TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
BẢN ÁN 96/2017/HS-PT NGÀY 31/08/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 31 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xét xử vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 72/2017/HSPT ngày 26/6/2017 do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Huy H và bị hại Hà Thái D đối với bản án hình sự sơ thẩm số 85/2017/HSST ngày 12/5/2017 của Toà án nhân dân thành phố Vũng Tàu.
Bị cáo có kháng cáo:
Nguyễn Huy H – Sinh năm 1985 tại Nghệ An; HKTT: Xóm 12, xã N, thành phố V, tỉnh Nghệ An; chỗ ở: Đường T, phường N, thành phố V, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 12/12; con ông Nguyễn Đậu T (đã chết) và bà Ngô Thị T; gia đình bị cáo có 06 anh chị em, bị cáo là con thứ tư; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt ngày 22/3/2016 đến ngày 27/7/2016 được thay thế biện pháp ngăn chặn cho gia đình bảo lĩnh, hiện nay đang tại ngoại tại đường H, phường T, thành phố V, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có mặt).
Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Huy H:
1. Ông Trần Văn T, Luật sư thuộc Công ty N - Chi nhánh V – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (có mặt).
2. Ông Trần Bá H, Luật sư thuộc Công ty Luật R – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có đơn xin xét xử vắng mặt).
3. Ông Phạm Quốc D, Luật sư thuộc Văn phòng luật sư K – Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (vắng mặt).
4. Ông Lê Quang H, Luật sư thuộc Công ty Luật M – Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (có mặt).
5. Ông Bùi Quốc T, Luật sư thuộc Văn phòng luật sư T - Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
6 . Bà Nguyễn Thị L, Luật sư thuộc Công ty N - Chi nhánh V - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (có mặt).
Bị hại có kháng cáo:
Ông Hà Thái D – Sinh năm 1989; HKTT: Tổ 5, phường N, thành phố T, tỉnh Tuyên Quang; chỗ ở: Đường N, phường T, thành phố V, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có đơn xin xét xử vắng mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại Hà Thái D:
Ông Đinh Thế H, Luật sư thuộc Văn phòng luật sư B – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (có mặt).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Bà Nguyễn Thị Mỹ H, sinh năm 1990; HKTT: Đường T, phường N, thành phố V, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có mặt).
Người giám định:
Ông Phạm Hùng D và ông Nguyễn Văn H - Giám định viên thuộc Trung tâm Giám định pháp y – Sở y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (có mặt).
Bị cáo không có kháng cáo:
Hoàng Văn D (D Gầy) – Sinh năm 1990 tại Yên Bái; HKTT: Đường L, Phường M, thành phố V, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; chỗ ở: Như trên; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 9/12; con ông Hoàng Văn H (đã chết) và bà Dương Kim D; bị cáo là con một trong gia đình; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt ngày 17/6/2016 (có mặt).
Ngày 04/7/2007 bị TAND thành phố Vũng Tàu xét xử 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Trộm cắp tài sản”.
Người làm chứng:
Ông Mai Hồng L, sinh năm 1989; hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong một vụ án khác (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án hình sự sơ thẩm số 85/2017/HSST ngày 12/5/2017 của Toà án nhân dân thành phố Vũng Tàu thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng đầu tháng 3/2015, tại quán càfe T ở đường B, phường M, thành phố V do Nguyễn Huy H làm chủ bị trộm cắp tài sản 03 lần với tổng thiệt hại khoảng 50.000.000 đồng, thời gian này quán đang tạm ngưng hoạt động kinh doanh. Do bị mất trộm nên khoảng 17h30’ ngày 10/3/2015, khi đi đến nhà của Mai Hồng L nhậu, Nguyễn Huy H gặp Hoàng Văn D, H rủ L và D đến quán của H để canh bắt trộm thì được L và D đồng ý. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, H, L, D đi đến quán càfê T. Tại đây, H lấy ra ba cái võng mắc để nằm canh bắt trộm và đi lấy 01 cây sắt hình hộp chữ nhật dài khoảng 170cm và 01 cây chổi quét nhà, cán bằng nhựa màu xanh đưa cho L và nói dùng để bắt trộm. Sau đó, H đi tắt hết điện trong quán. Cả ba nằm đến khoảng 0 giờ ngày 11/3/2015 thì L đi về nhà, còn H và D tiếp tục canh bắt trộm.
