TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 69/2022/DS-PT NGÀY 29/11/2022 VỀ BUỘC XIN LỖI CÔNG KHAI
Ngày 29 tháng 11 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 47/2022/TLPT-DS ngày 03 tháng 10 năm 2022 về tranh chấp buộc xin lỗi công khai.
Do bản án Dân sự sơ thẩm số: 27/2022/DS-ST ngày 18 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 78/2022/QĐ-PT ngày 03 tháng 11 năm 2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 118/2022/QĐ-PT ngày 21 tháng 11 năm 2022, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Phạm Thị M1; địa chỉ: Thôn S (cũ: Thôn S 1), xã L, huyện T, thành phố Hải Phòng; có mặt;
2. Bị đơn:
- Bà Đàm Thị H1; địa chỉ: Thôn S (cũ: Thôn S 1), xã L, huyện T, thành phố Hải Phòng; có mặt;
- Bà Đàm Thị N; địa chỉ: Thôn S (cũ: Thôn S 1), xã L, huyện T, thành phố Hải Phòng; có mặt;
- Ông Trần Văn Đ; địa chỉ: Thôn S (cũ: Thôn S 1), xã L, huyện T, thành phố Hải Phòng; có mặt;
- Cụ Đỗ Thị T; địa chỉ: Thôn S (cũ: Thôn S 1), xã L, huyện T, thành phố Hải Phòng; vắng mặt;
4. Người kháng cáo: Bà Phạm Thị M1 là nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Trong đơn khởi kiện đề ngày 30/11/2021, bản tự khai quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn là bà Phạm Thị M1 trình bày:
Năm 2008 bà Phạm Thị M1 cấy nhờ đám ruộng của bà Trần Thị M2. Chị Cao Thị P nuôi ngan vịt thả ra mò làm hỏng ruộng lúa của bà. Bà M1 yêu cầu chị Cao Thị P bồi thường nhưng chị P không đồng ý. Ngày 28/6/2008 bà Đàm Thị H1 và bà Đàm Thị N đã tổ chức gặt lúa của bà cấy thuê tại đám ruộng của bà Trần Thị M2. Bà M1 không hiểu lý do nên đã gửi đơn lên Ủy ban nhân dân xã L, huyện T hỏi về việc bà H1 và bà N đã tự ý gặt lúa của bà. Ngày 30/6/2008 Ủy ban nhân dân xã L đã lập biên bản giải quyết với nội dung: Buộc bà M1 phải trả tiền công gặt để lấy thóc. Vì tiền công gặt cao, bà M1 không có tiền trả công thợ gặt nên bà không lấy thóc nên bà M1 chỉ được hưởng tiền lân, đạm tương ứng với 30kg thóc là 100.000 đồng. Số tiền đó không giao bằng tiền mặt cho bà mà giao cho bà Đàm Thị N đưa vào quỹ hội phụ nữ thôn S 1, xã L, huyện T.
Đến năm 2015, bà M1 đi bệnh viện mổ nhưng không được Hội phụ nữ thôn thăm hỏi. Bà M1 đòi hỏi được thăm hỏi theo chế độ hội viên thì được Hội phụ nữ giải thích do bà đã lấy thóc ở nhà bà H1 (có bà H làm chứng) nên không có tiền nộp quỹ hội phụ nữ, vì vậy không được thăm hỏi khi ốm đau. Tuy nhiên, bà M1 không lấy thóc nhà bà H1 mà chỉ lấy nhận 20 kg thóc từ anh Phạm Viết T để trả cho bà Mây (tương ứng với sản lượng bà M1 phải trả cho bà Mây vì bà cấy thuê ruộng của bà Mây) nên bà M1 tiếp tục làm đơn ra UBND xã Lâm Động giải quyết.
