Bản án 97/2020/DS-PT ngày 27/04/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BN TRE

BẢN ÁN 97/2020/DS-PT NGÀY 27/04/2020 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 27 tháng 4 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 128/2020/TLPT-DS ngày 13/3/2020 về “Tranh chấp thừa kế tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 97/2019/DS-ST ngày 19/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện B bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 178/2020/QĐ-PT ngày 16/4/2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Huỳnh Thị M, sinh năm 1964

Địa chỉ: Ấp G, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre.

Người đại diện theo ủy quyền của Bà Huỳnh Thị M: Ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1964; địa chỉ: Ấp H, xã H, huyện L, tỉnh Bến Tre (có mặt).

2. Bị đơn: Ông Huỳnh Văn L, sinh năm 1973 (có mặt)

Địa chỉ: Ấp G, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3. Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Huỳnh Thị Bé B, sinh năm 1953 (có đơn xin xét xử vắng mặt)

Địa chỉ: Ấp G, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.2. Bà Huỳnh Thị X, sinh năm 1955 (có mặt)

Địa chỉ: Ấp G, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.3. Bà Huỳnh Thị T, sinh năm 1961 (có mặt)

Địa chỉ: Ấp H, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.4. Bà Huỳnh Thị C, sinh năm 1966 (có mặt)

Địa chỉ: Ấp X, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.5. Bà Huỳnh Thị C1, sinh năm 1968 (có mặt)

Địa chỉ: Ấp T, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.6. Bà Huỳnh Thị C2, sinh năm 1970 (có mặt)

Địa chỉ: Ấp Đ, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.7. Bà Trần Thị D, sinh năm 1982

Địa chỉ: Ấp G, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.8. Anh Huỳnh Văn K, sinh năm 2000

Địa chỉ: Ấp G, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.9. Những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Huỳnh Văn B gồm:

3.9.1. Bà Nguyễn Thị B1, sinh năm 1956 (xin xét xử vắng mặt)

3.9.2. Anh Huỳnh Công G, sinh năm 1979

3.9.3. Chị Huỳnh Thị Kiều T, sinh năm 1983

Người đại diện theo ủy quyền của Bà Trần Thị D, Anh Huỳnh Văn K, Anh Huỳnh Công G, Chị Huỳnh Thị Kiều T: Ông Huỳnh Văn L, sinh năm 1973, địa chỉ: Ấp G, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre.

4. Người kháng cáo: Bị đơn Ông Huỳnh Văn L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn Bà Huỳnh Thị M và trong quá trình tố tụng người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Nguyễn Văn N trình bày:

Cha mẹ Bà M là cụ Huỳnh Văn A và cụ Nguyễn Thị E tạo lập được hơn 10.000m2 đất gồm các thửa: Thửa 76, tờ bản đồ số 16, diện tích 9.345,7m2 và thửa 125, tờ bản đồ số 16, diện tích 668,2m2. Năm 1974, cụ E chết, cụ A tiếp tục quản lý phần đất nêu trên đến năm 1980 cụ A chết không để lại di chúc. Năm 1997, tất cả anh chị em trong gia đình thống nhất để bà B đại diện đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sau này anh chị em lớn lên sẽ chia ra mỗi người một phần. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ A và cụ E gồm 10 người con: Huỳnh Văn B2 (chết năm 1971 không vợ con), Huỳnh Thị Bé B, Huỳnh Thị X, Huỳnh Văn B (chết năm 2011, người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông B gồm Nguyễn Thị B, Huỳnh Công G, Huỳnh Thị Kiều T), Huỳnh Thị T, Huỳnh Thị C, Huỳnh Thị C1, Huỳnh Thị C2, Huỳnh Văn L và nguyên đơn Huỳnh Thị M.

Ngày 10/7/2017, bà B làm hợp đồng tặng cho ông L 2.000m2 đất mà ông đang quản lí nhưng ông L đã chuyển toàn bộ diện tích đất là di sản của cha mẹ sang tên ông L , toàn bộ diện tích đất nêu trên từ trước đến nay do bà B và ông L canh tác. Khi cụ A còn sống có hơn một nửa là đất vườn còn lại là đất mộng nhưng không xác định được vị trí cụ thể, sau này bà B có thuê người lên mương như hiện nay, ngoài ra không có cải tạo thêm. Đến tháng 8/2018, Bà M phát hiện việc bà B tặng cho quyền sử dụng đất cho ông L nên khởi kiện.

