Bản án 95/2020/DSST ngày 29/09/2020 về yêu cầu chia thừa kế

TOÀ ÁN NHÂN DÂN QUẬN LONG BIÊN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 95/2020/DSST NGÀY 29/09/2020 VỀ YÊU CẦU CHIA THỪA KẾ

Ngày 29/9/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Long Biên xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 120 /2019/TLST – DS ngày 10 tháng 12 năm 2019 về việc Yêu cầu chia thừa kế theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 68 /2020/QĐXXST-DS ngày 04 tháng 9 năm 2020 và quyết định hoãn phiên tòa số 65/2020/QĐST- DS ngày 25/9/2020 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Bùi Thị T – sinh năm 1959.

HKTT: phố Ngô Gia Tự, phường Đ G, Long Biên, Hà Nội Nơi ở: đường Nguyễn Văn Cừ, phường Đ G, Long Biên, Hà Nội. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Bùi Đ T, sinh năm 1961 HKTT: Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội. (ông T có mặt)

Bị đơn: Ông Bùi Văn H, sinh năm 1968.

HKTT: Ngô Gia Tự, phường Đ G, Long Biên, Hà Nội Nơi ở: phường Đ G, Long Biên, Hà Nội.

Người giám hộ của ông H là bà Đặng Thị Anh (vợ của ông H) (ông H và bà Acó mặt).

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Bùi Thị C, sinh năm 1947.

Nơi ở: Đ G, Long Biên, HN. (bà C có mặt)

2. Ông Bùi Văn T, sinh năm 1949.

HKTT: Nguyễn Văn Cừ, phường Đ G, Long Biên, Hà Nội.

3. Bà Bùi Thị M, sinh năm 1997.

HKTT: phường Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội.

4. Ông Bùi Đ T, sinh năm 1961.

HKTT: Nguyễn Văn Cừ, Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội

5. Ông Bùi Văn S, sinh năm 1964.

HKTT: phố Nguyễn Văn Cừ, Đ G, Long Biên, Hà Nội.

6. Bà Đặng Thị A, sinh năm 1966

7. Anh Bùi Trung Đ, sinh năm 1998 Cùng HKTT: phố T Lâm, Long Biên, Hà Nội.

8. Bà Hoàng Thị G, sinh năm 1970

9. Anh Bùi Văn H, sinh năm 1990 Cùng HKTT: đường Ngô Gia Tự, phường Đ G, Long Biên, HN Hiện ở: phường Đ G, Long Biên, HN

10. Chị Bùi Thị V, sinh năm 1991 HKTT: phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội (Ông T, ông S, bà M, bà G, chị V, anh Đ, anh H có đơn xin xét xử vắng mặt, bà Acó mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

*Theo đơn khởi kiện và các lời khai tại Toà án, bà Bùi Thị T và đại diện ủy quyền của nguyên đơn là ông Bùi Văn T trình bày:

Bố mẹ đẻ bà là cụ Bùi Văn M sinh năm 1920, mất năm 2008 và cụ Lương Thị C sinh năm 1926, mất năm 1989. Hai cụ chỉ có một vợ một chồng và sinh dược 7 người con chung gồm: bà Bùi Thị C, sinh năm 1947; ông Bùi Văn T, sinh năm 1949, ông Bùi Thị M, sinh năm 1954, bà Bùi Thị T, sinh năm 1959, ông Bùi Đ T, sinh năm 1961, ông Bùi Văn S, sinh năm 1964, ông Bùi Văn H, sinh năm 1968. Ngoài những người con trên, bố mẹ bà không có con nuôi, con riêng nào khác.

Khi mẹ bà mất không để lại di C. Bố bà trước khi mất có để lại 1 bản di C, bà không nhớ bản di C đó lập năm nào, bà không giữ bản chính di C, theo bà bản này do ông T cầm. Tuy nhiên bản di C này không có chính quyền xác nhận, không hợp pháp nên các anh chị em bà không công nhận bản di C này có hiệu lực pháp luật. Hơn nữa nội dung bản di C bố bà để lại chỉ ghi nhận việc cụ M phân chia phường Đ G, Long Biên, Hà Nội. Trong bản di C này cụ M không nhắc đến thửa đất số 120 (9), tờ bản đồ 331-3 tại địa chỉ ngõ 46, phố T Lâm, tổ 6A, Đ G, Long Biên, Hà Nội.

Sinh thời cụ M, cụ Cúc để lại 01 khối di sản gồm: phường Đ G, Long Biên, Hà Nội. Đối với nhà đất này sau khi cụ Cúc và cụ M mất, 07 anh em bà đã tự thỏa thuận phân chia xong. Đến nay không có tranh chấp và không ai đề nghị Tòa án xem xét giải quyết chia khối di sản trên trong vụ án này.

