Bản án 93/2018/HS-PT ngày 25/01/2018 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 93/2018/HS-PT NGÀY 25/01/2018 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 25 tháng 01 năm 2018 tại Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, xét xửphúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 612/2017/TLPT-HS ngày 10 tháng 11 năm 2017 đối với bị cáo Trần Ngọc T, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 47/2017/HS-ST ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 08/QĐPT-HS ngày 02 tháng 01 năm 2018.

- Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Trần Ngọc T (tên gọi khác: không), sinh ngày 23/02/1988 tại Vĩnh Phúc; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: thôn H, xã NM, huyện LT, tỉnh Vĩnh Phúc; nơi đăng ký tạm trú: xã Đường 10, huyện BĐ, tỉnh Bình Phước; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; nghề nghiệp: làm nông; trình độ văn hóa: lớp 11/12; con ông Trần Văn T1 và bà Trần Thị L; có vợ là bà Đỗ Thị Y và có 01 người con sinh năm 2012; tiền án: không; tiền sự: không; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/10/2016 (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Hồ Phương B, là Luật sư của Văn phòng Luật sư Thành Vinh, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước (có mặt).

- : Anh Đỗ Minh T2, sinh năm 1979 (đã chết).

Người đại diện hợp pháp của người bị hại:

1/ Ông Đỗ Văn L1; nơi đăng ký cư trú: thôn 3, xã BB, huyện BĐ, tỉnh Bình Phước (vắng mặt).

2/ Chị Nguyễn Thị Mỹ D; nơi đăng ký cư trú: thôn TN, xã ĐN, huyện BĐ, tỉnh Bình Phước (vắng mặt).

- Người làm chứng:

1/ Anh NLC1 (vắng mặt)

2/ Anh NLC2 (vắng mặt)

Cùng cư trú tại: thôn 6, xã Đường 10, huyện BĐ, tỉnh Bình Phước

3/ Chị NLC3 (vắng mặt)

4/ Anh NLC4 (vắng mặt)

Cùng cư trú tại: thôn 3, xã BB, huyện BĐ, tỉnh Bình Phước

5/ Anh NLC5 (vắng mặt)

Cư trú tại: thôn 2, xã BB, huyện BĐ, tỉnh Bình Phước

6/ Anh NLC6 (vắng mặt)

7/ Chị NLC7 (vắng mặt)

Cùng cư trú tại: thôn 4, xã BB, huyện BĐ, tỉnh Bình Phước.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 20 giờ ngày 28/12/2006, bị cáo Trần Ngọc T cùng anh NLC1 và người bạn tên là anh “Hiệp B1” (không rõ nhân thân lai lịch) vào đám cưới nhà anh Nguyễn Hữu D1 tại thôn 4, xã BB, huyện BĐ, tỉnh Bình Phước chơi và ngồi chung bàn với anh NLC5, anh NLC2 (còn gọi là Hiệp Kh), chị NLC7 và một sốngười khác. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, anh Hiệp B1, bị cáo T và anh NLC1đi về trước và ra khu vực ngã tư BB thuộc xã BB, huyện BĐ chơi được một lúc thì anh Hiệp B1 rủ bị cáo T và anh NLC1 quay lại đám cưới nhà anh D1 để đánhngười chọc ghẹo bạn gái mình (ý anh Hiệp B1 nói chị NLC7 là bạn gái, nhưng chị NLC7 không thừa nhận là bạn gái anh Hiệp B1 và cũng không có ai chọc ghẹo chị NLC7) thì bị cáo T và anh NLC1 đồng ý. Khi đến cổng đám cưới, anh NLC1 ngồi ngoài khu vực để xe mô tô dựng ở mép đường nhựa (trước cổng đám cưới), bị cáo T và anh Hiệp B1 vào bàn, lúc đầu ngồi uống rượu tiếp. Trong lúc đang ngồi uống rượu, anh Hiệp B1 cầm một cái ly uống rượu đập xuống bàn làm bể ly. Thấy anh Hiệp B1 đập bể ly, một số thanh niên trong đám cưới(không xác định được ai) xông vào đánh T và anh Hiệp B1 chạy ra đường nhựa về hướng xã Đường 10 được khoảng 100m thì mỗi người nhặt một đoạn cây (không rõ loại cây gì) ở ven đường cầm quay lại gần đến chỗ anh NLC1 đang bịmột số thanh niên đánh, thì những thanh niên này bỏ chạy. Bị cáo T tiếp tục cầm cây đuổi theo những thanh niên này thì thấy anh Đỗ Minh T2, sinh năm 1979, trú tại thôn 4, xã BB, huyện BĐ, tỉnh Bình Phước đang đi bộ ra gần giữa đường.

