TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 88/2021/HS-PT NGÀY 20/01/2021 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN VÀ CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ
Ngày 20 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 101/2020/TLPT-HS ngày 09 tháng 11 năm 2020 đối với bị cáo Bùi Thị Như T và đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Do có kháng cáo của các bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 25/2020/HSST ngày 18/09/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên.
- Bị cáo có kháng cáo:
1. Bùi Thị Như T - sinh ngày: 25/04/1985 tại tỉnh Phú Yên. Nơi cư trú: Khu phố H, phường H, thị xã Đ, tỉnh Phú Yên; Giới tính: Nữ; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Nghề nghiệp: Không; Trình độ văn hóa (học vấn): 04/12; Con ông Bùi Văn S, sinh năm 1958 (chết) và bà Đặng Thị Đ, sinh năm 1963 (chết); Có chồng Nguyễn Văn S, sinh năm 1981; Có 02 con, lớn nhất sinh năm 2005, nhỏ nhất sinh năm 2016; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
2. Nguyễn Thị Kim G - Sinh ngày: 01/09/1971 tại tỉnh Phú Yên. Nơi cư trú: Khu phố Phú Hiệp 3, phường H, thị xã Đ, tỉnh Phú Yên. Giới tính: Nữ; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Nghề nghiệp: Buôn bán; Trình độ văn hóa (học vấn): 12/12; Con ông Nguyễn N, sinh năm 1937 và bà Văn Thị T, sinh năm 1940; Có chồng: Trần Minh T, sinh năm 1971; Có 03 con, lớn nhất sinh năm 1998, nhỏ nhất sinh năm 2006; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại, vắng mặt.
3. Dương Thị Thanh T1 - Sinh ngày: 24/08/1968 tại tỉnh Phú Yên. Nơi cư trú: Khu phố H, phường H, thị xã Đ, tỉnh Phú Yên. Giới tính: Nữ; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Nghề nghiệp: Không; Trình độ văn hóa (học vấn): 02/12; Con ông Dương Bình M (chết) và bà Văn Thị T (chết); Có chồng: Trần Quang M, sinh năm 1970; Có 03 con, lớn nhất sinh năm 1991, nhỏ nhất sinh năm 2002; Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại, vắng mặt.
Người bào chữa cho bị cáo Bùi Thị Như T:
1. Luật sư Ngô Thiên P, Văn phòng Luật sư N, Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên; Địa chỉ: tỉnh Phú Yên. Có mặt.
2. Luật sư Nguyễn Văn H, Công ty Luật TNHH K – Chi nhánh Phú Yên; Địa chỉ: tỉnh Phú Yên. Có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Kim G:
1. Luật sư Trần Thị Như T và Luật sư Trần Ngọc Q đều thuộc Văn phòng Luật sư D, Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên; địa chỉ: tỉnh Phú Yên. Đều vắng mặt.
2. Luật sư Lê Văn T, VPLS L và Cộng sự, Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa;
địa chỉ: Khánh Hòa.Có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo Dương Thị Thanh T1: Luật sư Nguyễn Hữu T, Văn phòng Luật sư H, Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai; địa chỉ: tỉnh Gia Lai. Vắng mặt.
