Bản án 96/2017/DSST ngày 22/09/2017 về tranh chấp hợp đồng dịch vụ

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN GÒ VẤP, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 96/2017/DSST NGÀY 22/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ

Trong các ngày 15 và 22 tháng 9 năm 2017, tại phòng xử án, Tòa án nhân dân quận Gò Vấp Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 57/2011/TLST-DS ngày 26 tháng 9 năm 2011 về “tranh chấp hợp đồng dịch vụ” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 1833/2017/QĐST-DS ngày 11 tháng 8 năm 2017, Quyết định hoãn phiên tòa số 2010/2017/QĐST ngày 28/8/2017 và Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 1175/2017/QĐST - DS ngày 15/9/2017 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Phạm Quỳnh T, sinh năm: 1978; Địa chỉ: đường G, quận Đ, Thành phố Hà Nội; Đại diện theo ủy quyền bà Lạc Thị Tú D, sinh năm: 1983; Địa chỉ: đường Q, phường T, Quận H, Tp. Hồ Chí Minh; (Giấy ủy quyền ngày 06/01/2017, số công chứng 15/2017 tại văn phòng công chứng Nguyễn Thị Minh L– Thành phố Hà Nội; (Có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Đinh Quang T, luật sư công ty luật TNHH P và các cộng sự thuộc đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh;( Vắng mặt).

Bị đơn: Ông La Minh S, sinh năm: 1976; Địa chỉ: đường L, Phường B, quận G, Tp.HCM; Đại diện theo ủy quyền: ông Phạm Công Đ, sinh năm: 1977; Địa chỉ: đường Đ, Phường M, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh; ( Có mặt).

Người làm chứng:

1.Ông Phạm Minh K: sinh năm: 1981; Địa chỉ: thôn C, xã C, huyện G, Tp. Hà Nội; (Có đơn xin vắng mặt).

2. Ông Phạm Tuấn A, sinh năm: 1971; Địa chỉ: đường P, phường H, TP. Hà Nội; (Có đơn xin vắng mặt).

3. Ông Đinh Đức H, sinh năm: 1980; Địa chỉ: Thôn T, xã Đ, huyện M, TP. Hà Nội (Có đơn xin vắng mặt).

4. Ông Lê Minh C; Địa chỉ: đường B, Phường M, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh; (Vắng mặt)

5. Ông Phạm Văn T, sinh năm: 1962; Địa chỉ: đường Đ, Phường H, quận B, Tp.HCM (Có đơn xin vắng mặt).

6. Ông Trần Công B, sinh năm: 1954; Địa chỉ: đường N, phường T, Quận H, Tp. HCM. (Có đơn xin vắng mặt).

7. Bà Dương Thúy H, sinh năm:1961; Địa chỉ: chung cư M, Phường H, quận B, Tp. HCM (Có đơn xin vắng mặt).

8. Ông Trịnh Hoài N, sinh năm: 1975; Địa chỉ: đường T, Phường M, quận P, Tp.HCM (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện (nhận ngày 02/7/2010) và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, bà Lạc Thị Tú D là người đại diện ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Tháng 01 năm 2007 bà T và ông S có thỏa thuận bằng lời nói, nội dung ông S sẽ môi giới cho bà Tmua 60.000 cổ phiếu của Công ty cao su Đ. Việc mua bán chia làm hai đợt, đợt một 30.000 cổ phiếu, trị giá 74.500 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị là 2.235.000.000 đồng. Đợt hai 30.000 cổ phiếu trị giá 83.500 đồng/ cổ phiếu. Tổng giá trị là 2.505.000.000 đồng. Ông S đã nhận đủ tiền từ bà T và bà T đã nhận đầy đủ các chứng từ cổ phiếu từ ông S. Tổng hai đợt mua cổ phiếu là 4.740.000.000 đồng. Ngay sau khi thỏa thuận xong với ông S thì bà T thỏa thuận bán lại các cổ phiếu trên cho các ông bà có tên như sau:

Ông Phạm Tuấn A 20.000 cổ phiếu (phổ thông) và nhận số tiền là 1.680.000.000 đồng. Ông Phạm Minh K với số lượng 5.000 cổ phiếu (phổ thông) và nhận số tiền là 420.000.000 đồng. Ông Đinh Đức H với số lượng 35.000 cổ phiếu (phổ thông) và nhận số tiền là 2.655.000.000 đồng. Tổng số tiền bà T nhận từ ông H, K, A là 4.755.000.000 tỷ đồng.

