Bản án 92/2018/DS-PT ngày 07/02/2018 về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản và vay tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

BẢN ÁN 92/2018/DS-PT NGÀY 07/02/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN VÀ VAY TÀI SẢN

Trong ngày 31 tháng 01 và ngày 07 tháng 02 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số:333/2017/TLPT-DS ngày 17 tháng 11 năm 2017 về tranh chấp: “Hợp đồng muabán tài sản và hợp đồng vay tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 78/2017/DS-ST ngày 27/9/2017 của Tòa ánnhân dân huyện Tân Phước bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 446/2017/QĐ-PT ngày01/12/2017 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Lê Thị Mỹ P, sinh năm: 1968; (có mặt) Địa chỉ: Khu A, thị trấn MP, huyện TP, tỉnh Tiền Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư NguyễnMinh Trường S – Văn phòng Luật sư Nguyễn Minh H thuộc Đoàn Luật sư tỉnhTiền Giang. (có mặt)

2. Bị đơn: Phan Thị D, sinh năm 1964;

Địa chỉ: ấp MT, xã PL, huyện TP, tỉnh Tiền Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Trần Thanh H – Văn phòng Luật sư Trần Thanh H thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang. (có mặt) 1965.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Văn C, sinh năm:

Địa chỉ: ấp MT, xã PL, huyện TP, tỉnh Tiền Giang.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Chúc: Bà Phan Thị D, sinh năm1964; (Giấy ủy quyền được Ủy ban nhân dân xã PL, huyện TP, tỉnh Tiền Giang xác nhận ngày 07/8/2017). (có mặt)

Địa chỉ: ấp MT, xã PL, huyện TP, tỉnh Tiền Giang.

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn Lê Thị Mỹ P, bị đơn Phan Thị D và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Nguyễn Văn C.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm,

* Nguyên đơn bà Lê Thị Mỹ P trình bày:

Thời gian từ tháng 11 năm 2007 âm lịch đến tháng 7 năm 2011 âm lịch, bà có bán cám, gạo cho bà Phan Thị D, bà D có ký nhận gạo, ông Nguyễn Văn C là chồng bà Dvận chuyển, mua bán bằng tiền mặt. Số tiền mua gạo, cám vào năm2008, 2009 đã thanh toán xong. Năm 2010, 2011 bà D mua của bà số lượng gạo, cám còn thiếu như sau:

- Số lượng gạo, cám mua vào năm 2010:

+ 17 bao gạo giá 9.500 đồng/kg, 25kg gạo giá 9.500 đồng/kg, 14 bao giá7.250 đồng/kg, 03 bao giá 8.500 đồng/kg, 12kg bao giá 7.100 đồng/kg, 03bao giá 8.000 đồng/kg, 14 bao giá 6.00 đồng/kg, 20 bao giá 8.700 đồng/kg, 14 bao giá 8.150 đồng/kg, 04 bao giá 9.400 đồng/kg, 17 bao giá 9.000 đồng/kg, 08 bao giá 9.600 đồng, 13 bao giá 9.000 đồng/kg, 07 bao giá 10.000 đồng/kg, 03 bao giá9.600 đồng/kg, 01 bao giá 10.000 đồng/kg, 04 bao giá 8.900 đồng/kg, 11 bao giá8.800 đồng/kg, 04 bao giá 9.400 đồng/kg, 16 bao giá 8.600 đồng, 04 bao giá 8.500 đồng, 02 bao cám xay (50kg/bao) giá 1.650 đồng/kg.

+ Tiền gạo cũ còn lại là 1.110.000 đồng;

- Số lượng, gạo, cám mua vào năm 2011 như sau:

+ 10 bao giá 9.700 đồng/kg, 04 bao giá 11.500 đồng/kg, 02 bao giá 10.500 đồng/kg, 10 bao giá 9.800 đồng/kg, 15 bao giá 9.700 đồng/kg, 02 bao giá 10.500 đồng/kg, 12 bao giá 10.000 đồng/kg, 20 bao giá 10.300 đồng/kg, 10 bao giá10.300 đồng/kg, 02 bao giá 10.500 đồng/kg, 14 bao giá 10.000 đồng/kg, 06 bao giá 10.400 đồng, 20 bao giá 10.300 đồng/kg, 05 bao giá 11.000 đồng/kg, 01 baogiá 11.600 đồng, 20 bao giá 10.500 đồng/kg, 02 bao cám xay (45kg/bao) giá 2.700 đồng/kg. Tất cả các bao gạo là loại 50kg/bao. Việc mua bán có làm sổ, bà D có giữ sổ do bà ghi giao cho bà D và bà cũng có ghi vào sổ của bà, bà D có ký tên vào sổ của bà.

