TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
BẢN ÁN 91/2017/HSST NGÀY 28/08/2017 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN
Ngày 28 tháng 8 năm 2017, tại Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 60/2017/HSST ngày 19/6/2017, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 78/HSST-QĐ ngày 13/7/2017 và Quyết định hoãn phiên tòa số 47/QĐ-TA ngày 04/8/2017, đối với các bị cáo có lý lịch sau đây:
1. Đào Văn N; sinh ngày 12/6/1965; nơi ĐKNKTT: phố T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Quảng Ninh; trình độ văn hoá: 10/10; nghề nghiệp: nguyên Giám đốc Trung tâm Thủy nông & Giao thông huyện H, tỉnh Quảng Ninh (trong thời gian từ năm 2012 đến tháng 9/2014 làm Trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H); đảng phái: Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt; con ông Đào Xuân P (đã chết) và bà Lê Thị V; vợ là Đỗ Thị Đ và có 02 con, lớn sinh năm 1991, nhỏ sinh năm 2000; tiền án, tiền sự: không có; bị cáo bị bắt ngày 28/10/2016, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh; có mặt.
2. Trịnh Thị N1; sinh ngày: 20/3/1961; nơi ĐKNKTT: tổ 9, khu 6, phường H, thành phố L, tỉnh Quảng Ninh; trình độ văn hoá: 10/10; nghề nghiệp: nghỉ hưu (nguyên Phó trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H); đảng phái: Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt con ông Trịnh Văn T và bà Nguyễn Thị S (đều đã chết); chồng là Lê Văn H và có 02 con, lớn sinh năm 1986, nhỏ sinh năm 1989; tiền án, tiền sự: không có; bị cáo bị bắt ngày 28/10/2016, thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú ngày 09/6/2017; hiện tại ngoại; có mặt.
3. Lê Thị Thúy B; sinh ngày 09/10/1976; nơi ĐKNKTT: phố T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Quảng Ninh; trình độ văn hoá: 12/12; nghề nghiệp: nguyên cán bộ Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện H (từ năm 2007 đến tháng 3/2016 làm Kế toán Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H); đảng phái: Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt; con ông Lê Mạnh C và bà Chu Thị N; chồng là Hà Ngọc L và có 02 con, lớn sinh năm 1999, nhỏ sinh năm 2008; tiền án, tiền sự: không có; Bị cáo bị bắt ngày 28/10/2016, thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú ngày 09/6/2017; hiện tại ngoại; có mặt
*) Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân huyện H.
Địa chỉ: Số 1, phố Q, thị trấn H, huyện H, tỉnh Quảng Ninh.
Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Mạnh C - chức vụ: Chủ tịch; vắng mặt.
*) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. NLQ1; sinh năm: 1981.
Trú tại: số 139, phố A, thị trấn H, huyện H, tỉnh Quảng Ninh. Nghề nghiệp: Cán bộ Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H.
2. NLQ2; sinh năm: 1973.
Trú tại: phố K, thị trấn H, huyện H, tỉnh Quảng Ninh.
Nghề nghiệp: Cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện H (thời gian từ năm 2007 đến tháng 9/2014 làm tại Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H).
3. NLQ3; sinh năm: 1965
Trú tại: phố A, thị trấn H, huyện H, tỉnh Quảng Ninh.
Nghề nghiệp: Cán bộ Đội kiểm tra Trật tự đô thị & Môi trường huyện H (thời gian từ năm 2007 đến tháng 9/2016 làm tại Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H).
4. NLQ4; sinh năm: 1969.
Trú tại: phố T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Quảng Ninh.
Nghề nghiệp: Cán bộ Đội kiểm Tra trật tự đô & Môi trường huyện Hài Hà (thời gian từ năm 2009 đến tháng 8/2016 làm tại Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H).
5. NLQ5; sinh năm: 1967.
Trú tại: số 97, phố D, thị trấn H, huyện H, tỉnh Quảng Ninh.
Nghề nghiệp: Cán bộ Đội kiểm Tra trật tự đô & Môi trường huyện Hài Hà (thời gian từ năm 1996 đến tháng 9/2016 làm tại Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H).
6. NLQ6; sinh năm: 1966.
Trú tại: thôn 1, xã T, huyện H, tỉnh Quảng Ninh.
Nghề nghiệp: Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Trúc Bài Sơn huyện H (thời gian từ năm 2007 đến năm 2016 làm tại Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H).
7. NLQ7; sinh năm: 1986.
Trú tại: thôn 8, xã C, huyện H, tỉnh Quảng Ninh.
Nghề nghiệp: Cán bộ Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H.
8. NLQ8; sinh năm: 1982
Trú tại: phố T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Quảng Ninh. Nghề nghiệp: Cán bộ Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H.
9. NLQ9, sinh năm: 1985.
Trú tại: phố Q, thị trấn H, huyện H, tỉnh Quảng Ninh.
Nghề nghiệp: Phó Chánh Văn phòng huyện ủy H (thời gian từ năm 2008 đến tháng 6/2013 công tác tại Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H).
