TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
BẢN ÁN 92/2018/DS-PT NGÀY 09/10/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Trong các ngày 07 tháng 8 và 09 tháng 10 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 32/2018/TLPT-DS ngày 11 tháng 5 năm 2018, về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 60/2018/QĐ-PT ngày 11 tháng 7 năm 2018, Thông báo về việc thay đổi thời gian xét xử số 73/2018/TB- TA ngày 23 tháng 7 năm 2018, Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 85a/2018/QĐ-PT ngày 07 tháng 8 năm 2018 và Thông báo về việc tiếp tục phiên tòa số 99/2018/TB-TTPT ngày 20 tháng 9 năm 2018, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Trương Đình T, sinh năm 1960. Bà Thái Thị L, sinh năm 1968.Cùng địa chỉ: Ấp H, xã B, huyện X, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Bà Thái Thị L ủy quyền tham gia tố tụng cho ông Trương Đình T, theo giấy ủy quyền ngày 08- 12-2017) (có mặt).
2. Bị đơn: Tổng Công ty Bảo hiểm B.
Trụ sở: Số 35 H, phường T, quận H, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Xuân V – Tổng Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Hà Phước N – Phó Giám đốc B Vũng Tàu (Theo giấy ủy quyền số 8660/UQ-BHBV ngày 02-10-2018) (có mặt).
3. Người làm chứng: Bà Ngô Thị M, sinh năm 1961.
Địa chỉ: 841/2 Tỉnh lộ 10, phường T, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt ngày 07-8-2018, vắng mặt ngày 09-10-2018).
4. Người kháng cáo: Tổng Công ty Bảo hiểm B – Bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn, ông Trương Đình T và bà Thái Thị L trình bày:
Bà L là chủ sở hữu xe ô tô mang biển số 72B-00205, đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe với Công ty B Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc Tổng Công ty Bảo hiểm B, theo Giấy chứng nhận bảo hiểm số 000449277 ngày 18-12-2013. Thời hạn bảo hiểm từ ngày 18-12-2013 đến ngày 07-12-2014; mức trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba: Về người là 70.000.000 đồng/1 người/1vụ, về tài sản là 70.000.000 đồng/1 vụ.
Ngày 31-12-2013, xe ô tô biển số 72B-00205 xảy ra tai nạn giao thông làm01 người chết, 11 người bị thương, 04 xe ô tô bị hư hỏng. Theo thông báo kết luận của Công an thành phố B, tỉnh Đồng Nai thì lỗi gây ra vụ tai nạn trên là do tài xế điều khiển xe ô tô 72B-00205.
Sau khi tai nạn xảy ra, ông bà đã thông báo cho Công ty B Bà Rịa-Vũng Tàu để phối hợp giải quyết nhưng Công ty B Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu ông bà tự thỏa thuận bồi thường và tập hợp hóa đơn, chứng từ để Công ty B chi trả tiền bảo hiểm theo quy định. Vì vậy, ông bà đã tự thỏa thuận bồi thường cho những người bị thiệt hại tổng số tiền 254.000.000 đồng, theo hóa đơn, chứng từ và xác nhận của Cơ quan có thẩm quyền, cụ thể như sau:
- Bồi thường cho chủ xe ô tô 51C-22013: 85.000.000 đồng;
- Tiền thuê cẩu kéo xe: 4.000.000 đồng;
- Bồi thường cho chủ xe ô tô 51C-04855: 13.000.000 đồng;
- Bồi thường cho gia đình tài xế Nguyễn Văn A: 20.000.000 đồng;
- Bồi thường cho bà Văn Thị Kim T: 20.000.000 đồng;
- Bồi thường cho bà Dương Thị N: 25.000.000 đồng;
- Bồi thường cho bà Nguyễn Thị H: 30.000.000 đồng;
- Bồi thường cho bà Phan Thị Huyền T: 30.000.000 đồng;
- Bồi thường cho ông Trương Thái K: 16.500.000 đồng;
- Bồi thường cho bà Nguyễn Thị B: 10.500.000 đồng.
