Bản án 99/2019/HS-PT ngày 09/08/2019 về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH

BẢN ÁN 99/2019/HS-PT NGÀY 09/08/2019 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 09 tháng 8 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 98/2019/TLPT-HS, ngày 03 tháng 7 năm 2019, đối bị cáo Nguyễn Văn H (Đ) do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án Hình sự sơ thẩm số 30/2019/HSST, ngày 16 tháng 5 năm 2019, của Tòa án nhân dân huyện TC, tỉnh Tây Ninh.

- Bị cáo có kháng cáo: Nguyễn Văn H (Đ); sinh năm 1971, tại tỉnh Long An; nơi cư trú: Ấp 6, xã Suối Dây, huyện TC, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: Làm rẫy; trình độ văn hóa: Lớp 04/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; con ông Nguyễn Văn O (đã chết) và bà Huỳnh Thị T; có vợ tên Nguyễn Thị L; con có 03 người, lớn nhất sinh năm 1992, nhỏ nhất sinh năm 2007; tiền án; tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (có mặt).

Ngoài ra, còn có nguyên đơn dân sự không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2003, ông Nguyễn Hoài L, ngụ tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, xây dựng Rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng tỉnh Tây Ninh với Ban quản lý dựng án rừng phòng hộ Dầu Tiếng, tổng diện tích 12 ha tại lô b, khoảnh 9, tiểu khu 52 trên địa bàn xã S, huyện TC, tỉnh Tây Ninh với mô hình XK1 (cây Xà cừ, Keo), trong đó có 06 ha là rừng sản xuất và 06 ha là rừng phòng hộ. Sau khi ký kết hợp đồng từ năm 2003 đến năm 2010 ông L đã tiến hành trồng rừng và chăm sóc đúng theo quy định và được Ban quản lý Rừng phòng hộ Dầu Tiếng tiến hành nghiệm thu và cấp trả kinh phí chăm sóc. Năm 2011, ông L sang nhượng toàn bộ hợp đồng cho bị cáo Nguyễn Văn H để tiếp tục chăm sóc, sau khi sang nhượng hợp đồng, do cây rừng chết nhiều nên H mua cây sao để tiến hành trồng lại theo yêu cầu của Ban quản lý Rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Năm 2016, Ban quản lý Rừng phòng hộ Dầu Tiếng có tiến hành nghiệm thu nhưng tỷ lệ cây rừng sống chỉ đạt 48% nên yêu cầu bị cáo H tiếp tục trồng dặm và H cam kết sẽ tiến hành trồng rừng đúng quy định. Năm 2017, H ký lại hợp đồng khoán bảo vệ rừng với Ban quản lý khu Rừng phòng hộ Dầu Tiếng , diện tích 06 ha tại lô b, khoảnh 9, tiểu khu 52 thuộc rừng phòng hộ, đối với phần diện tích rừng sản xuất thì không ký hợp đồng lại do Nhà nước không đầu tư kinh phí, nên H vẫn tiếp tục sử dụng trồng xen canh cây khoai mì. Đến khoảng đầu tháng 8/2018, H thấy cây rừng phát triển không đạt, nên dùng rựa chặt phá toàn bộ cây rừng (cây Sao và cây Xà cừ) trên tổng diện tích 50.686 m2 trong đó có 43.727,4 m2 là rừng sản xuất và 6.958,6 m2 là rừng phòng hộ với mục đích để trồng lại cây mới. Sau khi chặt phá xong H tiến hành thu gom, đốt gốc thì Hạt kiểm lâm huyện TC cùng Ban quản lý Rừng phòng hồ Dầu Tiếng tiến hành kiểm tra lập biên bản vi phạm.

Tại Bản án Hình sự sơ thẩm số 30/2019/HS-ST ngày 16-5-2019 của Toà án nhân dân huyện TC, tỉnh Tây Ninh đã quyết định:

Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 243; điểm b, s khoản 1; khoản 2 Điều 51; Điều 54 Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H (Đ) 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù về tội “Hủy hoại rừng”, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị cáo đi chấp hành hình phạt tù.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 21 tháng 5 năm 2019, bị cáo Nguyễn Văn H có đơn kháng cáo với nội dung xin được hưởng án treo do là lao động chính trong gia đình, bản thân không hiểu biết phá rừng chồi để trồng lại rừng khác khi chưa được Ban quản lý rừng cho phép là trái pháp luật.

Tại phiên tòa, bị cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo xin được hưởng án treo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh đề nghị: Chấp nhận yêu cầu kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo. Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự, sửa bản án sơ thẩm.

Lời nói sau cùng của bị cáo: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo cho bị cáo được hưởng án treo để có điều kiện lo cho gia đình, quản lý rừng do vợ bị cáo bị bệnh không lao động được, các con còn nhỏ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội.

[2] Hành vi của bị cáo thể hiện: Nguyễn Văn H được Ban quản lý Rừng phòng hộ Dầu Tiếng ký hợp đồng khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng. Tháng 8/2018, H thấy cây rừng phát triển không đạt nên dùng rựa chặt phá toàn bộ cây rừng (cây Sao và cây Xà cừ) trên tổng diện tích 50.686 m2 trong đó có 43.727,4 m2 là rừng sản xuất và 6.958,6 m2 là rừng phòng hộ với mục đích để trồng lại cây mới nhưng chưa được phép của Ban quản lý Rừng phòng hộ Dầu Tiếng thì bị phát hiện. Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 243 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3] Xét kháng cáo của bị cáo Hội đồng xét xử thấy rằng: Việc trồng lại rừng phòng hộ phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đánh giá về mức độ cần thiết, thời điểm trồng lại và cách thức trồng. Bị cáo nhận thức giản đơn là phá bỏ rừng cũ để trồng lại rừng mới hiệu quả hơn, nhưng việc chặt phá cây rừng khi chưa được sự cho phép của Ban quản lý rừng. Hành vi của bị cáo không phải vì mục đích hủy hoại rừng chỉ để lấy đất sản xuất, mà vì nhận thức nông cạn, nhất thời. Trong vụ án này, bị cáo phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả bằng việc đã trồng lại cây rừng mới đúng với yêu cầu của Ban quản lý rừng ngay sau khi bị thu dọn đất; bồi thường thiệt hại giá trị cây bị chặt; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; có mẹ ruột là người có công với Cách mạng được tặng thưởng Huy chương kháng chiến Hạng Nhì. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có nơi cư trú rõ ràng; ngoài lần phạm tội này bị cáo luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại địa phương, cấp sơ thẩm tuyên xử bị cáo 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù là có phần nghiêm khắc. Căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018 ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bị cáo có đủ điều kiện để hưởng án treo, nên không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà giao bị cáo về địa phương để giám sát, giáo dục cũng đủ tác dụng răn đe và phòng ngừa. Do đó, có cơ sở chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát và yêu cầu kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm.

[4] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo của bị cáo được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn H (Đ).

Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2019/HS-ST, ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện TC, tỉnh Tây Ninh.

1.1 Tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn H (Đ) phạm tội “Hủy hoại rừng”.

Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 65 của Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H (Đ) 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (09/8/2019).

1.2 Giao bị cáo Nguyễn Văn H (Đ) cho Uỷ ban nhân dân xã S, huyện TC, tỉnh Tây Ninh giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

1.3 Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

1.4 Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

2. Về án phí hình sự phúc thẩm: Áp dụng các Điều 135, 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, bị cáo Nguyễn Văn H (Đ) không phải chịu.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

517
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 99/2019/HS-PT ngày 09/08/2019 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:99/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tây Ninh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 09/08/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về