TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 90/2017/HS-PT NGÀY 17/03/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI
Ngày 17 tháng 3 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 873/2016/TLPT-HS ngày 28 tháng 10 năm 2016 đối với bị cáo Giáp Quang D do có kháng cáo của đại diện hợp pháp người bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 286/2016/HSST ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.
* Bị cáo bị kháng cáo: (1) Giáp Quang D, sinh năm 1970; nơi ĐKNKTT: Thôn C, xã Y, huyện L, tỉnh Bắc Giang; tạm trú: Phường M, quận N, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: Bảo vệ; trình độ văn hóa: 5/12; con ông Giáp Đình D và bà Nguyễn Thị K (đều đã chết); vợ là Nguyễn Thị B và có 02 con; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 09/9/2015; có mặt.
* Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Hoàng Văn D - Văn phòng luật sư H thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; có mặt.
* Người bị hại: Anh Nguyễn Văn H, sinh năm 1984 (đã chết).
Đại diện hợp pháp của người bị hại có kháng cáo gồm có: Ông Nguyễn Văn L, sinh năm 1957 (bố đẻ của người bị hại); bà Vũ Thị H, sinh năm 1959 (mẹ đẻ của người bị hại) và chị H2, sinh năm 1985 (vợ của người bị hại). Ông Nguyễn Văn L và bà Vũ Thị H ủy quyền cho chị Hà Thị H2.
Đều trú tại: Thôn Q, thị trấn A, huyện A, tỉnh Hưng Yên; đều có mặt.
Ngoài ra, trong vụ án này còn có bị cáo Hà Văn H1 không kháng cáo, không bị kháng nghị.
NHẬN THẤY
Theo Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Anh Nguyễn Văn H và Giáp Quang D đều là công nhân hợp đồng tại Công ty TNHH H có trụ sở tại P, huyện T, Hà Nội. Anh H làm nhân viên kho hàng, D làm bảo vệ công ty và theo dõi việc công nhân đi sớm về muộn theo yêu cầu của Lãnh đạo công ty. Đầu năm 2015 có một số lần anh H đi làm muộn, bị Giáp Quang D nhắc nhở từ đó giữa H và D có mâu thuẫn với nhau. Ngày 07/9/2015, H đến công ty làm việc thấy D đang ngủ gật trong phòng bảo vệ, H đã chụp ảnh và đăng trên tài khoản facebook của H với nội dung “Đây là cá nhân xuất sắc loại A”. D đã được 1 số người trong công ty cho xem ảnh đăng trên facebook nên đã nảy sinh ý định trả thù H. Khoảng 06h45’ ngày 09/9/2015 sau khi hết ca trực, D vào trong công ty lấy 01 thanh gỗ dẹt (98 x 5 x l,5)cm và lấy ở trong cốp xe máy của D 01 dao gấp bằng kim loại cất vào trong túi quần rồi đi xe máy ra ngã 3 đường nội bộ cụm công nghiệp P đứng đợi H đi làm qua thì sẽ đánh H. Khoảng 6h50 phút cùng ngày, anh Lê Xuân T (sinh năm 1986, trú tại xã Thổ Hoàng, Ân Thi, Hưng Yên là công nhân cùng công ty) gặp D đứng ở đó, anh T hỏi thăm thì D trả lời “Tao đứng đây đợi thằng H đến để xử lý vụ này”. Anh T có can ngăn và khuyên D đi về, nhưng D không đồng ý.
Sáng ngày 09/9/2015 trước khi đi làm, anh H biết tin D đang đợi H đến công ty để đánh nên anh H rủ Hà Văn H1 (là em vợ của anh H, ở cùng phòng trọ) đi cùng để bảo vệ H, H1 đồng ý. Trước khi đi anh H chuẩn bị 01 dao gấp, 01 dây xích sắt, 01 tuýp sắt (dài 47cm, đường kính l,7cm), H1 mang theo 01 dây xích sắt dài khoảng 80cm. Khoảng 6h40 phút cùng ngày anh Bùi Văn Q (sinh năm 1988, làm cùng công ty) đến đi nhờ xe của H đến công ty làm việc. H1 đi xe máy Wave RSX, Q điều khiển xe máy Airblade chở H đến công ty. Khi đi đến ngã ba đường nội bộ trong cụm công nghiệp Phú Minh, cách công ty TNHH H khoảng 100m, H nhìn thấy D đang đứng cùng với anh Lê Xuân T. Khi Q chở H đến cách D khoảng 3m, D cầm gậy gỗ xông đến chỗ H thì bị anh T ngăn cản và giằng được gậy gỗ trên tay D. Anh Q và H1 dừng xe máy, H cầm tuýp sắt, H1 cầm đoạn dây xích sắt nhảy ra khỏi xe máy lao vào vụt 1 đến 2 cái vào người D, thấy vậy anh Q can ngăn H, anh T can ngăn H1. Trong lúc đánh nhau D và H giằng co chiếc tuýp sắt làm tuýp sắt bị rơi xuống đường. H lấy con dao gấp mang theo trong người cầm trên tay đâm D, D cũng lấy dao gấp trong túi quần cầm trên tay phải để đâm lại H. H đâm D nhiều nhát, D tránh và đưa tay lên đỡ, bị rách da và xây xát ở cánh tay trái và cổ tay phải. D dùng dao đâm thẳng 01 nhát trúng vào ngực trái của anh H làm anh H kêu lên “Tao bị đâm rồi” và gục xuống đường bất tỉnh. Thấy vậy D bỏ đi, H1 đuổi theo dùng xích xắt vụt một phát trúng vào vai D, D cầm theo dao chạy về cổng Công ty TNHH H. Anh H được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 198 - Bộ Công an, do vết thương quá nặng nên đã tử vong. Đến 8h30 phút cùng ngày, Giáp Quang D đã đến Công an quận B đầu thú.