Bà M yêu cầu Tòa án giải quyết chia thừa kế quyền sử dụng đất cho Bà M và các đồng thừa kế, cụ thể mỗi người nhận 1.100m2 đất trồng cây lâu năm, thửa 76, thửa 125 tờ bản đồ số 16, tọa lạc tại Ấp G, xã T, yêu cầu được nhận phần đất có vị trí liền kề phần đất và nhà ông L đang quản lý, sử dụng. Nếu trên phần đất Bà M yêu cầu được nhận có diện tích chuồng trại do ông L xây dựng thì Bà M đồng ý bồi thường theo giá của Hội đồng định giá, phần cây trồng bà không đồng ý bồi thường vì tất cả các cây trồng trên đất đều do bà B trồng và bà B không yêu cầu bồi thường, Bà M không yêu cầu tách phần lối đi riêng vì trên đất đã hình thành lối đi qua diện tích đất mà các đồng thừa kế được nhận. Bà yêu cầu Tòa án hủy hai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Ông Huỳnh Văn L.

Theo bản tự khai và trong quá trình tố tụng bị đơn Ông Huỳnh Văn L trình bày như sau:

Nguồn gốc tài sản tranh chấp là của cha mẹ để lại, sau khi cha mẹ chết ông và bà B là người trực tiếp canh tác trên đất từ năm 1989, bà B và ông cùng lên mương vườn như hiện nay. Năm 1997, bà B được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được các chị em đồng ý. Đến năm 2017, bà B làm hợp đồng tặng cho quyên sử dụng các thửa đất trên cho ông trong tình trạng minh mẫn, ông canh tác cho đến nay. Khi bà B cho đất có sự đồng ý của Bà C1, chú T, cô M, riêng bà T, bà X không biết. Do bà B cho ông thì ông hưởng nên không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của nguyên đơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Bà Huỳnh Thị C, Bà Huỳnh Thị C1 trình bày như sau: Nguồn gốc tài sản tranh chấp là của cha mẹ để lại, nếu Tòa án chia di sản thừa kế của cha mẹ thì phần bà được hưởng sẽ cho lại ông L.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Huỳnh Thị X, Bà Huỳnh Thị T, bà Huỳnh Thị C2 trình bày như sau: Thống nhất chia thừa kế di sản của cụ A và cụ E và chia theo pháp luật, phần vị trí sẽ được tiếp nối sau phần đất Bà M yêu cầu nhận, không yêu cầu chừa lối đi vì hiện tại trên đất có lối mòn đi hết đất, nếu được chia thì sẽ không cản trở lối đi ra.

Tại biên bản lấy lời khai đề ngày 12/3/2019, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Bà Nguyễn Thị B1 trình bày như sau: Bà là vợ của ông Huỳnh Văn Biếu, ông B chết năm 2011, ông B là con của cụ A và cụ E, hàng thừa kế thứ nhất của ông B gồm bà và hai con là Huỳnh Công G và Huỳnh Thị Kiều T. Cụ A và cụ E chết để lại di sản gồm thửa đất số 76 và thửa 125, không để lại di chúc và chưa chia cho các con, phần đất này do Bà Huỳnh Thị Bé B và Ông Huỳnh Văn L quản lý canh tác. Sau khi cha mẹ chết thì bà B đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cách nay hơn 01 năm bà B có làm thủ tục tặng cho Ông Huỳnh Văn L hai thửa đất 125, 76. Trường hợp ông B được chia di sản của cụ Ất, cụ E thì phần ông B được nhận bà để lại cho Ông Huỳnh Văn L thờ cúng cha mẹ. Do bà bận công việc nên xin vắng mặt trong quá trình tố tụng.

Do hòa giải không thành, Tòa án nhân dân huyện B đã đưa vụ án ra xét xử.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 97/2019/DS-ST ngày 19/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện B đã áp dụng Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990; Nghị Quyết 02 ngày 19/10/1990 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh thừa kế; các Điều 227, 228 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Điều 167, 179 Luật Đất đai năm 2013; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Bà Huỳnh Thị M về chia thừa kế di sản của cụ Huỳnh Văn A và cụ Nguyễn Thị E gồm các thửa đất số 125; 76, tờ bản đồ số 16, tọa lạc tại Ấp G, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre. Di sản được chia theo pháp luật cụ thể như sau:

Phân chia theo hiện vật:

- Chia Bà Huỳnh Thị M, Huỳnh Thị X, Huỳnh Thị T, Huỳnh Thị C2 mỗi người được quyền sử dụng diện tích 1.000m2; thửa 76, tờ bản đồ số 16, tọa lạc tại Ấp G, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre.

- Chia Ông Huỳnh Văn L được quyền sử dụng diện tích 4.141,3m2, thửa 76 và diện tích 675,4m2 thửa 125, tờ bản đồ số 16, tọa lạc tại Ấp G, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre.