Ngoài ra trong năm 2010 và năm 2011 bà có cho bà D vay nhiều lần số tiền300.000 đồng, không tính lãi, không nhớ ngày tháng cho vay. Đến nay, bà D chưa trả cho bà.Số tiền mua gạo, cám và tiền vay vào năm 2010 bà D thiếu bà là 94.892.000 đồng; số tiền mua gạo, cám và tiền vay bà D còn thiếu vào năm 2011 là 68.570.000 đồng, tổng cộng là 163.462.000 đồng.

Bà yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà D trả số tiền 163.462.000 đồng và tiền lãi như sau:

- Đối với số tiền còn thiếu vào năm 2010 là 94.892.000 đồng thì tính lãi theo quy định của pháp luật và lãi phạt theo mức lãi suất 1,3% từ ngày 01/01/2011 cho đến nay.

- Đối với số tiền còn thiếu vào năm 2011 là 68.570.000 đồng thì tính lãi như trên từ ngày 04/7/2011 âm lịch đến nay. Yêu cầu trả làm một lần ngay khi bản án có lực pháp luật.

Tại phiên tòa ngày 25/9/2017 bà P yêu cầu bà D trả 105.780.000 đồng làm 01 lần và yêu cầu tính lãi theo luật định.

* Bị đơn bà Phan Thị D trình bày:

Giữa bà và bà Lê Thị Mỹ P có quan hệ mua bán gạo, cám từ năm 2008 đến năm 2011. Số lượng gạo, cám, giá tiền và tiền bà mượn, đúng như bà P đã trình bày. Việc mua bán có làm sổ, mỗi người giữ một sổ, bà P có ghi vào sổ do bà giữ. Bà đã trả tiền cho bà P chỉ còn thiếu lại số tiền 1.575.000 đồng, trả không có làm biên nhận, có khi bà P ghi vào sổ của bà, có khi không có ghi, không có ký tên vào sổ. Qua yêu cầu của bà P, bà chỉ đồng ý trả cho bà P số tiền 1.575.000 đồng

Ngày 14/7/2017 bà Phan Thị D có bản tự khai xác định: Bà và Lê Thị Mỹ P có quan hệ mua bán gạo, cám từ năm 2008 đến năm 2011. Việc mua bán năm 2008 và năm 2009 đã thanh toán xong. Năm 2010 bà mua gạo của bà P số tiền là70.213.000 đồng, tiền cám là 12.687.000 đồng. Trên sổ của bà bà P có ghi nhận tiền nhiều đợt tổng cộng 82.9000 đồng xem như xong, hai bên không tranh chấp. Năm 2011 bà mua gạo của bà P số tiền 66.970.000 đồng. Trên sổ của bà, bà P có ghi nhận tiền nhiều đợt tổng cộng 57.000.000 đồng, bà còn thiếu 9.970.000 đồng. Bà P mượn bà 4.000.000 đồng để trả cho bà N, bà trả cho bà P thêm 4.395.000 đồng không có ghi sổ. Như vậy bà chỉ còn nợ bà P 1.575.000 đồng của số tiền gạo năm 2011. Vì vậy bà P yêu cầu bà trả số tiền 105.780.000 đồng nợ gốc và tiền lãi là 56.311.000 đồng, bà không đồng ý. Bà chỉ đồng ý trả cho bà P số tiền 1.575.000 đồng.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn C trình bày:

Việc mua bán cám, gạo giữa bà P và bà D ông không có tham gia. Nên ông không đồng ý trả tiền theo yêu cầu của bà P.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 78/2017/DS-ST ngày 27/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện TP quyết định:

Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Mỹ P.

Buộc bà Phan Thị D phải trả cho bà Lê Thị Mỹ P số tiền 73.487.751 đồng (bảy mươi ba triệu bốn trăm tám mươi bảy ngàn bảy trăm năm mươi mốt đồng). Thực hiện nghĩa vụ giao trả một lần ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên phần án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của đương sự theo qui định của pháp luật.

* Ngày 07/10/2017, bị đơn bà Phan Thị D và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn C kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Tân Phước yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại theo hướng chỉ đồng ý trả cho bà P số tiền 1.575.000 đồng.