Sau khi cụ Cúc mất, cụ M và các con là S, Hà và T đã tạo dựng 01 khối tài sản là thửa đất tại địa chỉ số 19, ngõ 46, phường Đ G, Long Biên, Hà Nội. Nguồn gốc di sản này do năm 1994, UBND thị trấn Đ G xét duyệt cho gia đình cụ M mua theo tiêu chuẩn hộ gia đình đông con. Thời điểm đó gia đình bà có 8 nhân khẩu gồm: Cụ M, bà Bùi Thị M, ông Bùi Đ T, ông Bùi Văn H, bà Hoàng Thị G, chị Bùi Thị V, anh Bùi Văn H và bà chung sống cùng nhau trên diện tích khoảng 10m2.

Cuộc sống vô cùng khó khăn và chật chội nên gia đình bà được UBND thị trấn xem xét cho mua 1 suất đất giãn dân. Tiền bỏ ra mua thửa đất này là tiền của ông T, ông S và ông H đóng góp. Đến thời điểm 2006, UBND quận Long Biên đã cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất trên mang tên hộ gia đình cụ Bùi Văn M. Thời điểm cấp GCN chỉ có bà, bà M và cụ M còn đăng ký hộ khẩu tại địa chỉ số 10, tổ 2, phường Đ G, Long Biên, Hà Nội. Các anh em khác của bà đều đã tách khẩu. Vì vậy thửa đất này là tài sản chung của bà, bà M và cụ M, mỗi người được 1/3 giá trị của thửa đất. Nay cụ M đã mất, bà đề nghị Tòa án xem xét chia tài sản chung xác định phần quyền của bà tại thửa đất trên và yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ M là 1/3 thửa đất thuộc thửa số 120 (9) tờ bản đồ số 331-3 tại địa chỉ số 19, ngõ 6, phố T Lâm, Đ G, Long Biên, Hà Nội. Đối với phần quyền lợi của bà tại thửa đất trên cũng như kỷ phần thừa kế của cụ M mà bà được hưởng theo quy định của pháp luật bà đồng ý tặng cho ông Bùi Văn H.

Năm 2012 vợ chồng ông H đã xây nhà cấp 4 như hiện nay. Vợ chồng ông H là người đóng thuế đất nên bà đề nghị xem xét trả lại giá trị ngôi nhà, tiền đóng thuế đất cho vợ chồng ông H cũng như số tiền ông H, ông S và ông T đóng góp để mua thửa đất trên vào năm 1994.

Ông Bùi Văn H và bà Đặng Thị Anh là người giám hộ của ông H là bị đơn trình bày: Về huyết thống ông bà hoàn toàn nhất trí với lời trình bầy của nguyên đơn.

Về tài sản, ông bà trình bầy:

Thứ nhất: phường Đ G, Long Biên, Hà Nội. Khi mất, cụ M có để lại một bản di C ghi ngày 20/10/1997, theo nội dung bản di C bố ông chỉ phân chia khối tài sản này. Nhưng đến năm 2010, khi nhà nước tiến hành thu hồi toàn bộ nhà đất này để làm đường Ngô Gia Tự, 07 anh em của ông không thống nhất chia theo di C của cụ M để lại nên 07 anh em đã tự thỏa thuận lại và phân chia xong. Đến nay không còn ai tranh chấp và yêu cầu chia đối với khối di sản này.

Thứ hai là 1/3 thửa đất có diện tích 72,4m2 đất (theo đo vẽ thực tế) tại địa chỉ số 19, ngõ 46, phố T Lâm, phường Đ G, Long Biên, Hà Nội. Nguồn gốc thửa đất này là do UBND thị trấn Đ G xét duyệt cho gia đình cụ M mua 1 suất đất giãn dân vào năm 1994. Thời điểm đó, gia đình ông kinh tế khó khăn, đông con, chung sống chật chội, 8 nhân khẩu cùng sống chung trong ngôi nhà khoảng 10m2. Vì cụ M không có tiền nên ông, ông S, ông T phải đi vay để góp tiền mua thửa đất này. Năm 2006, vợ chồng ông đã nộp 370.440.000 đồng đóng thuế đất nên UBND quận Long Biên mới cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông mang tên hộ gia đình cụ Bùi Văn M. Năm 2012, vợ chồng ông xây nhà và ở từ đó cho đến nay. Theo ông tài sản này là của ông, ông S và ông H nhưng do gia đình không hiểu biết pháp luật nên khi làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại kê khai là hộ gia đình cụ Bùi Văn M. Thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo sổ hộ khẩu hộ gia đình cụ M gồm cụ M, bà T và bà M. Trước đây, do ông không hiểu biết pháp luật nên có đơn đề nghị chia thừa kế di sản của cụ M và thừa nhận thửa đất này là tài sản chung của cụ M, bà T và bà M. Nhưng nay ông thay đổi quan điểm và khẳng định thửa đất này là tài sản chung của ông, ông S, ông T nên ông đã rút đơn yêu cầu chia thừa kế. Vì năm 2011 ông đã thanh toán cho ông T và ông S phần giá trị quyền của mình tại thửa đất này với giá: ông T là 750.000.000 đồng và ông S là 850.000.000 đồng. Về số tiền đã thanh toán cho ông T và ông S, ông bà không có ý kiến và yêu cầu Tòa án giải quyết trong vụ án này. Nếu theo pháp luật cụ M hay bà T có 1 phần quyền lợi trong thửa đất này thì ông cũng đồng ý chia thừa kế và chia tài sản chung theo đơn của bà T. Về kỷ phần thừa kế nếu ông được hưởng ông xin được nhận bằng hiện vật. Ông bà không yêu cầu xem xét công sức tôn tạo duy trì di sản thừa kế của mình nhưng đề nghị được trả lại số tiền ông bà đã bỏ ra đóng thuế đất, xây nhà cũng như số tiền ông góp với ông T, ông S mua đất từ năm 1994.

