Bản án tranh chấp hợp đồng giao khoán số 10/2021/DS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN Đ, TỈNH PHÚ THỌ

BẢN ÁN 10/2021/DS-ST NGÀY 15/07/2021 TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GIAO KHOÁN

Ngày 15 tháng 7 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Đ, tỉnh Phú Thọ xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 56/2021/TLST- DS ngày 05/01/2021 về việc tranh chấp hợp đồng giao khoán, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 10/2021/QĐXXST-DS ngày 28/6/2021, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Trần Đạo B– sinh năm 1944.

Địa chỉ: Thôn 2, xã V, huyện Đ, tỉnh Phú Thọ (Có mặt).

- Bị đơn: Trung tâm KH Bắc Bộ.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Anh D- sinh năm 1968. Chức vụ: Giám đốc.

Địa chỉ: Khu 3, xã C, huyện Đ, tỉnh Phú Thọ (Có mặt).

- Người làm chứng:

1. Ông Nguyễn Văn T- sinh năm 1954.

Địa chỉ: Khu 05, xã M, huyện Đ, tỉnh Phú Thọ (Vắng mặt).

2. Ông Đoàn Văn N - sinh năm 1943.

Địa chỉ: Khu 05, xã M, huyện Đ, tỉnh Phú Thọ (Vắng mặt).

3. Ông Trần Xuân T1- sinh năm 1983.

Địa chỉ: Thôn 2, xã V, huyện Đ, tỉnh Phú Thọ (Vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện và trong quá trình xét xử, nguyên đơn là ông Trần Đạo B trình bày: Trung tâm NCLS, nay là Trung tâm KHLN Bắc Bộ (Bên A) và ông Trần Đạo B (Bên B) cùng ký kết Hợp đồng kinh tế số 32 về việc ký kết trồng và bảo vệ rừng liên doanh theo phương thức ăn chia sản phẩm vào ngày 27/02/1989. Theo đó, Trung tâm giao cho ông B diện tích đất 10,9ha tại lô số 1, 4, 5 khoảnh 1 thuộc địa phận xã V, huyện Đ để ông B trồng, chăm sóc rừng bạch đàn, keo, bồ đề, luồng, giống cây trồng do Trung tâm cung cấp. Phương thức ăn chia như sau:

- Sản phẩm tỉa thưa và trồng xen thì bên B được hưởng 100%.

- Sản phẩm khai thác thì dành 10% cho trọng tài kinh tế, còn lại chia theo tỷ lệ bên A 30%, bên B 70% (Trường hợp bên B thanh toán đầu tư ban đầu cho bên A hoặc tự túc toàn bộ thi công), hoặc bên A 40%, bên B 60% (Trường hợp bên B không thanh toán đầu tư ban đầu cho bên A).

Hợp đồng này có thời hạn là 15 năm kể từ ngày ký. Tuy trong Hợp đồng số 32 chỉ có bạch đàn, keo, bồ đề, luồng nhưng trên thực tế tháng 7/1989, Trung tâm đã lấy giống cây chiêu liêu từ miền Nam về, giao cho ông trồng bổ sung trên diện tích cũ. Khi ông yêu cầu lập Hợp đồng thì phía Trung tâm nói cứ thực hiện như Hợp đồng cũ. Đến năm 2000, phía Trung tâm có thanh lý Hợp đồng nhưng chỉ thanh lý đối với diện tích trồng keo và bạch đàn. Năm 2001, Trung tâm có bàn giao lại cho ông tiếp tục chăm sóc 4254 cây gồm chiêu liêu, sồi dẻ, lim, ràng ràng… Đến 2014, có 210 cây chiêu liêu bị chết, Trung tâm đã lập biên bản, bán và thanh toán cho con trai ông là anh Anh Trần Xuân T1 với tỷ lệ chia là Trung tâm 45%, anh T1 là 54%, (sau khi trừ 10% cho trọng tài kinh tế). Theo quan điểm của ông B, Hợp đồng số 32 chưa thanh lý, từ khi kí kết hợp đồng cho đến năm 2018, phía Trung tâm vẫn chia % cho ông theo tỷ lệ ghi trong Hợp đồng. Do đó, việc Trung tâm bán 420 cây gồm 390 cây chiêu liêu (do Trung tâm cung cấp giống cho ông), 10 cây lim xanh và 20 cây khác (tự mọc trên đất) với giá 81.000.000đ nhưng chỉ thanh toán cho ông 27% số tiền trên là ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông. Đến nay, ông đề nghị Trung tâm phải chia tỷ lệ đúng theo Hợp đồng, kể cả đối với cây chiêu liêu và các cây tự mọc là lim xanh và các cây khác.