* Ngày 11/10/2017, nguyên đơn Lê Thị Mỹ P kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà, buộc bà D trả cho bà số tiền nợ gốc là 105.780.000 đồng và tiền lãi phát sinh theo quy định pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, nguyên đơn, bị đơn không rút đơn kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn có nhiều lập luận cho rằng các sổ số 2 và số 3 mà bà D cung cấp là trả tiền của các đợt mua cám, gạo trong năm 2009 trở về trước, không phải trả tiền mua cám gạo trong năm2010, 2011. Việc bà D trả cho bà N 4.000.000 đồng là do bà D tự ý trả, bà P không yêu cầu nên không thể cấn trừ vào tiền nợ của bà P. Ngoài ra trong quá trình giao dịch mua bán cám, gạo ông C chồng bà D là người vận chuyển cùng sống chung với bà D nhưng Tòa sơ thẩm không buộc ông C liên đới trả nợ là thiệt thòi cho quyền lợi của bà P. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo của bà P buộc bà D và ông C liên đới trả đủ 105.780.000 đồng cho bà P và tiền lãi theo quy định pháp luật.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn có nhiều lập luận cho rằng việc Phòng kỷ thuật hình sự Công an tỉnh Tiền Giang giám định đúng chữ viết của bà P trong các sổ số 2 và số 3 nên có cơ sở khẳng định năm 2010 bà D đã trả cho bà P số tiền 65.800.000 đồng, năm 2011 bà D đã trả cho bà P số tiền 68.000.000 đồng, tổng cộng bà D đã trả số tiền 133.800.000 đồng tức đã trả hết nợ bà P, vì bà P chỉ yêu cầu bà D trả nợ gốc 105.780.000 đồng. Việc Tòa sơ thẩm buộc bà D phải trả lãi suất trong khi bà Dkhông còn nợ tiền bà P là làm thiệt thòi cho quyền lợi của bà D. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo của bà D, sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện củabà P.

Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng kể từ khi thụ lí vụ án cho đến trước thời điểm hội đồng xét xử nghị án đã tuân thủ đúng các qui định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án: Đại diện Viện kiểm sát cho rằng căn cứ vào kết luận giám định của Phòng kỷ thuật hình sự Công an tỉnh Tiền Giang tại các sổ số 2 và số 3 mà bà D cung cấp xác định trong năm 2010 và 2011 bà D đã trả cho bà P số tiền 133.800.000 đồng, trong khi vụ án được giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm bà P chỉ yêu cầu bà D trả nợ gốc 105.780.000 đồng mà Tòa sơ thẩm vẫn chấpnhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà P và buộc bà D phải chịu lãi chậm trả là không có căn cứ vững chắc. Mặt khác, trong quá trình bà giải quyết vụ án bà D khai đã trả cho bà N 4.000.000 đồng thay bà P, lời trình bày của bà D phù hợp với lời khai của bà N nhưng không được Tòa sơ thẩm đối chất để làm rõ có việc cấn trừ nợ hay không. Khi bà D và bà P thực hiện giao dịch mua bán cám gạo ông C là chồng bà D, quan hệ hôn nhân còn hiện hữu, ông C có tham gia vận chuyển, việc bà D mua bán nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày trong gia đình nhưng Tòa sơ thẩm không buộc ông C cùng liên đới thực hiện nghĩa vụ trả tiền nếu bà D còn thiếu nợ là làm thiệt hại cho quyền lợi của bà P. Từ những vi phạm nghiêm trọng nêu trên, nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 308 của bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về Tòa án nhân dân huyện Tân Phước giải quyết lại theo thủ tục chung.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Xét đơn kháng cáo và biên lai thu tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm của bà Phan Thị D, ông Nguyễn Văn C nộp, ghi ngày 07/10/2017 (BL 298, 299) và của bà Lê Thị Mỹ P nộp, ghi ngày 11/10/2017 (BL 302-303) còn trong thời hạn luật định và hợp lệ đúng theo quy định tại các Điều 271, 272 và 273 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nên được xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

Về quan hệ pháp luật, Tòa sơ thẩm xác định tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản và hợp đồng vay tài sản là đúng với tính chất vụ án và yêu cầu cầu khởi kiện của nguyên đơn Lê Thị Mỹ P, thuộc phạm vi xem xét giải quyết theo quy định tại các Điều 26, 35, 39 của Bộ luật tố tụng tố tụng dân sự và các Điều 4, 7, 9, 428, 438, 471, 474, 476 của Bộ luật dân sự năm 2005.