Ngoài ra trong vụ án còn có những người bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo; không bị kháng cáo, kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
1. Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Để có tiền trả nợ và tiêu xài, cuối năm 2016 đến tháng 7/2018, Bùi Thị Như T đã lợi dụng chức vụ Tổ trưởng Tổ vay vốn của Hội phụ nữ khu phố H sử dụng thủ đoạn gian dối cần tiền làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng hưởng chênh lệch lãi để vay tiền; lúc đầu mỗi lần vay đều trả đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi nên nhiều người tin tưởng. Khi vay tiền, T nhận thức được không có khả năng trả nhưng để không bị phát hiện, T vay tiền của người này trả cho người khác, vay lần sau trả cho lần trước, càng về sau số tiền vay càng lớn, đến thời điểm bỏ trốn khỏi địa phương (ngày 05/7/2018) T đã chiếm đoạt của 05 người với tổng số tiền 47.790.000.000 đồng, cụ thể như sau:
- Đối với Nguyễn Thị Kim G:
Từ năm 2016 đến ngày 29/6/2018, T vay và trả cho bà G nhiều lần với lượng tiền vay rất lớn, để bà G tin tưởng T nói dối là ngoài T ra còn vay tiền cho chị 2 và ông chú phía chồng đang làm ở ngân hàng trên địa bàn thành phố T cùng làm dịch vụ đáo hạn. Mỗi lần nhận tiền từ bà G, T đều chia tiền ra từng khoản và ghi vào sổ theo dõi là đưa cho chị 2, ông chú. T cố tình ghi trên sổ theo dõi mức lãi suất T cho vay làm dịch vụ đáo hạn là 8.000đ/01triệuđ/01ngày (trong khi vay của bà G với mức lãi suất 6.000đ/01triệuđ/01ngày) để bà G thấy T sử dụng tiền vay của bà G có hiệu quả nhằm củng cố lòng tin cho bà G. Khi đến hạn trả cho bà G, T vay tiền từ bà T1 trả đủ cả gốc và lãi cho bà G, nếu còn thiếu thì T sẽ vay của những người khác bù vào hoặc để nợ lại. Căn cứ sổ theo dõi nợ vay của bà G đã đối chiếu và được T xác nhận: Từ tháng 7/2016 đến 27/6/2018, T vay và trả của bà G nhiều lần cả gốc, lãi tổng cộng 285.010.000.000 đồng, trong đó tiền gốc 273.610.000.000 đồng, tiền lãi 16.479.880.000 đồng. Ngày 27/6/2018 đến ngày 29/6/2018, T vay của bà Dương Thị Thanh T1 27.700.000.000 đồng để trả cho bà G cả gốc, lãi đã vay trước đó và vẫn còn nợ bà G 11.400.000.000 đồng, khoản tiền nợ này được xác định vay vào các ngày 25/6/2018, 27/6/2018. Để trả lại cho bà T1 khoảng tiền gốc 27.700.000.000 đồng và tiền lãi, từ ngày 02/7/2018 đến ngày 04/7/2018, T tiếp tục nói dối với bà G là cần tiền đáo hạn ngân hàng và đã vay của bà G nhiều lần với số tiền 30.860.000.000 đồng, cụ thể:
Ngày 02/7/2018, T vay 16.700.000.000 đồng được theo dõi trong sổ là lấy cho ông chú 6.000.000.000 đồng; lấy cho chị hai 6.500.000.000 đồng và lấy cho T 4.200.000.000 đồng.
Ngày 03/7/2018, T vay 3.310.000.000 đồng được theo dõi trong sổ là lấy cho chị hai 2.200.000.000 đồng; lấy cho T 1.110.000.000 đồng.
Ngày 04/7/2018, T vay 10.850.000.000 đồng được theo dõi trong sổ là lấy cho ông chú 4.500.000.000 đồng, lấy cho chị hai 4.200.000.000 đồng và lấy cho T 2.150.000.000 đồng.
T khai đã sử dụng số tiền trên trả cho bà T1 30.277.080.000 đồng; trả cho bà Dương Thị Thanh T 32.100.000 đồng; trả cho bà Trần Thị C 42.000.000đồng; trả cho bà Nguyễn Thị Kim T 80.000.000 đồng; trả cho bà Lương Thị Mỹ L 11.600.000đồng; trả cho bà Nguyễn Thị T 236.000.000 đồng (trong đó tiền lãi hơn 6.000.000đồng); trả cho bà Đỗ Thị Đ 170.000.000 đồng nên còn lại khoảng 1.060.000 đồng T sử dụng tiêu xài trong thời gian bỏ trốn. Như vậy, tổng số tiền Bùi Thị Như T đã chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị Kim G là 42.260.000.000 đồng (11.400.000.000 đồng + 30.860.000.000 đồng).
- Đối với Nguyễn Thị Kim T: Với thủ đoạn gian dối nêu trên, từ đầu 2018 đến tháng 5/2018, T nhiều lần vay của bà T 3.600.000.000 đồng có trả lãi nhưng không xác định được mức lãi suất. Để có tiền tiêu xài và trả nợ cho em ruột là Bùi Thị Như L, Bùi Như X, ngay trước khi bỏ trốn T nói dối với bà T cần ngay 200.000.000 đồng để đáo hạn ngân hàng. Bà T tin tưởng đã đưa T vay nên số tiền T chiếm đoạt của bà T là 3.800.000.000 đồng.