Bà Bùi Thị C - Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày: Về huyết thống gia đình bà đồng ý với lời trình bầy của phía nguyên đơn.

Bố bà mất có để lại di C nhưng bản di C này không đề cập tới thửa đất mà vợ chồng ông H đang quản lý tại số 19, ngõ 46, phố T Lâm, Đ G, Long Biên, Hà Nội. Nguồn gốc thửa đất này là do UBND thị trấn Đ G cấp cho gia đình cụ M năm 1994. Về trình tự, thủ tục và việc mua thửa đất này bao nhiêu tiền, bà không nắm được do thời điểm đó bà đã đi lấy chồng và không sinh sống cùng cụ M và các em. Hiện nay thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận mang tên hộ gia đình ông Bùi Văn M. Theo bà toàn bộ thửa đất là di sản của cụ M. Nay bà T đề nghị Tòa án xác định thửa đất là tài sản chung của bà T, bà M và cụ M và đề nghị chia tài sản chung, chia thừa kế theo pháp luật di sản của bố bà để lại trong khối tài sản chung của bà T, bà M, cụ M, bà chỉ đồng ý việc chia thừa kế còn không đồng ý việc xác định di sản như bà T và bị đơn trình bầy. Bà không có tài liệu gì chứng M di sản của bố bà để lại là toàn bộ thửa đất, bà chỉ căn cứ vào GCNQSDĐ mà nhà nước cấp cho bố bà. Việc nhà nước cấp giấy chứng nhận mang tên hộ gia đình thì bà nghĩ thửa đất đó vẫn phải của cụ M và đề nghị chia thửa đất làm 7 phần mỗi anh em một phần. Trước đây bà xin được hưởng thừa kế bằng tiền, nay bà yêu cầu được hưởng bằng hiện vật. Bà đồng ý thanh toán tiền 22.620.000 đồng tiền mua đất mà ông H, ông S, ông T đã đóng cùng số tiền 370.440.000 đồng mà vợ chồng ông H đã nộp thuế đất cũng như giá trị ngôi nhà mà ông H bà Ađã bỏ tiền ra xây dựng.

Bà Đặng Thị Anh là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày: bà nhất trí với lời trình bày của ông Bùi Văn H về nguồn gốc và quá trình hình thành của thửa đất mà gia đình đang quản lý sử dụng. Vợ chồng bà đã bỏ tiền ra xây nhà, tiền nộp thuế đất, tiền mua đất năm 1994. Vì vậy bà đề nghị Tòa án xem xét bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng bà. Toàn bộ quyền lợi của bà đối với nhà đất này nếu có bà đề nghị tặng cho lại ông Bùi Văn H.

Anh Bùi Trung Đ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày: Anh nhất trí với lời trình bầy của bố mẹ anh là ông Bùi Văn H và bà Đặng Thị Anh. Về nguồn gốc và quá trình hình thành tài sản nhà đất anh không có công sức tôn tạo gì, toàn bộ là công sức của bố mẹ anh.

