TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 89/2019/DS-PT NGÀY 24/05/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 24 tháng 5 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 101/2019/DSPT ngày 07 tháng 01 năm 2019 về việc “tranh chấp quyền sử dụng đất”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 27/2018/DS-ST ngày 12/11/2018 của Toà án nhân dân huyện EaH'leo, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 68/2019/QĐ-PT ngày 07 tháng 03 năm 2019 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Y A Niê (ma B) – Có mặt; bà H’B Kpă (Mí B) – Vắng mặt.
Cùng trú tại: Buôn B, xã E, huyện E, tỉnh Đăk Lăk.
Đại diện ủy quyền của nguyên đơn có bà: Bà H'H Kpă.
Trú tại: Buôn B, xã E, huyện E, tỉnh Đăk Lăk – Có mặt; Bà Nguyễn Thị Huyền
N, sinh năm 1995, trú tại 282 đường G, thị trấn P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk - Có mặt.
- Bị đơn: Ông Y N A Drơng (Ma B) - Có mặt; bà H'B1 Niê –Vắng mặt. Cùng trú tại: Buôn B, xã E, huyện E, tỉnh Đăk Lăk.
Đại diện ủy quyền của bị đơn đồng thời là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ông Y T Niê. Trú tại: Buôn T, xã D, huyện E, tỉnh Đăk Lăk - Có mặt.
3. Người kháng cáo: Ông Y ANiê - là nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Trong đơn khởi kiện ngày 09 tháng 02 năm 2017 của Ông Y A và bà H'B Kpă; các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn trình bày:
Năm 1992 gia đình tôi có khai hoang được khoảng 01ha đất trồng màu ở thôn N, xã E, huyện E, tỉnh Đăk Lăk, có vị trí tứ cận như sau: Phía Đông giáp đường đi nhỏ; phía Tây giáp đường đi nhỏ; phía Nam giáp rẫy ông Y A (rẫy tranh chấp hiện nay), phía Bắc giáp đường đi chung lớn. Năm 2003 gia đình tôi đã đăng ký kê khai xin cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất với diện tích theo kết quả đo đạc là 11.071m2, thửa đất số 96, tờ bản đồ số 09, đất tại thôn N, xã E, huyện E, Đăk Lăk, nhưng vẫn chưa nhận được Giấy chứng nhận QSDĐ, gia đình tôi vẫn sử dụng đất này trồng hoa màu cho đến năm 2006 thì trồng cà phê phần đất từ suối lên, riêng diện tích đất khoảng 4 sào ở phía trên thì vẫn trồng hoa màu. Đến năm 2008 thì nhà ông Y N ADrơng chiếm của gia đình tôi khoảng 4 sào đất nói trên (theo kết quả đo đạc của UBND xã là 4.117 m2 ) để trồng cà phê, sự việc xảy ra tôi đã báo với già làng, ban tự quản buôn nhờ can nhiệp, nhưng hòa giải không thành vì ông Y N A Drơng và bà H'B1 Niê không hợp tác và đe dọa gia đình tôi. 18/01/2016 gia đình tôi có đơn khiếu nại gửi đến UBND xã E về việc ông Y N A Drơng và bà H'B1 Niê lấn chiến phần đất của gia đình tôi. Ngày 20/3/2016 cán bộ địa chính đã đi xác minh thực địa kiểm tra sổ mục kê và sổ địa chính và có ghi rõ tại báo cáo xác minh là “ ... Kiểm tra sổ địa chính lưu lại UBND xã, hộ ông Y A được cấp ... tờ bản đồ số 09, diện tích là: 11.071m2 theo quyết định số 1121/QĐ-UB, ngày 20/7/2004”. Như vậy, gia đình tôi đã khai hoang và sử dụng ổn định, từ năm 1992 đến năm 2008 không có tranh chấp với ai, mặt khác năm 2004 nhà nước đã có quyết định cấp đất 1121/QĐ- UB nhưng ông Y N A Drơng và bà H'B1 Niê đã lấn chiếm diện tích đất 4.117 m2 của gia đình tôi. Hiện nhà Y N A Drơng đang sử dụng, trồng cà phê trên diện tích đất của gia đình tôi, khi Y N lấy đất để trồng cà phê thì hai bên có tranh chấp, buôn có hòa giải nhưng không thành, sau khi hòa giải không thành thì nhà tôi cũng không có ý kiến gì với buôn và chính quyền địa phương về việc nhà Y N lấy đất của nhà tôi, đến năm 2016 tôi mới có đơn ra ủy ban và kiện ra Tòa án, sau đó rút đơn và đến năm 2017 thì tôi khởi kiện lại sự việc trên. Nay gia đình tôi yêu cầu nhà Y N A Drơng phải trả lại diện tích đất đã chiếm là 4.117 m2 và bồi thường thiệt hại về thể chất và tinh thần mà gia đình Y N A Drơng và bà H'B1 đã gây ra do việc lấn chiếm sử dụng diện tích của gia đình tôi từ năm 2008 đến nay. Ngoài ra không có yêu cầu nào khác.
