Bản án về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm số 962/2020/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 962/2020/DS-PT NGÀY 29/09/2020 VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TÍNH MẠNG BỊ XÂM PHẠM

Trong các ngày 04 và ngày 29 tháng 9 năm 2020, tại phòng xử án, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số: 90/2020/TLPT-DS ngày 22 tháng 01 năm 2020 về việc: “Bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 332/2019/DS-ST ngày 11 tháng 11 năm  2019 của Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 4716/2020/QĐ-PT  ngày 04 tháng 9 năm 2020, giữa các đương sự:

Nguyên đơn:

- Bà Nguyễn Hồng Đ, sinh năm 1971;

- Ông Nguyễn Bình K, sinh năm 1973;

- Bà Nguyễn Mộng H, sinh năm 1975;

Cùng cư trú tại: 98/20 đường C, phường T, quận P, Thành phố Hồ Chí   Minh.

Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Lê Văn V, sinh năm 1970; Cư trú tại: 53-55-57 Đường số 53, phường T, Quận T, Thành phố Hồ Chí Minh (Theo Giấy uỷ quyền số công chứng 005158 ngày 12/5/2012 và Giấy uỷ quyền số công   chứng 005258 ngày 15/5/2012 tại Văn phòng công chứng L, Thành phố Hồ Chí  Minh) (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn A, sinh năm 1969 – Là Luật sư của Công ty M thuộc đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Cư trú tại: 53-55-57 Đường số 53, phường T, Quận T, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Bị đơn: Công ty Y;

Trụ sở tại: Số 06 B, phường P, Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông G, sinh năm 1958; Cư trú tại: 1136K  đường 55, phường Đ, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo uỷ quyền: Bà Nguyễn Thị Xuân T, sinh năm 1976; Cư trú tại: 438/41 đường P, Phường A, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh (Theo Giấy ủy quyền ngày 25/11/2019 của Công ty Y) (có mặt).

Người kháng cáo: Bị đơn là Công ty Y.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, quá trình tham gia tố tụng, nguyên đơn bà Nguyễn Hồng Đ, ông Nguyễn Bình K, bà Nguyễn Mộng H cùng  có người đại diện theo ủy quyền là ông Lê Văn V trình bày:

Các đồng nguyên đơn bà Nguyễn Hồng Đ, ông Nguyễn Bình K và bà  Nguyễn Mộng H là con ruột của bà Nguyễn Thị C (sinh năm 1935, đã chết ngày  20/3/2011). Bà C bị suy thận mạn, được điều trị và lọc máu định kỳ một tuần hai lần tại Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện R. Ngày 18/02/2011 bà C té bị gãy xương đùi trái, được gia đình đưa đến Công ty Y (gọi tắt là Bệnh viện F) điều trị. Quá trình điều trị từ ngày 22/02/2011 đến ngày 02/3/2011 thì tình trạng hậu phẫu xương đùi của bà C diễn tiến tốt nhưng tình trạng suy thận mạn ngày càng trở nên bất ổn, sức khỏe suy yếu đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, từ ngày 02/3/2011 đến ngày 10/3/2011 bà C được chuyển đến Bệnh viện R điều trị tiếp nhưng bệnh tình vẫn xấu đi nên gia đình xin chuyển đến Viện tim Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 20/3/2011, bà C chết tại Viện tim Thành phố Hồ Chí Minh do sốc nhiễm trùng phổi. Theo nguyên đơn thì nguyên nhân dẫn đến cái chết của bà C là do Bệnh viện F chạy thận không hiệu quả, thiếu kinh nghiệm trong điều trị dẫn đến quá tải dịch, tràn dịch màng phổi, biến chứng gây nhiễm trùng phổi. Trước khi vụ việc bị khởi kiện ra Tòa án, nguyên đơn có khiếu nại đến Hội đồng Khoa học Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và tại Biên bản họp hội đồng chuyên môn của Sở Y tế ngày 08/12/2011, với Hội đồng chuyên môn gồm 11 chuyên gia đầu ngành đã kết luận (Công văn số 128/SYT-Ttra ngày 10/01/2012 của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh) như sau: “Bệnh viện F có thiếu sót trong quá trình điều trị do các bác sỹ điều trị thiếu kinh nghiệm trong việc đánh giá và điều trị người bệnh (sau phẫu thuật) có bệnh thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo định kỳ”. Do đó, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải bồi thường thiệt hại về tính mạng của bà C, đồng thời cải chính thông tin không đúng trên báo chí về nguyên nhân chết của bà C. Nguyên đơn không đồng ý với kết luận của  Hội  đồng  chuyên môn Bộ y tế theo Công văn số 612/KCB-NV ngày 04/6/2018 của Cục khám chữa bệnh Bộ Y tế vì bị đơn tự ý trưng cầu giám định, không thông báo cho nguyên đơn biết, không đúng theo trình tự giám định khi có tranh chấp tại Tòa án. Đề nghị Tòa án căn cứ vào Kết luận giám định số  14/QHS.13 ngày 30/9/2013 của Trung tâm giám định pháp y – Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và Kết luận số 12/14/GĐHS ngày 09/10/2014 của Viện pháp y Quốc gia để làm căn cứ xét xử vì 02 (hai) kết luận trên là những chứng cứ được Tòa án thu thập theo đúng quy định của pháp luật về thu thập chứng cứ trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án dân sự.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn bà Nguyễn A và người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn trình bày tại phiên toà ngày 11/11/2019: Đề nghị Tòa án căn cứ vào Kết luận giám định số 14/QHS.13 ngày  30/9/2013 của Trung tâm giám định pháp y – Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và Kết luận số 12/14/GĐHS ngày 09/10/2014 của Viện pháp y quốc gia để xác định Bệnh viện F chạy thận không hiệu quả, thiếu kinh nghiệm trong điều trị dẫn đến quá tải dịch, tràn dịch màng phổi, biến chứng gây nhiễm trùng phổi là nguyên nhân dẫn đến tử vong cho bà C. Do đó, yêu cầu Bệnh viện F phải bồi thường thiệt hại về tính mạng của bà C là 1.000 đồng và yêu cầu Bệnh viện F phải công khai xin lỗi và cải chính thông tin không đúng trên báo chí về nguyên nhân chết của bà Nguyễn Thị C với nội dung như sau:“Bệnh viện F của chúng tôi nhìn nhận việc điều trị lọc máu cho bệnh nhân Nguyễn Thị C là không hiệu quả đúng như khiếu nại của gia đình nạn nhân, nguyên nhân là do các bác sĩ của chúng tôi đã có những thiếu sót căn bản dẫn đến việc không đánh giá đúng và đầy đủ vấn đề xuất nhập nước – điện giải – dinh dưỡng trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo định kỳ. Việc chúng tôi khẳng định bệnh nhân đã rời khỏi bệnh viện trong tình trạng ổn định và không hề có nguy cơ tử vong là một khẳng định hoàn toàn sai. Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì trước đây chúng tôi cho rằng đã nhiều lần giải thích nhưng bệnh nhân không hiểu, trong khi gia đình bệnh nhân cũng có hiểu biết về chuyên môn. Chúng tôi thành thật xin lỗi vì nhận định thiếu chín chắn trên của chúng tôi. Chúng tôi nhìn nhận những thiếu sót của Bệnh viện F trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị C là do các bác sĩ thiếu kinh nghiệm trong việc đánh giá và điều trị người bệnh. Chúng tôi xin chân thành gửi lời xin lỗi đến gia đình bệnh nhân Nguyễn Thị C”.

Quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án bị đơn là Công ty Y có người đại diện theo uỷ quyền là bà Nguyễn Thị Xuân T trình bày:

Bà C đã được điều trị không chỉ ở Công ty Y (sau đây gọi tắt là Bệnh viện F) mà còn điều trị ở Bệnh viện R và Viện tim Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi được Bệnh viện F thực hiện ca phẫu thuật kết hợp xương đùi gãy thành công, theo yêu cầu của gia đình, bà C đã được xuất viện tại Bệnh viện F trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có nguy cơ tử vong. Ngày 15/7/2013, ông Lê Văn V đại diện cho nguyên đơn có đơn yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định tại Trung tâm Giám định Pháp y - Sở y tế Thành phố Hồ Chí Minh để xác định nguyên nhân chết của bà C và xem xét các vấn đề chuyên môn của Bệnh viện F trong quá trình điều trị cho bà C và tại Bản kết luận giám định Pháp y số 14/QHS.13 ngày 30/9/2013 của Trung tâm Pháp y - Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã kết luận: “Nạn  nhân Nguyễn Thị C sinh năm 1935 chết do bị suy thận mãn giai đoạn cuối đang được chạy thận nhân tạo định kỳ, sau cuộc phẫu thuật kết hợp xương đùi gãy nhưng Bệnh viện F đã đánh giá và điều trị chưa phù hợp trong việc chạy thận nhân tạo”.

Không đồng ý với kết luận trên, ngày 28/7/2014, bị đơn có đơn yêu cầu trưng cầu giám định lại đối với các vấn đề sau: Nguyên nhân tử vong của bà Nguyễn Thị C và phân tích, xác định việc điều trị của Bệnh viện R, Bệnh viện F, Viện tim Thành phố Hồ Chí Minh có liên quan đến cái chết của bà C hay không? Nếu có thì đã liên quan như thế nào và mức độ trách nhiệm của từng tổ chức y tế này? Ngày 09/10/2014, Viện Pháp y Quốc gia có Bản kết luận giám định pháp y trên hồ sơ số 12/14/GĐHS. Phần kết luận của bản kết luận có ghi như sau: “... Bệnh viện Pháp - Việt: Việc phẫu thuật kết hợp xương đùi trái thể hiện thái độ tích cực nhưng không tiên lượng được hết khả năng diễn biến của bệnh. Sau mổ do bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ, vượt quá khả năng điều trị nên dẫn đến các biến chứng nặng dần”.