Sau khi nhận được cổ phiếu từ ông S, bà T phát hiện ra một trong các phiếu nộp tiền mua ghi là cổ phiếu chiến lược nên có làm việc với ông S. Ngày 22/01/2007, bà Phạm Quỳnh T và ông La Minh S ký hợp đồng môi giới cho 60.000 cổ phiếu nói trên. Nội dung của hợp đồng ông S đồng ý môi giới và thực hiện chuyển nhượng sở hữu cho tới người cuối cùng với số lượng 60.000 cổ phiếu do công ty cao su Đ phát hành (loại cổ phiếu chuyển nhượng được) cho bên bà T. Ông S có trách nhiệm làm thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu cho bà T hoặc bên thứ ba được bà T chỉ định ngay khi công ty cao su Đ cho phép chuyển nhượng cổ phiếu quý I/2007. Do không có cổ phiếu phổ thông để giao như thỏa thuận nên bà T chuyển trả cho các ông bà có tên như sau:

Ông H số tiền 3.500.000.000 đồng tương đương 35.000 cổ phiếu phổ thông theo giá thị trường (lập biên bản thỏa thuận và giao nhận tiền ngày 02/12/2007). Ông K số tiền 465.000.000 đồng tương đương 5.000 cổ phiếu phổ thông theo giá thị trường (biên bản thỏa thuận và giao nhận tiền ngày 01/12/2007). Ông A số tiền 1.830.000.000 đồng tương đương 20.000 cổ phiếu phổ thông theo giá thị trường (biên bản thỏa thuận và giao nhận tiền ngày 02/12/2007). Tổng số tiền bà T phải hoàn trả cho ông H, ông K, ông A là 5.795.000.000 đồng. Ông H, ông K và ông A đã chuyển trả toàn bộ bản gốc giấy tờ chuyển nhượng cổ phiếu lại cho bà T.

Ngày 06/8/2007 giữa ông S và bà T có lập biên bản thỏa thuận, nội dung bà T chuyển nhượng lại cho ông S 10.000 cổ phiếu, ông S bán lại cho ông Lê Minh C 10.000 cổ phiếu trên giá 830.000.000 đồng và giao lại cho bà T, bà T dùng số tiền trên mua 10.000 cổ phiếu phổ thông giá 930.000.000 đồng. Bà T phải bù thêm 100.000.000 đồng, số tiền thiệt hại này ông S và bà T mỗi người chịu một nửa là 50.000.000 đồng.

Đối với 50.000 cổ phiếu chiến lược còn lại bà T đã chuyển nhượng cho các ông bà có tên như sau: Ông Phạm Văn T với số lượng 5.000 cổ phiếu chiến lược với giá 415.000.000 đồng (biên bản ngày 7/9/2007). Ông Lê Minh C với số lượng 10.000 cổ phiếu chiến lược giá 800.000.000 đồng (biên bản ngày 28/8/2007). Ông Trần Công B với số lượng 30.000 cổ phiếu chiến lược giá 1.650.000.000 đồng. Bà Dương Thúy H với số lượng 5.000 cổ phiếu chiến lược giá 250.000.000 đồng.

Tổng số tiền bà T chuyển nhượng lại 60.000 cổ phiếu chiến lược sau khi mua từ sự môi giới của ông S là 830.000.000 + 415.000.000 + 800.000.000 +1.650.000.000 + 250.000.000 = 3.945.000.000 đồng

Tổng số tiền bà T đã chi ra để bồi thường cho những người mua lại cổ phiếu (cho ông H, ông K và ông A) là 5.795.000.000 đồng. Sau đó thực tế bà bán lại 60.000 cổ phiếu là 3.945.000.000 đồng. Như vậy, chênh lệch là 5.795.000.000 - 3.945.000.000 = 1.850.000.000 đồng. Bà yêu cầu ông S phải có trách nhiệm chia sẻ thiệt hại với bà đối với số tiền thiệt hại nêu trên. Cụ thể mỗi bên chịu 50%. Ông S có trách nhiệm trả lại cho bà số tiền là 925.000.000 đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn ông La Minh S trình bày: Ông có môi giới cho bà T mua 60.000 cổ phiếu chiến lược của Công ty cao su Đ. Khi mua cổ phiếu bà T biết rõ đây là cổ phiếu ưu đãi vì trên phiếu thu có ghi rõ “ thu tiền mua cổ phiếu chiến lược (ưu đãi)”. Sau thời gian mua bán 10 ngày bà T có yêu cầu ông ký hợp đồng môi giới để giúp bà sang tên cho người mua sau khi Công ty cao su Đ cho phép chuyển nhượng. Quá trình mua bán diễn ra nhiều đợt và đã hoàn thành trước ngày ký hợp đồng môi giới. Nay bà T yêu cầu chia sẻ bồi thường thiệt hại là không có căn cứ. Ông không đồng ý với yêu cầu của bà T.

