Bản án 88/2019/HS-ST ngày 30/07/2019 về tội sản xuất hàng giả là thực phẩm

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN GIA LÂM, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 88/2019/HS-ST NGÀY 30/07/2019 VỀ TỘI SẢN XUẤT HÀNG GIẢ LÀ THỰC PHẨM

Ngày 30 tháng 7 năm 2019 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 82/2019/TLST-HS ngày 28 tháng 6 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 82/2019/QĐXXST-HS ngày 08 tháng 7 năm 2019 đối với bị cáo:

Lý Thị Q, sinh năm 1986; Hộ khẩu thường trú và nơi ở: Thôn Y, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội; Nghề nghiệp: kinh doanh; Trình độ văn hoá: 12/12; dân tộc: Tày; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Lý Thanh D, sinh năm 1967 và con bà Phà Thị V, sinh năm 1965; chồng tên Nguyễn Văn B, sinh năm 1979 và có 2 con lớn sinh năm 2009 nhỏ sinh năm 2011 Tiền án, tiền sự: theo danh chỉ bản số 137 ngày 26/3/2019 bị cáo chưa tiền án tiền sự; Áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 21/3/2019 đến nay. “Có mặt”.

Người bị hại: Công ty cổ phần Marico South East Asia. Địa chỉ: số 3, đường số 5, khu công nghiệp Sóng Thần1, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lương Hữu Khánh, sinh năm 1966, nơi cư trú: Số 22D9A, Riviera Cove, phường Phước Long B, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh.

Đã ủy quyền cho Công ty TNHH dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp Châu Á (Viết tắt là AIP), địa chỉ: số 86/70 Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh (Giấy ủy quyền ngày 30/3/2019); Người đại diện theo pháp luật của AIP là ông Trần Tuấn Huy, sinh năm 1974, HKTT và nơi ở: Số 100/161A Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Mình.

Người đại diện theo ủy quyền lại là ông Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 1975, chức vụ: Trưởng văn phòng đại diện Công ty TNHH dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp Châu Á, địa chỉ văn phòng đại diện: Số 1, ngách 25A, ngõ 130, phố An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. (Giấy ủy quyền ngày 22/01/2019). “Ông Sơn vắng mặt, có đơn xin xử vắng mặt ngày 24/7/2019”.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thắng P (Sau đây viết tắt là công ty Thắng P), địa chỉ: Thôn Y, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật của công ty: Ông Nguyễn Văn B, sinh năm 1979, HKTT và nơi cư trú: Thôn Y, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, chức vụ: Giám đốc Công ty. “Ông B có mặt”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2017, ông Nguyễn Văn B sinh năm 1979 là Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thắng Phát cùng vợ là Lý Thị Q địa chỉ tại thôn Yên Khê, xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội có mua 1 nồi nấu, 1 nồi xay, 1 nồi trộn, 2 nồi đựng sa tế làm nguội, 6 nồi san chiết sa tế, 1 máy dán nắp, 1 máy hàn nilon để phục vụ việc sản xuất sa tế nhãn hiệu Thắng Phát theo sự cấp phép của Phòng đăng ký kinh doanh Sở kế hoạch đầu tư thành phố Hà Nội cấp ngày 16/8/2010. Đến tháng 11/2018, Lý Thị Q mua các nguyên liệu gồm: 500 kg bột ngô của Công ty TNHH Kiến Vương với giá 5.090.000 đồng, 200 lít dầu ăn nhãn hiệu Tường An của Công ty Thanh Muôn với giá 4.200.000 đồng, 100 kg muối ăn của Cửa hàng tạp hóa Luyến Sơn với giá 3.500.000 đồng, 260kg chân nấm hương khô của công ty Mân Tiền với giá 9.100.000 đồng, 2 kg ớt của công ty An Sinh với giá 18.000 đồng, 41.500 màng Seal PET của công ty Sam Lan với giá 2.905.000 đồng để phục vụ sản xuất sa tế của công ty Thắng Phát của vợ chồng Q. Nhưng vì nhãn hàng sa tế Thắng Phát bán không chạy bằng nhãn hiệu sa tế Thuận Phát, nên Q tranh thủ lúc B là chồng vắng nhà đã chỉ đạo nhân viên của công ty Thắng Phát làm giả vỏ nhãn hiệu Thuận Phát nhưng cho sa tế của công ty Thắng Phát vào để bán kiếm lời. Số vỏ nắp nhựa và 20 vỏ bao bì cát tông in nhãn hiệu Thuận Phát nguồn gốc Q mua của một người đàn ông không quen biết đến nhà bán cho Q với giá là 14.125.000 đồng. Ngày 21 và 22/01/2019 Q đã chỉ đạo 19 công nhân của công ty Thắng Phát sản xuất, đóng gói thành phẩm sa tế nhãn hiệu Thuận Phát được 5.400 lọ sa tế và 200 lọ chưa thành phẩm thì bị bắt quả tang, thu giữ toàn bộ tang vật, trừ 01 nồi hơi do không thể mang về kho tang vật nên Công an đã tạm bàn giao cho Q quản lý chờ xử lý. Khi bị bắt quả tang, bước đầu Q khai sản xuất thành phẩm 1 lọ sa tế Thuận Phát tổng hết 3.500 đồng/lọ, dự kiến bán ra là 4.500 đồng/lọ, Q sẽ lãi 1.000 đồng/lọ. Q chưa đưa được bất cứ sản phẩm nào ra thị trường thì bị bắt quả tang.