Tại Bản giám định pháp y số 7626/PC54-PY ngày 05/11/2015 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an thành phố Hà Nội, kết luận nguyên nhân chết của anh Nguyên Văn H như sau: “Mất máu cấp không hồi phục do vết thương động mạch phổi”.
Kết quả giám định số 476/C54 (P4) ngày 15/9/2015 của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an kết luận: “Trong mẫu máu của nạn nhân có tìm thấy thành phần rượu ethanol nồng độ 0,16mg/ml máu”.
Về trách nhiệm dân sự: Chị Hà Thị H2 (vợ anh H) yêu cầu bồi thường tiền chi phí tang lễ là: 67.100.000 đồng, tiền nuôi dưỡng bố mẹ anh H mỗi người 750.000 đồng/tháng, tiền nuôi con nhỏ đến khi 18 tuổi là: 340.000.000 đồng, tiền tổn thất về tinh thần là: 30.000.000 đồng. Trong quá trình điều tra, gia đình D đã tự nguyện bồi thường cho gia đình anh H là: 150.000.000 đồng. Chị H có đơn đề nghị xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 286/2016/HSST ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:
Áp dụng khoản 2 Điều 93; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Giáp Quang D 11 (mười một) năm tù về tội “Giết người”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 09/9/2015.
Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 76; Điều 99; Điều 231; Điều 234 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 591; Điều 593 Bộ luật dân sự năm 2015.
Về trách nhiệm dân sự:
1. Buộc bị cáo Giáp Quang D có nghĩa vụ bồi thường cho đại diện hợp pháp người bị hại là chị Hà Thị H2, ông Nguyễn Văn L, bà Vũ Thị H 108.700.000 đồng tiền chi phí mai táng và tổn thất tinh thần.
Xác nhận gia đình bị cáo Giáp Quang D đã bồi thường (thay cho bị cáo) cho đại diện hợp pháp người bị hại 150.000.000 đồng. Khoản tiền 150.000.000 đồng được trừ vào số tiền mà bị cáo có nghĩa vụ bồi thường trên (108.700.000 đồng). Như vậy, bị cáo đã bồi thường xong, số tiền còn lại 41.300.000 đồng được trừ dần vào tiền cấp dưỡng nuôi cháu Nguyễn Thị H V sinh ngày 06/01/2011.
2. Buộc bị cáo Giáp Quang D có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu Nguyễn Thị H V sinh ngày 06/01/2011, mỗi tháng 1.500.000 đồng. Thời điểm cấp dưỡng kể từ ngày anh H mất cho đến khi cháu V tròn 18 tuổi, do chị H2 đại diện.
Buộc bị cáo Giáp Quang D có nghĩa vụ cấp dưỡng cho bà Vũ Thị H mỗi tháng 750.000 đồng. Thời điểm cấp dưỡng kể từ ngày anh H mất cho đến khi bà Hoa qua đời.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Hà Văn H1, xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 24/8/2016, bị cáo Giáp Quang D có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 31/8/2016, bị cáo đã có đơn xin rút toàn bộ nội dung kháng cáo, theo đó Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ra Thông báo số 305/2016/TBRKC ngày 02/11/2016 về việc rút kháng cáo của bị cáo Giáp Quang D.