10. NLQ10, sinh năm: 1979.
Trú tại: phố T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Quảng Ninh. Nghề nghiệp: Cán bộ Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H.
11. NLQ11, sinh năm: 1986.
Trú tại: phố T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Quảng Ninh.
Nghề nghiệp: Chuyên viên Thanh tra huyện H (thời gian từ năm 2010 đến 2015 làm tại Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H).
12. NLQ12; sinh năm: 1980.
Trú tại: số 123, phố D, thị trấn H, huyện H, tỉnh Quảng Ninh. Nghề nghiệp: Chuyên viên Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H. Đều có mặt.
*) Những Người làm chứng:
1. NLC1 - Trưởng Phòng Kinh tế & Hạ Tầng huyện H, tỉnh Quảng Ninh.
2. NLC2 - Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện H, tỉnh Quảng Ninh.
3. NLC3 - Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn,
Chi nhánh huyện H, tỉnh Quảng Ninh.
4. NLC4 - Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Chi nhánh huyện H.
5. NLC5; sinh năm: 1978
Trú tại: số 213, phố A, thị trấn H, huyện H, tỉnh Quảng Ninh.
6. NLC6; sinh năm: 1962
Trú tại: thôn 1, xã T, huyện H, tỉnh Quảng Ninh.
7. NLC7; sinh năm: 1986.
Trú tại: phố D, thị trấn H, huyện H, tỉnh Quảng Ninh.
8. NLC8; sinh năm: 1975.
Trú tại: phố T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Quảng Ninh.
9. NLC9; sinh năm: 1986.
Trú tại: phố T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Quảng Ninh. Đều có mặt.
NHẬN THẤY
Các bị cáo Đào Văn N, Trịnh Thị N1 và Lê Thị Thúy B bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh truy tố về hành vi phạm tội như sau:
Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H là cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND huyện H thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng cơ bản; Quy hoạch giao thông, vận tải; thanh tra xây dựng; khoa học công nghệ......Biên chế của phòng là 15 người. Từ năm 2012 đến tháng 9/2014, Đào Văn N làm Trưởng phòng, từ tháng 9/2014 NLC1 thay Đào Văn N làm Trưởng phòng. Kinh phí hoạt động của Phòng được thực hiện theo quyết định phân bổ kinh phí hàng năm của Ủy ban nhân dân huyện H, qua đó có 02 nguồn: kinh phí quản lý hành chính (Chi thường xuyên) và kinh phí phân bổ có mục tiêu (Chi quản lý dự án). Thực hiện việc chi trả lương qua tài khoản, từ năm 2009 các cán bộ, nhân viên Phòng kinh tế & hạ tầng huyện H đã đăng ký và sử dụng 01 tài khoản mở tại Ngân hàng nông nghiệp & phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh H (sau đây gọi tắt là tài khoản 1).
Lợi dụng quy định của pháp luật về việc mỗi cá nhân có thể mở nhiều tài khoản trong một ngân hàng, ngoài tài khoản số 1 nêu trên, đầu tháng 12 năm 2012, Đào Văn N
- Trưởng phòng; Trịnh Thị N1 - Phó trưởng phòng và Lê Thị Thúy B - Kế toán đã cùng nhau bàn bạc lập thêm 15 tài khoản cá nhân của 15 cán bộ, nhân viên của phòng tại Ngân hàng nông nghiệp & phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh H (sau đây gọi tắt là tài khoản 2), để tạo nguồn kinh phí phục vụ cho việc chi đối nội, đối ngoại của phòng và để chia nhau.
Sau khi bàn bạc, thống nhất, vào các ngày 10 và 11/12/2012, Đào Văn N, Trịnh Thị N1 và Lê Thị Thúy B tự đăng ký mở tài khoản số 2 mang tên mình; Lê Thị Thúy B viết nội dung và ký giả chữ ký của chủ thẻ vào giấy đề nghị phát hành kiêm hợp đồng sử dụng thẻ của 12 hồ sơ mở tài khoản của 12 cán bộ, nhân viên còn lại của Phòng kinh tế & hạ tầng huyện H. Sau đó, B mang các tài liệu trên đến Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện H đăng ký mở 15 tài khoản thẻ số 2 theo mã số khách hàng của 15 cán bộ, nhân viên của Phòng đã đăng ký tại Ngân hàng từ khi mở tài khoản 1.