Đối với 19 công nhân không biết Q sản xuất hàng giả, chỉ làm theo chỉ đạo của Q.

Anh B là người đại diện theo pháp luật của công ty Thắng Phát không biết Q sử dụng hệ thống máy và công nhân của công ty để thực hiện việc phạm tội, Q thực hiện làm sa tế Thuận Phát trong lúc anh B đi vắng.

Kết luận giám định số 1160/KLGĐ-PC09 ngày 26/02/2019 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an thành phố Hà Nội kết luận: 5.400 lọ sa tế thành phẩm nhãn hiệu Thuận Phát thu giữ tại Cơ sở sản xuất sa tế ở Yên Khê, Yên Thường, Gia Lâm, thành phố Hà Nội đều là giả, đều có chất lượng, vỏ gói, nhãn mác không cùng loại với chất lượng, vỏ gói, nhãn mác của lọ sa tế thành phẩm nhãn hiệu Thuận Phát do đại diện hợp pháp của công ty cổ phần Marico South East Asia cung cấp mẫu vật so sánh; Trong 5.400 lọ sa tế thành phẩm nhãn hiệu Thuận Phát thu giữ tại Yên Khê, Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội không tìm thấy các chất độc thường gặp.

Kết luận định giá số 23/KL-HĐĐG ngày 14/02/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Gia Lâm kết luận: 5.400 lọ sa tế đã thành phẩm nhãn hiệu Thuận Phát có giá tại thời điểm ngày 22/01/2019 là 45.900.000 đồng.

Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm truy tố bị cáo Lý Thị Q về tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm ” theo khoản 1 Điều 193 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận hành vi đúng như cáo trạng truy tố: Bị cáo vì hám lời nên tranh thủ lúc chồng là anh B cũng là người đại diện theo pháp luật của công ty Thắng Phát đi vắng, đã sử dụng toàn bộ hệ thống máy, nguyên vật liệu là tiền của cá nhân bị cáo đi mua nguyên vật liệu về, sử dụng công nhân của công ty Thắng Phát để làm sản xuất sa tế theo cách thức mà công ty Thắng Phát vẫn sản xuất để cho vào bao bì lọ mang nhãn hiệu Thuận Phát để giả nhãn hiệu mang đi bán, trong 2 ngày 21 và 22/01/2019 Q đã sản xuất được 5.400 lọ sa tế Thuận Phát thì bị bắt quả tang và chưa đưa được sản phẩm nào ra thị trường tiêu thụ.

Tại phiên tòa anh B khai: máy móc của công ty Thắng Phát nhưng đều do Q điều hành sản xuất sa tế Thắng Phát, anh chỉ là người đi lo thị trường, khâu sản xuất do Q điều hành, do là công ty của gia đình nên với Q cũng không ký hợp đồng lao động. Nguyên vật liệu sản xuất sa tế Thuận Phát giả là tiền của Q đi mua, Q mua và khai danh nghĩa là công ty Thắng Phát mua, không phải là hàng hóa của Công ty Thắng Phát, công nhân Q sử dụng là công nhân của công ty. Q sản xuất hàng giả có sử dụng máy và công nhân của công ty, nhưng Công ty Thắng Phát cũng không yêu cầu gì về dân sự, vì Q là vợ của anh. Số máy móc Q sử dụng vào việc phạm tội là tài sản của công ty Thắng Phát, do công ty không biết Q sử dụng vào việc phạm tội, nên đề nghị HĐXX trả lại cho Công ty.