Ông Bùi Văn T là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bầy: Về huyết thống và quá trình hình thành thửa đất ông hoàn toàn đồng ý với lời trình bầy của bà T. Thửa đất này được cấp theo tiêu chuẩn hộ gia đình đông con. Thời điểm đó, bà C đã lấy chồng do đó không có quyền lợi gì tại thửa đất này. Ông cùng ông H và ông S đã bỏ tiền ra mua thửa đất nên thửa đất này phải là của 3 anh em ông, nhưng do gia đình không hiểu biết về mặt pháp luật, nên vẫn để tên của bố ông là cụ M trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy đến nay ông cũng đồng ý chia thừa kế di sản của bố ông để lại trong khối tài sản chung của các anh em ông. Về việc xác định đây là tài sản chung của những ai và di sản của bố ông là bao nhiêu trong khối tài sản chung này đề nghị Tòa án xem xét xác định theo quy định của pháp luật. Về quyền lợi của ông tại thửa đất này cũng như kỷ phần của ông được hưởng theo pháp luật và số tiền ông đã bỏ ra để mua thửa đất này cùng ông S và ông H, ông xin tự nguyện cho lại ông H. Đối với số tiền ông đã nhận của ông H, ông không có ý kiến và yêu cầu gì trong vụ án này. Nếu sau này phát sinh tranh chấp ông sẽ khởi kiện thành vụ án khác. Về bản di C mà bố ông để lại năm 1997, các anh chị em trong gia đình đều nhất trí không công nhận và không thực hiện bản di C này. Các anh chị em ông đã tự thỏa thuận phân chia lại. Ông là người lưu giữ bản di C gốc nhưng do thời gian quá lâu nên đến nay ông chưa tìm thấy để xuất trình tại Tòa án. Sau khi bố ông mất, các anh chị em đã thỏa thuận lại đối với di sản của bố ông để lại tại số 10, phố Đ G, Long Biên, Hà Nội. Còn đối với thửa đất tại số 19, ngõ 46, phố T Lâm, Đ G, Long Biên, Hà Nội bố ông cũng không xác định là tài sản của mình nên không hề đề cập gì trong di C. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện nay bố ông có tên trong giấy chứng nhận nên vẫn có quyền tại thửa đất này vì vậy ông đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn. Ông đồng ý đề nghị Tòa án xem xét yêu cầu thanh toán lại tiền mua thửa đất năm 1994, tiền vợ chồng ông H đóng thuế đất và giá trị ngôi nhà vợ chồng ông H đã xây dựng.

Ông Bùi Văn S là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày: Ông đồng ý với yêu cầu chia thừa kế và chia tài sản chung của bà T. Về phần quyền lợi của ông tại thửa đất này và kỷ phần chia thừa kế của ông được hưởng theo quy định của pháp luật nếu có, ông đều đồng ý cho lại ông H. Đối với số tiền ông góp với ông H, ông S để mua thửa đất này ông yêu cầu được thanh toán và số tiền này ông đồng ý tặng cho lại ông H. Ngoài ra ông không có yêu cầu và ý kiến gì khác.

Ông Bùi Văn T và bà Bùi Thị M là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thống nhất trình bày: Đồng ý với yêu cầu chia thừa kế và chia tài sản chung của bà T. Về phần quyền lợi của ông bà tại thửa đất này nếu có và kỷ phần chia thừa kế của ông bà được hưởng theo quy định của pháp luật, ông bà đều đồng ý cho tặng ông H. Ngoài ra ông không có yêu cầu và ý kiến gì khác.

Bà Hoàng Thị G, chị Bùi Thị V và anh Bùi Văn H trình bầy: Nhất trí với lời khai về huyết thống của nguyên đơn. Nếu bà G, chị V, anh H có quyền lợi tại thửa đất này tất cả đều thống nhất tặng cho lại ông H. Ngoài ra ông không có yêu cầu và ý kiến gì khác.

Tại phiên tòa, đại diện ủy quyền của nguyên đơn giữ nguyên lời trình bầy tại Tòa và đề nghị chia thừa kế di sản của cụ M và chia tài sản chung. Bị đơn giữ nguyên lời trình bầy. Bà C tại phiên tòa giữ nguyên lời khai và đề nghị xác định di sản của cụ M là toàn bộ thửa đất tại số 19, ngõ 46, phố T Lâm, phường Đ G, Long Biên, Hà Nội. Các đương sự không xuất trình thêm chứng cứ mới.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Long Biên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý vụ án đến trước thời điểm hội đồng xét xử nghị án như sau:

- Về thời hiệu và thẩm quyền: Tòa án nhân dân quận Long Biên đã thụ lý và giải quyết vụ án đúng thời hiệu và thẩm quyền theo quy định.

- Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

- Người tham gia tố tụng là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung vụ án: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Bùi Thị T về việc chia thừa kế di sản của cụ M và yêu cầu chia tài sản chung. Xác định thửa đất số 120 (9), tờ bản đồ số 331-3, diện tích 72,4m2 là tài sản chung của cụ M, ông H, ông T, bà T, bà M, bà G, anh H và chị V; mỗi người được hưởng 9,187 m2. Di sản của cụ M là 9,187 m2 đất. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ M gồm: bà C, ông T, ông T, ông S, bà T, bà M, ông H, mỗi người được hưởng 1,3125m2. Ghi nhận sự nguyện của bà T, bà M, ông T, ông S, ông T, bà G, anh H, chị V tặng cho toàn bộ phần quyền lợi của mình và kỷ phần thừa kế được hưởng cho ông H. Giao ông H quản lý sử dụng toàn bộ thửa đất trên và thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế cho bà C.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

1. Về tố tụng:

Ngày 10/12/2019, Tòa án nhân dân quận Long Biên thụ lý hồ sơ dân sự về việc Yêu cầu chia thừa kế theo đơn khởi kiện của ông Bùi Văn H đối với bà Bùi Thị C.

Ngày 20/7/2020, bà Bùi Thị T là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án có yêu cầu độc lập đề nghị chia thừa kế di sản của cụ M là phường Đ G, Long Biên, Hà Nội và yêu cầu chia tài sản chung đối với tài sản là thửa đất tại số 19, ngõ 6, phố T Lâm, Đ G, Long Biên, Hà Nội. Ngày 18/8/2020, bà T có đơn đề nghị thay đổi yêu cầu độc lập bà xin rút yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ M tại nhà số 10, tổ 2, phường Đ G, Long Biên, Hà Nội và nay bà yêu cầu khởi kiện chia tài sản chung và chia thừa kế đối với di sản của cụ M để lại trong khối tài sản chung của bà, bà M và cụ M tại thửa đất số 19, ngõ 46, phố T Lâm, phường Đ G, Long Biên, Hà Nội.

Ngày 17/8/2020, ông Bùi Văn H, bà Đặng Thị Anh có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của cụ M.

Ngày 17/8/2020, Tòa án nhân dân quận Long Biên đã ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của ông Bùi Văn H đối với bà Bùi Thị C. Do bà T là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập nên Tòa án đã ra T báo về việc thay đổi tư cách người tham gia tố tụng như sau: Bà Bùi Thị T là nguyên đơn, ông Bùi Văn H là bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: bà Bùi Thị C, ông Bùi Văn T, ông Bùi Văn T, ông Bùi Văn S, bà Bùi Thị M, anh Bùi Trung Đ, bà Hoàng Thị G, chị Bùi Thị V, anh Bùi Văn H là phù hợp với quy định tại khoản 2 điều 217 BLTTDS.

Nguyên đơn khởi kiện chia thừa kế và chia tài sản chung. Bị đơn và đối tượng tranh chấp ở phường Đ G, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, nên đây là tranh chấp về thừa kế và chia tài sản chung thuộc thẩm quyền của TAND quận Long Biên theo quy định tại khoản 1 điều 39 BLTTDS.

Theo đơn đề nghị của bà Đặng Thị Anh, ngày 28/5/2020, Tòa án nhân dân quận Long Biên đã ra quyết định trưng cầu giám định về tình trạng tâm thần của ông Bùi Văn H do năm 2000, ông H bị tai biến. Ngày 13/8/2020, Viện pháp y tâm thần Trung ương đã kết luận: ông Bùi Văn H hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi (người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi). Tòa án nhân dân quận Long Biên đã giải thích pháp luật nhưng các đương sự trong vụ án không ai có yêu cầu đề nghị Tòa án tuyên bố ông Bùi Văn H là người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cần thiết để bà Đặng Thị Anh, vợ ông H tham gia vụ án với tư cách là người giám hộ của ông H là phù hợp với điều 46 Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Về thời hiệu khởi kiện:

Cụ Bùi Văn M mất ngày 03/7/2008. Thời điểm mở thừa kế được tính từ ngày 03/7/2008. Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Do đó xác định nguyên đơn khởi kiện trong thời hạn luật định.

3. Về hàng thừa kế:

Sinh thời, cụ M và cụ Cúc có 07 con chung là Bùi Thị C, Bùi Văn T, Bùi Thị M, Bùi Thị T, Bùi Đ T, Bùi Văn S, Bùi Văn H. Cụ M và cụ Cúc chỉ có một vợ một chồng, ngoài những người con trên hai cụ không có con riêng, con nuôi nào khác. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ M gồm: bà C, ông T, bà M, bà T, ông T, ông S, ông H.

4. Về tài sản:

Xét thửa đất số 120 (9) tờ bản đồ số 331-3 địa chỉ số 19, ngõ 46, phố T Lâm, tổ 6A, phường Đ G, Long Biên, Hà Nội hiện nay do vợ chồng ông H quản lý và sử dụng.