Khi Ngân hàng phát hành tài khoản thẻ số 2, B là người nhận thẻ, quản lý và sử dụng. Cụ thể số tài khoản (sau đây gọi tắt là TK) thẻ số 2 của 15 người là: Đào Văn N số TK 8009.205.030.521; Trịnh Thị N1 số TK 8009.205.030.509; Lê Thị Thúy B số TK 8009.205.030.515; NLQ10 số TK 8009.205.030.550; NLQ12 số TK 8009.205.030.573; NLQ3 số TK 8009.205.030.544; NLQ7 số TK 8009.205.030.630; NLQ8 số TK 8009.205.030.580; NLQ1 số TK 8009.205.030.646; NLQ4 số TK 8009.205.030.567; NLQ6 số TK 8009.205.030.617; NLQ5 số TK 8009.205.030.596; NLQ11 số TK 8009.205.030.623; NLQ2 số TK 8009.205.030.538; NLQ9 số TK 8009.205.030.600. Việc mở tài khoản thẻ số 2 chỉ có Đào Văn N, Trịnh Thị N1 và Lê Thị Thúy B biết, 12 cán bộ, nhân viên còn lại của Phòng Kinh tế & hạ tầng huyện H không biết mình có thêm tài khoản số 2 này.
Để có tiền vào 15 tài khoản số 2 nêu trên, B đã lập chứng từ chi từ nguồn ngân sách chi thường xuyên và nguồn kinh phí quản lý dự án để quyết toán vào các mục chi như: Chi thu nhập tăng thêm; công tác phí; nghỉ phép; phụ cấp; làm thêm giờ của 15 cán bộ, công chức của phòng chuyển cho N1 hoặc N ký duyệt, rồi chuyển Kho bạc Nhà nước huyện H duyệt chi. Khi Kho bạc chuyển tiền vào tài khoản thụ hưởng của Phòng Kinh tế và Hạ tầng tại Ngân hàng nông nghiệp & phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện H, Ngân hàng chuyển tiền vào 15 tài khoản, B tiến hành rút tiền tại các cây ATM tự động trên địa bàn huyện. Sau mỗi lần rút tiền, B đều báo cáo cho N và N1 biết. Số tiền này, B được N giao quản lý để chi các khoản: thưởng, lễ, tết, tham quan, du lịch cho cán bộ, nhân viên của Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H. Việc chi tiêu này được B lập danh sách có chữ ký của cán bộ, nhân viên trong phòng và ghi sổ theo dõi; Khi sự việc bị phát giác, B đã làm thất lạc sổ ghi chép và chứng từ gốc thể hiện việc chi tiêu, chỉ còn lại danh sách phô tô và đã nộp cho Cơ quan điều tra. Số còn lại Đào Văn N, Trịnh Thị N1 và Lê Thị Thúy B thống nhất chia nhau theo tỷ lệ: N hưởng 40%, N1 và B mỗi người hưởng 30%.
Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định chữ ký của chủ thẻ trong hồ sơ đăng ký mở tài khoản thẻ số 2 và chữ ký trên các chứng từ chi trong thời điểm từ 2012 đến 2015.Tại Kết luận giám định số 10/KLGĐ ngày 09/02/2017 và Kết luận giám định số 56/KLGĐ ngày 28/4/2017, của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh đã xác định:
- Các chữ ký trong hồ sơ xin cấp thẻ tài khoản 2 trên tài liệu cần giám định mang tên NLQ10, NLQ12, NLQ3, NLQ7, NLQ8, NLQ1, NLQ4, NLQ6, NLQ5, NLQ11, NLQ2, NLQ9 không phải do những người có tên này ký.
- Các chữ ký trong hồ sơ xin cấp thẻ tài khoản 2 trên tài liệu cần giám định mang tên Đào Văn N, Trịnh Thị N1 và Lê Thị Thúy B do những người có tên này ký.
- Chữ ký mang tên Đào Văn N, Trịnh Thị N1, Lê Thị Thúy B trong các chứng từ chi gốc của Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H từ năm 2013 đến 2015 là do những người có tên này ký.
Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tài chính của Phòng kinh tế &Hạ tầng huyện H thời điểm từ 01/01/2013 đến 31/12/2015. Ngày 25/5/2017, Công ty TNHH dịch vụ tư vấn tài chính kế toán, kiểm toán Quảng Ninh có kết quả giám định tài chính số 01/2017 /BCGĐ/TC. Trong đó xác định:
- Kinh phí chi thường xuyên và kinh phí quản lý dự án từ năm 2013 đến hết năm 2015, của phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H chuyển vào tài khoản số 2 của 15 cán bộ, công chức của Phòng là 1.871.044.864 đồng.
Trong đó: + Kinh phí chi thường xuyên là: 1.165.769.000 đồng
+ Kinh phí quản lý dự án là: 705.275.864 đồng
Số tiền đã rút qua tài khoản 2 là: 1.871.044.864 đồng.
- Nhà nước là chủ sở hữu số tiền được chuyển vào tài khoản số 2.
- Trong số tiền chi quản lý hành chính trong các năm 2013, 2014, 2015 của Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H chưa bao gồm các khoản chi: thưởng, lễ, tết, chi tham quan học tập kinh nghiệm cho cán bộ, công chức.
- Số tiền Đào Văn N, Trịnh Thị N1 ký chứng từ chi từ tháng đầu năm 2013 đến tháng 9/2014 chuyển tài khoản số 2 và rút ra là: 1.379.587.000 đồng. Trong đó: Đào Văn N ký chứng từ chi số tiền 742.680.000 đồng; Trịnh Thị N1 ký chứng từ chi số tiền 636.907.000 đồng.
