Bản án 87/2018/DS-PT ngày 30/07/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

BẢN ÁN 87/2018/DS-PT NGÀY 30/07/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 31 tháng 7 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang công khai xét xử phúc thẩm vụ án thụ lý số 92/2017/TLPT-DS ngày 27 tháng10 năm 2017 về việc “tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 87/2017/DS-ST, ngày 28 tháng 9 năm 2017của Tòa án nhân dân thị xã L, tỉnh Hậu Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 219/2018/QĐ-PT, ngày 11 tháng 7 năm 2018, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị S, sinh năm: 1932.

Địa chỉ: Khu vực C, phường B, thị xã L, tỉnh Hậu Giang.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Lê Thị Ngọc D, sinh năm: 1983 (văn bản ủy quyền ngày 29/10/2015). (Có mặt)

Địa chỉ: Số Z, đường N, phường A, quận K, thành phố T.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Luật sư Trần Văn S – Văn phòng Luật sư L thuộc đoàn Luật sư thành phố T. (Có mặt)

2. Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm: 1948. (Có mặt) Địa chỉ: Khu vực C, phường B, thị xã L, tỉnh Hậu Giang.

Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Nguyễn Thành Vĩnh T, sinh năm: 1979.(theo văn bản uỷ quyền ngày 01/6/2016) (Có mặt)

Địa chỉ: Số 1, đường Q, phường W, thành phố V, tỉnh Hậu Giang. Có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1 Ủy ban nhân dân thị xã L, tỉnh Hậu Giang. Người đại diện theo ủy quyền bà Nguyễn Kim H (theo văn bản ủy quyền số 1054/QĐ-UBND ngày 29/7/2016). (Vắng mặt)

Địa chỉ: khu vực B, phường B, thị xã L, tỉnh Hậu Giang.

3.2 Ông Nguyễn Hữu Y, sinh năm: 1971. (Vắng mặt) Địa chỉ: khu vực C, phường B, thị xã L, tỉnh Hậu Giang.

3.3 Bà Thái Ngọc O, sinh năm: 1962. (Vắng mặt) Địa chỉ: ấp 8, xã P, thị xã L, tỉnh Hậu Giang.

3.4 Bà Thái Ngọc T, sinh năm: 1963. (Vắng mặt)

Địa chỉ: số 10, đường L, phường V, thành phố R, tỉnh K.

3.5 Bà Thái Thị E, sinh năm: 1965. (Vắng mặt)

Địa chỉ: đường X, phường Z, quận N, thành phố C.

3.6 Ông Thái Văn J, sinh năm: 1971. (Vắng mặt)

Địa chỉ: số 1, đường 2, khu vực 3, phường 4, quận N, thành phố C.

3.7 Ông Thái Văn K, sinh năm: 1968. (Có mặt)

Địa chỉ: khu vực C, phường B, thị xã L, tỉnh Hậu Giang.

3.8 Ông Thái Văn H (Vắng mặt)

HKTT: 111, đường 5, phường 6, quận N, thành phố C

3.9 Ông Thái Văn F (Vắng mặt) Địa chỉ: 3029, S, B, 95135, U.

3.10 Bà Nguyễn Thị Ngọc Y, sinh năm: 1956. (Vắng mặt) Địa chỉ: khu vực C, phường B, thị xã L, tỉnh Hậu Giang.

3.11 Bà Nguyễn Kim X, sinh năm: 1976 (Vắng mặt)

Địa chỉ: số 3, đường V, khu vực 7, phường 8, thành phố V, tỉnh Hậu Giang.

3.12 Ông Nguyễn Phước W, sinh năm: 1979 (Có mặt) Địa chỉ: khu vực C, phường B, thị xã L, tỉnh Hậu Giang. Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị S và ông Thái Văn K.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ thì nội dung vụ kiện như sau:

Trong đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Nguyễn Thị S là bà Lê Thị Ngọc D trình bày: Nguồn gốc phần đất tranh chấp là của cha mẹ cho bà S, chồng bà S là ông Thái Văn N đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hợp pháp vào năm 1997 và gia đình bà S sử dụng hơn 60 năm, giáp ranh với phần đất bà S sử dụng là đất của ông Đ, trong quá trình sử dụng ông Đ đã lấn chiếm qua phần đất của bà, bà S có ngăn cản nhưng không được nên hai bên phát sinh tranh chấp. Qua đo đạc thực tế phần đất nguyên đơn sử dụng còn thiếu so với diện tích được cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 217m2. Nay nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết buộc bị đơn Nguyễn Văn Đ trả lại phần đất lấn chiếm diện tích 217m2.

Tại biên bản hoà giải của Toà án và tại phiên tòa, đại diện theo uỷ quyền của bị đơn Nguyễn Văn Đ là ông Nguyễn Thành Vĩnh T trình bày: Nguồn gốc phần đất tranh chấp là của cha mẹ cho ông Đ, mặc khác đất và nhà hiện nay bà S đang sử dụng là tài sản thừa kế của cha mẹ để lại cho ông Đ, do bà S không sống được bên chồng nên vào năm 1968 ông Đ cho vợ chồng bà S ở đậu trong căn nhà thừa kế của ông Đ. Do là chị em trong gia đình nên khi ông Đ về địa phương sống thì ông Đ để bà S tiếp tục ở trong căn nhà của cha mẹ để lại, còn ông Đ cất nhà trên phần đất giáp ranh với nhà của cha mẹ để lại, trong quá trình sử dụng hai bên đã phân định ranh rõ ràng và sử dụng ổn định từ trước cho đến nay. Nay nguyên đơn cho rằng bị đơn lấn ranh thì bị đơn không đồng ý, yêu cầu được sử dụng ổn định như hiện trạng thực tế.