Về nguồn gốc thửa đất là do UBND thị trần Đ G cấp đất cho hộ gia đình cụ M năm 1994 theo tiêu chuẩn gia đình đông con. Thời điểm đó, cụ Cúc đã mất năm 1989 trước thời điểm cấp đất nên đây không phải là tài sản chung của cụ Cúc và cụ M. Theo biên bản xác M tại UBND quận Long Biên, Công an quận Long Biên và UBND phường Đ G đều thể hiện tại thời điểm cấp đất, hộ gia đình cụ M gồm các nhân khẩu: cụ M cùng các con và các cháu cụ thể là Bùi Thị M, Bùi Thị T, Bùi Đ T, Bùi Văn H, Hoàng Thị G, Bùi Thị V, Bùi Văn H. Như vậy, cụ M, bà T, bà M, ông T, ông H, bà G, anh H, chị V là đồng sở hữu thửa đất này.

Ngày 03/7/2008, cụ M mất. Theo các đương sự trong vụ án trình bầy trước khi mất, cụ M có để lại 01 bản di C không có người làm chứng và không có xác nhận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đến nay không bên nào xuất trình được bản di C gốc, nội dung của bản di C không đề cập tới thửa đất số 120 (9) tờ bản đồ số 331-3 địa chỉ ngõ 46, phố T Lâm, tổ 6A, phường Đ G, Long Biên, Hà Nội. Các bên đương sự trong vụ án đều đề nghị Tòa án không xem xét bản di C này và nhất trí đề nghị chia thừa kế di sản của cụ M theo pháp luật. Vì vậy HĐXX không xem xét tính pháp lý của bản di C và xác định cụ M mất không để lại di C đối với phần di sản các đương sự đang tranh chấp.

Thửa đất số 120 (9) tờ bản đồ số 331-3 địa chỉ ngõ 46, phố T Lâm, tổ 6A, phường Đ G, Long Biên, Hà Nội như phân tích ở trên là tài sản chung của cụ M và các con nên nguyên đơn yêu cầu chia tài sản chung và chia thừa kế theo pháp luật di sản của cụ M là có căn cứ nên được chấp nhận.

Nguyên đơn cho rằng theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình cụ Bùi Văn M năm 2006 thì căn cứ vào sổ hộ khẩu của cụ M tại thời điểm cấp giấy chứng nhận thửa đất trên là tài sản thuộc sở hữu chung của cụ M, bà M, bà T. Bị đơn cho rằng thửa đất trên là tài sản chung của bị đơn, ông T và ông S do 3 người bỏ tiền ra mua thửa đất năm 1994, do đó đây không phải là di sản của cụ M. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Bùi Thị C cho rằng toàn bộ thửa đất trên là di sản của cụ M, việc giấy chứng nhận cấp mang tên hộ gia định cụ M thì bà không quan tâm. Việc nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan xác định di sản của cụ M như trên là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Qua xem xét thẩm định tại chỗ ngày 11/8/2020, Công ty TNHH nhà nước một thành viên khảo sát và đo đạc Hà Nội thực hiện đo vẽ hiện trạng cùng với Hội đồng thẩm định có sự tham gia của đương sự đã xác định diện tích đất thực tế hiện nay là 72,4m2. Khi xem xét thẩm định diện tích đất thực tế giảm đi so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các đương sự trong vụ án đều khẳng định hiện trạng thửa đất không có sự thay đổi so với thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc chênh lệch số liệu này là do việc đo đạc sai số. Thửa đất đã hình thành khuôn viên riêng biệt với các bất động sản liền kề, các bên không có tranh chấp về mốc giới. Quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, các đương sự không có khiếu nại, thắc mắc gì về diện tích bị thiếu hụt nêu trên. Do đó, khi Tòa án giải quyết vụ án nên cần căn cứ số đo đã thẩm định thực tế mới đảm bảo quyền lợi của các đương sự.

Theo kết quả định giá thì mỗi m2 đất có giá là 35.349.000 đồng/m2, tổng giá trị quyền sử dụng đất là: 72,4m2 x 35.349.000 đồng/m2 = 2.559.267.600 đồng.

Các đương sự đều thống nhất thanh toán tiền mua đất cho ông H, ông S, ông T là 22.620.000 đồng, tiền vợ chồng ông H đóng thuế đất là 370.440.000 đồng.

Như vậy tổng giá trị thửa đất còn lại là: 2.559.267.600 đồng – 22.620.000 đồng – 370.440.000 đồng = 2.166.207.600 đồng.

Như phân tích ở trên thửa đất này là tài sản chung của cụ Bùi Văn M, bà Bùi Thị M, bà Bùi Thị T, ông Bùi Đ T, ông Bùi Văn H, bà Hoàng Thị G, chị Bùi Thị V, anh Bùi Văn H, nên mỗi người được hưởng 1/8 giá trị thửa đất cụ thể:

2.166.207.600 đồng : 8 = 270.775.950 đồng. Tài sản của cụ M trong khối tài sản chung tại thửa đất trên là: 270.775.950 đồng, vậy di sản của cụ M để lại trị giá 270.775.950 đồng.