Đại diện viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm giữ nguyên quan điểm truy tố, giữ nguyên cáo trạng.

Đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 193, điểm h, n, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Q từ 30 đến 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Q về UBND xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Về hình phạt bổ sung: Đề nghị không áp dụng.

Về dân sự: Công ty cổ phần Marico South East Asia, công ty Thắng Phát không yêu cầu bồi thường dân sự, HĐXX không xem xét giải quyết.

Về vật chứng của vụ án:

+Trả lại công ty Thắng Phát 01 nồi nấu, 01 nồi hơi, 02 nồi đựng sa tế làm nguội, 6 nồi san chiết sa tế, 1 máy dán nắp, 1 máy hàn nilon

+ Tịch thu tiêu hủy toàn bộ vật liệu thu giữ của Q gồm 5388 lọ sa tế thành phẩm nhãn hiệu Thuận Phát (lấy 12 lọ đi giám định); 200 lọ sa tế chưa thành phẩm;

200 chiếc vỏ nắp nhãn hiệu Thuận Phát; 50 vỏ lọ nhãn hiệu Thuận Phát; 20 vỏ bao bì cat ton nhãn hiệu Thuận Phát; 35 kg bột ngô; 40 kg muối; 9 kg dầu ăn nhãn hiệu Tường An; 20 kg nấm; 2 kg ớt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện theo trình tự thủ tục tố tụng của Bộ luật tố tụng hình sự. Ngoài ra quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại gì khác về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, do đó các hành vi quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện là hợp pháp.

[2] Về hành vi phạm tội: Ngày 22/01/2019 Lý Thị Q bị bắt quả tang tại nhà của bị cáo cùng toàn bộ 19 công nhân đang sản xuất sa tế nhãn hiệu Thuận Phát thu giữ 5400 lọ sa tế thành phẩm mang nhãn hiệu Thuận Phát cùng toàn bộ nguyên vật liệu, 200 lọ sa tế chưa thành phẩm, các công cụ phương tiện phục vụ việc sản xuất sa tế giả. Khi bắt quả tang và tại quá trình điều tra bị cáo Q đều khai nhận vì hám lợi đã cho sa tế của công ty Thắng Phát vào lọ có nhãn hiệu sa tế Thuận Phát, mục đích là làm giả nhãn hiệu Thuận Phát để bán kiếm lời do nhãn hiệu Thắng Phát của chồng bị cáo bán không chạy bằng nhãn hiệu Thuận Phát, còn sa tế bên trong có công thức sản xuất của thương hiệu Thắng Phát chứ không phải của Thuận Phát. Lời khai của bị cáo phù hợp với kết luận giám định của Phòng kỹ thuật Công an thành phố Hà Nội kết luận toàn bộ 5400 lọ sa tế nhãn hiệu Thuận Phát thu giữ của bị cáo đều là giả về chất lượng, vỏ gói, nhãn mác so với mẫu hàng so sánh công ty cổ phần Marico South East Asia cung cấp mẫu. Nên đủ cơ sở kết luận ngày 22/01/2019 bị cáo Q đã có hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm được quy định tại khoản 1 Điều 193 của Bộ luật hình sự, số hàng giả đã được định giá là 45.900.000 đồng, cần phải xử lý nghiêm trong khung hình phạt để răn đe bị cáo. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, hành vi phạm tội của bị cáo chưa gây thiệt hại hoặc thiệt hại không lớn, nhân thân bị cáo chưa tiền án tiền sự, phạm tội lần đầu, bị cáo là người dân tộc Tày, khi xét xử đang mang thai 16 tuần 4 ngày (đến khám ngày 08/7/2019) để cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ tại các điểm h, n, s khoản 1 khoản 2 Điều 51 của BLHS, xét bị cáo có 2 tình tiết giảm nhẹ, chất lượng thực phẩm làm giả tuy không đúng với chất lượng của nhãn hàng Thuận Phát nhưng bị cáo sử dụng cơ sở của công ty Thắng Phát để sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cấp giấy chứng nhận, nguyên vật liệu làm thành phẩm cũng được bị cáo mua tại các công ty cơ sở được Cục an toàn thực phẩm - Bộ y tế chứng nhận là phù hợp quy định an toàn thực phẩm, hàng hóa sản xuất ra chưa đưa ra thị trường tiêu thụ, chưa gây tổn hại về sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Xét bị cáo 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51, không có tình tiết quy định tại Điều 52 của Bộ luật hình sự, có nơi cư trú rõ ràng, có nhân thân tốt nên cho bị cáo cải tạo ngoài xã hội cũng đủ giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung là đảm bảo đúng quy định tại Điều 65 của Bộ luật hình sự và Điều 2 của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định.