- Chia Bà Huỳnh Thị Bé B được quyền sử dụng diện tích 1.300m2; thửa 76, tờ bản đồ số 16, tọa lạc tại Ấp G, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre, được quyền sử dụng nhà củi, chuồng heo trên diện tích bà được nhận không phải bồi thường hay hỗ trợ di dời cho Ông Huỳnh Văn L.

Buộc các đương sự phải chừa lối đi chiều ngang 2,5m, dài hết thửa đất số 76 đến giáp thửa đất số 10 và chiều cao an toàn đảm bảo phương tiện lưu thông, xe cộ ra vào vận chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 02/12/2019, bị đơn Ông Huỳnh Văn L kháng cáo một phần bản án. Ông L cho rằng cấp sơ thẩm có một số thiếu sót như: Chưa xem xét giá trị hoa màu trên đất để bồi hoàn cho ông làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ông; chưa xem xét hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông và bà B vì phần của bà B đã cho ông theo hợp đồng, chưa xem xét đến phần đất để dùng vào việc thờ cúng. Do đó, ông đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng buộc nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải trả lại giá trị hoa màu cho ông, công nhận phần đất có diện tích 1.300m2 của chị Bé Ba cho ông theo hợp đồng tặng cho và dành một phần tài sản dùng vào việc thờ cúng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông L giữ nguyên nội dung kháng cáo, ông trình bày: Vào năm 2017, bà B là người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã tặng cho ông toàn bộ quyền sử dụng đối với các thửa đất tranh chấp. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử công nhận hợp đồng tặng cho nêu trên. Nếu hợp đồng này bị vô hiệu một phần thì phần thừa kế của bà B phải giao cho ông vì bà Ba đã tặng cho ông. Nếu ông được giao 1.300m2 đất của bà B thì ông xin rút lại yêu cầu đối với phẫn đất dùng vào việc thờ cúng cũng như yêu cầu bồi hoàn giá trị cây trồng trên đất. Nếu ông không được nhận 1.300m2 đất của bà Ba thì ông yêu cầu những người được chia đất phải bồi hoàn giá trị cây trồng cho ông.

Ông N là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn không đồng ý với yêu cầu kháng cáo của bị đơn, Ông N trình bày: Giấy chứng nhận quyền sử dụng các phần đất tranh chấp là cấp cho hộ gia đình vào năm 1997, khi đó hộ có 05 thành viên nên việc chỉ có bà B ký tên vào hợp đồng tặng cho là không hợp pháp. Hơn nữa, bản chất đây là tài sản của cha mẹ chưa chia, theo bản án sơ thẩm thì ông L đã nhận được khoảng 5.000m2, do đó yêu cầu kháng cáo của ông L là không có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông L, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Về nội dung: Tòa án sơ thẩm chưa làm rõ ý kiến của chủ sử dụng đất giáp ranh về việc sai lệch ranh đất dẫn đến diện tích phần đất tranh chấp tăng lên là chưa đảm bảo đủ cơ sở để giải quyết vụ án vì chưa xác định được chính xác phần di sản thừa kế của cụ A và cụ E. Đối với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án gồm bà C, Bà C1 và những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông B không có đơn yêu cầu độc lập về việc chia thừa kế nhưng cấp sơ thẩm chia thừa kế cho những người này và giao cho ông L là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 hủy Bản án sơ thẩm số 97/2019/DS-ST ngày 19/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện B, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa; kết quả tranh tụng tại phiên tòa; ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên; xét kháng cáo của bị đơn Ông Huỳnh Văn L; Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Nguyên đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cụ A và cụ E gồm các phần đất thuộc thửa 76, tờ bản đồ số 16, diện tích 9.345,7m2 và thửa 125, tờ bản đồ số 16, diện tích 668,2m2 cùng tọa lạc tại xã T, huyện B.

Tuy nhiên, qua đo đạc thực tế thì diện tích của các thửa đất lần lượt là 9.441,3m2 (tăng 95,6m2) và 675,4m2 (tăng 7,2m2), đồng thời theo các biên bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện B cung cấp thì có sự sai lệch giữa ranh địa chính và ranh theo hiện trạng. Cụ thể, các phần diện tích tăng thêm là do có sự chồng lấn ranh đối với các thửa 43 và thửa 124 cùng tờ bản đồ số 16 của ông Huỳnh Văn T. Tòa án sơ thẩm chưa làm lấy ý kiến của ông T về việc sai lệch ranh nêu trên là chưa đủ căn cứ để giải quyết vụ án vì chưa xác định được chính xác phần di sản thừa kế của cụ A và cụ E.