Bị đơn cho rằng bản kết luận trên chưa rõ ràng nên có công văn số 967-  2014/FVH-CEO ngày 08/12/2014 đề nghị Viện Pháp y Quốc gia giải thích rõ các nội dung sau: (a) Xác định nguyên nhân tử vong của bà C có liên quan đến việc điều trị của Bệnh viện F hay không và nếu có thì liên quan như thế nào và mức độ trách nhiệm cụ thể ra sao; (b) Làm rõ nghĩa của câu kết luận “… nhưng không tiên lượng được hết khả năng diễn biến của bệnh” và làm rõ kết luận này có nghĩa là Bệnh viện F đã góp phần gây ra cái chết của bà C hay không; (c) Làm rõ nghĩa của câu kết luận “Sau mổ do bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ, vượt quá khả năng điều trị nên dẫn đến các biến chứng nặng dần” và làm rõ kết luận này có nghĩa là Bệnh viện F đã góp phần gây ra cái chết của bà C hay không? Tại Công văn số 407/PYQG- CV ngày 22/12/2014, Viện pháp y Quốc gia trả lời như sau:“Đây là trường hợp tử vong nhưng không được khám nghiệm tử thi, việc giám định chỉ dựa trên hồ sơ do đó không đủ căn cứ để trả lời thỏa mãn các yêu cầu của cơ quan trưng cầu đã đặt ra. Mặc dù Viện pháp y quốc gia  đã làm hết khả năng, cụ thể: Đã xin ý hội chẩn của các chuyên gia đầu ngành Hồi sức cấp cứu, Chấn thương chỉnh hình, Thận nhân tạo, Tim mạch nhưng chỉ có thể kết luận được như bản kết luận số 12/14/GĐHS của Viện pháp y quốc gia, trong kết luận đã ghi rõ việc đánh giá về chuyên môn của từng bệnh viện”.

Ngày 15/5/2017, Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định trưng cầu giám định số 11/2017/QĐ-TCGĐ về việc yêu cầu Bộ Y tế thành lập Hội đồng giám định chuyên môn để giám định nguyên nhân chết của bà Nguyễn Thị C. Ngày 08/01/2018 Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh nhận được Công văn số 1903/KCB-PHCN&GĐ ngày 29/12/2017 của Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y Tế với nội dung: “Đề nghị Tòa án gửi Quyết định trưng cầu giám định lại lần II về pháp y cụ thể trên hồ sơ hay trên tử thi đối với trường hợp của bà Nguyễn Thị C đến Viện pháp y Quốc gia thuộc Bộ Y tế hoặc Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng. Viện pháp y Quốc gia thuộc Bộ Y tế hoặc Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng sẽ tiếp nhận Quyết định trưng cầu giám định lại lần II và các tài liệu kèm theo. Sau khi xem xét, nếu hồ sơ tài liệu đáp ứng đầy đủ nội dung theo trưng cầu giám định thì Viện pháp y Quốc gia thuộc Bộ Y tế hoặc Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng sẽ có công văn đề nghị Bộ Y tế xem xét, ban hành quyết định thành lập hội đồng giám định lại lần II”.

Bệnh viện F cũng đã yêu cầu Tòa án đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn để xác định xem Bệnh viện F có sai sót về chuyên môn trong việc điều trị cho bà Nguyễn Thị C tại Bệnh viện F hay không. Do Tòa không có ý kiến về yêu cầu này của Bệnh viện F nên Bệnh viện F đã trực tiếp đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn theo luật khám chữa bệnh và vào ngày  04/6/2018  Cục quản lý khám chữa  bệnh của Bộ Y tế đã có công văn số 612/KCB-NV nêu kết luận của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế như sau:

“1. Quá trình tiếp đón, thăm khám, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc của Bệnh viện F là đúng các quy định chuyên môn. Bệnh viện không có sai sót chuyên môn kỹ thuật trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.

2. Có chỉ định phẫu thuật kết hợp xương (gẫy xương đùi trái) trên bệnh nhân tuổi cao, tăng huyết áp, suy thận (đang chạy thận nhân tạo chu kỳ). Bệnh viện F đã làm Bilan trước phẫu thuật đầy đủ và chỉ định phẫu thuật kết hợp xương nẹp vít là đúng.

3. Các quy trình thực hiện trước, trong và sau phẫu thuật đúng quy định. Tuy nhiên về thủ tục hành chính còn có một số chi tiết chưa được thể hiện trong hồ sơ bệnh án như: Siêu âm tim trước mổ, bệnh nhân đang điều trị nhưng gia đình xin ra viện không có giấy cam kết với bệnh viện.