[2] Về nội dung: Bà Lê Thị Mỹ P khởi kiện yêu cầu bà D và ông C trả tiền nợ mua cám, gạo trong năm 2010, 2011, tiền vay và tiền gạo cũ còn thiếu tổng cộng là 105.780.000 đồng và tiền lãi 9%/năm, tạm tính từ tháng 12/2010 đến ngày 20/4/2017 là 56.311.000 đồng, trả một lần ngay khi án có hiệu lực pháp luật. Bà Phan Thị D thừa nhận có giao dịch mua bán cám gạo với bà P trong năm 2010 và 2011, nhưng đã trả hết tiền cho bà P chỉ còn nợ lại số tiền 1.575.000 đồng, khi trả tiền bà P có ghi vào sổ của bà do đó không đồng ý trả tiền theo yêu cầu của bà Pnên hai bên phát sinh tranh chấp. Vụ án đã được Tòa án nhân dân huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang giải quyết nhưng cả nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều kháng cáo.

[3] Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của các đương sự, các Luật sư, Kiểm sát viên. Xét thấy, từ năm 2008 đến năm 2011 giữa bà P và bà D có quan hệ giao dịch mua bán cám, gạo với nhau. Tiền mua bán cám gạo trong năm 2008 và năm 2009 hai bên thống nhất đã thanh toán xong nên không tranh chấp. Bà P trình bày trong năm 2010 và năm 2011 bà D mua cám, gạo của bà còn nợ số tiền 105.780.000 đồng chưa trả nên khởi kiện. Bà D thừa nhận có mua cám, gạo của bà P nhưng đã trả hết chỉ còn nợ lại 1.575.000 đồng. Do đó, Tòa án nhân dân huyện Tân Phước xét xử tuyên buộc bà Phan Thị D phải trả cho bà P số tiền vốn là 28.832.000 đồng, tiền lãi là 43.893.712 đồng, tổng cộng là 73.487.751 đồng là chưa có cơ sở vững chắc, bởi các căn cứ sau:

Thứ nhất: Bà P cho rằng năm 2010 bà D mua cám, gạo của bà còn nợ lại 94.062.000 đồng. Bà D thì trình bày chỉ nợ 70.213000 đồng, nhưng đã trả hết trong năm 2010 thể hiện trong “Sổ số 2” của bà D do chính bà P ghi mỗi lần trả tiền. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà P không thừa nhận chữ viết đó của mình nên bà D yêu cầu giám định chữ ký. Tại kết luận giám định số 517/GĐ-PC54 ngày 05/6/2013 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Tiền Giang đã xác định “Chữ viết từ dòng 1 đến dòng 15 ở trang 15 quyển sổ số 2 là đúng chữ viết của bà P” (BL109). Do đó, có cơ sở xác định từ ngày 22/01/2009 đến ngày 08/3/2011 bà P có nhận của bà Dòn 15 lần, với tổng số tiền là 83.400.000 đồng. Bà D và bà P cùng thống nhất số nợ mua bán cám gạo năm 2008 và năm 2009 đã thanh toán xong không tranh chấp. Ngày22/01/2009 bà P nhận 4.900.000 đồng và  1.700.000 đồng (BL 192) nên được trừ ra.

Như vậy, chỉ tính số tiền bà P nhận trong năm 2010 vào các ngày gồm:

- Ngày 06/3/2010 nhận 2.200.000 đồng;

- Ngày 10/2/2010 nhận 3.000.000 đồng;

- Ngày 12/2/2010 nhận 2.000.000 đồng;

- Ngày 23/2/2010 nhận 4.000.000 đồng;

- Ngày 8/3/2010 nhận 9.000.000 đồng và 10.000.000 đồng;

- Ngày 12/8/2010 nhận 9.000.000 đồng, 1.600.000 đồng và 2.000.000 đồng;

- Ngày 9/9/2010 nhận 8.000.000 đồng;

- Ngày 16/5/2010 nhận 15.000.000 đồng.

Tổng cộng, trong năm 2010 bà P có nhận của bà D số tiền là 65.800.000 đồng.Năm 2011, bà P cho rằng bà D còn nợ mình số tiền 68.570.000 đồng. Bà D trình bày đã trả tiền cho bà P thể hiện trong các sổ số 2 và số 3.