- Đối với Nguyễn Thị T: Trong năm 2018, T vay của bà T nhiều lần với số tiền 230.000.000 đồng. Ngày 04/7/2018, T sử dụng 236.000.000đồng tiền vay của bà G trả đầy đủ gốc và lãi cho bà T. Khoảng 08h00’ngày 05/7/2018, T gọi điện cho bà T nói: “Có sổ cần đáo hạn ngân hàng với số tiền 250.000.000 đồng chị có cho em vay được không”, do tin tưởng T vay như những lần trước nên khoảng 10h30’ cùng ngày bà T mang 250.000.000 đồng đến nhà đưa cho T. T viết giấy nhận tiền đưa cho bà T với nội dung: “Ngày 22/5/2018 AL có vay của bà T số tiền 250.000.000 đồng, thời hạn trả là 08 ngày (kể từ ngày vay)” nhưng T đã chiếm đoạt của bà T 250.000.000 đồng sử dụng tiêu xài trong thời gian bỏ trốn.
- Đối với Trần Thị C: Cũng bằng thủ đoạn như trên từ năm 2014 đến tháng 5/2018, T vay bà C 03 lần, lần lượt với số tiền 600.000.000đ, 250.000.000đ, 200.000.000đ và được xác lập thành 01 giấy mượn tổng cộng 1.050.000.000 đồng. Để bà C tin tưởng, trong quá trình vay T có trả lãi cho bà C nhiều lần khoảng 542.000.000 đồng nhưng không xác lập giấy tờ gì và không xác định được lãi suất vay. Đến thời điểm bỏ trốn T đã chiếm đoạt của bà Trần Thị C 1.050.000.000 đồng.
- Đối với Lương Thị Mỹ L: Cũng với thủ đoạn nêu trên từ năm 2016 đến tháng 5/2018, T vay và trả tiền của L nhiều lần sòng phẳng, đúng hạn và được xác lập số tiền còn lại là 180.000.000 đồng. Ngày 04/7/2018, T hỏi vay 250.000.000đ để làm thủ tục đáo hạn ngân hàng được L đồng ý cho vay. Khoảng 14h00’ ngày 05/7/2018, T nhờ Nguyễn Văn S (chồng T) đến nhà L lấy 250.000.000đ và đưa cho L giấy nhận tiền viết sẵn ghi ngày 22/5AL (ngày 05/7/2018) đã được T và S ký xác nhận, sau đó bỏ trốn, như vậy T đã chiếm đoạt của chị Lương Thị Mỹ L 430.000.000đồng.
2. Về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự:
- Đối với Nguyễn Thị Kim G: Từ năm 2017 đến ngày 29/6/2018, G đã cho T vay nhiều lần tổng cộng 285.010.000.000đ với lãi suất mỗi lần cho vay đều là 6.000đ/1.000.000đ/ngày, tương ứng 0,6%/ngày, bằng 219%/năm. Tính đến ngày 29/6/2018, T đã trả tiền gốc cho G là 273.610.000.000 đồng và lãi 16.471.380.000 đồng, sau khi khấu trừ lãi suất theo quy định Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 (phần lãi suất 20%/năm là 1.504.235.617 đồng), xác định số tiền Nguyễn Thị Kim G thu lợi bất chính là 14.967.144.383 đồng. Trong tổng số tiền của G bị T chiếm đoạt có 14.967.144.383đồng tiền thu lợi bất chính từ hành vi cho vay lãi nặng.