4. Trong quá trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện F có thể ứ dịch mức độ vừa nhưng không phải là nguyên nhân tử vong sau đó 18 ngày (bệnh nhân tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện R 8 ngày và Viện tim Thành phố Hồ Chí  Minh 10 ngày).

5. Nguyên nhân tử vong Hội đồng nghĩ nhiều đến do sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, ít nghĩ tới các nguyên nhân khác như nhồi máu cơ tim, nhồi máu phổi. Tuy nhiên, không chắc chắn do không được mổ tử thi”.

Công văn số 612/KCB-NV đã được Bệnh viện F cung cấp cho Tòa án vào ngày 19/6/2018 để Tòa án gửi kèm hồ sơ, tài liệu của Bệnh viện F cho Viện pháp y Quân đội thuộc Bộ quốc phòng để xem xét.

Tại Công văn số 158/PY-KN ngày 31/8/2018, Viện pháp y Quân đội trả lời như sau: “Bà C được điều trị gãy xương đùi ở Bệnh viện F từ 22/01/2011 đến ngày 02/3/2011, sau đó tiếp tục được điều trị từ ngày 02/3/2011 đến ngày  20/3/2011 ở Bệnh viện R, Bệnh viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh và tử vong; quá trình điều trị bà C có bệnh nặng: Suy thận mạn phải chạy thận định kỳ, bị gãy xương đùi ở người già và phải phẫu thuật kết xương đùi… Tuy nhiên, sau khi tử vong bà C không được giám định pháp y, không giải phẫu thi thể và không được làm các xét nghiệm quan  trọng (như mô bệnh học….). Do vậy, chúng tôi không có đủ căn cứ để xác định chính xác nguyên nhân tử vong của bà  C.

Kết luận của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế theo Công văn số 612/KCB- NV ngày 04/6/2018 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế là căn cứ pháp lý để Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh xử lý sự việc”.

Như vậy, nguyên đơn không chứng minh được bà C chết là kết quả tất yếu của việc điều trị tại Bệnh viện F. Vì vậy, đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cho bị đơn ông Bùi Quang Nghiêm và người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn trình  bày tại phiên toà ngày 11/11/2019: Đề nghị Tòa án căn cứ vào Kết luận của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế tại Công văn số 612/KCB-NV ngày 04/6/2018 của Cục quản lý khám chữa bệnh của Bộ Y tế để làm căn cứ giải quyết vụ kiện vì Theo Luật khám chữa bệnh thì kết luận của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế là kết luận cuối cùng và kết luận đã khẳng định việc bà C chết không phải là kết quả tất yếu của việc điều trị tại Bệnh viện F. Do đó, đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 332/2019/DS-ST ngày 11 tháng 11 năm  2019 của Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh, tuyên xử:

- Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, Điều 93, Điều 94, Điều 97, Điều 102, Điều 147, Điều 271, Điều 273, Điều 278, Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Căn cứ vào Khoản 1 Điều 22, Khoản 2 Điều 29 Luật giám định tư pháp 2012;

- Căn cứ điểm c, d khoản 2 Điều 9 và  Điều 610 Bộ luật Dân sự 2005;

- Căn cứ vào Điều 26 Luật Thi hành án Dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014);

- Căn cứ Pháp lệnh về Án phí, Lệ phí Tòa án;

- Căn cứ Luật thi hành án dân sự.

Xử:

1/ Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Bà Nguyễn Hồng Đ, Ông Nguyễn Bình K, Bà Nguyễn Mộng H.

Buộc Công ty Y phải bồi thường cho các nguyên đơn 1.000 đồng (một nghìn đồng).

Buộc Công ty Y cải chính thông tin không đúng trên báo chí về nguyên nhân chết của bà C với nội dung: Chúng tôi nhìn nhận những thiếu sót của Bệnh viện F trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị C là do các bác sĩ thiếu kinh nghiệm trong việc đánh giá và điều trị người bệnh. Cụ thể, đánh giá và điều trị bệnh nhân Nguyễn Thị C chưa phù hợp trong việc chạy thận nhân tạo. Chúng tôi xin chân thành gửi lời xin lỗi đến gia đình bệnh nhân Nguyễn Thị  C.

Buộc Công ty Y trả lại cho bà Nguyễn Hồng Đ, Ông Nguyễn Bình K, Bà Nguyễn Mộng H số tiền 1.760.000 (Một triệu bảy trăm sáu mươi ngàn) đồng mà bà Nguyễn Hồng Đ, Ông Nguyễn Bình K, Bà Nguyễn Mộng H đã đóng cho Trung tâm Giám định Pháp y - Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (theo biên lai thu số 0045458 ngày 17/12/2013) cho chi phí giám định.