- Số tiền thanh toán qua tài khoản số 2 của Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H thời điểm NLC1 về làm Trưởng phòng tháng 10/2014 đến hết năm 2015 là: 491.457.864 đồng. Trong đó: NLC1 ký: 205.485.864 đồng, Trịnh Thị N1 ký: 285.972.000 đồng.
- Số tiền hạch toán vào tài khoản số 2, nếu Phòng kinh tế & hạ tầng huyện H không chi vào các mục chi đã có chứng từ thanh quyết toán mà chi vào các mục: Công tác phí; Chi thưởng cho cán bộ công chức; Chi Lễ, Tết; Chi tham quan du lịch là đúng chế độ chính sách.”
Qua điều tra, xác định : Số tiền 1.379.587.000 đồng được rút ra từ tài khoản số 2 đã được Đào Văn N, Trịnh Thị N1 và Lê Thị Thúy B chi vào các khoản: công tác phí; chi tham quan du lịch; chi ngày Lễ, Tết, thu nhập tăng thêm của phòng Kinh tế & Hạ tầng hết: 943.101.000 đ (chín trăm bốn mươi ba triệu một trăm linh một ngàn đồng). Số còn lại là 436.486.000 đồng (bốn trăm ba mươi sáu triệu bốn trăm tám mươi sáu ngàn đồng), Đào Văn N, Trịnh Thị N1 và Lê Thị Thúy B chia nhau theo tỷ lệ như đã nêu trên, trong đó N hưởng 174.594.400 đ (một trăm bảy mươi tư triệu năm trăm chín mươi tư ngàn bốn trăm đồng), N1 và B mỗi người hưởng 130.945.800 đ (một trăm ba mươi triệu chín trăm bốn mươi năm ngàn tám trăm đồng).
Đối với NLC1 khi về làm Trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H, N1 và B không nói cho NLC1 biết việc mở tài khoản thẻ thứ 2 cho 12 cán bộ nhân viên của phòng thời kỳ N còn làm Trưởng phòng và NLC1 cũng không mở thêm tài khoản thẻ thứ 2. Thời điểm từ tháng 10/2014 đến hết năm 2014, NLC1 vẫn để Trịnh Thị N1 đứng tên chủ tài khoản ký các chứng từ chi. Từ tháng 01/2015 NLC1 mới ký chứng từ với tư cách chủ tài khoản cùng với Trịnh Thị N1.
Số tiền 491.457.864 đồng rút ra trong thời điểm từ tháng 9/2014 đến ngày 31/12/2015, thì phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H đã chi toàn bộ cho các khoản Công tác phí ; chi thưởng các ngày Lễ, Tết ; chi tham quan, du lịch, trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ nhân viên của Phòng kinh tế & hạ tầng huyện H.
Khi sự việc bị phát giác, N, N1 và B đến gặp cán bộ, nhân viên của phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H thuyết phục họ nhận lại tiền đã chuyển vào tài khoản số 2, nhưng chỉ có 09 người là NLQ8, NLQ10, NLQ1, NLQ6, NLQ7, NLQ12, NLQ5, NLQ3 và NLQ4 nhận lại tổng số tiền là 451.600.000 đ (bốn trăm năm mươi mốt triệu sáu trăm ngàn đồng). Trong đó N và N1 bỏ ra mỗi người 150.000.000 đồng, B bỏ ra 151.600.000 đồng. Số tiền 451.600.000 đồng, 09 người trên đã nộp lại cho Cơ quan điều tra.
Quá trình điều tra, Đào Văn N, Trịnh Thị N1 và Lê Thị Thúy B đã khai nhận hành vi phạm tội như đã nêu trên. N đã nộp 300.000.000đ (ba trăm triệu đồng), N1 và B mỗi người nộp 200.000.000đ (hai trăm triệu đồng) để khắc phục hậu quả.
Tổng số tiền tạm giữ trong vụ án là 1.151.600.000đồng, hiện để tại tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Ninh.
Đối với số tiền các bị cáo khai chi vào các mục: chi thưởng các ngày lễ, Tết ; chi tham quan, du lịch, trả thu nhập tăng thêm thì những cán bộ, nhân viên của phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H thời kỳ 2012 – 2015 đều có lời khai xác nhận vào các ngày lễ, Tết, kỷ niệm thành lập ngành lãnh đạo phòng đều chi tiền cho cán bộ nhân viên trong phòng; đồng thời các năm, phòng đều tổ chức cho cán bộ, nhân viên đi tham quan học tập trong và ngoài tỉnh; khi được xem các bảng kê chi tiết các khoản chi do B lập, họ đều công nhận việc chi tiêu là đúng, còn nguồn lấy từ đâu để chi thì họ không biết.