* Trong quá trình tham gia tố tụng, cũng như tại phiên tòa hôm nay phía bị đơn ông Y N A Drơng và bà H'B1 Niê trình bày:
Nguồn gốc diện tích đất hiện có tranh chấp giữa gia đình Y A và gia đình tôi là đất do tôi khai hoang từ năm 1962 tại khu vực suối Eva nay là thôn N, xã E, tôi đã làm nhà ở trên diện tích đất này, đến năm 1970 chuyển đi đến xã E2 (nay xã E3, E). Từ khoảng năm 1986 đến năm 1990 chuyển về làm nhà sinh sống và trồng cây mít trên diện tích đất này đúng với điện tích hiện đang trồng cà phê như hiện nay. Do chỉ có 5 hộ quay lại sinh sống ở khu vực này, tình hình thời điểm đó sợ bọn phản động Pul rô nên, đến năm 1990 chuyển về buôn B, xã E, sau khi chuyển đi thì vẫn để căn nhà cũ ở đó khoản 01 năm sau thì mới dỡ đi, còn lại vười mít, không canh tác nữa. Năm 1992 ông Y A tự ý phát làm màu, nhà tôi để Y nhun làm, vì là anh em cùng họ bên vợ, đến năm 2008 thì gia đình tôi lấy lại đất để trồng cà phê. Năm 2009 nhà Y A đã nhổ 5 cây cà phê của tôi, sự việc này đã được buôn hòa giải và xử theo luật tục là phạt nhà Y A 2.000.000 đồng và 01 con heo, từ đó đến nay tôi vẫn sử dụng ổn định, không ai tranh chấp, đến năm 2016 thì nhà Y A kiện gia đình tôi ra tòa đòi tôi phải trả lại diện tích đất nói trên. Đất này là đất của gia đình tôi khai hoang và làm nhà ở từ năm 1962 nhưng do tình hình chính trị thời đó chiến tranh nên phải chuyển đi, chuyển về rồi lại chuyển đi nơi khác sinh sống, tuy nhiên theo tập tục của người đồng bào tại chỗ thì đất vẫn là của tôi, Vì vậy, tôi không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nhà Y A.
*Người có quyền nghĩa, vụ liên quan ông Y T Niê đồng với toàn bộ lời trình bày trên của ông Y N Ađrơng.
Những người làm chứng trình bày:
Ông Y W Niê: Về nguồn gốc đất: Trước đây (không nhớ rõ thời gian), buôn B ở tại khu vực có diện tích đang tranh chấp (thôn N, xã E, huyện E) diện tích ông Y N Ađrơng đang trồng cà phê hiện nay là đất vườn của ông Y N Ađrơng ở tại buôn cũ, sau đó buôn dời đi thì gia đình ông Y A có phát từ suối trở lên để trồng cà và trồng màu, còn ông Y A có phát cây và làm ở đám đất đang tranh chấp hay không thì tôi không biết.
Ông Y K Niê: Về nguồn gốc đất thì tôi không biết, vì trước đây tôi không sống tại buôn, đến năm 1975 tôi về buôn thì buôn đã chuyển đi nơi khác. Khoảng đầu năm 2008 thì xảy ra tranh chấp giữa gia đình Y A và gia đình Y N Ađrơng, ban tự quản buôn có mời hai bên gia đình để hòa giải tại nhà ông Y A, lúc đó đại diện buôn có ông Y T1 Niê là buôn trưởng chủ trì hòa giải, ông Y W Niê và tôi trong ban hòa giải, tại buổi hòa giải đã thống nhất: Thửa đất đang tranh chấp là của gia đình ông Y N và gia đình ông Y A bị phạt 01 con heo và đền bù cho gia đình ông Y N 2.000.000 đồng vì đã nhổ cà phê của ông Y N, sau khi hòa giải xong thì hai bên không có tranh chấp gì nữa, đến năm 2017 thì ông Y A mới khởi kiện ông Y N ra tòa. Việc hòa giải tại buôn không có lập biên bản.
