Bản án 87/2017/DS-ST ngày 12/09/2017 về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN GIỒNG TRÔM, TỈNH BẾN TRE

BẢN ÁN 87/2017/DS-ST NGÀY 12/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN

Ngày 12 tháng 9 năm 2017, tại hội trường xét xử, Toà án nhân dân huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 79/2017/TLST-DS ngày 28 tháng 4 năm 2017 về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 118/2017/QĐXXST-DS ngày 07 tháng 8 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1.  Ông Nguyễn H, sinh năm: 1970;

2.  Bà Nguyễn D, sinh năm: 1976;

Cùng cư trú tại: ấp M, xã T, huyện Tr, tỉnh Bến Tre; có mặt

- Bị đơn:

1. Ông Nguyễn T, sinh năm: 1978;

2. Bà Phạm Th, sinh năm: 1983;

Cùng cư trú tại: ấp H, xã B, huyện G, tỉnh Bến Tre; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 14/4/2017, bản tự khai, biên bản hòa giải, nguyên đơn là ông Nguyễn H, bà Nguyễn D trình bày:

Vào năm 2016, vợ chồng ông và vợ chồng bị đơn là ông Nguyễn T và bà Phạm Th có hợp đồng miệng với nội dung là vợ chồng ông giao meo nấm rơm và phân thuốc cho vợ chồng ông T, bà Th làm nấm rơm khi thu hoạch thì ông H, bà D thu mua lại nấm cho vợ chồng ông T, bà Th và sau khi trừ tiền meo nấm rơm và phân thuốc thì ông H, bà D sẽ thanh toán cho vợ chồng ông T, bà Th số tiền còn lại.

Quá trình thực hiện, khi vợ chồng ông T, bà Th thu hoạch nấm thì ông H, bà Dđến thu  mua được 02 ngày với giá là 45.000 đồng/kg và 43.000 đồng/kg. Sau đó, đối với số meo nấm rơm và phân thuốc còn lại trị giá là 4.441.000 đồng thì ông T, bà Th cho rằng ông H, bà D thu mua rẻ và có yêu cầu thu giá cao thì mới bán nhưng ông H, bà D không đồng ý thu mua giá cao vì giá nấm là theo giá thị trường. Ông bà thu mua của ông T, bà Th cũng như thu mua của những người khác, nếu mua cao thì sẽ không có lời. Ông H, bà D có nói với ông T là nếu ai thu mua giá cao hơn giá của ông H, bà D đưa ra thì ông T cứ bán cho người đó. Do khi thu hoạch xong, ông T và bà Th còn nợ ông bà số tiền mua meo nấm rơm và phân thuốc trị giá là 4.441.000 đồng nên ông bà yêu cầu ông T, bà Th phải trả lại số tiền này, không yêu cầu tính lãi.

- Tại bản tự khai, biên bản hòa giải, bị đơn là ông Nguyễn T, bà Phạm Th trình bày:

Giữa vợ chồng ông bà với vợ chồng ông H, bà D có hợp đồng miệng về việc mua bán như ông H, bà D trình bày. Vợ chồng ông T, bà Th có nhận meo nấm rơm và phân thuốc của ông H, bà D trị giá là 4.441.000 đồng. Sau khi nhận meo và phân thuốc làm nấm thì ông bà sản xuất nấm, đến khi thu hoạch nấm thì vợ chồng ông H, bà D có lên thu mua nấm 02 ngày nhưng ông T cho rằng ông H, bà D thu mua nấm giá rẻ và yêu cầu ông H, bà D mua giá cao hơn để ông bà bán có lời nhưng ông H, bà D không đồng ý mà nói với ông bà là ai thu mua giá cao thì bán. Sau đó, ông bà cũng đồng ý với giá của ông H thu mua nhưng ông H lại không đồng ý mua nên ông bà phải bán cho người khác với giá rất thấp và phải chịu tổn thất. Vì vậy, nay theo yêu cầu của ông H, bà D thì ông bà chỉ đồng ý trả lại cho nguyên đơn số tiền là 3.000.000 đồng vì ông bà đã chịu thiệt hại do nguyên đơn không thu mua nấm là 1.400.000 đồng, phần này nguyên đơn phải chịu cho ông bà.

Do hòa giải không thành, Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm đã đưa vụ án ra xét xử vào ngày 25/8/2017 nhưng bị đơn vắng mặt. Tại phiên tòa được mở lại, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1].Về tố tụng:

Ông Nguyễn T và bà Phạm Th là bị đơn trong vụ án đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt. Theo quy định tại các Điều 227, 228 của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án vắng mặt ông T, bà Th.

[2].Về nội dung:

Nguyên đơn và bị đơn đều thống nhất nội dung là vào năm 2016, giữa vợ chồng ông Nguyễn H, bà Nguyễn D và vợ chồng ông Nguyễn T, bà Phạm Th có hợp đồng mua bán meo nấm rơm và phân thuốc để sản xuất nấm rơm. Hợp đồng của các bên được thỏa thuận bằng lời nói. Theo đó, ông H và bà D cung cấp meo nấm và phân thuốc để ông T, bà Th thực hiện việc trồng nấm, việc thanh toán số tiền meo nấm rơm và phân thuốc được thực hiện khi đến ngày thu hoạch nấm. Theo đó, khi đến ngày thu hoạch thì ông H bà D sẽ thu mua toàn bộ nấm và thanh toán cho ông T, bà Th số tiền còn lại sau khi trừ đi số tiền meo nấm và phân thuốc.