Người làm chứng: Bà Dương Thúy H khai năm 2006-2007 bà có bán 5.000 cổ phiếu cho một người không nhớ tên, sau một thời gian có bà Phạm Quỳnh T tìm gặp đề nghị trả lại cổ phiếu chiến lược mà bà T đã mua qua tay của người khác. Sau một thời gian thương thảo bà và bà T thỏa thuận, bà T trả lại cho bà 5.000 cổ phiếu chiến lược, bà giao cho bà T 5.000 cổ phiếu phổ thông mang tên bà và ông Lê Văn B (chồng bà), việc trao đổi này không bên nào bù tiền cho bên nào. Ngoài ra, bà còn thanh toán cho bà T 7.500.000 đồng tiền cổ tức năm 2007. Hai bên đã làm giấy thỏa thuận ngày 29/4/2008.

Ông Phạm Văn T khai: Trước đây ông có bán 5.000 cổ phiếu cho ông S nhưng do cổ phiếu này không chuyển nhượng được nên năm 2007 bà T yêu cầu ông đã mua lại số cổ phiếu trên giá 415.000.000 đồng và hai bên đã lập hợp đồng mua lại cổ phiếu ngày 07/9/2007.

Ông Trần Công B khai, năm 2007 ông có giới thiệu cho ông S và bà Nguyễn Thị N giao dịch 30.000 cổ phiếu của Công ty Cao su Đ. Sau đó các bên giao dịch thế nào ông không rõ và cũng không mua lại cổ phiếu của bà T.

Ông Trịnh Hoài N khai, ông là bạn của bà T không quen biết ông S. Năm 2007 bà T và nhóm của ông S có thỏa thuận mua bán cổ phiếu của Công ty cao su Đ. Trong các lần giao dịch bà T có nhờ ông nhận các giấy chứng nhận sở hữu cổ phiếu từ nhóm ông S chuyển ra Hà Nội cho bà T, việc chuyển khoản thanh toán do bà T trực tiếp thực hiện với nhóm ông S. Khi xảy ra tranh chấp ông có đi cùng bà T đến gặp nhóm ông S để làm rõ việc thực hiện ghi nhận quyền sở hữu của các cổ phiếu đã giao dịch. Qua nhiều lần thương lượng ông được biết ông S đồng ý bồi thường thiệt hại đối với các cổ phiếu đã giao dịch 50:50, giá trị thiệt hại do việc không chuyển nhượng được ông không nắm rõ. Việc này ông nghe từ phía bà T nói với ông chứ không nghe trực tiếp từ ông S.

Ông Đinh Đức H khai có giao dịch với bà Tnăm 2007 ông có thỏa thuận mua35.000 cổ phiếu phổ thông của công ty cao su Đ với bà T giá 2.655.000.000 đồng, sau khi biết được cổ phiếu giao dịch không phải là cổ phiếu phổ thông mà là cổ phiếu chiến lược nên bà T đã bồi thường số tiền 3.500.000.000 đồng tương đương 35.000 cổ phiếu phổ thông cho ông theo biên bản thỏa thuận ngày 02/12/2007.

Ông Phạm Minh K khai ông có thỏa thuận với bà T mua 5.000 cổ phiếu phổ thông của Công ty cao su Đ phải có giấy xác nhận của tổng công ty cao su V đóng dấu và bà T phải sang tên cho ông ngay khi Công ty Đ cho phép sang tên, giá trị cổ phiếu giá 420.000.000 đồng, ông đã thanh toán cho bà T. Đến ngày công ty Đ cho phép sang tên cổ phiếu bà T không thể sang tên được do số cổ phiếu đó không phải là cổ phiếu phổ thông nên bà T bồi thường cho ông số tiền 465.000.000 đồng tương đương 5.000 cổ phiếu phổ thông trên thị trường theo biên bản thỏa thuận ngày 01/12/2007.