Đối với 02 nạn nhân còn lại là bà Trần Thị T và bà Nguyễn Ý N, tại bản án dân sư phúc thẩm số 76A/2017/DS-PT ngày 04-7-2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tuyên buộc ông bà bồi thường cho bà Trần Thị T 37.387.417 đồng,bồi thường cho bà Nguyễn Ý N 39.400.000 đồng. Công ty B Bà Rịa-Vũng Tàu mới tạm ứng chi trả cho ông bà 143.400.000 đồng để bồi thường cho những người bị thiệt hại về tính mạng và sức khỏe, các khoản khác chưa chi trả. Do vậy, ông bà khởi kiện yêu cầu Tổng Công ty Bảo hiểm B phải tiếp tục chi trả những khoản tiền sau: Thiệt hại về tài sản: 70.000.000 đồng, thiệt hại về sức khỏe: 85.000.000 đồng (đã làm tròn số). Tổng cộng cả hai khoản là 155.000.000 đồng.
Đối với số tiền ông bà đã bồi thường cho chủ xe ô tô 51C-22013 và 51C- 04855 vượt quá 70.000.000 đồng, ông bà không yêu cầu giải quyết.
Bị đơn, Tổng công ty Bảo hiểm B trình bày:
Bà Thái Thị L là chủ xe ô tô mang biển số 72B-00205, có mua bảo hiểm của Công ty B Bà Rịa-Vũng Tàu như ông T khai là đúng.
Sau khi tai nạn xảy ra mặc dù phía chủ xe còn thiếu nhiều giấy tờ liên quan đến vụ tai nạn nhưng Công ty Bảo hiểm B Bà Rịa-Vũng Tàu, là chi nhánh trực thuộc Tổng công ty Bảo hiểm B đã căn cứ Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT ngày 27- 9-2013 của Bộ Y tế - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tư số 151/2012/TT-BTC ngày 12-9-2012 của Bộ Tài chính (sau đây gọi tắt là Thông tư 151), Thông tư 126/2008/TT-BTC ngày 22-12-2008 của Bộ tài chính (sau đây gọi tắt là Thông tư 126) và hồ sơ tài liệu thực tế, duyệt bồi thường thiệt hại cho những hành khách trên xe bị thiệt hại về sức khỏe và tài xế là 143.400.000 đồng vào ngày 04-02-2015, cụ thể:
1/ Tài xế Nguyễn Văn A (lái xe): 20.000.000 đồng;
2/ Bà Văn Thị Kim T: 6.000.000 đồng;
3/ Bà Dương Thị N: 20.000.000 đồng;
4/ Bà Nguyễn Thị H: 18.000.000 đồng;
5/ Bà Phan Thị Huyền T: 11.000.000 đồng;
6/ Ông Trương Thái K: 6.900.000 đồng;
7/ Bà Nguyễn Thị B: 10.500.000 đồng;
8/ Bà Trần Thị T: 25.000.000 đồng;
9/ Bà Nguyễn Ý N: 26.000.000 đồng.
Như vậy, đối với chi phí khắc phục thiệt hại về con người Công ty B Bà Rịa-Vũng Tàu đã bồi thường xong nên không chấp nhận yêu cầu của ông T, bà L về việc đòi bồi thường thêm số tiền 85.000.000 đồng.
Về trách nhiệm dân sự đối với tài sản: Căn cứ vào Điều 9 Thông tư 151 và Thông tư số 126, Công ty B Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhiều lần yêu cầu ông T, bà L cung cấp hóa đơn, chứng từ thiệt hại về tài sản để được bồi thường, nhưng ông T, bà L vẫn chưa cung cấp. Nếu nguyên đơn cung cấp được hóa đơn chứng từ thiệt hại về tài sản, Công ty B sẽ bồi thường theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp nguyên đơn không cung cấp được hóa đơn, chứng từ thì Công ty B không có căn cứ để bồi thường.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 14/2018/DS-ST ngày 14 tháng 3 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã căn cứ Điều 26, điểm g khoản 1 Điều 40 của Bộ Luật tố tụng Dân sự năm 2015; Điều 360 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 14, Điều 17, Điều 18, Điều 33, Điều 46, Điều 53, Điều 55 và điều 57 của Luật kinh doanh bảo hiểm, tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trường Đình T và bà Thái Thị L; buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B phải hoàn trả khoản tiền thiệt hại về tài sản cho ông T và bà L số tiền 70.000.000 đồng.