Ngày 31/8/2016, đại diện hợp pháp người bị hại là ông Nguyễn Văn L, bà Vũ Thị H và chị H2 có đơn kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự, yêu cầu tăng mức bồi thường về mai tang phí và buộc bị cáo phải cấp dưỡng cho ông Nguyễn Văn L là bố đẻ của người bị hại.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ được thẩm tra công khai tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại, luật sư và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa;
XÉT THẤY
Ngày 24/8/2016, bị cáo Giáp Quang D có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tuy nhiên ngày 31/8/2016, bị cáo đã có đơn xin rút toàn bộ nội dung kháng cáo. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ra Thông báo số 305/2016/TBRKC ngày 02/11/2016 về việc rút kháng cáo của bị cáo Giáp Quang D, do đó Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét về nội dung này.
Xét kháng cáo của chị H2 với tư cách là đại diện hợp pháp của người bị hại và đại diện được ủy quyền của ông Nguyễn Văn L và bà Vũ Thị H (bố mẹ đẻ của Nguyễn Văn H) có đơn yêu cầu bồi thường, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:
Trong quá trình điều tra và ở tại phiên tòa sơ thẩm, chị H2 yêu cầu các khoản bồi thường sau:
1. Chi phí tổ chức tang lễ gồm: Mua áo quan: 5.500.000 đồng; tiền thuê bát đĩa, phông bạt: 3.000.000 đồng; tiền nến, hương, khăn trắng, chè, thuốc: 3.500.000 đồng; tiền đất chôn cất: 10.000.000 đồng; thuê xe đi lại, gọi hồn: 1.800.000 đồng; cỗ bàn, hoa quả thắp hương: 23.000.000 đồng; kèn trống: 4.300.000 đồng; lên chùa, gửi hồn: 11.000.000 đồng; làm lễ cầu siêu: 5.000.000 đồng; cộng khoản này là: 67.100.000 đồng.
2. Tiền nuôi con: Nguyễn Thị H V, sinh ngày 06/01/2011, mỗi tháng 2.000.000 đồng, tính từ ngày 10/9/2015 cho đến khi tròn 18 tuổi (13 năm 4 tháng), tức là bằng 160 tháng x 2.000.000 đồng = 320.000.000 đồng.
3. Tiền nuôi dưỡng mẹ già là bà Vũ Thị H mỗi tháng 1.500.000 đồng.
4. Tiền tổn thất tinh thần bằng 100 lần mức lương cơ sở là 350.000.000 đồng.
Từ những yêu cầu trên, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã chấp nhận các yêu cầu sau đây của đại diện hợp pháp của người bị hại:
1. Chi phí tang lễ: Mua áo quan: 5.500.000 đồng; thuê phông bạt, bát đĩa: 3.000.000 đồng; tiền nến, khăn, chè thuốc: 3.500.000 đồng; tiền đất chôn cất: 10.000.000 đồng; hoa quả thắp hương: 2.000.000 đồng. Tổng các khoản này là: 24.000.000 đồng.
2. Tiền cấp dưỡng nuôi cháu Nguyễn Thị H V: Buộc bị cáo mỗi tháng cấp dưỡng cho cháu Nguyễn Thị H V là 1.500.000 đồng. Thời điểm cấp dưỡng kể từ ngày anh H mất cho đến khi cháu Nguyễn Thị H V tròn 18 tuổi.
3. Tiền cấp dưỡng cho bà Vũ Thị H mỗi tháng 750.000 đồng kể từ ngày anh Nguyễn Văn H mất cho đến khi bà Vũ Thị H qua đời.
4. Tiền tổn thất tinh thần: Buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường 70 lần mức lương cơ sở. Theo quy định tại Nghị định 47/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ, mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng (70 x 1.210.000 đồng) = 84.700.000 đồng.
Như vậy, ngoài số tiền phải cấp dưỡng, Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc bị cáo phải bồi thường: Tiền mai táng phí: 24.000.000 đồng; tiền tổn thất tinh thần: 84.700.000 đồng. Tổng hai khoản là: 108.700.000 đồng. Đồng thời Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã xác nhận: Từ khi anh Nguyễn Văn H mất, vợ bị cáo là chị Nguyễn Thị B đã chi các khoản sau: 150.000.000 đồng bồi thường trực tiếp cho chị H2 và 12.100.000 đồng trả tiền thuốc, pháp y, thuê xe đưa anh Nguyễn Văn H về quê. Ngoài ra, chị Bình còn khai có đưa 5.000.000 đồng cho anh Thuận đại diện Công ty TNHH H nhờ phúng viếng anh Nguyễn Văn H. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Công ty xác nhận điều này song Chị H2 (vợ anh Nguyễn Văn H) không thừa nhận.