Đến khoảng 02 giờ ngày 11/3/2015, anh Hà Thái D đi chơi về nhưng ngại đi về phòng trọ ở gần quán càfe T để ngủ vì sợ làm phiền bạn cùng phòng, anh Hà Thái D biết quán càfe T không hoạt động nên có ý định trèo vào trong quán với mục đích nằm ngủ đến sáng thì về phòng trọ. Khi anh Hà Thái D đi qua đi lại trước quán, D và
H phát hiện và nghi ngờ là kẻ trộm nên cả hai thức canh trộm. Khoảng 20 phút sau thì anh Hà Thái D đi qua hẻm nhỏ ở bên hông vào trong quán. Lúc này, D nghe tiếng động và thấy bóng người liền la lên “Có người hay sao kìa anh ơi” rồi D cầm cây sắt chạy đến đánh vào người Hà Thái D khoảng 3-4 cái theo hướng từ trên xuống. H cũng cầm chổi dùng để quét nhà đánh Hà Thái D 2-3 cái theo hướng từ trên xuống. Trong lúc bị đánh, anh Hà Thái D ngồi xuống dùng tay ôm đầu và không tấn công lại. Nghe ồn ào nên một số người dân xung quanh chạy đến chứng kiến, khi H bật điện lên thì thấy anh Hà Thái D bị chảy máu ở đầu và tay. Sau đó, Công an phường 10 đến giải quyết và mọi người đưa anh Hà Thái D vào bệnh viện Lê Lợi cấp cứu. Đến ngày 13/3/2015, gia đình anh Hà Thái D xin chuyển lên Bệnh viện 175 để điều trị.
Theo giấy chứng nhận thương tích số 78 ngày 21/5/2015 của Bệnh viện Lê Lợi, xác nhận Hà Thái D vào bệnh viện lúc 4h30’ ngày 11/3/2015, tình trạng thương tích lúc đó:
+ Vết thương đầu vùng đỉnh 5cm; (đã khâu vết thương)
+ XQ cẳng tay (T): gãy phức tạp xương trụ (T) (đã bó bột)
Tại bản giám định pháp y số 245/TgT ngày 21/10/2015 của Trung tâm Pháp y thuộc Sở y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, kết luận anh Hà Thái D bị tổn thương cơ thể do thương tích gây ra hiện tại là 15%.
Trách nhiệm dân sự: Quá trình điều tra, ngày 30/8/2016 bà Nguyễn Thị Mỹ H là em bị cáo H đã nộp số tiền 25.000.000 đồng vào Cơ quan Thi hành án nhằm đền bù cho bị hại Hà Thái D nhưng ngày 10/3/2017 bà Nguyễn Thị Mỹ H đề nghị Tòa án tuyên cho bà rút lại số tiền đã nộp, lý do sau khi được tại ngoại, H khai không phạm tội. Trường hợp Tòa án tuyên H phạm tội thì H có trách nhiệm bồi thường.
Trước đây, anh Hà Thái D có yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền 800.000.000 đồng, nhưng sau yêu cầu bồi thường 503.600.000 đồng.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 85/2017/HSST ngày 12/5/2017 của Toà án nhân dân thành phố Vũng Tàu đã quyết định: Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Huy H, Hoàng Văn D phạm tội “Cố ý gây thương tích” và xử phạt các bị cáo như sau:
- Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm o, đ khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 47; Điều 60 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Huy H 12 (mười hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng, tính từ ngày tuyên án. Giao bị cáo cho UBND Phường T, thành phố V, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với gia đình giám sát, giáo
dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì phải thực hiện theo khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.
- Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm đ, p khoản 1 Điều 46; Điều 20; Điều 47 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Hoàng Văn D 15 (mười lăm) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 17/6/2016.
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; các Điều 604, 605, 609 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015;
Buộc bị cáo Nguyễn Huy H và Hoàng Văn D mỗi bị cáo bồi thường cho anh Hà Thái D số tiền là 44.026.450 đồng. Trả lại cho chị Nguyễn Thị Mỹ H số tiền 25.000.000 đồng.
Ngoài ra bản án còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định.