Tại bản tự khai ngày 31/7/2017 và tại phiên tòa hôm nay người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Thái Văn K trình bày: Nguồn gốc phần đất tranh chấp là của ông bà ngoại ông cho cha mẹ ông quản lý sử dụng từ trước đến nay, trong quá trình sử dụng ông Đ đã lấn chiếm qua phần đất của nguyên đơn, nay ông thống nhất với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ngoài ra ông không có yêu cầu gì.

Tại văn bản ngày 16/8/2017, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Nguyễn Hữu Y trình bày: Trong phần đất bà S đang quản lý sử dụng, có một phần đất tại thửa 195 do ông đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng phần đất trên từ trước đến nay bà S vẫn sử dụng ổn định, không tranh chấp và ông cũng không có yêu cầu gì.

Tại bản tự khai ngày 31/7/2017, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Nguyễn Thị Ngọc Y, Nguyễn Kim X, Nguyễn Phước W trình bày: Không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu được ổn định sử dụng, ngoài ra bà Y, bà X, ông W đồng ý giao toàn quyền lại cho ông Đ quyết định và định đoạt phần đất trên và không có yêu cầu gì.

Tại bản tự khai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Thái Văn H, Thái Văn J, Thái Thị E, Thái Ngọc T, Thái Ngọc O trình bày: Các đương sự là con của ông Thái Văn N và bà Nguyễn Thị S, ông H, ông J, bà E, bà T, bà O thống nhất với yêu cầu khởi kiện của bà S và không không yêu cầu gì.

Tại biên bản ghi lời khai ngày 23/02/2017, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Thái Văn F trình bày: Ông không có ý kiến gì đối với việc tranh chấp giữa bà S và ông Đ, phần đất tranh chấp không ảnh hưởng đến quyền lợi của ông và ông F từ chối tham gia tố tụng.

Tại bản tự khai ngày 22/8/2017, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Uỷ ban nhân dân thị xã L có đại diện theo uỷ quyền bà Nguyễn Kim H trình bày: Việc Uỷ ban nhân dân huyện L (nay là thị xã L) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 000378 cho hộ ông Thái Văn N là chưa đúng trình tự thủ tục, quy định của pháp lụât. Do trong đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất chỉ có ông Thái Văn N đăng ký nhưng lại cấp cho hộ Thái Văn N, thời điểm cấp giấy không phát sinh tranh chấp, đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00273 cho hộ ông Nguyễn Văn Đ do không trích lục được hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên Uỷ ban nhân dân thị xã L không thể trả lời trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được. Đối với việc tranh chấpranh đất giữa các đương sự bà H đề nghị Toà án giải quyết theo quy định pháp luật.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 87/2017/DS-ST, ngày 28/9/2017 của Tòa án nhân dân thị xã L tuyên xử:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị S về việc đòi lại phần đất 217m2 mà ông Đ lấn chiếm.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí dân sự sơ thẩm, chi phí thẩm định vàquyền kháng cáo của các đương sự theo quy định pháp luật.Ngày 28/9/2017 và ngày 09/10/2017, bà Nguyễn Thị S có đơn kháng cáo toàn bộ bản án và yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án dân sự sơ thẩm. Ngày19/10/2017, bà Nguyễn Thị S và ông Thái Văn K tiếp tục có đơn kháng cáoyêu cầu Tòa án xem xét lại Bản án sơ thẩm số 87/2017/DS-ST ngày 28/9/2017 của Tòa án nhân dân thị xã L, xác định ranh giới cho rõ ràng giữa phần đất bà S và phần đất của ông Đ.

Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là bà Lê Thị Ngọc D thay đổi yêu cầu kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đòi bị đơn trả lại diện tích đất theo các biên bản xem xét thẩm định tại chỗ trong quá trình xét xử phúc thẩm và sơ đồ phần đất tranh chấp ngày 04/7/2018 với diện tích đất là 214,5m2.

Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Căn cứ đề nghị chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là nguồn gốc đất do cha mẹ để lại, bà S đã sử dụng ổn định, quá trình sử dụng đất trước đây là phát sinh tranh chấp và được chính quyền xã I (cũ) hòa giải thành, cặm ranh vào năm 1991, có sự chứng kiến của gia tộc và chính quyền địa phương thể hiện chiều ngang phía sau là 14 mét, chiều ngang phía trước là 14 mét (có chừa lại cho ông Đ 01 mét làm lối đi). Diện tích đất nguyên đơn đang sử dụng thiếu so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp, còn bị đơn sử dụng thừa so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện trạng thực tế sử dụng đất của bà S chiều ngang phía trước so với biên bản hòa giải năm 1991 là thiếu hơn 3 mét nhưng nguyên đơn chỉ yêu cầu ổn định theo hiện trạng là công nhận phần đất tranh chấp diện tích 214,5m2 thể hiện tại sơ đồ thửa đất ngày 04/7/2018. Còn phần tranh chấp phía sau hiện trạng là một con mương được bà S và ông Đ sử dụng chung, trụ đá phía sau nhà tắm là trụ đá được chính quyền địa phương cặm vào năm 1991 để làm ranh, đúng là vị trí nửa mương khi nhìn thẳng về phía sau; còn chiều ngang tranh chấp cuối đất của ông Đ thì nguyên đơn yêu cầu xác định ranh là chia hai mỗi người một nửa. Luật sư đề nghị sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đòi lại diện tích đất tranh chấp214,5m2 theo lược đồ ngày 04/7/2018.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn là ông Nguyễn Thành Vĩnh T thống nhất diện tích tranh chấp là 214,5 m2 theo các Biên bản xem xét thẩm định trong quá trình xét xử phúc thẩm và sơ đồ thửa đất ngày 04/7/2018 với diện tích đất tranh chấp là 214,5m2. Xác định nguồn gốc đất là do cha mẹ để lại, sau khi cha mẹ chết, anh em trong gia đình tự phân chia và có giao cho bà S phần đất đang sử dụng hiện nay. Nguyên đơn cho rằng ông Đ lấn ranh nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Phần đất tranh chấp phía sau nhà là phần mương được bà S và ông Đ sử dụng chung từ trước đến nay. Phần đất tranh chấp phía trước chủ yếu do nguyên đơn sử dụng nên cho rằng bị đơn lấn ranh là không đúng. Phần đất giáp lộ (phần 1b, 3b) được ông Đ sử dụng làm lối đi từ trước đến nay, trụ hàng rào bị đơn đã xây dựng rất lâu, phía bà S không phản đối hay tranh chấp nhưng lại cho rằng ông Đ lấn ranh là không phù hợp. Biên bản hòa giải năm 1991 là biên bản giải quyết phấn đất có căn nhà của bà S nhưng hiện trạng sử dụng đất hiện nay của bà S cũng không đúng như nội dung Biên bản hòa giải năm 1991 nên không có giá trị làm căn cứ giải quyết vụ án. Nguyên đơn cho rằng trụ đá phía sau nhà tắm là trụ đá cặm vào năm1991 để xác định chiều ngang đất của bà S nhưng so với thực tế chiều ngang đất bà S nhiều hơn 14m. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp “đại trà” trên cơ sở tự đăng ký kê khai của chủ sử dụng, không đo đạc, ký giáp ranh, không phản ánh đúng thực tế sử dụng đất của các bên nên không thể căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tuy nhiên, do phần đất phía trước có căn nhà nguyên đơn đã sử dụng ổn định nên bị đơn không yêu cầu trả lại. Do không đủ căn cứ chứng minh bị đơn có lấn ranh đất của nguyên đơn nên ông T yêu cầu công nhận đất theo quá trình sử dụng và hiện trạng thực tế sử dụng, chấp nhận cho nguyên đơn sử dụng ổn định phần đất có nhà , nhà vệ sinh hiện hữu (phần 1a), các phần tranh chấp còn lại đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm nhân dân tỉnh Hậu Giang trình bày quan điểm: Quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và đương sự đã thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận phần đất tranh chấp theo quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất của các bên. Cụ thể, phần đất tranh chấp có căn nhà và vật kiến trúc (phần 1a, 3a) nguyên đơn đã sử dụng ổn định nên công nhận cho nguyên đơn là bà S và các đồng thừa kế của ông N là có căn cứ pháp luật. Đối với phần tranh chấp phía sau nhà (phần 2a, 2b), căn cứ vào hiện trạng sử dụng, công nhận theo đường thẳng là nửa mương, cụ thể theo lược đồ ngày 04/7/2018 thì có căn cứ chấp nhận theo ý kiến của nguyên đơn là công nhận phần tranh chấp 2b cho nguyên đơn, công nhận phần tranh chấp 2a cho bị đơn. Đối với phần tranh chấp 1b, 3b bị đơn đã sử dụng ổn định nên công nhận cho bị đơn. Bởi lẽ, nguồn gốc đất của ông Đ và hộ bà S là của cha mẹ để lại, sau khi cha mẹ của bà S và ông Đ chết, anh em tự phân chia, trong đó đất chia cho bà S và ông Đ giáp ranh nhau. Năm 1991, giữa bà S và ông Đ tranh chấp được chính quyền xã I (cũ) giải quyết xác định phần đất phía trước của bà S có chiều ngang 14m, nhưng hiện trạng thực tế sử dụng không đúng như Biên bản hòa giải năm 1991. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đ, qua trích lục không có hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn hộ bà S được cấp trên cơ sở tự đăng ký kê khai của chủ sử dụng đất, không phản ánh đúng hiện trạng sử dụng đất của các bên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

 [1] Về tố tụng:

 [1.1] Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Nguyễn Hữu Y, Thái Ngọc O, Thái Ngọc T, Thái Thị E, Thái Văn J, Thái Văn H, Thái Văn F, Nguyễn Thị Ngọc Y, Nguyễn Thị Kim X, Nguyễn Phước W, bà Nguyễn Kim H là đại diện theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân thị xã L có yêu cầu xin xét xử vắng mặt nên Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 227, Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để xét xử vắng mặt những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

 [1.2] Về thẩm quyền: Đây là vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất (ranh đất)”, có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Thái Văn F có quốc tịch H, cư trú tại số 3029, S, B, 95135, U. Tuy nhiên, tại văn bản ngày 23/02/2017 (bút lục số 165) về việc ghi nhận ý kiến của ông F thì ông không có ý kiến gì đối với việc tranh chấp giữa bà S và ông Đ, phần đất tranh chấp không ảnh hưởng đến quyền lợi của ông nên ông từ chối tham gia tố tụng. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 26, Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự thụ lý, giải quyết là đúng thẩm quyền.