Ông Y T1 Niê: Năm 2016 tôi là buôn trưởng buôn B, xã E, có tham gia buổi hòa giải giữa nhà ông Y Nhun và gia đình ông Y N, còn nội dung tranh chấp trước đó và nguồn gốc đất thì tôi không biết, theo thông tin tôi biết qua buổi hòa giải thì diện tích đất tranh chấp trên (không nhớ rõ thời gian) ban đầu là của nhà Y N ở buôn Briêng cũ để làm nhà và vườn, sau khi buôn dời đi thì ông Y Asử dụng trồng hoa màu, năm 2008 thì ông Y N lấy lại để trồng cà phê cho đến nay.
Ông Y T1 Niê: Đối với tranh chấp đất giữa nhà ông Y A và nhà ông Y N tôi có biết, trước đây buôn B ở tại khu vực đất đang tranh chấp, sau đó buôn dời đi, khoảng năm 1988 nhà ông Y N quay trở lại buôn cũ (rừng mít) đất đang tranh chấp hiện nay, diện tích đất ông Y N ở chỉ khoảng hơn một sào chứ không rộng như hiện nay, khi buôn dời đi nhà ông Y N chưa dỡ nhà, đến khoảng năm 1996 ông Y N mới dỡ nhà đi vào trong buôn ở và đất bỏ hoang, sau đó nhà ông Y A mới khai hoang lại và trồng màu trên điện tích đất đang tranh chấp, đến năm 2008 ông Y N lấy lại và cho con trồng cà phê và sử dụng cho đến nay.
Ông Y L Niê: Vườn cà phê đang tranh chấp trước đây thuộc buôn cũ, khoảng năm 1988 ông Y N làm nhà ở trên đất đang tranh chấp, khoảng hơn một năm thì buôn dời đi, bỏ hoang, đến năm 1992 nhà Y A phát để trồng màu, đến năm 2008 nhà Y N chiếm đất của Y A để trồng cà phê cho con trai là Y T làm từ đó cho đến nay.
Ông Y P A Drơng: Tôi làm gần rẫy cà phê mà nhà ông Y A và gia đình ông Y N đang tranh chấp, tôi chỉ biết là năm 2008 Y N trông cà phê và sử dụng cho đến nay, trước năm 2008 thì tôi thấy nhà Y A trồng màu. Còn nguồn gốc đất thì tôi không biết.
Tại phiên tòa sơ thẩm phía nguyên đơn thừa nhận vị trí đất hiện có tranh chấp trước năm 1992 là của ông Y N tuy nhiên đất của ông Y N chỉ khoảng hơn 01 sào chứ không phải hơn 04 sào như hiện nay đồng thời nguyên đơn cũng thừa nhận năm 2009 con ông Y Acó nhổ mấy cây cà phê của ông Y N và có bị buôn phạt 01 con heo và bồi thường 2.000.000đ đây chỉ là phạt do nhổ cà chứ không nói gì đến việc tranh chấp đất. Ông Y A cũng thừa nhận tại thời điểm ông khai hoang trên diện tích hiện có tranh chấp thì có khoảng 4-5 gốc mít còn cây thì đã bị cắt.
Ông yêu cầu bị đơn phải trả lại 4.117 m2 đất thuộc thửa số 96, tờ bản đồ số 09, đất tọa lạc tại thôn N, xã E, huyện E và rút phần yêu cầu bồi thường thiệt hại về thể chất và tinh thần.
Bị đơn ông Y N Ađrơng và người có quyền, nghĩa vụ liên quan anh Y T Niê không đồng ý yêu cầu trả đất của ông Y A và giữ nguyên ý kiến như đã trình bày.
Tại bản án số Bản án số: 27/2018/DS-ST ngày 12/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện EaH'leo đã quyết định:
Áp dụng các khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 244 và Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 166 Luật đất đai năm 2013.
Tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Y A Niê và bà H'B Kpă về việc yêu cầu ông Y N Ađrơng và bà H'B1 Niê trả lại diện tích tranh chấp là 4.117m2 đất thuộc thửa số 96, tờ bản đồ số 09, tọa lạc tại thôn N, xã E, huyện E.
Ông Y N Ađrơng, bà H'B1 Niê thực hiện quyền đăng ký kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nói trên theo quy định của luật đất đai.
Đình chỉ đối với yêu cầu bồi thường về thể chất và tinh thần của ông, bà Y A, H'B Kpă.