Căn cứ “Sổ số 3” (BL 203) thể hiện ngày trong 08/3/2011 và 17/3/2011 bà P có nhận tổng cộng 57.000.000 đồng. Căn cứ “Sổ số 2” (BL192) dòng 15 từ trên xuống ghi ngày 08/3/2011 nhận 11.000.000 đồng. Cộng chung lại trong năm 2011 bà P đã nhận của bà D tổng cộng 68.000.000 đồng.

Như vậy, trong năm 2010 và 2011 bà P đã nhận của bà D tổng số tiền là 65.800.000 đồng + 68.000.000 đồng = 133.800.000 đồng.

Vụ án được giải quyết qua nhiều cấp xét xử, sau khi vụ án được giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm, ngày 06/7/2017 bà P có đơn yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết buộc bà D trả 105.780.000 đồng tiền gốc và 56.311.000 đồng tiền lãi. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 25/9/2017 bà P cũng giữ nguyên yêu cầu buộc bà D trả số tiền tiền gốc là 105.780.000 đồng. Như vậy, bà P yêu cầu bà D trả 105.780.000 đồng tiền gốc, nhưng theo như phân tích cũng như nhận định trong bản án của Tòa sơ thẩm khẳng định trong năm 2010 và năm 2011 bà D đã trả cho bà P 133.800.000 đồng. Như vậy, bà D đã trả vượt quá số tiền bà P yêu cầu, nhưng Tòa sơ thẩm vẫn tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà P là không có cơ sở. Tòa sơ thẩm cũng chưa làm rõ phần tiền bà D trả dư, bà D có yêu cầu bà P hoàn trả lại hay không. Mặt khác, theo nhận định của Quyết định giám đốc thẩm số 260/2016/DS-GĐT ngày 25/10/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh thì số tiền bà P yêu cầu bà D trả chưa thống nhất. Ngày 30/8/2016 tại buổi hòa giải ở Ủy ban nhân dân xã PL thì bà P yêu cầu bà D trả nợ gốc trong năm 2010 và 2011 là 106.462.000 đồng; Các lời khai và trong quá trình tố tụng thì yêu cầu bà D trả 163.462.000 đồng; Tại phiên Tòa sơ thẩm ngày 22/7/2013 thì yêu cầu bà D trả 178.780.000 đồng và tại phiên tòa sơ thẩm ngày 25/9/2017 lại yêu cầu bà D trả 105.780.000 đồng. Điều này thể hiện bà P khởi kiện yêu cầu bà D trả tiền nợ hợp đồng mua bán, nhưng bà không có chứng cứ khẳng định bà D còn nợ bà bao nhiêu tiền nên liên tục thay đổi yêu cầu về số tiền rất khác biệt nhau. Mặt khác, căn cứ vào bảng kê tổng kết nợ bà P nộp cho Tòa án lại thể hiện tổng nợ trong năm 2010 là 70.213.000 đồng (BL43, 44), tổng nợ trong năm 2011 là 66.970.000 đồng (BL45, 46), số nợ này phù hợp với lời khai của bà D làtrong năm 2010 còn nợ bà P số tiền 70.213.000 đồng và năm 2011 còn nợ số tiền66.970.000 đồng (BL249) nhưng chưa được Tòa sơ thẩm làm rõ mà lại xác định năm2010 bà D còn nợ bà P 28.262.000 đồng là đánh giá chứng cứ chưa toàn diện thiếu khách quan.

Thứ hai: Bà D khai ngoài các lần trả tiền như trong các sổ kể trên thì ngày 16/8/2011 bà D còn thay bà P trả 4.000.000 đồng cho bà Nguyễn Thị N, khi trả tiền bà N có viết biên nhận (BL256). Căn cứ vào biên bản lấy lời khai ngày 26/6/2013 (BL112) bà N thừa nhận bà có quan hệ mua bán cám, gạo với bà P, trong khi mua bán bà P có thiếu bà 8.000.000 đồng, bà D cũng có quan hệ mua bán với bà P, nên bà P yêu cầu bà D trả 8.000.000 đồng cho bà thay bà P, do bà D không đủ tiền nên mới trả được 4.000.000 đồng cho bà. Lời khai nhận của bà N phù hợp với lời khai và chứng cứ bà D cung cấp là năm 2011 bà D đã trả thêm cho bà P được 4.000.000 đồng thông qua bà N, nhưng Tòa sơ thẩm không chấp nhận lời khai này của bà D, không đưa bà N vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà lại tách ra giải quyết riêng khi bà D có tranh chấp với bà N là không giải quyết triệt để vụ án làm thiệt hại đến quyền và lợi ích của bà D.