 [1.3] Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 28/9/2017 và ngày 09/10/2017, bà Nguyễn Thị S có đơn kháng cáo đúng quy định tại các Điều 271, 272, 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nên được xem là hợp lệ và được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm. Đối với đơn kháng cáo ngày 19/10/2017 của bà Nguyễn Thị S và ông Thái Văn K được làm và nộp sau khi hết thời hạn kháng cáo nên được xem là không hợp lệ. Do đó, đối với kháng cáo lập ngày 19/10/2017 của bà Nguyễn Thị S, Hội đồng xét xử xem xét những nội dung không được vượt quá phạm vi kháng cáo theo đơn kháng cáo ngày 28/9/2017 và đơn kháng cáo ngày 09/10/2017.

 [2] Về nội dung vụ án:

 [2.1] Giữa bà S và ông Đ sử dụng phần đất giáp ranh với nhau, quá trình sử dụng đất bà S cho rằng ông Đ lấn ranh phần đất phía trước nhà chiều ngang 2,5m, ngang phía sau nhà chiều ngang 0,8m nên bà S khởi kiện yêu cầu ông Đ trả lại phần đất tranh chấp. Ông Đ cho rằng phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của ông, ông sử dụng ổn định từ trước đến nay nên ông Đ không đồng ý theo yêu cầu của bà S, yêu cầu được tiếp tục ổn định theo hiện trạng, do đó hai bên phát sinh tranh chấp. Quá trình giải quyết ở cấp sơ thẩm, bà S yêu cầu ông Đ trả lại phần đất tranh chấp diện tích 217m2. Tuy nhiên, theo lược đồ đo vẽ thể hiện tại Mảnh trích đo địa chính số 04/2017, ngày 10/8/2017 của Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang thì tổng diện tích đất tranh chấp là 240,7m2. Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ phần đất 217m2 nguyên đơn khởi kiệnđòi lại thể hiện ở vị trí nào của sơ đồ phần đất tranh chấp, trên phần đất tranh chấp có vật kiến trúc, cây trồng trên đất là của nguyên đơn hay của bị đơn.

 [2.2] Trong quá trình xét xử phúc thẩm, nguyên đơn bà S có yêu cầu xem xét, thẩm định lại phần đất tranh chấp. Tại Biên bản xem xét, thẩm định ngày 14/12/2017, Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 13/6/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang và Mảnh trích đo địa chính số 10/2018, ngày 04/7/2018 của Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang được các đương sự thống nhất thể hiện:

- Phần đất tranh chấp phía trước có vị trí ngay trụ hàng rào của ông Đ, chiều ngang đoạn ngay mí nhà trước của bà S là (1,96m + 0,5m) = 2,46m, chiều ngang phía sau gần nhà tắm của bà S là (1,28m + 1,04m + 0,5m) = 2,82m. Diện tích đất tranh chấp thể hiện tại phần tranh chấp tại vị trí (1a), (1b), (3a) và (3b) là 59,1m²+ 4,7m² + 12,1m² + 3,3m² = 79,2m2.

- Phần đất tranh chấp phía sau kế tiếp phần tranh chấp phía trước có chiều ngang là 1,28m, chiều ngang phía sau (hết đất của ông Đ) là 1,53m. Diện tích đất tranh chấp thể hiện tại phần tranh chấp số 2a là 36,9m2 và 2b là 98,4m2, tổng cộng là 135,3m2.

Tổng diện tích đất tranh chấp là 79,2m² + 135,3m² = 214,5m2. Đối chiếu với diện tích đất tranh chấp thể hiện tại Mảnh trích đo địa chính số 04/2017, ngày 10/8/2017 thì về diện tích và vị trí đất tranh chấp có sự khác nhau, cụ thể: Phần tranh chấp phía trước (vị trí có một phần căn nhà của bà S) có phát sinh thêm chiều ngang 0,5m so với diện tích đất tranh chấp thể hiện tại Mảnh trích đo địachính số 04/2017, ngày 10/8/2017; còn phần đất phía sau tiếp giáp phần diện tích đất tranh chấp phía trước thì diện tích đất tranh chấp có giảm so với Mảnh trích đo địa chính số 04/2017, ngày 10/8/2017. Hiện trạng phần đất tranh chấp tại Biên bản xem xét, thẩm định ngày 14/12/2017, Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 13/6/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang có những vật kiến trúc của nguyên đơn xây dựng gồm 03 lam cửa sổ có chiều ngang 0,4m, đường xi măng (cặp vách nhà của bà S) có chiều ngang 0,43m, mái tole có chiều ngang 0,52m, sê nô có chiều ngang 0,52m. Phần diện tích đất phát sinh thêm này, quá trình giải quyết cũng như tại phiên tòa sơ thẩm đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Thái Văn K đều khai là phần đất tranh chấp giữa hai bên từ khi ông Đ tự ý làm hàng rào tole vào năm 2016 lấn sang đất của nguyên đơn nên phát sinh tranh chấp. Tuy nhiên, phần đất tranh chấp này không thể hiện tại Mảnh trích đo địa chính số 04/2017 là có sai sót, nhầm lẫn trong quá trình đo đạc diện tích đất tranh chấp. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào Mảnh trích đo địa chính số 10/2018 ngày 04/7/2018, trong đó có phần diện tích đất tranh chấp là 214,5m2 làm căn cứ giải quyết vụ án.