Ông Phạm Tuấn A khai ông có thỏa thuận với bà T mua 20.000 cổ phiếu của Công ty cao su Đ là cổ phiếu phổ thông, ông đã thanh toán cho bà T 1.680.000.000 đồng. Trong quá trình giao dịch ông đã được xem giấy chuyển nhượng gốc có đóng dấu đỏ của Công ty và người đứng tên sở hữu chưa phải là bà T, bà T cam kết sẽ chuyển nhượng ngay khi công ty cho phép nhưng khi đến thời hạn công ty cho phép chuyển nhượng thì không chuyển nhượng được vì là cổ phiếu chiến lược và chưa được phép chuyển nhượng. Bà T đã bồi thường cho ông số tiền 1.830.000.000 đồng tương đương với 20.000 cổ phiếu phổ thông của Công ty Đ trên thị trường theo biên bản thỏa thuận và giao nhận tiền ngày 02/12/2007.

Tại phiên tòa hôm nay: Đại diện ủy quyền của nguyên đơn bà Lạc Thị Tú D vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện buộc ông S cùng chia sẻ thiệt hại với bà T, cụ thể ông S phải hoàn trả cho bà T số tiền thiệt hại là 925.000.000 đồng. Bởi vì ông S không thực hiện đúng như hợp đồng môi giới tức qua quý I/2007 vẫn chưa chuyển nhượng được số cổ phiếu nói trên. Sau đó hai bên có ngồi lại cùng thỏa thuận chia sẻ thiệt hại được người làm chứng là ông Trịnh Hoài N xác nhận cũng như biên bản thỏa thuận chia sẻ thiệt hại giữa bà T và ông S ngày 6/8/2007. Ông S đã vi phạm hợp đồng và theo cam kết của hợp đồng môi giới ông S phải chịu phạt gấp 3 nhưng bà T chỉ yêu cầu ông chia sẻ số tiền 925.000.0000 đồng.

Người làm chứng, ông N khai có chứng kiến việc ông S và bà T đồng ý chia sẻ thiệt hại 50/50 tại quán cà phê. Việc này thỏa thuận bằng lời nói chứ không lập thành văn bản.

Đại diện ủy quyền của bị đơn xác nhận có môi giới cho bà T mua 60.000 cổ phiếu của công ty Cao su Đ. Tuy nhiên, việc bà T không chuyển nhượng được cổ phiếu không phải là lỗi của ông S, vì ông S môi giới cho bà T làm hai đợt chứ không phải một đợt, vì vậy bà T phải biết là loại cổ phiếu gì. Biên bản ngày 06/8/2007 là ông S tự nguyện chia sẻ thiệt hại 50.000.000 đồng với bà T chứ không phải là biên bản thỏa thuận chia sẻ thiệt hại.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh có ý kiến: Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa hôm nay, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục tố tụng theo qui định của Bộ luật tố tụng dân sự. Nguyên đơn, bị đơn thực hiện đúng quy định tại Điều 70, Điều 71, Điều 72 và Điều 234 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Về nội dung đề nghị chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn theo biên bản thỏa thuận ngày 6/8/2007.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, sau khi nghe ý kiến của Kiểm Sát Viên, sau khi nghị án, Hội đồng xét xử nhận định:

 [1]Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết: Bà Phạm Quỳnh T khởi kiện ông La Minh S yêu cầu chia sẻ thiệt hại trong việc môi giới mua bán cổ phiếu, nhận thấy đây là vụ án dân sự về “tranh chấp hợp đồng dịch vụ”. Ông La Minh S cư ngụ tại quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Quận Gò Vấp Tp. Hồ Chí Minh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 36 Bộ Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

 [2]Về yêu cầu của đương sự: Xét, lời trình bày của các bên đương sự và chứng cứ thu thập được thẩm tra tại phiên tòa thể hiện bà T và ông S có thỏa thuận bằng lời nói, theo đó ông S môi giới cho bà T mua 60.000 cổ phiếu của công ty cổ phần cao su Đ. Ông S cung cấp thông tin về số lượng và giá cổ phiếu để bà T cân nhắc khi quyết định mua. Do đó việc lãi hay lỗ từ việc chuyển nhượng này bà T tự hưởng và tự chịu trách nhiệm. Bà T đã nhận được 60.000 cổ phiếu. Như vậy, việc môi giới đã hoàn thành. Bà T không chứng minh được giữa bà và ông S đã thỏa thuận mua cổ phiếu là cổ phiếu chiến lược hay cổ phiếu phổ thông và việc bà T tự ý thỏa thuận chuyển nhượng các cổ phiếu trên cho ông H, ông K, ông A không có sự thỏa thuận của ông S. Do đó, bà T không có cổ phiếu phổ thông để giao cho ông H, ông K, ông A như bà đã hứa bán và đã nhận tiền trước đó, dẫn đến thi ệt hại phải bồi thường không phải là lỗi của ông S và thiệt hại này có xảy ra nhưng đây không phải là thiệt hại trực tiếp trong việc môi giới mua bán cổ phiếu giữa ông S và bà T.