- Đối với Dương Thị Thanh T1 chỉ thừa nhận lãi suất cho T vay là 1.200đ/1.000.000đ/ngày, trong khi đó T khai lãi suất T1 cho T vay là 12.000đ/1.000.000đ/ngày, tương ứng lãi suất 1,2%/ngày, bằng 438%/năm. Mỗi lần nhận và trả tiền cho T1 đều được Trần Dương Thanh T (con của T1) ghi giấy nhận và tính toán lãi suất giao cho T để theo dõi. Lời khai của T phù hợp với 06 tờ giấy ghi chép và tính tiền lãi do T lập đều thể hiện lãi suất T1 cho T vay là 12.000đ/1.000.000đ/ngày, tương ứng lãi suất 1,2%/ngày, bằng 438%/năm, cụ thể:
- Giấy lập ngày 19/5/2018 Âm lịch (02/7/2018) có nội dung:“Thứ 2 ngày 19/5/2018 AL, nhận chị 16 tỷ 700 tr (trưa nhận 14 tỷ 850 tr), tính: 9/5AL còn 500tr - 11 = 66đ; 15/5,11 tỷ 300tr - 5 = 678đ; 15/5AL, trả 3 tỷ 900 - 5 = 234đ 15 tỷ 700tr + 978đ = 16 tỷ 678tr, chị đưa 16 tỷ 700 - 16 tỷ 678 còn chị 22 triệu”. Nội dung này phù hợp với lời khai của T: Ngày 19/5/2018 Âm lịch, T đem đến giao cho T1 16.700.000.000 đồng để trả số tiền gốc cho 03 lần đã vay vào các ngày 09/5/2018 Âm lịch và 15/5/2018 Âm lịch, tính đến thời điểm trả được xác định thời hạn là 11 ngày và 5 ngày, tương ứng số lãi được tính lần lượt là 66 triệu, 678 triệu, 234 triệu. Do đó, số tiền lãi T đã trả cho T1 978.000.000đồng trên số tiền gốc là 15.700.000.000 đồng tương ứng mức lãi suất là 1,2%/ngày, bằng 438%/năm.
Tương tự như trên, lần trả nợ ngày 19/3/2018 Âm lịch, T trả cho T1 5.560.000.000 đồng tiền gốc đã vay vào các ngày 11/3/2018, 17/3/2018 Âm lịch, thời hạn tính lãi là 09 ngày, 03 ngày và tiền lãi đã trả là 276.000.000 đồng, tương ứng với mức lãi suất là 1,2%/ngày, bằng 438%/năm.
Lần trả nợ ngày 29/3/2018 Âm lịch, T trả cho T1 8.740.000.000 đồng tiền gốc vay vào các ngày 17/3/2018, 25/3/2018 Âm lịch, thời hạn tính lãi là 13 ngày, 05 ngày và tiền lãi đã trả là 691.000.000 đồng (T1 có giảm cho T 440.000 đồng tiền lãi), tương ứng với mức lãi suất là 1,2%/ngày, bằng 438%/năm.
Lần trả nợ 02/4/2018 Âm lịch, T trả cho T1 2.750.000.000 đồng tiền gốc vay vào các ngày 25/3/2018, 26/3/2018 Âm lịch, thời hạn tính lãi là 07 ngày, 06 ngày và tiền lãi đã trả 208.000.000 đồng, tương ứng với mức lãi suất là 1,2%/ngày, bằng 438%/năm.
Lần trả nợ ngày 14/4/2018 Âm lịch,T trả cho T1 10.160.000.000 đồng tiền gốc vay vào ngày 10/4/2018 Âm lịch, thời hạn tính lãi là 05 ngày và tiền lãi đã trả là 609.000.000 đồng, tương ứng với mức lãi suất là 1,2%/ngày, bằng 438%/năm.
Lần trả nợ ngày 14/5/2018 Âm lịch, T trả cho T1 13.000.000.000 đồng tiền gốc vay vào các ngày 08/5/2018, 09/5/2018 Âm lịch, thời hạn trả là 07 ngày, 06 ngày và tiền lãi đã trả là 1.014.000.000 đồng, tương ứng với mức lãi suất là 1,2%/ngày, bằng 438%/năm.
Tổng số tiền gốc Dương Thị Thanh T1 cho Bùi Thị Như T vay và được T trả vào các ngày 19/3/2018 Âm lịch, ngày 29/3/2018 Âm lịch, ngày 02/4/2018 Âm lịch, ngày 14/4/2018 Âm lịch, ngày 14/5/2018 Âm lịch và ngày 19/5/2018 Âm lịch là 55.910.000.000 đồng cùng với số tiền lãi 3.776.000.000 đồng. Sau khi khấu trừ lãi suất theo quy định Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 (phần lãi suất 20%/năm là 172.420.091 đồng), xác định số tiền Dương Thị Thanh T1 thu lợi bất chính là 3.603.579.909đồng.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 25/2020/HS-ST ngày 18/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đã quyết định:
Tuyên bố:
- Bị cáo Bùi Thị Như T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”;
Áp dụng Điểm a Khoản 4 Điều 174; các Điểm b, s Khoản 1 Điều 51; Điểm g Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015;
Xử phạt bị cáo Bùi Thị Như T 20 (Hai mươi) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.