 [2.3] Diện tích đất bà S đang sử dụng ổn định, không tranh chấp thể hiện Mảnh trích đo địa chính số 10/2018 là 2.704,5m2 gồm các thửa 1622, 195, 194. Phần đất thể hiện tại thửa 194 không tranh chấp sau khi trừ diện tích đất đo đạc tại các thửa 1622, 195 (theo Mảnh trích đo địa chính 04/2017) là: 2.704,5m2 – (525,1m2 + 448,1m2) = 1.731,3m2, so với diện tích thửa 194 được cấp giấy chứng nhận là 2.400m2, thiếu 668,7m2. Diện tích đất ông Đ sử dụng ổn định, không tranh chấp tại thửa 191 là 3.268m2, so với diện tích thửa 191 được cấp giấy chứng nhận là 2.743m2, thừa 525m2. Xét việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ ông Thái Văn N được cấp trên cơ sở Đơn đăng ký được Hội đồng đăng ký đất đai xã ký xác nhận hộ đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến ngày 15/10/1997 hộ ông N được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 000378. Còn ông Đ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 000273, ngày 16/6/1997, không trích lục được hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất. Qua xem xét hồ sơ đăng ký quyền sử dụng của hộ ông N và lời trình bày của các đương sự đã có đủ cơ sở xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông N và ông Đ là trên cơ sở cấp “đại trà” theo đơn đăng ký, không đo đạc, ký giáp ranh. Do đó, để xem xét yêu cầu khởi kiện của bà S thì ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, cần phải căn cứ vào nguồn gốc đất, các chứng cứ về quá trình sử dụng đất và hiện trạng thực tế sử dụng đất làm căn cứ giải quyết vụ án.

 [2.4] Xét về nguồn gốc đất, bà S và đại diện theo ủy quyền của bà S cho rằng là của cha là cụ Nguyễn Văn C (chết năm 1958) và mẹ là cụ Nguyễn Thị L (chết năm 1953) để lại, bà đã về ở trên phần đất này đã hơn 60 năm, ông Đ là em ruột của bà sử dụng phần đất giáp ranh. Còn phía ông Đ cho rằng đất bà S đang sử dụng là của cha mẹ cho ông vì ông là con trai út, sống chung với gia đình. Khi đó do ông Đ đi học không có ở nhà nên ông và anh chị em có cho bà S về lo thờ cúng. Sau khi ông đi học về thì ông và anh em trong gia đình thống nhất để căn nhà của cha mẹ và phần đất trên cho bà S sử dụng. Như vậy, Hội đồng xét xử có căn cứ xác định nguồn gốc đất các bên đang sử dụng là của cha mẹ để lại, được phân chia cho các anh em của bà S và ông Đ, trong đó phần đất của bà S và ông Đ giáp ranh nhau. Năm 1991, giữa bà S và ông Đ có phát sinh tranh chấp, được chính quyền địa phương xã I, huyện L, tỉnh Hậu Giang (cũ) giải quyết đi đến thống nhất chiều ngang đất của bà S là 04 tầm 02m, tức là 14m, còn chiều ngang giáp lộ nông thôn là 04 tầm 01m, tức là 13m.