[3]Xét về hình phạt bổ sung đối với bị cáo: Do bị cáo không có nghề nghiệp, không có thu nhập ổn định, hiện đang mang thai nên không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo là có căn cứ.

[3] Về trách nhiệm dân sự: Công ty cổ phần Marico South East Asia, công ty Thắng Phát không yêu cầu bồi thường dân sự, HĐXX không xem xét giải quyết.

[4] Về vật chứng của vụ án:

+ Đối với 01 nồi nấu, 01 nồi hơi, 02 nồi đựng sa tế làm nguội, 6 nồi san chiết sa tế, 1 máy dán nắp, 1 máy hàn nilong là tài sản của công ty Thắng Phát, công ty Thắng Phát không biết bị cáo sử dụng vào việc phạm tội, cần trả lại công ty Thắng Phát là có căn cứ.

+ Đối với nguyên vật liệu chưa làm và các sản phẩm mang nhãn hiệu Thuận Phát đã thành phẩm, chưa thành phẩm đều là tài sản của bị cáo Q, mua và sử dụng vào việc phạm tội cho tịch thu tiêu hủy.

[5].Về án phí: bị cáo bị kết án nên phải chịu án phí hình sự theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 193, điểm h, n, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự; Căn cứ vào Điều 2 của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

Căn cứ vào Điều 47 của Bộ luật hình sự; Khoản 2 Điều 106, các Điều 136, 331, 332, 333 của Bộ luật tố tụng hình sự;

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên bố bị cáo Lý Thị Q phạm tội: “Sản xuất hàng giả là thực phẩm”.

Xử phạt: Bị cáo Lý Thị Q 30 (Ba mươi) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Q về UBND xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Về hình phạt bổ sung: không Về dân sự: không. Về vật chứng:

+ Trả lại công ty Thắng Phát: 01 nồi hơi, 01 nồi nấu, 01 nồi xay, 02 nồi đựng sa tế làm nguội, 06 nồi san chiết sa tế, 01 máy dán nắp, 01 máy hàn nilon. (Riêng 01 nồi hơi, cơ quan công an đã tạm giao cho Lý Thị Q bảo quản và quản lý tại nhà ở thôn Yên Khê, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội).

+ Tịch thu tiêu hủy: 35 kg bột ngô; 40 kg muối; 09 kg dầu ăn nhãn hiệu Tường An; 20 kg nấm; 02 kg ớt; 5388 lọ sa tế thành phẩm nhãn hiệu Thuận Phát; 200 lọ sa tế chưa thành phẩm nhãn hiệu Thuận Phát; 200 chiếc vỏ nắp nhãn hiệu Thuận Phát; 50 vỏ lọ nhãn hiệu Thuận Phát; 20 vỏ bao bì catton nhãn hiệu Thuận Phát.

(Số vật chứng trên thể hiện tại Biên bản giao nhận vật chứng giữa Công an huyện Gia Lâm và Chi cục thi hành án dân sự huyện Gia Lâm ngày 03/7/2019).

Về án phí: bị cáo Lý Thị Q phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

Báo cho bị cáo Q, Công ty Thắng Phát có mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; công ty cổ phần Marico South East Asia vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tống đạt bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

833
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 88/2019/HS-ST ngày 30/07/2019 về tội sản xuất hàng giả là thực phẩm

Số hiệu:88/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Gia Lâm - Hà Nội
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 30/07/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về