2. Không chấp nhận phần yêu cầu khởi kiện của ông T, bà L về việc yêu cầu Tổng Công ty Bảo hiểm B trả khoản tiền bồi thường thiệt hại cho người thứ ba là bà Văn Thị Kim T, bà Dương Thị N, bà Nguyễn Thị H, bà Phan Thị Huyền T và ông Trương Thái K với số tiền là 59.600.000 đồng.
3. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T và bà L về việc yêu cầu Tổng Công ty Bảo hiểm B bồi thường trách hiệm dân sự về thiệt hại đối với người thứ ba là bà Trần Thị T và bà Nguyễn Ý N, với số tiền là 25.780.000 đồng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về lãi suất chậm thi hành án, án phí dân sự sơ thẩm và quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 29-3-2018, bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B kháng cáo đối với mục 1 và mục 3 phần Quyết định của bản án sơ thẩm với lý do: Có sự sai lệch trong số tiền bồi thường với chủ xe 51C-22013 và nguyên đơn không cung cấp được hóa đơn sửa chữa, nơi sửa chữa và không đúng theo Nghị định 103/2008/NĐ-CP ngày 16-9-2008 kèm Thông tư 126/2008/TT-BTC và Thông tư 151/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính; số tiền bản án sơ thẩm buộc bị đơn bồi thường thêm cho bà Trần Thị T và Nguyễn Ý N vượt quá tỷ lệ thương tật đã giám định.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Nguyên đơn ông Trương Đình T, bà Thái Thị L giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, xác nhận đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm đã tuyên.
- Bị đơn Tổng Công ty bảo hiểm B giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm sửa mục 1 và mục 3 phần Quyết định của bản án sơ thẩm theo hướng: Đối với khoản tiền bồi thường về tài sản: Đề nghị Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận mức bổi thường theo chứng từ mà chủ xe bà Ngô Thị M cung cấp và được bị đơn chấp nhận là 56.900.000 đồng; đối với khoản tiền bồi thường về sức khỏe cho bà T và bà N: Đề nghị Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận mức bồi thường theo quy định tại Thông tư 151, những khoản nguyên đơn không chứng minh được hoặc không phù hợp đề nghị không chấp nhận.
Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, không bổ sung thêm chứng cứ nào khác.
- Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc giải quyết vụ án:
Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị đơn phù hợp quy định tại Điều 272 Bộ luật tố tụng dân sự và nộp trong thời hạn luật định. Những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng và đầy đủ trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Tổng Công ty bảo hiểm B, sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B bồi thường cho ông Trương Đình T và bà Thái Thị L tiền chi phí sửa xe là 62.000.000 đồng, bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà Nguyễn Ý N là 21.000.000 đồng (trừ đi số tiền đã bồi thường là 26.000.000 đồng nên đã xong), bồi thường cho bà Trần Thị T 29.000.000 đồng (trừ đi số tiền đã bồi thường là 25.000.000 đồng, còn lại phải bồi thường tiếp 4.000.000 đồng).
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của Tổng Công ty bảo hiểm B đảm bảo yêu cầu theo quy định tại Điều 272 và nộp trong thời hạn quy định tại Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự, nên chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
Nguyên đơn bà Thái Thị L vắng mặt nhưng có người đại diện theo ủy quyền là ông Trương Đình T có mặt tại phiên tòa, căn cứ Điều 228 và Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án xét xử vụ án vắng mặt bà L.