Ngày 15/01/2017 bà Đàm Thị N gửi đơn lên Uỷ ban nhân dân xã Lâm Động với nội dung đã trả bà Phạm Thị M1 số tiền 570.000 đồng và 30 kg thóc nhưng thực tế bà Phạm Thị M1 không nhận số thóc đó. Bà chỉ nhận 20 kg thóc từ anh Phạm Viết T (theo kết quả giải quyết của UBND xã L). Như vậy bà Đàm Thị N đã vu khống cho bà vì bà không nhận số tiền 570.000 đồng và 30 kg thóc từ bà Đàm Thị N.
Ngày 20/01/2017 bà Đàm Thị H1 viết đơn gửi Ủy ban nhân dân xã Lâm Động với nội dung năm 2008 thôn có gặt của bà M1 01 sào lúa bị ngan của chị Cao Thị P mò; số thóc gặt về được khoảng 80 kg đem phơi ở nhà bà Đàm Thị H1 và bảo bà M1 sang lấy 80 kg thóc về. Như vậy là bà Đàm Thị H1 vu khống cho bà vì bà không lấy 80 kg thóc từ nhà bà Đàm Thị H1.
Ngày 15/12/2016 tại cuộc họp ở nhà văn hóa thôn, bà M1 phát biểu là bà Đàm Thị H1 đã có hành vi vu khống cho bà nên không xứng đáng làm trưởng Thôn S 1, xã L thì ông Trần Văn Đ là người chủ trì cuộc họp yêu cầu bà M1 không được phát biểu nữa và đuổi bà ra khỏi cuộc họp nhưng bà M1 không ra ngoài và làm ầm lên. Bà cho rằng ông Trần Văn Đ đã cậy quyền thế, đe và đuổi bà ra khỏi cuộc họp.
Ngày 20/01/2017 tại cuộc họp giải quyết đơn khiếu nại của bà, ông Trần Văn Đ đã khẳng định: Bà Đàm Thị H1 đã trả cho bà M1 80 kg thóc có sự chứng kiến của bà Hoàng Thị H; bà Đàm Thị N đã trả cho bà M1 570.000 đồng và 30 kg thóc là có cơ sở. Như vậy, ông Trần Văn Đ đã xuyên tạc sự việc.
Ngày 08/3/2021 tại cuộc họp tiếp xúc cử tri của thôn S 1, bà M1 giơ tờ giấy triệu tập của Tòa án nhân dân huyện Thủy Nguyên và nói là bà Đàm Thị H1 chưa chấp hành giấy triệu tập của Tòa án thì không được ứng cử vào Hội đồng nhân dân xã thì cụ Đỗ Thị T là mẹ đẻ của bà Đàm Thị H1 đã sỉ nhục và cầm gậy đánh bà. Sau đó bà M1 có chửi bậy và làm ầm lên.
Vì vậy bà khởi kiện yêu cầu bà Đàm Thị H1, bà Đàm Thị N, ông Trần Văn Đ và cụ Đỗ Thị T phải công khai xin lỗi bà về những lời nói, việc làm trên và việc xin lỗi phải được lập thành văn bản.