Trong thời hạn kháng cáo:
- Ngày 16/5/2017, bị cáo Nguyễn Huy H có đơn kháng cáo kêu oan như sau:
+ Về tố tụng: Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
+ Về nội dung: Bị cáo chỉ dùng chổi đánh bị hại 02 cái vào vai và tay nhưng Tòa án lại căn cứ vào tình tiết đó để quy kết bị cáo đồng phạm với bị cáo D về tỷ lệ thương tật 15% của bị hại; Tòa án không tiến hành các biện pháp cần thiết để xác minh về nhân thân, lý lịch của bị hại, điều đó gây ảnh hưởng rất lớn tới nội dung, tính chất và nguyên nhân của vụ án; bị cáo bắt trộm ngay trong quán của mình nhưng không được cơ quan chức năng giải quyết mà ngược lại còn bị truy tố về mặt hình sự; bị cáo không đồng ý về mức bồi thường thiệt hại mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên vì bị cáo không phải người gây ra thương tích cho bị hại, đồng thời các khoản chi phí mà bị hại nêu ra đều trái pháp luật.
- Ngày 02/6/2017, bị hại Hà Thái D có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm bởi các lý do sau: Bản án sơ thẩm nhận định không khách quan dẫn đến thiệt hại quyền lợi của ông; hình phạt đối với các bị cáo không đúng với điều luật quy định. Việc xem xét người bị hại có lỗi là không đúng, không khách quan nên dẫn đến việc bồi thường thiệt hại không đúng. Bị hại đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo và bị hại giữ nguyên yêu cầu kháng cáo như đã nêu trong đơn kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa phát biểu quan điểm: Qua xem xét toàn bộ nội dung vụ án, các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, xét thấy bản án sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội "Cố ý gây thương tích" là đúng người, đúng tội và mức hình phạt đã tuyên là có căn cứ pháp luật. Từ những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và bị hại, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Huy H cho rằng bị cáo H không phạm tội “Cố ý gây thương tích” bởi các lý do sau:
- Quá trình điều tra, truy tố đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát dẫn đến việc thu thập chứng cứ không được chính xác khách quan như Hà Thái D có dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản, đã được bị cáo H gửi đơn tố cáo nhiều lần nhưng cơ quan điều tra không làm rõ.
- D và H không phải là đồng phạm, bởi lẽ giữa hai người không có sự bàn bạc việc đánh Hà Thái D. Khi phát hiện Hà Thái D vào quán trộm cắp tài sản thì D đã dùng cây sắt đánh trước và tỷ lệ thương tật của bị hại là do D gây ra. H chỉ dùng cây chổi không phải là hung khí nguy hiểm đánh sau, vết thương do H gây ra qua giám định là không gây ra tỷ lệ thương tật. Như vậy, theo nguyên tắc cá thể hóa hình phạt thì hành vi của H chưa cấu thành tội phạm. Bản giám định pháp y là không khách quan, không phù hợp với thông tư 20 của Bộ Y tế.
- Bản kết luận điều tra và bản cáo trạng còn có nhiều mâu thuẫn về thời gian và hành vi của các bị cáo. Trong quá trình giải quyết vụ án Công an và Viện kiểm sát đã căn cứ vào biên bản họp liên ngành để ra kết luận điều tra và bản cáo trạng là vi phạm tố tụng.
- Hành vi của H và D là hành vi bắt người phạm tội quả tang hoặc do bị kích động mạnh về tinh thần do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân (vì trước đó quán của H đã mất trộm nhiều lần), hoặc phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Nếu như vậy, thì theo quy định của pháp luật phải trên 31% mới cấu thành tội phạm.
Từ những luận cứ trên các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Nguyễn Huy H không phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Bị cáo H đồng ý với ý kiến bào chữa của các luật sư và không bổ sung gì.