Tại bản Cáo trạng số 61/QĐ-VKS ngày 16/6/2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh truy tố các bị cáo Đào Văn N, Trịnh Thị N1 và Lê Thị Thúy B về tội “Tham ô tài sản” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 278 Bộ luật Hình sự.
Quá trình tranh tụng phiên tòa, cả ba bị cáo Đào Văn N, Trịnh Thị N1 và Lê Thị Thúy B đều thừa nhận hành vi của mình cơ bản như cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể:
- Bị cáo Đào Văn N khai:
Bị cáo được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Kinh tế huyện H từ năm 2006 đến tháng 8/2014. Thời điểm này, Trịnh Thị N1 làm Phó phòng, Lê Thị Thúy B làm Kế toán.
Vào thời điểm năm 2012, Phòng kinh tế có 15 cán bộ nhân viên. Theo đề xuất của B (kế toán) mở 15 tài khoản số 2 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (vì trước đó đã có 15 tài khoản) nhằm chuyển tiền thưởng, tiền chi phí quản lý dự án…, mục đích để chi đối nội, đối ngoại, Lễ, Tết. Số còn lại ba người gồm N, B, N1 sẽ chia nhau. Bị cáo nhất trí.
Sau đó, B lập 15 tài khoản đồng thời lập hồ sơ chứng từ để bị cáo và N1 ký, chuyển từ tài khoản ngân sách sang tài khoản thụ hưởng của Phòng Kinh tế.
Ngân hàng đã căn cứ vào chứng từ duyệt chi theo tên của 15 cán bộ để tách và chuyển tiền vào 15 tài khoản số 2. B đã ra cây ATM rút tiền. Số tiền này không nhập vào quỹ đơn vị, không hạch toán mà để ngoài sổ sách kế toán. Bị cáo chỉ đạo B chi vào các khoản đối nội, đối nội, Lễ, Tết, thăm quan, du lịch, phần còn lại ba người thụ hưởng. Trong đó ước tính bị cáo hưởng 40%, N1 và B mỗi người 30%. Mười hai người còn lại không biết có tài khoản và nguồn tiền này.
Số tiền theo kết luận của Cáo trạng là tiền của hai nguồn: nguồn thứ nhất là từ vốn đầu tư do bị cáo quản lý, nguồn thứ hai là chi thường xuyên do N1 quản lý.
Toàn bộ số thẻ này do B quản lý và sử dụng. Đến tháng 9/2014, bị cáo chuyển về giữ chức bí thư xã L còn khoảng 300.000.000 đồng.
Sau khi, sự việc bị phát giác, tháng 9/2016, bị cáo cùng N1 và B đã đến gặp từng cán bộ trong phòng để nhận lỗi và động viên họ nhận lại tiền, nhưng kết quả chỉ có 09 người nhận, còn 03 người là NLQ2, NLQ9 và NLQ11 không nhận.
Ngoài ra, bị cáo còn tự nguyện nộp tại Cơ quan điều tra 300.000.000 đồng để khắc phục hậu quả.
- Bị cáo Trịnh Thị N1 khai:
Bị cáo thừa nhận cơ bản cáo trạng là đúng, thừa nhận lời khai của Đào Văn N, nhưng bị cáo không đồng ý về 05 vấn đề mà cáo trạng đã quy kết là:
Thứ nhất, việc cho rằng khi làm thẻ số 2, cả ba bị cáo cùng bàn bạc là không đúng, vì bản thân bị cáo không được bàn gì.
Thứ hai, cáo trạng nêu mỗi lần B rút tiền về, B đều báo cáo N1 là không đúng, còn B có báo cáo N hay không thì bị cáo không biết.
Thứ ba, số tiền cáo trạng kết luận ba bị cáo chia nhau theo tỷ lệ là không đúng. Thực tế, cuối năm có xem lại việc chi tiêu, nếu còn thừa thì sẽ gối đầu năm sau. Việc khai tại hồ sơ là chưa chính xác, mà tỷ lệ này chỉ là sự ước tính tương đối, chứ không phải chia theo tỷ lệ thật như vậy.
Thứ tư, cáo trạng kết luận ba bị cáo chiếm đoạt 436.486.000 đồng là chưa chính xác, vì chưa trừ đi khoản tiền đối ngoại.
Thứ năm, cáo trạng cho rằng khi N chuyển công tác, bị cáo không báo cáo
NLC1 về tài khoản số 2 là không đúng, mà NLC1 đã tiếp quản.
Cụ thể bị cáo khai:
Bị cáo làm phó Phòng Kinh tế từ năm 2010 đến năm 2016. Năm 2012, theo sự tham mưu, đề xuất của Lê Thị Thúy B, được sự đồng ý của N, có thông qua bị cáo biết B lập 15 tài khoản mang tên 15 cán bộ trong phòng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh huyện H. Riêng tài khoản của N, N1 và B do ba người trực tiếp ký, 12 cán bộ còn lại do B ký (những người này đều không biết).