Ngày 25 tháng 11 năm 2019, bị đơn là Công ty Y có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn bà Nguyễn Hồng Đ, ông Nguyễn Bình K, bà Nguyễn Mộng H cùng có người đại diện theo ủy quyền là ông Lê Văn V  không rút đơn khởi kiện, bị đơn Công ty Y không rút đơn kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Người kháng cáo - Bị đơn là Công ty Y có người đại diện theo uỷ quyền là bà Nguyễn Thị Xuân T trình bày: Bệnh viện F kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng Luật khám chữa bệnh, không áp dụng Công văn số 612/KCB-NV của Cục khám chữa bệnh Bộ y tế là áp dụng sai pháp luật từ đó dẫn đến nhận định sai lầm trong việc xét xử, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải bồi thường và cải chính trên báo không đúng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.

Vì những lý do trên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Sửa bản án sơ thẩm.

- Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp  cho nguyên đơn bà Nguyễn Hồng Đ, ông Nguyễn Bình K, bà Nguyễn Mộng H là luật sư Nguyễn Thuỵ Anh và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Lê Văn V cùng thống nhất trình bày: Do có sai sót trong việc điều trị cho bà C dẫn đến tử vong nên Bệnh viện F cần phải bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm và xin lỗi, cải chính cho nguyên đơn như bản án sơ thẩm đã tuyên là đúng đắn cả về lý, về tình, về đạo đức.

- Các sai sót của bị đơn trong các tài liệu điều trị do chính bị đơn cung cấp, trong chính biên bản họp Hội đồng chuyên môn của bị đơn, trong kết luận của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và trong các kết luận giám định.

- Nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn xin lỗi về các sai lầm của bị đơn. Bản án sơ thẩm chỉ buộc bị đơn phải xin lỗi về những thiếu sót trong quá trình điều trị, không cáo buộc toàn bộ trách nhiệm của bị đơn với toàn bộ quá trình điều trị. Điều này thể hiện rõ trong chính các tài liệu của bị đơn nên việc xin lỗi là đúng.

- Thông tin của bị đơn trả lời trên báo Tuổi trẻ ngày 27/06/2011 không nhìn nhận thiếu sót của bị đơn. Không những thế còn cho rằng người nhà nguyên đơn không hiểu biết về vấn đề điều trị. Do đó việc cải chính là cần thiết. Cải chính không chỉ cho những sai sót về từ, câu. Cải chính còn dùng cho những thông tin được đưa ra không chính xác, gây ngộ nhận.

- Bản án sơ thẩm đã lồng nội dung cải chính và xin lỗi thành một nội dung ngắn gọn, đơn giản, chính xác. Vì vậy cần giữ nguyên quyết định này.

- Về trách nhiệm bồi thường của bị đơn chỉ mang tính tượng trưng để bị đơn nhận thức được sai lầm của mình trong điều trị.

Do đó đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Giữ nguyên án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân  dân Thành  phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:

Về hình thức: Những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm đã tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

Về nội dung: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty Y. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 332/2019/DS-ST ngày 11 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, qua thẩm vấn công khai tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của bị đơn Công ty Y trong hạn luật định nên được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

[2] Về người tham gia tố tụng: Bà Nguyễn Thị C vào Bệnh viện F điều trị từ ngày 22/02/2011, ngày 02/3/2011 bà C được chuyển đến Bệnh viện R để tiếp tục điều trị đến ngày 10/3/2011 gia đình xin chuyển đến Viện tim Thành phố Hồ Chí Minh và ngày 20/3/2011 bà C tử vong. Tuy nhiên, trong quá trình khởi kiện, nguyên đơn không yêu cầu Bệnh viện R và Viện tim Thành phố Hồ Chí Minh phải chịu trách nhiệm về việc tử vong của bà C, đồng thời các đương sự cũng không yêu cầu đưa vào tham gia vụ kiện nên Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh không đưa Bệnh viện R và Viện tim Thành phố Hồ Chí Minh vào tham gia tố tụng là có căn cứ.

[3] Về nội dung: Sau khi xem xét toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của các đương sự tại phiên tòa Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy:

Bà Nguyễn Thị C (1935 - 2011) trước khi chết bị suy thận mạn, được điều trị và lọc máu định kỳ một tuần hai lần tại Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện R. Ngày 18/02/2011 bà C té bị gãy xương đùi trái, được gia đình đưa đến Bệnh viện F phẩu thuật điều trị từ ngày 22/02/2011 đến ngày 02/3/2011 bà C được chuyển đến Bệnh viện R để tiếp tục điều trị do bệnh tình xấu đi nên ngày  10/3/2011 gia đình xin chuyển đến Viện tim Thành phố Hồ Chí Minh và ngày  20/3/2011 bà C tử vong tại Viện tim Thành phố Hồ Chí Minh nên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cụ thể là bồi thường cho các nguyên đơn 1.000 (một nghìn) đồng và cải chính thông tin không đúng trên Báo Tuổi trẻ về nguyên nhân chết của bà C.

Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào kết quả của cuộc họp Hội đồng chuyên môn Sở Y tế ngày 08/12/2011; Bản kết luận giám định pháp y số 14/QHS.13 ngày 30/9/2013 của Trung tâm pháp y – Sở Y tế Thành  phố  Hồ  Chí  Minh;  Bản  kết  luận  giám  định  pháp  y  trên  hồ  sơ  số  12/14/GĐHS ngày 09/10/2014 của Viện pháp y Quốc gia – Bộ y tế cho rằng Bệnh viện F có sai sót do lỗi vô ý nên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Bị đơn Công ty Y không đồng ý nên kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên   đơn. Sửa Bản án sơ thẩm số 332/2019/DS-ST ngày 11/11/2019 của Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.

[4] Xét kháng cáo của bị đơn Công ty Y (Bệnh viện F).

[4.1] Xét việc nguyên đơn khởi kiện bị đơn Bệnh viện F yêu cầu bồi thường thiệt hại tính mạng bị xâm phạm do trong quá trình điều trị Bệnh viện F có sai sót làm cho bà Nguyễn Thị C tử vong. Đây là yêu cầu bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nên phải áp dụng Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 để giải quyết.

Theo kết quả của cuộc họp Hội đồng chuyên môn Sở Y tế ngày  08/12/2011: “Bệnh viện F có thiếu sót trong quá trình điều trị do các bác sỹ điều trị thiếu kinh nghiệm trong việc đánh giá và điều trị người bệnh (sau phẫu thuật) có bệnh thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo định kỳ”.

Theo Bản kết luận giám định pháp y số 14/QHS.13 ngày 30/9/2013 của Trung tâm pháp y – Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh: “Nạn nhân Nguyễn Thị C sinh năm 1935 chết do bị suy thận mạn giai đoạn cuối đang được chạy thận định kỳ, sau cuộc phẫu thuật kết hợp xương đùi gãy nhưng Bệnh viện F đã đánh giá và điều trị chưa phù hợp trong việc chạy thận nhân tạo”.

Theo Bản kết luận giám định pháp y trên hồ sơ số 12/14/GĐHS ngày 09/10/2014 của Viện pháp y Quốc gia – Bộ y tế: nguyên nhân tử vong là “suy đa tạng sau phẫu thuật kết hợp xương đùi trái trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối”.

Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng ba kết luận nêu trên đều ít nhiều ghi nhận có vấn đề trong quá trình đánh giá và điều trị bệnh nhân của Bệnh viện F, trong tất cả các bản kết luận đều ghi nhận hiện tượng quá tải dịch ở người bệnh là căn cứ để cho rằng Bệnh viện F có sai sót do lỗi vô ý trong quá trình đánh giá, điều trị bệnh nhân Nguyễn Thị C chưa phù hợp trong việc chạy thận nhân tạo và bệnh nhân Nguyễn Thị C đã chết do bị “suy thận mạn giai đoạn cuối” để chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ. Bởi lẽ, theo Bản kết luận giám định pháp y số 14/QHS.13 ngày 30/9/2013 của Trung tâm pháp y  – Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh: “Nạn nhân Nguyễn Thị C chết do bị suy thận mạn giai đoạn cuối”. Đồng thời, theo Bản kết luận giám định pháp y trên hồ sơ số 12/14/GĐHS ngày 09/10/2014 của Viện pháp y Quốc gia – Bộ y tế thì nguyên nhân tử vong là “Suy đa tạng sau phẫu thuật kết hợp xương đùi trái trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối”. Ngoài ra không có kết luận nào cho rằng nguyên nhân tử vong của bà C là do Bệnh viện F có sai sót trong quá trình điều trị. Việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào các kết luận nêu trên mà không áp dụng Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 để giải quyết vụ án là thiếu sót.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 73 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định: “Người hành nghề có sai sót chuyên môn kỷ thuật khi được hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74 và  Điều 75 của Luật này xác định đã có trong các hành vi sau đây:

a) Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh;

b) Vi phạm các quy định chuyên môn kỷ thuật và đạo đức nghề nghiệp;

c) Xâm phạm đến quyền của bệnh nhân”.

Theo Công văn số 407/PYQG- CV ngày 22/12/2014, Viện pháp y Quốc gia trả lời như sau: “Đây  là  trường  hợp tử vong nhưng không được khám nghiệm tử thi, việc giám định chỉ dựa trên hồ sơ do đó không đủ căn cứ để trả lời thỏa mãn các yêu cầu của cơ quan trưng cầu đã đặt ra. Mặc dù Viện pháp y quốc gia đã làm hết khả năng, cụ thể: Đã xin ý hội chẩn của các chuyên gia đầu ngành Hồi sức cấp cứu, Chấn thương chỉnh hình, Thận nhân tạo, Tim mạch nhưng chỉ có thể kết luận được như bản kết luận số 12/14/GĐHS của Viện pháp y quốc gia, trong kết luận đã ghi rõ việc đánh giá về chuyên môn của từng bệnh viện”.