* Bị đơn bà Đàm Thị N trình bày:
Năm 2008 bà làm trưởng thôn S 1, xã L, huyện T, Hải Phòng. Bà Phạm Thị M1 là công dân sống ở địa phương, năm 2008 bà Phạm Thị M1 cấy nhờ đám ruộng của bà Trần Thị M2. Chị Cao Thị P nuôi ngan vịt thả ra làm hỏng ruộng lúa của bà Phạm Thị M1. Bà Phạm Thị M1 có yêu cầu chị Cao Thị P bồi thường nhưng chị Cao Thị P không bồi thường cho bà Phạm Thị M1. Sau đó bà Phạm Thị M1 trình báo trưởng thôn về sự việc trên. Khi đó bà là trưởng thôn S 1 đã ký đơn cho bà Phạm Thị M1 để bà Phạm Thị M1 mang lên xã gửi cho ông Đàm Sơn L - Phó chủ tịch xã L giải quyết. Đến khi lúa chín tất cả những đám ruộng khác đã gặt, chỉ còn đám ruộng của bà M1 (cấy nhờ ruộng chị Mây) chưa gặt, nước sông vào ngập lúa nên ông Đàm Sơn L đã yêu cầu bà Phạm Thị M1 ra gặt nhưng bà M1 nhất quyết không gặt lúa. Vì vậy ông L đã yêu cầu trưởng thôn S 1 cho người gặt lúa. Lúc đó, bà N đã huy động 06 người đứng ra gặt đám lúa của bà Phạm Thị M1, lúa gặt về để ở nhà bà Đàm Thị H1 - phó thôn. Lúc đầu bà Phạm Thị M1 không lấy thóc mà yêu cầu bà N tính trị giá công cày bừa, công cấy với tổng số tiền là 570.000 đồng và 30kg thóc, số thóc này để trả cho bà Trần Thị M2. Bà Phạm Thị M1 đã nhận 570.000 đồng trực tiếp của bà N và đã viết giấy biên nhận. Còn 30 kg thóc bà N gửi anh Phạm Viết T để nhờ anh Ttrả cho bà M1. xác nhận bà M1 đã nhận đủ 30 kg thóc. Sau đó, bà được biết bà Phạm Thị M1 đã đến nhà bà Đàm Thị H1 lấy khoảng 80 kg thóc mà hội phụ nữ thôn đã gặt lúa cho bà M1.
Ngày 15/12/2016 bà N tham gia cuộc họp tại nhà văn hóa thôn S 1, do bà Phạm Thị M1 phát biểu không đúng trọng tâm nên ông Trần Văn Đ chủ trì cuộc họp yêu cầu bà M1 phát biểu đúng trọng tâm của cuộc họp nhưng bà M1 vẫn tiếp tục phát biểu nội dung không liên quan nên ông Đ đã bảo bà M1 dừng phát biểu; bà M1 làm ầm lên tại nhà văn hóa thôn. Sau đó, ông Đ yêu cầu bà M1 ra để cho hội nghị được tiếp tục. Việc bà Đàm Thị H1, bà Đỗ Thị T và ông Trần Văn Đ có mâu thuẫn như thế nào với bà M1, bà N không biết. Bà xác nhận không có mâu thuẫn gì và không sỉ nhục bà M1. Hiện nay, bà M1 cho rằng bà Đàm Thị N vu khống bà M1 đã nhận số tiền 570.000 đồng và 30 kg thóc nên yêu cầu bà Đàm Thị N phải công khai xin lỗi bà M1 thì bà N không đồng ý vì bà không có lỗi, bà N đã trả thóc và trả tiền đủ cho bà Phạm Thị M1.
* Bị đơn bà Đàm Thị H1 trình bày:
Năm 2008 bà Đàm Thị H1 là phó Thôn S 1, xã L. Việc chị P thả ngan vịt ra làm hỏng ruộng lúa của bà M1 cấy nhờ đám ruộng của chị Cao Thị P là đúng. Do thôn giải quyết giữa hai bên không được nên bà M1 đã làm đơn gửi UBND xã L giải quyết. Khi lúa chín, bà M1 vẫn không gặt thóc, nước sông vào bị ngập lúa nên Phó Chủ tịch UBND xã lúc đó là ông L đã yêu cầu hội phụ nữ thôn S 1 gặt lúa của bà M1. Bà N đã trả 570.000 đồng và 30 kg thóc cho bà M1; việc này bà H1 không chứng kiến nhưng được nghe bà N nói lại và được xem tờ giấy mà bà M1 ký nhận. Sau đó, bà M1 đến nhà bà H1 lấy 80 kg thóc (là số thóc hội phụ nữ gặt ở ruộng của bà M1 về để ở nhà bà H1), có sự chứng kiến của bà Hoàng Thị H. Sự việc trên là đúng. Vì bà M1 đã lấy thóc hội phụ nữ thôn gặt hộ bà thì không còn 100.000 đồng để đóng vào quỹ hội phụ nữ thôn Sú 1. Vì vậy, khi bà M1 ốm không được hội phụ nữ thăm hỏi theo quy chế đối với hội viên.