- Các bị cáo Nguyễn Thị Kim G, Dương Thị Thanh T1 phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”;
Áp dụng Khoản 2 Điều 201; Điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51; Điểm g Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với các bị cáo G, T1; áp dụng thêm Điểm t Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo G;
Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim G 02 (Hai) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Xử phạt bị cáo Dương Thị Thanh T1 02 (Hai) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Ngoài ra bản án còn quyết định về phần trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.
Ngày 28/9/2020 bị cáo Bùi Thị Như T kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 29/9/2020, bị cáo Bùi Thị Như T có đơn trình bày đã thừa nhận bị cáo lấy tiền của nhiều người với lãi suất 0,6%/ ngày trả cho bà T1, đến năm 2018, số tiền lãi đã lên đến 47 tỷ 790 triệu đồng và cho rằng nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội là do bà Dương Thị Thanh T1 lôi kéo xúi giục; bị cáo trốn là do sự sắp xếp của bà T1, số tiền bị cáo vay của bị hại đã giao hết cho bà T1, bà T.
Ngày 29/9/2020 bị cáo Nguyễn Thị Kim G kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.
Ngày 01/10/2020 bị cáo Dương Thị Thanh T1 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cải tạo không giam giữ.
Trong giai đoạn phúc thẩm, bị hại Nguyễn Thị Kim T, Trần Thị C, Nguyễn Thị T có đơn kiến nghị (BL 1859, 1860,1861) cho rằng không đồng ý với bản án sơ thẩm và đề nghị Toà án buộc mẹ con bà T1, bà T trả lại số tiền mà họ đã cho Bùi Thị Như T vay.
Tại phiên toà đại diện Viện kiểm sát khẳng định rằng: Quá trình điều tra, giải quyết vụ án và tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, bị cáo Bùi Thị Như T thừa nhận hành vi phạm tội; quá trình điều tra không chứng minh được đồng phạm, Bản án sơ thẩm đã giải quyết đúng pháp luật; kháng cáo của các bị cáo không có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Các Luật sư bào chữa cho bị cáo Bùi Thị Như T đề nghị Hội đồng xét xử giảm hình phạt cho bị cáo.
Luật sư Lê Văn Tuấn bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Kim G cho rằng mặc dù bị cáo thừa nhận hành vi, kháng cáo xin giảm nhẹ nhưng quá trình giải quyết vụ án có nhiều sai sót, vi phạm do vậy đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm để điều tra, giải quyết lại.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào toàn bộ tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ đã được tranh tụng tại phiên tòa, xem xét ý kiến của Luật sư, quan điểm của Viện kiểm sát, sau khi thảo luận và nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1] Về tố tụng: Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, bị cáo Nguyễn Thị Kim G và bị cáo Dương Thị Thanh T1 có “ Đơn đề nghị hoãn phiên toà”, đơn đề ngày 14/01/2021, với nội dung “hiện nay tôi đang bị bệnh đang đi tái khám bệnh tại TP Hồ Chí Minh nên không thể về kịp tham dự phiên toà xét xử vụ án vào ngày 20/01/2021, kính mong quý Toà xem xét hoãn phiên toà và ấn định thời gian xét xử vào thời gian khác ( qua tết cổ truyền) để tôi có thời gian chữa bệnh và có ý kiến thay đổi luật sư bào chữa cho tôi” ( nội dung hai đơn giống nhau). Xét thấy, hai bị cáo có đơn đề nghị hoãn phiên toà với lý do nêu trên nhưng không có tài liệu chứng cứ chứng minh kèm theo cũng như xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, do đó không phải là lý do hoãn phiên toà theo quy định tại Điều 351, Điều 352 Bộ luật tố tụng hình sự. Về thủ tục Luật sư, thì tại phiên Toà có mặt Luật sư Lê Văn Tuấn bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Kim G, còn Luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Thị Thanh T1 vắng mặt nhưng xét thấy các bị cáo bị xét xử về tội “ Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại khoản 2 Điều 201 Bộ luật hình sự, do đó không phải trường hợp bắt buộc phải có Luật sư bào chữa theo quy định tại Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự. Mặt khác, trong vụ án này các bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt, việc vắng mặt của các bị cáo không trở ngại cho việc xét xử, do vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định tiến hành giải quyết vụ án theo quy định, không cần thiết hoãn phiên tòa, kéo dài vụ án.