Các đương sự cùng thống nhất số tiền vợ chồng ông T, bà Th có nhận meo nấm rơm và phân thuốc của ông H, bà D trị giá là 4.441.000 đồng. Tuy nhiên, do đến ngày thu hoạch các bên không thỏa thuận được với nhau về giá thu mua nên ông H, bà D không thực hiện được việc thu mua nấm rơm của ông T, bà Th như thỏa thuận. Trong năm 2016, ông H, bà D đã khiếu nại sự việc đến chính quyền nơi bị đơn cư trú để các bên hòa giải với nhau nhưng hòa giải không thành nên ông H, bà D khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết.

Theo ông H, bà D là ông bà đã mua theo giá thị trường nhưng do ông T, bà Th cho rằng ông H, bà D thu mua rẻ và có yêu cầu thu giá cao thì mới bán. Ông bà không đồng ý và có nói với ông T là nếu ai thu mua giá cao hơn giá của ông H, bà D đưa ra thì ông T cứ bán cho người đó và yêu cầu trả lại số tiền meo nấm rơm và phân thuốc là 4.441.000 đồng.

Ông T, bà Th thì cho rằng ông H, bà D thu mua nấm giá rẻ và yêu cầu ông H, bà D mua giá cao hơn để ông bà bán có lời nhưng ông H, bà D không đồng ý mà nói với ông bà là ai thu mua giá cao thì bán. Sau đó, ông T, bà Th cũng đồng ý với giá của ông H thu mua nhưng ông H lại không đồng ý mua nên ông bà phải bán cho người khác với giá rất thấp và phải chịu tổn thất nên chỉ đồng ý trả lại 3.000.000 đồng.

Xét việc các bên có thỏa thuận khi hợp đồng là ông H, bà D sẽ thu mua khi đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch các bên không thể thực hiện việc mua bán nên có thỏa thuận là đồng ý để cho ông T, bà Th bán cho người thứ ba nếu có lợi nhuận nhiều hơn. Việc ông T, bà Th cho rằng sau đó ông đồng ý bán với ông H, bà D theo giá ông H đưa ra nhưng không được ông H chấp nhận là ý kiến đơn phương và phát sinh sau khi các bên đã thỏa thuận cho ông T, bà Th bán cho người thứ ba. Cho nên, việc bán giá cao hơn hay thấp hơn là do ông T, bà Th thực hiện. Các bên đã thỏa thuận thống nhất việc để ông T, bà Th bán cho người khác nên ông H không chịu hậu quả của việc này. Khi tiến hành hòa giải tại Tòa án, bị đơn có ý kiến đồng ý trả cho nguyên đơn 4.441.000 đồng nhưng với điều kiện nguyên đơn phải bồi thường thiệt hại cho bị đơn. Tòa án đã ấn định ngày cho bị đơn thực hiện việc phản tố bồi thường thiệt hại nhưng phía bị đơn không thực hiện, từ bỏ quyền này.

Do có mua bán và còn nợ tiền chưa thanh toán là 4.441.000 đồng nên Hội đồng xét xử xét thấy có cơ sở để buộc ông T, bà Th phải trả lại cho ông H, bà D số tiền còn thiếu là 4.441.000 đồng.

Ông H, bà D không có yêu cầu tính lãi nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[3].Về án phí:

Ông T, bà Th phải chịu án phí là 300.000 đồng. Ông H, bà D không phải chịu án phí nên được trả lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng .

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 688, Điều 357 của Bộ luật dân sự 2015, các Điều 428, 438 của Bộ luật dân sự 2005, Điều 147, 227, 228 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 27 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án, tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn H, bà Nguyễn D đối với ông Nguyễn T, bà Phạm Th về việc yêu cầu thanh toán số tiền meo nấm rơm và phân thuốc sản suất nấm rơm.

Buộc ông Nguyễn T, bà Phạm Th phải có nghĩa vụ liên đới trả cho ông Nguyễn H, bà Nguyễn D số tiền là 4.441.000 đồng (Bốn triệu bốn trăm bốn mươi mốt nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của ông Nguyễn H, bà Nguyễn D, nếu ông Nguyễn T, bà Phạm Th chưa thi hành án thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả, lãi suất phát sinh do chậm trả là 10%/năm trên số tiền chậm trả.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Buộc ông Nguyễn T, bà Phạm Th phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng); ông T, bà Th còn phải nộp đủ số tiền này.

Ông Nguyễn H, bà Nguyễn D không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm nên được trả lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 0006741 ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Giồng Trôm.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, nguyên đơn có quyền kháng cáo bản án này để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm. Đối với bị đơn vắng mặt tại phiên tòa, thời hạn kháng cáo được tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

361
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 87/2017/DS-ST ngày 12/09/2017 về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản

Số hiệu:87/2017/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Giồng Trôm - Bến Tre
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 12/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về