Ông H, bà Akhông đề nghị xem xét công sức tôn tạo duy trì tài sản nên HĐXX không xem xét.

Thời điểm mở thừa kế của cụ Bùi Văn M là ngày 03/7/2008 (thời điểm cụ M mất).

Hàng thừa kế thứ nhất của cụ M gồm 07 người con. Vậy di sản của cụ chia cho 7 kỷ phần, mỗi suất được hưởng 270.775.950 đồng : 7 = 38.682.278 đồng.

Khi xem xét để chia thừa kế trong vụ án này cần căn cứ vào thực tế hiện trạng nhà đất, kỷ phần thực tế mà các bên được hưởng và không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như để đảm bảo cho việc thi hành án sau này nên chia cho bà C được hưởng bằng giá trị là phù hợp với quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội (bởi lẽ mỗi kỷ phần được hưởng nếu chia bằng hiện vật đều dưới 30m2, hơn nữa bà C xin được chia riêng biệt kỷ phần của mình được hưởng). Bà M, bà T, ông T, ông S, ông T, bà G, chị V, anh H đều tự nguyện tặng cho toàn bộ quyền lợi và kỷ phần của mình được hưởng cho ông H. Hội đồng xét xử thấy việc cho tặng này là hoàn toàn tự nguyện và không trái quy định của pháp luật nên cần ghi nhận. Vì vậy cần chia cho ông Bùi Văn H được toàn quyền sử dụng sở hữu định đoạt toàn bộ thửa đất tại số 19, ngõ 46, phố T Lâm, Long Biên, Hà Nội trong đó bao gồm cả kỷ phần thừa kế bà C theo pháp luật là phù hợp. Do ông H được hưởng toàn bộ di sản của cụ M nên ông H, bà A(người giám hộ của ông H) phải có nghĩa vụ liên đới thanh toán cho bà C giá trị 1 suất thừa kế theo pháp luật là 38.682.278 đồng.

Do các đương sự trong vụ án đều thống nhất thanh toán trả lại vợ chồng ông H giá trị ngôi nhà do vợ chồng ông H xây dựng trên đất và tiền vợ chồng ông H đóng thuế đất là 370.440.000 đồng và không có tranh chấp gì với ông H, bà Ađối với giá trị ngôi nhà và số tiền này. Đồng thời ông T và ông S đều nhất trí cho tặng ông H số tiền mà ông T và ông S đã góp để mua thửa đất năm 1994, mỗi người là:

22.620.000 đồng : 3 = 7.540.000 đồng. Và bà Acũng tự nguyện tặng cho ông H toàn bộ quyền lợi của mình tại nhà đất này nên HĐXX xét trích trả ông H toàn bộ số tiền trên và để ông H được sở hữu toàn bộ các công trình kiến trúc được xây dựng trên thửa đất là hoàn toàn có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật.

Thời điểm mở thừa kế được xác lập vào năm 2008 nên luật nội dung nguồn được áp dụng khi giải quyết vụ án này là Bộ luật dân sự năm 2005. Về thời hiệu chia thừa kế áp dụng Bộ luật dân sự năm 2015.

Về án phí: Ông H, bà Anh, bà C phải chịu án phí theo quy định của pháp luật. HĐXX xét thấy bà C là người cao tuổi, nên căn cứ điều 12, điều 26 Nghị quyết số 326 để miễn toàn bộ án phí cho bà C.

 Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ Điều 26; Điều 35; Điều 39; Điều 147; Điều 266; Điều 273; Điều 280, Điều 378 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:

- Căn cứ các Điều 675; 676 của Bộ luật dân sự năm 2005:

- Căn cứ Điều 23, 57, 623 Bộ luật dân sự năm 2015:

- Căn cứ Điều 12, Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu chia tài sản chung và yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật di sản của cụ Bùi Văn M của bà Bùi Thị T.

2. Xác định thửa đất số 120 (9), tờ bản đồ số 331-3, diện tích đo vẽ thực tế là 72,4m2 tại địa chỉ số 19, ngõ 46, phố T Lâm, Đ G, Long Biên, Hà Nội đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ gia đình ông Bùi Văn M số vào sổ cấp GCN 2277/2006/QĐ- UB ngày 29/12/2006 là tài sản chung của cụ Bùi Văn M, bà Bùi Thị T, bà Bùi Thị M, bà Hoàng Thị G, ông Bùi Văn T, ông Bùi Văn H, chị Bùi Thị V, anh Bùi Văn H, mỗi người được hưởng 1/8 giá trị thửa đất.

