Bản án 95/2017/KDTM-PT ngày 28/09/2017 về tranh chấp hợp đồng lắp đặt thang máy

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 95/2017/KDTM-PT NGÀY 28/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG LẮP ĐẶT THANG MÁY

Trong các ngày 25/9 và 28/9/2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội  xét  xử  phúc  thẩm  công  khai  vụ  án  kinh  doanh  thương  mại  thụ  lý  số 52/2017/TLPT-KDTM ngày 31/5/2017, về việc “Tranh chấp hợp đồng lắp đặt thang máy”. Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 15/02/2017 của Tòa án nhân dân quận ĐĐ, thành phố Hà Nội bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 180/2017/QĐ-PT ngày 24/7/2017; Quyết định hoãn phiên tòa số 211/2017/QĐ-HPT ngày 07/8/2017; Thông báo mở lại phiên tòa số 242/2017/TB-TA ngày 30/8/2017; Quyết định hoãn phiên tòa số 285/2017/QĐ-PT ngày 19/9/2017, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty Cổ phần T

Địa chỉ: Số 124, phố MHĐ, phường LĐH, quận HBT, thành phố Hà Nội

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Hoàng Ngọc H - sinh 1970

Địa chỉ: Số 402, đường XG, phường NQ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang

(Giấy ủy quyền số 90/2015/UQ ngày 12/5/2015 của Giám đốc Công ty)

Bị đơn: Công ty Cổ phần Đ

Trụ sở: Số 243A, ĐLT, phường LT, quận ĐĐ, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Song H - Sinh 1971; Chức vụ: Phó tổng giám đốc Công ty

Ông Lê Bách T - Sinh 1979; Chức vụ: Phụ trách Ban quản lý dự án.

(Quyết định ủy quyền số 698/ICON4-TCLĐ ngày 22/9/2017 của Tổng giám đốc Công ty)

(Ông Ngọc H, ông Song H, ông T có mặt tại phiên toà)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Ngày 22/4/2011, Công ty Cổ phần T (Gọi tắt là Công ty T) và Công ty Cổ phần   Đ   (Gọi   tắt  là   Công   ty   Đ)   có   ký   kết   Hợp   đồng   kinh   tế   số 139/HĐKT/BQLDA-XD4. Nội dung hợp đồng thể hiện việc Công ty T cung cấp, lắp đặt 08 thang máy và 10 thang cuốn cho công trình Tòa nhà đa năng ICON 4 tại địa chỉ số 243A, ĐLT, phường LT, quận ĐĐ, thành phố Hà Nội cho Công ty Đ; Tổng giá trị của hợp đồng là 31.500.000.000đ; Thời gian thực hiện hợp đồng là 180 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Phương thức thanh toán: Sau khi nghiệm thu toàn bộ hệ thống thang máy, thang cuốn, vận hành chạy thử, bàn giao và đưa vào sử dụng trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày Công ty Đ nhận đủ hồ sơ đề nghị quyết toán hợp lệ của Công ty T, Công ty Đ sẽ thanh toán 95% giá trị quyết toán.

Ngày 22/02/2012, hai Công ty ký tiếp Phụ lục hợp đồng số 01, theo phụ lục này thì Công ty T cung cấp, lắp đặt hệ thống dầm thép để đặt máy và cố định ray hướng hố thang 07 tầng cho công trình Tòa nhà đa năng ICON 4. Trị giá của Phụ lục hợp đồng là 49.754.100đ.

Sau khi thực hiện hoàn thành việc lắp đặt và vận hành chạy thử, ngày 26/7/2012 Công ty T đã bàn giao toàn bộ hệ thống thang máy, thang cuốn cho Công ty Đ và Chủ đầu tư đưa vào sử dụng. Ngày 21/9/2012 các bên tiến hành lập Biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình để đưa vào sử dụng. Tháng 11/2012 Công ty T bàn giao cho Công ty Đ hồ sơ quyết toán. Theo hồ sơ này thì Công ty Đ còn phải thanh toán trả Công ty T 7.358.548.100đ. Sau ngày nhận hồ  sơ  quyết  toán, Công  ty Đ còn tiếp tục thanh toán trả thêm  được 1.800.000.000đ, sau đó không trả nữa, đến ngày 06/12/2014 hai bên cùng nhau lập Biên bản đối chiếu công nợ. Theo biên bản này, Công ty Đ còn nợ Công ty T 5.558.548.100đ. Vì vậy, Công ty T khởi kiện yêu cầu Công ty Đ phải thanh toán toàn bộ số nợ gốc và lãi chậm thanh toán theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, Công ty Đ tiếp tục thanh toán trả Công ty T được 5 lần với tổng số tiền là 1.000.000.000đ. Tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm, Công ty Đ còn nợ 4.558.548.100đ (gốc) và 4.072.429.606đ (lãi tạm tính). Công ty T đề nghị Tòa án buộc Công ty Đ phải thanh toán trả số nợ trên.