 [3] Về việc nguyên đơn cho rằng đã chuyển nhượng lại 60.000 cổ phiếu chiến lược trên cho ông C, ông T, ông B, bà H với số tiền 3.945.000.000 đồng nhưng không xuất trình được chứng cứ chứng minh cho lời trình bày. Lời khai của người làm chứng bà H thể hiện giữa bà và bà T có trao đổi cổ phiếu, không bên nào bù tiền cho bên nào. Ông B khai không mua lại cổ phiếu của bà T. Do đó không có cơ sở để xác định bà T bán lại 60.000 cổ phiếu chiến lược trên cho ông C, ông T, ông B, bà H được 3.945.000.000 đồng. Vì vậy, số tiền chênh lệch do việc chuyển nhượng cổ phiếu là 1.850.000.000 đồng là không có cơ sở.

[4] Mặc khác, bà T cho rằng giữa bà và ông S có thỏa thuận chia sẻ thiệt hại 50:50, nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Lời khai của người làm chứng (ông Trịnh Hoài N) tại phiên tòa không thống nhất với bản tự khai ngày 13/5/2016 của ông, nên không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận; lời khai của bà Dương Thúy H không biết gì việc thỏa thuận giữa ông S và bà T. Như vậy, nguyên đơn cho rằng giữa bà và ông S có thỏa thuận cùng chịu thiệt hại sau khi bán hết số cổ phiếu trên cho người khác nhưng không có chứng cứ chứng minh ông S cùng chia sẻ việc này ngoài biên bản thỏa thuận ngày 06/8/2007 giữa bà T và ông S thể hiện ông S cùng chịu thiệt hại 50.000.000 đồng với bà. Tại phiên tòa đại diện ủy quyền của bị đơn cũng thống nhất việc ông S tự nguyện chia sẻ thiệt hại 50.000.000 đồng với bà T. Đây thể hiện ý chí của ông S nên Hội đồng xét xử chấp nhận phần yêu cầu chia sẻ thiệt hại này của bà T.

 [5] Từ những nhận định trên, căn cứ Điều 524 Bộ luật dân sự 2005 yêu cầu của bà Tvề chia sẻ thiệt hại, Hội đồng xét xử thấy có cơ sở chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn cùng chia sẻ thiệt hại 50.000.000 đồng với nguyên đơn theo biên bản thỏa thuận ngày 06/8/2007.

 [6]Về án phí: Do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận một phần nên nguyên đơn phải chịu án phí của phần không chấp nhận là (925.000.000 – 50.000.000) = 875.000.000 đồng. Án phí nguyên đơn phải chịu là 38.250.000 đồng. Bị đơn chịu án phí dân sự sơ thẩm là 2.500.000 đồng.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 147, Điều 235, Điều 266, khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Điều 518, Điều 524 Bộ luật dân sự năm 2005. Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 về án phí lệ phí Tòa án; Điều 26 Luật thi hành án dân sự năm 2008.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phạm Quỳnh T.

Buộc ông La Minh S có trách nhiệm thanh toán cho bà Phạm Quỳnh T số tiền 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng. Trả một lần ngay khi án có hiệu lực pháp luật. Thi hành tại Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.

2. Kể từ ngày bà T có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng ông S còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

3. Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông S phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 2.500.000 (hai triệu năm trăm ngàn) đồng.

Bà T chịu án phí là 38.250.000 (ba mươi tám triệu hai trăm năm mươi ngàn) đồng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 19.875.000 (mười chín triệu tám trăm bảy mươi lăm ngàn) đồng theo biên lai nộp tiền số 001893 ngày 16 tháng 7 năm 2000 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Gò Vấp. Bà T còn phải chịu số tiền án phí là 18.375.000 (mười tám triệu ba trăm bảy mươi lăm ngàn) đồng.

4. Quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc tống đạt hợp lệ.

5.Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6; 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

768
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 96/2017/DSST ngày 22/09/2017 về tranh chấp hợp đồng dịch vụ

Số hiệu:96/2017/DSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Gò Vấp - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 22/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về