3. Ghi nhận sự tự nguyện của ông Bùi Văn T và ông Bùi Văn S tặng cho ông Bùi Văn H số tiền các ông đã góp để mua đất năm 1994 cụ thể mỗi người là: 22.620.000 đồng : 3 = 7.540.000 đồng.

4. Trích trả ông Bùi Văn H số tiền mua đất là 22.620.000 đồng.

5. Ghi nhận sự tự nguyện của bà Đặng Thị Anh tặng cho ông Bùi Văn H toàn bộ quyền lợi của mình tại nhà đất thuộc thửa số số 120 (9), tờ bản đồ số 331-3, diện tích đo vẽ thực tế là 72,4m2 tại địa chỉ số 19, ngõ 46, phố T Lâm, Đ G, Long Biên, Hà Nội

6. Trích trả ông Bùi Văn H số tiền ông H, bà Ađóng thuế đất là 370.440.000 đồng.

7. Xác nhận cụ Bùi Văn M, bà Bùi Thị T, bà Bùi Thị M, ông Bùi Văn T, bà Hoàng Thị G, chị Bùi Thị V, anh Bùi Văn H, ông Bùi Văn H, mỗi người được hưởng 1/8 trị giá của thửa đất, cụ thể: 72,4m2 x 35.349.000 đồng/m2 = 2.559.267.600 đồng – 22.620.000 đồng (tiền mua đất) – 370.440.000 đồng (tiền nộp thuế đất): 8 = 270.775.950 đồng.

8. Xác định di sản thừa kế của cụ Bùi Văn M gồm tài sản được chia trong khối tài sản chung của cụ M và bà T, bà M, ông T, ông H, bà G, chị V, anh H có giá trị: 270.775.950 đồng.

9. Xác định cụ Bùi Thị M mất ngày 03/7/2008, thời điểm mở thừa kế là ngày 03/7/2008. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ Bùi Văn M là bà Bùi Thị C, ông Bùi Văn T, ông Bùi Văn H, ông Bùi Văn T, ông Bùi Văn S, bà Bùi Thị T, bà Bùi Thị M. Vậy di sản của cụ M chia cho 7 kỷ phần, chia giá trị mỗi người được hưởng 38.682.278 đồng

10.Ghi nhận sự tự nguyện của ông Bùi Văn T, bà Bùi Thị T, bà Bùi Thị M, ông Bùi Văn S, ông Bùi Văn T, bà Hoàng Thị G, chị Bùi Thị V, anh Bùi Văn H cho tặng toàn bộ kỷ phần thừa kế của mình và toàn bộ phần quyền lợi của mình tại thửa đất số 120 (9), tờ bản đồ số 331-3, diện tích đo vẽ thực tế là 72,4m2 tại địa chỉ số 19, ngõ 46, phố T Lâm, Đ G, Long Biên, Hà Nội cho ông Bùi Văn H.

11. Giao cho ông Bùi Văn H, có bà Đặng Thị Anh là người giám hộ của ông H được toàn quyền sử dụng, quyền sở hữu 72,4m2 đất thuộc thửa đất số 120 (9), tờ bản đồ số 331-3, diện tích đo vẽ thực tế là 72,4m2 tại địa chỉ số 19, ngõ 46, phố T Lâm, Đ G, Long Biên, Hà Nội đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ gia đình cụ Bùi Văn M và toàn bộ các công trình kiến trúc trên thửa đất này.

12.Ông Bùi Văn H, bà Đặng Thị Anh (người giám hộ của ông H) phải có trách nhiệm thanh toán cho bà Bùi Thị C trị giá một kỷ phần thừa kế là 38.682.278 đồng (Ba mươi tám triệu sáu trăm tám mươi hai nghìn hai trăm bảy mươi tám đồng chẵn)

13. Ông Bùi Văn H, bà Đặng Thị Anh (người giám hộ của ông H) có quyền và nghĩa vụ liên hệ với các cơ quan nhà nước có quyền để hoàn tất các thủ tục liên quan đến nhà đất trên về quyền sở hữu và quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Về án phí: Bà C, ông H, bà A(người giám hộ của ông H) phải chịu án phí theo quy định của pháp luật. Do bà C là người cao tuổi và có đơn xin được miễn toàn bộ án phí nên miễn toàn bộ án phí cho bà C Ông Bùi Văn H, bà Đặng Thị Anh (người giám hộ của ông H) phải nộp 82.411.706 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành tại thời điểm thanh toán.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án xử công khai sơ thẩm.

Các đương sự có mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày được giao nhận bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

356
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 95/2020/DSST ngày 29/09/2020 về yêu cầu chia thừa kế

Số hiệu:95/2020/DSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Long Biên - Hà Nội
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về