Ngày 15/12/2016 bà có tham gia cuộc họp tại nhà văn hóa thôn S 1 do bà Phạm Thị M1 phát biểu không đúng trọng tâm của hội nghị nên ông Trần Văn Đ chủ trì cuộc họp yêu cầu bà M1 phát biểu đúng nội dung. Bà M1 vẫn tiếp tục phát biểu không đúng nên ông Đ đã yêu cầu bà M1 dừng phát biểu nên bà M1 làm ầm lên trong nhà văn hóa. Sau đó, ông Đ mời bà M1 ra ngoài để hội nghị được tiếp tục. Không có sự việc ông Trần Văn Đ cậy quyền thế đuổi bà Phạm Thị M1 ra khỏi cuộc họp.
Tại cuộc họp ngày 08/3/2021 bà H1 có tham gia cuộc họp nhưng khi xảy ra sự việc giữa cụ T và bà M1, bà đang thu dọn trong phòng họp nên không biết Theo bà H1 được biết ông Trần Văn Đ, bà Đàm Thị N, cụ Đỗ Thị T không có mâu thuẫn gì với bà M1. Bản thân bà H1 cũng không có mâu thuẫn gì với bà M1 và không vu khống bà M1 đã lấy 80 kg thóc từ nhà bà H1 vì đó là sự thật, có sự chứng kiến của bà Hiền. Bà H1 không có lỗi, sự thật đúng là như vậy nên bà không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M1.
* Bị đơn ông Trần Văn Đ trình bày:
Sự việc thôn Sú 1 gặt lúa của bà Phạm Thị M1 thì ông không biết. Đến năm 2011 ông làm bí thư thôn Sú 1. Năm 2016 tại cuộc họp hội phụ nữ thì ông mới biết được sự việc thôn gặt lúa của bà Phạm Thị M1. Ngày 15/12/2016, tại cuộc họp ở nhà văn hóa Thôn Sú 1 do ông chủ trì cuộc họp. Tại cuộc họp có nội dung tham gia và nghe báo cáo của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, báo cáo tài chính và người dân được tham gia đóng góp ý kiến vào nội dung của bản báo cáo. Khi đến phần đóng góp ý kiến của nhân dân, bà M1 xin phát biểu nhưng phát biểu không đúng trọng tâm của cuộc họp. Ông đã yêu cầu bà M1 phát biểu đúng trọng tâm cuộc họp nhưng bà M1 vẫn tiếp tục phát biểu không đúng nội dung nên ông đã yêu cầu bà M1 dừng phát biểu và làm ầm lên trong nhà văn hóa. Vì vậy, ông đã mời bà M1 ra để cho hội nghị được tiếp tục chứ không có việc ông đuổi bà Phạm Thị M1 ra khỏi cuộc họp.
Tại cuộc họp ngày 20/01/2017 về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà M1, ông khẳng định việc bà H1 đã trả cho bà M1 80 kg thóc vì có bà Hoàng Thị H làm chứng và việc bà Đàm Thị N đã trả 570.000 đồng và 30 kg thóc cho bà M1 do có giấy xác nhận đã nhận đủ tiền và thóc có chữ ký xác nhận của bà M1.
Tại cuộc họp ngày 08/3/2021, ông đang soạn biên bản trong nhà văn hóa nên không biết được sự việc xảy ra giữa bà M1 và cụ T. Ông khẳng định bà N, bà H1, cụ T không có mâu thuẫn gì với bà M1; bản thân ông Đ cũng không có mâu thuẫn và không sỉ nhục bà M1 nên ông Đ không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì ông không có lỗi.
* Bị đơn cụ Đỗ Thị T trình bày:
Ngày 08/3/2021 tại cuộc họp tiếp xúc cử tri bà M1 có giơ tờ giấy triệu tập của Tòa án nhân dân huyện Thủy Nguyên và nói là bà Đàm Thị H1 chưa chấp hành giấy triệu tập của Tòa án thì không được ứng cử vào Hội đồng nhân dân xã thì cụ T có nói: “Con này láo” và cầm gậy đánh vào chân bà M1. Sau đó bà Phạm Thị M1 chửi bậy và làm ầm lên. Hiện nay, bà M1 yêu cầu cụ T công khai xin lỗi, cụ T không đồng ý.