[2] Về nội dung: Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn:
[2.1] Đối với khoản tiền thiệt hại về tài sản:
Khi giải quyết yêu cầu này, cấp sơ thẩm căn cứ vào chứng cứ nguyên đơn cung cấp là biên bản thỏa thuận bồi thường giữa ông Trương Đình T với chủ xe ô tô biển số 51C-22013 là bà Ngô Thị M vào ngày 21-01-2014 và giữa ông T với chủ xe 51C-04855 là ông Nguyễn Văn N vào ngày 31-12-2013. Hai biên bản này được lập tại Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Theo đó, phía nguyên đơn đã bồi thường cho bà M số tiền 85.000.000 đồng và bồi thường cho ông N số tiền 13.000.000 đồng. Ngoài ra, cấp sơ thẩm còn căn cứ vào kết luận định giá tài sản đối với xe ô tô 51C-220.13 là 71.470.000 đồng. Tuy nhiên, bị đơn là Tổng công ty Bảo hiểm B không chấp nhận chứng cứ này vì cho rằng: Việc thỏa thuận trên chỉ là thỏa thuận riêng giữa hai bên, không được sự công nhận của Cơ quan có thẩm quyền, không kèm theo bất cứ chứng từ, tài liệu nào khác chứng minh. Tại phiên tòa phúc thẩm người làm chứng là bà Ngô Thị M khai: Sở dĩ bà ký vào biên bản thỏa thuận trên là để được bảo lãnh xe ô tô về sửa chữa phục vụ kinh doanh, còn thực tế phía ông T, bà L chưa bồi thường cho bà M số tiền trên.
Xét thấy, biên bản thỏa thuận ngày 21-01-2014 tuy do hai bên tự ký với nhau nhưng theo xác nhận của đại diện Công an thành phố Biên Hòa ngày 04-9-2018 thì lời trình bày của ông T về việc thỏa thuận và chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho các chủ xe là bà M, ông N là đúng sự thật. Do vậy, có căn cứ kết luận việc ông T đã giao số tiền bồi thường cho bà M là 85.000.000 đồng và cho ông N 13.000.000 đồng là có thật. Lời khai của bà M không phù hợp với các chứng cứ trên nên không được chấp nhận.
Tuy nhiên, do việc thỏa thuận bồi thường trên không có sự tham gia của bên Bảo hiểm; ông T, bà L cũng không cung cấp được chứng từ, hóa đơn chứng minh nên theo quy định của Thông tư 151 và Thông tư 126 thì không thể căn cứ vào số tiền trên để buộc Công ty Bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm. Cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào các chứng cứ nêu trên để buộc bị đơn hoàn trả tiền bảo hiểm cho nguyên đơn là không phù hợp quy định của pháp luật.
Trong quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm, bị đơn cung cấp 02 chứng cứ chứng minh số tiền chi phí sửa 02 xe ô tô trên, cụ thể như sau:
- Chứng cứ thứ nhất là “Biên nhận sửa chữa xe” ngày 17-3-2014 của cơ sở sửa chữa ô tô P đối với xe ô tô 51C-220.13, số tiền thanh toán là 56.900.000 đồng. Đây là bản chụp do bà M cung cấp cho bị đơn. Tuy bản chụp này không có bản gốc để đối chiếu nhưng phía bị đơn chấp nhận số tiền ghi trên giấy biên nhận này là hợp lý và đồng ý chi trả theo chi phí này. Phía ông T không thừa nhận giấy biên nhận này nhưng cũng không cung cấp được chứng từ nào khác để chứng minh số tiền chi phí sửa xe. Do vậy, Hội đồng xét xử chấp nhận số tiền chi phí sửa xe 51C-220.13 theo biên nhận trên là 56.900.000 đồng. Chi phí kéo xe 4.000.000 đồng có giấy biên nhận tiền chứng minh nên cũng được chấp nhận. Như vậy, tổng chi phí sửa xe 51C-220.13 là 60.900.000 đồng.