Theo công văn số 612/KCB-NV ngày 04/6/2018 của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế kết luận:

“1. Quá trình tiếp đón, thăm khám, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc của Bệnh viện F là đúng các quy định chuyên môn. Bệnh viện không có sai sót chuyên môn kỹ thuật trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.

2. Có chỉ định phẫu thuật kết hợp xương (gẫy xương đùi trái) trên bệnh nhân tuổi cao, tăng huyết áp, suy thận (đang chạy thận nhân tạo chu kỳ). Bệnh viện F đã làm Bilan trước phẫu thuật đầy đủ và chỉ định phẫu thuật kết hợp xương nẹp vít là đúng.

3. Các quy trình thực hiện trước, trong và sau phẫu thuật đúng quy định. Tuy nhiên về thủ tục hành chính còn có một số chi tiết chưa được thể hiện trong hồ sơ bệnh án như: Siêu âm tim trước mổ, bệnh nhân đang điều trị nhưng gia đình xin ra viện không có giấy cam kết với bệnh viện.

4. Trong quá trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện F có thể ứ dịch mức độ vừa nhưng không phải là nguyên nhân tử vong sau đó 18 ngày (bệnh nhân tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện R 8 ngày và Viện tim Thành phố Hồ Chí Minh 10 ngày).

5. Nguyên nhân tử vong Hội đồng nghĩ nhiều đến do sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, ít nghĩ tới các nguyên nhân khác như nhồi máu cơ tim, nhồi máu phổi. Tuy nhiên, không chắc chắn do không được mổ tử thi”.

Theo Công văn số 158/PY-KN ngày 31/8/2018, Viện pháp y quân đội trả lời như sau: “Bà C được điều trị gãy xương đùi ở Bệnh viện F từ 22/01/2011 đến ngày 02/3/2011, sau đó tiếp tục được điều trị từ ngày 02/3/2011 đến ngày  20/3/2011 ở Bệnh viện R, bệnh viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh và tử vong; quá trình điều trị bà C có bệnh nặng: Suy thận mạn phải chạy thận định kỳ, bị gãy xương đùi ở người già và phải phẫu thuật kết xương đùi… Tuy nhiên, sau khi tử vong bà C không được giám định pháp y, không giải phẫu thi thể và không được làm các xét nghiệm quan trọng (như mô bệnh học….). Do vậy, chúng tôi không có đủ căn cứ để xác định chính xác nguyên nhân tử vong của bà  C.

Kết luận của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế theo Công văn số 612/KCB- NV ngày 04/6/2018 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế là căn cứ pháp lý để Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh xử lý xử việc”.

Như vậy, trong tất cả các kết luận nêu trên đều không xác định Bệnh viện F có sai sót trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh cho bà C. Do đó, không có căn cứ xác định lỗi do Bệnh viện F đã có sai sót trong quá trình điều trị dẫn đến tử vong của bệnh nhân Nguyễn Thị C theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Từ những phân tích trên xét thấy yêu cầu bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cho các nguyên đơn 1.000 đồng và cải chính thông tin trên Báo Tuổi trẻ theo nội dung :“Bệnh viện F của chúng tôi nhìn nhận việc điều trị lọc máu cho bệnh nhân Nguyễn Thị C là không hiệu quả đúng như khiếu nại của gia đình nạn nhân, nguyên nhân là do các bác sĩ của chúng tôi đã có những thiếu sót căn bản dẫn đến việc không đánh giá đúng và đầy đủ vấn đề xuất nhập nước – điện giải – dinh dưỡng trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo định kỳ. Việc chúng tôi khẳng định bệnh nhân đã rời khỏi bệnh viện trong tình trạng ổn định và không hề có nguy cơ tử vong là một khẳng định hoàn toàn sai. Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì trước đây chúng tôi cho rằng đã nhiều lần giải thích nhưng bệnh nhân không hiểu, trong khi gia đình bệnh nhân cũng có hiểu biết về chuyên môn. Chúng tôi thành thật xin lỗi vì nhận định thiếu chín chắn trên của chúng tôi. Chúng tôi nhìn nhận những thiếu sót của Bệnh viện F trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị C là do các bác sĩ thiếu kinh nghiệm trong việc đánh giá và điều trị người bệnh. Chúng tôi xin chân thành gửi lời xin lỗi đến gia đình bệnh nhân Nguyễn Thị C” là không có căn cứ.

[4.2] Về yêu cầu bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm 1.000 đồng của nguyên đơn. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng là rất ít so với mức lương cơ sở nên không cần nguyên đơn phải chứng minh mức thiệt hại tương xứng với lỗi của của bị đơn là không đúng. Vì sự việc xảy ra hết sức nghiêm trọng, đó là tính mạng con người, là trách nhiệm, là danh dự uy tín của một cơ quan chuyên môn.

