Bản án 88/2017/HSST ngày 27/12/2017 về tội cưỡng đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN  HUYỆN ĐÔ LƯƠNG, TỈNH NGHỆ AN

BẢN ÁN 88/2017/HSST NGÀY 27/12/2017 VỀ TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 27/12/2017 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Tòa án nhân dân huyện Đô Lương mở phiên tòa để xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 85/2017/HSST ngày 24/11/2017 đối với các bị cáo:

1. Lê Văn L, sinh ngày 01 tháng 4 năm 1985

Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Xóm Hòa Phú, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không Trình độ học vấn: 9/12; Nghề nghiệp: Lao động tự do. Con ông: Lê Văn T, sinh năm 1942.

Con bà: Đặng Thị Ch, sinh năm 1944.

Anh chị em ruột: Có 05 người, bị cáo là con thứ 05 trong gia đình. Vợ, con: chưa có.

- Tiền án: 04 tiền án

+. Ngày 28/11/2005 bị Tòa án nhân dân huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An xử phạt 08 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”, chấp hành xong ngày 09/05/2006.

+. Ngày 19/01/2009 bị Tòa án nhân dân huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương xử phạt 15 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, đã chấp hành xong.

+. Ngày 15/02/2012 bị Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk xử phạt 03 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Chấp hành xong ngày 23/08/2014.

+. Ngày 25/09/2015 bị Tòa án nhân dân huyện Đô Lương xử phạt 26 tháng tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, chấp hành xong ngày 20/5/2017.

- Tiền sự: Không.

Bị cáo bị tạm giữ 09 ngày kể từ ngày 29/8/2017 đến ngày 07/9/2017 bị áp dụng biện pháp tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An cho đến nay. Có mặt.

2. Nguyễn Quang C, sinh ngày 14 tháng 7 năm 1993

Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Xóm Hòa Phú, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Quốc tịch: Việt Nam;Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không Trình độ học vấn: 11/12; Nghề nghiệp: Lao động tự do Con ông: Nguyễn Quang T, sinh năm 1965.

Con bà: Trần Thị L, sinh năm 1968.

Anh chị em ruột: Có 04 người, bị cáo là con thứ 03 trong gia đình. Vợ, con: chưa có.

- Tiền án: Không.

- Tiền sự: Ngày 08/12/2016 bị UBND xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy với thời gian 03 tháng kể từ ngày 08/12/2016.

Bị cáo bị tạm giữ 09 ngày kể từ ngày 29/8/2017 đến ngày 07/9/2017 bị áp dụng biện pháp tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An cho đến nay. Có mặt

2. Người bị hại:

- Chị: Nguyễn Thị LL, sinh năm 1968. Vắng mặt

Địa chỉ: Xóm Hòa Minh, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Anh: Hoàng Văn Th, sinh năm 1979. Vắng mặt

Địa chỉ: Xóm Đoài 2, xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định

- Anh: Trần Văn M, sinh năm 1991. Vắng mặt

Địa chỉ: Xóm Đoài 2, xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định

NHẬN THẤY

Bị cáo Lê Văn L và Nguyễn Quang C bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Vào giữa tháng 8 năm 2017, Lê Văn L và Nguyễn Quang C bàn bạc với nhau vào mùa vụ hè thu sẽ đưa máy gặt liên hoàn ở nơi khác về gặt lúa trên cánh đồng xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương. Sau đó, cả hai đưa 7 máy gặt liên hoàn về. Lúc này, L và C thỏa thuận, mỗi ngày L sẽ trả cho C 300.000đồng và cuối mùa sẽ đưa tiền cho C, nhiệm vụ của C là đi theo máy gặt liên hoàn mà L và C đưa về ghi số sào mà các máy gặt được. Đến ngày 23 tháng 8 năm 2017, L và C đi thăm đồng, nhìn thấy trong sân nhà bà Nguyễn Thị LL có hai máy gặt lúa liên hoàn, L và C đi vào nhà gặp bà LL hỏi: “Máy này của ai đem về”, bà LL trả lời: “Máy này là máy tau mua, một máy con rể tau thuê về”, L nói tiếp: “Coi răng để mà thống nhất giá, máy bà thì tui không biết chứ máy con rể bà thì để nhà tui đưa đi làm”. Bà LL không đồng ý và nói máy của ai người đó làm. C liền nói: “Nếu mà không thống nhất được thì nhà tui đem về mười máy gặt một sào trăm hai thì gì định răng”, bà L nói lại: “Bay gặt được trăm hai thì tau cũng gặt được trăm hai”. Nghe bà LL nói thế L nói: “Tưởng bà nói răng chứ rứa thì được, bà biết tui là ai không, bà điều tra rồi sẽ biết tui là ai”, Bà LL nói: “Tau không biết bay là ai cả”, rồi L và C đi về.