Công ty Cổ phần Đ (Công ty Đ) thừa nhận việc ký kết hợp đồng số 139/HĐKT/BQLDA-XD4 với Công ty T. Công ty thừa nhận hiện còn nợ Công ty T 4.558.548.100đ (gốc). Do gặp khó khăn trong kinh doanh nên Công ty Đ xin được trả dần số nợ gốc và xin được miễn trả số tiền lãi.

Bản  án  kinh  doanh  thương  mại  sơ  thẩm  số  02/2017/KDTM-ST  ngày 15/02/2017 của Tòa án nhân dân quận ĐĐ, thành phố Hà Nội đã xét xử và quyết định: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần T đối với Công ty Cổ phần Đ về việc thanh toán số tiền chậm trả theo hợp đồng kinh tế.

Buộc Công ty Cổ phần Đ phải thanh toán trả Công ty Cổ phần T số tiền nợ  gốc  là  4.558.548.100đ,  số  tiền  nợ  lãi  tính  đến  ngày  15/02/2017  là 1.099.022.397đ. Tổng cộng là 5.657.570.497đ

Ngoài ra Bản án còn tuyên về việc phải chịu lãi suất do chậm thi hành án; nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm cùng quyền kháng cáo của các đương sự.

Không đồng ý với Bản án, ngày 24/02/2017 Công ty Cổ phần T có đơn kháng cáo về thời điểm tính lãi chậm thanh toán và mức lãi suất của bản án sơ thẩm. Công ty cho rằng thời điểm tính lãi không phải bắt đầu từ ngày hai bên đối chiếu công nợ; Về mức lãi suất phải áp dụng điểm c khoản 1 Điều 3 và điểm d khoản 2 Điều 42 Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính phủ để tính mới phù hợp.

Ngày 27/02/2017 Công ty Cổ phần Đ kháng cáo đề nghị sửa toàn bộ bản án, bác yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.

Tại cấp phúc thẩm: Nguyên đơn giữ yêu cầu kháng cáo và cho rằng do không nhớ thời điểm bàn giao hồ sơ quyết toán cho Công ty Đ nên tính theo cách tính của Bộ luật dân sự thì ngày cuối cùng của tháng 11 là 30/11/2012 nên muộn nhất ngày 21/12/2012 (trong thời hạn 20 ngày) Công ty Đ phải thanh toán cho Công ty T, thời hạn vi phạm nghĩa vụ trả tiền là 22/12/2012, Công ty T chỉ yêu cầu tính lãi chậm thanh toán từ ngày 30/12/2012 với mức lãi suất theo quy định tại Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính phủ.

Bị đơn giữ yêu cầu kháng cáo và cho rằng Hợp đồng đã ký kết giữa Nguyên đơn và Bị đơn (Hợp đồng 139) hình thức là Hợp đồng trọn gói - giá trị hợp đồng không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng với khối lượng công việc thuộc phạm vi hợp đồng đã ký kết. Hợp đồng số 139 đáp ứng được các điều kiện mà nghị định số 48 quy định cả về nội dung và tính chất công việc, về giá cả, về căn cứ áp dụng nên Hợp đồng này là hợp đồng dân sự.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo. Bị đơn thay đổi yêu cầu kháng cáo đề nghị được thanh toán trả Nguyên đơn toàn bộ số nợ gốc chậm nhất đến hết ngày 30/9/2017. Đối với lãi suất chậm trả gốc 1.099.022.397đ (Cấp sơ thẩm đã quyết định), Bị đơn cũng đồng ý nhưng xin được trả trong thời hạn 2 tuần sau khi trả xong nợ gốc. Bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Về thủ tục kháng cáo: Đơn kháng cáo và biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm của Nguyên đơn và Bị đơn làm và nộp trong thời hạn luật định nên kháng cáo được chấp nhận.