Với nội dung như trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2022/DS-ST ngày 18 tháng 8 năm 2022, Tòa án nhân dân huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đã căn cứ vào khoản 14 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 228; Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các điều 11; 34; 592; 688 của Bộ luật Dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà Phạm Thị M1 về việc buộc bà Đàm Thị H1, bà Đàm Thị N, ông Trần Văn Đ, cụ Đỗ Thị T xin lỗi công khai và phải được lập thành văn bản.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí sơ thẩm và tuyên quyền kháng cáo đối với các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 23 tháng 8 năm 2022, bà Phạm Thị M1 kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đề nghị xem xét lại toàn bộ nội dung bản án và yêu cầu Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M1.
* Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn bà Phạm Thị M1 giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và nội dung kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo và yêu cầu khởi kiện của bà M1, sửa bản án sơ thẩm.
Bị đơn bà Đàm Thị H1, bà Đàm Thị N và ông Trần Văn Đ giữ nguyên quan điểm trong bản tự khai và quá trình giải quyết tại Tòa án cấp sơ thẩm, nhất trí với quyết định của bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Cụ Đỗ Thị T vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm, không có quan điểm.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến:
Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Nguyên đơn đã chấp hành và thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự; bị đơn Đỗ Thị T chưa chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, vắng mặt hai lần tại phiên tòa không có lý do dù đã được triệu tập hợp lệ. Vì vậy, Hội đồng xét xử xét xử vụ án là đúng theo quy định tại khoản 3 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Quan điểm của Kiểm sát viên đối với kháng cáo của nguyên đơn: Căn cứ vào trình bày của các đương sự trong quá trình giải quyết, tại phiên tòa và tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ nhận thấy nội dung những sự việc bà N, bà H1, ông Đ trình bày là đúng sự thật, không vu khống cho bà M1; bà M1 không tuân theo sự điều khiển cuộc họp nên ông Đ yêu cầu bà ra khỏi cuộc họp. Do cư xử thiếu hợp lý của bà M1 nên giữa nguyên đơn với bị đơn là cụ T có những va chạm nhỏ nhặt trong cuộc sống, cụ T chưa xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của nguyên đơn. Do vậy không có cơ sở để buộc các bị đơn phải xin lỗi công khai nguyên đơn và phải được lập thành văn bản. Do vậy, căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị M1, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
- Về tố tụng:
[1] Quan hệ tranh chấp của vụ án là tranh chấp buộc công khai xin lỗi; do vụ án có kháng cáo nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng theo quy định tại khoản 14 Điều 26; điểm b khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Xét kháng cáo của nguyên đơn bà Phạm Thị M1: Căn cứ lời khai của các đương sự và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:
[2] Năm 2008 bà Phạm Thị M1 có cấy nhờ đám ruộng của bà Trần Thị M2. Do bà M1 không gặt lúa, lúa chín và lúa có khả năng bị ngập nước hỏng nên bà Đàm Thị N, bà Đàm Thị H1 đã tổ chức hội phụ nữ thôn gặt lúa cho bà M1, lúa gặt về để ở nhà bà H1. Bà M1 đã nhận 570.000 đồng từ bà N là tiền công cấy, cày bừa, bà M1 đã ký giấy xác nhận. Bà N đã gửi anh Phạm Viết T 30 kg thóc để nhờ trả cho bà M1, để bà M1 trả sản lượng thuê ruộng của bà Mây. Anh T xác nhận đã đưa và bà M1 đã nhận đủ số thóc trên. Sau đó bà M1 đến nhà bà Đàm Thị H1 lấy khoảng 80 kg thóc, có sự chứng kiến của bà Hoàng Thị H.