Ý kiến của Luật sư Đinh Thế H:
Về tố tụng: Vụ án xảy ra từ 11/3/2015, nhưng gần một năm sau mới khỏi tố vụ án và hơn 01 năm mới khởi tố bị can (ngày 02/3/2016 khởi tố bị can H, ngày 16/6/2016 khởi tố bị can D) dẫn đến lọt người, lọt tội. Cụ thể: Theo lời khai ban đầu của L thì lúc Hà Thái D vào quán thì chỉ có H và L đánh vào đầu vào người Hà Thái D. H dùng cây sắt vuông, còn L dùng chổi. Lời khai của L hoàn toàn phù hợp với lời khai của H. Sau khi D nhận tội thay cho L, các bị cáo mới thay đổi hoàn toàn lời khai, nhưng không phù hợp với thực tế khách quan. Vì vậy, việc không khởi tố, truy tố L là lọt người, lọt tội. Về hành vi phạm tội của các bị cáo là rất quyết liệt, có tổ chức và dùng hung khí nguy hiểm. Hành vi dùng cây sắt đánh mạnh vào đầu có thể dẫn đến chết người, tuy nhiên cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” là chưa chính xác mà phải truy tố tội “Giết người”. Về các tình tiết giảm nhẹ, các bị cáo cho rằng các bị cáo phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của bị hại nhưng rõ ràng bị hại chưa có bất kỳ hành động chống trả nào, đồng thời cũng không có căn cứ gì chứng minh bị hại là người thực hiện các vụ trộm cắp trước đó nên không thể xem các bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần. Không thể xem hành vi của H là tự thú vì quá trình điều tra kéo dài, các bị cáo liên tục thay đổi lời khai và đến khi D thừa nhận hành vi phạm tội thì H mới khai ra, do đó đây không thể xem là tự thú. Trong suốt quá trình điều tra bị hại đều khai có L tham gia, lời khai ban đầu của D cũng khai có L và H tham gia nhưng sau đó D lại thay đổi lời khai, việc này là nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự do trước đó D đã có tiền án, vì vậy không thể áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo cho bị cáo D.
Ông đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại tránh lọt người, lọt tội.
Ý kiến tranh luận của Kiểm sát viên:
- Các luật sư cho rằng vụ án không có yếu tố đồng phạm; cơ quan điều tra không điều tra hành vi trộm cắp và nhân thân của bị hại D, mặc dù H đã có nhiều đơn yêu cầu. Về vấn đế này đại diện Viện kiểm sát cho rằng: Chính H là người rủ L và D đến quán bắt trộm. Khi đến quán thì H đã chuẩn bị hung khí là cây sắt đưa cho L và 01 cây chổi đưa cho D với mục đích là đánh trộm. Rõ ràng các bị cáo đã có sự bàn bạc thống nhất ý chí từ đầu, có chuẩn bị hung khí. Khi phát hiện có người đi vào quán thì cả D và H cùng tấn công ngay tức khắc mặc dù chưa có dấu hiệu gì về việc Hà Thái D sẽ trộm cắp tài sản. Vì vậy, hành vi phạm tội của các bị cáo theo quy định của pháp luật là đồng phạm.
- Không có căn cứ nào chứng minh Hà Thái D có hành vi trộm cắp tài sản nên cơ quan điều tra không có căn cứ khởi tố vụ án này. Việc xác minh nhân thân của Hà Thái D không liên quan đến bản chất vụ án cố ý gây thương tích.
- Về tỷ lệ thương tật và cơ chế hình thành vết thương đã được cơ quan chuyên môn là Trung tâm Giám định Pháp y – Sở y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết luận theo yêu cầu của cơ quan điều tra và được các giám định viên bảo vệ trước tòa. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử đánh giá nên ông không tranh luận.
- Luật sư cho rằng trong quá trình giải quyết vụ án Công an và Viện kiểm sát đã căn cứ vào biên bản họp liên ngành để ra kết luận và cáo trạng là hoàn toàn không đúng. Bút lục mà luật sư viện dẫn chỉ là công văn công an đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố bị can. Đại diện Viện kiểm sát thừa nhận việc viện dẫn biên bản họp liên ngành vào công văn là sai sót và vi phạm tố tụng nhưng không nghiêm trọng và không ảnh hưởng đến bản chất vụ án.
- Việc kết luận điều tra và cáo trạng của cấp sơ thẩm có mâu thuẫn là bình thường, bản cáo trạng có thể khác kết luận điều tra, đó là thẩm quyền của cơ quan truy tố và người phán quyết cuối cùng là Hội đồng xét xử có thể công nhận hoặc bác toàn bộ cáo trạng.
- Về việc luật sư cho rằng hành vi của H và D là hành vi bắt người phạm tội quả tang hoặc do bị kích động mạnh về tinh thần do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân hoặc phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Đại diện Viện kiểm sát bác bỏ hoàn toàn quan điểm này của luật sư, bởi các lý do sau:
+ Không có có căn cứ nào chứng minh Hà Thái D có hành vi trộm cắp tài sản nên không có hành vi bắt người phạm tội quả tang.
+ Việc Hà Thái D đang nửa đêm đi vào trong quán là sai trái nhưng chưa đến mức trái pháp luật nghiêm trọng vì Hà Thái D mới bước chân vào quán là bị tấn công ngay.