N chỉ đạo B lập hồ sơ, chứng từ gồm các khoản công tác phí, thu nhập tăng thêm, nghỉ phép, làm thêm giờ để chuyển cho N và bị cáo ký hợp thức hóa.
Sau khi, B lập chứng từ tại Kho bạc, để Kho bạc duyệt chi chuyển Ngân hàng Nông nghiệp để ngân hàng chuyển tiền vào 15 tài khoản cá nhân. Sau đó, B rút tiền từ các thẻ ATM này, rồi báo cáo N và N giao cho B giữ tiền để chi các khoản đối nội, đối ngoại, du lịch, Lễ, Tết…., phần còn lại ba người hưởng lợi ước tính theo tỷ lệ N 40%, N1 và B mỗi người 30% như N khai.
Tổng số tiền từ năm 2012 đến năm 2016 rút ra là 1.870.000.000 đồng. Năm 2014, N chuyển công tác, nhưng 15 tài khoản này vẫn giữ nguyên. NLC1 là người thay N đã tiếp quản.
Bị cáo thừa nhận cùng N và B mỗi người bỏ ra 150.000.000 đồng để hoàn trả cho 12 người, nhưng chỉ có 09 người nhận, còn 03 người không nhận.
Ngoài ra, bị cáo đã nộp lại 200.000.000 đồng tại Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.
- Bị cáo Lê Thị Thúy B khai:
Năm 2007, bị cáo được bổ nhiệm làm Kế toán của Phòng Kinh tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện H, anh N là Trưởng phòng, chị N1 là Phó phòng đến tháng 4/2016 thì nghỉ chế độ.
Bị cáo là kế toán duy nhất của phòng. Bị cáo thừa nhận lời khai của N và N1. Riêng việc bàn bạc thống nhất để mở 15 tài khoản nhằm rút tiền ra ban đầu bị cáo khai cả ba người là N, N1 và bị cáo cùng bàn bạc, khi thì ở phòng N hoặc có lúc ở phòng N1. Nhưng khi cho bị cáo đối chất với N và N1, bị cáo đã thừa nhận việc mở tài khoản số 2 là do bị cáo đề xuất, còn N là người quyết định.
Bị cáo là người thực hiện thủ tục làm thẻ giả số 2, tự bị cáo ký giả chữ ký của 12 cán bộ còn lại ở phòng, trực tiếp giao dịch với ngân hàng, kho bạc để làm thẻ, trực tiếp hợp lý hóa chứng từ thanh toán rút tiền từ kho bạc, chuyển qua ngân hàng và rót vào 12 tài khoản thụ hưởng, trực tiếp quản lý thẻ và rút tiền từ ATM, quản lý quỹ riêng và chịu trách nhiệm theo dõi thu chi riêng theo quyết định của N.
Bị cáo thừa nhận sau khi sự việc bị phát hiện, bị cáo đã cũng N và N1 đến gặp 12 cán bộ của phòng để xin lỗi và đề nghị họ nhận lại tiền. Khi đi, bị cáo bỏ ra 151.600.000 đồng.
Ngoài ra, bị cáo đã nộp tại Cơ quan điều tra số tiền 200.000.000 đồng.
- 12 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nguyên là cán bộ nhân viên biên chế của Phòng Kinh tế thời điểm năm 2012 đến 2015 đều khai nhận:
Họ không biết, không ký làm thủ tục thẻ thứ hai cho bản thân tại Ngân hàng Nông nghiệp. Sau khi sự việc bị phát giác, họ mới biết ông N, bà N1, bà B cấu kết lập thẻ giả tên của họ để thực hiện việc thanh toán rút tiền nhân danh họ.
Tất cả đều thừa nhận trong khoảng thời gian này, lãnh đạo phòng cũng đã chi cho họ tiền Tết, ngày lễ, thăm quan du lịch hàng năm, còn cụ thể chi tiết họ không nhớ được.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử phạt Đào Văn N từ 05 năm đến 06 năm tù; Lê Thị Thúy B từ 04 năm đến 05 năm tù; Trịnh Thị N1 từ 02 năm đến 03 năm tù đều về tội “Tham ô tài sản”.
Về trách nhiệm dân sự, buộc các bị cáo phải nộp lại số tiền 436.486.000 đồng để sung quỹ Nhà nước, được đối trừ vào khoản tiền các bị cáo đã nộp, còn lại trả cho N 275.405.600 đồng, N1 219.054.200 đồng, B 220.654.200 đồng.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ được thẩm tra tại phiên tòa; Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
XÉT THẤY
Tại phiên tòa, các bị cáo Đào Văn N, Lê Thị Thúy B và Trịnh Thị N1 đều khai nhận hành vi của mình cơ bản như Cáo trạng đã nêu, cả ba bị cáo đều nhận tội và chỉ xin giảm nhẹ hình phạt.