Về án phí: Ông Y A Niê thuộc đối tượng người cao tuổi không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
Về chi phí thẩm định và định giá tài sản tranh chấp: Ông Y A Niê phải chịu 4.000.000đ (bốn triệu đồng) tiền chi phí thẩm định và định giá tài sản (số tiền này ông Y A Niê đã nộp và đã chi phí hết).
Ngoài ra bản án còn tuyên về quyền kháng cáo theo quy định.
Ngày 26/11/2018 nguyên đơn ông Y A Niê kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết buộc ông Y N trả lại phần đất diện tích 4.117 m2 cho ông Y ANiê và bà H'B Kpă.
Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cho rằng nguồn gốc của diện tích đất đang tranh chấp nằm trong tổng diện tích 11.071m2 do ông Y A Niê và bà H'B Kpă khai hoang vào năm 1992. Tại thời điểm tranh chấp, diện tích đất tranh chấp vẫn đang là đất trống, chưa ai khai hoang. Ông Y A Niê và bà H'B Kpă đã sử dụng ổn định không tranh chấp. Vào năm 2003, ông Y A Niê và bà H'B Kpă đăng ký kê khai xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất này và được ghi trong sổ mục kê đứng tên ông Y A Niê, căn cứ điểm i khoản 2 Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về Căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định thì “Sổ mục kê” là một trong các căn cứ để xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định, mặt khác, căn cứ khoản 4 Điều 50 Luật đất đai 2003, ông Y A Niê và bà H'B Kpă đã sinh sống trên diện tích đất này trước năm 1993 không tranh chấp với bất kỳ ai cho đến năm 2008 đến nay, nên việc ông Y A Niê xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là phù hợp với quy định của pháp luật, Do đó, đề nghị Hội đồng xét xét chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.
Quá trình tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhận định: Thẩm phán và Hội đồng xét xử phúc thẩm tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, nội dung vụ án đã được làm rõ, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 BLTTDS khôngchấp nhận kháng cáo của ông Y A Niê – Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 27/2018/DS-ST ngày 12/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện EaH'leo
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của các đương sự:
[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của phía nguyên đơn trong hạn luật định, nên vụ án được giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
[2] Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn:
[2.1] Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, nguồn gốc diện tích đất tranh chấp này trước đây thuộc buôn Briêng cũ. Năm 1962 gia đình ông Y N Ađrơng đã làm nhà ở, trồng hoa màu và trồng cây mít, nhưng do chiến tranh tình hình chính trị không ổn định nên năm 1970 buôn đã phải chuyển đến xã E3, huyện E. Năm 1988 thì gia đình ông Y N A drơng và 5 hộ khác chuyển về địa điểm cũ làm nhà ở và sinh sống tại đó được một thời gian thì do lúc đó thế lực phản động Phulrô quấy phá nên năm 1990 thì ông Y N và 5 hộ khác lại phải chuyển vào Buôn Briêng (Buôn hiện nay đang sinh sống) khi chuyển đi thì ông Y N vẫn để ngôi nhà gỗ ở đó khoảng 01 năm sau mới dỡ đi và phần đất này bỏ hoang không canh tác. Đến năm 1992 gia đình ông Y Ađến khai hoang phần diện tích đất từ suối lên giáp với đất của ông Y N, do đất Y N bỏ hoang không canh tác nên ông Y A phát dọn luôn phần diện tích đất của ông Y N để trồng hoa màu. Do chưa có nhu cầu sử dụng đồng thời giữa ông Y A và ông Y N có quan hệ họ hàng bên phía vợ nên đã để cho ông Y Asử dụng trồng trĩa hoa màu. Đến năm 2008 thì gia đình ông Y N lấy lại, khi lấy lại thì gia đình ông Y A không đồng ý nhưng Y N vẫn lấy và đã trồng cà phê nên có sự tranh chấp. Năm 2009 phía gia đình ông Y A có nhổ của ông Y N 05 cây cà phê trên diện tích đất tranh chấp này nên đã được buôn mời hai bên đến nhà Y A giải quyết và kết quả là gia đình ông Y A bị buôn áp dụng luật tục xử phạt 01 con lợn và phải bồi thường 2.000.000đ, ông Y A đã tuân thủ thực hiện phạt và bồi thường. Kể từ đó gia đình ông Y N đã trồng cây cà phê, sử dụng ổn định diện tích đất này và không ai có ý kiến gì nữa, cho đến năm 2016 thì ông Y A mới tiếp tục tranh chấp và khởi kiện. Tại phiên tòa phía nguyên đơn cũng thừa nhận vị trí đất hiện nay tranh chấp trước đây ông Y N làm nhà ở đồng thời khi phát dọn để làm rẫy thì trên đất vẫn còn khoản 4-5 gốc cây mít.