[2] Tại phiên toà phúc thẩm các bị cáo Bùi Thị Như T thừa nhận hành vi phạm tội của mình và tội danh như Toà án cấp sơ thẩm xét xử là đúng, chỉ giữ nguyên nội dung kháng cáo xin giảm hình phạt và bổ sung nội dung đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét đồng phạm trong vụ án. Trong đơn kháng cáo, bị cáo Nguyễn Thị Kim G thì xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo; Dương Thị Thanh T1 xin giảm hình phạt và xin cải tạo không giam giữ.
[3] Quá trình giải quyết vụ án, bị cáo G thừa nhận tất cả lời khai của bị cáo đã khai tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên là hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép cung, dụ cung, nhục hình… và xác nhận: Từ năm 2017 đến ngày 04/7/2018, G đã cho T vay nhiều lần tổng cộng 315.870.000.000đồng với lãi suất mỗi lần cho vay đều là 6.000đ/1.000.000đ/ngày, tương ứng 0,6%/ngày, bằng 219%/năm. Tính đến ngày 29/6/2018, T đã trả cho G tiền gốc 273.610.000.000 đồng và tiền lãi 16.471.380.000 đồng nên T còn nợ G tiền gốc là 42.260.000.000đồng.
Xét thấy lời khai của bị cáo G tại phiên tòa sơ thẩm phù hợp với các lời khai của chính bị cáo tại các Bản tự khai, Biên bản lấy lời khai tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên (từ Bút lục 182 đến Bút lục 255 và từ Bút lục 1.645 đến Bút lục 1.653), phù hợp với lời khai bị cáo T và các Bảng kê chi tiết từng khoản tiền vay và trả tiền gốc, lãi giữa Bùi Thị Như T và Nguyễn Thị Kim G do bị cáo G tự kê khai đã được đối chiếu xác nhận với bị cáo T (từ Bút lục 846 đến Bút lục 890), thể hiện cụ thể từng lần bị cáo G cho bị cáo T vay và được T trả gốc, lãi gồm: 16 lần G cho T vay tiền góp từ ngày 11/10/2016 đến ngày 08/10/2017 và 113 lần G cho T vay tiền để đáo hạn ngân hàng từ ngày 29/9/2017 đến ngày 04/7/2018 với tổng số tiền T vay của G là 315.870.000.000đồng, số tiền gốc T đã trả cho G là 273.610.000.000đồng (T còn nợ G số tiền 42.260.000.000đồng) và số tiền lãi T đã trả cho G là 16.471.880.000đồng, với lãi suất mỗi lần cho vay đều là 6.000đ/1.000.000đ/ngày, tương ứng 0,6%/ngày, bằng 219%/năm.
Lời khai nhận tội của các bị cáo Bùi Thị Như T, Nguyễn Thị Kim G tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa đều phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai của những người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và những người làm chứng; lời khai nhận tội của bị cáo Dương Thị Thanh T1 tại Bản nhận tội đề ngày 18/7/2020 gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên ngày 11/9/2020(BL 1776) phù hợp với lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Trần Dương Thanh T, phù hợp với 06 tờ giấy tính tiền do Trần Dương Thanh T lập để theo dõi việc bị cáo Bùi Thị Như T trả tiền vay gốc, lãi cho bị cáo Dương Thị Thanh T1 vào các ngày 19/3/2018 Âm lịch, 29/3/2018 Âm lịch, 02/4/2018 Âm lịch, 14/4/2018 Âm lịch, 14/5/2018 Âm lịch và 19/5/2018 Âm lịch; kết quả giám định chữ viết và các tài liệu, chứng cứ khác có tại hồ sơ, nên đủ cơ sở kết luận:
- Từ năm 2016 đến tháng 7/2018, trên địa bàn thị xã Đ, tỉnh Phú Yên, Bùi Thị Như T bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt nhiều lần của Nguyễn Thị Kim G số tiền 42.260.000.000đồng, Nguyễn Thị Kim T số tiền 3.800.000.000đồng, Nguyễn Thị T số tiền 250.000.000đồng, Trần Thị C số tiền 1.050.000.000đồng, Lương Thị Mỹ L số tiền 430.000.000đồng; tổng cộng là 47.790.000.000 đồng.
