Bản án 95/2017/HS-PT ngày 21/12/2017 về tội huỷ hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

BẢN ÁN 95/2017/HS-PT NGÀY 21/12/2017 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 21/12/2017, tại Trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 86/2017/HSPT ngày 08/11/2017 đối với bị cáo Lê Văn B do có kháng cáo của bị cáo Lê Văn B đối với bản án hình sự sơ thẩm số 59/2017/HSST ngày 29/09/2017 của Toà án nhân dân huyện Bố Trạch.

Bị cáo có kháng cáo: Lê Văn B; sinh ngày 20/10/1973 tại xã X, huyện B, tỉnh Quảng Bình; đăng ký nhân khẩu thường trú và chỗ ở trước khi bị bắt: Thôn 9, xã X, huyện B, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ văn hoá: Lớp 4/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Văn T (chết) và bà Trần Thị T; có vợ là Nguyễn Thị V và 3 con sinh các năm 1994, 1996, 1998; tiền án: Không, tiền sự: Không; bị bắt theo Lệnh truy nã ngày 12/4/2017 tại phường Long B, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai sau đó bị tạm giam, hiện đang bị tạm giam tại Công an huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Lê Văn B tại phiên toà phúc thẩm: Luật sư Dương Viết T, Văn phòng Luật sư B, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình. Có mặt.

Vụ án có các nguyên đơn dân sự là Lâm trường huyện B, UBND xã X, huyện B nhưng không có kháng cáo, án không bị kháng nghị nên Tòa án không triệu tập tham gia phiên tòa phúc thẩm.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 12/10/2015, Lê Văn B cùng các đối tượng Nguyễn Thị V (vợ B), Lê Thị C, Lê Thị M, Lê Thị T và Nguyễn Quyết C cầm theo rựa, máy cưa xăng vào khoảnh 5, tiểu khu 215 khu vực rừng Ngọn Rào, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, chặt phá rừng nhằm chiếm đoạt đất để trồng cây. Khu vực rừng này được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt quy hoạch chức năng là rừng sản xuất. Khi đi, B nói với mọi người khu vực rừng này là của ông Lê Văn T (bố ruột B) được Nhà nước giao theo thẻ di dân. Trong khi B cùng các đối tượng nói trên đang chặt phá rừng thì bị Hạt kiểm lâm Bố Trạch và Cán bộ bảo vệ rừng Ngọn Rào thuộc Lâm trường Bố Trạch phát hiện lập biên bản, các đối tượng bỏ chạy, B không ký vào biên bản. Sau đó Lê Văn B cùng các đối tượng trên tiếp tục chặt phá rừng đến ngày 16/11/2015 mới chấm dứt. Diện tích rừng mà Lê Văn B cùng các đối tượng chặt phá theo biên bản kiểm tra hiện trường ngày 09/12/2015 của Công an huyện Bố Trạch cùng các cơ quan liên quan là 2,97 ha (29.700m2), trong đó diện tích rừng bị chặt phá trắng là 1,49ha (14.900 m2), diện tích rừng bị chặt phá luỗng là 1,48ha (14.800 m2); khối lượng gỗ do các đối tượng chặt phá là 11,773m3 (gỗ nhóm IV đến nhóm VIII).

Ngày 24/4/2017 Cơ quan CSĐT Công an huyện Bố Trạch trưng cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình giám định diện tích rừng bị phát trắng, phát luỗng; Trữ lượng rừng, thiệt hại; Loại rừng, chức năng của rừng; Trạng thái rừng bị chặt phá. Tại bản Kết luận giám định số 526 ngày 26/5/2017 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình kết luận: Khu vực bị chặt phá, luỗng rừng trái phép thuộc khoảnh 5, tiểu khu 215, địa giới hành chính xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình khu vực này được quy hoạch cho rừng sản xuất. Diện tích rừng bị thiệt hại là 2,97ha, trong đó: Diện tích bị phát trắng trái phép là 1,49ha, diện tích phát luỗng trái phép là 1,48ha; diện tích do Lâm trường Bố Trạch quản lý: 1,25ha, diện tích do UBND xã Xuân Trạch quản lý là 1,72ha. Trữ lượng rừng trên diện tích bị chặt phá bình quân/ha là 39,45m3; Tổng thiệt hại về lâm sản: Gỗ nhóm IV đển nhóm VIII, số lượng 89 lóng, khối lượng: 11,773m3.