Đến khoảng 9 giờ ngày 24 tháng 8 năm 2017, nghe thông tin bà Nguyễn Thị LL cho máy gặt giá thấp so với giá thị trường nên L điện thoại cho C nói “Mi ở mô đó, ta lên coi chứ có cái máy mô gặt phá giá ta dọa”. Sau đó, L đến nhà C đón C rồi cả hai đi đến nhà bà LL. Đến khu vực giếng làng cách cổng nhà bà LL khoảng 50 mét, L và C gặp bà LL đang đứng cùng anh Hoàng Văn TT và Trần Văn M (là 02 chủ máy gặt người Nam Định, đang ở trong nhà bà Lai). Thấy vậy, L xuống xe đi đến sát bà LL chỉ tay vào mặt bà LL rồi nói: “Cái bà tra kia, mi có thích gặt phá giá không?”, bà LL nói lại: “Tui đâu có phá giá”. L nói tiếp: “Bà đưa cái máy ra tau đập nát máy”. Trong lúc bà LL đang giải thích cho L là không gặt phá giá thì C đi đến khu vực anh TT và anh M đang đứng rồi dùng tay trái tát vào má của anh TT một cái và nói: “Mi ở mô”, anh TT sợ nên nói: “Em ở Nam Định”, C nói tiếp: “Rứa hai ông là chủ máy gặt à”, anh TT trả lời “Vâng”, C nói: “Về đây nhà anh đã thông qua ai chưa?”, anh TT sợ nên nói: “Bọn em mới vào đây, không biết gì cả, có gì anh cho em xin số điện thoại rồi anh em mình nói chuyện”. Sau đó C lấy số điện thoại của anh TT rồi L và C ra về. Khoảng 30 phút sau, do lo sợ nếu không làm luật với L và C thì L và C sẽ không cho gặt lúa ở xã Hiến Sơn nên anh TT chủ động gọi điện cho C hẹn gặp để nói chuyện. Sau đó, L và C đến đón anh TT và anh M đến quán cà phê Thắm Hạnh, thuộc xóm Hòa Long, xã Hiến Sơn. Tại đây, anh TT hỏi L và C: “Ở đây các anh gặt thế nào”. L liền nói: “Bây giờ muốn làm thì phải ký hợp đồng, chúng tôi sẽ bảo kê, đảm bảo về người và tài sản, còn nếu không ký thì không được làm, không được đưa máy ra khỏi cổng”. Anh TT hỏi tiếp: “Thế giá cả thế nào?”, L trả lời: “Bên em trả một sào một trăm ba cho nhà anh, lúa bổ, lúa xấu nâng lên mười nghìn là trăm tư, còn thu tiền của dân bao nhiêu là việc của nhà em”, anh TT hỏi tiếp: “Thế bên nào thu tiền?”. L trả lời: “Việc thu tiền thì bọn anh thu cũng được, bọn em thu cũng được, bọn anh thu thì mỗi sào trả 30.000 đồng cho nhà em”. Do anh TT muốn xem hợp đồng nên L nói C xuống mở cốp xe lấy hợp đồng lên đưa cho anh TT xem. Khi anh TT xem xong thì L nói: “Thế bọn mình định thế nào, không định ký phải không, không ai được làm hết” (Ý của L nói nếu không đồng ý ký hợp đồng thì không được đưa máy đi gặt). Do lo sợ không ký thì L và C sẽ không cho gặt lúa tại xã Hiến Sơn nên anh TT đã ký vào bản hợp đồng do L soạn sẵn. Sau khi về nhà, L giao nhiệm vụ cho C đi theo máy của anh TT và anh M để ghi số sào mà máy gặt được và thu tiền của chủ ruộng, giá bình quân mỗi sào 160.000 đồng. Sau đó đưa tiền về cho L tập hợp, cuối buổi L sẽ trả cho anh TT 130.000 đồng mỗi sào ruộng. Hoặc nếu chủ máy thu tiền thì thu của anh TT và anh Mi mỗi sào 30.000 đồng.