Như vậy, số tiền 150.000.000 đồng chị Bình đã bồi thường thay cho bị cáo D đối với đại diện hợp pháp người bị hại sẽ được trừ vào khoản tiền mà bị cáo có nghĩa vụ phải bồi thường. Sau khi đối trừ, số tiền còn lại là 41.300.000 đồng sẽ được trừ dần vào tiền trợ cấp nuôi con của anh Nguyễn Văn H hàng tháng.
Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy: Khi xem xét về phần trách nhiệm dân sự đối với bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào yêu cầu bồi thường của đại diện hợp pháp của người bị hại, vào những tài liệu, chứng cứ mà các bên xuất trình; căn cứ quy định tại Điều 591, Điều 593 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và căn cứ xác nhận thu nhập của anh Nguyễn Văn H của Công ty H nơi anh Nguyễn Văn H làm việc trước khi bị mất thu nhập là 4.800.000 đồng... Từ đó quyết định mức bồi thường như trên là đều ở mức cao theo quy định của pháp luật. Đáng lưu ý, khi xem xét quyết định bồi thường về tổn thất tinh thần, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015 trong khi Bộ luật này chưa có hiệu lực pháp luật để buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường 70 lần mức lương cơ sở là quá cao, gây bất lợi cho bị cáo, tuy nhiên bị cáo cũng không kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự, nên Hội đồng xét xử giữ nguyên như quyết định của bản án sơ thẩm.
Căn cứ Nghị quyết số 03 NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trong đó Nghị quyết quy định: “Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ...”. Về cấp dưỡng cho cha, mẹ, chỉ buộc bị cáo phải cấp dưỡng khi: Cha, mẹ là người không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà con là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
Xem xét phần quyết định về trách nhiệm dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm và văn bản pháp luật quy định như trên, cho thấy kháng cáo của chị H2 với tư cách là đại diện hợp pháp của người bị hại và đại diện được ủy quyền của ông Nguyễn Văn L và bà Vũ Thị H về việc tăng tiền mai táng phí và đề nghị cấp dưỡng cho ông Nguyễn Văn L (bố đẻ anh Nguyễn Văn H) là không có căn cứ chấp nhận, bởi lẽ:
Thứ nhất: Về khoản tiền mai táng phí: Sau khi anh Nguyễn Văn H chết, được an táng tại quê (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), mức chi phí mai táng khoảng 24.000.000 đồng cũng đã là cao, đại diện hợp pháp của người bị hại đưa ra yêu cầu bồi thường trên 67.100.000 đồng, trong đó có cả những chi phí như cúng tế, lễ bái, ăn uống... theo thủ tục lạc hậu là không có căn cứ chấp nhận.
Thứ hai: Về việc đề nghị cấp dưỡng cho ông Nguyễn Văn L (bố đẻ anh Nguyễn Văn H): Trong quá trình điều tra và ở tại phiên tòa sơ thẩm, chị H2 với tư cách là đại diện hợp pháp của người bị hại và đại diện được ủy quyền của ông Nguyễn Văn L và bà Vũ Thị H không yêu cầu. Sau khi xét xử sơ thẩm lại yêu cầu bị cáo phải cấp dưỡng cho ông Nguyễn Văn L. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng yêu cầu này của chị H2 cũng không thuyết phục, bởi lẽ ông Lực là thương binh, đã có chế độ của Nhà nước đãi ngộ đối với thương binh; mặt khác, theo lý lịch của anh Nguyễn Văn H cho thấy anh Nguyễn Văn H còn có em ruột là Nguyễn Văn Đoàn, sinh năm 1988, ở cùng bố mẹ. Mặt khác, trong vụ án này, khi xảy ra vụ án đã xác định anh Nguyễn Văn H cũng có sự chuẩn bị dao, lôi kéo anh em tham gia đánh nhau với Giáp Quang D, cho nên tuy được xác định là người bị hại song rõ ràng anh Nguyễn Văn H cũng có một phần lỗi và vì thế anh Nguyễn Văn H cũng phải chịu một phần hậu quả xảy ra.
Với những căn cứ như đã nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo tăng bồi thường của đại diện hợp pháp của người bị hại.
Các phần khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 248 của Bộ luật tố tụng hình sự,
QUYẾT ĐỊNH
Không chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại, giữ nguyên phần trách nhiệm dân sự tại Bản án hình sự sơ thẩm số 286/2016/HSST ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội;
Xác nhận bị cáo đã nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm do chị Nguyễn Thị B là vợ bị cáo nộp thay (theo Biên lai thu tiền số AC/2015/0000132 ngày 10/10/2016 của Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội).
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 90/2017/HS-PT ngày 17/03/2017 về tội giết người
Số hiệu: | 90/2017/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 17/03/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về