Cáo trạng số 58/THQCT-KSĐT ngày 29/8/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Bố Trạch truy tố Lê Văn B về tội “Huỷ hoại rừng” theo khoản 2, Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Bản án hình sự sơ thẩm số: 59/2017/HSST ngày 29/9/2017 của Toà án nhân dân huyện Bố Trạch quyết định tuyên bố bị cáo Lê Văn B phạm tội “Huỷ hoại rừng”.

Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 189; các điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46 và Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm đ khoản 2 Điều 243, khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự 2015Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội đối với bị cáo Lê Văn B. Xử phạt Lê Văn B 30 tháng tù thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 12/4/2017.

Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự, các Điều 585, 589 Bộ luật Dân sự, buộc bị cáo Lê Văn B bồi thường số tiền 18.902.000đ để nộp vào công quỹ Nhà nước, số tiền này hiện có tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bố Trạch theo Biên lai thu số AA/2015/0002416 ngày 31/8/2017, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bố Trạch; tuyên buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, tuyên quyền kháng cáo của bị cáo, của nguyên đơn dân sự theo quy định của pháp luật.

Trong hạn luật định, ngày 05/10/2017, bị cáo Lê Văn B kháng cáo cho rằng bị cáo chỉ phát trắng 0,8ha, phát luỗng 0,9ha nhưng Toà án cấp sơ thẩm kết luận bị cáo đã chặt phá rừng 2,97ha là oan cho bị cáo. Đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét làm rõ minh oan cho bị cáo.

Tại phiên toà phúc thẩm:

Bị cáo Lê Văn B chỉ thừa nhận hành vi phạm tội theo diện tích rừng bị chặt phá phát trắng 0,8ha, phát luỗng 0,9ha. Giữ nguyên kháng cáo, đề nghị xem xét minh oan, giảm án cho bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Văn B không tranh luận tội danh “Huỷ hoại rừng” đối với bị cáo theo xét xử của án sơ thẩm, chỉ tranh luận theo lời khai thừa nhận của bị cáo và theo biên bản lập ngày 12/10/2015 thì diện tích rừng bị cáo chặt phá gồm phát trắng 0,8ha, phát luỗng 0,9ha. Án sơ thẩm lấy tang số theo toàn bộ diện tích rừng bị chặt phá bao gồm diện tích bị chặt phá trắng và diện tích chỉ bị chặt phá luỗng để cho rằng bị cáo huỷ hoại rừng với diện tích trên 10.000m2 để xét xử bị cáo theo c khoản 2 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999, điểm đ khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 là không đúng. Theo diện tích rừng bị chặt phá được bị cáo thừa nhận phát trắng 0,8ha, phát luỗng 0,9ha thì bị cáo chỉ bị xét xử theo khoản 1 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999, khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bị cáo phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo các điểm h, i, l, s, x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, diện tích rừng bị chặt phá có nguồn gốc trước đây đã được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho bố bị cáo quản lý, bị cáo không biết việc sau đó đã bị thu hồi. Mức án 30 tháng tù mà án sơ thẩm đã xử đối với bị cáo là quá nặng. Đề nghị chấp nhận kháng cáo, giảm án cho bị cáo, xử phạt bị cáo mức án thấp nhất và không nhất thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội. Án sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường số tiền 18.902.000đ không có căn cứ, đề nghị sửa án sơ thẩm, trả lại số tiền đã nộp cho bị cáo.

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố xét xử phúc thẩm vụ án đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Lê Văn B; không có căn cứ để cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo đề nghị của Luật sư; không chấp nhận ý kiến của Luật sư đề nghị trả lại cho bị cáo số tiền 18.902.000đ vì không có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử giảm án cho bị cáo từ 3 đến 6 tháng tù theo tình tiết án sơ thẩm xác định bị cáo huỷ hoại 2,97ha rừng để xử phạt bị cáo 30 tháng tù trong khi diện tích rừng bị phát trắng trái phép là 1,49ha, diện tích phát luỗng trái phép là 1,48ha, mức độ thiệt hại đối với diện tích rừng bị phát luỗng không đáng kể.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xét nội dung kháng cáo kêu oan của bị cáo Lê Văn B. Hành vi chặt phá rừng của Lê Văn B và một số đối tượng có liên quan thực hiện từ ngày 12/10/2015 đến ngày 16/11/2015, vụ án chỉ có Lê Văn B bị truy tố xét xử là do những người cùng tham gia chặt phá rừng nghe, tin lời B nói khu vực rừng được B chỉ dẫn chặt phá là rừng trước đây Nhà nước đã giao cho bố B nay B được phép kế thừa quyền sử dụng. Theo Biên bản ghi lời khai ngày 17/11/2015 của Cơ quan điều tra Công an huyện Bố Trạch ngay sau khi vụ án xảy ra thì Lê Văn B đã thừa nhận có nhiều đợt chặt phá rừng để chiếm đất, ngày 12/10/2015 bị Lâm trường Bố Trạch lập biên bản, Lê Văn B không ký vào biên bản này. Sau khi bị lập biên bản, Lê Văn B tiếp tục chặt phá rừng, phát luỗng ở lô khoảnh trên đến ngày 17/11/2015, khi Công an huyện triệu tập làm việc mới dừng phát và chặt phá rừng. Cây rừng bị chặt phá là cây rừng tự nhiên như Đẻn, Mọc, Ngát, Chu kê và một số loại cây khác. Lê Văn B biết rõ diện tích rừng bị chặt phá thuộc Khoảnh 5, Tiểu khu 215 do Lâm trường Bố Trạch quản lý, theo lời khai của B thì mục đích chặt phá rừng là để cơi nới sang phần đất đã cấp theo Thẻ di dân cho bố B là ông Lê Văn T nhằm xâm chiếm đất của Lâm trường Bố Trạch để trồng mới rừng. Tại biên bản ghi lời khai ngày 24/11/2015, Lê Văn B khai nhận diện tích rừng đã phát chiếm, chặt phá tại thời điể là 2,97ha, trong đó diện tích chặt phá trắng là 1,49ha, diện tích phát luỗng, thực bì là 1,48ha.