Xét về nội dung kháng cáo của Nguyên đơn:

Nguyên đơn kháng cáo cho rằng thời điểm tính lãi đối với số tiền gốc mà Bị đơn phải thanh toán trả cho Nguyên đơn và mức lãi suất chậm thanh toán do Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc Bị đơn phải thanh toán trả Nguyên đơn 10% trên số nợ gốc là không thỏa đáng, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Tại Điều 8 quy định của Hợp đồng kinh tế số 139/HĐKT/BQLDA-XD4 ngày 22/9/2011 giữa Công ty T và Công ty Đ đã ghi rõ “…Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày Bên A (Công ty Đ) nhận đủ hồ sơ đề nghị quyết toán hợp lệ của Bên B (Công ty T), Bên A sẽ thanh toán cho Bên B 95% giá trị quyết toán, 5% giá trị giữ lại bảo hành được thanh toán ngay sau khi Bên B chuyển cho Bên A chứng thư bảo lãnh bảo hành hạng mục có giá trị tương đương của một Ngân hàng được Bên A chấp nhận”. Tại phiên tòa phúc thẩm các bên đương sự đều thừa nhận Công ty T đã bàn giao cho Công ty Đ hồ sơ quyết toán trong tháng 11/2012. Đối chiếu với thỏa thuận của hai bên tại Điều 8 của Hợp đồng số 139 thì thời hạn phải thanh toán của Bị đơn bắt đầu từ ngày 20/12/2012 nhưng Nguyên  đơn  chỉ  yêu  cầu  Bị  đơn  thực  hiện  nghĩa  vụ  thanh  toán  từ  ngày 30/12/2012 là có lợi cho Bị đơn và không trái với quy định của pháp luật nên yêu cầu này được chấp nhận.

Số tiền Bị đơn phải thanh toán và chịu lãi suất chậm thanh toán do chưa trả từ ngày 30/12/2012 là 7.358.548.100đ; Ngày 21/01/2013 Bị đơn thanh toán trả  Nguyên  đơn 1.000.000.000đ,  số  tiền  gốc  còn  lại  phải  thanh  toán  là 6.358.548.100đ; Ngày 25/7/2013 thanh toán trả 300.000.000,số tiền gốc còn phải trả là 6.058.548.100đ; Ngày 27/01/2014 trả tiếp 500.000.000, số tiền gốc còn phải trả 5.558.548.100đ. Đến ngày 06/12/2014 hai bên lập Bản đối chiếu công nợ xác nhận Bị đơn còn nợ số tiền gốc 5.558.548.100đ.

Tại  Cấp  sơ  thẩm,  ngày  03/12/2015,  Bị  đơn  tiếp  tục  thanh  toán  cho Nguyên đơn 230.500.000đ, số tiền nợ gốc còn lại là 5.328.048.100đ; Ngày 07/01/2016 trả tiếp 300.000.000đ, số tiền gốc còn phải trả là 5.028.048.100đ; Ngày   13/01/2016   trả   tiếp  200.000.000đ,   số   tiền   gốc   còn   phải   trả   là 4.828.048.100đ; Ngày 28/01/2016 trả tiếp 150.000.000đ, số tiền còn phải trả là 4.678.048.100đ; Ngày 08/04/2016 trả tiếp 119.500.000đ, số tiền còn phải thanh toán là 4.558.548.100đ.

Khi ký kết Hợp đồng số 139, các bên tự nguyện vận dụng Luật Xây dựng năm 2003 và Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 để quy kết trách nhiệm của các bên trong hợp đồng nên đối chiếu với quy định tại Điều 42 Nghị định 48/2010/NĐ-CP thì ““Bên giao thầu chậm thanh toán thì phải bồi thường cho bên nhận thầu theo mức lãi suất quá hạn áp dụng cho ngày đầu tiên chậm thanh toán do Ngân hàng thương mại mà bên nhận thầu mở tài khoản công bố kể từ ngày đầu tiên chậm thanh toán”. Tức phải áp dụng mức lãi suất quá hạn để tính tiền gốc mà Công ty Đ chậm trả cho Công ty T ngay từ ngày bắt đầu chậm nghĩa vụ thanh toán. 

Mức lãi suất được áp dụng ở đây là lãi suất tại nơi Công ty T mở tài khoản: Ngân hàng TMCP Đ. Cấp sơ thẩm tính lãi chậm trả 10% theo quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự là không phù hợp và làm thiệt hại đến quyền lợi của Nguyên đơn. Do đó yêu cầu kháng cáo của Nguyên đơn có cơ sở chấp nhận.