Riêng, Trịnh Thị N1 đưa ra 05 vấn đề không đồng ý với kết luận của cáo trạng và luận tội của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đánh giá như sau:
Thứ nhất, trước khi lập 15 thẻ số 2 nhằm rút tiền ra là do B đề xuất với N, được N đồng ý. Việc này, N1 không được bàn bạc cùng hai người, lời khai này của N1 là đúng. Tuy nhiên, thực tế N1 đã tiếp nhận ý chí, ký chứng từ thanh toán.
Thứ hai, tại phiên tòa B cũng thừa nhận mỗi lần rút tiền không thông báo với N1 như N1 khai là đúng. Nhưng cứ cuối năm B đều đưa N1 bản quyết toán thu chi.
Thứ ba, khoản tiền sau khi chi cho cán bộ viên chức cơ quan, còn lại tuy không chia ba phần, nhưng thực tế ba bị cáo đã thừa nhận cùng nhau chiếm hưởng theo trách nhiệm từng người.
Thứ bốn, khi N chuyển công tác, NLC1 trực tiếp quản lý, tài khoản số 2 này vẫn còn, NLC1 cũng biết, việc này bị cáo khai cũng đúng. Tuy nhiên, thời kỳ này đã chia lại hết cho các cán bộ viên chức nên không quy trách nhiệm cho N1 ở giai đoạn này.
Thứ năm, cáo trạng kết luận ba bị cáo đã chiếm hưởng 436.486.000 đồng. Nhưng N1 cho rằng khoản tiền này chưa trừ đi khoản tiền đối ngoại, việc quy kết như vậy là thiệt thòi cho các bị cáo. Tuy nhiên, B đã làm mất sổ sách thu chi, các bị cáo không chứng minh được khoản tiền đã chi này. Do vậy, vấn đề này cũng không được chấp nhận.
Như vậy, lời khai và bào chữa của các bị cáo cũng như bị cáo N1, Hội đồng xét xử thấy bản chất sự việc không có gì thay đổi so với kết luận của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử có xem xét đánh giá từng chi tiết cụ thể ở một số vấn đề mà N1 đã khai và bào chữa, để đánh giá vai trò khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo cho phù hợp.
Đối chiếu với kết quả giám định cùng các tài liệu thu thập có trong hồ sơ liên quan đến Kho bạc huyện H, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn H, đủ cơ sở kết luận:
Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2012 đến ngày 31/12/2015, Đào Văn N - Trưởng phòng; Trịnh Thị N1 - Phó trưởng phòng và Lê Thị Thúy B kế toán Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H đã lập hồ sơ giả để được Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện H cấp 15 thẻ thụ hưởng tiền ngân sách Nhà nước của 15 cán bộ, công chức của Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện H (Tài khoản số 2), lập chứng từ chi để chuyển tiền vào tài khoản số 2, sau đó B đã rút ra chi một phần cho cán bộ, công chức, số còn lại 436.486.000 đồng (bốn trăm ba mươi sáu triệu, bốn trăm tám mươi sáu nghìn đồng), N, N1 và B cùng nhau chiếm đoạt.
Như vậy, Đào Văn N, Trịnh Thị N1 và Lê Thị Thúy B bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại khoản 3 Điều 278 Bộ luật Hình sự là có căn cứ.
Rõ ràng cả ba bị cáo bằng chức vụ, quyền hạn được giao đã chiếm đoạt khoản tiền hơn 400.000.000 đồng do mình có trách nhiệm quản lý.
Hành vi của các bị cáo đã xâm hại hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, trong gia đoạn hiện nay tình trạng lợi dụng chức vụ của một số bộ phận cán bộ có chức, có quyền đã vi phạm pháp luật, làm sói mòn lòng tin trong cán bộ, viên chức và công chúng, phải nghiêm trị.
Xét vụ việc cụ thể, thấy rằng khoản tiền ba bị cáo chiếm đoạt là 436.486.000 đồng nên thuộc khoản 3 Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999, có khung hình phạt từ 15 năm đến 20 năm tù. Nay được quy định tại khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, có khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù. Căn cứ Nghị Quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội và Công văn số 256/TANDTC-PC ngày 31/7/2017 của Tòa án nhân dân tối cao, cần áp dụng có lợi cho các bị cáo nên xử lý theo quy định tại điều luật mới.
Về tình tiết giảm nhẹ: Cả ba bị cáo đều khai báo thành khẩn, ăn lăn hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả, có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng. Đặc biệt, N1 và N còn có nhiều bằng khen, giấy khen. Nên cũng xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Về vai trò: Trước nhất là Đào Văn N là Trưởng Phòng, chủ tài khoản, người có chức năng, quyền hạn cao nhất và có tính chất quyết định trong vụ việc nên đặt ở mức án thứ nhất.