+ Khi bị tấn công, Hà Thái D không có hành vi chống trả lại mà chỉ ôm đầu rồi gục xuống nên không thể nói là các bị cáo vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Về ý kiến của Luật sư H cho rằng việc không truy tố L là lọt người lọt tội, hành vi của các bị cáo là có dấu hiệu của tội “Giết người”; các tình tiết giảm nhẹ mà cấp sơ thẩm đã áp dụng cho các bị cáo là chưa đúng. Đại diện Viện kiểm sát xác định: Qua việc xét hỏi công khai tại phiên tòa đối chiếu với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì rõ ràng L có tình tiết ngoại phạm và không tham gia đánh Hà Thái D. Phù hợp với lời khai của Hà Thái D là chỉ có 2 người đánh. Các bị cáo không có động cơ, mục đích tước đoạt sinh mạng của bị hại, thể hiện: Khi thấy bị hại gục xuống thì H kêu dừng lại và báo cho công an đến giải quyết. Thực tế bị hại chỉ bị thương tích 15% nên không thể quy kết các bị cáo phạm tội “Giết người” như ý kiến của luật sư được. Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cấp sơ thẩm đã áp dụng hoàn toàn chính xác nên đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm này.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác;
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
1.Về tố tụng: Quá trình xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu đã tuân thủ đúng trình tự tố tụng để xét xử vắng mặt một số người tham gia tố tụng và cũng đã xem xét những khiếu nại về tố tụng của các Luật sư bào chữa cho các bị cáo trong bản án hình sự sơ thẩm số 85/2017/HSST ngày 12/5/2017.
Đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Huy H và bị hại Hà Thái D gửi trong thời hạn và đúng theo thủ tục quy định nên hợp lệ, được chấp nhận xem xét theo trình tự thủ tục phúc thẩm.
Trong thời gian kháng cáo bản án sơ thẩm bị cáo H gửi đơn kêu oan nhiều nơi, các đơn đó đã chuyển lại cho Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và sẽ được xem xét tại phiên tòa phúc thẩm.
2.Về nội dung: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo D đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Nguyễn Huy H khai báo quanh co, cho rằng mình không phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai thời gian đầu thì chỉ có H và L tham gia đánh Hà Thái D, H là người dùng cây sắt đánh 3-4 nhát vào đầu, người Hà Thái D, còn L cầm chổi đánh. Đến ngày 17/6/2016 khi D bị bắt đã khai là cả H, D, L đều tham gia đánh Hà Thái D. H dùng cây sắt đánh, D cầm chổi đánh còn L thì cầm ghế ném. Sau đó cả H, D, L đều phản cung cho rằng chính D là người cầm cây sắt đánh, H cầm chổi đánh và L thì không có mặt khi Hà Thái D bị đánh. Lý do phản cung các bị cáo đều thống nhất cho rằng do D là người có tiền án sợ bị nặng tội nên nhờ H và L nhận tội dùm; H cho rằng mình là chủ nhà có dùng cây sắt đánh Hà Thái D chỉ là tự vệ đánh kẻ trộm nên không phạm tội nên nhận thay cho D; còn L cho rằng nếu cầm chổi đánh thì không phạm tội.
Qua xem xét lời khai của các bị cáo, người làm chứng tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, đối chiếu với các tài liệu, chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án. Từ đó, Hội đồng xét xử đã có căn cứ xác định vụ án như sau:
Khoảng 17h 30’ ngày 10/3/2015, Nguyễn Huy H rủ L và D đến quán của H để canh bắt trộm thì được L và D đồng ý. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, H, L, D đi đến quán càfe T. Tại đây, H lấy ra ba cái võng mắc để nằm và 01 cây sắt hình hộp chữ nhật dài khoảng 170cm ở khu vực hòn non bộ và 01 cây chổi quét nhà, cán bằng nhựa màu xanh đưa cho L và nói dùng để canh bắt trộm. Cả ba nằm đến khoảng 0 giờ ngày 11/3/2015 thì L đi về nhà, còn H và D tiếp tục ở lại quán.