 [2.5] Xét quá trình sử dụng phần đất tranh chấp đối với phần đất phía trước giáp lộ nông thôn đến hết nhà của bà S theo hiện trạng thực tế thể hiện phần lớn diện tích bà S sử dụng ổn định, trên đất có nhà, nhà vệ sinh, sân xi măng, đường đal xi măng cặp vách nhà chạy dài có chiều ngang 0,43m, khoảng không gian phía trên cặp vách nhà có 03 lam cửa ngang 0,4m, mái nhà ngang 0,52m và sê nô ngang 0,52m (phần đất thể hiện tại vị trí 1a, 3a). Còn ông Đ đang sử dụng phần đất đoạn gấp khúc tiếp theo đến trụ hàng rào của ông Đ và đoạn thẳng tiếp theo đến lộ nông thôn (phần đất thể hiện tại vị trí 1b, 3b). Năm 2016, do ông Đ dựng hàng rào tole cặp mí nhà của bà S nên phát sinh tranh chấp. Về hiện trạng sử dụng đất của ông Đ, bà S so với Biên bản hòa giải ngày 19/5/1991 thể hiện nội dung “Chiều ngang nền nhà phía sau 4 tầm 2 mét” “Cột ranh được quy định cách cột nhà 1 tầm trở về sau, cách vách nhà 6 tất gần cây xoài đã trồng cố định. Cây xoài, cây mít, hầm cá vồ vệ sinh giữ nguyên quyền sở hữu của bà S, ông Đ không quyền tranh cản” “Kể từ cột ranh phía sau nền nhà đến trước 8 tầm một mét, chiều ngang 4 tầm 2 mét, đó là diện tích của nền nhà và 1 cái sân trước nhà” “Kể từ sân đến phía lộ được quy định như sau, giáp sân chiều ngang 4 tầm 2 mét, từ sân ra đến lộ 2 tầm 2 thước, hàng rào tính từ mương trừ lại cho ông 9Đ 1 mét đường đi, chiều dài của hàng rào bong bụp còn 4 tầm 1 mét” thì diệntích đất được bà S và ông Đ thống nhất vào năm 1991 và diện tích đất thực tế hai bên sử dụng đến khi tranh chấp có sự khác nhau, cụ thể chiều ngang phía trước giáp lộ nông thôn bà S đang sử dụng là 9,87 mét, ít hơn (13m - 9,87m) = 3,13m; chiều ngang đoạn giữa tại đoạn gấp khúc ngay phía trước nhà của bà S là 14,28m, nhiều hơn 0,28m; chiều ngang phía sau đoạn từ nhà vệ sinh (nhà tắm) trở về sau0,70m là 18,51m, nhiều hơn 4,51m. Hội đồng xét xử xét thấy quá trình sử dụng,bà S có sữa chữa lại nhà và xây dựng những vật kiến trúc nêu trên được các bên thừa nhận là trên nền nhà cũ, phía ông Đ không có ý kiến gì phản đối hoặc tranh chấp; ngược lại ông Đ sử dụng phần phía trước làm lối đi ra lộ nông thôn, xây dựng trụ hàng rào (năm 1994) nhưng phía bà S vẫn không có ý kiến gì phản đối hoặc tranh chấp. Hiện trạng nhà, vật kiến trúc gắn liền với nhà bà S và trụ hàng rào của ông Đ, bà S và ông Đ đã sử dụng ổn định thời gian dài, không ai ngăn cản, tranh chấp nên Hội đồng xét xử có căn cứ tiếp tục ổn định phần đất tranh chấp theo hiện trạng thực tế sử dụng cho các bên. Cụ thể, công nhận và ổn định phần đất cho bà S tại vị trí (1a) và (3a) có diện tích là 59,1m2 + 12,1m2 = 71,2m2, như vậy diện tích chiều ngang đất của bà S được công nhận như sau: Ngang trước ngay trụ hàng rào của ông Đ đo thẳng ra lộ nông thôn là 9,87m; ngang đoạn giữa ngay vị trí gấp khúc theo hiện trạng sơ đồ thửa đất là 14,28m; ngang sau đoạn từ mí nhà vệ sinh của bà S trở về sau 0,7m là 18,51m. Công nhận và ổn định choông Đ phần đất tranh chấp tại vị trí (1b) và (3b) có diện tích là 4,7m² + 3,3m² =8m2.

 [2.6] Đối với phần tranh chấp phía sau hiện trạng là một phần mương mà bà S cho rằng là nữa mương của bà có vị trí là trụ đá được chính quyền xã cặm ranh vào năm 1991, còn ranh phía sau là ranh thẳng chạy dài tiếp giáp phần đất thửa195 của bà như hiện trạng ranh thẳng theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đãcấp cho hộ ông N và ông Đ nhưng do nửa mương bên phía ông Đ, ông Đ là bồi đắp một phần nên hiện trạng không còn đúng như thực tế. Đại diện theo ủy quyền của ông Đ cũng thừa nhận và thống nhất mỗi người nửa mương theo hiện trạng thực tế. Hội đồng xét xử xét thấy, con mương này đã có sẵn từ trước do ông bà để lại được bà S và ông Đ khai thống nhất sử dụng chung từ trước đến nay, chủ yếu nhằm mục đích sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Chiều ngang phần đất hướng gần vị trí nhà bà S là 1,28m (cách nhà tắm của bà S trở về sau 0,7m); tại vị trí trụ đá bà S cho rằng là ranh nhìn thẳng theo con mương hiện hữu là nữa mương, còn vị trí ông Đ cho rằng là ranh nhìn thẳng theo con mương lấn sang phần mé bờ của bà S nên có căn cứ xác định trụ đá do bà S chỉ ranh là ranh giữa bà S và ông Đ. Chiều ngang phần tranh chấp phía sau là 1,53m hiện trạng thực tế là toàn bộ mương và mé bờ của ông Đ, bà S cho rằng đó là nửa mương trước đây, nửa mương còn lại ông Đ đã lắp nhưng phía bị đơn không thừa nhận, bà S không cung cấp được chứng cứ quá trình sử dụng ông Đ có bồi đắp phần nửa mương giáp đất của ông Đ. Xét thấy diện tích đất bà S đang sử dụng nếu tính luôn phần đất tranh chấp vẫn còn thiếu so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, còn diện tích đất ông Đ đang sử dụng chưa tính phần đất tranh chấp so với giấychứng nhận quyền sử dụng đất đã thừa 525m2; vị trí đất bà S sử dụng tại thửa 195 tiếp giáp với thửa 194 là ngay vị trí trụ cây mà bà S cho rằng là ranh, còn vị trí trụtre mà ông Đ cho rằng là ranh thì hình thể đất của bà S sẽ có đoạn gấp khúc. Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của bà S và ông Thái Văn K đồng ý chia hai chiều ngang phần tranh chấp 1,53m, mỗi người một nửa. Xét ý kiến của đại diện theo ủy quyền của bà S và ông K là tự nguyện, có vị trí nhìn thẳng ra trụ đá là ranh đã xác định nêu trên tương đương nữa mương nên Hội đồng xét xử chấp nhận. Cụ thể, công nhận phần đất tranh chấp tại vị trí (2b) có diện tích 98,4m2 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà S và các đồng thừa kế của ông N, công nhận phần tranh chấp tại vị trí (2a) có diện tích 36,9m2 thuộc quyền sử dụng của ông Đ.