[2] Tòa án sơ thẩm nhận định “Phần đất đang tranh chấp hiện có lối đi chung từ lộ công cộng vào đến thửa đất số 10, các đương sự thống nhất chừa lối đi có chiều ngang 2,5m, dài hết đất để làm lối đi chung” là chưa đủ cơ sở. Bởi lẽ, theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án không thể hiện việc ông L thống nhất để lối đi chung nêu trên cho những người thừa kế nhận phần đất phía trong gồm bà X, bà M, bà T, bà C2 để làm lối đi ra đường công cộng. Do đó, việc phân chia như trên làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người này, chưa đảm bảo nguyên tắc khi xem xét phân chia bất động sản phải đảm bảo người được nhận bất động sản bị vây bọc phải có lối đi thuận tiện ra lộ công cộng hoặc theo lối đi hiện có để bảo đảm việc đi lại. Hơn nữa, nội dung bản án tuyên “Buộc các đương sự phải chừa lối đi chiều ngang 2,5m, dài hết thửa đất số 76 đến giáp thửa đất số 10” là chưa cụ thể, chưa thể hiện được vị trí của lối đi, gây khó khăn cho công tác thi hành án.

[3] Đối với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án gồm bà C, Bà C1 và những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông B không có đơn yêu cầu độc lập về việc chia thừa kế, những người này chỉ có lời trình bày nếu được chia thừa kế thì phần mà họ được nhận sẽ giao lại cho ông L. Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”. Trong trường hợp này, lẽ ra cấp sơ thẩm phải giải thích, hướng dẫn những người này làm đơn yêu cầu độc lập, thông báo cho họ nộp tiền tạm ứng án phí và khi giải quyết yêu cầu của họ thì nhận định giao cho ông L mới phù hợp. Tòa án sơ thẩm chia thừa kế cho những người này và giao cho ông L khi họ không có yêu cầu là vi phạm nghiêm trọng tố tụng, giải quyết vượt quá yêu cầu, vi phạm quyền tự định đoạt của đương sự.

[4] Bị đơn ông L kháng cáo cho rằng trên phần đất mà nguyên đơn và những người liên quan được nhận có cây do ông trồng nên yêu cầu những người được nhận đất phải bồi hoàn giá trị cho ông. Theo hồ sơ vụ án thì cấp sơ thẩm chưa làm rõ yêu cầu của các bên đương sự về cây trồng trên đất cũng như chưa thu thập các tài liệu, chứng cứ để xác định nguồn gốc cây trồng để làm căn cứ giải quyết vụ án. Cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời trình bày của nguyên đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để xác định cây trồng trên đất là do bà B trồng và bà B không có yêu cầu nên không xem xét là thiếu sót, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn. Bởi lẽ, tại bản tự khai ngày 22/01/2019 chính bà B cũng trình bày “phần đất này lúc trước cha, tôi và các em có trồng dừa, cùng chung sức tu bổ và trồng cây”, từ đó có căn cứ cho rằng cây trồng không phải chỉ do bà B trồng nhưng nội dung này chưa được làm rõ.

[5] Bị đơn kháng cáo cho rằng giữa ông và bà B có hợp đồng tặng cho toàn bộ diện tích đất tranh chấp nêu trên, nhưng cấp sơ thẩm không xem xét, giải quyết hợp đồng này là chưa xem xét, đánh giá toàn diện chứng cứ. Xét hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà B và ông L, về hình thước được lập thành văn bản có chứng thực của Ủy ban nhân dân về nội dung rõ ràng, cụ thể đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bà B cho rằng bà hoàn toàn không biết việc ông L được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất tranh chấp và bà không có tặng quyền sử dụng đất cho ông L. Vấn đề này cấp sở chưa thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ có hay không việc bà B bị lừa dối nhằm xác định hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất nêu trên, từ đó mới có đủ căn cứ giải quyết vụ án một cách toàn diện.

Do cấp sơ thẩm có những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng và những thiếu sót nêu trên mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên phải hủy bản án, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.

[6] Đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre về nội dung vụ án phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[7] Về án phí phúc thẩm: Do bản án bị hủy nên ông L không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308 và Điều 310 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;

Hủy Bản án sơ thẩm số 97/2019/DS-ST ngày 19/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện B xét xử vụ án “Tranh chấp về chia thừa kế tài sản theo pháp luật” giữa nguyên đơn Bà Huỳnh Thị M với bị đơn Ông Huỳnh Văn L, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện B để xét xử lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Huỳnh Văn L không phải chịu. Chi cục thi hành án huyện B hoàn lại cho Ông Huỳnh Văn L số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu số 0007621 ngày 03/12/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện B.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

499
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 97/2020/DS-PT ngày 27/04/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:97/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bến Tre
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/04/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về