Theo biên bản kiểm tra hiện trường việc chặt phá rừng ngày 09/12/2015 của Công an huyện Bố Trạch cùng các cơ quan liên quan thì ngoài phần chặt phá trắng 0,81ha theo biên bản phạm pháp quả tang số 601/BB/PPQT do Chi nhánh Lâm trường Bố Trạch lập ngày 12/10/2015, Lê Văn B còn chặt hạ thêm 0,68ha rừng, cây gỗ để lại tại hiện trường có 29 lóng gỗ các loại từ nhóm V đến nhóm VIII, khối lượng 3,960m3, bên cạnh đó đối tượng còn luỗng phát 1,48ha rừng (phát dây leo, mây song, cây dại). Theo biên bản này thì Lê Văn B đã chặt phá tổng cộng 2,97ha rừng gồm: Phần chặt trắng theo biên bản phạm pháp quả tang số 601/BB/PPQT do Chi nhánh Lâm trường Bố Trạch lập ngày 12/10/2015 có diện tích 0,81ha, tài sản trên đất có 60 lóng gỗ khối lượng 7,813m3; phần mới chặt phá thêm 0,68ha, tài sản trên đất có 29 lóng gỗ tròn, khối lượng 3,960m3; phần luỗng phát có diện tích 1,48ha. Sau khi phạm tội B bỏ trốn khỏi địa phương, vụ án bị tạm đình chỉ điều tra, ngày 12/4/2017, Lê Văn B bị bắt theo Lệnh truy nã, vụ án được phục hồi điều tra, Cơ quan điều tra trưng cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình giám định diện tích rừng bị chặt phá, xác định mức độ thiệt hại theo diện tích rừng bị chặt phá; trưng cầu định giá 11,773m3  gỗ theo các biên bản được lập trước đây có giá trị 18.902.000đ, trong thời gian chuẩn bị xét xử sơ thẩm, gia đình B đã nộp bồi thường thiệt hại số tiền 18.902.000đ.

Xét về nguồn gốc đất, theo khiếu nại của Lê Văn B về thửa đất đã được giao cho ông Lê Văn T (bố ông B) từ năm 1993, ngày 10/9/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 2170/QĐ-UBND không công nhận khiếu nại của Lê Văn B về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH MTV Bắc Quảng Bình không đúng pháp luật trên phần đất 31,2ha trước đây ông Lê Văn T (bố B) đã hợp đồng nhận khoán, trồng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng với Lâm trường Bố Trạch. Mặt khác tại các biên bản ghi lời khai của Lê Văn B sau khi vụ án xảy ra, bị cáo đều thừa nhận mục đích chặt phá rừng để cơi nới sang phần đất đã cấp theo Thẻ di dân cho ông Lê Văn T (bố B) là nhằm xâm chiếm đất của Lâm trường Bố Trạch để trồng mới rừng.