Tòa án cấp sơ thẩm cần lưu ý khi không đủ căn cứ xác định lỗi thì cũng không có căn cứ để buộc bồi thường.

Từ những căn cứ trên Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy kháng cáo của bị đơn Công ty Y là có căn cứ nên chấp nhận.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty Y. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm.

Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là có căn cứ nên Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty Y. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 332/2019/DS-ST ngày 11/11/2019 của Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.

[5] Về chi phí giám định:  Do yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu tất cả các chi phí giám định gồm: Chi phí giám định Pháp y - Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh là 1.760.000 đồng, số tiền này nguyên đơn đã đóng; Chi phí giám định Viện pháp y Quốc Gia là 10.200.000 đồng số tiền này bị đơn đã đóng nên nguyên đơn phải hoàn trả lại cho bị đơn.

[6] Về án phí dân sự sơ thẩm: Trường hợp này được miễn án phí theo  Pháp lệnh về Án phí, Lệ phí Tòa án.

[7] Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên bị đơn Công ty Y không phải chịu án phí.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ Điều 93, Điều 94, Điều 97, Điều 102, Điều 147, khoản 2 Điều  148, Điều 271, Điều 273 và khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Căn cứ khoản 1 Điều 73, 74 Luật Khám chữa bệnh năm 2009;

- Căn cứ Pháp lệnh về Án phí, Lệ phí Tòa án;

- Căn cứ Luật thi hành án dân sự.

- Chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty Y.

- Sửa Bản án sơ thẩm số 332/2019/DS-ST ngày 11/11/2019 của Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Hồng Đ, ông Nguyễn Bình K, bà Nguyễn Mộng H về việc yêu cầu Công ty Y phải bồi thường cho các nguyên đơn 1.000 (Một nghìn) đồng và cải chính thông tin không đúng trên báo Tuổi trẻ về nguyên nhân chết của bà Nguyễn Thị C với  nội dung: “Bệnh viện F của chúng tôi nhìn nhận việc điều trị lọc máu cho bệnh nhân Nguyễn Thị C là không hiệu quả đúng như khiếu nại của gia đình nạn nhân, nguyên nhân là do các bác sĩ của chúng tôi đã có những thiếu sót căn bản dẫn đến việc không đánh giá đúng và đầy đủ vấn đề xuất nhập nước – điện giải  – dinh dưỡng trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo định kỳ. Việc chúng tôi khẳng định bệnh nhân đã rời khỏi bệnh viện trong tình trạng ổn định và không hề có nguy cơ tử vong là một khẳng định hoàn toàn sai. Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì trước đây chúng tôi cho rằng đã nhiều lần giải thích nhưng bệnh nhân không hiểu, trong khi gia đình bệnh nhân cũng có hiểu biết về chuyên môn. Chúng tôi thành thật xin lỗi vì nhận định thiếu chín chắn trên của chúng tôi. Chúng tôi nhìn nhận những thiếu sót của Bệnh viện F trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị C là do các bác sĩ thiếu kinh nghiệm trong việc đánh giá và điều trị người bệnh. Chúng tôi xin chân thành gửi lời xin lỗi đến gia đình bệnh nhân Nguyễn Thị C”.

2. Án phí dân sự sơ thẩm: bà Nguyễn Hồng Đ, Ông Nguyễn Bình K, Bà  Nguyễn Mộng H không phải chịu theo pháp luật quy định.

3. Án phí dân sự phúc thẩm: Công ty Y không phải chịu. Hoàn lại cho Công ty Y số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng theo biên lai thu số AA/2018/0031828 ngày 25/11/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Chi phí tố tụng:

- Chi phí giám định Pháp y- Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh là 1.760.000 (Một triệu bảy trăm sáu mươi nghìn) đồng do nguyên đơn bà Nguyễn Hồng Đ, Ông Nguyễn Bình K, Bà Nguyễn Mộng H phải chịu (bà Nguyễn Hồng Đ, Ông Nguyễn Bình K, Bà Nguyễn Mộng H đã đóng cho Trung tâm Pháp y - Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh theo biên lai thu số 0045458 ngày 17/12/2013).

- Chi phí giám định Viện pháp y Quốc Gia là 10.200.000 (Mười triệu hai trăm nghìn) đồng do nguyên đơn bà Nguyễn Hồng Đ, Ông Nguyễn Bình K, Bà Nguyễn Mộng H phải chịu (Công ty Y đã đóng cho Viện pháp y Quốc Gia theo biên lai thu số 05, quyển số 05 ngày 14/8/2014 nên bà Nguyễn Hồng Đ, Ông Nguyễn Bình K, Bà Nguyễn Mộng H phải hoàn trả lại cho Công ty Y).

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự. Thi hành tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

399
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm số 962/2020/DS-PT

Số hiệu:962/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:29/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về