Đến khoảng 02 giờ ngày 11/3/2015, Hà Thái D đi chơi về nhưng ngại đi về phòng trọ ở gần quán càfe T để ngủ vì sợ làm phiền bạn cùng phòng, Hà Thái D biết quán càfe không hoạt động nên có ý định trèo vào trong quán với mục đích nằm ngủ đến sáng thì về phòng trọ. Khi Hà Thái D đi qua, đi lại trước quán, D và H phát hiện và nghi ngờ là kẻ trộm nên cả hai thức canh trộm. Khoảng 20 phút sau thì anh Hà Thái D đi qua ngách nhỏ ở bên hông quán vào quán càfe T. Lúc này, D nghe thấy tiếng động và thấy bóng người nên la lên “Có người hay sao kìa anh ơi” rồi D cầm cây sắt chạy đến đánh vào người Hà Thái D khoảng 3-4 cái theo hướng từ trên xuống. H cũng cầm chổi dùng để quét nhà đánh Hà Thái D 2-3 cái theo hướng từ trên xuống. Trong lúc bị đánh, anh D ngồi xuống dùng tay ôm đầu và không tấn công lại. Nghe ồn ào nên một số người dân xung quanh chạy đến chứng kiến, khi H bật điện lên thì thấy anh Hà Thái D bị chảy máu ở đầu và tay. Sau đó, Công an phường 10 đến giải quyết và mọi người đưa anh D vào bệnh viện L cấp cứu.
Theo giấy chứng nhận thương tích số 78 ngày 21/5/2015 của Bệnh viện L, xác nhận Hà Thái D vào bệnh viện lúc 4h30’ ngày 11/3/2015, tình trạng thương tích lúc đó:
+ Vết thương đầu vùng đỉnh 5cm; (đã khâu vết thương);
+ XQ cẳng tay (T): gãy phức tạp xương trụ (T) (đã bó bột);
Tại bản giám định pháp y số 245/TgT ngày 21/10/2015 của Trung tâm Pháp y thuộc Sở y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, kết luận anh Hà Thái D bị tổn thương cơ thể do thương tích gây ra hiện tại là 15%.
Xét thấy: Chính H là người rủ L và D đến quán để ngủ gác trộm (BL từ 149 – 155CA, từ 166 đến 171CA) (BL 575,576 TA). Khi D và L đến nơi thì H đã chuẩn bị hung khí là cây sắt đưa cho L và 01 cây chổi đưa cho D với mục đích là đánh trộm. Rõ ràng các bị cáo đã có sự bàn bạc tiếp nhận ý chí của nhau từ đầu, có chuẩn bị hung khí. Khi phát hiện có người đi vào quán thì cả D và H cùng tấn công ngay tức khắc mặc dù chưa có dấu hiệu gì là Hà Thái D sẽ trộm cắp tài sản và tấn công các bị cáo. Vì vậy, hành vi phạm tội của các bị cáo theo quy định của pháp luật là đồng phạm nên phải cùng chịu trách nhiệm đối với hậu quả xảy ra, trong đó H tham gia với vai trò là người khởi xướng và thực hiện tội phạm; D với vai trò là người thực hiện tội phạm. Thực tế H và D đã gây thương tích cho anh Hà Thái D qua giám định tỷ lệ thương tật là 15%. Tính mạng sức khỏe của con người là khách thể quan trong được pháp luật bảo vệ và bất khả xâm phạm. Bất kỳ ai khi xâm phạm sức khỏe người khác mà không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật thì người đó phải chịu trách nhiệm và phù hợp với hậu quả mà họ gây ra. Từ những căn cứ nêu trên, cấp sơ thẩm đã kết luận bị cáo Nguyễn Huy H và Hoàng Văn D phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự với tình tiết tăng nặng định khung “Dùng hung khí nguy hiểm” là hoàn toàn có căn cứ và đúng người, đúng tội.
Xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Huy H thì thấy:
Về trách nhiệm hình sự: Nguyễn Huy H cho rằng bản án sơ thẩm xét xử bị cáo tội “Cố ý gây thương tích” là oan sai. Bị cáo chỉ dùng chổi đánh bị hại 02 cái vào vai và tay nhưng Tòa án lại căn cứ vào tình tiết đó để quy kết bị cáo đồng phạm với bị cáo D về tỷ lệ thương tật 15% của bị hại; Tòa án không tiến hành các biện pháp cần thiết để xác minh về nhân thân, lý lịch của bị hại, điều đó gây ảnh hưởng rất lớn tới nội dung, tính chất và nguyên nhân của vụ án; bị cáo bắt trộm ngay trong quán của mình nhưng không được cơ quan chức năng giải quyết mà ngược lại còn bị truy tố về mặt hình sự.