Theo các lời khai của Lê Văn B ngay sau khi vụ án xảy ra và sau khi bị bắt theo Lệnh truy nã phù hợp với các chứng cứ, tài liệu có tại hồ sơ vụ án như biên bản kiểm tra hiện trường việc chặt phá rừng ngày 09/12/2015 của Công an huyện Bố Trạch cùng các cơ quan liên quan; Kết luận giám định số 526 ngày 26/5/2017 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình về diện tích rừng bị chặt phá trái phép 2,97ha, trong đó diện tích bị phát trắng trái phép 1,49ha; diện tích phát luỗng trái phép 1,48ha, thuộc khoảnh 5, Tiểu khu 215, địa giới hành chính xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình thì không có việc án sơ thẩm xét xử kết tội oan đối với bị cáo L Văn B.

Theo diện tích rừng bị chặt phá trái phép 2,97ha, trong đó diện tích bị phát trắng trái phép 1,49ha, diện tích phát luỗng trái phép 1,48ha, chỉ tính riêng diện tích rừng bị chặt phá phát trắng 1,48ha bằng 14.900m2, bị cáo Lê Văn B phải bị truy tố và xét xử về tội “Huỷ hoại rừng” theo tình tiết “Huỷ hoại diện tích rừng rất lớn (trên 10.000m2 rừng sản xuất) theo định khung của điểm c khoản 2 Điều 189 Bộ luật Hình sự, được hướng dẫn tại điểm 3.5 Điều 3 Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Toà án nhân dân Tối cao Hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; được quy định cụ thể tại điểm đ khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 “Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000m2 đến dưới 50.000m2” là có căn cứ. Không có việc án sơ thẩm xử không đúng khung hình phạt đối với bị cáo Lê Văn B.

[2] Về hình phạt đối với bị cáo Lê Văn B:

Bị cáo Lê Văn B bị truy tố và xét xử về  tội “Huỷ hoại rừng” theo điểm c khoản 2 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999 “Huỷ hoại diện tích rừng rất lớn”, có hình phạt tù từ 3 năm đến 10 năm; theo điểm đ khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 thì có hình phạt tù từ 3 năm đến 7 năm, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp có  các tình tiết giảm nhẹ theo các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, được án sơ thẩm áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự, xử phạt mức án 30 tháng tù dưới khởi điểm của khoản 2 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999, khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo ý kiến trình bày xin xem xét giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Lê Văn B tại phiên toà phúc thẩm, ý kiến của Kiểm sát viên đề nghị giảm án cho bị cáo, Hội đồng xét xử thấy án sơ thẩm xử phạt bị cáo Lê Văn B mức án 30 tháng tù theo diện tích bị cáo huỷ hoại 2,97ha rừng nhưng trong đó diện tích rừng bị cáo huỷ hoại phát trắng trái phép chỉ 1,49ha bằng 14.900m2, phần diện tích phát luỗng trái phép 1,48ha, mức độ thiệt hại đối với diện tích rừng bị phát luỗng không đáng kể nên được chấp nhận để giảm cho bị cáo một phần hình phạt.

Về ý kiến, quan điểm lập luận của người bào chữa đề nghị cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo các điểm h, i, l, s, x của khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, đề nghị trả lại cho bị cáo số tiền 18.902.000đ mà gia đình bị cáo đã nộp bồi thường khắc phục thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận vì bị cáo chỉ được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra trong vụ án này chỉ xem xét buộc bị cáo bồi thường theo giá trị của số gỗ đã bị đốn hạ khi bị cáo chặt phá rừng.

Hội đồng xét xử quyết định tạm giam bị cáo Lê Văn B để bảo đảm thi hành án.

[3] Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Lê Văn B kháng cáo được chấp nhận để sửa án sơ thẩm giảm án cho bị cáo nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm d khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thu Án phí, lệ phí Toà án.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ các điểm a, b khoản 2 Điều 248, điểm c khoản 1 Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự;

1, Không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Lê Văn B và giữ y án sơ thẩm tuyên bố bị cáo Lê Văn B phạm tội “Huỷ hoại rừng”.

2, Về hình phạt đối với bị cáo: Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm đ khoản 2 Điều 243, khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự 2015 theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với bị cáo Lê Văn B. Xử phạt bị cáo Lê Văn B 27 tháng tù, (hai mươi bảy tháng) thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam 12/4/2017.

Căn cứ vào các Điều 79, 80, 88 và Điều 243 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử quyết định tạm giam bị cáo Lê Văn B với thời hạn 45 ngày kể từ ngày tuyên án phúc thẩm (21/12/2017) để bảo đảm thi hành án.

3, Về án phí hình sự phúc thẩm đối với bị cáo Lê Văn B: Căn cứ Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm d khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thu Án phí, lệ phí Toà án, bị cáo Lê Văn B không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án phúc thẩm (21/12/2017).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

579
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 95/2017/HS-PT ngày 21/12/2017 về tội huỷ hoại rừng

Số hiệu:95/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 21/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về