Việc phía nguyên đơn cho rằng diện tích đất hiện tranh chấp này do gia đình ông khai hoang năm 1992, đến năm 2003 đã kê khai, đã có kết quả đo đạc giải thửa và theo báo cáo kết quả xác minh của UBND xã thì diện tích đất này gia đình ông đã được nhà nước cấp nằm trong diện tích 11.017 m2 thuộc thửa số 96, tờ bản đồ số 09, Quyết định số 1121/QD-UBND ngày 20/7/2004. Tuy nhiên, tại công văn số 211/CNEH ngày 02/11/2017 của Văn phòng Đăng ký đất đai huyện E đã khẳng định: diện tích 11.017 m2 thuộc thửa số 96, tờ bản đồ số 09 tọa lạc tại xã E đã được kê khai trong sổ mục kê đứng tên ông Y A Niê, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tại quyết định số 1121/QĐ-UBND ngày 20/7/2004 không có tên ông Y A. Như vậy, mặc dù khi kê khai phần diện tích đất ông khai hoang ở phía dưới suối thì đồng thời ông cũng kê khai cả phần đất mà ông đã phát dọn trồng trỉa của ông Y N vì thời điểm đó ông đang sử dụng cả phần diệt tích đất này, tuy nhiên việc kê khai không đồng nghĩa với việc được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực tế ông cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 96 nói trên. Phần diện tích đất hiện có tranh chấp ông cho rằng mình khai hoang cũng không đúng thực tế vì phần diện tích đất này ông Y N đã làm nhà ở, canh tác và trồng cây mít đến khoản năm 1991 mới dỡ nhà đi nơi khác, năm 1992 gia đình ông Y A mới phát dọn trồng hoa màu.
Từ nhừng phân tích nêu trên, nhận thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc vợ chồng ông Y N Ađrơng trả lại 4.117m2 đất thuộc thửa số 96, tờ bản đồ số 09, tọa lạc tại thôn N, xã E, huyện E là có căn cứ, đúng pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, phía nguyên đơn cũng không cung cấp thêm được tài liệu hay chứng cứ gì mới. Do đó, việc ông Y A kháng cáo cho rằng thửa đất đó là của ông là không có cơ sở để chấp nhận.
[2.2] Đối với yêu cầu bồi thường về thể chất và tinh thần thì nguyên đơn đã rút yêu cầu khởi kiện nên Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ yêu cầu này là đúng pháp luật nên HĐXX không xem xét, giải quyết.
[2.3] Về chi phí thẩm định và định giá tài sản là 4.000.000đ ông Y A Niê đã nộp tạm ứng trước nhưng do yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận nên ông Y ANiê phải chịu toàn bộ chi phí thẩm định và định giá.
[3] Về án phí dân sự sơ thẩm: Do ông Y A Niê là người đã trên 70 tuổi nên thuộc trường hợp không phải nộp án phí dân sự sơ thẩm.
[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do ông Y A Niê là người đã trên 70 tuổi nên thuộc trường hợp không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 166 Luật đất đai năm 2013, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
[1] Không chấp nhận kháng cáo của ông Y A Niê.
Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm 27/2018/DSST ngày 12/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk.
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Y A Niê và bà H'B Kpă về việc yêu cầu ông Y N Ađrơng và bà H'B1 Niê trả lại diện tích tranh chấp là 4.117m2 đất thuộc thửa số 96, tờ bản đồ số 09, tọa lạc tại thôn N, xã E, huyện E.
Ông Y N Ađrơng, bà H'B1 Niê thực hiện quyền đăng ký kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nói trên theo quy định của luật đất đai.
Đình chỉ đối với yêu cầu bồi thường về thể chất và tinh thần của ông, bà Y A, H'B Kpă.
Về chi phí thẩm định và định giá tài sản tranh chấp: Ông Y A Niê phải chịu 4.000.000đ (bốn triệu đồng) tiền chi phí thẩm định và định giá tài sản (số tiền này ông Y A Niê đã nộp và đã chi phí hết).
Về án phí: Ông Y A Niê thuộc đối tượng người cao tuổi nên không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự phúc thẩm.
Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án 89/2019/DS-PT ngày 24/05/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 89/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 24/05/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về