Đến 16 giờ 30 phút ngày 27 tháng 8 năm 2017, C nhờ Trần Đăng Ch sinh năm 1994, trú tại xóm 6, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương chở đến nhà bà Nguyễn Thị LL. Tại đây, C gặp anh TT, anh M và bà LL, C hỏi anh TT: “Khi nào máy đi gặt”, anh TT trả lời: “Sáng mai cho máy ra đồng”, C nói tiếp: “Cho em xin cái tiền gặt từ bữa giờ cho anh em uống nước cái”, anh TT nói: “Từ ngày vào đến nay chưa đi làm nên chưa có tiền”. Sau đó C và C đi về.

Đến khoảng 9 giờ ngày 28 tháng 8 năm 2017, khi máy của anh TT do chị LL gọi về đang gặt cho chị Nguyễn Thị Ch trú tại xóm Hòa Thanh, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương thì Nguyễn Quang C đến. Lúc này, anh Trần Văn M đang điều khiển máy, còn bà Nguyễn Thị LL đang đứng trông máy hộ anh TT. Khi thấy anh M đã gặt xong ruộng của chị CH, C đi đến chỗ chị Ch chủ ruộng nói: “Gặt xong rồi cho xin tiền gặt”, chị Ch hỏi “Mấy tiền”, C nói “Năm trăm rưỡi”, chị Ch nói lại “Thế thì không có tiền, khi nãy nhận có bốn trăm rưỡi, giờ chú đòi năm trăm rưỡi đắt rứa”. C nói tiếp: “Lấy đúng giá một sào trăm sáu” nên chị Ch nói C hỏi bà LL. C liền nói với chị Ch: “Rứa giờ gặt xong rồi phải trả tiền cho máy, mà bà nói không có tiền là răng, rứa thì để lúa lại, mần ri không được”. Rồi C nói với anh Nguyễn Bá Ấ (là người bốc lúa thuê cho bà Lai): “Họ chưa có tiền thì để lúa đó, không được bốc nữa” và không cho Ấ đưa lúa lên xe. Thấy vậy, bà Nguyễn Thị LL nói “Lúa này tau mua, giờ mi thích lấy mấy, lấy năm trăm hay triệu”, C nói: “Cháu lấy đúng giá, nếu mà rứa thì đưa đây bốn trăm rưỡi cũng được”. Do sợ, nếu không đưa tiền C sẽ không cho bốc lúa về cho chị Ch nên bà LL phải đưa cho Cảnh 500.000 đồng (Năm trăm nghìn đồng). Nhận tiền xong C yêu cầu anh M đưa máy gặt sang ruộng kế bên để gặt nhưng anh M và bà LL không đồng ý. Hai bên cãi nhau một lúc rồi anh M bảo máy hư và bỏ đi, còn C thì đi sang ruộng khác. Sau khi nghe thông tin mình nhận tiền của bà LL bị lộ, C mang tiền đến đưa cho anh Trần Văn M rồi đi về. Sau đó L và C đã đến công an huyện Đô Lương xin được đầu thú.