Sau N là Lê Thị Thúy B, bởi lẽ trong đơn vị B là kế toán duy nhất, mọi hoạt động kinh tế, thu chi phải do kế toán thực hiện. B là người đề xuất, lập toàn bộ 12 thẻ khống, quản lý chứng từ trực tiếp làm việc với kho bạc, ngân hàng, tự quản lý thẻ, rút tiền và quản lý tiền. B là người ký hai đầu N và N1. Vì vậy, đặt B ở vị trí thứ hai. N1 đặt ở vị trí thứ ba vì N1 không phải là người quyết định nhưng đã đồng lõa cùng B và N, được N cho quản lý một phần.
Về trách nhiệm dân sự:
Tổng số tiền các bị cáo rút ra từ năm 2012 đến năm 2015 là 1.871.044.864 đồng, trong đó đã chi thực tế cho các cán bộ, công chức trong đơn vị (gồm ngày Lễ, Tết, thăm quan du lịch……). Theo kết quả giám định thì các công chức được hưởng đúng chế độ.
Số tiền còn lại là 436.486.000 đồng ba bị cáo đã chiếm hưởng cần buộc nộp lại trả cho Ủy ban nhân dân huyện H. Cụ thể, N hưởng 40% = 174.594.000 đồng, B hưởng 30% = 130.945.800 đồng, N1 hưởng 30% = 130.945.800 đồng.
Về vật chứng của vụ án:
Hiện nay đang thu giữ số tiền 1.151.600.000 đồng, gồm hai khoản:
- Thứ nhất là số tiền 451.600.000 đồng do 09 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là NLQ8, NLQ10, NLQ1, NLQ6, NLQ7, NLQ12, NLQ5, NLQ3 và NLQ4 nộp lại. Nguồn tiền này của N là 150.000.000 đồng, N1 150.000.000 đồng và B 151.600.000 đồng (N, N1 và B tự nguyện hoàn lại cho 09 cán bộ của Phòng Kinh tế, nay họ tự nguyện nộp lại cho Cơ quan điều tra).
- Thứ hai là số tiền 700.000.000 đồng do ba bị cáo N, N1 và B nộp để khắc phục hậu quả (trong đó N nộp 300.000.000 đồng, N1 nộp 200.000.000 đồng và B nộp 200.000.000 đồng).
Như vậy, tổng số tiền 1.151.600.000 đồng đang thu giữ đều là của ba bị cáo nộp lại. Nay cần đối trừ với khoản tiền các bị cáo phải nộp lại là 436.486.000 đồng, số tiền còn lại cần tuyên trả cho ba bị cáo, cụ thể:
Trả cho Đào Văn N: 275.405.600 đồng. Trả cho Trịnh Thị N1: 219.054.200 đồng. Trả cho Lê Thị Thúy B: 220.654.200 đồng.
Vì các lẽ trên!
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố các bị cáo Đào Văn N, Trịnh Thị N1 và Lê Thị Thúy B phạm tội “Tham ô tài sản”.
Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 278; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 20; Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999; Nghị Quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội; Công văn số 256/TANDTC-PC ngày 31/7/2017 của Tòa án nhân dân tối cao; khoản 3 Điều 7; điểm a khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Xử phạt Đào Văn N 04 (bốn) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt 28/10/2016.
Xử phạt Lê Thị Thúy B 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án, được trừ đi thời hạn tạm giam từ ngày 28/10/2016 đến ngày 09/6/2017.
Xử phạt Trịnh Thị N1 24 (hai mươi bốn) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án, được trừ đi thời hạn tạm giam từ ngày 28/10/2016 đến ngày 09/6/2017.
Áp dụng khoản 2 Điều 41; khoản 1 Điều 42 Bộ luật Hình sự; khoản 1, khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trả cho Ủy ban nhân dân huyện H, tỉnh Quảng Ninh số tiền 436.486.000đ (bốn trăm ba mươi sáu triệu bốn trăm tám mươi sáu nghìn đồng).
Trả cho bị cáo Đào Văn N số tiền 275.405.600đ (hai trăm bảy mươi lăm triệu bốn trăm linh lăm nghìn sáu trăm đồng).
Trả cho bị cáo Trịnh Thị N1 219.054.200đ (hai trăm mười chín triệu không trăm lăm mươi bốn nghìn hai trăm đồng).
Trả cho bị cáo Lê Thị Thúy B 220.654.200đ (hai trăm hai mươi triệu sáu trăm lăm mươi bốn nghìn hai trăm đồng).
(Thể hiện tại giấy nộp tiền vào tài khoản không số ngày 15 tháng 11 năm năm 2016, tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Ninh).
Áp dụng Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016, quy định về án phí, lệ phí Tòa án, buộc mỗi bị cáo phải nộp 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.
Án xử sơ thẩm công khai, có mặt các bị cáo và những Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; vắng mặt Nguyên đơn dân sự. Báo để các bị cáo và những Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt biết quyền kháng cáo trong hạn mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án. Nguyên đơn dân sự vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết tại trụ sở chính quyền địa phương.
Bản án 91/2017/HSST ngày 28/08/2017 về tội tham ô tài sản
Số hiệu: | 91/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Ninh |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/08/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về