Theo Ngân hàng TMCP Đ thì Ngân hàng không thể cung cấp biểu lãi suất cho vay tại thời điểm tháng 2/2017 bởi khi xem  xét cho vay, Ngân hàng phải xác định được khách hàng cho vay thuộc nhóm đối tượng xếp loại như thế nào và mức lãi suất cho vay sẽ được thỏa thuận trong từng hợp đồng tín dụng cụ thể. Còn mức lãi suất huy động tại thời điểm tháng 2/2017 (Thời điểm xét xử sơ thẩm) Ngân hàng đang áp dụng Quyết định về việc huy động điều chỉnh lãi suất huy động tiết kiệm bằng VND số 06/QĐ-DAB-HĐQT ngày 10/01/2017. Theo Quyết định này lãi suất huy động thời hạn 36 tháng là 7,5%/năm, Hội đồng xét xử thấy áp dụng mức lãi suất cho vay 7,5%/năm và mức quá hạn sẽ là 7,5% x 150 = 11,25%/năm để tính là phù hợp. Sốtiền chậm thanh toán của Công ty Đ sẽ được tính như sau:

TT

Gốc (VND)

Mức lãi

Thời gian

Số tiền lãi

1

7.358.548.100

11,25%

30/12/2012 đến 21/01/2013

52.165.049,89

2

6.358.548.100

11,25%

21/01/2013 đến 25/7/2013

362.567.896,80

3

6.058.548.100

11,25%

25/7/2013 đến 27/01/2014

347.329.093,13

4

5.558.548.100

11,25%

27/01/2014 đến 03/12/2015

531.107.849,28

5

5.328.048.100

11,25%

03/12/2015 đến 07/01/2016

57.477.231,22

6

5.028.048.100

11,25%

07/01/2016 đến 13/01/2016

9.273.039,53

7

4.828.048.100

11,25%

13/01/2016 đến 28/01/2016

22.260.467,67

8

4.678.048.100

11,25%

28/01/2016 đến 08/04/2016

102.092.648,08

9

4.558.548.100

11,25%

08/04/2016 đến 15/02/2017

438.573.428,88

 

 

Tổng cộng

 

1.922.846.704,48

Như vậy, Công ty Đ phải thanh toán trả số nợ gốc 4.558.548.100đ và tiền lãi chậm thanh toán là 1.922.846.704đ. Tổng cộng: 6.481.394.804đ.

Kháng cáo của Nguyên đơn được chấp nhận tức việc kháng cáo của Bị đơn không có cơ sở xem xét. Tuy nhiên do sửa án sơ thẩm nên các đương sự kháng cáo đều không phải chịu án phí kháng cáo.

Từ những nhận định nêu trên.

Áp dụng Khoản 2 Điều 308 Bộ Luật tố tụng dân sự.

QUYẾT ĐỊNH

Sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 15/02/2017 của Tòa án nhân dân quận ĐĐ, thành phố Hà Nội

Xử:

1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi thanh toán tiền công theo hợp đồng xây dựng của Công ty Cổ phần T đối với Công ty Cổ phần Đ.

Công ty Cổ phần Đ phải thanh toán trả Công ty Cổ phần T 4.558.548.100đ (gốc) và 1.922.846.704đ (lãi). Tổng cộng: 6.481.394.804đ (Sáu tỷ, bốn trăm tám mốt triệu, ba trăm chín tư nghìn, tám trăm linh bốn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án thì người phải thi hành án còn phải chịu lãi suất đối với khỏan tiền chưa thanh tóan theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Công ty Cổ phần Đ phải chịu 114.481.000đ tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Công ty Cổ phần Đ đã nộp 2.000.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo BL số 0005269 ngày 02/3/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Đống Đa. Hoàn trả Công ty Cổ phần  T 56.779.000đ tiền tạm ứng án phí sơ thẩm và 2.000.000đ tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại các biên lai số 0003340 ngày 20/10/2015 và 0005255 ngày 28/2/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự quận ĐĐ, thành phố Hà Nội.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1188
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 95/2017/KDTM-PT ngày 28/09/2017 về tranh chấp hợp đồng lắp đặt thang máy

Số hiệu:95/2017/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 28/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về