Tại bản cáo trạng số 92/VKS-HS ngày 22/11//2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã truy tố:

Bị cáo Lê Văn L về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo điểm c khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự

Bị cáo Nguyễn Quang C về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đô Lương vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị:

- Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 135, các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS xử phạt bị cáo Lê Văn L từ 03 năm đến 03 năm 06 tháng tù;

- Áp dụng khoản 1 Điều 135, các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS xử phạt bị cáo Nguyễn Quang C từ 01 năm – 01 năm 03 tháng tù. Dận sự: Miễn xét.

Bị cáo Lê Văn L, Nguyễn Quang C nhận tội và đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà; Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà; Trên cơ sở xem xét, đánh giá đầy đủ và toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. 

XÉT THẤY

Hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản bằng thủ đoạn đe dọa sẽ dùng vũ lực và ngăn không cho chuyển lúa đã gặt xong về nhà khiến cho bà LL phải đưa cho Nguyễn Quang C 500.000 đồng đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Số tiền các bị cáo chiếm đoạt chỉ 500.000 đồng nhưng bị cáo Lê Văn L phạm tội trong trường hợp tái phạm nguy hiểm nên bị truy tố theo điểm c khoản 2 Điều 135 BLHS và bị cáo Nguyễn Quang C bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Đô Lương truy tố theo khoản 1 Điều 135 BLHS là đúng người, đúng tội.

Xét tính chất vụ án: Vụ án có tính chất rất nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, cách thức thực hiện hành vi ngang ngược, coi thường pháp luật đã xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, làm mất trật tự trị an tại địa phương, gây hoang mang, bất bình trong quần chúng nhân dân. Bị cáo Lê Văn L đã 04 lần bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật nhưng không lấy đó làm bài học mà ngay sau khi ra tù một thời gian ngắn lại tiếp tục phạm tội. Bị cáo Nguyễn Quang C nhân thân xấu nên phải xét xử nghiêm khắc tương xứng với hành vi, vai trò phạm tội của các bị cáo mới có tác dụng răn đe và phòng ngừa chung. Tiếp tục duy trì biện pháp tạm giam đối với các bị cáo.

Xét vai trò, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo:

- Đối với bị cáo Lê Văn L: Là người khởi xướng, rủ rê bị cáo C. Tại thời điểm phạm tội không có tình tiết tăng nặng nào nhưng có 03 tình tiết giảm nhẹ là trong quá trình điều tra, xét xử bị cáo đã khai báo thành khẩn; hậu quả đã được khắc phục cho người bị hại; Sau khi phạm tội đã ra đầu thú; người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS. Vì vậy cần xem xét, giảm nhẹ cho bị cáo phần nào hình phạt để thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của pháp luật.

- Đối với bị cáo Nguyễn Quang C: Tham gia vụ án với vai trò đồng phạm. Tại thời điểm phạm tội bị cáo không có tình tiết tăng nặng nào nhưng có 03 tình tiết giảm nhẹ là trong quá trình điều tra, xét xử bị cáo đã khai báo thành khẩn; Tự nguyện khắc phục hậu quả cho người bị hại; Sau khi phạm tội đã ra đầu thú; người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS,

- Về hình phạt bổ sung: Các bị cáo nghề nghiệp, thu nhập không ổn định, không có tài sản gì có giá trị nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.

- Về dân sự: Người bị hại đã nhận lại tài sản, không có yêu cầu gì thêm nên HĐXX không xem xét.

- Về xử lý vật chứng: Không

- Về án phí: Bị cáo Lê Văn L và Nguyễn Quang C mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm theo quy định.

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Lê Văn L, Nguyễn Quang C phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”

- Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 135, các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Lê Văn L 03 (Ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam (29/8/2017)

- Áp dụng khoản 1 Điều 135, các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Quang C 01 (Một) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam (29/8/2017)

- Về dân sự: Miễn xét.

- Về án phí: Áp dụng Điều 98, Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án buộc bị cáo Lê Văn L, Nguyễn Quang C mỗi bị cáo phải chịu200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Các bị cáo có mặt quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

442
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 88/2017/HSST ngày 27/12/2017 về tội cưỡng đoạt tài sản

Số hiệu:88/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Vinh - Nghệ An
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:27/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về