- Nguyễn Thị Kim G cho T vay nhiều lần với tổng số tiền gốc mà T đã trả cho G là 273.610.000.000đồng, lãi suất mỗi lần cho vay đều là 0,6%/ngày, tương đương 219%/năm, xác định số tiền lãi G thu lợi bất chính là 14.967.144.383 đồng.
- Dương Thị Thanh T1 cho T vay nhiều lần với tổng số tiền gốc mà T đã trả cho T1 là 55.910.000.000 đồng, lãi suất mỗi lần cho vay đều là 1,2%/ngày, tương đương 438%/năm, xác định số tiền lãi T1 thu lợi bất chính là 3.603.579.909đồng.
Do đó, Toà án nhân dân tỉnh Phú Yên đã xét xử bị cáo Bùi Thị Như T về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015; xét xử các bị cáo Nguyễn Thị Kim G, Dương Thị Thanh T1 về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại Khoản 2 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, dúng pháp luật.
[4] Xét kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo Bùi thị Như T, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Bị cáo Bùi Thị Như T biết rõ hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của người khác bị pháp luật nghiêm cấm. Nhưng vì lợi ích cá nhân, thái độ xem thường pháp luật, đã lợi dụng sự tin tưởng để chiếm đoạt tiền của những người bị hại, cụ thể: Từ năm 2016 đến ngày 05/07/2018, khi đã mất khả năng thanh toán nợ nhưng Bùi Thị Như T vẫn tiếp tục vay tiền của người sau để trả gốc, lãi cho người vay trước, còn lại một ít dùng để chi tiêu cho gia đình, khi số tiền vay lớn T không có khả năng trả nên đã lợi dụng bản thân làm Tổ trưởng Tổ vay vốn của Hội Phụ nữ khu phố H để đưa thông tin gian dối như vay tiền làm thủ tục đáo hạn ngân hàng hưởng chênh lệch lãi, vay tiền đưa cho người quen cùng đáo hạn ngân hàng nhưng thực chất T không đáo hạn ngân hàng, không đưa cho ai vay lại mà chỉ vay người sau để trả gốc, lãi cho người vay trước rất đúng hẹn nên họ tin tưởng tiếp tục cho T vay tiền. T nhận thức được việc vay tiền người khác là không có khả năng trả, nhưng sợ vỡ nợ sẽ mất uy tín nên T liên tục có thủ đoạn gian dối nhằm mục đích lấy tiền người này trả cho người khác cho đến khi nào không còn vay được nữa. Đến ngày 05/07/2018, T không vay được nữa nên cùng gia đình bỏ đi khỏi địa phương và đã chiếm đoạt của Nguyễn Thị Kim G số tiền 42.260.000.000 đồng, Nguyễn Thị Kim T số tiền 3.800.000.000 đồng, Trần Thị C số tiền 1.050.000.000 đồng, Nguyễn Thị T số tiền 250.000.000 đồng và Lương Thị Mỹ L số tiền 430.000.000 đồng. Tổng số tiền mà T chiếm đoạt của những người nói trên là 47.790.000.000 đồng. Tại phiên toà phúc thẩm. Bị cáo T thừa nhận tổng số tiền chiếm đoạt như cấp sơ thẩm quy kết là đúng. Bị cáo T phạm tội 02 lần trở lên là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015. Khi xét xử Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; vận động gia đình đem tài sản nhà đất của bị cáo và chồng là Nguyễn Văn S để khắc phục hậu quả, do đó cấp sơ thẩm đã xem xét cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại các Điểm b, s Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong giai đoạn phúc thẩm bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo không được chấp nhận.
Về nội dung kháng cáo bổ sung đề nghị xem xét đồng phạm và nội dung trong đơn kiến nghị gửi Toà án, bị cáo Bùi Thị Như T đã tiếp tục thừa nhận hành vi và tổng số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại nhưng cho rằng bị cáo đã chuyển tiền cho bà T1 và việc phạm tội của bị cáo do bà T1 lôi kéo, xúi giục và bà T1 tổ chức cho bị cáo bỏ trốn. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng, bị cáo thừa nhận hành vi và tổng số tiền chiếm đoạt của các bị hại nên được Toà án áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo. Còn việc bị cáo cho rằng bà T1 xúi giục và lôi kéo bị cáo phạm tội cũng như tổ chức cho bị cáo bỏ trốn thì quá trình điều tra cơ quan điều tra không chứng minh được bà Dương Thị Thanh T1 đồng phạm với bị cáo trong tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ( BL: 1735,1738 Kết luận điều tra). Còn việc bị cáo cho rằng bà T1 tổ chức cho bị cáo bỏ trốn nhưng không có chứng cứ chứng minh, bị cáo là người có đầy đủ năng lực hành vi, năng lực pháp luật, bị cáo bỏ trốn thì bị cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nội dung này không có căn cứ chấp nhận.