Quá trình giải quyết ông B cung cấp các tài liệu gồm Bản gốc Hợp đồng 32 và Đơn xin nuôi trồng rừng năm 1989, bản sao Biên bản giao khoán trông coi bảo vệ cây tái sinh sau khi đã bài tỉa điều chỉnh mật độ tổ thành năm 2001, tài liệu thể hiện năm 2014 Trung tâm đã thanh toán cho anh T1 với tỷ lệ ăn chia anh T1 được hưởng 54% và các đơn đề nghị xác nhận có xác nhận của ông Nguyễn Văn T - Phó Giám đốc Trung tâm NCLS thời điểm năm 2000 và ông Đoàn Văn N - Giám đốc Trung tâm NCLS năm 1989, xác nhận như nội dung ông đã khai.

Bị đơn Trung tâm KHLN Bắc Bộ do ông Nguyễn Anh D đại diện theo pháp luật trình bày: Năm 1989, Trung tâm NCLS, nay là Trung tâm KHLN Bắc Bộ có ký Hợp đồng số 32 với ông Trần Đạo B, nội dung Hợp đồng như ông B khai là đúng. Việc Trung tâm có kế hoạch trồng thêm cây chiêu liêu trên diện tích đất trên theo Kế hoạch năm 1991 là đúng. Nhưng số cây chiêu liêu này không được bổ sung vào Hợp đồng hay phụ lục của Hợp đồng số 32. Việc chi trả theo Hợp đồng 32 đối với tiền bán 210 cây chiêu liêu cho gia đình ông B vào năm 2014 là nhầm lẫn, đã có Kết luận của đơn vị chủ quản là Viện KH Việt Nam nhưng không có tài liệu để chứng minh. Theo quan điểm của Trung tâm, do Hợp đồng số 32 đã thanh lý vào năm 2000, số 420 cây gồm 390 cây chiêu liêu, 10 cây lim xanh và 20 cây khác đã bán không có trong Hợp đồng nên Trung tâm không có căn cứ để chi trả cho ông B theo yêu cầu của ông B mà chỉ chỉ trả công sức bảo vệ là 27%.

Ông D cung cấp bản sao Hợp đồng số 32, Kế hoạch năm 1991 về việc trồng bổ sung cây chiêu liêu và một số loại cây khác, Biên bản hòa giải tại xã, biên bản định giá, bán đấu giá 420 cây vào năm 2018 có kèm theo Bảng kê sản phẩm khai thác tận dụng trong đó giá trị là 81.000.000đ.

Người làm chứng là ông Nguyễn Văn T - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm NCLS giai đoạn 1997 - 2002. Ông T xác nhận việc trong hợp đồng số 32 chỉ ghi trồng cây bạch đàn và cây keo, không ký kết Hợp đồng trồng cây Chiêu liêu, lim, và các cây khác nhưng thực tế tháng 7/1989, Trung tâm có chuyển phương thức trồng cây chiêu liêu lấy từ miền Nam ra, cấp cho ông B để trồng và ăn chia theo Hợp đồng 32. Những gì ông B đã khai là hoàn toàn đúng. Ông T không có tài liệu gì chứng minh.

Người làm chứng là là ông Đoàn Văn N là Giám đốc Trung Tâm NCLS giai đoạn 1987 - 2000. Ông N xác nhận nội dung như ông B khai là đúng, phù hợp với lời khai của ông B và ông T.

