + kỷ phần tài sản của ông Đ, ông T, ông T, anh C, anh T, chị H, chị V, chị V, chị H, anh K, anh Đ, anh C, tổng là 727,6m2 tương đương 43.656.000đ.

[3] Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản nguyên đơn tự nguyện chịu (đã chi phí xong), không yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

[4] Về án phí: Các đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần di sản được hưởng. Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của bà N tự nguyện chịu toàn bộ án phí đối với phần giá trị di sản của bà N, chị H, chị H được hưởng.

Bà Lê Bích N phải chịu án phí đối với trị giá tài sản 522.860.000đồng (20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng) = 24.914.000 đồng, nhưng được trừ tiền tạm ứng án phí đã nộp 5.838.000đ theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0003418 ngày 16/5/2023 và biên lai thu số 0003279 ngày 14/02/2023 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Ta. Bà N còn phải nộp tiếp 19.076.000đ.

Ông Đ, anh C, ông T, ông T, anh K, anh Q, anh Đ, anh C, chị Vn, chị H, chị H, anh Tr, chị V phải chịu 300.000đ án phí đối với yêu cầu Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Ông Đ, ông T, ông T phải chịu án phí đối với phần di sản thừa kế được chia là 27.518.000đ x 5% =1.375.900đ/1 người (làm tròn 1.376.000đ/1 người).

Anh C, chị H, chị V, chị H, chị V, anh T, mỗi người phải chịu án phí đối với phần di sản thừa kế được chia là 27.518.000đ x 5% : 6 = 229.000đ/1 người.

Anh K, anh Đ, anh C mỗi người phải chịu án phí đối với phần di sản thừa kế được chia là 27.518.000đ x 5% = 458.000/1 người.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 357, 468, 609, 612, 613, 623, 649, 650, 651; 652 của Bộ luật dân sự; khoản 2 Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1570 QSDĐ ngày 08/3/1994 đứng tên ông Nguyễn Văn H ở địa chỉ Thôn T, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc của ông Đ, ông T, ông T, anh Ciến, chị Hi, anh Đnh, anh Q, anh C, anh Kên, chị H, chị V, anh T, chị V.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Bích N về chia di sản thừa kế theo pháp luật.

2.1 Xác nhận tài sản chung của bà Lê Bích N và ông Nguyễn Văn H gồm: Thửa đất số 78.1 tờ bản đồ số 10 diện tích theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 372m2 (trong đó 200m2 đất ở và 172m2 đất trồng cây lâu năm), diện tích đo đạc theo hiện trạng sử dụng là 397,2m2 và các công trình, cây cối trên đất; thửa đất số 26 tờ bản đồ số 9, diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 360m2; diện tích đo đạc hiện trạng sử dụng là 294,3m2 địa chỉ các thửa đất ở thôn T, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tài sản riêng của ông H gồm: Thửa đất số 49a.1 tờ bản đồ số 8 diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 216m2; diện tích đo đạc hiện trạng sử dụng là 232,1m2 thuộc cánh đồng C; thửa đất số 288.3 tờ bản đồ số 9 diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 216m2, diện tích đo đạc hiện trạng sử dụng là 348,4m2 thuộc cánh đồng M, địa chỉ các thửa đất trên đều ở thôn T, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

2.2. Xác nhận di sản thừa kế của ông Nguyễn Văn H để lại là quyền sử dụng 198,6m2 đất (trong đó có 100m2 đất ở; 98,6m2 đất trồng cây lâu năm) tương đương 595.800.000đồng cùng giá trị tài sản trên đất là 21.000.000 đồng; tổng giá trị tài sản là 616.800.000đồng và quyền sử dụng 727,65m2 đất nông nghiệp tương đương 43.659.000đồng.

Ghi nhận sự tự nguyện của chị Nguyễn Thị Thúy H, Nguyễn Thị Thúy H tặng toàn bộ kỷ phần thừa kế của các chị cho bà Lê Bích N; anh Nguyễn Văn Q tặng toàn bộ kỷ phần thừa kế của anh cho anh K, anh Đ, anh C.