Vì nhầm tưởng anh T2 là người trong nhóm thanh niên vừa đuổi đánh mình nên bị cáo T dùng hai tay cầm cây đập một cái trúng vùng thái dương đỉnh phải anh T2 làm anh T2 ngã xuống đường nhựa, bất tỉnh. Bị cáo T cầm cây chạy về hướng xã Đường 10 khoảng 100m thì vứt đoạn cây trên đường, rồi đến nhà ông Nguyễn Văn Th, ở thôn 7, xã Đường 10, huyện BĐ. Tại đây, bị cáo T gặp anh NLC1, anh Hiệp B1, anh NLC2, anh Hiệp Kh và một số người nữa, bị cáo T có kể “Đã cầm cây đập được một thằng gục tại chỗ” nhưng không ai nói gì. Sau đó,bị cáo T bỏ trốn đến ngày 07/10/2016 thì bị bắt và đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như trên. Còn anh T2 được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước, rồi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, đến ngày 06/01/2007 thì tử vong.

Tại Biên bản giải phẩu tử thi số 16/7/GĐPY ngày 06/01/2007 Bệnh viện Chợ Rẫy đối với anh Đỗ Minh T2, kết luận:

“* Dấu hiệu chính: Thương tích phù hợp do vật rắn, tày tác động vào đầu ở thái dương phải và thái dương chẩm trái gây ra:

- Nứt xương sọ thái dương đỉnh phải nhiều đường nhỏ, phức tạp;

- Nứt vỡ xương sọ thái dương chẩm trái thành nhiều mãnh và đường phức tạp;

- Tụ máu ngoài màng cứng chẩm trái và dưới màng cứng khắp não;

- Dập não trán thái dương phải, dập não thái dương chẩm trái có máu tụtrong não dập;

- Dập, tụ máu rãi rác cầu não nhiều vết nhỏ;

- Đã mổ cấp cứu.

* Kết luận: Tử vong: chấn thương sọ não, nứt vỡ xương vòm sọ, dập phù não nặng.”

Tại Bản Kết luận Giám định Pháp y trên hồ sơ số 63/2017/TgT ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Trung tâm Giám định Y khoa – Pháp y tỉnh Bình Phước kết luận: “Đoạn cây gỗ mà cơ quan trưng cầu cung cấp khi tác động trực tiếp vào vùng đầu có thể gây ra được tổn thương trên đầu anh Đỗ Minh T2.”

- Diễn biến ghi nhận tại biên bản thực nghiệm điều tra ngày 07/12/2016 phù hợp với tổn thương vùng đầu của Đỗ Minh T2.

- Vật chứng gây án: Đoạn cây dạng tròn, dài khoảng 1m, Cơ quan Điều tra đã truy tìm nhưng không thu hồi được. Ngày 27/3/2017, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho bị cáo T xác định lại đoạn cây có đặcđiểm tương tự với đoạn cây mà bị cáo đã dùng đánh anh T2 là 01 đoạn cây củi cao su dạng tròn, chiều dài 99cm, hai đầu cắt bằng, mỗi đầu có đường kính 5cm, đầu còn lại có đường kính 4,5cm.

Tại Cáo trạng số 22/CTr-VKS ngày 23 tháng 5 năm 2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước truy tố bị cáo Trần Ngọc T về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 93 của Bộ luật Hình sự.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 47/2017/HS-ST ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã quyết định:

1/ Tuyên bố bị cáo Trần Ngọc T phạm tội “Giết người”.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 33, Điều 45 của Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009,

Xử phạt bị cáo Trần Ngọc T 18 (mười tám) năm tù. Thời hạn tù kể từ ngày 07/10/2016.

2/ Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 của Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Điều 76 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2003,tịch thu tiêu hủy 01 đoạn cây củi cao su dạng tròn, chiều dài 99cm, hai đầu cắt bằng, mỗi đầu có đường kính 5cm, đầu còn lại có đường kính 4,5cm.

3/ Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 của Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009; các điều 584, 585, 586, 591 của Bộ luật Dân sự năm 2015,

Buộc bị cáo Trần Ngọc T phải có trách nhiệm bồi thường đầy đủ toàn bộ thiệt hại và cấp dưỡng một lần nuôi các cháu Đỗ Minh Tr, Đỗ Mỹ A cho ông Đỗ Văn L1 và chị Nguyễn Thị Mỹ D với tổng số tiền 934.743.023 (chín trăm ba mươi tư triệu, bảy trăm bốn mươi ba nghìn, không trăm hai mươi ba) đồng, trong đó 134.276.356 (một trăm ba mươi tư triệu, hai trăm bảy mươi sáu nghìn, ba trăm năm mươi sáu) đồng là tiền bồi thường toàn bộ thiệt hại, 386.800.000 (ba trăm tám mươi sáu triệu, tám trăm nghìn) đồng là tiền cấp dưỡng nuôi cháu Đỗ Minh Tr, 413.666.667 (bốn trăm mười ba triệu, sáu trăm sáu mươi sáu nghìn, sáu trăm sáu mươi bảy) đồng là tiền cấp dưỡng nuôi cháu Đỗ Mỹ A.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

4/ Án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo Trần Ngọc T phải chịu 200.000 đồng. Án phí dân sự sơ thẩm, bị cáo Trần Ngọc T phải chịu 40.042.290 đồng.