Quá trình giải quyết nguyên đơn và bị đơn đều chỉ thống nhất về giá trị tài sản tranh chấp là 81.000.000đ, không yêu cầu định giá lại N cũng không thống nhất được về tỷ lệ chia đối với 81.000.000đ đã bán cây trên. Đến nay, ông B vẫn yêu cầu được hưởng tỷ lệ theo Hợp đồng 32, phía Trung tâm không nhất trí.

Tại phiên tòa, đại điện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến, xác định:

Trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết vụ án theo hướng:

Căn cứ vào khoản 3 Điều 26; điểm a, khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147, Điều 271, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 274; khoản 1 Điều 275; Điều 483; Điều 484; Điều 485; Điều 488; khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của UBTVQH quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, xử:

1. Chấp nhận yêu cầu của ông Trần Đạo B. Buộc Trung tâm KHLN Vùng trung tâm Bắc Bộ phải thanh toán cho ông Trần Đạo B số tiền 43.740.000đ (Bốn mươi ba triệu bẩy trăm bốn mươi nghìn đồng).

2. Về án phí dân sự sơ thẩm: Trung tâm KHLN Vùng trung tâm Bắc Bộ phải nộp số tiền là: 2.187.000đ (Hai triệu một trăm tám mươi bẩy nghìn đồng).

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng:

Nguyên đơn ông Trần Đạo B cư trú tại thôn 2, xã V, huyện Đ, tỉnh Phú Thọ khởi kiện về việc Tranh chấp hợp đồng trồng và bảo vệ rừng với bị đơn là Trung tâm KH Bắc Bộ địa chỉ tại khu 3, xã C, huyện Đ nên đây là vụ án Tranh chấp hợp đồng giao khoán thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Phú Thọ theo quy định tại khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về nội dung vụ án:

Ông Trần Đạo B và Trung tâm NCLS, nay là Trung tâm KHLN Vùng trung tâm Bắc Bộ cùng ký kết Hợp đồng kinh tế số 32 về việc ký kết trồng và bảo vệ rừng liên doanh theo phương thức ăn chia sản phẩm vào ngày 27/02/1989. Theo đó, Trung tâm giao cho ông B đất, giống cây… để ông B trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đối với các cây bạch đàn, keo, luồng. Phương thức ăn chia như sau: Sản phẩm tỉa thưa và trồng xen thì ông B được hưởng 100%. Sản phẩm khai thác thì dành 10% cho trọng tài kinh tế, còn lại chia theo tỷ lệ ông B được 70% (Trường hợp ông B thanh toán đầu tư ban đầu cho bên Trung tâm hoặc tự túc toàn bộ thi công), hoặc 60% (Trường hợp không thanh toán đầu tư ban đầu cho Trung tâm). Năm 2000, Trung tâm thanh lý Hợp đồng phần diện tích trồng bạch đàn, keo. Năm 2001, Trung tâm bàn giao cho cho ông B tiếp tục bảo vệ rừng trong đó có cây chiêu liêu, lim, sồi, dẻ… Năm 2018, Trung tâm khai thác và bán đấu giá tổng số 420 cây trồng gồm: 390 cây chiêu liêu, 10 cây lim xanh và 20 loại cây khác như sồi, dẻ…trị giá 81.000.000đ và cho ông B được hưởng 27% giá trị như tiền công bảo vệ rừng. Ông B không đồng ý nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết, buộc Trung tâm phải chia cho ông theo hợp đồng số 32.

[3] Xét yêu cầu khởi kiện của ông Trần Đạo B Hội đồng xét xử thấy: Hợp đồng số 32 về việc ký kết trồng và bảo vệ rừng liên doanh theo phương thức ăn chia sản phẩm vào ngày 27/02/1989 giữa ông Trần Đạo B và Trung tâm NCLS, nay là Trung tâm KHLN Bắc Bộ sau 15 năm xem như đã thanh lý, hết hiệu lực.