 [2.7] Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số K324732 số vào sổ 000378 được Ủy ban nhân dân huyện L (cũ) cấp ngày 15/10/1997 tại thửa đất 194 là cấp cho hộ ông Thái Văn N. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án bà S, các concủa bà S và ông N đều thống nhất đây là tài sản chung của bà S và ông N được hình thành trong thời kỳ hôn nhân của bà S và ông N. Sau khi ông N chết thì tải sản của ông N để lại cho hàng thừa kế thứ nhất của ông Nhu bao gồm: bà Nguyễn Thị S (vợ ông N) và các con của ông N là Thái Văn K, Thái Văn H, Thái Văn J, Thái Thị E, Thái Ngọc T, Thái Ngọc O, Thái Văn F. Riêng ông Thái Văn F tại văn bản ngày 23/02/2017 thì ông F không có ý kiến gì đối với phần đất tranh chấp và từ chối tham gia tố tụng nên Hội đồng xét xử công nhận phần đất tranhchấp thuộc sở hữu chung của bà S và các đồng thừa kế của ông Nhu gồm TháiVăn K, Thái Văn H, Thái Văn J, Thái Thị E, Thái Ngọc T, Thái Ngọc O.

 [2.8] Hộ ông Đ có nghĩa vụ tự tháo dỡ, đốn bỏ, di dời vật kiến trúc, cây trồng (nếu có) trên phần đất công nhận cho bà S và các đồng thừa kế của ông N; ngược lại bà S và các đồng thừa kế của ông N có nghĩa vụ tự tháo dỡ, đốn bỏ, di dời vật kiến trúc, cây trồng (nếu có) trên phần đất công nhận cho ông Đ, khoảng không gian theo chiều thẳng đứng. Các đương sự có quyền, nghĩa vụ liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phù hợp với hiện trạng sử dụng.

 [3] Từ những nhận định nêu trên, xét kháng cáo của bà S là có căn cứ chấp nhận một phần. Bản án sơ thẩm nhận định phần mương phía sau mỗi người nửa mương (phần tranh chấp 2a, 2b), phần tranh chấp phía trước (phần tranh chấp 1a, 1b, 3a, 3b) có nhà và vật kiến trúc bà S xây dựng từ rất lâu, không ai phản đối nên mặc định là ranh theo hiện trạng sử dụng nhưng lại tuyên xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là mâu thuẩn, không đúng pháp luật.

 [4] Ý kiến của đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, ông K và luật sư bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn yêu cầu công nhận toàn bộ diện tích đất tranh chấp 214,5m2 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà S nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh phần đất ông Đ đang sử dụng (1b, 3b, 2a) là do ông Đ có lấn ranh nên không có căn cứ chấp nhận.

 [5] Ý kiến của đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Đ đề nghị công nhận phần tranh chấp 1a cho bà S, các phần tranh chấp còn lại công nhận cho ông Đ nhưng thực tế các phần tranh chấp 3a, 2b bà S sử dụng ổn định nên không có căn cứ chấp nhận. 

 [6] Về án phí dân sự sơ thẩm: Do vụ án thụ lý sơ thẩm trước ngày 01/01/2017 nên căn cứ Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về quy định mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phía Tòa án, bà S, ông Đ mỗi người phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không giá ngạch là 200.000 đồng.

 [7] Về án phí dân sự phúc thẩm: Không đương sự nào phải chịu.

 [8] Về chi phí tố tụng khác: Chi phí đo đạc, xem xét thẩm định quá trình xét xử sơ thẩm là 5.570.694 đồng và chi phí đo đạc, xem xét thẩm định quá trình xét xử phúc thẩm là 8.909.492 đồng, tổng cộng là 14.480.186 đồng. Bà S phải chịu 4.480.186 đồng, ông Đ phải chịu 10.000.000 đồng. Ông Đ đã nộp tạm ứng số tiền 3.700.000 đồng, còn lại do bà S đã nộp nên ông Đ phải nộp thêm số tiền 6.300.000 đồng để trả lại cho bà S.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ:

QUYẾT ĐỊNH

- Khoản 2 Điều 308, Điều 309, Điều 147, Điều 148, Điều 157, Điều 158, khoản 1 Điều 227, Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Các Điều 26, 166, 170 và 203 Luật Đất đai năm 2013; Điều 166 của Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về qui định mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Chấp nhận một phần kháng cáo của bà Nguyễn Thị S.

Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 87/2017/DS-ST, ngày 28/9/2017 của Tòa án nhân dân thị xã L, tỉnh Hậu Giang.

Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị S.