Hội đồng xét xử xét thấy: Như trên đã phân tích trước khi phạm tội các bị cáo đã có sự bàn bạc, thống nhất ý chí với nhau. Khi Hà Thái D mới bước chân vào quán chưa có dấu hiệu gì là sẽ trộm cắp tài sản thì các bị cáo đã dùng cây sắt, chổi tấn công bị hại ngay. Hành vi tấn công của D và H là đồng thời, rất quyết liệt và bất chấp hậu quả xảy ra, trong khi bị hại D không có hành động chống trả nào. Việc H cho rằng mình chỉ dùng chổi tấn công và hành vi tấn công đó không gây thương tích cho Hà Thái D, nhưng như trên đã phân tích chính H là người khởi xướng, chuẩn bị công cụ phạm tội nên hậu quả xảy ra thì các đồng phạm cùng phải chịu trách nhiệm. Từ những căn cứ trên Hội đồng xét xử nhất trí không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo.
Còn ý kiến của các Luật sư bào chữa cho bị cáo H cho rằng: Bị cáo H, D phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết hoặc trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của bị hại hoặc hành vi của các bị cáo thuộc trường hợp cố ý gây thương tích do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội. Những quan điểm này của các luật sư đã được bản án số 85/2017/HSST ngày 12/5/2017 đã nhận định và kết luận là không có căn cứ. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy những đánh giá, phân tích của bản án sơ thẩm là đầy đủ, chính xác nên không có căn cứ nào chấp nhận quan điểm bào chữa của các luật sư.
Về ý kiến của bị cáo H cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng không tiến hành các biện pháp cần thiết để xác minh về nhân thân, lý lịch của bị hại; Hội đồng xét xử xét thấy: Việc xác minh lí lịch, nhân thân người bị hại là không cần thiết, bởi lẽ dù lí lịch, nhân thân người bị hại có như thế nào thì đó không phải là chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội cũng như chứng cứ gỡ tội cho các bị cáo. Vì vậy, ý kiến này của bị cáo Hội đồng xét xử không chấp nhận.
Những luận cứ mà luật sư đưa ra để chứng minh hành vi của H không cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” đã được đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa tranh luận đầy đủ. Hội đồng xét xử xét thấy những quan điểm tranh luận của đại diện Viện kiểm sát (đã viện dẫn ở phần trên) là đầy đủ và thuyết phục nên chấp nhận.
Về 02 bản kết luật giám định pháp y số 245/TgT ngày 21/10/2015 về xác định tỷ lệ thương tật và bản kết luận giám định pháp y số 49/GĐPY ngày 24/02/2017 về cơ chế hình thành vết thương là khách quan và đúng với quy định của pháp luật. Tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm các giám định viên đã đưa ra các luận cứ khoa học để bảo vệ quyết định của mình. Hội đồng xét xử xét thấy 02 bản kết luận Giám định pháp y của Trung tâm Giám định pháp y – Sở y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là có giá trị chứng cứ để đánh giá vụ án.
Về kháng cáo trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị cáo là không đồng ý về mức bồi thường thiệt hại mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên vì bị cáo không phải người gây ra thương tích cho bị hại. Xét yêu cầu kháng cáo của bị cáo cấp phúc thẩm nhận thấy như sau: Như trên đã phân tích các bị cáo là đồng phạm nên phải liên đới trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên cũng phải tính lại mức bồi thường cho phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật.
Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm bị hại không cung cấp được đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ làm căn cứ chứng minh cho số tiền mình đã chi phí điều trị thương tích. Xét việc chi phí điều trị thương tích là có thật nên cấp sơ thẩm đã tính toán chấp nhận những chi phí hợp lý mà bị hại đã bỏ ra. Tuy nhiên, còn một số chi phí là chưa hợp lý như: Mục (5) ăn uống bồi dưỡng sau mổ 2 tháng là 6.000.000 đồng; tiền đi lại của người chăm sóc 1 lần vào Nam ra Bắc là 4.000.000 đồng; cộng 2 khoản là :10.000.000 đồng.