- Chứng cứ thứ hai là Bảng báo giá chi phí sửa chữa ngày 16-01-2014 do Công ty TNHH MTV Ô tô T cung cấp đối với xe ô tô 51C-04855, số tiền chi phí sửa xe là 9.251.000 đồng. Mặc dù Công ty T không xác định được là chủ xe ô tô 51C-04855 có sửa chữa xe tại Công ty này hay không nhưng bị đơn thừa nhận khoản tiền chi phí sửa chữa xe theo bảng báo giá này là hợp lý. Phía nguyên đơn cũng chấp nhận xác định chi phí sửa xe 51C-04855 theo bản báo giá mà bị đơn đưa ra. Vì vậy, Hội đồng xét xử chấp nhận tính chi phí sửa chữa xe ô tô 51C-04855 là 9.251.000 đồng.
Như vậy, tổng chi phí sửa chữa tài sản bị thiệt hại trong vụ tai nạn giao thông trên (gồm cả xe 51C-220.13 và xe 51C-04855) là 60.900.000 đồng + 9.251.000 đồng = 70.151.000 đồng, vượt quá mức trách nhiệm bồi thường của Công ty Bảo hiểm. Do vậy, cấp sơ thẩm buộc bị đơn trả khoản tiền bảo hiểm về tài sản cho nguyên đơn là 70.000.000 đồng là có căn cứ, phù hợp với phân tích trên. Khoản chi phí vượt quá 70.000.000 đồng, nguyên đơn không yêu cầu bị đơn hoàn trả nên không xem xét.
[2.2] Đối với khoản tiền thiệt hại về sức khỏe: [2.2.1] Đối với bà Trần Thị T và bà Nguyễn Ý N:
Cấp sơ thẩm căn cứ vào bản án số 76A/2017/DS-PT ngày 04-7-2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Thông tư 126, chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đối với các khoản tiền bồi thường cho hai người này là không chính xác, vì: Thời điểm vụ tai nạn trên xảy ra, Thông tư 126 đã được sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 151. Tại khoản 7, Điều 1 Thông tư 151 quy định: “Mức bồi thường cụ thể cho từng thương tật, thiệt hại về người được xác định theo Bảng quy định trả tiền bồi thường thiệt hại về người quy định tại Phụ mục 2 ban hành kèm theo Thông tư này … Trường hợp có quyết định của Tòa án thì căn cứ vào quyết định của Tòa án nhưng không vượt quá mức bồi thường quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này”. Như vậy, trường hợp này, Tòa án phải căn cứ vào quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 151 để tính mức tiền bồi thường trên cơ sở từng thương tích cụ thể của mỗi người. Do bà T và bà N bị thương tích ở nhiều vị trí khác nhau và tổng tỷ lệ thương tích cao nên cần áp dụng khoản tiền bảo hiểm cao nhất đối với mỗi thương tích theo Phụ lục 2 của Thông tư 151, cụ thể như sau:
- Đối với bà Trần Thị T: Bị gãy xương cánh chậu trái và gãy trật xương bàn chân, mức bồi thường cao nhất cho cả hai thương tích theo Thông tư 151 là 21.000.000 đồng + 8.000.000 đồng = 29.000.000 đồng. Công ty Bảo hiểm đã tạm ứng trước 25.000.000 đồng nên còn phải chi trả tiếp cho ông T, bà L 4.000.000 đồng. - Đối với bà Nguyễn Ý N: Bị trật khớp háng, gãy xương chày phải và gãy đầu xương mác phải, mức bồi thường cao nhất cho cả 03 thương tích theo Thông tư 151 là 10.000.000 đồng + 15.000.000 đồng + 14.000.000 đồng = 39.000.000 đồng. Công ty Bảo hiểm đã tạm ứng trước 26.000.000 đồng nên còn phải chi trả tiếp cho ông T, bà L 13.000.000 đồng.
Tổng cộng cả hai khoản trên, Công ty Bảo hiểm phải chi trả cho ông T, bà L là 17.000.000 đồng.