1. Công nhận cho bà Nguyễn Thị S và các đồng thừa kế của ông Thái Văn N (chết) gồm bà Nguyễn Thị S, Thái Ngọc T, Thái Ngọc O, Thái Thị E, Thái Văn J, Thái Văn K, Thái Văn H phần đất tranh chấp có diện tích là 169m2 thể hiện tại vị trí số (1a), (3a) và (2b) Mảnh trích đo địa chính số 10/2018, ngày 04/7/2018 của Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên – Môi trường tỉnh Hậu Giang, có hình thể và kích thước như sau:

- Phần tranh chấp (1a) và (3a): Có diện tích là 71,2m2, là hình tứ giác, có số đo đoạn thẳng giáp với phần đất còn lại của bà S là (0,7m + 1,96m + 19,72m + 6,20m + 3,91m) = 32,49m, đoạn thẳng giáp với phần tranh chấp tại vị trí (2b) và phần đất ông Nguyễn Văn Đ đang sử dụng ổn định là (1,28m + 1,04m + 0,5m) = 2,82m, đoạn thẳng giáp với phần đất còn lại của ông Nguyễn Văn Đ là 23,20m, đoạn thẳng còn lại giáp với phần đất tại vị trí (1b) và (3b) công nhận cho ông Nguyễn Văn Đ là (2,12m + 7,44m) = 9,56m.

- Phần tranh chấp tại vị trí (2b): Có diện tích 98,4m2, là hình tứ giác, có sốđo đoạn thẳng giáp phần tranh chấp tại vị trí (1a) là 1,28m, đoạn thẳng giáp phần đất còn lại của bà Nguyễn Thị S là 97,78m, đoạn thẳng giáp với phần tranh chấp tại vị trí (2a) là 97,84m, đoạn thẳng còn lại là 0,765m.

2. Công nhận cho hộ ông Nguyễn Văn Đ phần đất tranh chấp có diện tích là 44,9m2 thể hiện tại vị trí (2a), (1b) và (3b) Mảnh trích đo địa chính số 10/2018, ngày 04/7/2018 của Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên – Môi trường tỉnh Hậu Giang, có hình thể và kích thước như sau:

- Phần tranh chấp tại vị trí (1b) và (3b): Có diện tích là 8m2, là hình tam giác, có số đo đoạn thẳng giáp với phần tranh chấp tại vị trí (1a) và (3a) là (2,12m

+ 7,44m) = 9,56m, 02 đoạn thẳng giáp với phần đất còn lại của ông Nguyễn Văn Đ lần lược có số đo là 6,85m và 3,37m.

- Phần tranh chấp tại vị trí (2a): Có diện tích 36,9m2, là hình tam giác, có số đo đoạn thẳng giáp phần đất còn lại của ông Nguyễn Văn Đ là 97,70m, đoạn thẳng giáp với phần tranh chấp tại vị trí (2b) là 97,84m, đoạn thẳng còn lại là 0,765m. (Kèm theo Mảnh trích đo địa chính số 10/2018, ngày 04/7/2018 của Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên – Môi trường tỉnh Hậu Giang).

3. Hộ ông Nguyễn Văn Đ có nghĩa vụ tự tháo dỡ, đốn bỏ, di dời vật kiến trúc, cây trồng (nếu có) trên phần đất công nhận cho bà Nguyễn Thị S và các đồng thừa kế của ông N; ngược lại bà Nguyễn Thị S và các đồng thừa kế của ông N có nghĩa vụ tự tháo dỡ, đốn bỏ, di dời vật kiến trúc, cây trồng (nếu có) trên phần đất công nhận cho ông Nguyễn Văn Đ, khoảng không gian theo chiều thẳng đứng. Các đương sự có quyền, nghĩa vụ liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phù hợp với hiện trạng sử dụng.

4. Án phí dân sự sơ thẩm:

- Nguyên đơn bà Nguyễn Thị S phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng), khấu trừ số tiền tạm ứng án phí nguyên đơn đã nộp là 200.000 đồng theo biên lai thu số 0005885 phiếu lập ngày 02/6/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã L, tỉnh Hậu Giang thành án phí dân sự sơ thẩm

- Ông Nguyễn Văn Đ phải nộp 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) tại Chi cục Thi hành án dân sự thị xã L, tỉnh Hậu Giang.

5. Án phí dân sự phúc thẩm: Không đương sự nào phải chịu. 

Bà Nguyễn Thị S được nhận lại tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền số 0012141, phiếu lập ngày 09/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã L, tỉnh Hậu Giang.

6. Về chi phí tố tụng khác: Chi phí đo đạc, xem xét thẩm định tổng cộng là 14.480.186 đồng (mười bốn triệu bốn trăm tám mươi nghìn một trăm tám mươi sáu đồng). Bà Nguyễn Thị S phải chịu 4.480.186 đồng (bốn triệu bốn trăm tám mươi nghìn một trăm tám mươi sáu đồng), ông Nguyễn Văn Đ phải chịu 10.000.000 đồng (mười triệu đồng). Ông Nguyễn Văn Đ đã nộp tạm ứng số tiền3.700.000 đồng (ba triệu bảy trăm nghìn đồng), còn lại do bà Nguyễn Thị S đã nộp nên ông Nguyễn Văn Đ phải nộp thêm số tiền 6.300.000 đồng (sáu triệu ba trăm nghìn đồng) để trả lại cho bà Nguyễn Thị S.

Trường hợp bản án được thi hanh theo Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

328
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 87/2018/DS-PT ngày 30/07/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:87/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hậu Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 30/07/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về