[5] Xét kháng cáo xin giảm hình phạt và xin cải tạo không giam giữ của bị cáo Dương Thị Thanh T1; kháng cáo xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Thị Kim G. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Các bị cáo là những người có khả năng lao động nhưng không chịu làm ăn chân chính mà lại dùng tiền để cho vay nặng lãi nhằm thu lợi bất chính và đều thực hiện hành vi phạm tội 02 lần trở lên, là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015. Khi xét xử sơ thẩm, Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, như: bị cáo T1 thành khẩn khai báo; ăn năn hối cải; bị cáo có nhân thân tốt, trình độ học vấn 02/12 nên hiểu biết pháp luật hạn chế nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo theo quy định tại Điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bị cáo G thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; trong quá trình giải quyết vụ án, bị cáo G tích cực hợp tác với Cơ quan tiến hành tố tụng; bị cáo nộp số tiền 20.000.000đồng để đảm bảo thi hành án, do đó áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo theo quy định tại các Điểm s, t Khoản 1, Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong giai đoạn phúc thẩm các bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên kháng cáo của các bị cáo không có cơ sở chấp nhận, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt.
[6]Về ý kiến của các bị hại Nguyễn Thị Kim T, Trần Thị C, Nguyễn Thị T cho rằng bà T1 chủ mưu xúi giục bị cáo Bùi Thị Như T, như trên đã nêu quá trình điều tra cơ quan điều tra không chứng minh được đồng phạm của Dương Thị Thanh T1 trong hành vi lừa đảo với bị cáo T. Về ý kiến đề nghị cấp phúc thẩm xem xét buộc mẹ con bà T1, bà T phải trả lại số tiền mà họ đã cho Bùi Thị Như T vay, vì T cũng là nạn nhân. Thấy rằng quá trình điều tra giải quyết vụ án đã chứng minh rõ bị cáo T vay tiền của các bị hại sau đó chiếm đoạt của các bị hại và các bị hại đã có đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra yêu cầu xử lý và yêu cầu buộc bị cáo Bùi Thị Như T trả lại tiền cho các bị hại, nên Toà án cấp sơ thẩm đã buộc bị cáo T hoàn trả cho các bị hại số tiền đã chiếm đoạt là có căn cứ và đúng pháp luật.
Từ những phân tích và lập luận nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng Toà án cấp sơ thẩm đã giải quyết vụ án có căn cứ, đúng pháp luật; kháng cáo của các bị cáo không có cơ sở nên không được chấp nhận.
Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận quan điểm của Viện kiểm sát: không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Do kháng cáo không dược chấp nhận nên các bị cáo phải chịu án phí phúc thẩm hình sự theo quy định tại Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị quyết 326/NQ-UBTVQH về án phí, lệ phí Toà án.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Bùi Thị Như T, Nguyễn Thị Kim G, Dương Thị Thanh T1, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Áp dụng Điểm a Khoản 4 Điều 174; các Điểm b, s Khoản 1 Điều 51; Điểm g Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015;
Xử phạt bị cáo Bùi Thị Như T 20 (Hai mươi) năm tù, về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Áp dụng Khoản 2 Điều 201; Điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51; Điểm g Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với các bị cáo G, T1; áp dụng thêm Điểm t Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo G;
Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim G 02 (Hai) năm tù, về tội “ Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Xử phạt bị cáo Dương Thị Thanh T1 02 (Hai) năm tù, về tội “ Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015; các Điều 21, 23, 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Án phí hình sự phúc thẩm: Các bị cáo Bùi Thị Như T, Nguyễn Thị Kim G và Dương Thị Thanh T1 , mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 88/2021/HS-PT ngày 20/01/2021 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Số hiệu: | 88/2021/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 20/01/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về