Bản án 971/2017/HNGĐ-PT ngày 24/10/2017 về ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 971/2017/HNGĐ-PT NGÀY 24/10/2017 VỀ LY HÔN

Ngày 24 tháng 10 năm 2017 tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 83/2017/TLPT-HNGĐ ngày 30 tháng 8 năm 2017 về tranh chấp: “Ly hôn”.

Do Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 924/2017/HNGĐ-ST ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 833/2017/QĐ-PT ngày 02 tháng 10 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Trần Nam G, sinh năm 1983.

Địa chỉ: Đường A, Phường B, quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị đơn: Bà Trần Thị Lệ T, sinh năm 1984.

Địa chỉ: Đường D, Phường H, quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Người kháng cáo: Bà Trần Thị Lệ T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm nội dung vụ án như sau:

* Nguyên đơn ông Trần Nam G trình bày:

Ông và bà Trần Thị Lệ T chung sống với nhau trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân thị trấn H, huyện P, tỉnh N theo Giấy chứng nhận kết hôn số 155 quyển số 01/2008 ngày 15/12/2008. Vợ chồng chung sống hạnh phúc đến năm 2015 thì phát sinh mâu thuẫn và sống ly thân cho đến nay, nguyên nhân là do tính tình không phù hợp, bà T không muốn sống chung với ba mẹ chồng nên vợ chồng thường xuyên cãi vả, cuộc sống không hạnh phúc, không có sự tin tưởng lẫn nhau. Nay ông xác định tình cảm không còn nên yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn với bà T.

Về con chung: Có hai con chung tên Trần Nam C, sinh ngày 19/10/2009 và Trần Trúc N, sinh ngày 29/4/2015. Trong thời gian vợ chồng ly thân, cháu C sống với ông ổn định, sức khỏe tốt nên ông yêu cầu được tiếp tục nuôi cháu C và đồng ý giao cháu N cho bà T nuôi dưỡng.

Về tài sản chung, nợ chung: Không có.

* Bị đơn bà Trần Thị Lệ T trình bày:

Bà thống nhất với lời trình bày của ông Trần Nam G về việc kết hôn và quá trình chung sống. Về nguyên nhân mâu thuẫn là do ông G có mối quan hệ tình cảm bên ngoài, không có trách nhiệm với gia đình, không tin tưởng vợ. Dù bà đã cố gắng hàn gắn tình cảm vợ chồng, tạo nhiều cơ hội cho ông G sửa đổi nhưng ông vẫn không có thiện chí nên vợ chồng đã ly thân từ cuối năm 2015. Tháng 9/2016 bà nộp đơn xin ly hôn nhưng sau đó rút đơn vì muốn vợ chồng đoàn tụ. Nay ông G xin ly hôn bà cũng đồng ý vì không còn tình cảm.

Về con chung: Bà yêu cầu được nuôi hai con chung tên Trần Nam C, sinh ngày 19/10/2009 và Trần Trúc N, sinh ngày 29/4/2015, không yêu cầu ông G cấp dưỡng nuôi con vì bà có thu nhập ổn định và còn được sự hỗ trợ về kinh tế của gia đình.

Về tài sản chung, nợ chung: Không có.

Tại Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 924/2017/HNGĐ-ST ngày 18 tháng 7 năm 2017, tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ Khoản 4 Điều 147, Điều 266, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 51, Điều 54, Điều 55, Điều 57, Điều 58, Điều 81, Điều 82, Điều 83, Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, tuyên xử:

1. Về quan hệ hôn nhân: Công nhận sự thuận tình ly hôn giữa anh Trần Nam G và chị Trần Thị Lệ T (Giấy chứng nhận kết hôn số 155, quyển số 01/2008 do Ủy ban nhân dân thị trấn H, huyện P, tỉnh N cấp ngày 12 tháng 12 năm 2008 hết hiệu lực pháp luật)

2. Về con chung: Giao con chung tên Trần Nam C, sinh ngày 19/10/2009 cho anh Trần Nam G và giao con chung tên Trần Trúc N, sinh ngày 29/4/2015 cho chị Trần Thị Lệ T trực tiếp nuôi dưỡng. Tạm hoãn nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đối với anh G và chị T cho đến khi một trong các bên có yêu cầu.

Anh G, chị T có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Trường hợp một trong các bên lợi dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của bên vi phạm.

Vì lợi ích của con chung khi cần thiết các đương sự có quyền xin thay đổi người trực tiếp nuôi con hoặc mức cấp dưỡng nuôi con.

3. Về tài sản chung, nợ chung: Không có.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 28/7/2017, bà Trần Thị Lệ T nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.

Tại phiên toà phúc thẩm:

- Nguyên đơn đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Bị đơn giữ nguyên kháng cáo yêu cầu được nuôi con chung Trần Nam C với lý do trẻ C bị bệnh cần có mẹ chăm sóc. Về giờ giấc làm việc bà thuận lợi hơn ông Trần Nam G vì bà làm giờ hành chính. Về kinh tế bà đủ khả năng nuôi con.

- Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình thụ lý phúc thẩm và xét xử. Thành phần

Hội đồng xét xử tại Quyết định đưa vụ án ra xét xử đúng với thành phần Hội đồng xét xử tại phiên tòa. Về phía các đương sự đã thực hiện đầy đủ các quyền của mình theo Bộ luật tố tụng dân sự quy định.

Về nội dung: Bà Trần Thị Lệ T kháng cáo yêu cầu được nuôi hai con chung. Xét trong thời gian bà T và ông Trần Nam G ly thân, cháu Trần Nam C sống với ông G, học trường tiểu học gần nhà ông G. Về phía bà T vừa đi làm vừa chăm sóc cháu nhỏ Trần Trúc N sinh năm 2015 nên cần chia sẻ việc chăm sóc con, giao mỗi bên nuôi một cháu là cần thiết. Do đó, án sơ thẩm giao cháu C cho ông G nuôi dưỡng là đúng. Căn cứ Khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo của bà Trần Thị Lệ T.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi xét xử sơ thẩm, bà Trần Thị Lệ T kháng cáo yêu cầu được nuôi con chung tên Trần Nam C, các nội dung khác không có đương sự nào kháng cáo. Căn cứ Điều 293 Bộ luật Tố tụng dân sự, phạm vi xét xử phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm có kháng cáo, các vấn đề khác không có kháng cáo, cấp phúc thẩm không xét.

Về nội dung:

Căn cứ vào Giấy chứng nhận kết hôn số 155 ngày 15/12/2008 của Ủy ban nhân dân thị trấn H, huyện P, tỉnh N thì hôn nhân giữa ông Trần Nam G và Trần Thị Lệ T là quan hệ hôn nhân hợp pháp, quá trình chung sống có hai con chung tên Trần Nam C sinh ngày 19/10/2009 và Trần Trúc N sinh ngày 29/4/2015.

Xét kháng cáo của bà Trần Thị Lệ T yêu cầu được nuôi con chung tên Trần Nam C, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

Đối với con chung, ông Trần Nam G và Trần Thị Lệ T đều có tình yêu thương các con như nhau, đều muốn được trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng con. Đây là yêu cầu chính đáng xuất phát từ tình cảm thật sự nên việc cả hai cùng thể hiện ý chí muốn được nuôi con cũng là tất yếu, cần ghi nhận. Hội đồng xét xử xét thấy việc giao con cho ai nuôi là nhằm đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho trẻ nên cần xét đến hoàn cảnh thực tế của mỗi bên sau khi ly hôn để quyết định giao con.

Theo bà T khai, bà có nghề nghiệp ổn định, có thu nhập hàng tháng. Bản thân ông G cho biết ông cũng có điều kiện tốt đảm bảo cuộc sống cho con. Tuy nhiên, như trên đã nhận định, việc giao con cho ai nuôi đều phải vì lợi ích của trẻ.

Xét trẻ Trần Nam C sống cùng cha từ nhỏ, thời gian cha mẹ ly thân cháu vẫn sống với cha và hiện đang học được một nửa học kỳ của năm học mới tại Trường tiểu học M gần nhà. Để ổn định việc học cho trẻ, nghĩ không cần thiết thay đổi người nuôi con vì nơi bà T ở không gần trường học của con, việc di chuyển xa hoặc có thể phải chuyển trường sẽ làm xáo trộn việc học, ảnh hưởng đến tâm lý và sinh hoạt của cháu. Mặt khác, sau khi vợ chồng ly thân, cháu C vẫn sống cùng ông G, được ông G chăm sóc từ đó đến nay nên nắm rõ thói quen sinh hoạt của cháu nên cũng có nhiều thuận lợi trong việc chăm sóc con, nghĩ nên tiếp tục giao cháu C cho ông G nuôi dưỡng. Do đó, án sơ thẩm xử giao ông G và bà T mỗi người nuôi một con là có căn cứ.

Về ý kiến bà T cho là cháu C tái phát hẹp da quy đầu và bị khúc xạ mắt cần phải có mẹ chăm sóc, Hội đồng xét xử thấy rằng các loại bệnh này trẻ con cũng hay mắc phải, chỉ cần chú ý vệ sinh cho trẻ đúng cách, vấn đề này người cha có thể làm được.

Từ những nhận định trên, nhận thấy kháng cáo của bà Trần Thị Lệ T yêu cầu nuôi hai con chung là không có cơ sở chấp nhận, nghĩ cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Những nội dung khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã phát sinh hiệu lực pháp luật.

Về án phí phúc thẩm: Do giữ nguyên bản án sơ thẩm nên đương sự kháng cáo phải nộp án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 51, Điều 54, Điều 55, Điều 57, Điều 58, Điều 81, Điều 82, Điều 83, Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Trần Thị Lệ T.

Giữ nguyên Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 924/2017/HNGĐ-ST ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp.

2. Về án phí phúc thẩm:

Bà Trần Thị Lệ T phải nộp 300.000 đồng, được trừ  vào 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai số 0027210 ngày 03/8/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Gò Vấp. Bà Trần Thị Lệ T đã nộp đủ án phí phúc thẩm.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

251
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 971/2017/HNGĐ-PT ngày 24/10/2017 về ly hôn

Số hiệu:971/2017/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 24/10/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về