5/ Bị cáo, những người đại diện hợp pháp của người bị hại có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Ngày 09 tháng 10 năm 2017, bị cáo Trần Ngọc T nộp đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Ngọc T đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội đúng như bản án sơ thẩm đã xét xử và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo ban đầu.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến như sau:

Về tội danh: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Ngọc T về tội “Giết người” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

Về hình phạt: Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các quy định tại các điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khai không có tình tiết giảm nhẹ nào mới. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bị cáo tự bào chữa như sau: Bị cáo không tự bào chữa và xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo cũng xác định trong đơn kháng cáo của bị cáo ghi gia đình bị cáo có công cách mạng là không chính xác.

Luật sư bào chữa cho bị cáo phát biểu ý kiến như sau:

Về tội danh: Luật sư thống nhất và không tranh luận với Kiểm sát viên vềtội danh và điều luật mà bản án sơ thẩm đã xét xử.

Về hình phạt: Ngoài các tình tiết giảm nhẹ mà bản án sơ thẩm đã áp dụng, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thêm tình tiết bị cáo còn 02 con nhỏ, để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đđược tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xét lời khai nhận tội của bị cáo Trần Ngọc T tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với các tài liệu chứng cứ mà án sơ thẩm đã quy kết buộc tội, phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án đã chứng minh tại phiên tòa. Từ đó đã có đủ cơ sở để xác định:

Do nhầm tưởng anh Đỗ Minh T2 là người trong nhóm thanh niên vừađuổi đánh mình tại đám cưới nhà anh Nguyễn Hữu D1 thuộc thôn 4, xã BB, huyện BĐ, tỉnh Bình Phước nên vào khoảng 21 giờ ngày 28/12/2006, bị cáo Trần Ngọc T hai tay cầm cây đánh vào đầu anh T2 một cái làm cho anh T2 bịchấn thương sọ não, nứt vỡ xương vòm sọ, dập phù não nặng dẫn đến tử vong. Lời nhận tội của bị cáo Trần Ngọc T hoàn toàn phù hợp với Biên bản giải phẩu tử thi, kết luận giám định pháp y, biên bản, sơ đồ khám nghiệm hiện trường, biên bản, bản ảnh thực nghiệm điều tra, lời khai của những người làm chứng,người đại diện hợp pháp của người bị hại và các chứng cứ, tài liệu khác của vụán.

Giữa người bị hại và bị cáo không hề có mâu thuẫn gì, nhưng do tính côn đồ, hung hãn bị cáo đã dung cây gỗ tấn công, tước đoạt mạng sống của anh T2. Với hành vi nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo T về tội “Giết người”, với tình tiết định khung tăng nặng “có tính chất côn đồ” được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Hành vi của bị cáo thực hiện là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến tính mạng của anh Đỗ Minh T2, gây đau thương mất mát cho gia đình người bị hại, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân làm ảnhhưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương. Trong quá trình thực hiện tội phạm, bị cáo có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, hoàn toàn nhận thức rõ và làm chủ được hành vi, có lỗi cố ý, động cơ, mục đích giết người. Sau khi gây án bị cáo đã bỏ trốn gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý.

[2] Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo như: bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhất thời phạm tội và chưa có tiền án, tiền sự, đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Nên đã áp dụng điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự và tuyên phạt bị cáo 18 năm tù là phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả mà bị cáo đã gây ra, không nặng như đơn kháng cáo của bị cáo đã nêu. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo và Luật sư bào chữa cho bị cáo đưa ra tình tiết “bị cáo có 02 con còn nhỏ” và xin giảm nhẹ hình phạt là không có căn cứ để chấp nhận. Bởi vì tình tiết này là tình tiết “gia đình khó khăn” mà bản án sơ thẩm đã xem xét, áp dụng cho bị cáo. Do đó, đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp với quan điểm của Hội đồng nên được chấp nhận. Cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Do giữ nguyên bản án sơ thẩm nên bị cáo phải chịu án phí hình sự sơthẩm theo luật định.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015,

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Ngọc T và giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 47/2017/HS-ST ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước.

1/ Tuyên bố bị cáo Trần Ngọc T phạm “Tội Giết người”.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 33, Điều 45 của Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009,

Xử phạt bị cáo Trần Ngọc T 18 (mười tám) năm tù. Thời hạn tù kể từ ngày 07 tháng 10 năm 2016.

2/ Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

3/ Về án phí hình sự phúc thẩm: Buộc bị cáo Trần Ngọc T phải nộp 200.000(hai trăm ngàn) đồng.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

869
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 93/2018/HS-PT ngày 25/01/2018 về tội giết người

Số hiệu:93/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:25/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về