[3] Ngày 15/12/2016 tại cuộc họp ở nhà văn hóa có nội dung tham gia và nghe báo cáo của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, báo cáo tài chính và người dân được tham gia đóng góp ý kiến vào nội dung của bản báo cáo. Bà M1 phát biểu không đúng nội dung cuộc họp nên ông Trần Văn Đ là người chủ trì cuộc họp yêu cầu bà M1 phát biểu đúng trọng tâm cuộc họp. Bà M1 vẫn tiếp tục phát biểu không đúng trọng tâm nên ông Đ yêu cầu bà M1 dừng phát biểu, bà M1 làm ầm lên trong nhà văn hóa nên ông Đ mời bà M1 ra khỏi cuộc họp. Ngày 20/01/2017 tại cuộc họp giải quyết đơn khiếu nại của bà Phạm Thị M1, ông Trần Văn Đ đã khẳng định bà H1 đã trả cho bà M1 80 kg thóc vì có sự chứng kiến của bà Hoàng Thị H; bà N đã trả cho bà M1 570.000 đồng và 30 kg thóc vì có giấy bà M1 ký, xác nhận và anh T xác nhận giao đủ thóc cho bà M1 [4] Ngày 08/3/2021 tại cuộc họp tiếp xúc cử tri bà M1 nói bà H1 chưa chấp hành giấy triệu tập của Tòa án thì không được ứng cử vào Hội đồng nhân dân xã thì giữa bà M1 và cụ Đỗ Thị T đã xảy ra va chạm, cãi nhau; cụ Đỗ Thị T cầm gậy vụt vào chân bà M1, bà M1 làm ầm lên và chửi bậy.
[5] Vì vậy, có căn cứ xác định: Năm 2008 bà Phạm Thị M1 đã nhận số tiền 570.000 đồng từ bà N và 30 kg thóc bà N gửi tại nhà anh Tlà đúng sự thật, có người làm chứng là anh Phạm Viết T. Bà Phạm Thị M1 đã nhận 80kg thóc (số thóc hội phụ nữ gặt ở ruộng của bà M1 về để ở nhà bà H1) là đúng sự thật, có bà H làm chứng. Ngày 15/12/2016, ông Trần Văn Đ chủ trì cuộc họp yêu cầu bà M1 ra khỏi cuộc họp do phát biểu không đúng nội dung của cuộc họp. Ngày 20/01/2017 tại cuộc họp giải quyết đơn khiếu nại của bà Phạm Thị M1, ông Trần Văn Đ đã nói đúng những sự việc đã xảy ra. Như vậy, nội dung những sự việc bà N, bà H1, ông Đ trình bày là đúng sự thật, không vu khống cho bà M1. Ngày 08/3/2021, do bà M1 có những lời nói không đúng đối với bà H1 - con gái cụ T nên cụ T có nhiếc móc và cầm gậy đánh bà M1 và bà M1 cũng chửi bới lại, giữa bà M1 và cụ T có xảy ra va chạm, cãi vã nhau nhưng chưa đến mức xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nguyên đơn. Mâu thuẫn giữa nguyên đơn và các bị đơn là những va chạm nhỏ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày và do cách cư xử không phù hợp giữa các bên. Do vậy không có cơ sở để buộc các bị đơn phải xin lỗi công khai nguyên đơn và phải được lập thành văn bản. Do vậy, căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị M1, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[6] Về án phí: Nguyên đơn bà Phạm Thị M1 là người cao tuổi nên được miễn án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 147; khoản 1 Điều 148; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/ UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ vào khoản 1 Điều 147; khoản 1 Điều 148; khoản 3 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ khoản 3 Điều 11, Điều 34 của Bộ luật Dân sự;
Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Xử: Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Phạm Thị M1.
Giữ nguyên bản án sơ thẩm:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phạm Thị M1 về việc buộc bà Đàm Thị H1, bà Đàm Thị N, ông Trần Văn Đ và cụ Đỗ Thị T công khai xin lỗi và được lập thành văn bản.
2. Về án phí: Nguyên đơn bà Phạm Thị M1 được miễn án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự phúc thẩm.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án về buộc xin lỗi công khai số 69/2022/DS-PT
Số hiệu: | 69/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 29/11/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về