Ngoài Hợp đồng này ra thì giữa ông B và Trung tâm không có bổ sung thêm Hợp đồng hay phụ lục hợp đồng nào khác liên quan đến việc trồng, trông coi, bảo vệ cây chiêu liêu, lim xanh cùng một số loại cây khác. Tuy nhiên, phía Trung tâm cũng xác nhận việc đã bổ sung trồng cây chiêu liêu theo kế hoạch năm 1991, giống do Trung tâm lấy từ miền Nam ra. Năm 2001, khi Trung tâm bàn giao cho ông B tiếp tục chăm sóc bảo vệ thì đã bàn giao cả cây chiêu liêu cùng một số cây khác như lim, ràng ràng…Đến năm 2014, khi Trung tâm tận thu 210 cây Chiêu liêu chết vẫn thanh toán cho ông B 54% giá trị cây đã bán. Bản thân ông B, ông Nguyễn Văn T là Phó giám đốc, Trung tâm NCLS giai đoạn 1997-2000 cùng ông Đoàn Văn N - Giám đốc Trung tâm thời điểm 1987 - 2000 là người trực tiếp ký Hợp đồng số 32 đều xác nhận tuy trong Hợp đồng số 32 không có nội dung liên quan đến trồng cây chiêu liêu N trên thực tế tháng 7/1989, Trung tâm đã có chuyển phương thức trồng cây Chiêu liêu, cấp cho ông B giống cây trồng và vẫn ăn chia theo Hợp đồng số 32. Do đó, có thể thấy, tuy Hợp đồng 32 đã hết hiệu lực nhưng giữa ông B và Trung tâm vẫn có thỏa thuận miệng về việc ông B tiếp tục chăm sóc, bảo vệ số cây chiêu liêu trên và được hưởng tỷ lệ như trong Hợp đồng số 32 đã ghi nên việc ông B yêu cầu Trung tâm phải thanh toán cho ông số tiền đã bán cây theo tỷ lệ 60% (thực lĩnh là 54% sau khi đã trừ 10% trọng tài kinh tế) là phù hợp. Riêng đối với các cây mọc tự nhiên mà Trung tâm đã bán gồm 10 cây lim xanh, 20 cây sồi dẻ, xác nhận đã trên 20 năm tuổi, đều do ông B chăm sóc, bảo vệ trong suốt thời gian đó, do vậy, việc ông B yêu cầu hưởng tỷ lệ như đối với số cây chiêu liêu cũng là phù hợp. Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ông B, cần chấp nhận yêu cầu của ông B, buộc Trung tâm KHLN Bắc Bộ phải thanh toán cho ông B số tiền 43.740.000đ (81.000.000đ- 10%= 72.900.000 x60% = 43.740.000đ).

[2.4] Về án phí dân sự thẩm : Do yêu cầu của ông B được chấp nhận nên Trung tâm KHLN Vùng trung tâm Bắc Bộ phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào khoản 3 Điều 26; điểm a, khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147, Điều 271, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 274; khoản 1 Điều 275; Điều 483; Điều 484; Điều 485; Điều 488; khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326, ngày 30/12/2016 của UBTVQH quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, xử:

1. Chấp nhận yêu cầu của ông Trần Đạo B. Buộc Trung tâm KHLN Bắc Bộ phải thanh toán cho ông Trần Đạo B số tiền 43.740.000đ (Bốn mươi ba triệu bẩy trăm bốn mươi nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp Cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm: Trung tâm KHLN Bắc Bộ phải nộp số tiền là: 2.187.000đ (Hai triệu một trăm tám mươi bẩy nghìn đồng).

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7,7a, 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại các Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguyên đơn, bị đơn có mặt có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án để đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ xét xử Phúc Thẩm

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

304
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án tranh chấp hợp đồng giao khoán số 10/2021/DS-ST

Số hiệu:10/2021/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Đoan Hùng - Phú Thọ
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 15/07/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về