Về khoản tiền tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại: Vì vụ án xảy ra vào tháng 3/2015 khi Bộ luật dân sự năm 2015 chưa có hiệu lực thi hành, nhưng cấp sơ thẩm căn cứ vào Bộ luật dân sự năm 2015 để tính mức bồi thường là không đúng. Căn cứ vào Điều 609 Bộ luật dân sự năm 2005 thì mức tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định. Bị hại D chỉ bị thương tật là 15% nên mức bồi thường là 15 tháng lương tối thiểu là phù hợp. Cụ thể 15 tháng x 1.210.000 đồng/tháng =18.150.000 đồng.
Tổng cộng các khoản không được chấp nhận là: 10.000.000 đồng + 18.150.000 đồng = 28.150.000 đồng.
Như vậy, các bị cáo D, H phải liên đới bồi thường cho bị hại D là: 88.052.000 đồng – 28.150.000 đồng = 59.902.000 đồng.
Án sơ thẩm tuyên các bị cáo phải bồi thường liên đới theo phần và mức bồi thường là chưa chính xác nên Hội đồng xét xử phúc thẩm nhất trí sửa phần trách nhiệm dân sự.
Xét kháng cáo của bị hại Hà Thái D thì thấy: Bị hại kháng cáo toàn bộ bản án theo hướng đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại với các lý do: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo với mức án như vậy là không đúng với tính chất, hành vi phạm tội; xét xử thiếu khách quan; mức bồi thường thiệt hại chưa đúng với các quy định của pháp luật; Tòa án xác định bị hại có một phần lỗi là không đúng. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy như sau: Những lý do mà bị hại và Luật sư đưa ra nêu trên không phải là căn cứ để hủy bản án sơ thẩm theo quy định tại Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự.
Xét việc bị hại đề nghị tăng mức án đối với các bị cáo thấy rằng: Như trên đã phân tích bị cáo H là người khởi xướng, chuẩn bị công cụ phạm tội và giữ vai trò quan trọng trong vụ án. Mức án 12 tháng tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên (thấp hơn mức hình phạt của bị cáo D) là chưa phù hợp với tính chất, vai trò hành vi phạm tội của bị cáo H và chưa đảm bảo sự công bằng trong nguyên tắc lượng hình. Vì vậy Hội đồng xét xử nhất trí tăng mức hình phạt đối với bị cáo H.
Về việc bị hại đề nghị tăng mức bồi thường thiệt hại: Như trên đã đánh giá, phân tích thì mức bồi thường mà cấp sơ thẩm đã tuyên là quá cao, chưa phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử không có căn cứ chấp nhận kháng cáo theo yêu cầu của bị hại Hà Thái D.
Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Nguyễn Huy H phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
Từ những lý do nêu trên;
Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248; khoản 3 Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự.
QUYẾT ĐỊNH
Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Nguyễn Huy H và bị hại Hà Thái D; sửa một phần quyết định của bản án hình sự sơ thẩm số 85/2017/HSST ngày 12/5/2017 của Toà án nhân dân thành phố Vũng Tàu.
1. Về trách nhiệm hình sự:
Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Huy H, Hoàng Văn D (D Gầy) phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
- Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm o, đ khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 47; Điều 60 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Huy H 15 (mười lăm) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 30 (ba mươi) tháng, tính từ ngày tuyên án. Giao bị cáo cho UBND phường T, thành phố V, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với gia đình giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì phải thực hiện theo khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.
-Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm đ, p khoản 1 Điều 46; Điều 20; Điều 47 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Hoàng Văn D (D Gầy) 15 (mười lăm) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 17/6/2016.
2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; các Điều 604, 605, 609 Bộ luật dân sự năm 2005, tuyên xử:
- Buộc bị cáo Nguyễn Huy H và Hoàng Văn D phải liên đới bồi thường cho anh Hà Thái D số tiền là 59.902.000 đồng (năm mươi chín triệu chín trăm lẻ hai ngàn đồng).
- Trả lại cho chị Nguyễn Thị Mỹ H số tiền 25.000.000 đồng (Theo Biên lai thu tiền số 6460 ngày 30/8/2016 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố V).
3. Về án phí:
- Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Nguyễn Huy H phải chịu 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng).
- Án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch: Bị cáo Nguyễn Huy H và bị cáo Hoàng Văn D mỗi bị cáo phải nộp 1.500.000 đồng (một triệu năm trăm ngàn đồng).
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành án không chịu thi hành thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu thêm phần lãi suất tính trên số tiền còn phải thi hành theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 cho đến khi thi hành án xong.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.
Bản án 96/2017/HS-PT ngày 31/08/2017 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 96/2017/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 31/08/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về