Thứ ba: Trong đơn khởi kiện cũng như tại phiên tòa bà P yêu cầu bà Dòn và ông C là chồng bà D cùng có nghĩa vụ liên đới trả tiền, vì những lần mua bán cám, gạo ông C chồng bà D là người vận chuyển, có biết và tham gia giao dịch này. Tòa sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của bà P vì căn cứ vào lời khai của ông C cho rằng không có tham gia là cũng chưa có cơ sở. Bởi, thời điểm giao dịch mua bán giữa bà P và bà D diễn ra ông C và bà D là vợ chồng hợp pháp. Căn cứ Điều 27 và Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định vợ chồng phải có trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Việc mua bán cám gạo của bà D với bà P nhằm phát triển kinh tế gia đình. Do đó, yêu cầu của bà P về việc buộc ông C cùng có nghĩa vụ liên đới trả tiền cần phải đối chất làm rõ để giải quyết luôn trong vụ án chấp nhận hoặc không chấp nhận. Án sơ thẩm có nhận định về yêu cầu này của bà P, nhưng trong quyết định thì không nêu việc xử lý. Như vậy là chưa giải quyết hết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn theo qui định tại Điều 4 và Điều 188 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Thứ tư: Việc Tòa sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015 để tính lãi suất trong trường hợp này là áp dụng pháp luật chưa đúng. Bởi, giao dịch mua bán cám, gạo giữa các bên diễn ra trong năm 2010 và 2011. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 688 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì trường hợp này phải áp dụng Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết, do đó tiền lãi phát sinh cũng phải tính theo quy định tại Điều 476 của Bộ luật dân sự năm 2005.

Thứ năm: Án sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản và vay tài sản nhưng phần nhận định và quyết định không phân định rõ số tiền nào là của hợp đồng mua bán tài sản và số tiền nào là của hợp đồng vay tài sản mà lại buộc chung số tiền phải trả là thiếu sót không thể bỏ qua trong tố tụng dân sự.

Ngoài ra Tòa sơ thẩm tính thời gian bà D phải chịu lãi xuất cũng không có căn cứ vững chắc. Bởi trong quan hệ mua bán giữa bà D và bà P không lập hợp đồng bằng văn bản, không thỏa thuận nghĩa vụ chậm trả tiền. Bà P xác định đến năm 2011 thì hai bên mới ngưng mua bán và phát sinh tranh chấp. Án sơ thẩm xác định thời điểm bà D phải chịu lãi số tiền chậm trả là ngày 08/3/2010 với số tiền là lãi phải trả là 43.893.712 đồng / 28.262.000 đồng tiến vốn trong khi nguyên đơn không xác định được móc thời gian tính lãi.

Từ cơ sở phân tích như trên xét thấy những sai phạm của cấp sơ thẩm là nghiêm trọng cả hình thức (thủ tục tố tụng) lẫn nội dung, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên đương sự được xem xét giải quyết đúng theo trình tự thủ tục tố tụng do Bộ luật tố tụng dân sự quy định, cần hủy bản án dân sự sơ thẩm số 78/2017/DS-ST ngày 27/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Tân Phước, giao hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân huyện Tân Phước xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Do hủy án sơ thẩm để xét xử lại nên Hội đồng xét xử chưa xét đến yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ý kiến đề nghị của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Ý kiến đề nghị của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cũng không có căn cứ vững chắc nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Ý kiến đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[4] Về án phí: Căn cứ vào khoản 3 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 3 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án, các đương sự không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 293, khoản 3 Điều 308, Điều 313 và khoản 3 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 3 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án.

Xử: Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 78/2017/DS-ST ngày 27/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Về án phí:

Bà Lê Thị Mỹ P, bà Phan Thị D và ông Nguyễn Văn C không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Hoàn trả lại cho bà Lê Thị Mỹ P 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo biên lai thu số 18872 ngày 11/10/2017 của Chi cục Thi hành án huyện TP, tỉnh Tiền Giang.

Hoàn trả lại cho bà Phan Thị D và ông Nguyễn Văn C 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo biên lai thu số 18859 ngày 09/10/2017 của Chi cục Thi hành án huyện TP, tỉnh Tiền Giang.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Án tuyên vào lúc 08 giờ 25 phút ngày 07 tháng 02 năm 2018, có mặt bà P, bà D và Luật sư H nghe tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

275
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 92/2018/DS-PT ngày 07/02/2018 về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản và vay tài sản

Số hiệu:92/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tiền Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 07/02/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về