3. Phân chia di sản thừa kế.

Về đất ở:

- Chia cho bà Lê Bích N được quyền sử dụng 198,6m2 đất thuộc một phần thửa đất số 78.1 tờ bản đồ số 10 địa chỉ thôn T, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc. (trong đó có 100m2 đất ở, 98,6m2 đất vườn) cùng toàn bộ tài sản, cây cối lâm lộc khác trên đất.

Về đất nông nghiệp:

- Chia cho bà Lê Bích N được quyền sử dụng 727,65m2 thuộc các thửa 49a.1 tờ bản đồ số 8 ở cánh đồng Cửa N (diện tích đo đạc thực tế 232,1m2); 288.3 tờ bản đồ số 9 ở cánh đồng M (diện tích đo đạc thực tế 348,4m2) và 147,15m2 đất nông nghiệp thuộc thửa đất số 26 tờ bản đồ số 9, các thửa đất trên đều ở địa chỉ thôn T, xã D, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

(Các thửa đất trên được đánh số ký hiệu theo sơ đồ hiện trạng thửa đất đã được đo vẽ kèm theo bản án).

4. Về thanh toán giá trị chênh lệch tài sản.

Bà Lê Bích N có nghĩa vụ thanh toán chênh lệch tài sản cho ông Nguyễn Văn Đ, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T mỗi người 27.518.000đ (Hai bảy triệu năm trăm mười tám nghìn đồng); anh Nguyễn Văn C, anh Nguyễn Văn T, chị Nguyễn Thị H, chị Nguyễn Thị V, chị Nguyễn Thị V, chị Nguyễn Thị H mỗi người 4.586.000đ (Bốn triệu năm trăm tám sáu nghìn đồng); anh Nguyễn Văn C, anh Nguyễn Văn K, anh Nguyễn Văn Đ mỗi người 9.173.000đ (Chín triệu một trăm bảy ba nghìn đồng) giá trị di sản thừa kế.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không thanh toán trả số tiền trên thì còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chậm trả.

5. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Bà Lê Bích N phải chịu 24.914.000đồng (Hai tư triệu chín trăm mười bốn nghìn đồng), nhưng được trừ tiền tạm ứng án phí đã nộp 5.838.000đ (Năm triệu tám trăm ba tám nghìn đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0003418 ngày 16/5/2023 và biên lai thu số 0003279 ngày 14/02/2023 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T. Bà N còn phải nộp tiếp 19.076.000đ (Mười chín triệu không trăm bảy sáu nghìn đồng).

Ông Nguyễn Văn Đ, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T mỗi người phải chịu 1.376.000đ (Một triệu ba trăm bảy sáu nghìn đồng) và 300.000đ án phí đối với yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được chấp nhận. Tổng số tiền án phí ông T, ông Đ, ông T phải nộp mỗi người là 1.676.000đồng.

Anh Nguyễn Văn C, anh Nguyễn Văn T, chị Nguyễn Thị H, chị Nguyễn Thị V, chị Nguyễn Thị V, chị Nguyễn Thị Hmỗi người phải chịu 229.000đ (Hai trăm hai chín nghìn đồng) và 300.000đ án phí đối với yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được chấp nhận. Tổng số tiền án phí anh C, anh T, chị H, chị V, chị V, chị H phải nộp mỗi người là 529.000đồng.

Anh K, anh Đ, anh C mỗi người phải chịu 458.000đồng (Bốn trăm năm tám nghìn đồng) và 300.000đ án phí đối với yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được chấp nhận. Tổng số tiền án phí anh K, anh Đ, anh C phải nộp mỗi người là 758.000đồng.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

6. Quyền kháng cáo: Đương sự có mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

74
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về chia di sản thừa kế số 31/2023/DS-ST

Số hiệu:31/2023/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tam Dương - Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:28/12/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về