[2.2.2] Đối với bà Văn Thị Kim T, bà Dương Thị N, bà Nguyễn Thị H, bà Phan Thị Huyền T, bà Nguyễn Thị B và ông Trương Thái K:
Ông T, bà L không cung cấp được đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh chi phí điều trị thương tích của những người này. Kết quả xác minh của bị đơn đối với những hành khách trên họ đều khẳng định số tiền nguyên đơn bồi thường cho họ ít hơn số tiền ghi trong giấy bãi nại. Do vậy, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn yêu cầu bị đơn hoàn trả các khoản tiền đã bồi thường cho những người này là có căn cứ. Ông Trọng, bà Liên cũng không kháng cáo đối với phần này nên cần giữ nguyên như bản án sơ thẩm.
[2.3] Từ những phần tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm đối với khoản tiền mà Tổng Công ty Bảo hiểm B phải chi trả cho ông T, bà L liên quan đến thiệt hại về sức khỏe của bà Trần Thị T và bà Nguyễn Ý N.
[3] Về án phí dân sự sơ thẩm: Bị đơn phải chịu án phí trên số tiền phải trả cho nguyên đơn là 87.000.000 đồng. Nguyên đơn phải chịu án phí đối với khoản tiền yêu cầu bị đơn trả nhưng không được chấp nhận là 68.000.000 đồng.
[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm nên căn cứ khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2017/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bị đơn không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm và được hoàn trả số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.
Vì các l trên:
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự;
Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, Tổng Công ty Bảo hiểm B, sửa bản án sơ thẩm:
Căn cứ Điều 26, điểm g khoản 1 Điều 40 của Bộ Luật tố tụng Dân sự năm 2015; Điều 360 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 14, Điều 17, Điều 18, Điều 33, Điều 46, Điều 53, Điều 55 và Điều 57 của Luật kinh doanh bảo hiểm, tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Trương Đình T và bà Thái Thị L, buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B trả các khoản tiền bảo hiểm sau cho ông T và bà L:
- Khoản tiền 70.000.000 (bảy mươi triệu) đồng thiệt hại về tài sản.
- Khoản tiền 17.000.000 (mười bảy triệu) đồng bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho người thứ ba là bà Trần Thị T và bà Nguyễn Ý N.
Kể từ ngày bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành án không chịu trả số tiền nêu trên thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải trả cho bên được thi hành án khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 với thời gian chậm thi hành án.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trương Đình T và bà Thái Thị L về việc buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B trả khoản tiền 68.000.000 (sáu mươi tám triệu) đồng, là tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho người thứ ba, gồm: Bà Văn Thị Kim T (14.000.000 đồng), bà Dương Thị N (5.000.000 đồng), bà Nguyễn Thị H (12.000.000 đồng), bà Phan Thị Huyền T (19.000.000 đồng), ông Trương Thái K (9.600.000 đồng), bà Trần Thị T (8.000.000 đồng) và Nguyễn Ý N (400.000 đồng).
3. Án phí dân sự sơ thẩm:
Tổng Công ty Bảo hiểm B phải nộp 4.350.000 (bốn triệu ba trăm năm mươi ngàn) đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Ông Trương Đình T, bà Thái Thị L phải nộp 3.400.000 (ba triệu bốn trăm ngàn) đồng án phí dân sư sơ thẩm, được khấu trừ số tiền 4.870.000 (bốn triệu tám trăm bảy mươi ngàn) đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền số 0008159 ngày 10-10-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông T, bà L được hoàn trả số tiền tạm ứng án phí còn dư là 1.470.000 (một triệu bốn trăm bảy mươi ngàn) đồng.
4. Về án phí phúc thẩm: Tổng Công ty Bảo hiểm B không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm, được hoàn trả số tiền 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền số 0001875 ngày 16-4-2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại điều 6, 7, 7a, 7b, 9 luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 92/2018/DS-PT ngày 09/10/2018 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm
Số hiệu: | 92/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 09/10/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về